Chính sách ấn định giá của chính phủ

Chính sách ấn định giá của chính phủ

Chúng ta đã xem xét một số tác động của việc chính phủ định giá hàng hóa cao hơn mức bình thường trên các thị trường tự do. Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét hậu quả của việc chính phủ định mức hàng hóa thấp hơn so với mức bình thường trên thị trường.

Trong thời đại của chúng ta, việc này lại được thực hiện bởi phần lớn các chính phủ trong thời chiến. Trong chương này, chúng ta sẽ không xem xét sự khôn ngoan của chính phủ khi định giá hàng hóa trong thời chiến. Thời chiến, toàn bộ nền kinh tế phải được kiểm soát, và chúng ta sẽ đi quá xa khỏi khuôn khổ của cuốn sách nếu muốn xem xét những yếu tố phức tạp của nền kinh tế trong thời chiến. Nhưng tại hầu hết các quốc gia, việc chính phủ định giá trong thời chiến, cho dù có khôn ngoan hay không, thường được tiếp tục trong khoảng thời gian dài sau chiến tranh, khi những lý do ban đầu được đưa ra để làm việc này không còn tồn tại nữa.

Sự lạm phát trong thời chiến là lý do chính tạo ra sức ép cho việc phải đưa ra những mức giá cố định. Tại thời điểm cuốn sách này được viết, khi mọi quốc gia đều đang bị lạm phát mặc dù phần lớn đang trong thời bình, việc kiểm soát giá thường được nghĩ đến, ngay cả khi chúng chưa được áp dụng. Dù các chính sách này luôn có hại, thậm chí là rất có hại, về mặt kinh tế, chúng có ít nhất một lợi ích chính trị xét từ phương diện của những người quản lý kinh tế. Chúng khiến cho người dân nghĩ việc hàng hóa tăng giá là do sự tham lam và bóc lột của các doanh nhân chứ không phải do các chính sách tiền tệ gây lạm phát của chính những người quản lý kinh tế và hoạch định chính sách.

Trước hết, chúng ta hãy cùng xem xét điều gì sẽ xảy ra khi chính phủ cố gắng giữ giá của một hàng hóa hay một nhóm hàng hóa thấp hơn mức bình thường trên thị trường cạnh tranh tự do.

Khi chính phủ đưa ra mức giá trần cho một số mặt hàng, họ thường chọn các nhu yếu phẩm nhằm đảm bảo rằng người nghèo cũng có thể mua được những mặt hàng đó ở một mức giá “hợp lý”. Hãy cùng giả sử rằng các mặt hàng được chọn là bánh mỳ, sữa và thịt.

Lý luận được đưa ra để giải thích cho việc giữ giá của các mặt hàng đó ở mức thấp sẽ như sau: nếu chúng ta để thị trường tự do định giá thịt bò, giá thịt bò sẽ bị đẩy lên do những đơn đặt hàng mang tính cạnh tranh và cuối cùng, chỉ người giàu mới mua nổi thịt bò. Thịt bò sẽ được phân phối không tương ứng với nhu cầu mà với sức mua của mọi người. Nếu chúng ta giữ giá thịt bò ở mức thấp, mọi người đều sẽ có được phần thịt bò của mình.

Điều đầu tiên ta cần chú ý là: nếu lý luận này đúng thì chính sách giữ giá thấp được áp dụng chỉ là một chính sách nửa vời; bởi nếu họ nói rằng ở mức giá 2,25 cent một pound, sự phân phối thịt bò bị quyết định bởi sức mua thay vì nhu cầu, thì ở mức giá “trần” 1,5 cent một pound, điều quyết định sự phân phối vẫn là sức mua, cho dù ở một mức độ thấp hơn một chút, chứ không phải nhu cầu. Lý luận kiểu “sức mua thay vì nhu cầu” này thực ra có thể được áp dụng ở bất kỳ mức giá nào, trừ khi chúng ta không bán nữa mà phát không thịt bò cho người dân.

Song lúc khởi đầu, các chính sách đưa ra mức giá trần thường nhằm mục đích “giữ cho mức chi phí sinh hoạt không tăng”, và những người ủng hộ các chính sách này cho rằng có một điều gì đó “đặc biệt bình thường”, thậm chí là thiêng liêng, trong mức giá thị trường tại thời điểm họ bắt đầu các chính sách kiểm soát giá. Mức giá này - mức giá tại thời điểm họ bắt đầu kiểm soát giá cả hoặc một mức giá trước đó - sẽ được coi là “hợp lý”. Bất kỳ mức giá nào cao hơn thế sẽ bị coi là “bất hợp lý” mà không xem xét đến những thay đổi trong điều kiện sản xuất và mức nhu cầu trên thị trường kể từ khi mức giá cố định được thiết lập.

Để thảo luận vấn đề này, chúng ta không nên giả sử rằng chính sách kiểm soát giá sẽ đưa ra một mức giá ngang bằng mức giá của thị trường tự do, bởi điều này sẽ khiến cho việc kiểm soát giá trở nên vô nghĩa. Chúng ta phải giả sử rằng sức mua của dân chúng lớn hơn lượng hàng hóa có trên thị trường, và rằng các mức giá đang bị chính phủ giữ ở mức thấp hơn so với mức bình thường trên thị trường tự do.

Việc giữ giá của một hàng hóa thấp hơn mức giá của thị trường sớm hay muộn sẽ dẫn đến hai điều sau. Điều thứ nhất là cầu đối với loại hàng hóa đó sẽ tăng. Bởi mặt hàng đó trở nên rẻ hơn, người dân sẽ muốn và có thể mua được nhiều hơn. Điều thứ hai là cung của loại hàng hóa đó sẽ giảm. Bởi dân chúng mua nhiều hơn, lượng sản phẩm đã được tích trữ sẽ sớm bị bán hết. Bên cạnh đó, việc sản xuất sẽ bị ảnh hưởng bởi mức lợi nhuận biên giảm đi hoặc không còn nữa. Các nhà sản xuất có hiệu suất thấp sẽ ngừng sản xuất. Ngay cả các nhà sản xuất có hiệu suất cao cũng có thể phải chịu lỗ khi bán sản phẩm của mình. Điều này đã xảy ra trong Thế Chiến II khi Văn phòng quản lý giá yêu cầu các cơ sở giết mổ động vật thực hiện việc giết mổ và xử lý thịt với mức giá thấp hơn chi phí mua vật nuôi sống và lương cho lao động của họ.

Vì vậy, nếu chúng ta không tác động gì, việc cố định mức giá trần cho một loại hàng hóa nhất định sẽ tạo ra sự khan hiếm loại hàng hóa đó. Nhưng đây là điều ngược lại với những gì các nhà quản lý kinh tế của nhà nước muốn đạt được từ đầu, bởi chính những mặt hàng họ lựa chọn để cố định giá trần là những mặt hàng mà họ muốn có nhiều trên thị trường. Nhưng khi họ làm giảm lương và thu nhập của các nhà sản xuất ra những nhu yếu phẩm này mà không làm giảm lương và lợi nhuận của các nhà sản xuất các mặt hàng không quan trọng bằng (ví dụ như xa xỉ phẩm), họ trên thực tế đã ngăn trở sự sản xuất các nhu yếu phẩm bị kiểm soát giá và khuyến khích sự sản xuất của mặt hàng không quan trọng bằng.

Sau một thời gian, các nhà quản lý kinh tế sẽ nhận ra những hậu quả này và sẽ áp dụng các công cụ và chính sách kiểm soát khác nhằm cứu vãn tình thế. Một số công cụ và chính sách thường được sử dụng là chính sách phân phối theo khẩu phần, chính sách kiểm soát chi phí đầu vào, trợ cấp và kiểm soát giá của toàn bộ các loại hàng hóa. Chúng ta hãy cùng xem xét các công cụ và chính sách này.

Khi sự khan hiếm của một loại hàng hóa nào đó trở nên rõ ràng trên thị trường do việc áp đặt một mức giá thấp hơn giá thị trường, những người tiêu dùng giàu có thường bị buộc tội là đã mua “nhiều hơn phần hàng hóa mà họ đáng được hưởng”. Trong trường hợp hàng hóa đó là nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, các nhà máy xí nghiệp sẽ bị buộc tội là “tàng trữ quá mức” loại nguyên vật liệu này. Khi đó, chính phủ sẽ áp dụng một số quy định liên quan đến việc ai sẽ được ưu tiên mua hàng, hoặc loại hàng hóa đó sẽ được bán cho từng đối tượng với số lượng như thế nào, hoặc nó sẽ được phân phối ra sao. Nếu hệ thống phân phối được áp dụng, mỗi người tiêu dùng sẽ chỉ được có một lượng nhất định loại hàng hóa đó, cho dù người đó có thể và muốn mua nhiều hơn.

Tóm lại, khi áp dụng hệ thống phân phối, chính phủ sẽ sử dụng hệ thống giá kép, hay hệ thống tiền tệ kép. Trong hệ thống này, mỗi người tiêu dùng phải có một lượng phiếu hay “điểm” nhất định bên cạnh một lượng tiền thông thường. Nói cách khác, chính phủ cố gắng làm một phần việc mà thị trường tự do thường làm thông qua hệ thống giá. Tôi nói “một phần” vì hệ thống phân phối chỉ hạn chế cầu mà không khuyến khích cung, điều mà một mức giá cao hơn sẽ đạt được.

Chính phủ cũng có thể cố gắng đảm bảo cung hàng hóa thông qua việc kiểm soát cả chi phí đầu vào của sản xuất. Để giữ giá bán lẻ thịt bò ở mức thấp, chính phủ có thể cố định giá bán buôn của thịt bò, giá thịt bò của nhà giết mổ, gia gia súc sống, giá thức ăn gia súc và lương cho những người làm việc tại nông trang. Để giữ giá sữa giao tại nhà ở mức thấp, chính phủ sẽ cố định lương của người lái xe chở sữa, giá thuê thùng chứa, giá sữa của nông trang và giá thức ăn cho bò. Để cố định giá bánh mỳ, chính phủ có thể cố định lương của công nhân xưởng bánh, giá bột mỳ, mức lợi nhuận của những người xay bột, giá lúa mỳ, v.v…

Nhưng khi chính phủ mở rộng việc cố định giá sang các khâu trước của sản xuất, chính phủ cũng làm trầm trọng hơn những hậu quả đã khiến họ phải áp dụng những biện pháp mang tính cứu vãn này lúc ban đầu. Giả sử chính phủ quyết tâm cố định các mức giá và lương và có đủ quyền lực để thực hiện việc đó, chính phủ sẽ tiếp tục tạo ra sự khan hiếm đối với nhiều thứ - lao động, thức ăn gia súc, lúa mỳ, hay bất kỳ thứ gì cần thiết cho việc sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Vì thế, chính phủ sẽ buộc phải kiểm soát ngày càng nhiều thứ hơn, và kết cục sẽ giống như việc kiểm soát giá toàn bộ hàng hóa.

Chính phủ cũng có thể cố gắng giải quyết những khó khăn này thông qua các loại trợ cấp. Giả sử chính phủ nhận ra rằng khi họ giữ giá sữa và bơ thấp hơn mức giá thị trường hoặc thấp hơn mức chung của các mức giá cố định khác, bơ và sữa có thể trở nên khan hiếm do lương và mức lợi nhuận biên của những người trong ngành sản xuất sữa và bơ trở nên thấp hơn so với các ngành sản xuất khác. Vì vậy, chính phủ tìm cách bù đắp lại thiệt hại này thông qua những khoản trợ cấp cho các nhà sản xuất sữa và bơ. Tạm thời bỏ qua những khó khăn về mặt hành chính có liên quan và giả sử rằng các khoản trợ cấp này đủ để duy trì mức sản xuất cần thiết đối với sữa và bơ, điều ta cần chỉ ra là mặc dù các nhà sản xuất được nhận trợ cấp, nhưng chính người tiêu dùng mới là đối tượng thực sự được trợ cấp. Các nhà sản xuất hoàn toàn không kiếm được nhiều hơn so với khi họ được phép bán sản phẩm của mình theo giá thị trường tự do, song người tiêu dùng được mua sữa và bơ với giá thấp hơn nhiều. Họ được trợ cấp khoản chênh lệch giá đó thông qua những khoản trợ cấp mà các nhà sản xuất nhận được.

Trừ khi loại hàng hóa được trợ cấp cũng được phân phối, những người có sức mua lớn nhất sẽ mua được nhiều nhất. Điều này có nghĩa là họ sẽ được trợ cấp nhiều hơn những người có sức mua nhỏ hơn. Mức độ đánh thuế sẽ quyết định ai là người trợ cấp cho người tiêu dùng, nhưng người dân, với vai trò là người nộp thuế, sẽ trợ cấp cho chính bản thân mình trong tư cách là người tiêu dùng. Không dễ gì có thể xác định được một cách chính xác ai sẽ trợ cấp cho ai. Điều chúng ta quên mất là các khoản trợ cấp cũng phải do một ai đó trả, và xã hội chỉ có thể nhận được điều gì khi mất gì một cái gì đó.

Việc cố định giá trong một thời gian ngắn đôi khi có vẻ có tác dụng, đặc biệt là trong thời chiến, khi nó được hỗ trợ bởi lòng yêu nước và tình huống đặc biệt: chiến tranh. Nhưng càng được áp dụng lâu, nó càng có nhiều vấn đề. Khi giá cả bị tùy tiện giữ ở mức thấp hơn bởi sự can thiệp của chính phủ, tình trạng cầu vượt cung sẽ trở nên mãn tính. Chúng ta đã thấy rằng nếu chính phủ tìm cách giải quyết tình trạng khan hiếm hàng hóa thông qua việc giảm giá thuê lao động, giá nguyên vật liệu và giá các yếu tố đầu vào khác của sản xuất, họ sẽ tiếp tục tạo ra sự khan hiếm các yếu tố này. Song nếu theo đuổi chính sách đó, chính phủ sẽ phải mở rộng sự kiểm soát giá của mình không chỉ theo “chiều dọc” (để kiểm soát chi phí đầu vào của sản xuất, cho đến khi ra sản phẩm cuối cùng) mà cả theo “chiều ngang”. Nếu ta tiến hành phân phối một mặt hàng và dân chúng không thể thỏa mãn nhu cầu của mình đối với mặt hàng đó cho dù vẫn còn sức mua, họ sẽ quay sang sử dụng mặt hàng thay thế khác. Nói cách khác, khi một mặt hàng trở nên khan hiếm, việc phân phối mặt hàng đó sẽ gây áp lực đối với các mặt hàng khác chưa được phân phối. Giả sử rằng chính phủ có thể ngăn chặn được sự hình thành chợ đen (hay ít nhất là ngăn chặn để nó không phát triển đến mức làm cho các mức giá do chính phủ đưa ra trở thành vô nghĩa), việc kiểm soát giá cả kéo dài sẽ khiến cho chính phủ ngày càng phải phân phối nhiều mặt hàng hơn. Việc phân phối hàng hóa không thể ngừng lại với người tiêu dùng. Trong Thế Chiến II, việc phân phối hàng hóa đã không ngừng lại với người tiêu dùng. Trên thực tế, nó được áp dụng đầu tiên với các nhà sản xuất trong việc phân bổ nguyên vật liệu thô.

Nói tóm lại, việc kiểm soát giá cả của toàn bộ nền kinh tế bằng cách lấy một mức giá nào đó trong lịch sử làm mức giá cố định cuối cùng sẽ dẫn đến sự hình thành một nền kinh tế hoàn toàn tập trung. Mức lương cũng phải được giữ ở mức thấp giống như mức giá. Lao động và nguyên vật liệu thô sẽ đều phải được phân phối. Kết quả là chính phủ sẽ quyết định không chỉ số lượng mỗi mặt hàng một người tiêu dùng có thể có mà cả lượng nguyên vật liệu thô và lao động mỗi nhà sản xuất có thể sử dụng. Việc tuyển dụng lao động hay mua nguyên vật liệu mang tính cạnh tranh sẽ không còn được chấp nhận nữa. Kết quả sẽ là một nền kinh tế mang tính độc tài và ì trệ; mọi doanh nghiệp và người lao động đều phải hoàn toàn phụ thuộc vào chính phủ; mọi quyền tự do truyền thống mà chúng ta biết sẽ bị từ bỏ vĩnh viễn. Giống như lời Alexander Hamilton trong tập Federalist Papers (Báo Người liên bang) cách đây gần hai thế kỳ: “Quyền lực đối với sự tồn tại của một người sẽ trở thành quyền lực đối với ý chí của người đó”.

Đây là kết quả của những gì thường được miêu tả là các chính sách kiểm soát giá cả “hoàn hảo”, “lâu dài” và “phi chính trị”. Như ta có thể thấy rõ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại châu Âu trong những năm sau Thế Chiến II, hậu quả của những sai lầm của các nhà quản lý kinh tế thường được giảm nhẹ nhờ các hoạt động chợ đen. Tại một số nước, hoạt động chợ đen phát triển và lấn át các mức giá chính thức do chính phủ quy định cho đến khi hoạt động chợ đen trở thành thị trường thực tế của quốc gia đó. Bằng việc giữ những mức giá trần mang tính danh nghĩa, các nhà chính trị đang nắm quyền cũng chứng tỏ được rằng ít nhất họ vẫn giữ đúng đường lối của mình, cho dù họ không có khả năng thực hiện điều đó.

Không phải vì cuối cùng hoạt động chợ đen trở nên mạnh hơn các mức giá trần do chính phủ đưa ra mà ta có thể cho rằng không có tổn hại gì. Ở đây, có những tổn hại cả về mặt kinh tế cũng như về mặt tinh thần. Trong giai đoạn chuyển tiếp, nhiều doanh nghiệp lớn và lâu đời với lượng vốn đầu tư lớn và hoạt động kinh doanh phụ thuộc nhiều vào thái độ của người tiêu dùng đã bị bắt buộc phải hạn chế hoặc ngừng sản xuất. Vị trí của họ bị thay thế bởi những doanh nghiệp không có uy tín với lượng vốn và kinh nghiệm sản xuất nhỏ bé. Các doanh nghiệp này có hiệu suất thấp hơn những doanh nghiệp họ thay thế. Họ sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ có chất lượng và độ tín nhiệm thấp với chi phí sản xuất cao hơn nhiều so với mức chi phí của các doanh nghiệp cũ. Sự gian dối được đánh giá cao. Các doanh nghiệp mới tồn tại do họ sẵn sàng vi phạm luật pháp; khách hàng của họ hỗ trợ họ để cùng lách luật; điều đương nhiên sẽ xảy ra là sự suy giảm đạo đức nghề nghiệp và lòng tin trong mọi hoạt động kinh tế.

Hơn nữa, khi những người có quyền lực quyết định đưa ra các mức giá cố định, họ hiếm khi làm vậy vì thực sự muốn duy trì các mức giá đang tồn tại khi họ bắt đầu áp dụng chính sách. Họ thường tuyên bố rằng mục đích của họ là nhằm “duy trì nền kinh tế”. Song dưới vỏ bọc của việc “xử lý các bất công” hay “bất bình đẳng xã hội”, họ bắt đầu thực hiện việc kiểm soát mức giá một cách không công bằng nhằm đem lại lợi ích nhiều nhất cho các nhóm cá thể có quyền lực chính trị, và ít nhất cho các nhóm khác.

Bởi quyền lực chính trị ngày nay thường được đo qua việc bỏ phiếu, các nhóm cá thể thường được những người có quyền lực ưu tiên là nông dân và công nhân. Đầu tiên, họ lý luận rằng lương và chi phí cho cuộc sống không liên quan đến nhau, và ta có thể tăng lương mà không gây tăng giá. Khi mọi người đều thấy rõ rằng việc tăng lương cũng đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận, những người quản lý kinh tế lại lý luận rằng mức lợi nhuận hiện tại là quá cao, và ta vẫn có thể đảm bảo một “mức lợi nhuận hợp lý” nếu tăng lương và giữ nguyên giá sản phẩm. Bởi trên thực tế không bao giờ tồn tại một mức lợi nhuận chung cho tất cả mọi người - mỗi doanh nghiệp có một mức lợi nhuận riêng - chính sách này sẽ khiến cho các doanh nghiệp có mức lợi nhuận thấp nhất phải ngừng sản xuất, và làm giảm, thậm chí là ngừng, việc sản xuất một số sản phẩm. Điều này sẽ dẫn đến nạn thất nghiệp, thu hẹp sản xuất và giảm mức sống.

Gốc rễ của các cố gắng nhằm áp dụng mức giá trần là gì? Trước hết, đó là sự hiểu lầm các yếu tố dẫn đến việc tăng giá. Nguyên nhân thực là sự khan hiếm hàng hóa hoặc sự dư thừa tiền tệ. Việc quy định các mức giá trần không thể giải quyết được cả hai vấn đề này. Trên thực tế, như chúng ta đã xem xét, nó chỉ khiến tình trạng khan hiếm hàng hóa thêm nghiêm trọng. Trong chương tới, chúng ta sẽ thảo luận về việc phải làm gì với tình trạng dư thừa tiền tệ. Nhưng một trong những sai lầm dẫn đến việc áp dụng mức giá cố định chính là chủ đề chính của cuốn sách này. Các kế hoạch nhằm tăng giá một số mặt hàng được ưu tiên là kết quả của việc chỉ nghĩ đến lợi ích của các nhà sản xuất có liên quan trực tiếp và quên mất lợi ích của người tiêu dùng. Tương tự như vậy, các kế hoạch của chính phủ nhằm áp dụng mức giá thấp là kết quả của việc chỉ nghĩ đến lợi ích của người tiêu dùng và quên mất lợi ích của nhà sản xuất. Sự ủng hộ của chính phủ đối với những chính sách này cũng xuất phát từ sự nhầm lẫn trong đầu óc của người dân. Họ không muốn trả thêm tiền để mua sữa, bơ, giày, đồ gỗ, tiền thuê nhà, vé xem phim hay kim cương. Bất kỳ khi nào giá của bất kỳ mặt hàng nào tăng lên so với trước đây, họ đều phẫn nộ và cảm thấy mình bị lừa đảo.

Ngoại lệ duy nhất ở đây là những mặt hàng do chính người đó sản xuất ra. Trong trường hợp này, người đó hiểu lý do và tầm quan trọng của việc tăng giá. Người này thường coi ngành sản xuất của mình là một ngoại lệ và nói: “Ngành sản xuất của tôi rất đặc biệt. Mọi người không hiểu được nó. Chi phí cho lao động đã tăng; giá nguyên vật liệu đã tăng; loại nguyên liệu thô này không còn được nhập khẩu nữa và vì thế phải được sản xuất trong nước với giá cao hơn. Hơn nữa, nhu cầu đối với loại hàng hoá này đã tăng lên. Ta cần được phép đưa ra một mức giá phù hợp để kích thích mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng cho nhu cầu này, v.v… và v.v…” Mỗi người tiêu dùng mua hàng trăm sản phẩm khác nhau; mỗi nhà sản xuất thường sản xuất chỉ một loại hàng hóa. Người đó có thể thấy được sự bất công trong việc giữ giá của loại hàng hóa đó ở mức thấp. Và cũng như mỗi nhà sản xuất muốn sản phẩm của mình được bán với giá cao hơn, mỗi người lao động cũng muốn được trả lương cao hơn. Mỗi người, với vai trò là nhà sản xuất, đều thấy rằng việc kiểm soát giá sẽ ngăn cản sự sản xuất trong ngành của mình, song hầu như không ai chịu áp dụng điều này cho các ngành sản xuất khác, bởi nó có nghĩa là người đó sẽ phải trả thêm tiền cho các sản phẩm của người khác.

Nói tóm lại, mỗi chúng ta là một cá thể kinh tế đa nhân cách. Mỗi người chúng ta vừa là nhà sản xuất, vừa là người nộp thuế, vừa là người tiêu dùng. Những chính sách mỗi người trong chúng ta ủng hộ sẽ tùy thuộc vào việc tại thời điểm đó, chúng ta nhìn nhận mình theo vai trò nào. Một người lúc là Tiến sỹ Jekyll, lúc lại là ông Hyde. Là nhà sản xuất, người đó muốn lạm phát (chỉ nghĩ chủ yếu đến các dịch vụ hay sản phẩm của mình); là người tiêu dùng, người đó muốn các mức giá trần (chỉ nghĩ chủ yếu đến lượng tiền mình sẽ phải trả để mua các sản phẩm của người khác). Là người tiêu dùng, người đó có thể ủng hộ hay ưng thuận các khoản trợ cấp; là người nộp thuế, người đó sẽ không muốn phải chi trả cho các khoản này. Mỗi người đều muốn rằng mình có thể ảnh hưởng đến các thế lực chính trị để được hưởng lợi từ việc tăng giá sản phẩm của mình (trong khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào được chính phủ giữ ở mức giá thấp), đồng thời hưởng lợi từ các mức giá được kiểm soát, với tư cách là một người tiêu dùng. Nhưng phần lớn chúng ta chỉ tự đánh lừa bản thân. Trên thực tế, thiệt hại sẽ không chỉ tương đương mà còn lớn hơn nhiều so với những lợi ích thu được từ sự kiểm soát giá của chính phủ, bởi vì chúng ngăn cản và làm rối loạn sự sản xuất và sử dụng lao động.

Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 17

 

 

Dịch giả:
Phạm Việt Anh