Chênh lệch giới về tiền lương liên quan tới sở thích nhiều hơn là phân biệt giới tính
Nghiên cứu kết luận rằng chênh lệch giới về tiền lương có thể hoàn toàn được giải thích bởi những sự lựa chọn khác nhau của đàn ông và phụ nữ.
Xét về lý thuyết, phụ nữ và đàn ông nên nhận được mức lương bằng nhau. Ở một thế giới giản đơn, nếu năng suất đầu ra của phụ nữ và đàn ông giống nhau, họ xứng đáng một mức lương ngang bằng. Vấn đề với những chính sách như vậy nằm ở chỗ chúng không bao giờ cân nhắc những đặc điểm phức tạp thực sự của thị trường.
Nhìn xa hơn thứ hiển nhiên
Theo phân tích của Pew Research Center, thu nhập của phụ nữ vào năm 2018 chỉ đạt 85% so với nam giới. Một cái nhìn thoáng qua vào thống kê này có thể đưa đến sự phẫn nộ. Vấn đề với các số liệu thống kê là chúng chỉ đưa ra một phần bức tranh tổng thể. Khi xem xét tương quan tổng thể, thì rõ ràng là ta đang xem xét hai vấn đề không hề liên quan.
Không phải tất cả phụ nữ đều làm những công việc giống nhau, với số giờ làm việc như nhau. Thực tế là một phần lớn phụ nữ thích một sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn. Chẳng hạn, các luật sư được biết đến với cường độ làm việc rất căng và thật khó để đạt đến cân bằng công việc-cuộc sống khi làm một nghề như vậy. Vì lý do đó nên nhiều phụ nữ bị nản lòng và số nữ luật sư chỉ chiếm ⅓ trên tổng số.
Lựa chọn, lựa chọn, lựa chọn
Về cơ bản thì những lựa chọn của phụ nữ rất khác so với đàn ông, và do đó kết quả công việc cũng khác. So với đàn ông, phụ nữ coi trọng thời gian rảnh và tính linh hoạt. Nghiên cứu của nhà kinh tế Claudia Goldin tại Đại học Harvard chứng minh cho điều này. Bà kết luận rằng phụ nữ kiếm được ít hơn là vì họ ưu tiên tính linh hoạt, ở cả số giờ làm việc và địa điểm làm việc.
Nghiên cứu sau đó của Emmanuel và Bolotnyy của trường Đại học Harvard đã kết luận rằng đàn ông có nhiều khả năng chấp nhận tăng ca với thông báo ngắn hơn. Nghiên cứu này cho rằng khi việc tăng ca được lên lịch trước ba tháng, cả hai giới tính đều có khả năng đảm nhận như nhau. Tuy nhiên, khi những giờ làm thêm này được đưa ra vào phút chót, khả năng chấp nhận làm của đàn ông cao hơn nhiều.
Phụ nữ ưu tiên tính linh hoạt hơn
Theo nghiên cứu của Center for Creative Leadership (Trung tâm Lãnh đạo sáng tạo), ưu tiên số một trong công việc đối với phụ nữ là tính linh hoạt trong việc - làm ở đâu, khi nào, và như thế nào. Vấn đề nằm ở chỗ, chi phí để đảm bảo giờ giấc linh hoạt lại khá cao.
Thái độ chung đã thay đổi trong suốt thập kỷ vừa rồi. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia (lao động) của nữ giới ở Mỹ vẫn không tăng. Với 67 phần trăm, họ vẫn tiếp tục đứng sau tỷ lệ tham gia 77 phần trăm của nam giới. Một khảo sát của Gallup xác minh rằng phụ nữ thích vai trò nội trợ hơn. 56 phần trăm phụ nữ có con dưới 18 tuổi thích công việc này hơn các công việc khác. Ngược lại, chỉ có 26 phần trăm đàn ông ưa thích vai trò nội trợ hơn.
Do những sự ưu tiên này, phụ nữ nhìn chung lựa chọn đảm nhận vai trò này. Trọng tâm lớn hơn theo đó được đặt vào việc chăm sóc con cái. Điều này không thể tránh khỏi việc dẫn đến một số phụ nữ thích những công việc linh hoạt hơn.
Eliza Khuner nổi tiếng vì đã rời bỏ công việc nhà khoa học dữ liệu ở Facebook. Facebook từ chối yêu cầu của cô về các hình thức làm việc linh hoạt hơn nên Eliza đã quyết định ra đi. Thật không may, trường hợp của Eliza không phải là duy nhất. Dễ hiểu là những người phụ nữ muốn vừa làm việc vừa chăm sóc con cái. Tuy nhiên, có một hiện thực khắc nghiệt đang diễn ra.
Thực tế của công việc linh hoạt
Thực tế của công việc linh hoạt là nó không hiệu quả đối với một số công việc nhất định. Ví dụ, các nhà quản lý phát triển thị trường cần có sự tương tác thường xuyên với các công ty khác. Nếu một nhân viên đang làm việc trong lúc những người khác đều đã về nhà, họ sẽ không thực sự năng suất. Các nhà tuyển dụng đang chi trả cho những người lao động không chỉ vì thời gian của họ mà còn vì những thời gian cụ thể. Ví dụ, các nhà tuyển dụng có thể trả thêm tiền cho công việc vào ca đêm.
Công việc linh hoạt có thể gây ra những cơn đau đầu cho các nhà tuyển dụng. Nếu mọi người yêu cầu công việc linh hoạt, có thể sẽ không còn ai làm việc những giờ cao điểm. Việc này cũng có thể dẫn đến sự bất mãn đối với những người bị bỏ lại để xử lý một lượng công việc tăng thêm. Ví dụ, có thể có nhu cầu quá tải vào buổi sáng nhưng lại không nhiều khi mà các nhân viên làm việc linh hoạt trở lại vào buổi chiều.
Tóm lại, phụ nữ đang yêu cầu tính linh hoạt từ các nhà tuyển dụng, nhưng các nhà tuyển dụng lại không sẵn lòng trao thứ đó cho họ. Có những chi phí đi kèm với điều này, thứ làm cho nhiều nhà quản lý thất vọng. Các luật trả lương công bằng không giải quyết vấn đề này. Nếu các nhà tuyển dụng lo lắng về những chi phí đi kèm, họ nên được phép đưa ra một mức lương thấp hơn. Trên thực tế, một khảo sát bởi My Family Care hợp tác với Hydrogen Recruitment cho thấy rằng 53 phần trăm số nhân viên sẽ chọn làm việc linh hoạt hơn là được tăng 5 phần trăm lương.
Thực tế của chênh lệch tiền lương của hai giới
Chênh lệch tiền lương của hai giới thường bị xuyên tạc theo hướng rằng đàn ông được trả nhiều hơn cho công việc giống nhau. Khi viết “một người phụ nữ làm việc toàn thời gian kiếm được 80,7 xu so với mỗi đồng đô la một người đàn ông làm việc toàn thời gian kiếm được” thì nó tạo ra một bức tranh mà ở đó các công việc đàn ông và phụ nữ làm là giống nhau. Các công việc như giáo viên mầm non chủ yếu do phụ nữ làm. Ngược lại, thợ xây hầu như chỉ có nam giới.
Thực tế khắc nghiệt là các vị trí trợ giảng và các công việc khác mà chủ yếu là nữ giới đảm nhận không được đánh giá cao bằng những công việc do nam giới thống trị, chẳng hạn như thợ điện. Câu hỏi là: Tại sao phụ nữ lại bị hấp dẫn đối với những vị trí đó? Thứ nhất, đó là lựa chọn. Phụ nữ không bị ép buộc phải trở thành thợ làm tóc, và họ đều biết là mức lương của thợ làm tóc cũng chẳng hề cao.
Công việc linh hoạt không chuyển qua được các công việc trả lương cao
Có rất nhiều vấn đề đối với công việc linh hoạt. Có phải nhân viên đó đang làm việc năng suất? Liệu nó sẽ ảnh hưởng tới tinh thần của những người khác? Nó tác động thế nào tới sự có mặt của khách hàng? Một số công việc có lợi từ lịch làm việc linh hoạt, nhưng các vị trí lương cao thì thường là không. Khi xem xét chênh lệch giới về tiền lương, thì những lao động được trả lương cao sẽ làm lệch bức tranh tổng thể. Ví dụ, giám đốc điều hành được trả hàng triệu đô la. Thế nhưng, chỉ có 25 phụ nữ ở vị trí đó trong Fortune 500.
Vậy cái gì đã kéo phụ nữ lại phía sau khỏi các vị trí lãnh đạo? Nguyên giám đốc điều hành của PepsiCo Indra Nooyi là một trong những CEO nữ trong danh sách Fortune 500. Bà tin rằng nguyên nhân chính là sự khó khăn trong việc cân bằng giữa gia đình, sự nghiệp, và hôn nhân. Tuy nhiên, những sự thật tự nói lên tất cả. Theo số liệu từ Cục thống kê lao động Hoa Kỳ, hơn 26 phần trăm phụ nữ làm các công việc bán thời gian vì các lý do phi kinh tế. Trong khi đó, vì các lí do phi kinh tế, chỉ hơn 10 phần trăm đàn ông làm công việc bán thời gian.
Bằng cách đòi hỏi sự linh hoạt cao hơn, cho dù là nam hay nữ, bạn khó có thể phù hợp với các vị trí điều hành hoặc quản lý. Đối với những công việc đòi hỏi từ 70 đến 80 giờ một tuần, thật khó để tìm được công việc nào có tính linh hoạt cao. Cùng với sự gia tăng của các hộ gia đình đơn thân, dễ thấy tại sao các vị trí điều hành và quản lý không phải là lựa chọn của nhiều phụ nữ.
Yếu tố quan trọng là lựa chọn
Với tất cả những điều đã nói, chắc chắn vẫn còn một mức độ phân biệt giới tính ngăn cản sự thăng tiến của phụ nữ. Tuy nhiên, chênh lệch này được giải thích rõ ràng nhất bởi sự lựa chọn của những người phụ nữ, cho dù đó là công việc bán thời gian hay công việc họ đảm nhận. Ngay cả ở Thụy Điển, vốn được biết đến với chủ nghĩa quân bình, chênh lệch lương vẫn hơn 12 phần trăm.
Con số đó chỉ hơn một chút so với 15 phần trăm của Hoa Kỳ. Vì vậy vấn đề nằm vượt ra khỏi việc cung cấp nhiều thời gian nghỉ thai sản hơn hoặc nhiều phúc lợi xã hội hơn. Trên thực tế, nghiên cứu được thực hiện bởi Emmanuel và Bolotnyy kết luận rằng chênh lệch tiền lương có thể hoàn toàn được giải thích bằng những lựa chọn khác nhau của đàn ông và phụ nữ.
Nguồn: Paul Boyce, The Gender Pay Gap Says More about Preferences Than Sexism, Foundation for Economic Education, 28/07/2019