Hạ lãi suất chính sách vẫn khó hạ lãi suất cho vay
SGTT tháng 03.2012 - Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 6-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố sẽ giảm một điểm phần trăm tất cả các loại lãi suất trong vài ngày tới. Như vậy, trần lãi suất huy động sẽ hạ từ mức 14% xuống còn 13%. Câu hỏi mà thị trường quan tâm là liệu hành động này của NHNN có khiến cho mặt bằng lãi cho vay của các NHTM có giảm hay không?
Có ba lý do khiến cho việc hạ mặt bằng lãi cho vay gặp khó khăn. Thứ nhất, ảnh hưởng của các lãi suất chính sách và trần lãi suất huy động ở thời điểm hiện tại không còn mạnh như thời điểm giữa năm ngoái. Năm ngoái các mức lãi suất chính sách duy trì ở mức 14-15% góp phần kìm giữ lãi suất huy động vì ở mức này, lãi suất chính sách thấp hơn đáng kể so với mức lãi suất vay trên thị trường liên ngân hàng ở thời điểm đó. NHNN đã tích cực hỗ trợ hệ thống qua thị trường mở và hoạt động tái cấp vốn.
Tuy nhiên, hiện tại thị trường liên ngân hàng chỉ giới hạn giữa các ngân hàng tốt, dồi dào thanh khoản. Lãi suất qua đêm trên thị trường này hầu hết ở mức dưới 10% kể từ sau Tết nguyên đán. Tổng dư nợ trên thị trường mở xuống chỉ còn khoảng 10 nghìn tỷ so với mức trên dưới 100 ngàn tỷ trong suốt các tháng từ đầu năm cho đến tháng 6.2011.
Trần lãi suất huy động dần trở nên mất tác dụng trước áp lực phải huy động bằng mọi giá của các ngân hàng yếu. Do không vay được trên thị trường liên ngân hàng, các NHTM này buộc phải đẩy lãi suất huy động vượt trần để đảm bảo thanh khoản. Hệ quả là các ngân hàng lớn cũng buộc phải vượt trần để giữ khách hàng không chạy sang các ngân hàng “phá rào”.
Thứ hai, vấn đề nợ xấu gia tăng của hệ thống ngân hàng khiến một phần các khoản cho vay trước đây không trở lại hệ thống ngân hàng để tạo ra dòng tín dụng mới. Hệ quả của việc này là các ngân hàng một mặt phải tăng huy động để duy trì thanh khoản sau khi trích nợ xấu, mặt khác phải hạn chế cho vay để tránh nợ xấu mới phát sinh. Sự hạn chế cho vay của các ngân hàng thương mại khiến cho các doanh nghiệp bị từ chối cho vay ở ngân hàng này nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn phải chấp nhận lãi suất cho vay cao khi chạy sang ngân hàng khác.
Thứ ba, với một nền kinh tế mà tổng tín dụng nội địa luôn lớn hơn tổng huy động như Việt Nam thì thật khó có thể hạ được lãi suất vay ngay cả khi lãi suất huy động giảm. Theo số liệu của IMF, tỷ lệ tín dụng nội địa trên tổng huy động (LDR) của hệ thống tín dụng Việt Nam ở mức 1,13 vào tháng 5.2011 và chắc chắn khó giảm hơn vào cuối 2011 vì tốc độ tăng trưởng tín dụng của của toàn hệ thống tín dụng năm 2011 khoảng 12% trong khi tốc độ tăng trưởng huy động chỉ khoảng 10%.
Như vậy, để có thể hạ được lãi suất cho vay thì vấn đề mấu chốt vẫn là giải quyết vấn đề nợ xấu tại hệ thống ngân hàng và cải thiện năng suất của nền kinh tế. Để giải quyết vấn đề nợ xấu một cách nhanh chóng, Việt Nam cần phải tìm đến nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài thay vì cố gắng dàn xếp giữa các tổ chức kinh tế trong nước như hiện nay. Theo khảo sát của Debtwire (trên TBKTSG, 20.11.2011) thì các nhà đầu tư nước ngoài đang khá quan tâm tới việc mua bán các khoản nợ xấu tại Việt Nam. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho hoạt động này vẫn chưa thực sự rõ ràng và đáng tin cậy. Cải thiện năng suất của nền kinh tế sẽ tốn nhiều thời gian nhưng đó mới là chìa khóa để giúp cho tăng trưởng kinh tế không phụ thuộc nhiều vào tín dụng, qua đó giảm được tỷ lệ LDR xuống dưới 1, và giảm được mặt bằng lãi suất cho vay.
Nguồn: SGTT: Giảm lãi suất cho vay: mong muốn và thực tế