Kinh tế học hòa bình: hàng xóm giàu hơn là một tin tốt
“Chiến tranh gây tổn thất cho một quốc gia nhiều hơn chi phí thực sự của nó. Nếu như nó không xảy ra, thì người ta lẽ ra đã có thể có được nhiều lợi ích khác”.1 - Jean-Baptiste Say
Kẻ thắng – Người thua
Rất nhiều người tin rằng, nếu một người được lợi thì người khác sẽ chịu thiệt hại. Những người này tin rằng tổng những lợi ích và thiệt hại giữa mọi người bằng không, tức là đối với mỗi phần lợi ích tăng thêm của ai đó, thì sẽ có một phần mất mát tương ứng đối với những người khác. Theo đó người ta tin rằng, khi nhìn thấy một người nào đó trở nên sung túc, thì đâu đó xung quanh sẽ có người phải mất mát. Nếu đó là mô hình duy nhất có thể có của sự thịnh vượng, mâu thuẫn xã hội sẽ có mặt khắp mọi nơi và chiến tranh sẽ là điều không thể tránh khỏi.
May mắn thay, có những phương thức khác để trở nên thịnh vượng, sung túc mà không gây ra mức tổn hại tương ứng đến những người khác. Thế giới ngày nay là một bằng chứng rõ rệt, khi thu nhập đang tăng lên ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Nhiều người có tuổi thọ cao hơn, sức khỏe tốt hơn và giàu có hơn so với quá khứ. Không chỉ có số người thịnh vượng nhiều hơn, mà tỷ lệ phần trăm dân số thế giới trở nên sung túc hơn cũng lớn nhất từ trước tới nay.
Tất nhiên, trong một số trường hợp, việc thu được lợi ích của một người đi kèm với việc mất mát của người khác. Ví dụ, nếu một tên trộm lấy cắp một thứ gì đó, thì tài sản thu được của tên trộm cũng là sự mất mát của nạn nhân. Nhưng những lợi ích cũng có thể đến từ các hoạt động khác thay vì là đi ăn trộm, như làm việc, tạo mới, khám phá, đầu tư và trao đổi.
Một trong những nhà kinh tế học quan trọng nhất của mọi thời đại đã giải thích một cách rõ ràng và trực tiếp làm thế nào để lợi ích mà bạn có cũng có thể là ích lợi của tôi. Ông giải thích không chỉ nền tảng kinh tế của sự thịnh vượng về vật chất, mà cả về sự hòa bình. Jean-Baptiste Say (1767-1832) đôi khi được xem là “Adam Smith của nước Pháp”, nhưng trên thực tế, ông có sự hiểu biết rộng lớn hơn chứ không phải chỉ đơn thuần là một người phổ biến những kiến thức của Smith. Ông đã có những bước tiến đáng kể dựa trên tư tưởng của Smith.
Giống như Smith, ông là một người phê phán chiến tranh, chủ nghĩa thực dân, nô lệ và chủ nghĩa trọng thương; ông cổ vũ cho hòa bình, độc lập, tự do và thương mại tự do. Ông vượt xa Smith không chỉ trong việc giải thích rằng các dịch vụ chứa đựng giá trị (thực ra, rằng giá trị của cải vật chất là do các dịch vụ mà chúng mang lại cho chúng ta), nhưng việc tạo ra các hàng hóa và dịch vụ lại là một nguồn cầu đối với các hàng hóa và dịch vụ khác. Điều đó đôi khi được gọi là “Luật của Say về Thị thị trường”. Đó là một góc nhìn sâu sắc quan trọng, không chỉ trong “kinh tế vĩ mô”, mà đối với các mối quan hệ trong xã hội nói chung và quan hệ quốc tế nói riêng. Nếu mọi người được tự do thương mại, việc của cải tăng lên của một bên không những không có hại mà còn có lợi đối với sự thịnh vượng của các đối tác thương mại của họ, sự tăng lên về của cải đó của một đối tác thương mại đồng nghĩa với việc xuất hiện một nhu cầu thực sự về hàng hóa và dịch vụ của các bên khác.
Kẻ thù của thị trường tự do, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa trọng thương và dân tộc chủ nghĩa trong kinh tế, lập luận rằng nếu một quốc gia đang trở nên thịnh vượng hơn, thì đó chính là cái giá mà các quốc gia khác phải trả. Họ có cái được gọi là quan điểm “tổng bằng 0” về thế giới, tức là tổng số lợi ích là không thay đổi; nếu một người có được lợi ích (một điểm cộng), thì một người nào khác sẽ mất (một điểm trừ). Say chỉ ra rằng điều đó là sai. Và đó là điều có ý nghĩa đối với hòa bình, vì nó hàm ý là các nước có thể cùng nhau thịnh vượng, bởi vì đôi bên sẽ cùng có lợi trong buôn bán thương mại tự nguyện. Thương mại là một trò chơi có “tổng dương”, tức tổng các lợi ích là dương. Ngược lại, xung đột và chiến tranh thì tồi tệ hơn những cuộc chơi có “tổng bằng 0”, trong đó lợi ích của một bên chính là sự mất mát của bên kia. Những cuộc chiến tranh là những cuộc chơi mà hầu như luôn có “tổng âm”, trong đó sự mất mát thì nhiều hơn bất kỳ lợi ích đạt được nào, và tóm lại trong chiến tranh thì cả hai bên đều thiệt hại.
Thế giới của nhà sản xuất – người tiêu dùng
“Các quốc gia sẽ học được bài học rằng họ thực sự sẽ không thu được lợi ích gì trong một cuộc chiến với bên khác; rằng họ chắc chắn phải gánh chịu những tai ương gắn liền với sự thất bại, trong khi lợi thế đem lại thành công là hoàn toàn hão huyền. ””.2 - Jean-Baptiste Say
Say giải thích rằng trong một nền kinh tế trao đổi, con người nên được xem như cả là nhà sản xuất và người tiêu dùng. Sản xuất tức là “cung cấp giá trị cho một thứ bằng cách mang tới cho nó tính hữu dụng”3. Sự tiến bộ của ngành công nghiệp được đo bởi khả năng tạo ra các sản phẩm mới và giảm giá các sản phẩm đã có. Khi nhiều hàng hóa hơn được sản xuất, điều đó có nghĩa rằng giá cả sẽ thấp hơn và sẽ làm tăng sức mua của người tiêu dùng đối với các hàng hóa khác.
Say giải thích rằng nghiệp chủ đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình tạo ra “tính hữu dụng”. Tự bản thân ông cũng là một nghiệp chủ, và Say hiểu vai trò của “người dám làm”, người sẵn sàng đảm đương những phiêu doanh và đang tìm kiếm cách thức để tạo ra những hàng hóa và dịch vụ với chi phí thấp nhất. (Tức là “cắt giảm chi phí” trong sản xuất). Say giải thích về vai trò quan trọng của những nghiệp chủ trên thị trường. Các nghiệp chủ thường được miêu tả như là những thiên tài có tầm nhìn xa trông rộng, người sở hữu khả năng phi thường và có kiến thức toàn diện về thị trường, kỹ thuật, sản phẩm, thị hiếu, con người, v.v... Nhưng Say giải thích rằng tất cả chúng ta, bao gồm những người “bình thường”, cũng thực hiện các hoạt động mang tính nghiệp chủ.
Một cách thức để hiểu nghiệp chức là tìm mọi cách để sản xuất với chi phí thấp nhất, điều này giúp “giải phóng” các nguồn lực khan hiếm để hoàn thành những mong muốn khác. Anh công nhân nhà máy tìm cách thức để sản xuất ra cùng một số lượng sản phẩm với thời gian ít hơn; người nông dân chuẩn bị các mùa vụ để tối thiểu hóa thời gian làm cỏ và cày bừa; chủ nhà hàng chú ý khi nào khách hàng bắt đầu tan ca làm để chuẩn bị thức ăn vào đúng thời điểm; tất cả những người đó đang tìm cách để gia tăng sản xuất với chi phí thấp nhất. Việc sắp đặt những sự trao đổi cũng là một hình thức của sản xuất; nó làm cho những sản phẩm khan hiếm xuất hiện ở đúng nơi và thời gian , đúng lúc và nó làm tăng giá trị của cả hai bên tham gia vào cuộc giao dịch, đó là lý do tại sao họ thực hiện trao đổi.4
“Luật Say” và lợi ích chung
“Luật Say về Thị thị trường” được biết đến như là một khung lý thuyết mạnh giúp chúng ta hiểu rõ về sự phát triển kinh tế. Trong một chương trong cuốn sách nổi tiếng của Say xuất bản năm 1803 Treatise on Political Economy [Luận bàn về Kinh tế Chính trị học] về “Débouchés” (nơi tiêu thụ hàng hóa, chúng ta có thể dịch là “thị trường”), Say mô tả bằng cách nào “sản xuất mở ra nhu cầu đối với các sản phẩm”5, bởi vì, như ý tưởng đã được tóm tắt sau đó, “các sản phẩm được trao đổi để lấy các sản phẩm khác”. Câu khẩu hiệu “cung tự tạo ra cầu của chính nó” - thường được cho là của Say là một bức chân dung về quan điểm của ông. Những gì Say mô tả chính xác là những gì chúng ta thấy về một thế giới mà càng ngày càng thịnh vượng hơn; bình quân của cải của thế giới đã tăng lên gấp nhiều lần kể từ thời của Say, nghèo đói đã giảm đáng kể, cũng như sức khỏe, phổ cập giáo dục, tuổi thọ, và những hàng hóa tiêu dùng đã tiếp cận được với người nghèo một cách rộng rãi. Ông là một trong những người đầu tiên hiểu được cơ chế tạo ra sự thịnh vượng toàn cầu, “hiệu ứng quả cầu tuyết”6 về sự giàu có ngày càng gia tăng giữa những đối tác thương mại. Trong ngôn ngữ khô khan của kinh tế học đương đại, đó là một “lý thuyết liên ngành về tăng trưởng kinh tế” trong đó sự tăng trưởng của một nhà sản xuất/lĩnh vực/quốc gia là biểu hiện của một thị trường hoặc nguồn cầu cũng đang tăng trưởng đối với những nhà sản xuất/lĩnh vực/quốc gia khác. Và khi bạn nghĩ về nó, đó thực sự là một điều thú vị đáng để chiêm ngưỡng.
Khi thương nhân sản xuất nhiều hơn các sản phẩm chuyên môn hóa của mình, họ tạo ra nhiều tiện ích cho người khác; bởi sự sản xuất chuyên môn hóa cũng sẽ tạo ra nhiều tiện ích để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi; mỗi người đều có nhiều “sức mua” hơn khi anh ta mua thứ gì đó từ người khác. Giống như cách dùng từ của một nhà kinh tế học vĩ đại người Pháp khác, Jacques Rueff, mỗi người sẽ có thêm nhiều “quyền” hơn bởi tiện ích mà người đó tạo ra cho người khác. Và nhiều quyền hơn sẽ cho phép mỗi người có được nhiều tiện ích hơn từ người khác.
Lợi ích tương hỗ trong bối cảnh trao đổi các sản phẩm được tích lũy lại. Tôi trở nên giàu có hơn bởi cung cấp cho người hàng xóm của mình nhiều tiện ích hơn và người hàng xóm của tôi cũng sẽ trở nên sung túc bằng cách cung cấp nhiều tiện ích hơn cho tôi. Và bởi vì tôi giàu có hơn nên tôi có thể mua nhiều thứ từ người hàng xóm hơn, và người hàng xóm cũng sẽ lần lượt dần dần trở nên giàu có hơn. Rõ ràng là những khả năng phân công lao động và sản xuất trong một nền kinh tế nhỏ và khép kín vẫn còn hạn chế, nhưng đối với các thị trường rộng lớn hơn thì khả năng hội nhập giữa rất nhiều những cá nhân, ngành nghề và công nghiệp sẽ lớn hơn. Như Adam Smith đã giải thích trước Say, : “Sự phân công lao động bị giới hạn bởi quy mô của thị trường”7. Say thêm vào “càng nhiều nhà sản xuất hơn thì việc sản xuất của họ sẽ càng đa dạng hơn, và thị trường đối với những sản phẩm đó cũng sẽ kịp thời, đông đảo và rộng lớn hơn”.8
Say đã mô tả cuộc chơi tổng dương trong việc trao đổi sản phẩm. Trong những cuộc trao đổi tự nguyện, việc khách hàng của tôi trở nên giàu có hơn là một tin rất tốt cho tôi. Nếu ngược lại, họ trở nên nghèo đi, thì đó thực sự là một tin không tốt chút nào, một tin xấu. Như Say đã nói, : “Sự thành công của một ngành thương mại cung cấp nhiều phương thức mua sắm phong phú hơn, điều đó sẽ mở ra một thị trường cho các sản phẩm của những ngành khác; trái lại, sự trì trệ của một kênh sản xuất, hay thương mại, sẽ ảnh hưởng tới tất cả các ngành còn lại”.9
Say lý giải sự phát triển kinh tế là một cơ chế tự duy trì dựa trên (theo ngôn ngữ khô khan hiện đại) “sự tăng trưởng nội sinh” thực sự: “kích thước của thị trường”, đó là điều rất quan trọng đối với mức độ chuyên môn hóa và phân công lao động, là yếu tố nội sinh với ý nghĩa rằng kích thước của thị trường phụ thuộc vào khả năng sản xuất của chính nó. Sản xuất nhiều hơn tạo ra nhiều sức mua hơn, từ đó hình thành một thị trường có quy mô lớn hơn, và tạo nhiều cơ hội để sản xuất hơn.
Cơ chế của sự phát triển là mang tính tiến hóa và gia tăng rõ rệt, đó là lý do tại sao trong thời đại của Say, người Pháp “mua và bán nhiều hơn tới năm hay sáu lần các loại hàng hóa so với thời kỳ trị vì khốn khổ của Vua vua Charles VI”10. Sự phân công lao động và chuyên môn hóa làm tăng số lượng các ngành công nghiệp và tạo ra các nhánh mới của công nghiệp (thậm chí cả các phân nhánh của các nhánh). Một nền kinh tế thị trường là một tiến trình vận động liên tục không ngừng.
Say là một người lạc quan so với hầu hết những nhà kinh tế trong thời đại của ông. Không bị ám ảm bởi ý tưởng về sự khan hiếm, ông nhấn mạnh khả năng của con người trong việc làm ra những sản phẩm và tạo dựng sự sung túc, và ông lý giải cách thức tại sao sản xuất lại là điều kiện tiên quyết cho những người khác để làm tương tự; sản xuất và trao đổi là một cuộc chơi có tổng dương. Đối với Say, sự khan hiếm sẽ được khắc phục bởi những dịch vụ và tinh thần nghiệp chủ, bởi sự trao đổi và hoạt động tạo mới. Do vậy đối với ông, sự khan hiếm không phải là một nỗi ám ảnh như đối với Thomas Malthus – người tranh luận với ông. Say tìm cách nghiên cứu và thấu hiểu được kinh tế học về sự thịnh vượng và lập luận chống lại bức tranh ảm đạm của Malthus về tương lai nhân loại. Cuối cùng thì thực tế đã cho thấy Say đã đúng và Malthus hóa ra đã sai.
Áp dụng Luật Say ở phạm vi quốc tế
Cho dù là xuyên biên giới hay ở trong nước, làm tổn thương người hàng xóm cũng chính là tự làm đau mình: “Mọi cá nhân đều chú ý đến sự thịnh vượng chung của toàn thể, và… sự thành công của một nhánh của ngành công nghiệp sẽ thúc đẩy sự thành công đối với tất cả những nhánh khác”11. Thực sự, trong một quốc gia, chúng ta rất hiếm khi tìm thấy người nào thắc mắc về sự thịnh vượng của một thành phố hay một ngành công nghiệp khác; hầu hết mọi người hiểu rằng nếu những bác nông dân Pháp trở nên giàu có, thì điều đó cũng sẽ tốt cho những anh công nhân ở đô thị, và ngược lại.
Đó là nguồn gốc thực sự của những thành tựu đạt được bởi sự trao đổi giữa những người ở thành phố và những người ở nông thôn, và lặp lại giữa người nông thôn với người thành phố; cả hai đều có đủ số tiền cần thiết để mua nhiều hơn những sản phẩm tốt hơn, dư thừa so với việc họ tự sản xuất:
Một thành phố nằm ở giữa một vùng nông thôn giàu có có thể không cảm nhận được nhu cầu của những người tiêu dùng giàu có và đông đảo; nhưng khu vực ngoại vi của một thành phố tráng lệ sẽ bổ trợ vùng nông thôn này để thực hiện các hoạt động sản xuất. Sự phân chia một quốc gia nào đó thành những vùng chuyên môn hóa về nông nghiệp, sản xuất và thương mại, là quá thừa thãi và không cần thiết. Bởi sự thành công của những người dân làm nông nghiệp của quốc gia đó sẽ góp phần giúp cho sự thịnh vượng về sản xuất công nghiệp và thương mại của chính quốc gia này; và điều kiện thuận lợi trong sản xuất công nghiệp và thương mại cũng phản ánh lợi ích cho lĩnh vực nông nghiệp của quốc gia đó.12
Say tiếp tục chỉ ra rằng những mối quan hệ giữa các quốc gia thì không khác gì những mối quan hệ giữa các vùng, các thành phố hay nông thôn với nhau:
Vị thế của một quốc gia, đối với các nước láng giềng, là tương tự như mối quan hệ của một tỉnh đối với các tỉnh khác, hay của vùng nông thôn đối với thành phố; chúng cũng chú ý đến sự thịnh vượng của những người láng giềng và chắc chắn có được lợi ích từ sự giàu có của họ.13
Một lần nữa, ở đây sự giàu có của những người hàng xóm là một cơ hội cho chúng ta bán được nhiều hàng hóa hơn, và nhờ đó, chúng ta cũng trở nên sung túc hơn.
Ông đã trình bày quan điểm của mình thậm chí rõ ràng hơn trong thư phản hồi của ông với Malthus, và cho thấy mức độ một thương gia chú ý đến sự giàu có của những vùng hay quốc gia khác:
Khi tôi đề xuất rằng hoạt động sản xuất này mở ra một lối đi cho hoạt động sản xuất khác; tức là các phương tiện của ngành công nghiệp, bất kể chúng là gì, khi không bị trói buộc thì chúng luôn luôn đáp ứng những vật phẩm cần thiết nhất của các quốc gia, và rằng những vật phẩm cần thiết này một khi tạo ra các cộng đồng mới và những thú vui mới cho cộng đồng này thì tất cả những sự xuất hiện này đều không chống lại hoặc gây tổn hại cho tôi. Hãy nhìn lại hai trăm năm trước, và giả sử rằng một thương gia mang theo một lượng lớn hàng hóa đến những nơi mà bây giờ là New York và Philadelphia; liệu ông ấy có thể bán chúng không? Chúng ta hãy giả sử một lần nữa, rằng ông đã thành công trong việc gây dựng nên tại đây một cơ sở sản xuất hay trang trại nông nghiệp; liệu ông ta có thể bán được, dù chỉ một vật phẩm đơn lẻ nào đó, ở đó hay không? Không, chắc chắn là không. Ông phải tự mình tiêu thụ chúng. Vậy tại sao bây giờ chúng ta thấy điều ngược lại? Tại sao những hàng hóa được mang đến hay được làm tại Philadelphia hoặc New York, chắc chắn đang được bán với giá hiện tại? Dường như có bằng chứng cho tôi thấy rằng đó là vì những người trồng trọt, những thương nhân và kể cả những nhà sản xuất ở New York, Philadelphia, và các tỉnh lân cận, tạo ra hoặc mang đến đây một số hoạt động sản xuất, bằng các phương tiện mà họ mua từ khắp bốn phương.14
Rào cản thương mại (“Chủ nghĩa bảo hộ”) là một cuộc chơi tổng âm
Nhiều cuộc tranh luận sau đó, như một số người đang làm hiện nay, nói rằng chúng ta không cần phải giao thương với người nước ngoài và ta nên làm mọi thứ “tại gia”. Say đã đưa ra một lời chỉ trích thâm sâu đối với cách nghĩ đó:
Điều đó dường như là nói rằng “những gì đúng đối với một bang mới, có thể không được áp dụng với một bang cũ: rằng có cơ hội cho những nhà sản xuất mới và những người tiêu dùng mới ở Mỹ; nhưng trong một quốc gia mà đã có nhiều nhà sản xuất hơn mức cần thiết thì việc có thêm người tiêu dùng chỉ là ngớ ngẩn”. Xin cho phép tôi trả lời, rằng những người tiêu dùng thực thụ là những người luôn song hành với hoạt động sản xuất, bởi vì họ có thể tự mình mua sản phẩm của người khác; còn những người tiêu dùng không gắn với sản xuất thì không thể mua được cái gì, trừ khi nhờ vào giá trị được tạo ra bởi chính những người tham gia sản xuất.15
Say miêu tả “chủ nghĩa bảo hộ” tự hủy hoại nó ra sao: nó giống như là “tại cửa của mỗi ngôi nhà có một tờ thuế nhập khẩu được đặt trên chiếc áo choàng hay đôi giày, cho mục đích rất đáng khen ngợi là buộc những người trong nhà đó tự cung tự cấp”16. Theo một cách rất hiện đại, ông đã hoàn toàn ý thức được về vai trò quan trọng của những chuỗi giá trị quốc tế.
Một số người phàn nàn rằng có một số nước bị “thâm hụt thương mại” trong khi những nước khác lại có “thặng dư thương mại”, và thậm chí còn cho rằng bất cứ điều gì “thâm hụt” thì đều là điều xấu. Say giải thích những quan niệm sai lầm về “cán cân thương mại” là một di sản mang tính phá hoại từ suy nghĩ của những người cổ vũ cho chủ nghĩa trọng thương - thứ là nguyên nhân của rất nhiều cuộc chiến tranh. “Những cuộc chiến tranh thương mại” hay “những cuộc trả đũa” chỉ đơn thuần là xảy ra để bảo vệ lợi ích của một số ít người có đủ mưu mẹo để làm cho đám đông nhầm lẫn giữa quyền lợi đặc biệt của họ với lợi ích của toàn dân tộc.
Say đã thận trọng với những gì ngày nay được gọi với cái tên “Hiệp định Thương mại Tự do”. Thương mại tự do đơn phương là chính sách ưa thích của Say: ta nên đối xử với các quốc gia khác như những người láng giềng hay những người bạn. Những hiệp ước độc quyền thương mại sẽ dẫn đến sự đối xử không công bằng đối với các đối tác: “nhượng bộ” cho các nhà xuất khẩu từ một quốc gia tức là “từ chối nhượng bộ” đối với các quốc gia khác, và đó là nguồn gốc của xung đột. Say có thể đã nhận ra rằng thay vì tạo ra nhiều giao thương hơn thì những hiệp ước đó có thể chỉ tạo sự “chệch hướng thương mại”, khiến dòng chảy thương mại không đến được với các nước mà chính phủ không phải là các bên tham gia hiệp ước.
Say đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc đưa ra những biện pháp trợ cấp xuất khẩu. Đây là những chính sách thu hút những kẻ mà bây giờ được gọi là “thân hữu” hay “kẻ tìm kiếm tô lợi” (rent seeker), tức những kẻ thao túng luật pháp để tìm kiếm lợi ích cho bản thân. Say là một nhà phê phán “chủ nghĩa tư bản thân hữu” avante la lettre, hay trước khi nó được hiểu một cách rộng rãi hơn. Chủ nghĩa thân hữu đơn thuần là – sử dụng một khái niệm của nhà kinh tế vĩ đại người Pháp, Frédéric Bastiat – hình thức “tước đoạt lẫn nhau” (mutual plunder).
Một đối thủ của Say về thương mại tự do – và hòa bình – không phải ai khác mà chính là Napoleon Bonaparte. Trong thời gian làm biên tập viên của tạp chí Décade Philosophique, Say đã hỗ trợ cuộc đảo chính của Bonaparte vào năm 1799 - dẫn đến việc dập tắt cuộc Cách mạng Pháp và thành lập hiến pháp theo chế độ Tổng tổng tài (Consulat). Say thực tế thậm chí còn là một thành viên của Tribunat, là một trong bốn viện của chế độ tổng tài. Nhưng sau khi Say xuất bản tác phẩm Traité [Hiệp ước] của mình vào năm 1803, Bonaparte, lúc đó đã trở thành Tổng tài “suốt đời” vào năm 1802, quả quyết rằng Say nên viết lại phần về thương mại tự do và thay đổi chúng để hỗ trợ cho chủ nghĩa bảo hộ và sự can thiệp của Chính chính phủ. Say đã kịch liệt phản đối yêu cầu của Bonaparte. Sự chính trực một cách trí tuệ đó đã khiến ông bị hất cẳng khỏi Tribunat, bị kiểm duyệt tái bản lần hai của cuốn Traité, và bị cấm hành nghề nhà báo.
Bonaparte cũng trở thành một đối thủ của Say ở góc độ rất thực tế. Sau khi bị trục xuất ra khỏi cuộc sống được nhiều người biết tới, Say quyết định mở một công ty kéo sợi. Ông là một người đậm chất doanh nhân, đã sử dụng động cơ thủy lực mới nhất mở rộng lực lượng lao động lên đến 400 người, và là một đối thủ đáng gờm đối với những nhà sản xuất người Anh. Điều đó kéo dài cho đến khi chính sách bảo hộ của Bonaparte hủy hoại công ty ông vào năm 1812. Say và những người công nhân của ông, cùng với gia đình của họ đã trực tiếp thấm thía hậu quả thực tế của những ý tưởng tồi tệ.
Hòa bình cho Thịnh thịnh vượng
Say đã mất người em trai của mình, Horace, một học giả rất có triển vọng, vào năm 1799 trong cuộc viễn chinh của Pháp đánh chiếm Ai Cập được do Bonaparte dẫn đầu bởi Bonaparte. Có lẽ việc mất người em trai trong cuộc xâm lược thuộc địa đã giúp Say hiểu rõ toàn bộ cái giá quá đắt của chiến tranh. Trong các phiên bản sau này của cuốn Luận bàn, Say đã phản đối rất quyết liệt “những cuộc chiến tranh đổ nát… như đã xảy ra ở Pháp dưới sự thống trị của Napoleon”17.
Hòa bình là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế. Mọi người không thể đầu tư hoặc lên kế hoạch cho tương lai như trong thời bình khi họ đang bị tàn sát hoặc đe dọa bị tàn sát. Say nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc hạn chế cưỡng đoạt (hay “sự cướp đoạt”) gây ra bởi chính phủ. Chính phủ xâm phạm vào tài sản không chỉ là khi họ lấy đi đất đai và các ngành công nghiệp, mà còn khi họ ra lệnh hay ngăn cấm những việc sử dụng nhất định của người dân đối với tài sản của họ. Say tin rằng các chính phủ nên bị giới hạn và chịu kiểm soát bởi luật pháp (được làm một cách “quy củ”) và rằng “không một quốc gia nào từng đạt được một mức độ giàu có nào đó mà lại không được lèo lái bởi một nhà nước quy củ”18.
Hòa bình rõ ràng là điều kiện tiên quyết của sự thịnh vượng chung giữa các quốc gia. Chiến tranh phá hủy, làm lụn bại và gây tai họa cho cuộc sống con người, quét sạch của cải, tạo ra sự đói khổ và lãng phí những tài nguyên khan hiếm. Những cuộc chiến tranh là những cuộc chơi có tổng âm. Một trong những nhiệm vụ của nền kinh tế chính trị là thể hiện ra cả chi phí và giá trị của hòa bình. Hãy hỏi một người Thụy Sĩ ở Zurich hay một người Thụy Điển ở Stockholm xem đâu là những lý do giúp cho sự giàu có tuyệt vời của thành phố hay đất nước của họ; họ có lẽ sẽ trả lời rằng: “Chúng tôi đã không ném tiền của mình vào hai cuộc chiến tranh thế giới”. Như Say đã chỉ ra:
Các quốc gia sẽ học được bài học rằng họ thực sự sẽ không thu được lợi ích gì trong một cuộc chiến với bên khác; rằng họ chắc chắn phải gánh chịu những tai ương gắn liền với sự thất bại, trong khi lợi thế đem lại thành công là hoàn toàn hão huyền. . .…. Chủ quyền trên đất liền hay trên biển đều mất đi tính hấp dẫn, khi nó khiến cho người ta nói chung hiểu rằng mọi lợi ích đều thuộc về những kẻ cai trị, còn những người dân sẽ chẳng được hưởng chút lợi ích nào cả. Đối với những cá nhân đơn lẻ, lợi ích khả dĩ tốt nhất là sự tự do hoàn toàn trong giao dịch, thứ hiếm khi có thể được hưởng nếu như thiếu vắng hòa bình. Tạo hóa nhắc nhở các quốc gia về tình bằng hữu; và nếu các chính phủ tham gia vào việc gây cản trở điều đó, đưa quốc gia mình vào trong thù hận, thì chúng sẽ mang tai hoạ đến với nhân dân của chính đất nước mình, và đến với cả những kẻ mà họ chống lại. Nếu người dân của các quốc gia này quá yếu mềm và ủng hộ tham vọng hão huyền đầy tai hại của những kẻ cầm quyền đi theo xu hướng này, thì tôi không biết làm thế nào để phân biệt rõ sự ngớ ngẩn điên rồ như vậy với hành vi của lũ súc vật được huấn luyện để chiến đấu và cắn xé những con thú khác thành từng mảnh, để đổi lại chỉ là sự vui chơi giải trí cho những chủ nhân man rợ của chúng. ””.19
Hòa bình và tự do thương mại giúp mọi người tăng cường sản xuất không chỉ trong phát triển kinh tế, mà còn đem lại sự thịnh vượng thực sự và sự phát triển vượt bậc của con người.
* Emmanuel Martin là một nhà kinh tế học và là giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Kinh tế châu Âu (Institute for Economic Studies-Europe). Ngoài việc tổ chức chương trình trên khắp châu Âu và châu Phi, ông đã từng là biên tập viên sáng lập của UnMondeLibre. org và LibreAfrique. org. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trong các ấn phẩm như Le Cercle des Échos và Les Échos ở Pháp, II Foglio ở Ý, L’Écho ở Bỉ, Libérationở Morocco, và The Wall Street Journal-Europe.
Chú thích:
(1) Jean-Baptiste Say, A Treatise on Political Economy (Philadelphia: Lippincot, Grambo&Co.), Quyển III, chương 6 phần 51. Xem trực tuyến tại: http://www.econlib.org/library/Say/sayT39.html#Bk.III,Ch.VI http://www.econlib.org/library/Say/sayT39.html#Bk.III,Ch.VI
(2) Say, Treatise, Quyển III, chương 6, phần 54. http://www.econlib.org/library/Say/sayT39.html#Bk.III,Ch.VI
http://www.econlib.org/library/Say/sayT39.html#Bk.III,Ch.VI
(3) Jean-Baptise Say, Catéchisme d’économie politique (Paris: Guillaumin et Cie, libraries, Sixième edition, 1881), tr. 9. “Produire, c’est donner de la valeur aux choses en leur donnant de l’utilité.” Câu này không xuất hiện trong bản tiếng Anh.
(4) Say cũng đã giải thích về tầm quan trọng của cạnh tranh hòa bình giữa những nhà sản xuất và những người tiêu dùng với nhau. Cạnh tranh trong thị trường là một quá trình được điều chỉnh bởi những ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp, giá cả đóng vai trò là dấu hiệu chỉ đường cho người chơi đến những cơ hội để đạt được lợi ích. Đây cũng là một quá trình học tập, tiến hành thông qua những thử nghiệm mang lại những sản phẩm mới và, được cải tiến và những lợi ích khác đến người tiêu dùng. Điều kiện cần thiết cho cạnh tranh là tự do tham gia thị trường, và vì lý do này Say phê phán gay gắt các phường hội đặc lợi, sự nhượng quyền bởi nhà nước, các tập đoàn hoạt động dưới mác Hoàng gia, và các hình thức tương tự; đây là các biện pháp hạn chế thị trường và tạo ra độc quyền.
(5) Say, Treatise, Quyển 1 chương 15 phần 3, http://www.ecolib.org/library/Say/sayT15.html#Bk.I,Ch.XV http://www.ecolib.org/library/Say/sayT15.html#Bk.I,Ch.XV
(6) Hiệu ứng quả cầu tuyết (snowball effect): là hiệu tượng tuyết dính chùm vào một quả cầu tuyết rất nhỏ ban đầu; trong quá trình lăn xuống dốc thì số tuyết dính tụ vào trên đường đi ngày càng lớn, đến mức khi xuống đến chân núi thì quả cầu tuyết bé nhỏ đã trở thành một khối cầu tuyết khổng lồ (ND).
(7) Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (Indianapolis: Liberty Fund, 1979) Quyển 1, Chương 3 tr. 31.
(8) Say, Treatie , quyển I chương 15 phần 15.
(9) Sđd., phần 9.
(10) Sđd., phần 4.
(11) Sđd., phần 16.
(12) Sđd., phần 17.
(13) Sđd., phần 18.
(14) Jean-Baptise Say, Letters to Mr. Malthus, on Several Subjects of Political Economy, and on the Cause of the Stagnation of Commerce. To Which is added, A Catechism of Political Economy, or Familiar Conversations on the Manner in which Wealth is Produced, Distributed, and Consumed in Society, John Richter biên dịch (Luân ĐônLondon: NXB Sherwood, Neely, and Jones, 1821). Bức thứ nhất: http://oll.libertyfund.org/index.php?optionoption=com_staticxt&staticfile=show.php%3Ftitle=1795&layout=html#chapter_99253
http://oll.libertyfund.org/index.php?optionoption=com_staticxt&staticfile=show.php%3Ftitle=1795&layout=html#chapter_99253.
(15) Say, Letters to Mr. Malthus, Bức thư thứ nhất.
(16) Say, Treatise, Quyển I, Chương 17 §55. Xem trực tuyến tại: http://www.econlib.org/library/Say/sayT17.html#Bk.I,Ch.XVII http://www.econlib.org/library/Say/sayT17.html#Bk.I,Ch.XVII.
(17) Say, Treatise, Quyển I, Chương 2, Chú ý 7. http://www.econlib.org/library/Say/sayT11.html#Bk.I,Ch.XI.
http://www.econlib.org/library/Say/sayT11.html#Bk.I,Ch.XI.
(18) Say, Treatise, Quyển I, Chương 14, §. 9. Thảm họa của những chính phủ bạo lực này là người dân “giấu một phần tài sản của họ khỏi con mắt tham lam của quyền lực: và giá trị không bao giờ biến mất nếu không bị vô hiệu hóa (Say, Treatise, Quyển I, chương 14, §. 9). http://www.econlib.org/library/Say/sayT14.html
http://www.econlib.org/library/Say/sayT14.html.
(19) Say, Treatise, Quyển III, chương 6, § 54. http://www.econlib.org/library/Say/sayT39.html#Bk.III,Ch.VI http://www.econlib.org/library/Say/sayT39.html#Bk.III,Ch.VI.
Nguồn: Tom G. Palmer, Peace, Love & Liberty, Chương 3, Jameson Books, Inc., 2014