[Điểm sách] Giải thoát chủ nghĩa tư bản khỏi các nhà tư bản

[Điểm sách] Giải thoát chủ nghĩa tư bản khỏi các nhà tư bản

Sự phản đối với CNTB chủ yếu là phản đối CNTB thân hữu – hay tình trạng mà một số doanh nghiệp nhận được sự đối xử đặc biệt của chính phủ.

Người Mỹ đang trải qua thời kỳ mà CNTB hứng chịu ngày càng nhiều các cuộc tấn công mặc dù các khảo sát không bao giờ phát hiện ra. Điều này phản ánh rằng những gì mọi người suy nghĩ có khi chẳng có gì liên quan đến CNTB (tương tự với chủ nghĩa xã hội) hoặc thậm chí còn trái ngược với nó.

Ví dụ, phát biểu gần đây của Hạ nghị sĩ Mỹ Alexandria Ocasio-Cortez cho rằng "CNTB là một hệ tư tưởng về vốn - điều quan trọng nhất là tích tụ vốn, tìm kiếm và tối đa hóa lợi nhuận", vì vậy nên CNTB là "không thể cứu vãn". Cô ấy tin vào cách Marx định nghĩa CNTB theo đó chủ sở hữu vốn hốt bạc trên cái giá phải trả của người khác. Tuy nhiên, thực ra CNTB là một hệ thống sở hữu tư nhân đối với các nguồn lực, bao gồm cả lao động, cũng như vốn, và được phối hợp bởi các thỏa thuận tự nguyện.

Do đó nó ngăn cản sự xâm phạm cuộc sống, tự do và tài sản của người khác mà không có sự đồng ý, ngăn chặn kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu. CNTB ngăn chặn sự áp bức bằng cách bảo vệ các quyền của người khác. Nó khác với tất cả các biến thể của chủ nghĩa xã hội vốn đòi hỏi sự đồng thuận của tập thể người lao động mới có thể ngăn chặn sự bóc lột.

Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tư bản thân hữu 

Sự chống đối CNTB chủ yếu là chống đối CNTB thân hữu – tức tình trạng mà một số doanh nghiệp nhận được sự đối xử đặc biệt từ chính phủ, điều này chắc chắn xâm phạm quyền và đặc quyền của người khác (ví dụ như quyền tự do lập hội và tự do hợp đồng), đẩy thị trường thiên về phía những đối tượng mà chính phủ ưu ái. Tuy nhiên đó không phải là CNTB đúng nghĩa, mặc dù phần lớn những người đang tìm kiếm đặc quyền, đặc lợi của chính phủ chính là những nhà tư bản thành công nhưng sau đó lại tìm cách bảo vệ lợi ích của mình khỏi đối thủ có thể vượt trội hơn họ ở hiện tại hoặc trong tương lai.

Có một điều không mới là những nhà tư bản thành công thường tìm kiếm CNTB thân hữu do cảm thấy bị đe dọa bởi những biến động tiềm năng. Tuy nhiên điều này lại cho chúng ta cơ hội học hỏi từ những giai đoạn trước kia khi tâm lý bài tư bản gia tăng để có thể đối phó những vấn đề hiện tại, bởi vì trong lĩnh vực này thì “mọi thứ càng thay đổi thì càng y nguyên”.

Có một ví dụ hay phân tích tình hình hiện tại, khi sự chỉ trích dành cho CNTB ngày càng gia tăng, thực ra là sự nhầm lẫn giữa CNTB thân hữu và những nhà tư bản nhất thời muốn thao túng nó. Đó là phân tích trong cuốn sách xuất bản năm 2003 - Saving Capitalism from the Capitalists: Unleashing the Power of Financial Markets to Create Wealth and Spread Opportunity (Giải thoát CNTB khỏi các nhà tư bản: Giải phóng sức mạnh của thị trường tài chính để tạo ra của cải và lan tỏa các cơ hội) - của tác giả Raghuram G. Rajan và Luigi Zingales. Tôi đã từng bình luận về cuốn sách này trong tờ The Freeman vào tháng 6/2004 và có lẽ chúng ta nên xem lại cuốn sách để rút bài học trong hiện tại.

 

Trong thời kỳ mà CNTB hứng chịu nhiều cuộc tấn công sai lầm, Giải thoát CNTB khỏi các nhà tư bản đưa ra một lời tựa hứa hẹn nhất có thể tưởng tượng được: “CNTB, hay chính xác hơn, hệ thống thị trường tự do, là cách hiệu quả nhất để tổ chức sản xuất và phân phối mà loài người đã tìm ra”. Các tác giả - Raghuram Rajan (hiện là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế) và Luigi Zingales (Trường Cao học Kinh doanh của Đại học Chicago) - cũng công nhận rằng CNTB bị đổ lỗi cho một loạt các tệ nạn, cả bởi những người không hiểu gì về nó và những người ủ mưu để đổ lỗi hoặc thâu tóm bộ máy chính trị vì lợi ích cá nhân họ.

Theo quan sát của các tác giả, CNTB thường được coi là vật tế thần mỗi khi sụt giảm kinh tế bởi “các hình thức của CNTB diễn ra ở các quốc gia hầu hết đều khác xa với hình thức lý tưởng của nó. Chúng là những phiên bản bị bóp méo mà trong đó các nhóm lợi ích ngăn cản, khiến quá trình cạnh tranh không thể thực hiện vai trò lành mạnh, tự nhiên của nó. Nhiều cáo buộc chống lại CNTB ... liên quan đến các hệ thống thất bại, không có tính cạnh tranh hơn là một hệ thống doanh nghiệp tự do thực sự."

Rajan và Zingales lập luận rằng một khi chính phủ đã bị hạn chế xâm phạm các quyền tài sản và các thể chế của CNTB bắt đầu phát triển, thì mối đe dọa lớn nhất đối với hệ thống đến từ những chủ thể đã có quyền lực kinh tế (“hãng đã tồn tại trước trong ngành” (incumbent)). Họ không hứng thú với việc thúc đẩy cạnh tranh, vốn có thể làm suy giảm vị trí thống trị thị trường của họ, mà họ sử dụng các lợi ích tập trung để thao túng luật lệ theo hướng có lợi cho họ. Đó chính là những nhà tư bản gây nguy hại mà CNTB cần tránh khỏi.

Các nhà sản xuất thống trị trong nước sử dụng sức mạnh của mình để tạo ra các chính sách bảo hộ nhằm kiểm soát cạnh tranh, đặc biệt là từ các đối thủ nước ngoài, những người có rất ít quyền lực chính trị trong nước. Đây là lý do tại sao các tác giả nhấn mạnh thương mại quốc tế tự do đóng vai trò như một ràng buộc đối với các quy định hạn chế không hiệu quả của chính phủ nhằm bảo hộ các nhà sản xuất lâu năm trong nước. Vấn đề này đặc biệt rắc rối trong các cuộc suy thoái, khi những nhà sản xuất đang trong ngành lợi dụng sự tức giận đối với suy giảm kinh tế để đạt được bảo hộ thông qua luật pháp và quy định, điều mà có thể kéo dài nhiều năm sau khi cuộc khủng hoảng chấm dứt. (Lập luận dai dẳng này gợi nhớ đến tác phẩm Cuộc khủng hoảng và Levianthan của tác giả Robert Higgs, và sự vắng mặt của nó trong phần thư mục của cuốn sách này là điều tôi không hiểu nổi).

Các tác giả nhấn mạnh rằng điều quan trọng hơn là ngăn cản những doanh nghiệp xuất hiện trước trong ngành không đóng băng các thể chế và đổi mới, đặc biệt là trong một hệ thống tài chính kém phát triển; sự hạn chế tiếp cận tín dụng là rào cản chung nhất đối với gia nhập và cạnh tranh trong ngành.

Hơn nữa, việc làm suy yếu khả năng tiếp cận vốn của các đối thủ tiềm năng thông qua cản trở sự phát triển của các thể chế cần thiết cho các thị trường mua bán ngoài là dễ dàng hơn so với vận động các hàng rào bảo hộ trực quan vốn rất khó biện minh trong bối cảnh thương mại tự do.

Rajan và Zingales sử dụng nhiều ví dụ để minh họa cho tầm quan trọng của sự cạnh tranh bên ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Các ví dụ này bao gồm từ sự gỡ bỏ của các hạn chế ngân hàng và sự phát triển của thị trường quản lý điều hành doanh nghiệp ở Mỹ đến vai trò của bản vị vàng và sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods trong thương mại và tài chính quốc tế. Ngoài ra còn nhiều ví dụ từ các quốc gia và thời đại khác, chẳng hạn như sự suy yếu của Ủy ban Trái phiếu Nhật Bản và sự hủy diệt của hội Hiệp sĩ Đền thánh (The Knights Templar).

Thật không may, khi các tác giả chuyển hướng từ những đóng góp hữu ích về tầm quan trọng của cạnh tranh tự do trong sản phẩm và trên thị trường tài chính sang những đề xuất để bảo vệ CNTB khỏi bị lạm dụng chính trị, họ dường như bị mất phương hướng. Các chính sách được đề xuất trải dài từ việc bổ sung mạng lưới an toàn của chính phủ đến thuế thừa kế nặng hơn và thay thế thuế tài sản bằng thuế thu nhập. Họ không nhận ra bản thân những đề xuất này đã làm xói mòn các quyền sở hữu giúp hình thành cơ sở cần thiết cho CNTB.

Hơn nữa, các đề xuất này không nhất quán với phân tích của họ. Ví dụ, nếu có một nhóm đang thống lĩnh, họ cũng kiểm soát hầu hết các tài sản và kiểm soát sự cạnh tranh chính trị trong một quốc gia, làm thế nào nước đó có thể chuyển đổi thành công từ thuế thu nhập sang thuế tài sản và áp đặt thuế thừa kế cao hơn, vì những thay đổi sẽ trực tiếp ảnh hưởng vào nhóm đang thống lĩnh đó?

Tác phẩm Giải thoát CNTB khỏi các nhà tư bản có giá trị nhất định vì công nhận tầm quan trọng của thương mại tự do, đặc biệt là cạnh tranh mở trên thị trường tài chính, không chỉ vì lợi ích trực tiếp mà thương mại tự do và cạnh tranh mở mang lại, mà còn ở việc chúng làm giảm khả năng của chính phủ trong việc bảo vệ những nhóm lợi ích xuất hiện từ trước chống lại những người gia nhập mới tiềm năng và những nhà đổi mới có thể đe dọa lợi ích của họ. Giá trị của cuốn sách còn nằm ở việc nó cung cấp nhiều dẫn chứng và ví dụ trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, thật không may cuốn sách đã phóng đại quá mức vai trò của chính phủ cần thiết để phát triển thị trường tài chính, và những đề xuất đưa ra nhằm cứu vãn CNTB còn để lại nhiều nghi ngại.

Tuy nhiên những khuyết điểm đó không ngăn cuốn sách này đứng đầu trong số những “đóng góp” gần đây nhất cho việc tìm hiểu và phân tích CNTB.

 

*Gary M. Galles là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Pepperdine và là thành viên trong mạng lưới giảng viên của Tổ chức Giáo dục Kinh tế.

Ngoài tác phẩm mới - Con đường dẫn đến các thất bại chính sách (2020), các tác phẩm khác của ông bao gồm Các đường thẳng của tự do (2016), Giả thuyết sai, chính sách sai (2014) và Tín đồ của hòa bình (2013).

Nguồn: Gary M. Galles, Saving Capitalism from the Capitalists, FEE, 14/4/2019

Dịch giả:
Phạm Lan Hương
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh