Coase và Covid (Bài 2): Giải pháp cá nhân hoá

Coase và Covid (Bài 2): Giải pháp cá nhân hoá

(Tiếp theo Bài 1: Coase và Covid)

Ronald Coase - kinh tế gia đoạt giải Nobel - là một nguồn cội của  các ý tưởng tiên phong. Một trong số những ý tưởng hay nhất xuất phát từ quan điểm của ông là mọi kết quả mà hành động của một người tạo ra cho phúc lợi của người khác đều có nguyên nhân từ cả hai bên. Nói theo ngôn ngữ kinh tế học, tất cả các ngoại ứng đều có tính song phương.

Như đã giải thích trong bài luận trước, thực tế này không có nghĩa bên nào cũng sẽ bị đổ lỗi khi gây ra những hậu quả xấu. Từ “đổ lỗi” ám chỉ việc làm sai trái. Và người ta chỉ phạm phải việc sai trái khi làm trái với bổn phận của mình, hoặc xâm phạm quyền của người khác, bao gồm các quyền sở hữu của họ.

Tuy nhiên, bởi vì người có thể ngăn chặn tổn hại ở mức chi phí thấp nhất không phải là bạn, mà là Tom, nên chúng ta xác định Tom chính là “nguyên nhân”. Trách nhiệm ngăn chặn tổn hại là anh ta chịu chứ không phải bạn.

Bài học chung ở đây là chúng ta muốn giải quyết những vấn đề nảy sinh từ quan hệ giữa người với người theo những cách ít tốn kém nhất.Trở lại với ví dụ từ bài luận trước của chúng tôi, vì những cư dân trong căn hộ nơi bạn sống có quyền không bị ồn ào vào ban đêm, nên nếu Tom, người hàng xóm của bạn, tập thổi kèn tuba vào ban đêm thì anh ta sẽ bị đổ lỗi vì đã làm bạn thức giấc. Chúng ta nói rằng bên “gây ra” tổn hại là Tom. Việc đổ lỗi cho Tôm là nguồn gốc gây hại là chính xác cho dù thực ra bạn chịu ảnh hưởng cũng bởi vì bạn chọn sống trong căn hộ đó. Bạn có thể tránh bị ồn bằng cách rời đi hoặc lắp đặt các thiết bị cách âm đắt tiền lên tường và trần nhà bạn.

Chi phí khổng lồ của việc ngăn trở xã hội

Và loài người chúng ta tương tác với nhau rất nhiều. Sự phồn thịnh của chúng ta chỉ trở nên khả thi khi chúng ta được tương tác trong thương mại, xã hội, và quan hệ thân mật với nhau. Và càng tương tác một cách hài hòa, chúng ta càng phồn thịnh. Thực tế này giải thích tại sao các thành phố ở các xã hội trọng thương luôn năng động, nổi tiếng, và thịnh vượng hơn những ngôi làng nhỏ nông thôn. Nhưng khi tương tác tăng lên để tạo ra nhiều cơ hội đôi bên cùng có lợi, thì đồng thời nó cũng gia tăng nguy cơ chúng ta vô tình làm hại lẫn nhau, đôi khi còn dẫn tới hậu quả bi thảm.

Có thể hoàn toàn loại bỏ nguy cơ gây hại vô tình như thế bằng cách mỗi người chúng ta trở thành một ẩn sĩ – sống cách biệt, tiếp xúc cùng lắm là với các thành viên ở trong gia đình. Cái mà các nhà kinh tế học gọi là “ngoại ứng tiêu cực” – khi những người lạ vô tình gây thiệt hại cho những người khác khi họ tương tác – sẽ biến mất! Dĩ nhiên, tất cả chúng ta, như một hệ quả của sự cô lập đó, cũng sẽ trở nên nghèo đói một cách không tưởng. Và trong số ít những người vẫn còn có thể bám víu lấy cuộc sống khi đó, rất nhiều người có thể thà chết còn hơn phải sống không có bạn bè và người khác để tương tác.

Đối với loài người, tồn tại như vậy là phi tự nhiên. Tính xã hội tự nhiên của chúng ta – bao gồm cái mà Adam Smith gọi “xu hướng trao đổi, đổi chác, và giao thương” – không ngừng gắn kết chúng ta lại với nhau vì lợi ích và khoái cảm. Khi sự tương tác này bị ngăn chặn, tất cả chúng ta đều chịu thiệt.

Để giải quyết các rủi ro thường trực khi vô tình làm hại nhau trong tương tác, chúng ta kết tội – và thường là kèm theo trách nhiệm pháp lý – cho các cá nhân có thể ngăn chặn những thiệt hại vô tình với mức chi phí thấp nhất. Mặc dù chúng ta có thể hoàn toàn loại bỏ những nguy cơ đó bằng cách ngăn cấm tất cả sự tương tác, nhưng chúng ta không nên thực hiện một giải pháp cực đoan như thế. Làm vậy là quá tốn kém.

Thế nhưng một giả định ngầm đằng sau lệnh ở yên tại nhà và các can thiệp phi dược phẩm khác (NPIs) của năm 2020 là những biện pháp đó là cách thức hiệu quả nhất về chi phí để ngăn chặn hiểm họa từ virus corona. Nhưng một chính sách làm tê liệt nền kinh tế trên diện rộng và cản trở nhiều mô thức tương tác xã hội phức hợp và tinh tế có vẻ không phải là một cách hiệu quả về chi phí để ngăn chặn hiểm họa từ virus corona. Từ phương diện chi phí-lợi ích, chính sách này tương đương với việc giải quyết vấn đề tiếng ồn trong toà nhà của bạn bằng cách bắt buộc tất cả cư dân sơ tán trừ Tom, người đang chơi kèn tuba.

Về giải pháp cá nhân hoá

Có một cách khác nhưng không được thực hiện, thậm chí có vẻ còn không được xem xét. Cách thức tốt hơn này dựa trên cách tiếp cận hiệu quả hơn về chi phí, tức là cho phép mỗi cá nhân được tự chọn cách xử sự và mức độ phòng ngừa virus của riêng họ. Chúng tôi gọi đây là giải pháp cá nhân hóa.

Hãy cùng xem một giải pháp công nhận là hơi cực đoan, nhưng sẽ mang lại cho những ai sử dụng nó sự bảo vệ toàn diện: đó là mặc bộ quần áo phòng dịch để đi làm hoặc đi gặp người khác. Người mặc bộ đồ đó có thể yên tâm rằng sẽ không bao giờ bị nhiễm virus corona.

Nghe có vẻ phi thực tế, cực đoan, và điên rồ, phải không nào? Thế nhưng liệu giải pháp này có phi thực tế hơn so với việc ngưng trệ hầu hết hoạt động xã hội trong một thời gian vô hạn định? Liệu giải pháp này có cực đoan hơn so với việc trao cho các chính phủ quyền lực không giới hạn như các nhà nước công an-trị để đàn áp những hoạt động thường ngày của con người?

Có phải việc buộc những người sợ hãi và dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho bản thân, bao gồm cả việc mặc bộ đồ phòng dịch (nếu họ muốn), thì điên rồ hơn việc ngăn cấm người lớn khỏi đi làm, trẻ con khỏi tới trường, và mọi người khỏi thực hiện các hoạt động xã hội thông thường?

Chẳng biết nơi nào mới kỳ dị hơn giữa một thế giới có vài khách bộ hành mặc quần áo phòng dịch lang thang trên đường phố và một thế giới có Quảng trường Thời đại vắng như chùa Bà Đanh, các sự kiện thể thao diễn ra trong sân vận động vắng tanh, trẻ mẫu giáo học online, và thậm chí chính phủ thì khuyến nghị đeo khẩu trang khi làm tình?

Thế còn chi phí thì sao? Trang IndustrialSafety.com bán bộ đồ phòng dịch với giá 200 đô la Mỹ. Theo đó, nếu cấp cho mọi đàn ông, phụ nữ, và trẻ nhỏ ở Mỹ một bộ quần áo phòng dịch cũng chỉ tốn chưa đến 70 tỷ đô la Mỹ. Mà cấp luôn cho mỗi người Mỹ hai bộ đi, phòng trường hợp một bộ bị hỏng mất. Chỉ tốn 140 tỷ đô la Mỹ. Số tiền này còn chưa đến 10 phần trăm chi phí mà chỉ mình chính phủ Mỹ đã trực tiếp chi tiêu trong tháng Bảy để ứng phó với Covid. Và 140 tỷ đô là Mỹ này sẽ càng chẳng đáng là bao khi chúng ta tính cả những thiệt hại về sản lượng kinh tế, hoạt động xã hội, và tính mạng của những bệnh nhân ung thư và những thiệt hại khác các biện pháp phong tỏa.

Ý của chúng tôi không phải là khuyên mọi người chọn cách cực đoan, mỗi người mặc một bộ độ phòng dịch. Thay vào đó, chúng tôi muốn giải thích rằng những hạn chế tương tác xã hội được chính phủ áp đặt không phải là giải pháp duy nhất hoặc ít tốn kém nhất để bảo vệ mọi người khỏi virus corona. Mỗi người trong chúng ta có thể bảo vệ bản thân chúng ta, và với một mức chi phí chấp nhận được.

Giải pháp cá nhân hóa cho phép mỗi cá nhân điều chỉnh mức độ bảo vệ tuỳ theo khẩu vị rủi ro của mình. Những người sợ rủi ro có thể chọn mặc bộ đồ phòng dịch. Tuy nhiên với hầu hết mọi người có thể sẽ chọn những mức độ bảo vệ thấp hơn – ví dụ như, đeo khẩu trang N95 và găng tay cao su, hoặc tự nguyện cách ly tại nhà. Những người ít sợ rủi ro hơn có thể chọn các mức độ bảo vệ thấp hơn. Một vài người – nếu họ nghĩ rằng rủi ro bị tổn hại bởi covid là không đáng kể - sẽ tự do không thực hiện biện pháp phòng ngừa nào.

Một điểm quan trọng là với phương án cá nhân hóa thì mỗi người tự gánh chịu chi phí và lợi ích từ quyết định của mình, và theo đó không đáng bị buộc tội gây ra thiệt hại cho người khác. Bởi vì bạn có thể chọn cho mình bất kể mức độ bảo vệ nào mong muốn với mức chi phí hợp lý nên không ai khác bị bắt buộc phải làm theo những cách để giảm nguy cơ nhiễm bệnh của bạn. Mỗi người trong chúng ta sẽ hưởng thụ những lợi ích, và gánh chịu các chi phí của bất cứ mức độ bảo vệ nào được cá nhân hóa mà bản thân chúng ta chọn. Không ai trong chúng ta có thể bị buộc tội gây ra thiệt hại cho người khác. Theo đó, tổng chi phí đối phó với virus sẽ được tối thiểu hóa.

Tóm lại, nói vắn tắt thì những biện pháp can thiệp phi dược phẩm do chính phủ áp đặt đơn giản là vô hiệu.

Những cân nhắc khác

Tại sao Coase bị lờ đi và phương án cá nhân hóa chưa bao giờ được xem xét? Và tại sao vẫn sẽ có nhiều người tiếp tục phản đối nó? Chúng ta chỉ có thể suy đoán các câu trả lời. Trong những bài luận tiếp theo, chúng tôi sẽ đưa ra một số phỏng đoán có liên quan khi chúng tôi tiếp tục trình bày, hoàn thiện phương án cá nhân hóa.

(Xem tiếp Bài 3: Dãy phổ tần)

Nguồn: Lyle D. Albaugh & Donald J. Boudreaux, Coase and Covid: The Individualized Option, AIER, 14/9/2020

 
 
 
 
 
 
Dịch giả:
Hoàng Văn Trung
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh