COVID-19 và gánh nặng kinh tế đối với phụ nữ: Câu chuyện đằng sau những con số
Tác động của các cuộc khủng hoảng không bao giờ trung lập về giới tính và COVID-19 cũng không phải là ngoại lệ.
Đối với bà mẹ đơn thân ở Nam Sudan, các biện pháp phong tỏa do COVID-19 đã khiến hoạt động kinh doanh nhỏ nuôi sống gia đình của cô tạm dừng.
Đối với người giúp việc gia đình ở Guatemala, đại dịch nghĩa là không có việc làm và không có trợ cấp thất nghiệp hoặc các biện pháp bảo vệ khác.
Đối với vô số phụ nữ ở mọi nền kinh tế, cùng với việc mất thu nhập, gánh nặng chăm sóc không được trả lương và công việc gia đình đã đè nặng lên đôi vai của họ.
Riya Akter, 22 tuổi, là một công nhân may mặc. Khi được hỏi liệu cô ấy có sợ bị nhiễm COVID- 19 hay không, cô ấy nói rằng công việc đến trước và cần phải làm, nếu không cô sẽ không có tiền ăn. Cô vừa làm việc vừa duy trì khoảng cách xã hội với các công nhân khác khi các nhà máy may sẵn (RMG) mở cửa trở lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở Dhaka, Bangladesh. Tháng 5 năm 2020. Ảnh: UN Women / Fahad Abdullah Kaizer
Trong khi tất cả mọi người đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, phụ nữ đang phải gánh chịu gánh nặng về kinh tế và xã hội do COVID-19 gây ra.
Phụ nữ nghèo và bị thiệt thòi phải đối mặt với nguy cơ lây truyền COVID-19 và tử vong cao hơn, mất sinh kế cũng như gia tăng bạo lực gia đình. Trên toàn cầu, 70% nhân viên y tế và những người phản hồi đại dịch đầu tiên là phụ nữ, tuy nhiên, họ không được trả lương ngang ngang bằng với các đồng nghiệp nam. Chênh lệch lương theo giới trong lĩnh vực y tế nằm ở mức 28%, cao hơn mức chênh lệch trả lương chung theo giới (16%).
Dưới đây là những ảnh hưởng của COVID khiến những nỗ lực kinh tế của phụ nữ trong những thập kỷ qua bị đảo ngược, trừ phi chúng ta quyết tâm hành động quyết tâm và ngay lập tức.
Khoảng cách nghèo đói theo giới trong tương lai
“Trong 22 năm qua, tình trạng nghèo cùng cực trên toàn cầu đã giảm dần. Thế nhưng, COVID-19 đã đến, kéo theo tình trạng mất việc làm, thu hẹp nền kinh tế và mất sinh kế, đặc biệt là đối với phụ nữ. Các hệ thống bảo trợ xã hội suy yếu đã khiến những người nghèo nhất trong xã hội không được bảo vệ, không có biện pháp bảo vệ để chống chọi với cơn bão này ”, Ginette Azcona, tác giả chính của báo cáo mới nhất From Insights to Action và Chuyên gia Dữ liệu và Nghiên cứu Cấp cao của UN Women (1) cho biết.
Báo cáo mới công bố gần đây cho thấy đại dịch sẽ đẩy 96 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2021, 47 triệu trong số đó là phụ nữ và trẻ em gái. Điều này sẽ nâng tổng số phụ nữ và trẻ em gái sống ở dưới ngưỡng 1,90 USD/ngày (2) lên 435 triệu người.
Sự gia tăng nghèo đói do đại dịch gây ra cũng sẽ làm gia tăng khoảng cách nghèo đói theo giới - nghĩa là, nhiều phụ nữ sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực hơn nam giới. Điều này đặc biệt xảy ra ở những người từ 25 đến 34 tuổi, ở đỉnh cao của thời kỳ sản xuất và hình thành gia đình của họ. Vào năm 2021, dự kiến cứ 100 nam giới từ 25 đến 34 tuổi sẽ có 118 phụ nữ ở độ tuổi từ 25 đến 34 rơi vào cảnh nghèo cùng cực trên toàn cầu và tỷ lệ này có thể tăng lên 121 phụ nữ nghèo trên mỗi 100 nam giới nghèo vào năm 2030.
Antra Bhatt, Chuyên gia thống kê và đồng tác giả của báo cáo From Insights to Action, cho biết thêm về sự gia tăng của tình trạng nghèo cùng cực do hậu quả của đại dịch. “Phụ nữ thường kiếm được ít tiền hơn và làm những công việc ít được bảo đảm hơn nam giới. Với hoạt động kinh tế đang giảm mạnh, phụ nữ đặc biệt dễ bị sa thải và mất sinh kế ”.
Việc làm trả công của phụ nữ và các doanh nghiệp do phụ nữ điều hành sẽ bị ảnh hưởng nặng nề (nhất)
Phụ nữ đang mất việc làm. Đại dịch và các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của nó đang làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ (so với nam giới) một cách không cân đối và cũng làm giảm thời gian làm việc tổng thể của họ.
Tại Nam Sudan, Margaret Raman, một bà mẹ 5 con bán đậu và lạc tại một chợ địa phương, đã mất hơn 50% thu nhập do các chỉ thị giãn cách xã hội làm giảm đáng kể số lượng người đi chợ.
Margaret Raman bán đậu và củ mài, trước khi COVID-19 khiến công việc kinh doanh của bà chững lại. Ảnh: CAO / Alison Hassen
Bà nói: “Các công việc kinh doanh của chúng tôi đã và đang phát triển, chỉ để bị gián đoạn bởi COVID-19. “Kể từ COVID-19, cuộc sống của chúng tôi đã không còn như xưa. Trong những trường hợp bình thường, tôi kiếm được khoảng 28.000 SSP [100 USD] trong một tuần. Gần đây, mức này giảm xuống dưới một nửa, 10.000 SSP [34 USD] một tuần. ”
Những câu chuyện tương tự như hoàn cảnh của Raman cũng xảy ra tại nhiều nơi khác trên thế giới. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, ở châu Âu và Trung Á, 25% phụ nữ tự kinh doanh đã bị mất việc làm, so với 21% ở nam giới - một xu hướng được cho là sẽ tiếp tục khi thất nghiệp gia tăng. Các dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy COVID-19 có thể làm mất khoảng 140 triệu việc làm toàn thời gian; và công việc của nữ giới có rủi ro cao hơn 19% so với công việc của nam giới.
Chính những người phụ nữ này là những gương mặt đằng sau các tít trên báo chí, họ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác động kinh tế của COVID-19. Nếu không có các chính sách và biện pháp cứu trợ kinh tế hướng đến phụ nữ và hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo nhằm đảm bảo thu nhập của họ, thì tình hình của họ sẽ chỉ ngày càng tồi tệ hơn.
Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành có nhiều phụ nữ hơn
Phụ nữ chiếm đa số trong nhiều ngành bị COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất, chẳng hạn như dịch vụ ăn uống, bán lẻ và giải trí. Ví dụ, 40% tổng số phụ nữ có việc làm - 510 triệu phụ nữ trên toàn cầu - làm việc trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh từ đại dịch, so với 36,6% nam giới có việc làm.
Ryancia Henry, làm việc trong ngành khách sạn tại Hoa Kỳ. Ảnh: Ryancia Henry
Ryancia Henry, 32 tuổi, một công dân vùng Caribe làm việc trong ngành khách sạn tại Hoa Kỳ, cho biết: “Chỉ riêng tác động tài chính đối với ngành dịch vụ khách sạn đã rất kinh khủng”. “Tôi rất lo lắng cho bản thân: liệu chuyện này sẽ diễn ra trong bao lâu, tôi phải đưa ra quyết định như thế nào để đảm bảo ổn định tài chính, và tôi cũng có những lo lắng tương tự với đội ngũ của mình. Tôi gửi một số tiền về nhà để giúp mẹ, đồng thời phải đảm bảo một số khoản thanh toán khác”
Đây là những lĩnh vực có nhiều lao động phi chính thức. Ngay cả trước đại dịch thì những lao động này vốn đã bị trả lương thấp, điều kiện làm việc kém và thiếu bảo trợ xã hội (lương hưu, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm thất nghiệp).
Trên toàn cầu, 58% phụ nữ có việc làm làm công việc phi chính thức, và ước tính cho thấy trong tháng đầu tiên của đại dịch, lao động phi chính thức trên toàn cầu bị mất trung bình 60% thu nhập.
Khi mọi người đều ở nhà, những phụ nữ chuyên giúp việc nhà bị mất việc
Đối với lao động giúp việc gia đình, 80% trong số đó là phụ nữ, tình hình đã trở nên nghiêm trọng: trên khắp thế giới, 72% lao động giúp việc gia đình bị mất việc làm. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, giống như nhiều công việc kinh tế phi chính thức khác, công việc giúp việc gia đình thiếu các biện pháp bảo vệ người lao động cơ bản như nghỉ phép có lương, thời gian báo trước hoặc trợ cấp thôi việc.
Ana Paula Soares đứng trước ngôi nhà của gia đình chị ở Ermera, Timor-Leste. Ảnh: Natercia Saldanha
Khi cuộc khủng hoảng COVID-19 lan đến Đông Timor, Ana Paula Soares, 27 tuổi, vốn là trụ cột gia đình của cô từ năm 2017, đã mất thu nhập và không còn cách nào khác để hỗ trợ gia đình.
Câu chuyện của chị cũng giống như hàng triệu lao động nữ trong khu vực kinh tế phi chính thức.
“Thật khó để kiếm tiền vào thời điểm này. Những người làm việc tại văn phòng, họ tiếp tục làm việc tại nhà và nhận lương đều đặn; nhưng người giúp việc gia đình thì không được như thế. Người giúp việc gia đình cũng nên được hưởng lương trong thời kỳ khủng hoảng, ”Soares nói. “Một số thậm chí còn không nhận được lương khi họ bị yêu cầu nghỉ việc vào giữa tháng. Tôi mong muốn tất cả các nhà tuyển dụng sẽ đối xử bình đẳng với nhân viên của họ ”.
Khi không có sự giúp đỡ của người sử dụng lao động, những người giúp việc gia đình ở Mỹ Latinh đã tự tổ chức mạng lưới trợ giúp của riêng họ. Adriana Paz, điều phối viên phụ trách khu vực Châu Mỹ Latinh tại Liên đoàn Lao động Giúp việc Gia đình Quốc tế, cho biết: “Phản ứng của họ thực sự đáng ngưỡng mộ”. “Họ đã gây quỹ, đến từng nhà, liên lạc với cấp địa phương và với các cơ quan chính trị. Họ đã tổ chức các bếp ăn cộng đồng [và] cung cấp thức ăn tới những người cần giúp đỡ nhất trong mạng lưới”;
Paz nói thêm: “Các hiệp hội và công đoàn của người giúp việc gia đình là một trong số ít các tổ chức đã giúp đỡ những khu dân cư nghèo nhất.”
Bất bình đẳng tại nhà và những công việc chăm sóc không lương
Khi các biện pháp cách ly khiến mọi người phải ở nhà, trường học và các trung tâm giữ trẻ bị đóng cửa, thì gánh nặng chăm sóc không lương và những công việc gia đình tăng lên, áp lên cả phụ nữ và nam giới. Nhưng ngay cả trước đại dịch COVID-19 thì phụ nữ đã phải dành trung bình 4,1 giờ mỗi ngày làm những công việc không được trả lương, trong khi nam giới chỉ dành 1,7 giờ - điều đó có nghĩa là ở quy mô toàn cầu, phụ nữ đã phải làm những công việc không được trả lương nhiều hơn nam giới gấp ba lần. Cả nam giới và phụ nữ đều cho biết số lượng công việc không được trả lương ngày càng tăng kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng phụ nữ vẫn đang tiếp tục gánh vác phần lớn công việc đó. Việc đóng cửa trường học và nhà trẻ, cùng với việc giảm trợ giúp từ bên ngoài, khiến phụ nữ phải làm thêm việc trong nhiều tháng. Đối với các bà mẹ đang đi làm, điều này có nghĩa là họ phải cân bằng giữa việc làm toàn thời gian với trách nhiệm chăm sóc, giáo dục con cái.
Trách nhiệm chăm sóc người già ốm đau trong gia đình cũng thường thuộc về phụ nữ.
Tại Serbia, một trung tâm tư vấn qua điện thoại do Amity - một tổ chức phi lợi nhuận điều hành, cung cấp hỗ trợ cho những người cô đơn hay quá tải với công việc chăm sóc và làm việc nhà trong thời gian đóng cửa xã hội.
Nada Sataric, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Amity. Ảnh do tổ chức phi chính phủ Amity cung cấp.
“Hầu hết những cuộc gọi đến trung tâm là từ những phụ nữ trẻ và trung niên đang phải chăm sóc cho các thành viên lớn tuổi trong gia đình. Họ vướng vào một vòng xoáy không dứt - nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa trong thời điểm đóng cửa xã hội” Sataric, người sáng lập Amity cho biết. “Đây là lúc cần thừa nhận công việc chăm sóc không được trả lương đó, và san sẻ gánh nặng này”
Nghèo đói và khoảng cách trong các dịch vụ cơ bản và cơ sở hạ tầng làm tăng thêm khối lượng công việc không được trả lương của phụ nữ. Trên toàn cầu, khoảng 4 tỷ người không được tiếp cận với các công trình vệ sinh được quản lý an toàn và khoảng 3 tỷ người thiếu nước sạch và xà phòng tại nhà. Trong những tình huống này, phụ nữ và trẻ em gái là những người được giao nhiệm vụ lấy nước và các nhiệm vụ khác cần thiết cho sự sinh tồn hàng ngày.
Các hậu quả (kinh tế/ xã hội) sẽ tồn tại lâu hơn đại dịch
Sự bất an kinh tế không chỉ là về việc làm, mà còn là mất thu nhập nữa. Những hậu quả liên đới ảnh hưởng đến cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái trong nhiều năm tiếp theo. Những tác động đến giáo dục và việc làm gây ra những hậu quả lâu dài mà nếu không được giải quyết thì sẽ làm đảo ngược những thành quả khó khăn lắm mới đạt được trong bình đẳng giới.
Ước tính cho thấy có thêm 11 triệu trẻ em gái có thể phải nghỉ học vào cuối cuộc khủng hoảng COVID; bằng chứng từ các cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy nhiều người sẽ không quay trở lại. Khoảng cách giới ngày càng lớn trong giáo dục ảnh hưởng nghiêm trọng đến phụ nữ, giảm thu nhập, hạn chế hình thức mưu sinh của họ, cũng như tăng tình trạng mang thai và tảo hôn ở tuổi vị thành niên.
Tình trạng thiếu giáo dục và kinh tế không đảm bảo cũng làm gia tăng nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới. Nếu không đủ nguồn lực kinh tế, phụ nữ không thể thoát khỏi tình trạng bị bạn tình bạo hành, hay đối mặt với nguy cơ bị bóc lột và buôn người.
Kể cả khi đại dịch dần tan thì những hậu quả này cũng không biến mất: phụ nữ có thể gặp cản trở lâu dài trong việc tham gia lực lượng lao động và bị ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập. Tác động đến lương hưu và tiền tiết kiệm sẽ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của phụ nữ về sau.
Hậu quả sẽ nghiêm trọng nhất đối với những phụ nữ dễ bị tổn thương nhất, những người ít khi được truyền thông nói tới: các lao động nhập cư, người tị nạn, các nhóm dân tộc thiểu số, các hộ gia đình đơn thân, thanh niên và những người nghèo nhất thế giới. Những người gần đây đã thoát ra khỏi cảnh nghèo cùng cực có thể sẽ dễ rơi vào cảnh đó một lần nữa.
Các nỗ lực hỗ trợ phục hồi phải đến được với phụ nữ
“Bất chấp những tác động rõ ràng về giới của các cuộc khủng hoảng, các nỗ lực ứng phó và phục hồi có xu hướng bỏ qua nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái cho đến khi quá muộn. Chúng ta cần làm tốt hơn nữa” Papa Seck, thống kê trưởng của UN Women kêu gọi. “Thế nhưng hầu hết các quốc gia đều không thu thập hoặc không cung cấp dữ liệu chia theo giới tính, tuổi tác và các đặc điểm khác - chẳng hạn như giai cấp, chủng tộc, vị trí địa lý, tình trạng khuyết tật thể chất, hay tình trạng di cư. Những khoảng trống dữ liệu nghiêm trọng đó khiến cho việc dự đoán toàn bộ tác động của đại dịch ở các quốc gia và cộng đồng trở nên vô cùng khó khăn, đồng thời dấy lên lo ngại rằng phản ứng chính sách Covid-19 của các chính phủ sẽ bỏ qua ưu tiên dành cho phụ nữ và những em gái dễ bị tổn thương nhất”
Dưới đây là năm bước mà chính phủ và doanh nghiệp có thể thực hiện để giảm thiểu tác động kinh tế tiêu cực của Covid-19 đối với phụ nữ.
1. Hỗ trợ thu nhập trực tiếp cho phụ nữ
Giới thiệu các gói hỗ trợ kinh tế, bao gồm chuyển tiền trực tiếp, mở rộng trợ cấp thất nghiệp, giảm thuế và, trợ cấp cho gia đình và con cái của những phụ nữ dễ bị tổn thương. Việc chuyển tiền mặt trực tiếp, nghĩa là trao tiền mặt trực tiếp cho phụ nữ nghèo hoặc thiếu thu nhập - có thể là một cứu cánh cho những người đang gặp khó khăn trong việc trang trải các nhu cầu thiết yếu hàng ngày trong thời kỳ đại dịch này. Những biện pháp này cung cấp sự trợ giúp cụ thể mà phụ nữ cần ngay bây giờ.
2. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và quản lý
Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo cần nhận được các khoản trợ cấp tài chính cụ thể, cũng như các khoản vay được nhà nước hỗ trợ. Các gánh nặng về thuế cần được nới lỏng và nếu có thể, các chính phủ nên cung cấp thực phẩm, thiết bị bảo hộ cá nhân và các nguồn cung cấp thiết yếu khác từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Tương tự, việc cứu trợ kinh tế cũng nên nhắm vào các lĩnh vực và ngành mà phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn trong lao động.
3. Hỗ trợ cho lao động nữ
Triển khai các hệ thống bảo trợ xã hội có lưu tâm về giới để hỗ trợ đảm bảo thu nhập cho phụ nữ. Việc mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng với giá cả phải chăng sẽ tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động hơn. Việc thu hẹp khoảng cách lương theo giới là cần thiết, bắt đầu bằng việc ban hành các luật và chính sách đảm bảo trả công bình đẳng cho những công việc có giá trị như nhau và ngừng đánh giá thấp công việc của phụ nữ.
4. Hỗ trợ cho lao động phi chính thức (lao động tự do)
Cung cấp bảo trợ và phúc lợi xã hội cho những lao động phi chính thức. Đối với những lao động phi chính thức bị thất nghiệp, việc chuyển tiền hoặc đền bù thất nghiệp có thể giúp giảm bớt gánh nặng tài chính. Việc hoãn, miễn thuế và các khoản chi trả an ninh xã hội cho người lao động trong khu vực phi chính thức cũng mang lại hiệu quả tương tự.
5. Sự hòa hợp giữa công việc được trả lương và công việc không được trả lương
Cung cấp cho tất cả những người chăm sóc chính được nghỉ phép có lương, giảm thiểu thời gian làm việc hoặc tạo điều kiện làm việc linh hoạt. Cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em cho những lao động trong khu vực thiết yếu. Tuy rằng nhiều biện pháp chưa từng có tiền lệ đã được đưa ra để giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế, song chưa có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cho những gia đình đang vật lộn với các công việc được trả lương và không được trả lương, bao gồm các nhu cầu chăm sóc. Cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thu hút người dân và người lao động tham gia vào các chiến dịch công cộng nhằm thúc đẩy sự phân bổ công bằng các công việc nội trợ hay chăm sóc gia đình cho cả nam và nữ.
Chú thích:
(1) UN Women là cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ được thành lập để thúc đẩy đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái toàn cầu.
(2) 1,9 USD/ngày/người là ngưỡng nghèo quốc tế do World Bank ban hành năm 2015
Nguồn: COVID-19 and its economic toll on women: The story behind the numbers, UN Women, 16/9/2020