Công trình công cộng đến từ thuế
(Tiếp theo Chương II, III: Luận chứng cửa kính vỡ)
Chương IV: Công trình công cộng đến từ thuế
Trên thế giới ngày ngày nay, chẳng có niềm tin nào kiên định và có ảnh hưởng hơn niềm tin vào chi tiêu của chính phủ. Ở mọi nơi, chi tiêu của chính phủ luôn được coi là phương thuốc đặc trị cho mọi bệnh tật của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân có vẻ đình trệ ư? Chúng ta có thể giải quyết vấn đề này bằng chi tiêu của chính phủ. Có thất nghiệp ư? Nguyên nhân chắc chắn là do “lượng sức mua thiếu hụt trong khu vực kinh tế tư nhân”. Để giải quyết điều này, chính phủ chỉ cần cung cấp đủ lượng vốn thiếu hụt!
Cả một hệ thống lý luận về kinh tế đã được xây dựng dựa trên luận chứng sai lầm và, cũng giống như các hệ thống lý luận khác, nó trở thành một mắt xích trong một loạt các luận chứng sai lầm bổ trợ lẫn nhau. Chúng ta không thể xem xét toàn bộ hệ thống tại đây. Chúng ta chỉ có thể cùng nghiên cứu luận chứng sai lầm căn bản nhất - luận chứng đã sản sinh ra toàn bộ hệ thống này, và sẽ trở lại xem xét các luận chứng phụ khác trong hệ thống này sau.
Ngoại trừ những món quà do thiên nhiên trao tặng, bằng cách này hay cách khác, chúng ta đều phải trả giá cho mọi thứ mình có được. Trên thế giới, nhiều người tuy được gọi là nhà kinh tế học song luôn cố đưa ra các đề án hay chương trình nhằm có được một thứ gì đó mà không phải trả giá. Họ nói với chúng ta rằng chính phủ có thể chi tiêu mà không cần đánh thuế, rằng chính phủ có thể tiếp tục nợ mà không phải lo trả, bởi vì các khoản nợ này là những gì “chúng ta tự nợ mình”. Chúng ta sẽ xem xét kỹ những luận chứng tuyệt vời này sau, nhưng tại đây, chúng ta phải dùng kiến thức của sách giáo khoa mà chỉ ra rằng, trong quá khứ những giấc mơ đẹp đẽ kiểu này luôn dẫn đến tình trạng phá sản ngân khố quốc gia hoặc cảnh lạm phát. Chúng ta phải nói một cách đơn giản rằng tất cả mọi chi tiêu của chính phủ cuối cùng đều phải được bù đắp thông qua thuế, và bản thân lạm phát cũng là thuế, một loại thuế rất đáng sợ.
Mặc dù còn nhiều luận chứng sai lầm khác có liên quan đến vấn đề vay nợ của chính phủ và lạm phát, nhưng chúng ta sẽ xem xét chúng ở phần sau. Trong chương này, chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận dựa trên giả định rằng mọi khoản chi tiêu của chính phủ đều phải được bù đắp ngay lập tức hay sau này thông qua thuế. Một khi chúng ta nhìn vào vấn đề theo cách này, chi tiêu của chính phủ sẽ mất đi vẻ mầu nhiệm của mình.
Việc thực hiện các chức năng quan trọng của chính phủ luôn đòi hỏi một lượng chi tiêu nhất định. Để có thể cung cấp được các dịch vụ xã hội cơ bản, chính phủ cần phải thực hiện các công trình công cộng như xây dựng đường xá cầu cống, trang bị cho quân đội, xây dựng văn phòng trụ sở cho bộ máy nhà nước, cảnh sát, cứu hỏa, v.v…Các công trình công cộng này đều rất cần thiết cho xã hội, và chúng không phải là điều tôi muốn nói đến. Ở đây, tôi muốn đề cập tới các công trình công cộng nhằm “tạo việc làm” hay tăng cường sự giàu có cho một cộng đồng, những gì mà cộng đồng đó sẽ không có nếu không có các công trình này.
Một cây cầu được xây dựng. Sẽ không ai phản đối gì nếu nó được xây dựng để đáp ứng nhu cầu giao thông của xã hội, để giải quyết những vấn đề giao thông mà nếu không có cây cầu này thì sẽ không giải quyết được, hay nói ngắn gọn là nếu đối với toàn bộ những người nộp thuế, cây cầu này quan trọng hơn so với những thứ mà cá nhân họ sẽ mua nếu không phải đóng thuế. Nhưng nếu cây cầu được xây dựng với mục đích chủ yếu là tạo việc làm thì đây lại là một vấn đề khác. Khi mục tiêu chính là tạo việc làm, nhu cầu sử dụng sẽ trở thành thứ cấp. Sẽ cần phải nghĩ ra “các dự án” . Thay vì xem xét rằng cây cầu phải được xây ở đâu, những người quyết định chi tiêu chính phủ sẽ tự hỏi cây cầu có thể được xây ở đâu. Họ có thể đưa ra được lý do hợp lý nào cho việc xây dựng thêm một cây cầu giữa Easton và Weston không? Họ sẽ nghĩ ra mọi cách để khiến dự án này trở nên thực sự cần thiết. Những người phản đối sẽ bị coi là những kẻ cản đường hay những người chuyên chống đối.
Hai luận chứng được đưa ra để ủng hộ việc xây cây cầu. Một luận chứng được đưa ra chủ yếu trước khi cây cầu được xây, và luận chứng còn lại chủ yếu sau khi cây cầu được xây. Luận chứng đầu tiên là cây cầu sẽ tạo việc làm. Nó sẽ cung cấp 500 việc làm trong vòng một năm, những việc làm mà sẽ không được tạo ra trừ khi cây cầu được xây dựng.
Đây là điều chúng ta sẽ thấy được ngay lập tức. Nhưng nếu chúng ta là người biết nhìn xa hơn những tác động ngắn hạn và trực tiếp tới những tác động thứ cấp và không chỉ xem xét những người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án của chính phủ mà cả những người bị ảnh hưởng gián tiếp, ta sẽ thấy một bức tranh khác hẳn. Đúng là các công nhân xây cầu sẽ có được những việc làm mà bình thường họ sẽ không có. Nhưng chi phí cho cây cầu đó đến từ các khoản thuế thu được. Mỗi đôla được dùng để xây dựng cây cầu cũng là một đôla được thu từ những người nộp thuế. Nếu cây cầu tốn 10 triệu đôla, những người nộp thuế sẽ phải chi 10 triệu đôla. Họ sẽ mất đi khoản tiền đó, khoản tiền mà nếu không phải nộp thuế họ có thể dùng để mua những gì họ cần nhất.
Điều này có nghĩa là với mỗi việc làm mà chính phủ tạo ra thông qua việc xây cầu, một việc làm tư nhân nào đó ở một nơi khác bị mất đi. Chúng ta có thể nhìn thấy những người công nhân xây cầu. Chúng ta có thể xem họ làm việc. Luận chứng về khả năng tạo việc làm của các công trình công cộng vì thế có những bằng chứng cụ thể, và phần lớn mọi người sẽ tin theo luận chứng này. Nhưng có nhiều điều khác mà chúng ta không nhìn thấy bởi chính cây cầu đã khiến chúng không được tạo ra. Chúng là những việc làm bị mất đi khi 10 triệu đôla bị thu từ những người nộp thuế. Điều thực sự xảy ra trong thực tế, nói theo cách nhẹ nhàng nhất, là dự án này đã tạo ra một sự chuyển đổi các việc làm: thêm việc làm cho công nhân xây dựng cầu, giảm việc làm cho những người sản xuất xe hơi, chữa tivi, may quần áo, nông dân, v.v…
Chúng ta hãy cùng xem xét luận chứng thứ hai ủng hộ việc xây dựng cầu. Cây cầu đã được xây xong và rất to đẹp. Nó đã trở thành hiện thức nhờ sự mầu nhiệm của chi tiêu chính phủ. Nếu chúng ta nghe theo những kẻ thích cản đường hay những người chuyên chống đối thì giờ cây cầu này sẽ ở đâu? Sẽ chẳng có cây cầu nào cả! Quốc gia chúng ta sẽ nghèo hơn so với hiện tại một lượng tương đương với giá trị của cây cầu này.
Một lần nữa, những người quyết định chi tiêu chính phủ đưa ra những lập luận giàu tính thuyết phục hơn với những người chỉ có thể thấy được những gì hiện diện trước mắt. Họ có thể nhìn thấy cây cầu. Nhưng nếu họ là những người biết xem xét các tác động gián tiếp cũng như trực tiếp của một dự án, họ sẽ thấy được, qua sự tưởng tượng của mình, rất nhiều khả năng khác, những dự án khác mà đã không được cho phép trở thành hiện thực. Họ sẽ thấy được những ngôi nhà không được xây nên, những chiếc xe hơi không được sản xuất, những áo quần không được may, thậm chí cả những nông sản không được sản xuất. Không phải ai cũng có khả năng và trí tưởng tượng để nhìn thấy những gì không được tạo ra. Chúng ta có thể nghĩ về chúng 1 - 2 lần, nhưng chúng ta không thể luôn nghĩ về chúng như cách chúng ta luôn nghĩ về cây cầu, bởi nó hiện diện ở đó và chúng ta lái xe về nhà trên cây cầu đó hằng ngày. Điều đã xảy ra trên thực tế là một thứ được tạo ra thay vì những thứ khác.
Cách lập luận này có thể được áp dụng với các loại công trình công cộng khác, ví dụ như việc dùng quỹ công để xây nhà cho người có thu nhập thấp. Điều xảy ra trong thực tế là thông qua thuế, chính phủ thu tiền từ các gia đình có thu nhập cao hơn (và cũng có thể là một phần nhỏ từ chính các gia đình có thu nhập thấp) để bắt họ trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp và giúp những người này được sống trong điều kiện nhà cửa tốt hơn với mức tiền thuê nhà tương đương hoặc thấp hơn so với trước.
Tôi không có ý định tham gia vào cuộc thảo luận về ưu hay nhược điểm của các dự án nhà công. Tôi chỉ muốn chỉ ra hai luận chứng sai lầm thường được dùng để ủng hộ các dự án này. Luận chứng thứ nhất: chúng “tạo việc làm”. Luận chứng thứ hai: chúng tạo ra các tài sản mà sẽ không được tạo ra nếu không có các dự án này. Cả hai luận chứng này đều sai, bởi vì chúng không xét đến những gì bị mất đi qua thuế. Khoản thuế được dùng để xây dựng nhà công, trong khi tạo ra việc làm cho ngành xây dựng, cũng lấy đi một lượng việc làm tương đương trong các ngành khác. Nó khiến cho nhiều nhà tư không được xây, nhiều tủ lạnh hay máy giặt không được sản xuất. Nó dẫn đến sự mất đi của rất nhiều hàng hóa và dịch vụ khác.
Một số người chỉ ra rằng các dự án nhà công không cần đến những khoản phân bổ ngân sách lớn mà chỉ thông qua việc trợ giá tiền thuê nhà hàng năm. Song điều này không giải quyết được các vấn đề ta vừa nêu ra ở trên, vì nó chỉ có nghĩa là chi phí mà những người nộp thuế phải chịu được rải ra trong nhiều năm thay vì tập trung một lần. Đây chỉ là một sự khác biệt nhỏ mang tính kỹ thuật và không liên quan gì đến vấn đề chính của chúng ta.
Lợi thế về mặt tâm lý của những người ủng hộ các dự án nhà công là mọi người có thể nhìn thấy những người công nhân xây dựng làm việc trên công trường khi các ngôi nhà đang được xây dựng, và khi dự án kết thúc, họ có thể nhìn thấy những ngôi nhà hoàn tất. Các gia đình chuyển vào sống trong đó, và tự hào dẫn khách đi xem các phòng. Không ai thấy được những việc làm bị mất đi do khoản thuế được sử dụng cho các dự án xây nhà công. Không ai nhìn thấy được những hàng hóa và dịch vụ không được tạo ra. Mỗi khi nhìn thấy các căn nhà công được xây dựng và gương mặt hạnh phúc của những người sống ở đó, không dễ gì để chúng ta có thể nghĩ đến lượng tài sản hay của cải đã bị hy sinh cho dự án. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi những người ủng hộ các dự án nhà công phủ nhận điều này khi có ai đề cập đến. Họ cho rằng đó là những điều tưởng tượng, là lý thuyết suông. Họ chỉ vào những ngôi nhà được xây dựng và nói đó mới là thực tế. Giống như lời một nhân vật trong tác phẩm Saint Joan (Thánh Joan) của Bernard Shaw khi nghe giả thuyết của Pythagoras về việc trái đất hình tròn và quay quanh mặt trời: “Thật là một kẻ ngu ngốc đến cùng cực! Hắn không biết nhướng mắt lên mà nhìn sao?”
Chúng ta phải áp dụng cách lập luận này một lần nữa vào những dự án với quy mô lớn, ví dụ như dự án nhà máy năng lượng Tennessee Valley Authority (TVA). Trong trường hợp này, bởi quy mô vĩ đại của công trình, khả năng gây ra ảo giác cho những người nhìn thấy nó càng lớn. Một chiếc đập khổng lồ, một vòng cung vĩ đại được làm từ thép và bê-tông, “vĩ đại hơn bất kỳ thứ gì mà nguồn vốn tư nhân có thể xây dựng được”, nguồn cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia, thiên đường của những người theo chủ nghĩa xã hội, biểu tượng hay được dùng nhất để tượng trưng cho sự mầu nhiệm của các công trình công cộng với sự sở hữu và điều hành của chính phủ! Những máy phát điện và nhà máy năng lượng vĩ đại! Cả một khu vực rộng lớn được đẩy lên một trình độ phát triển kinh tế cao hơn, dẫn đến sự hình thành của nhiều nhà máy và ngành sản xuất mà sẽ không bao giờ xuất hiện nếu không có công trình này. Theo lời tán dương của những người tạo ra nó, đây là một công trình chỉ có lợi mà không có hại.
Chúng ta không cần bàn thêm về những lợi ích mà nhà máy năng lượng TVA và những công trình công cộng tương tự đem lại. Nhưng lần này, chúng ta sẽ phải vận dụng hết sức trí tưởng tượng của mình, điều ít người có thể làm được, để xem xét những cái mất của công trình này. Nếu các khoản thuế thu từ các cá nhân và doanh nghiệp trong cả nước được dồn lại và sử dụng tại một khu vực nhất định, có gì mà mọi người phải ngạc nhiên hay xem như một phép màu khi khu vực đó trở nên giàu có hơn? Chúng ta cũng phải nhớ rằng nếu đem ra so sánh, khu vực này giàu lên nghĩa là các khu vực khác sẽ nghèo đi. Công trình vĩ đại đến mức “nguồn vốn tư nhân không thể xây dựng được” thực ra được xây dựng bằng vốn tư nhân thông qua các khoản thu từ thuế (hay ngay cả khi chi phí xây dựng công trình là tiền đi vay thì về lâu dài, nó cũng phải được trả bằng các khoản thuế thu về). Một lần nữa, chúng ta phải cố hết sức để tưởng tượng ra các nhà máy năng lượng tư nhân, những ngôi nhà tư, các máy đánh chữ hay tivi, v.v…, tất cả những gì đã không bao giờ được tạo ra bởi số tiền bị thu từ khắp đất nước để đổ vào xây dựng công trình đẹp đẽ mang tên Đập Norris.
Tôi đã cố tình chọn những ví dụ tích cực nhất của các dự án sử dụng vốn chính phủ, các dự án thường xuyên được đề xuất bởi những người quyết định chi tiêu chính phủ và được công chúng ngưỡng mộ. Tôi đã không nhắc đến vô vàn công trình không cần thiết và gây lãng phí khác được thực hiện với mục tiêu chính là “tạo việc làm” hay “để họ có việc mà làm”, bởi trong những trường hợp này, tính hữu ích của công trình chỉ còn là điều thứ yếu. Hơn nữa, công trình càng lãng phí và tốn nhiều nhân công thì càng tốt cho mục tiêu tạo việc làm. Trong các trường hợp này, rất có thể là các công trình do các quan chức nghĩ ra sẽ không thể tạo ra được lượng của cải và phúc lợi, tính trên mỗi đôla, tương đương với những gì cá nhân những người nộp thuế có thể tạo ra nếu được phép tự mình mua hay sản xuất những gì mình muốn thay vì phải nộp thuế cho chính phủ.
Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 4