![[Tinh thần dân chủ] Chương 14: Thúc đẩy dân chủ một cách hiệu quả (Phần 7)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_15.13_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 14: Thúc đẩy dân chủ một cách hiệu quả (Phần 7)
NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶC BIỆT CỦA TRUNG ĐÔNG
Như tôi đã nói trong chương 12, cần phải có một chiến lược thúc đẩy tự do đặc biệt cho vùng Ả Rập Trung Đông cũng như Iran. Đáng tiếc là những sai lầm của chính quyền Bush đã tạo ra những khó khăn trong khu vực khó khăn nhất thế giới đối với dân chủ. Iraq đang bùng cháy, Palestine rơi vào nội chiến, chủ nghĩa bè phái bùng phát, chủ nghĩa khủng bố gia tăng, đây không phải là giai đoạn thuận lợi cho việc thúc đẩy dân chủ ở Trung Đông. Hoa Kỳ có chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm thu lại chút xíu lòng tin trong khu vực. Quan trọng nhất là cần phải có những cố gắng đa phương hơn và hiệu quả hơn thì mới giải quyết được những bất ổn trong khu vực. Nhưng Hoa Kỳ phải thể hiện, với sự khiêm tốn và thực tế, rằng họ đang tìm tự do cho tất cả mọi người và họ sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả.
Mệnh lệnh trước đây là cuộc đối thoại rộng rãi hơn và liên tục giữa người Mỹ, người châu Âu và các tín đồi Hồi giáo ôn hòa ở Trung Đông. Cuộc đối thoại này phải mở rộng tới tất cả các cá nhân và nhóm công khai bác bỏ bạo lực, lên án chủ nghĩa khủng bố và chấp nhận chế độ dân chủ, thậm chí ngay cả khi mục tiêu của họ là dòng Hồi giáo Shia có vai trò lớn hơn trong đời sống xã hội. Đến lượt mình, Hoa Kỳ và EU phải gây áp lực để cho các đảng Hồi giáo thể hiện rõ cam kết với dân chủ, với các nguyên tắc của tự do, trong đó có quan hệ hòa bình với Israel và quyền bình đẳng cho phụ nữ và bình đẳng với những tôn giáo thiểu số quyền tranh đoạt quyền lực trong những cuộc bầu cử tự do và công bằng. Năm 2005 lực lượng đặc biệt của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận xét rằng Hoa Kỳ “không được để cho các nhà lãnh đạo ở Trung Đông lợi dụng vấn đề an ninh quốc gia như là cớ để đàn áp các tổ chức phi bạo lực Hồi giáo. Washington phải ủng hộ cho sự tham gia của bất kì nhóm hay đảng phái nào cam kết tuân thủ những quy định và tiêu chuẩn của tiến trình dân chủ.”1
Tiếp theo, các chế độ dân chủ phương Tây cần tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chiến lược chuyển hóa chính trị trong thế giới Ả Rập, tức là những chiến lược có thể tối đa hóa viễn cảnh “hạ cánh mềm” từ độc tài xuống dân chủ. Cơ chế trách nhiệm giải trình theo chiều ngang cần phải được xây dựng, từ các tòa án thế tục, độc lập, tới các ủy ban bầu cử phi đảng phái, ủy ban phòng chống tham nhũng, kiểm toán xã hội và các ủy ban tiếp nhận kiến nghị của công dân. Có thể kể thêm ủy ban an ninh quốc gia bán độc lập để bảo đảm rằng chính phủ dân sự, dân cử không chính trị hóa việc kiểm soát quân đội và cảnh sát. Mặc dù điều này có thể tạo ra một ít rủi ro trong việc làm suy yếu sự kiểm soát của các quan chức dân sự đối với lực lượng vũ trang, nhưng nó cũng làm giảm rủi ro cho giới tinh hoa có uy tín trong việc dân chủ hóa quyền kiểm soát chính phủ. Chiến lược như thế có thể tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi cho quá trình chuyển hóa trong các vương triều Ả Rập, trong đó có Morocco, Jordan, Bahrain, Kuwait, và Qatar, vì việc bổ nhiệm và theo dõi của bộ máy an ninh quốc gia và các cơ quan phụ trách trách nhiệm giải trình theo chiều ngang có thể nằm trong tay nhà vua trong một thời gian nào đó, như là phương tiện kiểm soát chính phủ dân cử. Một hướng khác là giúp xây dựng các chính đảng và phong trào dân chủ, thế tục có thể cạnh tranh tốt hơn với các chính đảng và phong trào Hồi giáo; cách nữa là khuyến khích các chế độ Ả Rập và phe đối lập, trong đó có các đảng phái Hồi giáo, đàm phán những hiệp ước về giai đoạn chia sẻ quyền lực mang tính chuyển hóa và một số bảo đảm (như không bị truy tố) để bảo đảm quyền lợi và tài sản của những người đang được đề nghị từ bỏ quyền lực. Trong bối cảnh của cuộc đối thoại diễn ra một cách từ từ nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và lòng tin, một số nhà lãnh đạo Ả Rập có thể dần nhận ra rằng “thoát ra qua thỏa thuận chính trị là phương án lựa chọn hấp dẫn hơn là chấp nhận rủi ro bị cách mạng lật đổ.”2
Các nước dân chủ phương Tây phải làm nhiều hơn nữa nhằm thu hút và tăng cường các tác nhân dân chủ trong xã hội dân sự Ả Rập. Một phần công việc bao gồm giúp đỡ các NGO, các trung tâm nghiên cứu, các nhóm đấu tranh vì nhân quyền và nữ quyền, các phòng thương mại và công đoàn, nhưng vì nhiều người nghi ngờ chính phủ Hoa Kỳ và động cơ của họ, cho nên sự giúp đỡ này nên được đưa qua các kênh phi chính phủ càng nhiều càng tốt, chứ không thông qua Bộ ngoại giao hay USAID. Điều này làm người ta nghĩ rằng sẽ là khôn ngoan nếu biến Sáng kiến Đối tác Trung Đông (Middle East Partnership
Initiative – MEPI) của chính phủ Bush thành tổ chức phi chính phủ, tương tự như NED.3 Quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương giữa Hoa Kỳ và EU phải mở rộng sự tin cậy của những cố gắng này và làm giảm bớt mối quan ngại rằng đây là “dự án của Mỹ.”4
Nói chung, các nước dân chủ phương Tây phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cuộc trao đổi với khu vực này và cung cấp nhiều cơ hội huấn luyện và nghiên cứu sâu cho các nhà báo, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, các doanh nhân, các nghị sĩ và lãnh đạo đảng của các nước Ả Rập và Iran. Trong tình hình an ninh được tăng cường sau ngày 11 tháng 9 năm 2011, nhận chiếu khán tham quan và nghiên cứu ở Hoa Kỳ là công việc tốn nhiều thời gian và bực mình, nhất là đối với những người sống ở Trung Đông. Chính phủ Hoa Kỳ phải đầu tư nhiều hơn cho các lãnh sự quán, để có nhiều nhân viên chuyên trách cung cấp chiếu khán, nhằm tạo điều kiện cho nhiều chuyên gia ở Trung Đông được nghiên cứu và huấn luyện ở Hoa Kỳ. Như đã từng làm trong Chiến tranh lạnh (lúc đó là với những người nói tiếng Nga và những ngôn ngữ khác trong khối cộng sản), Hoa Kỳ cần đầu tư cho việc huấn luyện để có nhiều người nói được các thứ tiếng Ả Rập, Iran, Thổ Nhĩ Kì, tiếng Urdu và những ngôn ngữ quan trọng khác của khu vực “Trung Đông rộng hơn”, đồng thời mở rộng việc phát sóng bằng những ngôn ngữ này.
Nhiều ý tưởng có tính sáng tạo khác nhằm thúc đẩy dân chủ trong khu vực đã được đề xuất. Một số, tương tự như đặt điều kiện về viện trợ và thương mại, chồng chéo lên những đề xuất mà tôi đã đưa ra bên trên5. Cũng có thể khẳng định rằng cần phải tiếp tục ủng hộ cải cách kinh tế ở Trung Đông, vì giới doanh nhân tự do tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho quá trình dân chủ hóa.6 Theo logic này, bất cứ điều gì khuyến khích các nước Ả Rập tiến hành những cuộc cải cách cần thiết để có thể tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization – WTO) và hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài dường như đều có ảnh hưởng tích cực đối với dân chủ hóa. Ngoài ra, châu Âu và Hoa Kỳ phải “làm việc cùng nhau để hoàn thành việc đưa nước Thổ Nhĩ Kì thế tục và dân chủ vào phương Tây,”7 trong đó có ủng hộ Thổ Nhĩ Kì tham gia EU và tiếp tục những cuộc cải cách do đảng cầm quyền, Công Lý và Phát triển (một đảng dân chủ Hồi giáo), tiến hành. Hoa Kỳ còn phải ủng hộ việc thành lập tổ chức an ninh, theo mô hình của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (Organization for
Security and Cooperation in Europe – OSCE), tức là tổ chức có thể bảo đảm an ninh giữa các quốc gia Trung Đông, giảm bớt nỗi lo sợ bị xâm lược và đưa nhân quyền vào chương trình nghị sự của khu vực.8
Cuối cùng, còn có cuộc đối đầu rắc rối với Iran. Iran là nước nguy hiểm nhất trong khu vực, vì nước này đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân và lời thề của vị tổng thống hung hăng, Mahmoud Ahmadinejad, là sẽ xóa Israel khỏi bản đồ. Nhưng, ngược đời là nhân dân nước này lại dễ tiếp thu các tư tưởng dân chủ nhất. Việc cô lập và trừng phạt Iran (chưa nói tới ném bom) dường như sẽ không tạo ra được sự thay đổi chế độ. Chiến lược tốt hơn sẽ là tăng cường trao đổi với xã hội dân sự, trong khi cung cấp cho chế độ này một số lợi thế: bãi bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế, phục hồi các mối quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, và đưa Iran vào nhóm trao đổi nhằm buộc Iran ngưng chương trình làm giàu hạt nhân có thể kiểm tra được, chấm dứt việc ủng hộ các nhóm khủng bố, khẳng định những quyền con người căn bản và quyền của công dân trong việc theo dõi những điều kiện này. Càng nhiều xã hội như Iran trở thành cởi mở thì càng có nhiều cơ hội khuyến khích ý thức chính trị, tìm hiểu những giá trị và thiết chế dân chủ, chủ nghĩa đa nguyên cần cho sự thay đổi chính trị một cách có hệ thống. Muốn thu hút nhân dân Iran và thúc đẩy những quá trình này thì Hoa Kỳ phải có đại sứ quán ở Iran.9
Chú thích:
1. In Support of Arab Democracy: Why and How, Report of the Independent Task Force, Council on Foreign Relations, 2005, p. 5. Lực lượng đặc biệt do Madeleine K. Albright and Vin Weber làm chủ tịch, Steven A. Cook là giám đốc dự án. Tôi là thành viên.
2. Steven A. Cook, “Getting to Arab Dcmocracy: The Promise of Pacts”; Journal of Democracy 17 (January 2006): 68.
3. Lực lượng đặc biệt độc lập của Hội đồng quan hệ quốc tế khuyến nghị chuyển phần lớn các khoản tài trợ của MEPI, hiện đang nằm dưới quyền Bộ ngoại giao cho một tổ chức độc lập, tương tự như NED. In Suppotl of Arab Democracy, p. 8.
4. Đây là một trong nhiều đề xuất do nhóm công tác đưa ra – nhóm này do German Marshall Fund chỉ định, (tôi là thành viên của nhóm này) nhằm phác thảo chiến lược thúc đẩy dân chủ ở Trung Đông. Xin đọc “Democracy and Human Development in the Broader Middle East: A Transatlantic Strategy for Partnership”, Istanbul Paper no. I, German Marshall Fund of the United States, June 25, 2004, http://www.gmfus.org/publications/artlcle.cfm?id=47.
5. Ibid., p. 5; In Support of Arab Democracy, p. 8, ủng hộ việc đặt điều kiện viện trợ chứ không phải thương mại.
6. In Support of Arab Democracy. pp. 21-28.
7. Ronald D. Asmus, Larry Diamond, Mark Leonard, and Michael McFaul, “A Transatlantic Strategy to Promote Democracy in the Broader Middle East”, Washington Quarterly 28 (Spring 2005): 16.
8. Michael McFaul, Abbas Milani, and Larry Diamond, “A Win-Win U.S. Strategy for Dealing with Iran”, Washington Quarterly 30 (Winter 2006-7): 128.
9. Ibid., pp. 126-28.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)