[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương X: Truyền bá sự thịnh vượng (Phần 3)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương X: Truyền bá sự thịnh vượng (Phần 3)

CÁCH MẠNG LAN TRUYỀN

Vào đêm trước của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, người Do Thái ở châu Âu chịu nhiều quy định giới hạn nghiêm ngặt. Ví dụ như ở thành phố Frankfurt của Đức, cuộc sống của người Do Thái phụ thuộc vào các quy định của một đạo luật từ thời Trung cổ. Ở Frankfurt, có không đến 500 gia đình Do Thái, và họ phải sống trong một khu vực nhỏ có tường bao quanh trong thị trấn, được gọi là khu Judengasse - khu dân cư Do Thái. Họ không thể ra khỏi khu dân cư vào ban đêm, vào ngày chủ nhật hay trong bất kỳ ngày lễ Thiên chúa giáo nào.

Khu Judengasse vô cùng chật chội với chiều dài khoảng 1/4 dặm (402m), rộng không quá 12 bộ (3,6m) và có chỗ còn không đến 10 bộ (3m). Người Do Thái sống trong sự đàn áp và kiểm soát thường xuyên. Mỗi năm, tối đa chỉ có hai gia đình mới được nhận vào khu dân cư; tối đa chỉ có 12 cặp đôi người Do Thái được phép kết hôn, và chỉ khi cả hai đều trên 25 tuổi. Người Do Thái không được hoạt động nông nghiệp, cũng không được kinh doanh vũ khí, gia vị, rượu vang hay ngũ cốc. Mãi đến năm 1726, họ vẫn phải mang những biểu tượng đánh dấu nguồn gốc dân tộc họ: hai vòng tròn đồng tâm màu vàng cho nam giới và một chiếc mạng sọc cho phụ nữ. Toàn thể người Do Thái đều phải đóng một loại thuế thân đặc biệt.

Khi Cách mạng Pháp nổ ra thì Mayer Amschel Rothschild sống trong khu Judengasse ở Frankfurt đã là một doanh nhân trẻ thành công. Vào đầu thập niên 1780, Rothschild đã trở thành một nhà buôn hàng đầu về tiền xu, kim loại và đồ cổ tại Frankfurt. Nhưng cũng như mọi người Do Thái khác trong thành phố, ông không thể thành lập doanh nghiệp bên ngoài khu dân cư Do Thái hoặc thậm chí sống bên ngoài khu vực đó.

Tất cả những điều này đã thay đổi nhanh chóng. Năm 1791, Quốc hội toàn dân Pháp giải phóng người Do Thái ở Pháp. Quân đội Pháp lúc bấy giờ cũng chiếm Rhineland và giải phóng người Do Thái ở Tây Đức. Tại Frankfurt, ảnh hưởng của họ có tính chất đột ngột hơn và có lẽ phần nào không có chủ định trước. Năm 1796, Pháp dồn dập tấn công Frankfurt và trong quá trình đó đã tàn phá một nửa khu Judengasse. Khoảng 2.000 người Do Thái bị mất nhà cửa và phải di chuyển ra ngoài khu dân cư. Gia đình Rothschild nằm trong số đó. Một khi đã ra bên ngoài khu dân cư Do Thái và được giải thoát khỏi vô số các quy định cấm đoán kinh doanh, giờ đây họ có thể chớp lấy những cơ hội kinh doanh mới. Điều này bao gồm một hợp đồng cung cấp lương thực cho quân đội Áo, điều mà trước đây họ không được phép làm.

Đến cuối thập niên 1790, Rothschild đã là một trong những người Do Thái giàu nhất tại Frankfurt và là một doanh nhân kỳ cựu. Nhưng phải đợi đến năm 1811 thì sự giải phóng hoàn toàn mới xảy ra, và lần này là công lao của Karl von Dalberg, người được phong là Đại công tước Frankfurt khi Napoleon tổ chức lại nước Đức vào năm 1806. Mayer Amschel nói với con trai ông: “Con bây giờ là một công dân”.

Nhưng những sự kiện này vẫn không giúp kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng người Do Thái, vì đã có những hành động đảo ngược sau đó, nhất là tại Đại hội Vienna năm 1815, nơi hình thành những dàn xếp chính trị thời hậu Napoleon. Song không có việc gia tộc Rothschild phải quay trở lại khu dân cư Do Thái. Mayer Amschel và các con trai ông nhanh chóng sở hữu ngân hàng lớn nhất châu Âu thế kỷ 19, với các chi nhánh tại Frankfurt, Luân Đôn, Paris, Naples và Vienna.

Đây không phải là một sự kiện đơn độc. Đầu tiên là quân đội Cách mạng Pháp rồi đến Napoleon lần lượt xâm chiếm phần lớn lục địa châu Âu, và gần như ở mọi nơi mà họ đã thôn tính, các thể chế hiện hữu đều là tàn dư của thời Trung cổ, trao quyền cho nhà vua, các hoàng thân quốc thích và giới quý tộc; đồng thời hạn chế hoạt động thương mại ở thành phố cũng như nông thôn. Ở những nơi này, chế độ nông nô và chế độ phong kiến quan trọng hơn nhiều so với ở nước Pháp. Ở Đông Âu, bao gồm cả Phổ và phần lãnh thổ Hungary thuộc Đế chế Áo-Hung, nông nô bị ràng buộc với đất. Ở Tây Âu, hình thức cực đoan này của chế độ nông nô đã biến mất, nhưng người nông dân vẫn phải nộp nhiều loại lệ phí, thuế và các nghĩa vụ lao động khác nhau cho các lãnh chúa phong kiến. Ví dụ, trong chính thể của Nassau-Usingen, người nông dân phải chịu hơn 230 loại lệ phí, nghĩa vụ và dịch vụ khác nhau. Lệ phí là một số tiền phải nộp, chẳng hạn như sau khi giết mổ gia súc, được gọi là lệ phí giết mổ gia súc, hay lệ phí nuôi ong và lệ phí làm nến. Nếu mua hay bán một mảnh đất, chủ đất cũng phải nộp phí. Ở các thành phố trên các vùng lãnh thổ này, các phường hội giám sát mọi hoạt động kinh tế cũng hùng mạnh hơn so với ở Pháp. Trong các thành phố Cologne và Aachen phía tây nước Đức, việc sử dụng các máy xe sợi và máy dệt đều bị các phường hội ngăn cấm. Nhiều thành phố, từ Berne ở Thụy Sĩ cho đến Florence ở Ý, đều bị kiểm soát bởi một vài gia đình.

Các nhà lãnh đạo Cách mạng Pháp, và tiếp theo là Napoleon đã giúp lan truyền cách mạng đến những vùng đất này, bãi bỏ chủ nghĩa chuyên chế, chấm dứt các mối quan hệ đất đai phong kiến, phá vỡ các phường hội, và xây dựng sự bình đẳng trước pháp luật - khái niệm quan trọng nhất về thượng tôn pháp luật, và sẽ được thảo luận chi tiết hơn trong chương tiếp theo. Do đó, cuộc Cách mạng Pháp đã giúp chuẩn bị các thể chế dung hợp và sự tăng trưởng kinh tế đạt được nhờ vào các thể chế này không chỉ đối với nước Pháp mà cả nhiều nơi khác ở châu Âu.

Như chúng ta đã thấy, hoảng sợ trước diễn biến phát triển ở Pháp, các cường quốc châu Âu đã tập hợp lại xung quanh nước Áo vào năm 1792 để tấn công nước Pháp, với mục đích bên ngoài là giải thoát vua Louis XVI, nhưng trên thực tế là nhằm trấn áp cuộc Cách mạng Pháp. Họ dự đoán quân đội do cách mạng huy động có tính nhất thời sẽ sớm sụp đổ. Tuy nhiên, sau một số thất bại ban đầu, quân đội của nước Cộng hòa Pháp non trẻ đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc đầu tiên. Tuy có những vấn đề trục trặc nghiêm trọng về tổ chức cần phải vượt qua, nhưng người Pháp đã đi trước các nước khác trong một công cuộc đổi mới lớn lao: nghĩa vụ quân sự toàn dân. Được áp dụng vào tháng 8/1793, nghĩa vụ quân sự toàn dân cho phép nước Pháp xây dựng một lực lượng quân đội đông đảo và phát triển lợi thế quân sự dựa vào sức mạnh áp đảo thậm chí trước khi biệt tài quân sự nổi tiếng của Napoleon phát huy tác dụng.

Thành công quân sự ban đầu khuyến khích các nhà lãnh đạo của nền Cộng hòa mở rộng biên giới nước Pháp, với một tầm nhìn hướng tới việc tạo ra một vùng đệm phòng thủ giữa nước Cộng hòa mới với các vương quốc thù địch Phổ và Áo. Pháp nhanh chóng chiếm Hà Lan thuộc Áo và các Tỉnh thành Thống nhất (United Provinces), về cơ bản bao gồm Bỉ và Hà Lan ngày nay. Người Pháp cũng tiếp quản phần lớn lãnh thổ của Thụy Sĩ ngày nay. Trong thập niên 1790, người Pháp đã kiểm soát mạnh mẽ cả ba nơi này.

Nước Đức thoạt đầu chống cự quyết liệt, nhưng đến năm 1795, Pháp đã kiểm soát chặt chẽ Rhineland, một vùng phía tây nước Đức nằm bên bờ trái sông Rhine. Quân Phổ buộc phải thừa nhận thực tế này trong Hiệp ước Basel. Từ năm 1795 đến 1802, người Pháp chiếm đóng Rhineland, nhưng không chiếm được một vùng nào khác của nước Đức. Năm 1802, Rhineland chính thức sáp nhập vào Pháp.

Bản đồ 17: Đế chế của Napoleon (p. 387)

Ý vẫn là vùng chiến sự ác liệt vào nửa sau thập niên 1790 với nước Áo là đối thủ. Savoy được sáp nhập vào Pháp năm 1792, và thế trận vẫn bế tắc cho đến khi Napoleon xâm lược Ý vào tháng 4/1796. Trong chiến dịch lục địa lớn đầu tiên của ông vào đầu năm 1797, Napoleon đã chinh phục gần như toàn bộ Bắc Ý, trừ Venice vốn đã bị Áo thôn tính. Hiệp ước Campo Formio ký kết với Áo vào tháng 10/1797 đã kết thúc cuộc Chiến tranh Liên minh thứ nhất và công nhận một số nền cộng hòa thuộc sự kiểm soát của Pháp ở Bắc Ý. Tuy nhiên, người Pháp tiếp tục bành trướng phạm vi kiểm soát của họ trên nước Ý thậm chí sau khi ký kết hiệp ước này, xâm lược vùng Papal States (các vùng lãnh thổ thuộc Giáo hoàng) và thành lập nước Cộng hòa La Mã vào tháng 3/1798. Vào tháng 1/1799, Naples bị chinh phục và Cộng hòa Parthenopean ra đời. Với ngoại lệ là Venice vẫn còn thuộc Áo, Pháp bây giờ kiểm soát toàn bộ bán đảo Ý hoặc trực tiếp, như trong trường hợp của Savoy, hoặc gián tiếp thông qua các nhà nước vệ tinh, như các nhà nước cộng hòa Cisalpine, Ligurian, La Mã và Parthenopean.

Trong cuộc Chiến tranh Liên minh thứ hai từ năm 1798 đến 1801, đã có những đợt tấn công và chống trả nhưng cuối cùng kết thúc với kết quả cơ bản là Pháp vẫn nắm quyền kiểm soát. Quân đội cách mạng Pháp nhanh chóng thực hiện một quá trình cải cách cấp tiến tại những vùng đất mà họ đã chinh phục, xóa bỏ tàn dư của chế độ nông nô, các mối quan hệ đất đai phong kiến và áp dụng nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Giới tăng lữ bị tước bỏ địa vị và đặc quyền, đồng thời các phường hội ở các vùng đô thị bị tan rã hoặc ít nhất cũng trở nên suy yếu. Điều này xảy ra ở Hà Lan thuộc Áo ngay sau cuộc xâm lược của Pháp vào năm 1795 và ở các Tỉnh thành Thống nhất, nơi mà Pháp thành lập nước Cộng hòa Batavian, với các thể chế chính trị hệt như ở Pháp. Ở Thụy Sĩ, tình hình cũng tương tự; các phường hội, địa chủ phong kiến và Giáo hội đều bị đánh bại, đặc quyền phong kiến bị bãi bỏ, và các phường hội bị giải tán và phế truất.

Những gì quân đội cách mạng Pháp bắt đầu tiến hành đã được Napoleon kế tục dưới hình thức này hay hình thức khác. Trước tiên và trên hết, Napoleon quan tâm đến việc thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ đối với các vùng lãnh thổ ông chinh phục. Điều này đôi khi liên quan đến những thỏa thuận căng thẳng với giới quyền thế địa phương hoặc đưa gia đình và các cộng sự của ông lên cầm quyền, như trong thời gian kiểm soát ngắn ngủi của ông tại Tây Ban Nha và Ba Lan. Nhưng Napoleon cũng thiết tha mong muốn tiếp tục duy trì và phát triển sâu xa hơn công cuộc cải cách cách mạng. Quan trọng hơn cả, ông đã hệ thống hóa luật pháp La Mã và đưa ý tưởng bình đẳng trước pháp luật vào một hệ thống pháp luật được gọi là Luật Napoleon. Napoleon xem bộ luật này là di sản lớn nhất của ông và muốn áp dụng nó trên mọi lãnh thổ mà ông kiểm soát.

Lẽ dĩ nhiên, công cuộc cải cách đạt được qua cuộc Cách mạng Pháp và Napoleon là không thể đảo ngược. Ở một vài nơi như Hanover thuộc Đức, giới quyền thế cũ phục hồi ngay sau khi Napoleon thất trận và phần lớn những gì người Pháp xây dựng được đã vĩnh viễn mất đi. Nhưng ở nhiều nơi khác, chế độ phong kiến, các phường hội và giới quý tộc đã hoàn toàn bị phá vỡ hay suy yếu. Ví dụ như ở nhiều nơi, luật Napoleon vẫn duy trì hiệu lực ngay cả sau khi người Pháp ra đi.

Suy cho cùng, quân đội Pháp gây ra nhiều tang thương ở châu Âu, nhưng họ cũng thay đổi triệt để vị thế các nước ở đây. Ở phần lớn châu Âu, thế là đã chấm dứt các mối quan hệ phong kiến, quyền lực của các phường hội, sự kiểm soát chuyên chế của nhà vua và các hoàng thân quốc thích, sự thâu tóm quyền lực kinh tế, xã hội và chính trị của giới tăng lữ cũng như nền tảng của chế độ cũ, đối xử cách biệt giàu nghèo với con người dựa vào nguồn gốc xuất thân của họ. Những thay đổi này tạo ra kiểu thể chế kinh tế dung hợp để từ đó cho phép công nghiệp hóa bén rễ ở những nơi này. Đến giữa thế kỷ 19, công nghiệp hóa nhanh chóng diễn ra ở hầu hết những vùng thuộc sự kiểm soát của người Pháp, trong khi ở những nơi người Pháp không chinh phục được như Áo-Hung và Nga, hay chỉ chiếm đóng tạm thời và hạn chế như ở Ba Lan và Tây Ban Nha, thì nhìn chung vẫn trì trệ.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh