"Bình ổn" giá hàng hóa
Chương XVI: “Bình ổn” giá hàng hóa
Các nỗ lực nhằm nâng giá một số mặt hàng nhất định lên trên mức giá tự nhiên của thị trường một cách vĩnh viễn thường thất bại một cách thảm hại và gây nhiều tai tiếng. Chính vì thế, những đối tượng khôn ngoan, khi muốn gây áp lực tăng giá, cũng như những nhà quản lý kinh tế cùng hợp tác với họ, thường tránh không tuyên bố rõ ràng mục tiêu của mình. Các mục tiêu mà họ đưa ra, đặc biệt là khi được đệ trình để yêu cầu sự can thiệp của chính phủ, thường là những mục tiêu rất khiêm tốn và chính đáng.
Họ sẽ nói rằng họ không có ý định tăng giá mặt hàng X lên trên mức giá tự nhiên một cách vĩnh viễn. Họ công nhận rằng việc đó sẽ là không công bằng đối với người tiêu dùng. Nhưng hiện giờ, mặt hàng X đang được bán ở mức thấp hơn nhiều so với mức giá tự nhiên. Các nhà sản xuất không thể tái sản xuất và sẽ phải ngừng sản xuất trừ khi chúng ta hành động kịp thời. Đến lúc đó, mặt hàng X sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm và người tiêu dùng sẽ phải trả mức giá cao một cách bất hợp lý. Mức giá thấp mà người tiêu dùng đang được hưởng sẽ khiến họ phải chịu những mức giá cao hơn nhiều sau này, bởi vì những mức giá thấp mang tính “tạm thời” trong hiện tại không thể tồn tại lâu được. Chúng ta không thể ngồi chờ cái được gọi là các động lực tự nhiên của thị trường hay các quy luật “mù lòa” của cung cầu xử lý tình hình này bởi đến lúc đó thì các nhà sản xuất đã phá sản và chúng ta sẽ phải chịu tình trạng khan hiếm trầm trọng. Chính phủ phải hành động. Tất cả những gì chúng ta muốn thực sự đạt được là xử lý những biến động điên cuồng và vô nghĩa của giá cả. Chúng ta không nhằm tăng giá; chúng ta chỉ muốn bình ổn giá mà thôi.
Những người này thường đề xuất một số cách thức khác nhau để thực hiện. Một trong những cách hay được sử dụng nhất là thông qua các khoản cho vay của chính phủ cho nông dân để giúp họ không tung nông sản ra thị trường.
Các khoản cho vay đó thường được đề xuất trước quốc hội với các lý do mà phần lớn mọi người sẽ thấy rất chính đáng. Họ sẽ trình bày với quốc hội rằng nông sản của nông dân bị đem ra bán ở thị trường cùng một lúc vào mùa thu hoạch, và đây là thời điểm giá nông sản ở mức thấp nhất. Các kẻ đầu cơ sẽ lợi dụng điều này để mua nông sản và giữ chúng cho tới khi lương thực trên thị trường trở nên khan hiếm hơn nhằm hưởng giá cao hơn. Nông dân sẽ bị thiệt hại. Vì thế, ta cần can thiệp để những người nông dân, thay vì những kẻ đầu cơ, bán được nông sản với một mức giá bình quân cao hơn.
Luận chứng này là vô căn cứ cả về lý thuyết cũng như thực tế. Các nhà đầu cơ phải chịu nhiều thóa mạ này thực chất không phải là kẻ thù người của nông dân; họ là những người bảo vệ lợi ích của nông dân. Các rủi ro xuất phát từ biến động của giá nông sản phải được một ai đó gánh chịu. Trong nền kinh tế hiện đại, những rủi ro này được gánh chịu chủ yếu bởi các nhà đầu cơ chuyên nghiệp. Nói một cách tổng quan, các nhà đầu cơ bảo vệ lợi ích riêng của mình càng tốt thì nông dân càng được hưởng lợi, bởi các nhà đầu cơ phục vụ lợi ích riêng của mình thông qua khả năng dự đoán giá trong tương lai của họ. Các dự đoán của họ càng chính xác thì các biến động về giá càng nhỏ.
Ngay cả nếu người nông dân tung toàn bộ số lúa mì của mình ra thị trường trong vòng một tháng, giá lúa mì trong tháng đó không nhất thiết phải thấp hơn so với mức giá của bất kỳ một tháng nào khác (không tính chi phí kho chứa). Các nhà đầu cơ, với hy vọng thu lợi nhuận, sẽ mua phần lớn lượng nông sản họ muốn mua trong khoảng thời gian này. Họ sẽ tiếp tục mua cho đến khi giá tăng lên đến một mức nhất định mà tại đó họ thấy không còn khả năng kiếm lợi nữa. Họ sẽ bán bất kỳ khi nào họ nghĩ việc giữ nông sản có thể khiến họ bị lỗ. Kết quả là trong toàn bộ năm, giá nông sản sẽ được giữ ổn định.
Chính nhờ sự tồn tại của những nhà đầu cơ chuyên nghiệp, những người gánh chịu rủi ro từ sự biến động của giá, mà nông dân không phải gánh chịu những rủi ro này. Người nông dân có thể tự bảo vệ mình thông qua thị trường. Vì thế, trong những điều kiện bình thường, khi các nhà đầu cơ làm tốt công việc của mình, lợi nhuận của nông dân sẽ phụ thuộc chủ yếu vào kỹ năng và sự chăm chỉ của họ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp chứ không vào những biến động của thị trường.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, xét về bình quân, giá lúa mì và các nông sản không mau hư hỏng khác không thay đổi trong cả năm, ngoại trừ khoản chi phí cho kho chứa, lãi suất và phí bảo hiểm. Trên thực tế, một số nghiên cứu cẩn thận đã cho ta thấy rằng mức tăng giá bình quân hàng tháng sau mùa thu hoạch không đủ để bù đắp chi phí kho chứa. Vì vậy, các nhà đầu cơ thực ra đã hỗ trợ cho người nông dân. Điều này tất nhiên không phải là ý định của các nhà đầu cơ; nó chỉ là kết quả của xu hướng lạc quan quá mức rất thường có ở họ. (Xu hướng này thường tồn tại trong những doanh nghiệp có tính cạnh tranh cao: trái ngược với chủ định của mình, các doanh nghiệp này lại chính là những người thường hỗ trợ người tiêu dùng. Điều này đặc biệt đúng khi có khả năng kiếm được lợi lớn thông qua đầu cơ. Khi ta xét toàn bộ những người mua xổ số, ta thấy họ mất tiền vì mỗi người trong số họ đều hy vọng một cách vô căn cứ rằng mình sẽ được giải cao. Cũng tương tự như vậy, người ta tính toán rằng tổng số vốn đầu tư và lao động đổ vào việc khai thác vàng và dầu mỏ lớn hơn tổng giá trị của lượng vàng và dầu mỏ khai thác được.)
Tình hình sẽ thay đổi khi chính phủ bước vào và mua toàn bộ nông sản của nông dân hoặc cho họ vay tiền để giữ lại lượng nông sản của họ. Điều này đôi khi được làm với một lý do dường như rất chính đáng: nhằm duy trì “kho lương thực ổn định”. Thế nhưng lịch sử của giá cả và lượng lương thực được lưu chuyển qua năm cho ta thấy chức năng này đã được đảm nhiệm rất tốt bởi các thị trường tư nhân tự do. Khi chính phủ can thiệp vào, “kho lương thực ổn định” trở thành một công cụ chính trị. Người nông dân được giúp đỡ, với khoản tiền từ những người nộp thuế, để giữ lại nông sản của mình một cách quá mức. Bởi họ muốn có được sự ủng hộ của nông dân, các chính trị gia (người đưa ra các chính sách này) hay các nhà quản lý kinh tế (người thực hiện các chính sách này) luôn đặt mức giá đối với nông sản ở mức cao hơn so với mức giá được đưa ra bởi tình hình cung cầu trên thị trường. Điều này làm giảm sô lượng người mua hàng. “Kho lương thực ổn định” vì thế thường có xu hướng trở thành kho lương thực bất bình thường. Các lượng nông sản lớn bị giữ không đem ra bán tại thị trường. Việc này sẽ tạo ra một mức giá tạm thời cao hơn bình thường, song khi ta làm vậy, hậu quả về sau thường là sự xuất hiện của một mức giá thấp nhiều so với mức giá bình thường của thị trường, bởi vì sự khan hiếm được tạo ra trong năm nay bằng cách giữ lại một phần nông sản sẽ tạo ra một sự dư thừa cho năm sau.
Chúng ta sẽ đi lạc đề nếu muốn xem xét cụ thể điều gì đã xảy ra khi chính sách này được áp dụng vào thị trường bông của Mỹ. Chúng ta giữ lại một lượng bông tương đương với sản lượng của cả một năm trong các kho chứa. Chúng ta đã phá hủy các thị trường nước ngoài của sản phẩm bông của chúng ta và khuyến khích việc sản xuất bông ở các nước khác. Mặc dù những người phản đối chính sách hạn chế và cho vay của chính phủ đã dự đoán từ trước những hậu quả này, khi chúng thực sự xảy ra, các nhà quản lý kinh tế chịu trách nhiệm thản nhiên trả lời rằng đây là điều sớm muộn cũng xảy ra.
Chính sách cho vay thường đi kèm với, hoặc sớm muộn cũng dẫn đến, chính sách hạn chế sản xuất, hay chính sách gây khan hiếm. Hầu như trong mọi nỗ lực “bình ổn” giá của một mặt hàng nào đó, lợi ích của người sản xuất luôn được đặt lên đầu. Mục tiêu thực sự là tạo ra một sự tăng giá ngay lập tức. Để đạt được điều này, một sự hạn chế tương đương về sản lượng sẽ được quy định đối với các nhà sản xuất chịu sự quản lý của chính sách. Điều này sẽ gây ra ngay lập tức một số tác động tiêu cực. Nếu chính sách kiểm soát có thể được áp dụng trên quy mô quốc tế, tổng sản lượng của thế giới sẽ bị cắt giảm. Người tiêu dùng trên thế giới sẽ có ít sản phẩm để sử dụng hơn so với trường hợp không có chính sách này. Thế giới sẽ bị nghèo đi một lượng tương đương. Bởi người tiêu dùng bị bắt buộc phải trả mức giá cao hơn bình thường, sức mua của họ đối với các sản phẩm khác sẽ giảm đi một lượng tương đương.
Những người ủng hộ việc hạn chế sản xuất thường đáp lại rằng trong nền kinh tế thị trường, việc giảm sản lượng sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Song ở đây có một sự khác biệt cơ bản, như chúng ta đã xem xét trong chương trước. Trong nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh, việc giảm giá sẽ khiến những nhà sản xuất có mức chi phí cao và hiệu suất thấp phải ngừng sản xuất. Ví dụ như với nông sản, những nông dân phải ngừng sản xuất sẽ là những người có năng suất thấp nhất hoặc trang thiết bị kém nhất hoặc canh tác trên đất xấu. Những nông dân có năng suất cao và canh tác trên đất tốt sẽ không phải hạn chế hoạt động sản xuất của mình. Không những thế, nếu việc giảm giá là dấu hiệu của việc giảm chi phí sản xuất bình quân, được thể hiện thông qua việc các nguồn cung cấp được tăng lên, khi đó, việc các nông dân có năng suất thấp và canh tác trên đất xấu phải ngừng sản xuất sẽ giúp các nông dân có năng suất cao và canh tác trên đất tốt mở rộng hoạt động sản xuất của mình. Vì thế, về lâu dài, sản lượng của loại hàng hóa đó có thể sẽ không bị giảm, và hàng hóa này lúc đó sẽ được sản xuất và bán ở một mức giá thấp vĩnh viễn.
Nếu điều này xảy ra, những người tiêu dùng loại hàng hóa đó vẫn được cung cấp một lượng hàng hóa nhiều như trước đây. Nhưng nhờ mức giá thấp hơn, họ sẽ có dư một khoản tiền, điều trước đây không xảy ra, để mua các hàng hóa khác. Vì vậy, người tiêu dùng chắc chắn sẽ có lợi. Sự tăng chi tiêu của người tiêu dùng trong các ngành sản xuất khác sẽ làm tăng lượng việc làm trong các ngành này, và chúng sẽ thu hút những người nông dân có năng suất thấp đã phải ngừng sản xuất vào những ngành sản xuất mới, nơi họ có thể làm việc với hiệu năng và thu nhập cao hơn.
Một sự hạn chế sản xuất áp dụng đồng đều theo tỷ lệ (để quay lại đề tài về những chính sách can thiệp của chính phủ) một mặt nghĩa là các nhà sản xuất có hiệu suất cao và chi phí sản xuất thấp không được phép sản xuất ra sản lượng mà họ có thể tạo ra ở mức giá thấp đó. Mặt khác, nó cũng có nghĩa là các nhà sản xuất có hiệu suất thấp và chi phí sản xuất cao vẫn được giúp để duy trì hoạt động sản xuất của họ. Điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất bình quân của sản phẩm. Nó sẽ được sản xuất với hiệu suất thấp hơn. Những nhà sản xuất có hiệu suất thấp được giúp để tồn tại trong ngành sẽ vẫn sử dụng đất đai, lao động và vốn mà đáng nhẽ có thể được sử dụng theo những cách khác để đem lại nhiều lợi nhuận hơn.
Thật vô nghĩa khi lý luận rằng ít nhất sự hạn chế sản xuất cũng làm tăng giá nông sản và “nông dân có thêm sức mua”. Lượng sức mua họ có thêm chính là lượng sức mua bị lấy đi từ người tiêu dùng trong thành phố. (Chúng ta đã đề cập đến điều này khi phân tích về mức giá ngang bằng.) Việc chính phủ cho nông dân tiền để giúp họ hạn chế sản xuất hoặc cung cấp cho họ cùng một lượng tiền để đổi lấy một lượng nông sản ít hơn cũng giống như việc chính phủ bắt người tiêu dùng hoặc người nộp thuế trả tiền cho những người ăn không ngồi rồi. Trong cả hai trường hợp, những người được hưởng lợi từ chính sách này sẽ có thêm “sức mua”, song sẽ có những người khác mất đi lượng sức mua tương đương. Thiệt hại cuối cùng đối với xã hội sẽ là thiệt hại về sản xuất, bởi vì có một số người được hỗ trợ để không sản xuất. Vì có ít hàng hóa hơn để phục vụ cho tiêu dùng trong xã hội, mức lương thật và thu nhập thật sẽ giảm do thu nhập tính ra tiền giảm hoặc do chi phí đời sống tăng.
Song nếu chính phủ cố gắng giữ giá một mặt hàng nông sản nào đó và không quy định hạn chế sản lượng, lượng hàng hóa dư thừa không bán được do giá quá cao sẽ ngày càng lớn, cho đến khi thị trường của mặt hàng nông sản đó sẽ bị sụp đổ ở mức độ nặng nề hơn nhiều so với trường hợp không áp dụng chính sách kiểm soát từ đầu. Hoặc là các nhà sản xuất không chịu sự quản lý của các chính sách này sẽ lợi dụng việc tăng giá và tăng sản lượng của mình lên rất cao. Đây là điều đã xảy ra đối với chương trình hạn chế sản lượng cao su tại Anh và chương trình hạn chế sản lượng bông tại Mỹ. Trong bất kỳ trường hợp nào, giá của mặt hàng này sau đó sẽ bị tụt một cách thảm hại và trở nên thấp hơn nhiều so với bình thường. Kế hoạch của chính phủ nhằm “bình ổn” giá và các điều kiện trên thị trường sẽ khiến cho thị trường bất ổn hơn rất nhiều so với điều mà các động lực tự do trên thị trường có thể gây ra.
Thế nhưng những chính sách kiểm soát hàng hóa trên quy mô quốc tế vẫn thường xuyên được đề xuất. Lần này, họ nói rằng họ sẽ tránh được những sai lầm cũ. Lần này họ sẽ cố định giá ở một mức “công bằng” đối với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Các quốc gia sản xuất và quốc gia tiêu dùng sẽ biết điều và thỏa thuận với nhau để đưa ra các mức giá công bằng này. Các mức giá cố định chắc chắn sẽ dẫn đến việc phân chia và phân bổ một cách công bằng sản xuất và tiêu dùng giữa các quốc gia, và chỉ những kẻ theo chủ nghĩa hoài nghi mới cho rằng sẽ có những tranh chấp quốc tế xuất phát từ điều này. Và cuối cùng, bởi một phép lạ vĩ đại nhất, cái thế giới tràn đầy những sự kiểm soát và ép buộc trên quy mô quốc tế ấy sẽ trở thành một thế giới thương mại quốc tế “tự do”!
Tôi không hiểu các nhà hoạch định chính sách của chính phủ muốn nói gì khi đề cập đến thương mại tự do trong trường hợp này, song tôi biết rõ điều họ không quan tâm đến. Họ không quan tâm đến quyền tự do của những con người bình thường trong việc mua bán hay vay mượn ở bất kỳ mức giá nào người ta thích và bất kỳ khi nào người ta cảm thấy có lợi. Họ không quan tâm đến quyền tự do của một công dân bình thường trong việc sản xuất ra một sản phẩm nào đó với sản lượng mình muốn, trong việc sản xuất hay ngừng sản xuất, trong việc sử dụng vốn và các tài sản khác của mình theo quyết định của mình. Tôi cho rằng điều họ quan tâm đến là quyền tự do của các nhà quản lý kinh tế của nhà nước trong việc quyết định những vấn đề này thay cho những người dân bình thường. Và họ hứa hẹn với dân này rằng mức sống sẽ được cải thiện nếu ngoan ngoãn tuân theo các nhà quản lý kinh tế. Song nếu những người hoạch định chính sách thành công trong việc gắn kết ý tưởng về hợp tác quốc tế với ý tưởng về sự tăng cường sự kiểm soát và thống trị của chính phủ trong đời sống kinh tế, kiểm soát trên phạm vi quốc tế trong tương lai dường như sẽ tiếp tục đi theo con đường nó đã đi trong quá khứ, con đường dẫn đến sự suy giảm mức sống và quyền tự do của những con người bình thường.
Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 16