[Tinh thần dân chủ] Chương 3: Dân chủ thoái trào (Phần 2)
NHỮNG BƯỚC THỤT LÙI CỦA LÀN SÓNG THỨ BA
Một trong những đặc điểm nổi bật của làn sóng thứ ba là có rất ít chế độ dân chủ bị sụp đổ. Đến năm 1999, chỉ có vài nước dân chủ bị sụp đổ mà thôi, và ở nhiều nước trong số đó, sự sụp đổ diễn ra trong vòng 10 năm kể từ Cuộc Cách mạng Bồ Đào Nha năm 1974: Lebanon năm 1975, Ấn Độ năm 1975, Thổ Nhĩ Kì năm 1980, Ghana năm 1981, Nigeria năm 1983. Sau đó, cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ dân chủ ở Fiji vào năm 1987, ở Sudan vào năm 1988, và ở Thái Lan vào năm 1991, ở Gambia và Lesotho vào năm 1994, trong khi các vị tổng thống dân cử như Alberto Fujimori ở Peru đã làm băng hoại chế độ dân chủ và tự đảo chính vào năm 1992, Frederick Chiluba của Zambia phá hoại quá trình tuyển cử trong vụ “bầu lại” ông ta vào năm 1996. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp ở Ấn Độ kéo dài chưa tới 2 năm, còn Thổ Nhĩ Kì và Thái Lan, sau giai đoạn cầm quyền ngắn ngủi tương tự như thế của chế độ quân sự, cũng đã trở lại với chế độ dân chủ. Khoảng năm 2000, cả Ghana lẫn Nigeria đều trở lại với chế độ dân chủ, Lesotho thì trở lại vào năm 2002. Peru và Zambia trở lại với chế độ dân chủ bằng những cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2000. Chỉ có Fiji và Gambia là còn ở trong tình trạng dân chủ giả tạo, nhưng đây là những nước nhỏ.
Cuộc đảo chính ở Pakistan là điềm báo của một điều gì đó khác hẳn. Nó không giống – và thực tế là không phải – trường hợp nắm quyền ngắn ngủi, có tính “chính lí” của lực lượng quân sự. Nó xảy ra khi làn sóng dân chủ hóa thứ ba dường như đang ở đỉnh cao nhất của nó. Và nó thể hiện những vấn đề quản lí ngấm ngầm mà nhiều chế độ dân chủ mới và còn yếu đang phải chiến đấu. Từ đó trở đi, chế độ dân chủ bị hủy hoại bởi những hành động phi dân chủ của các vị tổng thống dân cử ở Nga và ở Venezuela; bởi cuộc đảo chính do những người bảo hoàng thực hiện ở Nepal, bởi vụ gian lận bầu cử trên diện rộng ở Nigeria năm 2003, và bởi cuộc đảo chính quân sự (một lần nữa) ở Thái Lan năm 2006. Trong khi Nepal – trong khi tác tác phẩm này được chấp bút – đang trong quá trình trở về với chế độ dân chủ, còn Thái Lan thì dường như cũng đang làm điều đó, còn các nhà độc tài cứng rắn ở Nga và Venezuela – cùng với sự sụt giảm đáng kể doanh thu từ dầu khí – lại đang củng cố quyền lực của họ. Nga và Venezuela là những trường hợp nổi bật về thụt lùi dân chủ, những nước này vẫn chưa quay lại với chế độ dân chủ và điều đó cho thấy tình trạng này còn kéo dài (bảng 3.1).
Hoa Kỳ và các nước dân chủ chính ở phương Tây không có khả năng gây áp lực mạnh nhằm phục hồi dân chủ trong những nước này. Trên thực tế, họ không thể làm thế với ngay cả Gambia – một trong những nước nhỏ nhất và yếu nhất thế giới, với thu nhập quốc dân chỉ bằng 10% ngân sách hoạt động hàng năm của đại học Stanford. Nhà cựu quân nhân có bàn tay rắn của Gambia (khi cướp chính quyền vào năm 1994 ông ta mới là trung úy, 29 tuổi) đã và đang cai trị đất nước hơn mười năm trời mà chẳng sợ gì “phương Tây” dân chủ.
Như chúng ta sẽ thấy sau đây, những vụ sụp đổ dân chủ này không chỉ là xu hướng đáng lo lắng. Một số chế độ dân chủ khác, đặc biệt là Bangladesh, hoạt động rất kém và có thể sụp đổ. Một số nước từng diễn ra cách mạng dân chủ – Philippines, Ukraine, Georgia, và Kenya – đang có nguy cơ rơi vào vòng xoáy đi xuống của những xung đột phe phái và quản trị tồi. Điều tưởng như là khởi đầu của dân chủ trong thế giới Arab – ở Iraq, Lebanon và Palestine – lại biến thành hỗn loạn và có bóng dáng của cuộc nội chiến. Ở những nơi khác như Đài Loan và Mexico những cuộc tranh luận về bầu cử sắp diễn ra và những vụ bê bối tham nhũng đã tạo ra những vụ khủng hoảng làm chậm tiến trình dẫn tới hợp nhất các lực lượng dân chủ. Một số nhà nước độc tài đầy sức mạnh – Trung Quốc, Belarus, Uzbekistan và Ai Cập – đã và đang thu hẹp không gian dành cho giới bất đồng chính kiến cùng phe đối lập và bóp nghẹt sự trợ giúp quốc tế nhằm ngăn chặn bất kì áp lực đòi dân chủ hóa nào.
BẢNG 3.1 SỰ SỤP ĐỔ CỦA DÂN CHỦ TRONG LÀN SÓNG THỨ BA (từ năm 1974 đến năm 2006)
Kiểu sụp đổ |
Số vụ |
% so với tất cả các chế độ dân chủ (a) trong làn sóng thứ ba |
Nước và ngày sụp đổ (và tái lập) |
Sụp đổ sau đó trở lại với dân chủ |
8 |
5,7 |
Ấn Độ, 1975 (1977) Thổ Nhĩ Kì, 1980 (1983) Ghana, 1981 (2000) Nigeria, 1983 (1999) (b) Thái Lan, 1991 (1993) (c) Peru, 1992 (2001) Lesotho, 1994 (2002) Zambia, 1996 (2001) |
Sụp đổ nhưng cho đến năm 2007 vẫn chưa quay trở lại với dân chủ |
12 |
8,5 |
Lebanon, 1975 Fiji, 1987 Sudan, 1989 Gambia, 1995 Pakistan, 1999 Kyrgyzstan, 2000 Nga, 2000 Nepal, 2002 Nigeria, 2003 Venezuela, 2005 Thái Lan, 2006 Quần đảo Solomon, 2006 |
Tổng cộng |
20 |
14,2 |
|
a.Tính tất cả 141 nước dân chủ trong giai đoạn từ năm 1974 (khởi đầu làn sóng thứ ba) đến năm 2007 như sau: 40 nước dân chủ đã có từ trước, 95 nước đang trong quá trình chuyển hóa và 6 nước trong số 135 nước đã bị sụp đổ và sau đó quay lại với dân chủ (như vậy là tính đến 2 lần).
b.Nigeria trải qua 2 lần thụt lùi: một lần đảo chính năm 1983 và một lần gian lận bầu cử năm 2003.
c.Chế độ dân chủ ở Thái Lan sụp đổ đến 2 lần: đảo chính quân sự năm 1991, quay lại năm 1993 và đảo chính quân sự năm 2006, khi tác phẩm này được xuất bản vẫn chưa quay lại với dân chủ.
Khi nhìn vào tất cả các nước trên thế giới, ta thấy xu hướng trong mấy năm gần đây tiếp tục đi theo hướng tích cực. Trên bình diện toàn cầu, ngay cả khi số nước dân chủ vẫn giữ nguyên hay chỉ gia tăng không đáng kể thì mức độ tự do trung bình tiếp tục được cải thiện và số nước gia tăng được mức độ tự do thường lớn hơn hẳn số nước mà quyền tự do bị thu hẹp. Trong 15 năm, tính từ năm 1991 đến năm 2005, có 12 năm quyền tự do được nhiều hơn mất, với tỉ lệ ít nhất là 2 trên 1. Điều này diễn ra liên tục và đầy kịch tính trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2005, Freedom House ghi nhận trong đánh giá hàng năm như sau: “trong năm vừa qua, tự do trên toàn thế giới đã thu được lợi lớn,”1 “trong hơn một thập kỉ, đây là lúc số xã hội chưa tự do thấp nhất mà cuộc khảo sát ghi nhận được”2 và “số nước và tỉ lệ những nước có chính phủ được bầu theo lối dân chủ đã nâng lên một mức mới.”3 Tất cả những đánh giá như thế sẽ là công bằng và khích lệ, nếu như tất cả các nước đều được đo đếm như nhau. Nhưng, nếu chúng ta nhìn vào những nước có ý nghĩa nhất bên ngoài phương Tây đã có dân chủ bền vững thì sẽ thấy một câu chuyện khác. Và câu chuyện này trở nên rõ ràng trên bình diện toàn cầu vào năm 2006, khi sự thoái trào của tự do đã lần đầu tiên đẩy lùi thành quả giành được trong 5 năm trước (hình 3.1) và Freedom House đã nhận xét trong báo cáo hàng năm như sau: “một loạt xu hướng đáng ngại cùng nhau tạo ra những mối đe dọa tiềm tàng nghiêm trọng đối với sự ổn định của các nền dân chủ mới.”4
Một cách để đánh giá xu hướng dân chủ toàn cầu trong thập kỉ qua là nhìn vào cái mà tôi gọi là những nước thất thường có vai trò quan trọng. Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, bất kì danh sách nào cũng đều thể hiện sự đánh giá của người lập và vì vậy mà bỏ ngỏ cho tranh luận. Tôi đưa ra danh sách mà tôi tin là có thể bảo vệ được: 21 nước bên ngoài phương Tây đã công nghiệp hóa, tức là những nước hoặc là có trên 80 triệu dân hoặc là có thu nhập quốc dân trên 130 tỉ USD. Tôi còn đưa thêm vào danh sách này Ukraine, đây là nước hậu-Sô Viết quan trọng nhất, sau Nga (và là nước “thất thường” giữa Đông và Tây, nếu quả là có một nước như thế), và Ai Cập, nước Ả Rập đông dân nhất và có nhiều ảnh hưởng chính trị nhất.
Trong thập kỉ vừa qua, hai mươi ba nước này là một bức tranh pha tạp thấy rõ về sự tiến bộ của dân chủ (Bảng 3.2). Mười một nước có tiến bộ về dân chủ, hoặc bằng cách chuyển hóa sang dân chủ (như ở Mexico, Indonesia và Ukraine) hay bằng cách cải thiện chất lượng của dân chủ, như ở Brazil, Thổ Nhĩ Kì, Ba Lan và Đài Loan. Nhưng gần đây, Đài Loan và Mexico đã có bước thụt lùi, còn mười hai nước khác thì hoặc vẫn là những nước độc tài cứng rắn (Trung Quốc, Việt Nam, Ả Rập Saudi, Ai Cập) hoặc là bị thoái hóa về chính trị. Ở Pakistan và Thái Lan, quân đội đã lật đổ chế độ dân chủ. Những nước đặc biệt quan trọng là Nga, Venezuela và Nigeria, các vị tổng thống dân cử hay các chính khách có đầu óc đảng phái đã làm biến chất chế độ dân chủ. Iran giật lùi từ nhà nước tương đối đa nguyên về chính trị dưới thời tổng thống Mohammad Khatami thành chế độ độc tài hà khắc và cực đoan dưới thời tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Chế độ dân chủ ở Bangladesh có nguy cơ sụp đổ, còn ở Philippines thì bị xấu đi một cách nghiêm trọng. Ngoài những vụ đảo chính quân sự ở Pakistan và Thái Lan, ba vụ thụt lùi quan trọng nhất trong những năm gần đây là ở Nga, Venezuela và Nigeria. Có thể không phải ngẫu nhiên là doanh thu của chính phủ của cả ba nước này đều từ xuất khẩu dầu khí. Trong cả ba trường hợp, dân chủ bị phá hoại ngay từ bên trong, trong khi bên ngoài, về mặt thiết chế thì vẫn giữ được tính chính danh như cũ.
BẢNG 3.2 CÁC NƯỚC “THẤT THƯỜNG” CÓ VAI TRÒ QUAN TRỌNG
Nước |
GNP, 2005 (tỉ USD) |
Dân số, 2005 (triệu người) |
Điểm tự do trung bình |
Kiểu chế độ |
Xu hướng dân chủ 10 năm |
Trung Quốc Ấn Độ Hàn Quốc Mexico Brazil Nga Thổ Nhĩ Kì Đài Loan Ả Rập Saudi Indonesia Ba Lan Nam Phi Iran Thái Lan Argentina Venezuela Philippines Pakistan Ai Cập Nigeria Ukraine Bangladesh Việt Nam |
1.263,8 793,0 764,7 753,4 644,1 639,1 342,2 304,0 289,2 282,2 271,4 224,1 187,4 176,0 173,0 127,8 108,3 107,3 92,9 74,2 71,4 66,2 51,7 |
1.305 1.095 48 103 186 143 73 23 25 221 38 45 68 64 39 27 63 156 74 132 47 142 83 |
6,5 2,5 1,5 2,5 2.0 5,5 3,0 1,5 6,5 2,5 1,0 2,0 6,0 5,5 2,0 4,0 3,0 5,5 5,5 4,0 2,5 4,0 6,0 |
Độc tài Dân chủ Dân chủ tự do Dân chủ Dân chủ tự do Độc tài dân cử Dân chủ Dân chủ tự do Độc tài Dân chủ Dân chủ tự do Dân chủ tự do Độc tài dân cử Độc tài Dân chủ tự do Độc tài dân cử Dân chủ Độc tài Độc tài Độc tài dân cử Dân chủ Dân chủ (đình chỉ) Độc tài |
↔ ↑ ↑ ↑ ↑ ↓ ↑ ↑ ↔ ↑ ↑ ↓ ↓ ↓ ↑ ↓ ↓ ↓ ↔ ↓ ↑ ↓ ↔ |
Một nửa những nước quan trọng nhất bên ngoài phương Tây dân chủ là các chế độ độc tài hay trượt khỏi dân chủ cho thấy khúc quanh đáng ngại trong xu hướng dân chủ toàn cầu. Phản ứng đang gia tăng nhằm chống lại những nỗ lực quốc tế trong việc thúc đẩy dân chủ cũng làm người ta lo ngại. Chúng ta đã bước vào giai đoạn thoái trào của dân chủ trên bình diện toàn cầu, các nước thất thường có vai trò quan trọng là chỉ dấu của thời kì suy thoái có thể xảy ra trên diện rộng.
Chú thích:
(1) Adrian Karatnycky, “Liberty’s Expansion In a Turbulent World: Thirty Years of the Survey of Freedom”, in Freedom in the World, 2003: The Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties (New York: Freedom House, 2003), p. 7.
(2) Arch Puddington, “Freedom In the World, 2006: Middle East Progress Amid Global Gains”, In Freedom in the World, 2006: The Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties (New York: Freedom House, 2006), p. 3.
(3) Adrian Karatnycky, “The 2001-2002 Freedom House Survey of Freedom: The Democracy Gap”, In Freedom House, Freedom in the World, 2001-2002: The Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties (New York: Freedom House, 2002), p. 7.
(4) Arch Puddington, “The 2006 Freedom House Survey: The Pushback Against Democracy”,
Journal of Democracy 18 (April 2007): 119.