[Tinh thần dân chủ] Chương 2: Bùng nổ dân chủ (Phần 1)

[Tinh thần dân chủ] Chương 2: Bùng nổ dân chủ (Phần 1)

Ngay sau nửa đêm ngày 25 tháng 4 năm 1974, các sĩ quan cánh tả trong phong trào gọi là Movimento das Forcas Armadas (MFA) đã lật đổ chế độ độc tài Estado Novo kéo dài đã 48 năm ở Bồ Đào Nha. Cuộc đảo chính quân sự nhanh chóng, hiệu quả và gần như không đổ máu đã làm bùng lên niềm hân hoan và sự vui mừng của quần chúng. Mặc dù những quân nhân khởi nghĩa kêu gọi dân chúng ở lại trong nhà, hàng ngàn người đã đổ ra đường phố, họ chào mừng các binh sĩ, tay cầm những bông hoa cẩm chướng đỏ và kêu gọi những người bảo vệ chế độ không kháng cự. Trên những bức hình được đưa lên sóng truyền hình khắp thế giới, người ta thấy những người khởi nghĩa cho dân chúng đặt hoa cẩm chướng vào thùng súng của họ. Vì thế, cuộc nổi dậy lật đổ chế độ độc tài lâu đời nhất còn sót lại ở châu Âu được gọi là “Cuộc Cách mạng Hoa Cẩm Chướng”.

Suốt hơn một thập kỷ, Bồ Đào Nha bị lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng, kiệt sức vì tìm cách nắm giữ những thuộc địa của nước này ở châu Phi: Angola, Mozambique và Guinea thuộc Bồ Đào Nha. Cũng như Hoa Kỳ ở Việt Nam, số thương vong và chi phí ngày càng gia tăng mà viễn cảnh chiến thắng thì không có. Nhưng khác với Mĩ, ở Bồ Đào Nha không có cơ chế chính trị để cho người dân thể hiện sự tức giận và nỗi thất vọng đang ngày càng lớn lên cả trong quân đội lẫn trong xã hội nói chung. Những người định cư Bồ Đào Nha và binh sĩ trở về nhà với tâm trạng cay đắng và thất vọng. Bồ Đào Nha ngày càng tụt hậu so với các nước dân chủ ở Tây Âu, tức là những nước đã cùng nhau tham gia thị trường chung, tham gia Cộng đồng Kinh tế châu Âu, điều kiện tham gia cộng đồng này là chế độ dân chủ và nhà nước pháp quyền. Bị cách ly với các lân bang và bị ám ảnh vì sợ rằng Đảng cộng sản, hoạt động bí mật, nhưng đầy sức mạnh sẽ nổi dậy, đất nước này rơi vào tình trạng đình đốn cả về kinh tế lẫn chính trị. Không nhìn thấy tương lai, hàng trăm ngàn người đã bỏ nước ra đi. Khi Antonio Salazar, người thành lập chế độ độc tài, chết vào năm 1970, chế độ Estado Novo mất chất kết dính và lòng tự tin. Marcello Caetano, nhà độc tài mới, tìm cách hiện đại hóa và giải phóng chế độ, nhưng bất thành.

Khi chế độ độc tài bị cuộc Cách mạng Hoa Cẩm Chướng đập tan, hoàn toàn không thể biết chắc là Bồ Đào Nha sẽ trở thành nhà nước dân chủ. Nước này chưa bao giờ có dân chủ. Một nửa thế kỉ qua, nước này là chế độ nửa phát xít. Francisco Franco, nhà độc tài ốm yếu của Tây Ban Nha ở bên kia biên giới vẫn còn bám víu vào quyền lực. Cả hai nước đều lún sâu vào nền văn hóa Latin, Công giáo La Mã, mà nhiều nhà nghiên cứu và bình luận chính trị cho là không phù hợp với dân chủ, đây cũng là logic được dùng để giải thích sự thiếu vắng dân chủ ở Mĩ Latin lúc đó. Ngay sau đó, quân đội Bồ Đào Nha bị chia thành các phe phái mang tính ý hệ và đất nước rơi vào giai đoạn vận động chính trị quyết liệt, mưu mô và nguy hiểm. Samuel Huntington tóm tắt như sau:

Sau cuộc đảo chính tháng 4, Bồ Đào Nha rơi vào tình trạng lộn xộn trong suốt 18 tháng. Các sĩ quan của Movimento das Forcas Armadas (MFA) bị chia thành phe bảo thủ, ôn hòa và Marxist cạnh tranh với nhau. Các đảng phái chính trị cũng phân bố trên một phổ rộng tương tự, từ đảng Cộng sản cứng rắn bên cánh tả đến những nhóm phát xít bên cánh hữu. Sáu chính phủ lâm thời lần lượt thay phiên nhau, chính phủ sau ít chuyên chế hơn chính phủ trước. Đã có những cuộc đảo chính và phản đảo chính. Công nhân và nông dân bãi công, biểu tình và chiếm nhà máy, nông trại và phương tiện truyền thông. Các đảng phái ôn hòa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử trong ngày kỉ niệm cuộc đảo chính vào năm 1975, nhưng mùa thu năm đó có khả năng xảy ra nội chiến giữa miền Bắc bảo thủ và miền Nam cấp tiến.1

Có lúc, dường như cộng sản sẽ nắm được chính quyền ở Bồ Đào Nha. Tháng 9 năm 1974, bộ trưởng ngoại giao MỸ, Henry Kissinger, đã cảnh báo Mário Soares, lãnh tụ đảng xã hội chủ nghĩa (PS) ôn hòa rằng ông ta sẽ thất bại tương tự như Alexander Kerensky ở Nga – bị những người Bolshevik nuốt chửng.2 Nhưng phương Tây đã đặt cược vào kết quả của dân chủ và cung cấp viện trợ cho các đảng và phong trào dân chủ, trong đó có PS. Tháng 4 năm 1975, những cuộc bầu cử quốc hội lập hiến chứng tỏ đa số ủng hộ phái ôn hòa. Khi các đơn vị quân sự cấp tiến tìm cách giành quyền lực vào năm 1975, họ đã bị “vị đại tá ủng hộ dân chủ, ít nói” là António Ramalho Eanes đập tan.3 Các bên đạt được thỏa hiệp về hiến pháp vào tháng 4 năm 1976 và chẳng bao lâu sau đã bầu được chính phủ dân chủ.

LÀN SÓNG DÂN CHỦ HÓA THỨ BA

Thắng lợi của dân chủ ở Bồ Đào Nha là khởi đầu của vụ bùng nổ chính trị vì dân chủ trên toàn thế giới. Trong tác phẩm tạo được nhiều ảnh hưởng của mình, Huntington gọi đấy là làn sóng dân chủ thứ ba trên thế giới. Ông cho rằng khởi đầu của làn sóng dân chủ hóa thứ nhất, từ năm 1828, với việc áp dụng quyền phổ thông đầu phiếu mang tính dân chủ ở Hoa Kỳ, kéo dài tới đầu những năm 1920, với việc nắm quyền của Mussolini ở Italy và làn sóng đảo chiều thứ nhất. Làn sóng dân chủ thứ hai, ngắn hơn, bắt đầu với chiến thắng của phe Đồng minh trong Thế chiến II, với một loạt nước Mỹ Latin và những nước mới giành được độc lập (chủ yếu là thuộc địa của Anh). Nhưng năm 1962, làn sóng đảo chiều thứ hai bắt đầu, tạo ra một loạt chế độ quân sự và độc đảng, ở Nam Mỹ chỉ còn hai nước dân chủ.4

Làm sóng dân chủ thứ ba bắt đầu cùng với việc lật đổ chế độ độc tài ở Bồ Đào Nha vào năm 1974. Lúc đó, trên thế giới chỉ có khoảng 40 nước dân chủ, chủ yếu là trong các nước công nghiệp hiện đại (bao gồm cả chục nước nhỏ với dân số chưa đến một triệu người). Cuối năm 1973, trong số những nước có dân số lớn hơn một triệu người, Huntington chỉ tìm được 30 nước dân chủ, tức là chưa đến một phần tư số nước trên thế giới.5 Rải rác ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin còn vài nước dân chủ nữa: Ấn Độ, Sri Lanka, Botswana, Costa Rica, Venezuela. Nhưng chế độ quân sự, chế độ độc đảng hay chế độ độc tài của một người giữ thế thượng phong ở phần lớn các nước Mỹ Latin, châu Á, châu Phi và Trung Đông. Khu vực Đông Âu và Liên Xô nằm dưới chính quyền cộng sản.

Từ đó, dân chủ lan tràn với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, một thời gian sau cuộc cách mạng Bồ Đào Nha xu hướng chỉ từ từ và khiêm tốn, không thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ sự chuyển hóa sắp diễn ra trên bình diện toàn cầu. Ba tháng sau cuộc cách mạng Bồ Đào Nha, chế độ độc tài kéo dài 7 năm ở Hy Lạp sụp đổ sau khi bị Thổ Nhĩ Kì đánh bại ở Cyprus. Nhục nhã và rơi vào tình trạng lộn xộn, giới quân nhân buộc phải kêu gọi những nhà hoạt động dân sự thành lập chính phủ lâm thời, dẫn tới cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11 năm 1974 và phục hồi chế độ lập hiến dân sự.

Năm sau, Francisco Franco, nhà độc tài của Tây Ban Nha, nắm quyền gần bốn thập kỉ kể từ khi ông ta liên minh với nước Ý phát xít và Đức quốc xã trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, ốm nặng khó qua khỏi, và Hoàng tử Juan Carlos, trước đây đã được chỉ định làm người thừa kế ngai vàng Tây Ban Nha, tạm thời nắm quyền vào tháng 10 năm đó. Franco chết vào tháng 11, Juan Carlos trở thành vua, và áp lực dân chủ hóa gia tăng nhanh chóng với sự ủng hộ ngấm ngầm của vị hoàng đế trẻ tuổi. Tháng 7 năm 1976, thủ tướng cuối cùng dưới trào Franco được thay thế bằng một nhà cải cách trẻ tuổi, có năng lực và năng động, theo trường phái bảo thủ là Adolfo Suárez. Ông đã khéo léo dẫn dắt công cuộc chuyển hóa bằng cách đàm phán “hiệp ước” có tính thỏa hiệp với các lực lượng đối lập và để cho các lực lượng quân sự và các thành phần bảo thủ tham gia. Suárez nắm quyền kiểm soát chính phủ của đảng bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 6 năm 1977 và đạt được thỏa thuận với Đảng Xã hội Chủ nghĩa và Đảng Cộng sản về cải cách kinh tế và xã hội vào tháng 10 năm đó (Hiệp ước Moncloa nổi tiếng). Năm sau, quốc hội thông qua hiến pháp mới với đa số phiếu áp đảo, hoàn thành quá trình chuyển hóa sang dân chủ vào cuối năm 1978. Mô hình chuyển hóa “bằng hiệp ước” của Tây Ban Nha, trong đó giới quyền uy độc tài và lực lượng dân chủ đối lập đang lên tiến hành đàm phán một loạt những bảo đảm và hạn chế tương hỗ có thể trở thành mô hình cho nhiều công cuộc chuyển hóa dân chủ trong tương lai ở Mỹ Latin, Đông Âu và châu Phi – cụ thể là Nam Phi.

Quá trình dân chủ hóa ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có ảnh hưởng tới Mỹ Latin, lúc đó đang bị phong trào dân túy đang lên và Hoa Kỳ, với chính sách đối ngoại mới do tổng thống Jimmy Carter tập trung vào nhân quyền đối với khu vực này, tạo ra áp lực rất mạnh. Năm 1978, một nhà độc tài đầy sức mạnh của Cộng hòa Dominica, Joaquín Balaguer, bị thất bại trong một cuộc bầu cử và phải từ chức, đánh dấu sự thay đổi chính phủ thông qua bầu cử diễn ra lần đầu tiên trong lịch sử Dominica. Cũng trong năm đó, ở Peru đã bầu được quốc hội lập hiến để soạn thảo hiến pháp mới và ngày 17 tháng 5 năm 1980, chính phủ dân cử theo lối dân chủ lên cầm quyền ở nước này. Năm 1979 chuyển hóa trở lại với chính quyền dân sự dân cử cũng diễn ra ở Ecuador.

Sự kiện có ảnh hưởng mạnh đối với khu vực là chính quyền độc tài quân sự tàn bạo ở Argentine đã bị sụp đổ sau vụ đổ bộ thiếu tính toán lên quần đảo Falkland và bị thua quân đội Anh một cách nhục nhã. Lực lượng dân chủ do Raúl Alfonsin lãnh đạo, độc lập với cả lực lượng quân sự lẫn đảng từng làm mưa làm gió trên chính trường trong thời gian dài của lãnh tụ dân túy, Juan Perón, đã giành được thắng lợi quyết định trong cuộc bầu cử tháng 10 năm 1983 và bắt đầu phục hồi sự tôn trọng nhân quyền và chế độ pháp quyền. Cũng trong thời gian đó, Brazil đang trải qua giai đoạn gọi là abertura (mở cửa), sau hai thập kỉ nằm dưới chính quyền quân sự để trở về với chính phủ dân sự. Quá trình giảm áp lực về chính trị ở Brazil kết thúc vào tháng 1 năm 1985, khi lãnh đạo lực lượng đối lập, Tancredo Neves, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống theo lối cử tri đoàn, mặc dù thủ tục bầu cử có lợi cho giới quân nhân. Mặc dù Neves chết một cách thảm thương ngay sau đó, tiến trình tự do hóa vẫn tiếp tục cùng với việc thông qua hiến pháp mới vào tháng 10 năm 1988.

Mặc dù đã có những thay đổi quan trọng như thế ở châu Âu và châu Mỹ, xu hướng dân chủ trên thế giới vẫn còn rất hạn chế. Năm 1980, chế độ dân chủ tăng lên thành một phần ba quốc gia trên thế giới, trong khi năm 1973 là hơn một phần tư một chút. Ngoài ra, đã xảy ra những vụ thụt lùi đáng kể. Ở Thổ Nhĩ Kì, chế độ dân chủ đã thua lực lượng quân sự, còn ở Lebanon thì xảy ra nội chiến, ba nước dân chủ nổi bật – Bangladesh, Ghana và Nigeria – tan vỡ trong vòng vài năm. Từ năm 1973 đến năm 1980, số nước dân chủ đã tăng từ 40 lên 54, nhưng hơn một phần ba (19 nước) là những nước cực kì nhỏ với dân số chưa đến một triệu người. Bảy nước dân chủ mới là những đảo quốc rất nhỏ ở vùng Caribbe và Thái Bình dương vừa giành được độc lập. Năm 1984, tỉ lệ các nước dân chủ với số dân hơn một triệu người là 29%, chưa bằng một nửa số nước dân chủ cực kì nhỏ (62%).

Một thập kỉ của làn sóng thứ ba, thế giới vẫn chủ yếu là các chế độ độc tài, chưa nhận thức được rằng công cuộc chuyển hóa vô tiền khoáng hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Tây Âu bây giờ đã hoàn toàn dân chủ, một nửa số nước ở Mỹ Latin cũng đã trở thành dân chủ. Nhưng chế độ cộng sản tưởng như đã được củng cố vững chắc, Nhật Bản vẫn là nước dân chủ duy nhất ở châu Á. Những thay đổi ở châu Âu và Mỹ Latin vẫn chưa chạm tới châu Phi. Trên thực tế, giới quân sự vừa cướp được chính quyền ở Nigeria, đất nước rộng lớn và năng động nhất của châu lục này – đảng cầm quyền tham nhũng đã giành được thắng lợi áp đảo sau một cuộc bầu cử bịp bợm.

Nhưng năm 1986, đã xảy ra “phép màu”. Lần đầu tiên của hiện tượng mà sau này được gọi là “Cách mạng Sức mạnh của Nhân dân” (People Power Revolution) trong làn sóng thứ ba, lực lượng đối lập Philippines đã động viên được nhân dân với chiến thuật phản kháng phi bạo lực nhằm chia rẽ chế độ và lật đổ nhà độc tài.6 Tháng 11 năm 1985, tổng thống Ferdinand Marcos, dưới áp lực ở trong nước và quốc tế vì đã cướp phá đất nước và đàn áp bất đồng chính kiến suốt hai thập niên, đã tìm cách củng cố tính chính danh của ông ta bằng cách kêu gọi bầu cử tổng thống trong một ngày không xa. Phe đối lập đã bị khích động từ tháng 8 năm 1983 – lãnh đạo phe dân chủ rất được lòng dân, ông Benigno Aquino, bị ám sát ngay trên sân bay Manila khi ông vừa từ Hoa Kỳ trở về, sau một thời gian sống lưu vong ở nước ngoài. Ủy ban điều tra của chính phủ quy trách nhiệm cho tham mưu trưởng lục quân, tướng Fabian Ver (người từng là tài xế và bảo vệ của Marcos), nhưng ông ta đã được tòa án thiên vị tha bổng và được trở lại nhiệm sở, làm cho tình trạng náo động càng gia tăng. Tin rằng có thể thắng trong một cuộc kiểm tra nhanh mức độ ủng hộ của dân chúng, Marcos tuyên bố tổ chức “cuộc tuyển cử bất ngờ” nhằm “khôi phục lại niềm tin” vào quyền lực của ông ta. Nhưng dưới áp lực về mặt đạo đức của tổng giám mục được nhân dân kính trọng, Hồng y Jaime Sin, phe đối lập vốn vẫn chia rẽ đã tập hợp lại xung quanh bà Corazon, góa phụ của ông Aquino. Và khi Marcos trắng trợn gian lận, trò bịp này đã bị Phong trào Công dân Toàn quốc Ủng hộ Bầu cử Tự do (NAMFREL) – bằng những cố gắng chưa từng thấy – cũng như các nhà quan sát quốc tế, vạch trần. Thượng nghị sĩ Richard Lugar, lãnh đạo nhóm các nhà quan sát cuộc bầu cử do tổng thống Reagan thành lập và Nhà thờ Thiên Chúa giáo đã kí xác nhận bản báo cáo về cuộc bầu cử do NAMFREL đưa ra. Cả Marcos và Aquino cùng tuyên bố chiến thắng, Aquino kêu gọi bất tuân dân sự, tẩy chay và những hình thức phản đối phi bạo lực khác nhằm “hạ bệ kẻ tiếm quyền”, các tướng lĩnh có đầu óc cải cách rời bỏ Marcos và công nhận Aquino là tổng thống dân cử hợp pháp. Nghe theo lời kêu gọi của Hồng y Sin, hàng trăm ngàn người Philippine đã đổ ra đại lộ nối liền hai căn cứ khởi nghĩa ở Manila (EDSA) với nhau và quỳ gối cầu nguyện. Đám đông liên kết giới quân nhân với các bà sơ tay lần tràng hạt – sau này được gọi là “Phép màu ở EDSA” – đã ngăn chặn được đoàn xe tăng và những đơn vị còn trung thành với Marcos, không cho họ tiến lên. Marcos không còn được ai ủng hộ nữa, ông ta phải sống lưu vong.

Tinh thần dân chủ lan tràn sang Đông Á. Năm sau đến lượt Hàn Quốc. Khi nhà độc tài quân sự, tổng thống Chun Doo Hwan, đình chỉ việc xem xét những cuộc cải cách hiến pháp cần thiết cho quá trình dân chủ hóa, những cuộc phản đối của quần chúng đã bùng lên vào tháng 4 năm 1987, thu hút được tầng lớp trung lưu – sau hai thập kỉ phát triển kinh tế đã khá lớn về số lượng. Với sự huy động thêm thành phần đối lập ôn hòa hơn và Thế Vận Hội sẽ được tổ chức ở Seoul vào mùa hè năm sau, Hoa Kỳ cảnh báo Chun Doo Hwan không được sử dụng vũ lực đàn áp biểu tình. Trước áp lực mạnh mẽ cả trong nước lẫn trên trường quốc tế, người kế nhiệm Chun là Roh Tae Woo buộc phải chấp nhận đòi hỏi của phe đối lập là cải cách hiến pháp và thả tù nhân chính trị . Mặc dù, cuối cùng, lực lượng đối lập đã chia rẽ thành phe ủng hộ Kim Dae Jung và phe ủng hộ Kim Young Sam, tạo điều kiện cho Roh Tae Woo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 12 năm 1987 với đa số phiếu, chính quyền quân sự độc tài kéo dài gần ba thập kỉ đã đến hồi chấm dứt.

Lúc đó, một cuộc chuyển hóa dân chủ nữa cũng bắt đầu ở một “con hổ” Đông Á khác là Đài Loan. Tháng 10 năm 1986, tổng thống Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching-kuo) bãi bỏ thiết quân luật và quyết định để cho các đảng đối lập tổ chức (họ đã làm một cách ồn ào trước đó mấy tháng). Tưởng Kinh Quốc là con một nhà độc tài theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, Tưởng Giới Thạch, được thừa kế chế độ cai trị độc đảng kéo dài hơn nửa thế kỉ, từ ngày còn ở đại lục. Nhưng nước Trung Quốc cộng sản bắt đầu phất lên và sức khỏe của chính ông ta thì không tốt, ông ta có thể nhận thấy nhu cầu thay đổi. Ngay cả khi không có đảng đối lập chính thức, những cuộc bầu cử ngày càng mang tính cạnh tranh hơn đã diễn ra suốt mấy thập kỉ (tương tự như ở Hàn Quốc, nhưng không cấp tiến đến như thế) và kinh tế phát triển đã làm cho nhiều tổ chức xã hội dân sự to mồm ngóc đầu dậy. Khi Tưởng Kinh Quốc chết vào tháng 1 năm 1988, lần đầu tiên quyền lực được chuyển cho Lý Đăng Huy (Lee Teng hul), một người gốc Đài Loan. Trong vòng 8 năm sau đó Lý Đăng Huy đã tiến hành một loạt cải cách trong lĩnh vực bầu cử, luật pháp và hiến pháp rộng lớn, giúp tháo gỡ các cơ cấu độc tài, tách đảng cầm quyền ra khỏi nhà nước và đỉnh điểm là chiến thắng áp đảo của ông trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp, lần đầu tiên, vào năm 1996.

Cuối những năm 1980, ngọn gió thay đổi dân chủ thổi khá mạnh ở châu Á, mặc dù không phải lúc nào cũng giành được thắng lợi. Tháng 8 năm 1988, Thái Lan bước qua lằn ranh tăm tối, từ chế độ bán dân chủ do giới quân nhân nắm quyền sang chế độ dân chủ dân cử, đấy là khi Chatichai Choonhavan, nghị sĩ dân cử đầu tiên trở thành thủ tướng, sau khi thí nghiệm dân chủ trước đó bị đập tan vào năm 1976. Cố gắng của Chatichai nhằm khẳng định quyền kiểm soát lực lượng quân sự đã khuyến khích hai viên tướng cướp chính quyền vào năm 1991. Nhưng khi họ tìm cách khôi phục “dân chủ” dưới vỏ bọc là các đảng được giới quân nhân hậu thuẫn và một vị thủ tướng không do dân cử, thì họ đã kích hoạt những cuộc biểu tình của quần chúng và phải quay lại với chế độ dân chủ thật sự.

Bị tác động bởi sự thay đổi dân chủ đang quét qua khu vực, tháng 4 năm 1989, hàng ngàn sinh viên và trí thức đã kéo tới quảng trường Thiên An Môn để tỏ lòng thương tiếc Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), vị tổng bí thư có tư tưởng cải cách của Đảng cộng sản Trung Quốc. Khi số người tham gia tăng lên, mối quan tâm của họ cũng mở rộng, trong đó có đòi quyền tự do báo chí và về thảo luận về cải cách dân chủ giữa những người đại diện được bầu của sinh viên và quan chức chính phủ. Các sinh viên đã tổ chức cuộc tuyệt thực lớn, được hàng trăm ngàn sinh viên, trí thức và công nhân Bắc Kinh ủng hộ. Hàng triệu người tham gia phản đối khi phong trào lan tới những thành phố khác trên khắp Trung Quốc. Tưởng như chế độ ở Trung Quốc có thể đồng ý tiến hành những cuộc cải cách sâu rộng hay thậm chí là tháo gỡ, nhưng những người theo đường lối cứng rắn đã dẹp tan biểu tình bằng một vụ tấn công quân sự đẫm máu vào ngày 4 tháng 6.

Trong khoảng thời gian đó, các chế độ độc tài còn lại ở Mỹ Latin cũng theo nhau rút lui. Ở Chile, các đảng dân chủ từng chia rẽ đã liên kết lại cùng với những lực lượng dân sự khác trong chiến dịch đầy sức mạnh trong năm 1988, đánh bại cuộc trưng cầu dân ý mà tướng Augusto Pinochet tiến hành nhằm giữ quyền lực thêm 8 năm nữa. Năm sau, liên minh dân chủ đã giành thắng lợi quyết định trước ứng viên được chế độ ủng hộ. Tháng 2 năm 1989, Alfredo Stroessner, nhà độc tài 35 tuổi ở nước Paraguay láng giềng bị lật đổ, và đất nước này bắt đầu quá trình chuyển hóa đầy cam go thông qua những cuộc bầu cử dân chủ (nếu không nói là công bằng). Tháng 12 năm 1989, nhà độc tài Panama, Manuel Noriega, bị quân đội Mỹ bắt, tạo điều kiện cho người giành chiến thắng hợp phát trong cuộc bầu cử tổng thống nhận nhiệm vụ. Hai tháng sau, cuộc xung đột đầy bạo lực ở Nicaragua chấm dứt với cuộc bầu cử dân chủ, đánh bại chế độ độc tài Sandinista. Tháng 1 năm 1992, các bên tham chiến đạt được thỏa thuận hòa bình, chấm dứt cuộc nội chiến ở El Salvador, tạo điều kiện cho chế độ dân chủ thực chất hơn ra đời.

Trong khi đó, ở Nam Á, chế độ dân chủ cũng được phục hồi. Cố gắng của giới quân nhân nhằm tác động vào các cuộc bầu cử và làm giảm áp lực của nhân dân đòi trở về với chế độ dân chủ thực sự đã bị mất đà sau khi nhà độc tài, tướng Zia ul-Haq chết vì tai nạn máy bay vào tháng 8 năm 1988. Ba tháng sau đó, cuộc bầu cử tống thống đã dẫn tới việc chỉ định bà Benazir Bhuto – con gái của cựu thủ tướng dân sự và là người ủng hộ dân chủ hùng hồn – làm thủ tướng. Ở Bagladesh, nhà lãnh đạo độc tài, tướng Hossain Ershad, đã lèo lái dư luận suốt mấy năm nhằm tìm công thức để cho ông ta nắm quyền thêm một thời gian nữa, biến ông ta thành tống thống “dân cử” nhưng ông ta chưa bao giờ thuần phục được các đảng phái chính trị và xã hội dân sự bất kham. Khi các cuộc biểu tình của phe đối lập lan tràn ra khắp cả nước, biến thành những cuộc đình công (ngày càng mang tính bạo lực hơn), Ershad không còn người ủng hộ, ông ta từ chức vào tháng 10 năm 1900 và chính phủ dân cử được khôi phục vào đầu năm 1991. Cũng trong khoảng thời gian đó, Nepal đã chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế (có nhiều đảng chính trị và cơ quan dân cử kém hiệu quả) sang chế độ quân chủ lập hiến với chính phủ được bầu một cách tự do. Phong trào phản đối lan rộng của quần chúng đã buộc nhà cầm quyền độc tài nhượng bộ.

(còn nữa)

Chú thích

(1) Samuel P. Huntington, The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century (Norman: University of Oklahoma Press, 1991), p. 4.

(2)  Ibid.

(3)  Ibid., p. 5.

(4) Ibid., p. 15.

(5) Ibid., bảng 1.1, p. 26. Theo tính toán của tôi, chỉ có 28 nước.

(6) Tài liệu hấp dȁn về sự kiện lịch sử quan trọng này và câu chuyện rộng hơn về hành động dân sự phi bạo lực đã kết liễu chế độ áp bức, bảo vệ nhân quyền và thiết lập dân chủ, xin đọc Peter Ackerman and Jack DuVall, A Force More Powerful: A Century of Nonviolent Conflict (New York: Palgrave, 2000).

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường