[Tinh thần dân chủ] Chương 3: Dân chủ thoái trào (Phần 8)

[Tinh thần dân chủ] Chương 3: Dân chủ thoái trào (Phần 8)

PHẢN ĐÒN CỦA ĐỘC TÀI

Nhiều người bất mãn với độc tài không phải là dấu hiệu là nó sẽ cáo chung, nhiều người thỏa mãn cũng chưa phải là dấu hiệu chắc chắn của dân chủ. Sự kiện là người cai trị được nhiều người ủng hộ cũng không làm cho ông ta hay bà ta trở thành người dân chủ. Năm 2005, cuộc khảo sát Latino Barometer phát hiện ra rằng 65% người dân Venezuela ủng hộ chính quyền của Chavez, chỉ có 3 trong 18 nước ở Mỹ Latinh được khảo sát là có tỷ lệ cao hơn mà thôi, trong khi chỉ có 49% nghĩ rằng các cuộc bầu cử là trong sạch. Kết quả thật ngược đời, vì trong khi dường như nó cho thấy nhân dân chấp nhận sự suy thoái của dân chủ ở Venezuela, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ mức độ ủng hộ dân chủ tương đối cao, bác bỏ chính quyền quân sự và công nhận rằng phải có các đảng phái và quốc hội thì mới có chế độ dân chủ.1 Điều này hàm ý rằng tham vọng cầm quyền của Chavez trong hàng chục năm cuối cùng sẽ gặp sự chống đối ngày càng gia tăng của dân chúng.

Cùng với sự xói mòn của dân chủ trong một loạt quốc gia có tầm quan trọng chiến lược, trong mấy năm gần đây còn có sự củng cố chế độ chuyên chế trong những nước độc tài. Các đảng đối lập và xã hội dân sự bị đàn áp và đe dọa dữ dội hơn, trong khi sự trợ giúp của quốc tế cho các phong trào dân chủ bị gián đoạn hoặc ngưng hẳn. Bị ám ảnh trước viễn cảnh đen tối, các chế độ độc tài đã và đang quan sát một cách kĩ lưỡng quá trình chuyển hóa dân chủ trong các lân bang và rút ra những bài học nhằm ngăn chặn, không để quá trình này diễn ra ở nước mình.

Một ví dụ là Belarus, một quốc gia hậu Xô Viết thoái hóa, nằm dưới sự cai trị toàn diện và ngày càng gia tăng của Alyaksandr Lukashenka từ khi ông ta được bầu làm tổng thống năm 1994. Hốt hoảng trước khả năng là cuộc Các Mạng Cam ở nước Ukraine láng giềng và những cuộc “cách mạng màu” ở các nước hậu cộng sản khác có thể lan sang Belarus, Lukashenka – cùng với những nhà độc tài hậu cộng sản khác, trong đó có Putin ở Nga – đã tung ta “những cố gắng nhằm phá hoại năng lực của phe đối lập, bịt miệng các phương tiện truyền thông đại chúng độc lập, phá hoại ngầm các cổ chức phi chính phủ độc lập (NGO) và thành lập những thiết chế thay thế nhằm tạo ra chế độ dân chủ giả tạo và thao túng những quá trình chính trị ít rủi ro hơn.”2

Trong một bài báo trên tờ Journal of Democracy xuất bản năm 2006, một nhà chính trị học trẻ tuổi người Belarus, Vitali Silitski đã phân tích cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào dân chủ của chế độ. Lukashenka – năm 1996, đã thông qua việc sửa đổi hiến pháp để kéo dài nhiệm kì tổng thống và mở rộng quyền lực của ông ta – còn tổ chức thêm một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp – lần này là để dỡ bỏ giới hạn thời gian cầm quyền của tổng thống. Sau đó, chế độ lên án các cuộc cách mạng màu, trong khi các cơ quan an ninh quốc gia thu thập thông tin về những cách thức để thay đổi có thể xảy ra ở Belarus – và làm sao để ngăn chặn nó. Thứ ba, lực lượng an ninh được giao thêm nhiều quyền hành động hơn, có thể giải tán người biểu tình bằng vũ lực. Thứ tư, chính phủ liên tục tấn công các lãnh tụ đối lập và viết lại luật nhà ở để đóng cửa gần ba trăm văn phòng của các đảng chính trị khu vực hoạt động bên ngoài các khu dân cư. Cuối cùng, và được Silitski coi là quan trọng nhất, là “chế độ đã tấn công trực diện vào xã hội dân sự”. Trong đó, có quyết định vào tháng 4 năm 2005 của tòa án về việc “đóng cửa cơ quan thăm dò dư luận độc lập lớn nhất trong nước”. Phải có giấy phép thì mới được tiến hành điều tra dư luận, nếu không có thể bị truy tố tội hình sự. Tháng 12 năm 2005, bộ luật mới có hiệu lực, qui định phạt những người điều hành các NGO chưa đăng kí – chuyên huấn luyện kĩ thuật phản đối có tính quần chúng (trong cách mạng màu) hay “phỉ báng cộng hòa Belarus trên trường quốc tế” (nhà khoa học Belarus có thể bị kết tội vì viết bài báo này) – tới ba năm tù giam.3 Nhiều nhà hoạt động của xã hội dân sự và phe đối lập bị bắt. Để tránh mọi bất ngờ, Lukashenka dời ngày bầu cử tổng thống từ tháng 7 sang tháng 3 năm 2006 nhằm rút ngắn chiến dịch vận động của phe đối lập và buộc phe đối lập phải tổ chức những cuộc phản đối trong thời tiết giá rét hơn, số người tham gia sẽ ít hơn.

Mặc cho những điều kiện khó khăn như thế, hai ứng viên đối lập và những người ủng hộ họ đã thu được đủ chữ kí để lọt vào danh sách đề cử và sau đó thì tiến hành chiến dịch vận động ồn ào về dân chủ và quyền con người. Họ không có cơ hội chiến thắng; Lukashenka kiểm soát hoàn toàn tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, ngân khố quốc gia, luật pháp, cảnh sát, Ủy ban Bầu cử Trung ương – và như vậy là kiểm soát luôn kết quả bầu cử. Một ứng viên bị đánh rất đau, không ứng viên nào có thể gửi được thông điệp tranh cử cuối cùng tới dân chúng. Toàn bộ phong trào đối lập bị vu cho là phản bội. Tuy nhiên, mặc cho “những lời đe dọa của KGB rằng sẽ vu cho người biểu tình tội khủng bố và áp dụng án tử hình”; sau cuộc bầu cử, khoảng hai mươi ngàn người đã bất chấp sợ hãi và lạnh giá và tiến hành những cuộc phản đối kéo dài mấy ngày.4

Trong cuộc bầu cử này, Lukashenka được đa số ủng hộ (mặc dù không phải 83% như người ta báo cáo) và không thấy dấu hiệu về thái độ bất bình lan rộng đối với chính quyền của ông ta trước khi ông ta đàn áp thẳng tay. Nhưng logic của chế độ độc tài là không để khoảng trống cho bất cứ sự “ngẫu nhiên” nào có thể làm mất ổn định ngay cả chế độ chuyên chế đã được củng cố, được lòng dân (và dường như không gì có thể lay chuyển được).

Những cuộc đàn áp của chế độ độc tài có một đặc điểm chung nữa: tấn công quyết liệt nhằm phá vỡ những mối liên hệ giữa các lực lượng dân chủ trong nước với sự trợ giúp về tài chính, kĩ thuật và tinh thần ở bên ngoài. Nhiều chế độ độc tài còn lại hiện nay coi sự giúp đỡ của dân chủ quốc tế cho các tổ chức dân sự và phong trào quần chúng (các cuộc cách mạng màu) là đe dọa sống còn đối với sự tồn vong của họ. Ivan Krastev, một trong những tư tưởng gia quan trọng nhất của Bulgaria, khẳng định: “Cuộc Cách Mạng Cam ở Ukraine là ngày 11 tháng 9 đối với Nga” đã lái chính sách đối ngoại của Nga theo hướng coi EU là “đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Nga.”5 Xu hướng còn đi xa hơn những trường hợp khét tiếng ở Nga và các chế độ độc tài hậu Xô Viết khác và lan tới Ai Cập, một nước trước đây thường vẫn dành một không gian nào đó cho xã hội dân sự và Trung Quốc, một nước mà trong mấy năm gần đây đã nới lỏng phần nào sự kiểm soát của nhà nước. “Sự chống đối các chương trình dân chủ” này đã cắt đứt những khoản trợ cấp và giúp đỡ các tổ chức NGO, các viện nghiên cứu, phương tiện thông tin và đảng phái chính trị. Những trở ngại về pháp lí và qui định không những cản trở công việc mà còn đóng cửa các tổ chức. Đại diện của các tổ chức dân chủ quốc tế bị trục xuất, trong khi những đối tác trong các xã hội dân sự của họ bị bôi nhọ, bị tấn công và bỏ tù.6

Các chế độ độc tài rút ra được không chỉ bài học từ những cuộc cách mạng thành công trong các lân bang, mà họ còn không cho những cuộc cách mạng này giúp đỡ lẫn nhau. “Cơ chế tin cậy để giải quyết các tranh chấp biên giới” được thành lập năm 2001, mang tên tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) – bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan – không còn chỉ giải quyết những vấn đề an ninh và thương mại khu vực nữa. Gần đây nó đã biến thành cơ chế để Nga và Trung Quốc ngăn chặn sự hiện diện về quân sự và chính trị của Hoa Kỳ ở Trung Á và giúp các thành viên cùng phản bác những lời chỉ trích của quốc tế về thành tích nhân quyền của họ.7 Hứa hẹn “không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền” và theo đuổi “trật tự kinh tế và chính trị quốc tế mới”, SCO đang tìm cách cản trở những cố gắng nhằm thúc đẩy dân chủ trong khu vực. Trước hội nghị thượng đỉnh SCO năm 2005, Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, cùng lên án những cố gắng “nhằm bác bỏ những tiến trình phát triển khách quan trong phát triển xã hội ở những quốc gia có chủ quyền và áp đặt lên những quốc gia này mô hình phát triển kinh tế và xã hội xa lạ.”8 Cùng với cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc năm 2005, cùng với việc Nga bắt đầu thúc đẩy phương án dân chủ “mang màu sắc Moskva,”9 và cùng với việc Trung Quốc tích cực tiếp xúc với những nhà độc tài thân cận với họ, trong đó có Lukashenka ở Belarus và Robert Mugabe ở Zimbabwe, dường như đang xuất hiện một liên minh toàn cầu nhằm ủng hộ cú phản đòn của chế độ độc tài. Kĩ thuật và chiến lược đàn áp được các nước độc tài này chia sẻ với nhau. Có báo cáo nói rằng trong thời gian ở thăm Bắc Kinh, tháng 12 năm 2005, Lukashenka đã mua công nghệ kiểm soát và theo dõi người dùng Internet.10

Cho đến nay Hoa Kỳ và EU chưa làm được gì nhiều để có thể đảo ngược được quá trình này. Trong những trường hợp đàn áp quá đáng, như Belarus và Zimbabwe, Hoa Kỳ và EU đã áp đặt những biện pháp trừng phạt có chọn lọc, ví dụ, phong tỏa tài khoản và cấm các nhà lãnh đạo những nước này đi du lịch, nhưng có ít hiệu lực. Ở những nơi khác, các chế độ quân sự mới – Pakistan và Thái Lan – gặp tương đối ít phản đối và không bị phương Tây gây áp lực nặng nề, buộc họ phải nhanh chóng quay trở lại với chính quyền dân sự.

Thay đổi dân chủ không chỉ là kết quả của những cố gắng đặc biệt nào đó – cả trong nước và quốc tế. Nó còn xảy ra trong những bối cảnh chính trị, chiến lược và đạo đức rộng lớn hơn. Từ ngày 11 tháng 9 năm 2001 và tuyên bố chiến tranh trên toàn cầu với chủ nghĩa khủng bố, công cuộc thúc đẩy dân chủ bị kẹt giữa hai xu hướng trái ngược nhau. Một xu hướng: hồi sinh chính sách “thực tiễn” của thời Chiến Tranh Lạnh – làm ăn với các chế độ và các nhà cai trị độc tài nhưng có vai trò quan trọng chiến lược như Putin ở Nga, Pervez Musharraf ở Pakistan, Hosni Mubarak ở Ai Cập, Nursultan Nazarbayev ở Kazakhstan, và cho đến khi phương Tây đơn giản là không thể lờ đi sự tàn bạo kinh khủng như từng xảy ra ở Andijon do Islam Karimov gây ra trong nước Uzbekistan. Xu hướng thứ hai: khẳng định quyết tâm thúc đẩy dân chủ chưa từng có trước đây, do tổng thống George W. Bush đưa ra. Quyết tâm và ngôn từ thật là cao quí và làm rung động lòng người. Nhưng, trong khi phản ứng quá mạnh lại không giữ được cam kết ở Afghanistan và Iraq, và thất bại một cách thảm hại trong việc ổn định tình hình, chứ chưa nói tới dân chủ hóa Iraq thời hậu Saddam, chính quyền Bush đã tạo ra bối cảnh địa chính trị mới: làm suy giảm một cách trầm trọng sức mạnh và vị thế đạo đức của Hoa Kỳ và làm xói mòn sự đồng thuận quốc tế về tính chính danh của thúc đẩy dân chủ. Trong bối cảnh như thế, dân chủ đã có những bước thụt lùi đáng kể trong những nước có tầm quan trọng đặc biệt lớn, mặc dù những lời cam kết của Hoa Kỳ về việc thúc đẩy dân chủ chưa bao giờ lại vang lên mạnh mẽ đến như thế.

Chú thích:

(1) Latinobarometro Report, 2005: 1995-2005, A Decade of Public Opinion, Corporacion Latinobarometro, http://www.latinobarometro.org/uploads/media/2005_02.pdf.

(2) Vitali Silitski, “Belarus: Learning from Defeat”, Joumal of Democracy 17 (October 2006): 139.

(3) Ibid., pp. 140-41.

(4)  Ibid., p. 145.

(5) Ivan Krastev, “Russia’s Posi-Orange Empire”, Open Democracy 20 (October 2005), http://www.opemdemocracy.net/democracy-europe_constitutlon/postorange_2947.jsp.

(6) Carl Gershman and Michael Allen, “New Threats to Freedom: The Assault on Democracy Assistance”, Journal of Democracy 17 (April 2006): 36-51.

(7) Lionel Beehner, “The Rise of the Shanghai Cooperation Organisation”, Council on Foreign Relations Backgrounder, June 12, 2006, http://www.cfr.org/publication/10883/rise_of_the_shanghai_cooperation_organization.html.

(8) National Endowment for Democracy, “The Backlash against Democracy Assistance”, bản báo cáo được chuẩn bị cho thượng nghị sĩ Richard Lugar, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, June 8, 2006, p. 7.

(9) Krastev, “Russia’s Post-Orange Empire”.

(10) National Endowment for Democracy, “The Backlash against Democracy Assistance”, p. 7.

 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường