[Tinh thần dân chủ] Chương 3: Dân chủ thoái trào (Phần 1)
DÂN CHỦ THOÁI TRÀO
Đêm 12 tháng 10 năm 1999, quân đội Pakistan lật đổ chế độ dân chủ hợp hiến sau khi nước này lún sâu vào nạn tham nhũng chính trị, đối đầu và bạo lực kéo dài suốt cả thập kỉ. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ đảo chính lật đổ chính phủ dân sự – vụ đảo chính thứ tư trong lịch sử kéo dài 50 năm của đất nước này – là nỗ lực thiếu thận trọng của thủ tướng Nawaz Sharif nhằm thay thế tham mưu trưởng quân đội, tướng Pervez Musharraf cùng với người bạn thân của gia đình này và cũng là người chỉ huy lực lượng tình báo. Cách đó đúng một năm, Sharif đã sa thải người tiền nhiệm của Musharraf “sau khi ông này, tương tự như Musharraf, lên tiếng phê phán thành tựu kém cỏi của chính phủ do Sharif đứng đầu.”1 Là một chính trị gia khôn khéo, Sharif đã ra tay trong khi Musharraf đang dự hội nghị ở Sri Lanka. Nhưng lần này, “quân đội đã phản ứng một cách mau lẹ nhằm bảo vệ người chỉ huy của mình và giữ gìn sự thống nhất của một trong những thiết chế hùng mạnh nhất của đất nước”. Bất bình trước sự can thiệp ngày càng gia tăng của thủ tướng vào lĩnh vực quân sự, những quân nhân trung thành với Musharraf đã báo cho ông ta và ông ta trở về Pakistan trên một chuyến bay thương mại. Sharif – sau khi nhận được thông tin về vụ này – đã hạ lệnh không cho máy bay chở Musharraf hạ cánh xuống phi trường Karachi. Quân đội ngay lập tức triển khai bảo vệ phi trường – và cả nước. Sharif và nội các của ông cùng với hàng trăm chính trị gia và quan chức cao cấp bị bắt. Sáng sớm ngày hôm sau “tướng Musharraf nói với quốc dân trong một bài diễn văn được đưa lên sóng truyền hình rằng Sharif ‘đã tỏ ra vô trách nhiệm với các thiết chế của quốc gia và phá hoại nền kinh tế’ và tìm cách ‘làm mất ổn định, chính trị hóa và chia rẽ lực lượng vũ trang’”. Musharraf tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đình chỉ hiến pháp, bãi chức tất cả những người đứng đầu các thiết chế dân chủ của đất nước và tự tuyên bố là “người đứng đầu” đất nước và chỉ thị rằng các tòa án không được xem xét tính hợp hiến của vụ cướp quyền của quân đội. Ông ta long trọng tuyên bố rằng, quân độ sẽ cai trị đất nước thông qua hội đồng an ninh quốc gia và nội các bao gồm các nhà kĩ trị “cho đến khi quân đội có thể đưa đất nước từ chế độ dân chủ “giả tạo” này trở về chế độ dân chủ “đích thực”.
Nếu các nước dân chủ phương Tây bị bất ngờ trước vụ giải tán chính phủ hợp hiến một cách bất thình lình ở đất nước dân chủ có dân số đứng thứ năm thế giới, thì nhân dân Pakistan dường như không chia sẻ nỗi đau đó. Như Ahmed Rashid, một trong những nhà báo viết về chính trị tài ba nhất của nước này, sau đó đã viết:
Cuộc đảo chính không đổ máu được đa số tuyệt đối ủng hộ. Lãnh đạo của tất cả các đảng phái chính trị đều hoan nghênh quân đội vì họ đã “bảo vệ” Pakistan. Không có thành viên nào trong Liên minh Hồi giáo Pakistan của Sharif lên án vụ đảo chính hay ủng hộ Sharif, chứng tỏ thủ tướng đã bị cô lập với dư luận xã hội và với đảng của ông ta đến mức nào.
Vì một số lý do, đến lúc đó, cuộc đảo chính ở Pakistan là cú giật lùi nghiêm trọng nhất trong làn sóng thứ ba. Tính từ năm 1974, Pakistan là nước lớn nhất (hơn 130 triệu dân) có chính quyền dân chủ bị sụp đổ. Những nước lớn và có tầm chiến lược khác – Thổ Nhĩ Kì, Thái Lan Nigeria và Sudan – cũng bị đảo chính trong làn sóng thứ ba, nhưng ở Thổ Nhĩ Kì và Thái Lan quân đội đã nhanh chóng rút lui, còn đảo chính ở Nigeria và Sudan thì diễn ra trong những năm 1980, sau khi chính thể dân chủ hoạt động được vài năm và trước khi làn sóng thứ ba chạm tới châu Phi. Pakistan còn là đất nước mạnh nhất và có ảnh hưởng lớn nhất về chiến lược có chính quyền dân chủ bị sụp đổ sau cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kì năm 1980. Nước này không chỉ có vũ khí hạt nhân mà còn trở thành nơi huấn luyện và nguồn tài chính quan trọng cho lực lượng khủng bố và chiến binh Hồi giáo. Và trong khi chế độ dân chủ ở Pakistan khá mạnh mẽ, ít nhất là theo nghĩa bầu cử – mặc dù nạn tham nhũng hoành hành và chế độ pháp quyền còn yếu, hai đảng chính trị lớn nhất thay nhau nắm quyền trong những cuộc bầu cử có tính cạnh tranh cao – nước này không có ý định theo gương Thổ Nhĩ Kì hay Thái Lan trong việc phục hồi nhanh chóng chế độ dân chủ. Những chế độ độc tài nối tiếp nhau và sau đó là mười một năm nằm dưới chế độ tồi tệ, dễ bị mua chuộc của Benazir Bhutto và Nawaz Sharif đã gây ra nhiều thiệt hại cho các thiết chế và quy tắc dân chủ của đất nước. Nhiều người ở Pakistan hoan nghênh quân đội vì đã phá vỡ được điều mà họ sợ: đất nước rơi xuống thành quốc gia thất bại.
Quyền lợi cá nhân và những mối quan tâm về thiết chế là những động cơ trực tiếp thúc đẩy tướng Musharraf giành lấy quyền lực. Nhưng sự sụp đổ của chế độ dân chủ ở Pakistan có những nguyên nhân sâu xa hơn, mỗi nguyên nhân đều làm xói mòn tính chính danh của chế độ dân sự và làm cho nó không còn đủ sức giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình được nữa.1
Thứ nhất, hệ thống tư pháp và chế độ pháp quyền ngày càng trở nên xấu đi. Hệ thống tư pháp của Pakistan chưa bao giờ mạnh và độc lập, lại bị tha hóa và bị lèo lái dưới chính quyền luôn luôn dao động của Bhutto và Sharif. Chính quyền hành pháp trở thành chính quyền của cá nhân, còn những vụ án thì bị chính trị hóa, quan hệ giữa đảng cầm quyền và các đảng đối lập trở thành nạn nhân của “chu kì khủng bố và kháng cự làm nản lòng người.”2 Trong thời kì cầm quyền lần thứ hai của thủ tướng Sharif, sau khi giành được quyền lực vào tháng 2 năm 1997, ông này quyết tâm siết chặt quyền lực, hướng cơ quan tư pháp vào bà Bhutto và Đảng Nhân dân Pakistan của bà ta; quyền tự do báo chí bị siết chặt. Nhân danh cuộc chiến chống khủng bố, các quyền tự do dân sự bị lạm dụng một cách trắng trợn và toà án quân sự với thủ tục rút gọn để xử những vụ bạo lực chính trị được thành lập ở tỉnh Sind. Khôi hài là, Sharif ngày càng dựa vào giới quân nhân để giữ gìn trật tự và quản lí đất nước, trong đó có quản lí các nhà máy điện và nhà máy nước lớn. Nhưng đất nước ngày càng lộn xộn hơn vì bạo lực chính trị và giáo phái phát triển như nấm sau mưa.
Thứ hai, Pakistan ngày càng bị phân cực theo sắc tộc và tôn giáo. Những nhóm khác nhau cảm thấy mình bị (hay chẳng bao lâu nữa sẽ bị) đẩy ra bên lề, còn Bhutto và Sharif, mỗi người đều dựa vào một cơ sở chính trị giữ thế thượng phong ở những tỉnh khác nhau (Bhutto ở Sind, Sharif ở Punjab). Các khu vực thiểu số ngày càng cảm thấy bị xa lánh và các đảng chính trị của người thiểu số, cũng như các phong trào tôn giáo cực đoan quay sang sử dụng bạo lực và hành động côn đồ. Những chiến thuật hung bạo này “theo quan điểm của nhiều người Pakistan, đã hợp pháp hóa quyền sử dụng bạo lực của chính phủ nhằm kiềm chế những đòi hỏi của họ.”1 Đến lượt mình, sự đàn áp của nhà nước càng làm cho những tổ chức này trở thành quá khích hơn. Bạo lực giáo phái giữa các nhóm dân quân Hồi giáo dòng Shia và dòng Sunni (mỗi nhóm đều có những người ủng hộ ở bên trong) tạo ra đòn giáng kép vào sự ổn định chính trị, làm cho bạo lực, khủng bố và bất ổn gia tăng trong khi tính chính danh của chế độ dân chủ bị phủ nhận.
Thứ ba, sự thất bại về kinh tế và bất công càng làm cho tình trạng lộn xộn, lạm dụng chức quyền và xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc gia tăng hơn nữa. Dưới chính quyền dân sự, Pakistan không thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cần thiết để có thể xóa đói giảm nghèo trên diện rộng; với tuổi thọ trung bình chỉ có 60 và tỉ lệ người thoát nạn mù chữ là 43%, Pakistan xếp thứ 138 trong số 173 nước về “phát triển con người.”2 Trong những năm 1990, những chỉ số phát triển con người của nước này được cải thiện không đáng kể, và tốc độ phát triển kinh tế khiêm tốn là 4%, tức là hơn tốc độ phát triển dân số một chút (2,8%).3 Không thể đánh thuế các nguồn chính của thu nhập quốc dân (hợp pháp và bất hợp pháp), chính phủ nợ đến mức phải dùng tới 40% ngân sách để trả nợ. Một phần tư ngân sách hàng năm chi cho lĩnh vực quân sự và các vụ tham nhũng còn ngốn số tiền nhiều hơn thế, “chẳng còn bao nhiêu cho phát triển.”4 Các chính quyền dân sự kế tiếp nhau không có khả năng thực hiện những cuộc cải cách cần thiết – kiểm soát nạn tham nhũng và buôn lậu, thu thuế nông nghiệp (và các chúa đất phong kiến), trong khi đó, lại tìm cách hợp lí hóa gánh nặng thuế khóa và nới lỏng kiểm soát của nhà nước – nhằm xây dựng lòng tin giữa các nhà đầu tư. Vốn bị chuyển ra nước ngoài, tỉ lệ thất nghiệp tăng, còn hợp pháp hóa hoạt động kinh tế lại mở rộng cửa cho buôn lậu ma túy, vũ khí và hàng tiêu dùng và những hình thức đầu cơ trục lợi theo lối ăn cướp khác, từ tiền đút lót cho những hợp đồng của nhà nước đến bóp nặn hệ thống ngân hàng ngày càng kiệt quệ.
Những khó khăn trong quản lí của chính phủ Pakistan gián tiếp tăng cường lẫn nhau. Nghèo khó gia tăng làm tăng thêm căng thẳng giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo. Xung đột bạo lực tôn giáo và sắc tộc ngăn chặn đầu tư. Tham nhũng, chuyển vốn ra nước ngoài, buôn lậu hàng hóa, buôn lậu vũ khí, buôn lậu ma túy và đánh mất niềm tin của các nhà tài trợ và đầu tư quốc tế, đến lượt chúng, lại phá hoại ngầm năng lực của nhà nước, đẩy nhanh quá trình tụt dốc của Pakistan vào hàng những quốc gia thất bại. Nhìn lại quá khứ, dường như cuộc đảo chính quân sự là không thể tránh khỏi.
Chú thích:
(1) Tất cả những trích dȁn trong đoạn này và đoạn sau là từ bài báo của Ahmed Rashid, “Pakistan’s Coup: Planting the Seeds of Democracy?” Current History, December 1999, p. 409.
(2) Đoạn phân tích sau dựa chủ yếu vào những nguồn dưới đây: Ameen Jan, “Pakistan on a Precipice”, Asia Survey 34, no. 5 (1999): 699-719; Leo Rose and D. Hugh Evans, “Pakistan’s Enduring Experiment”, Journal of Democracy 8 (January 1997): 83-94; and U.S. Department of State, 1999 Country Reports on Human Rights Practices, February 25, 2000, www.state.gov/ www/global/human_rights/1999 hrp_report/pakistan.html.
(3) Rose and Evans, “Pakistan’s Enduring Experiment”, p. 89.
(4) Jan, “Pakistan on a Precipice”, p. 702. MQM (Muttahida Qaumi Movement) được coi là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng vì ưu thế chính trị của nó ở Karachi, trung tâm thương mại của đất nước, cũng là nơi sinh sống của tất cả các nhóm sắc tộc của Pakistan.
(6) United Nations Development Program, Human Development Report 2002 (New York, Oxford University Press, 2002), table 1, p. 151.
(7) Ibid., table 2, p. 155, and World Bank, Entering the 21-st Century: World Development Report, 1999/2000 (Baltimore: Oxford University Press, 2000), tables 3 and 11, pp. 235 and 251.
(8) Jan, “Pakistan on the Precipice”, p. 708.