[Tinh thần dân chủ] Chương 3: Dân chủ thoái trào (Phần 4)
VENEZUELA – DÂN CHỦ GIẢ TẠO
Tương tự như Nga, Venezuela cũng đã và đang chứng kiến quá trình bóp nghẹt dân chủ và cạnh tranh bởi một nhà độc tài cứng rắn, được đưa lên vị trí quyền lực trong một cuộc bầu cử cạnh tranh. Trên thực tế, Ivan Krastev, một người theo chủ nghĩa tự do nổi tiếng người Bulgaria, cho rằng tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, và tổng thống Nga Putin, là những nhà độc tài hoàn hảo của thời hiện đại, một người là nhà cách mạng, còn người kia là phản cách mạng; cả hai đều sử dụng ngôn từ và thiết chế chính thức để cai trị chế độ độc tài.
Sự tuột dốc về chính trị kéo dài của Venezuela bắt nguồn từ giai đoạn thống trị bởi hai đảng đầy sức mạnh, nhưng bị chia rẽ; tức là những đảng đã ngăn chặn sự cạnh tranh về chính trị và chia nhau những khoản thu nhập từ dầu khí. Tuy nhiên, khi các thỏa thuận trong nội bộ đảng vẫn còn hiệu lực và thu nhập từ dầu khí vẫn gia tăng thì chế độ dân chủ ở Venezuela vẫn vượt qua được những giai đoạn khó khăn đối với Mỹ Latin trong những năm 1960 và 1970. Nhưng khi giá dầu thế giới giảm trong những năm 1980, nền kinh tế co lại và mức sống giảm sút trong khi tham nhũng tiếp tục ở mức cao và tội phạm tăng vọt. Tầng lớp nghèo khổ gia tăng nhanh chóng và ngày càng nghèo thêm tỏ ra bất mãn trước cảnh họ bị gạt ra bên lề xã hội, còn đất nước thì mệt mỏi trước sự bám víu vào quyền lực của hai đảng chính trị giữ thế thượng phong.1 Năm 1992, Chavez, lúc đó đang là trung tá, đã hai lần tìm cách lật đổ hệ thống dân chủ trong những cuộc đảo chính đổ máu và chút nữa thì thành công (ông ta phải ngồi tù hai năm trước khi được tha). Sáu năm sau, trong cuộc bầu cử vào tháng 12 năm 1998, với cương lĩnh tranh cử mị dân, hứa hẹn thiết lập nền tảng của nước cộng hòa “Bolivar” mới, ông ta được bầu làm tổng thống.2 Vị tổng thống mới tiến hành ngay lập tức cuộc cách mạng của ông ta. “Ngay trong lời thề, ông ta đã đơn phương thay đổi lời tuyên thệ nhậm chức bằng cách tuyên bố rằng hiến pháp năm 1961 ‘đã tàn tạ’. Sau đó ông ta tiếp tục – cùng với sự ủng hộ của Tòa án Tối cao – vi phạm hiến pháp bằng cách tổ chức bầu cử quốc hội với quyền lực vượt lên cả hiến pháp để soạn ra hiến pháp mới.”3
Cùng với những người ủng hộ giữ thế thượng phong trong quốc hội lập hiến và xã hội không thích những đảng phái cũ, Chavez nhanh chóng có được bản hiến pháp mới, giúp tăng cường mạnh mẽ quyền lực của tổng thống, kéo dài thời hạn cầm quyền và cho phép tái cử, giảm quyền lực của cơ quan lập pháp quốc gia, giải tán quốc hội và Tòa án Tối cao hiện hành. Bản hiến pháp mới được thông qua với đa số tuyệt đối trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 12 năm 1999, bản hiến pháp này cũng thành lập cơ quan mới gọi là “Quyền lực Công dân”, một nhánh của chính phủ (gồm các thanh tra viên, trưởng ban tài chính và công tố viên) nhằm vạch trần và ngăn chặn những vụ lạm dụng quyền lực. Nhưng Chavez và đảng cầm quyền của ông ta đã kiểm soát được tất cả các thiết chế này, cũng như kiểm soát được các tòa án, hội đồng bầu cử và cơ quan tình báo.
Sau khi Chavez được bầu vào tháng 7 năm 2000 với nhiệm kì kéo dài 6 năm theo bản hiến pháp mới, quyền lực của ông ta đã tăng lên. Quốc hội giao cho ông ta quyền cai trị bằng nghị định trong vòng một năm, ông ta đã sử dụng quyền này tới 49 lần. Bất bình trước những hành động tùy tiện, độc đoán của ông ta gia tăng, tháng 4 năm 2002 hàng trăm ngàn người ủng hộ cuộc tổng đình công đã đổ ra đường phố Caracas. Bạo lực bùng phát, 19 người bị giết và chẳng bao lâu sau “các sĩ quan bất đồng với sự ủng hộ của một nhóm các doanh nghiệp lớn đã tìm cách loại bỏ ông ta.”4 Do tính toán sai lầm ghê gớm và phải trả giá đắt, một số nhóm thuộc xã hội dân sự dường như đã ủng hộ cuộc đảo chính, còn về phần mình, Hoa Kỳ cũng không lên án ngay lập tức. Khi chính phủ lâm thời khôi phục những chính sách của Chavez, tạm ngưng hiệu lực của hiến pháp và giải tán quốc hội, thì cuộc phản đảo chính đã thu được sự ủng hộ của quân đội và dân chúng và hai ngày sau thì đưa Chavez trở nắm quyền.
Những cuộc phản đối mạnh mẽ vẫn tiếp diễn và chia rẽ ngày càng sâu sắc thêm. Tháng 10 năm 2002, có khoảng một triệu người tuần hành đòi Chavez tổ chức tuyển cử sớm hoặc tổ chức trưng cầu dân ý về sự cai trị của ông ta, sau đó người ta còn tổ chức một cuộc tổng đình công kéo dài tới 62 ngày. Khi vụ này thất bại, phe đối lập bắt đầu tổ chức chiến dịch nhằm bãi nhiệm ông ta (phù hợp với hiến pháp, sau khi tổng thống đã tại nhiệm được quá nửa nhiệm kì). Trong một nỗ lực nhằm làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng, cựu tổng thống Hoa Kỳ, Jimmy Carter đề xuất cuộc trưng cầu dân ý nhằm bãi nhiệm ông ta được tổ chức vào ngày 19 tháng 8 năm 2003 – ngày đầu tiên theo luật định.5 Hai bên đồng ý tiến hành trưng cầu dân ý về việc bãi nhiệm, nhưng chưa thỏa thuận được khi nào thì tiến hành nếu có đủ người kí kiến nghị. Giá dầu giảm, số người ủng hộ Chavez cũng giảm đi nhanh chóng và ông ta đã dùng những cơ quan khác nhau của chính quyền nhằm ngăn chặn trưng cầu dân ý. Tên tuổi những người kí kiến nghị bị rò rỉ và được đưa lên Internet; nhiều người bị hạch sách và trở thành nạn nhân. “Nhân viên và những người nhận thầu các công trình của nhà nước bị mất việc, sĩ quan và binh sĩ bị buộc phải từ chức, những người kí kiến nghị bị thu hồi thẻ căn cước và hộ chiếu.”6 Việc kiểm tra chữ kí được tiến hành một cách chậm chạp và nhiêu khê. Những cản trở do chính quyền gây ra đối với cuộc trưng cầu dân ý tiếp tục gia tăng, trong khi 2 triệu cử tri mới đã được đăng kí một cách vội vã, nhiều người được đăng kí trong những hoàn cảnh đáng ngờ.7
Cuối cùng, phe đối lập đã thắng thế và cuộc bỏ phiếu được tiến hành vào tháng 8 năm 2004, trong khi có nhiều hành động phi pháp, chậm trễ trong việc bỏ phiếu, địa điểm cho các quan sát viên quốc tế và các nhóm theo dõi ở trong nước “bị hạn chế nghiêm trọng”. Miriam Kornblith, một học giả dân chủ đáng kính và là thành viên của phe đối lập thiểu số có chân trong ủy ban bầu cử, kết luận: “chính phủ đã có những nỗ lực to lớn và thành công nhằm thực hiện vụ gian lận” và rằng “đây là cuộc bỏ phiếu tồi tệ nhất ở đất nước Venezuela có bề dày và phong phú về mặt kinh nghiệm và đáng ngại nhất về quyền của cử tri.”8 Nhưng kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy Chavez được đa số ủng hộ – do những khoản chi rất lớn của chính phủ9– Tổ chức các Chính phủ châu Mỹ (Organization of American States – OAS) và Trung tâm Carter (Carter Center) đã coi cuộc bỏ phiếu là thể hiện ý chí của cử tri.10 Phe đối lập mất tinh thần. Trong cuộc bầu cử khu vực vào tháng 10 năm 2004, Chavez giành được sự ủng hộ của 21 trong số 23 chính quyền địa phương và 90% thành phố tự trị.
Giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu là Chavez đã hoàn thành quá trình chuyển hóa Venezuela thành chế độ dân chủ giả hiệu. Các thiết chế ngăn chặn và kiểm tra quyền lực bị những người trung thành với ông ta vô hiệu hóa. Lực lượng vũ trang bị thanh trừng liên tục nhằm “loại bỏ những người có cảm tình với phe đối lập – cả những người thực sự lẫn những người bị nghi ngờ” và bị biến thành “đội cận vệ của hoàng đế.”11 “Luật mới về Tòa án Tối cao tạo điều kiện cho Chavez giới hạn sự độc lập của tòa án”, mở rộng nó và đưa người của mình vào,12 “biến toàn bộ ngành tư pháp thành công cụ phục vụ cách mạng.”13 Một đạo luật khác cho chính phủ quyền kiểm soát đài phát thanh và truyền hình. Chavez ca ngợi bộ luật này là công cụ để nhân dân Venezuela “tự giải phóng khỏi … sự độc tài của các phương tiện truyền thông đại chúng,”14 như George Orwell mô tả. Việc sử dụng dữ liệu cuộc trưng cầu dân ý và bỏ phiểu theo kiểu “McCarthy” đạt đến đỉnh điểm khi “hàng triệu người đối lập với chính phủ” bị “mất việc, mất hợp đồng, mất các khoản vay và không được tiếp cận với các dịch vụ công cộng.”15 Lo lắng về bí mật của cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12 năm 2005 gia tăng. Vì Chavez xiết chặt gọng kìm, phe đối lập tẩy chay cuộc bầu cử, Chavez nhận được tất cả các ghế đại biểu, mặc dù chưa quá một phần tư cử tri đi bầu. Với chiến thắng như thế, vị tổng thống của cuộc cách mạng “Bolivar” tiêu diệt nốt sự cản trở cuối cùng đối với uy quyền của ông ta. Năm sau, ông ta tiếp tục tái cử, phe đối lập lâm vào tình trạng lộn xộn và bị săn đuổi.
Trong khi tham gia tuyển cử, chính phủ của Chavez “thực sự bóp nghẹt nền kinh tế,”16 vung tay tài trợ cho những chương trình có tính mị dân và dành nguồn lực cho những nhóm ủng hộ ông ta với lãi suất thấp lấy từ nguồn lợi do dầu khí mang lại. Tham nhũng, phân biệt đối xử trong lao động, và sự thống trị trong lĩnh vực thông tin đại chúng đã đưa những nhóm còn lừng khừng sang phía ông ta. Hai tháng sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 2 năm 2007, vị tổng thống vừa tái cử tuyên bố giai đoạn cai trị nữa bằng nghị định của tổng thống kéo dài 18 tháng.
Đầu năm 2006, Phil Gunson, một nhà báo nước ngoài thường trú ở Caracas, nhận xét: “[Chavez] công khai nói rằng sẽ cầm quyền đến năm 2030, và những người ủng hộ ông ta đã lập kế hoạch viết lại hiến pháp để làm điều đó, trên cơ sở không được làm thất vọng ‘ý chí của nhân dân’.” Chỉ có một thứ dường như có thể ngăn cản Chavez, đấy là mặc dù giá cả tất cả các mặt hàng đã tăng năm lần trong vòng ba năm qua, nhưng việc chi tiêu bừa bãi của ông ta đang đưa nền kinh tế tới tình trạng thâm hụt ngân sách và lạm phát trầm trọng.
Chú thích:
(1) Quá trình suy giảm được ghi nhận và phân tích trong một loạt công trình nghiên cứu đáng chú ý, trong đó có Terry Lynn Karl, The Paradox of Plenty: Oil Booms and Petro-States (Berkeley:-- University of California Press, 1997), pp. 92-185, and Michael Coppedge: Strong Parties and Lame Ducks: Presidential Partyarchy and factionalism in Venezuela (Stanrord, Calif., Stanford University Press, 1994), and “Explaining Democratic Deterioration in Venezuela through Nested Interference”, in Frances Hagopian and Scott P. Mainwaring, eds., The Third Wave of Demoratization in Latin America: Advances and Setbacks (New York: Cambridge University Press, 2005), pp. 289-316.
(2) Simon Bolivar là người lãnh đạo mấy cuộc chiến tranh giành độc lập khỏi chính quyền Tây Ban Nha ở Nam Mĩ hồi thế kỉ XIX.
(3) Phil Gunson, “Chavez’s Venezuela”, Current History 105 (February 2006): 59. Bằng cách đưa đất nước trở thành hệ thống bầu cử đa số, Chavez đã có khả năng chiếm được 93% số ghế trong quốc hội lập hiến trong khi chỉ thu được 65% phiếu bầu. Hơn nữa, vì tỉ lệ người đi bầu thấp và phe đối lập tẩy chay, số người ủng hộ ông ta trong những chiến thắng tiếp theo không bao giờ vượt quá một phần ba. Michael Coppedge, “Popular Sovereignly versus Liberal Democracy”, in Jorge I. Dominguez and Michael Shifter, eds., Constructing Democratic Governance in Latin America, 2nd ed. (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 2003), p. 167; Javier Corrales and Michael Penfold, “Venezuela: Crowding Out the Opposition”, Journal of Democracy 18 (April 2007): 101.
(4) Freedom House, Freedom in the World, 2006, p. 786.
(5) Jennifer McCoy, “The Referendum in Venezuela: One Act in an Unfinished Drama”, Journal of Democracy 16 (January 2005): 113.
(6) Miriam Kornblith, “The Referendum In Venezuela: Elections vesus Democracy”, Journal of Democracy 16 (January 2005): 134.
(7) Ibid., p. 128. Trong số những hành động phi pháp mà Kornblith, thành viên ủy ban bầu cử, ghi nhận được, có hai việc như sau: “Hàng ngàn cử tri bị chuyển địa điểm bỏ phiếu mà chưa được họ đồng ý, có người được báo trước, có người không; còn người nước ngoài chưa đáp ứng những điều kiện tiên quyết cũng nhận được quyền công dân và có quyền bỏ phiếu”. (p. 134).
(9) Ibid., p. 130.
(10) Corrales and Penfold, “Crowding Out the Opposition”, p. 103.
(11) McCoy, “One Act in an Unfinished Drama”, p. 116.
(12) Gunson, “Chavez’s Venezuela”, p. 60.
(13) Freedom House, Freedom in the World,2006, p. 786.
(14) Gunson, “Chavez’s Venezuela”, p. 60.
(15) Freedom House, Freedom in the World, 2006, pp. 786-87.
(16) Gunson, “Chavez’s Venezuela”, p. 60.
(17) Freedom House, Freedom in the World, 2006, p. 788.