[Tinh thần dân chủ] - Dẫn nhập: Bình minh của thời đại dân chủ (Hết phần Dẫn nhập)

[Tinh thần dân chủ] - Dẫn nhập: Bình minh của thời đại dân chủ (Hết phần Dẫn nhập)

THẾ GIỚI NĂM 1974

Khi Phong trào của lực lượng quân đội (Tiếng Bồ Đào Nha: Movimento das Forças Armadas – ND) lật đổ chế độ độc tài đã tồn tại được gần năm mươi năm ở Bồ Đào Nha vào ngày 25 tháng 4 năm 1974, không có lý do nào để có thể hy vọng rằng sự kiện này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với tương lai của dân chủ. Lúc đó nền tự do trên thế giới đang trải qua giai đoạn đau buồn. Mới tháng 10 năm trước, quân đội Chile – được sự khuyến khích của chính quyền Mỹ, lúc đó đang bị ám ảnh bởi Chiến tranh lạnh nhằm chống lại sự bành trướng của cộng sản – đã lật đổ chính phủ của tổng thống Allende trong một cuộc đảo chính đẫm máu, đầy đau thương. Trên tuyến đầu đẫm máu nhất của cuộc đấu tranh, Mỹ đang trong quá trình rút ra khỏi một cuộc chiến tranh ở Việt Nam với giá phải trả là sinh mạng của hơn 58.000 người Mỹ và mấy triệu người Việt Nam. Những nỗ lực của Mỹ nhằm chống đỡ cho chính phủ của miền Nam Việt Nam, một chính phủ tham nhũng và áp bức, đã thất bại; tháng 4 năm 1975 Sài Gòn rơi vào tay Việt Cộng và quân đội Bắc Việt, buộc Mỹ phải di tản một cách vội vàng và nhục nhã khỏi thành phố này và đây là thất bại quân sự đầu tiên của Mỹ trong một cuộc chiến tranh lớn. Trên thế giới, cùng với việc ngóc đầu dậy của những lực lượng Marxist và dân tộc chủ nghĩa ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin; sức mạnh của và sự tự tin của Liên Xô (và Trung Quốc) gia tăng. Khi Việt Nam rơi vào tay cộng sản, thì Lào và Campuchia cũng ở trong tình trạng như thế, làm cho Khmer Đỏ trở thành một trong những chế độ giết người khủng khiếp nhất trong thế kỷ XX, người ta tin rằng chế độ này đã giết ít nhất một triệu người Campuchia (trong khi dân số lúc này khoảng 7 triệu người). Ở Liên Xô và các nước chư hầu Đông Âu, chế độ độc tài toàn trị dường như sẽ đứng vững trong nhiều thập kỷ tới. Cách đó chưa đầy sáu năm, nỗ lực của Alexander Dubček nhằm hóa giải và cải cách hệ thống cộng sản ở Tiệp Khắc bằng cách đưa ra nhiều tự do hơn và tạo ra “chủ nghĩa xã hội với bộ mặt con người” đã bị xe tăng Liên Xô nghiền nát. Ở Mỹ, chế độ dân chủ đã lún sâu vào vụ bê bối Watergate, đấy là khi tổng thống Nixon cản trở công lý và lạm dụng quyền được ghi trong hiến pháp trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm bám víu quyền lực, trước khi phải từ chức vào tháng 8 năm 1974.

Tháng 4 năm 1974, chế độ độc tài, phi dân chủ, là con đường của thế giới. Chỉ có một phần tư các quốc gia độc lập chọn lựa chính phủ thông qua các cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh, tự do và công bằng mà thôi. Hầu hết trong số đó là các nước tư bản giàu có ở phương “Tây” cộng với một số quốc đảo nhỏ với di sản từ thời thuộc địa Anh. Ngoài Costa Rica, Venezuela và Colombia, Mỹ Latinh đang nằm dưới ách cai trị của chính quyền quân sự đầy áp bức hay các chính phủ dân sự lừa dối chịu ảnh hưởng nặng nề của giới quân nhân. Brazil bị chế độ quân sự cai trị suốt một thập kỷ, và nhiều người đã hoan nghênh sự phát triển “thần kỳ” của nước này sau khi chính quyền chuyển sang tay những người kĩ trị và nhiều khoản đầu tư được rót vào. Một năm trước đó, sau mười tám năm sống lưu vong, nhà cựu độc tài dân túy của Argentina, Juan Perón, đã trở về Buenos Aires để nắm quyền lãnh đạo chính phủ khuynh tả dân cử, vợ ông, bà Isabel, là phó tổng thống. Chỉ hai tháng sau cuộc cách mạng Tháng tư ở Bồ Đào Nha, Perón chết, và người vợ bất hạnh của ông nhậm chức trong tình trạng tham nhũng gia tăng, chiến tranh của du kích cánh tả và nạn khủng bố của cánh hữu. Đấy là những sự kiện đã đưa giới quân nhân trở lại nắm quyền vào năm 1976.

Trong khi đó, Đông Á (trừ Nhật Bản), những nhà nước độc tài, phi dân chủ đã làm được công cuộc chuyển hóa về mặt kinh tế. Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore, tuy là những chế độ độc tài, nhưng đã tạo được tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục mà nhiều học giả và các nhà quan sát coi là công thức cho phát triển nhanh chóng: tập trung quyền lực vào tay nhà nước nhằm tạo ra tỷ lệ tiết kiệm cao, hướng đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng, trần áp các công đoàn lao động, lương thấp, giữ vững “ổn định” chính trị, và bằng cách đó thu hút nhiều khoản đầu tư nước ngoài. Giữa những năm 1960, Indonesia, nằm dưới chế độ “Trật tự Mới” của tướng Suharto, cũng bắt chước xu hướng này. Sau chiến dịch đặc biệt đẫm máu nhằm tiêu diệt phong trào cộng sản lớn nhất ở khu vực châu Á phi cộng sản, có thể đã giết chết mấy trăm ngàn người, chế độ độc tài Suharto đã nhanh chóng “tạo ra làn sóng phát triển mới, trong trật tự, ở khu vực mà phát triển đã bị trói buộc nhất Đông Nam Á.”1 Giới quân sự Thái Lan cũng tìm cách thể hiện mình dưới hình thức chế độ “độc tài quan liêu”, hiệu quả như thế. Mô hình này có sức lôi cuốn không chỉ đối với xã hội cá nước châu Á, đang khát khao phát triển mà còn có sức lôi cuốn đối với những nhà lập chính sách của Mỹ, những người đang chờ đợi một cách tuyệt vọng câu chuyện thành công của những nước đồng minh của Mỹ để có thể đứng vững trước các mối đe dọa từ cộng sản. Vì vậy, khi tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos, (thất bại trong việc sửa đổi hiến pháp nhằm nắm quyền sau nhiệm kỳ thứ hai và cuối cùng) tuyên bố tình trạng thiết quân luật vào tháng 9 năm 1972 – xóa bỏ hiến pháp năm 1935, nắm trong tay chính quyền độc tài và bỏ tù 30 ngàn thành viên phe đối lập, liên minh của ông ta với Mỹ thậm chí còn gắn bó hơn trước. Nhưng, sự đồng lõa vô liêm sỉ của Mỹ không thể làm cho nền dân chủ của Philippines sụp đổ.“Marcos năm 1972 là thể hiện sự chán ghét của hầu như toàn vùng Đông Nam trước thành tích do nền chính trị dân chủ tạo ra.”2 Thủ tướng Ấn Độ, Indira Gandhi, lật đổ chế độ dân chủ lớn nhất thế giới tháng 6 năm 1975 cùng với những tuyên bố về việc bảo vệ trật tự dân sự và phát triển kinh tế tương tự như thế, bà đã cho đình chỉ các cuộc bầu cử dân chủ và tự do dân sự khi ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm vô hiệu hóa phán quyết của Tòa án tối cao, tức là phán quyết hủy bỏ kết quả bầu cử và đẩy bà ra khỏi quyền lực. Trong vòng chưa đầy hai năm sau, Gandhi đã mất chức sau thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử mà bà đã tổ chức một cách đầy tự tin, nhưng việc các thiết chế dân chủ của Ấn Độ dường như dễ dàng bị quét đi như thế là một đòn nghiêm trọng nữa đánh vào tương lai của dân chủ hồi giữa thập kỷ này.

Ở châu Phi, nơi mà chế độ thực dân châu Âu đã rút lui cách đó chừng hai chục năm, tình hình còn đáng thất vọng hơn. Lúc đó, trong số ba mươi tám nước nằm ở châu Phi hạ Sahara, chỉ có ba nước là dân chủ mà thôi, mỗi nước trong số đó: Botswana, Gambia, và Mauritius chỉ có một triệu dân hoặc chưa đến một triệu dân. Trong những năm 1960, chế độ dân chủ lớn nhất và nhiều hứa hẹn nhất ở châu Phi, Nigeria, đã bị sụp đổ vì những xung đột sắc tộc, dẫn đến cuộc nội chiến làm khoảng một triệu người chết. Nam Phi chết cứng trong gọng kìm của chế độ phân biệt chủng tộc. Mobutu Sese Seko lập ra ở Zaire (nước Congo cũ) một trong những nhà nước đạo tặc hoang dã nhất thế giới, với sự hỗ trợ hào phóng của các nước dân chủ phương Tây đang rất muốn tiếp cận với những mỏ khoáng sản lớn của nước này. Hầu hết lực lượng đối lập – về chính trị và tri thức – của các chế độ độc tài châu Phi đều có cảm tình với chủ nghĩa xã hội và thái độ đề phòng đối với phương Tây tư bản chủ nghĩa. Chính các trí thức phương Tây lại say mê Tanzania, với nhà nước xã hội chủ nghĩa độc đảng của Julius Nyerere, mà ít lưu ý đến con đường mà những nguyên tắc kinh tế xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp của ông ta đang đưa nền kinh của đất nước này xuống hố. Các cuộc chiến tranh giải phóng đang đẩy Bồ Đào Nha, nhà nước thực dân châu Âu cuối cùng ra khỏi lục địa này, nhưng ở các nước như Mozambique và Angola, những phong trào đang giành chiến thắng lại là những phong trào Marxist và toàn trị chứ không phải dân chủ. Khi chính phủ quân sự mới của Bồ Đào Nha rút lực lượng khỏi Angola và Mozambique vào năm 1975, các nước này trở thành độc lập dưới sự lãnh đạo của các đảng Marxist, đấy là những đảng đã chiến đấu trong cuộc nội chiến chống lại những sắc dân được Mỹ ủng hộ và những lực lượng thách thức ý hệ của họ. Tháng 9 năm 1974, sau đợt hạn hán và nạn đói làm tan hoang đất nước, các sĩ quan quân đội trẻ, cấp tiến, bị hệ tư tưởng Marxist hút hồn và nhanh chóng trở thành đồng minh của Liên Xô, đã lật đổ hoàng đế Ethiopia thân phương Tây là Haile Selassie, chấm dứt hơn bốn thập kỷ cai trị của ông này.

Lúc Haile Selassie bị lật đổ, gần như tất cả các nước ở châu Phi hạ Sahara đều nằm dưới chính quyền quân nhân hoặc độc đảng. Thế giới Ả Rập cũng như thế, ở đây chỉ có Lebanon là nước dân chủ mà thôi, và chế độ dân chủ cũng nhanh chóng chấm dứt khi nước này rơi vào nội chiến. Rộng hơn, trong khu vực Trung Đông, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước dân chủ, nhưng Israel đã được coi là quốc gia phương Tây vì nước này có nền văn hóa và trình độ phát triển cao. Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước Hồi giáo thế tục và đang hiện đại hóa, đáng khích lệ hơn, tuy nhiên, chế độ dân chủ của nước này bị giới quân nhân can thiệp một cách đáng kể. Nhưng trong nửa sau của những năm 1970, mô hình Thổ Nhĩ Kỳ đã bị lung lay vì bị rơi vào tình trạng phân cực, bạo lực và khủng bố, làm hơn năm ngàn người chết, trước khi diễn ra cuộc đảo chính quân sự vào tháng 9 năm 1980.3

VƯỢT QUA THÁI ĐỘ BI QUAN CỦA GIỚI TRÍ THỨC

Giữa những năm 1970, phải là một người lập dị hay lãng mạn thì mới tin rằng trong một phần tư thế kỷ tiếp theo sẽ có nhiều nước trên thế giới trở thành các nước dân chủ. Trong viện của tôi, các công trình nghiên cứu so sánh về chế độ dân chủ giảm hẳn, và các công trình nghiên cứu quan trọng nhất về chế độ dân chủ trong nửa sau của những năm 1970 là về sự sụp đổ của các chế độ dân chủ.4 Chỉ một vài năm trước đó, trong tác phẩm mang tính kinh điển, nhan đề Polyarchy (xuất bản năm 1971, tạm dịch: Chế độ tản quyền), Robert Dahl, nhà chính trị học và lý thuyết gia về dân chủ được nhiều người kính trọng ở đại học Yale đã đưa ra kết luận đầy bi quan về triển vọng cho bất cứ một cái gì đó cao hơn là tiến dần về phía chế độ tản quyền, tản quyền ở đây nghĩa là hệ thống chính trị dân chủ vừa phải. Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng cho sự phát triển lịch sử cạnh tranh về chính trị và “truyền thống khoan dung đối với phe đối lập chính trị”, Dahl nhận xét:

Không thực tế khi cho rằng sẽ có bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong nhiều chế độ tản quyền trong vòng một hoặc hai thế hệ... Như với rất nhiều sự kiện khác, dự đoán an toàn nhất về chế độ của một đất nước sau đấy một thế hệ là nó sẽ khác, nhưng không khác hẳn với ngày hôm nay.5

Năm 1984, thậm chí làn sóng dân chủ hóa mới, vẫn chưa được đặt tên, đang có thêm động lực, Samuel P. Huntington cũng đưa ra đánh giá tương tự. Trong một bài báo nổi tiếng “Sẽ có thêm nhiều nước trở thành dân chủ?”, Huntington trả lời rằng, thực chất là không nhiều.6 Trong khi xem xét lại những điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa có lợi cho quá trình dân chủ hóa, ông dự đoán quá trình chuyển đổi chỉ xảy ra trong một vài các nước phát triển hơn ở Mỹ Latin và có thể là ở Đông Á.

Sức mạnh thực sự của các chính phủ phản dân chủ (đặc biệt là Liên Xô), một số truyền thống văn hóa lớn không chấp nhận chế độ dân chủ, những khó khăn trong việc xoá đói giảm nghèo ở nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới, mức độ phân cực và bạo lực trong nhiều xã hội; tất cả đều cho thấy, trừ một vài trường hợp, thế giới hoàn toàn có thể tiến tới giới hạn của phát triển dân chủ.7

Chỉ bảy năm sau, Huntington sẽ xuất bản tác phẩm gọi tên và vẽ lại “làn sóng thứ ba” đầy ấn tượng của quá trình dân chủ hóa trên toàn thế giới. Tâm trạng bi quan của thời đó một phần là do thế thượng phong của lý thuyết về hiện đại hóa, lý thuyết này đã tìm ra mối tương quan mạnh mẽ giữa chế độ dân chủ và mức độ phát triển kinh tế. Hầu hết các nước dân chủ trên thế giới trong những năm 1970 là các nước công nghiệp tiên tiến ở phương Tây. Những nước này giữ được chế độ dân chủ vì họ có trình độ học vấn và thu nhập cá nhân khá cao và tầng lớp trung lưu to lớn, lý thuyết này nói như thế. Những đặc điểm như thế của sự phát triển, đến lượt nó, lai tạo ra trong công chúng kiến thức về chính trị và sự tham gia, lòng khoan dung đối với những người bất đồng và đối lập, nghiêng về phía dung hòa và kiềm chế trong lĩnh vực chính trị, ước muốn tự do và trách nhiệm giải trình, và thích thành lập và tham gia các  tổ chức độc lập, làm cho chế độ dân chủ trở thành khả dĩ. Nền văn hóa chính trị rộng rãi như vậy của dân chủ tạo thành chiều kích quan trọng của tinh thần dân chủ. Seymour Martin Lipset, một nhà xã hội học chính trị nổi tiếng, đã gọi những yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa là điều kiện xã hội cần thiết cho chế độ dân chủ8 và trong khi ông không có ý định nói rằng đấy đúng là những tiền đề thì đa phần các học giả và các nhà lập chính sách trong những thập niên 1960 và thập niên 1970 lại coi là như vậy. Để trở thành chế độ dân chủ, trước hết đất nước phải phát triển về mặt kinh tế. Vì vậy, đứng về phía và đầu tư cho quá trình hiện đại hóa các nhà cai trị độc tài – Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, Park Chung Hee ở Hàn Quốc, Lý Quang Diệu ở Singapore, Suharto ở Indonesia, Ferdinand Marcos ở Philippines, các viên tướng ở Brazil và Chile, nhà vua ở Iran – và cuối cùng, cùng với phát triển, dân chủ sẽ tới, là hợp lý. Đưa lý lẽ này vào chính sách là công việc thuận lợi vì trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tất cả những nhà độc tài này đều là đồng minh của Mỹ và phương Tây. Đứng về phía các chế độ độc tài thậm chí có thể được biện minh bằng những thuật ngữ của những giá trị dân chủ của chúng ta: đấy là những chế độ chuyển tiếp, chứ không phải vĩnh viễn, và là những chế độ độc tài nửa vời chứ không toàn trị như những phong trào cộng sản đang đe dọa những nước này, và những người này nắm quyền là để tiêu diệt cộng sản.9 Vì vậy, để bảo vệ và thúc đẩy tự do, chúng ta đã phá hoại tinh thần dân chủ.

Thái độ bi quan sâu sắc hơn, có chỗ dựa là văn hóa, diễn ra trong giai đoạn này. Luận cứ nói rằng không phải vô tình mà chế độ dân chủ xuất hiện chủ yếu ở phương Tây, với truyền thống văn hóa Do Thái-Công giáo và truyền thống văn hóa Khai minh. Các chế độ dân chủ ngoài phương Tây thời kỳ này chủ yếu là ở những nước mà các chuẩn mực văn hóa tự do của phương Tây đã thâm nhập vào, ví dụ, các thuộc địa cũ của Anh như Ấn Độ, Sri Lanka, và Jamaica, hay Nhật Bản, là nước mà sau Thế chiến II đã bị Mỹ chinh phục và chiếm đóng. Ở những nơi khác, triển vọng dường như không đáng kể. Hồi giữa những năm 1960, một học giả nổi tiếng người Mỹ, chuyên về Mỹ Latin từng viết: “Các nhà lãnh đạo Mỹ Latin đang hoạt động trong những điều kiện xã hội và văn hóa mà chế độ dân chủ đại diện hợp lòng dân và hiệu quả, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, không phải là lựa chọn thay thế khả thi”10. Các quốc gia Công giáo khác, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và đặc biệt là Mỹ Latin “có lẽ là không phù hợp” với hình thức dân chủ phương Tây là do hoặc là những nước này bị ảnh hưởng của truyền thống thứ bậc và độc đoán của nhà thờ Công giáo hoặc là quan niệm của họ về dân chủ mang truyền thống Rousseau, tức là truyền thống sợ đa nguyên quá mức và coi việc tham gia là thông qua “tổ chức, công ty và nhóm” chứ không phải thông qua những hình thức cá nhân chủ nghĩa, tức là hình thức đã giành chiến thắng ở phương Tây.11 Những người khác khẳng định rằng nền văn hóa châu Á hay nền văn hóa Hồi giáo dường như không tương thích với chế độ dân chủ vì những nền văn hóa này coi trọng trật tự hơn là quyền tự do, đồng thuận hơn là cạnh tranh và cộng đồng hơn là cá nhân.12

Làm sao mà cái thế giới dường như đương nhiên và thậm chí là chắc chắn là toàn trị trong năm 1975 lại có thể trở thành phần lớn là dân chủ vào năm 1995? Làm sao mà nhiều nhà khoa học xã hội và chuyên gia về chính sách đối ngoại lại sai lầm như thế? Đó là câu chuyện của mấy chương đầu trong cuốn sách này. Nhưng đáng tiếc, đấy không phải là toàn bộ câu chuyện, hay thậm chí thực sự là câu chuyện trong thời điểm hiện nay.

Khi tác phẩm này được chấp bút, sự bùng nổ của dân chủ đã đến hồi thoái trào. Tôi khẳng định, nó bắt đầu từ cuộc đảo chính quân sự vào năm 1999 ở Pakistan, đây là biểu tượng của sự thất bại của nhiều chế độ dân chủ mới trong việc thúc đẩy xã hội phát triển, cung cấp cho người dân một nền hòa bình xã hội và quản trị tốt. Kể từ đó, dân chủ đã có những bước thoái trào ở những nước có ảnh hưởng lớn như Nga, Venezuela, Nigeria, và Thái Lan, và chế độ dân chủ đang xấu đi một cách nghiêm trọng ở những nước lớn và quan trọng khác như Philippines và Bangladesh. Sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng càng làm nổi bật xu hướng độc tài, giúp cho nhiều chế độ độc tài trên thế giới có thêm nhà tài trợ chiến lược mới, có người biện hộ và khao khát nguồn tài nguyên thiên nhiên và thị trường của họ. Chiến dịch táo bạo của tổng thống George W. Bush nhằm chuyển hóa Trung Đông bằng cách, trước hết, lật đổ Saddam Hussein và chuyển hóa Iraq từ độc tài sang dân chủ đã có tác dụng hoàn toàn ngược lại, làm cho đất nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn. Khi những người Hồi giáo giành được cơ sở chính trị và cử tri trên toàn bộ khu vực, ngay cả chính quyền Bush cũng đã phải rút dân chủ ra khỏi các chương trình nghị sự và các nhà dân chủ Ả Rập cảm thấy bị phản bội. Trên khắp thế giới, những lực lượng chống lại các nỗ lực thúc đẩy dân chủ trên bình diện quốc tế do Nga Trung Quốc và những quốc gia dầu mỏ khu vực như Iran và Venezuela đang tập hợp lại.

Nhiều nhà quan sát cho rằng sự suy thoái như thế là những giới hạn tự nhiên hay khả năng dân chủ chỉ có thế. Thoát khỏi đống tro tàn của việc làm lực bất tòng tâm mang tính đế quốc chủ nghĩa của Mỹ ở Iraq, một luồng tư duy hiện thực mới đang hồi sinh, một lần nữa nó nói với Hoa Kỳ rằng nên để tâm đến công việc của chính mình và đối xử với thế giới như nó đang là chứ không phải như chúng ta muốn nó là. Khi sự can thiệp của Mỹ ở Iraq và có khả năng là ở Afghanistan gia tăng thì chủ nghĩa hiện thực mới này có khả năng sẽ giành được sự ủng hộ.

Có căn cứ chính đáng để lo lắng, tỉnh táo, khiêm tốn, và đánh giá lại – nhưng không phải để thất vọng về dân chủ. Như tôi chỉ ra trong tác phẩm này, xung lực và tiềm năng cho tiến trình dân chủ trên thế giới vẫn còn đáng kể. Càng ngày, các giá trị và khát vọng dân chủ càng trở thành phổ quát – ngay cả ở Trung Đông và nói rộng ra là thế giới Hồi giáo được cho là không thân thiện. Và những chuẩn mực dân chủ mang tính toàn cầu này được phản ánh trong các thiết chế và các hiệp định khu vực và quốc tế chưa từng có trước đây. Nếu chúng ta nhìn vào nguyên nhân của thăng tiến mở rộng dân chủ trên thế giới, cả trong nước và quốc tế, chúng ta sẽ thấy rằng những tác nhân làm cho dân chủ bùng nổ vẫn còn rất sống động. Những thách thức quan trọng nhất là liệu các nền dân chủ mới có thể cung cấp cho dân chúng những điều mà họ mong đợi về phát triển và sự tử tế, quản trị hợp pháp, và liệu các chế độ dân chủ đã ổn định, giàu có, có tập trung được ý chí và trí tuệ để tái định hình và duy trì những nỗ lực của họ nhằm thúc đẩy dân chủ hay không.

Phần thứ hai của tác phẩm này xem xét những thách thức của phát triển và củng cố dân chủ trong từng khu vực, nơi dân chủ vẫn chưa ăn sâu bén rễ: Mỹ Latin, châu Âu hậu cộng sản, châu Á, châu Phi và Trung Đông. Các chương này không những chỉ ra sự đa dạng trong quá trính phát triển và triển vọng của dân chủ, mà còn chỉ ra nhu cầu cấp thiết trong việc chống tham nhũng và củng cố khả năng của đất nước nhằm tạo ra chế độ pháp quyền và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nơi nào có những mối đe dọa đối với dân chủ thì nơi đó cũng có cơ hội. Ngay cả những nước như Iran và Trung Quốc, tức là những nước mà hiện nay dường như miễn dịch với xu hướng dân chủ toàn cầu, cũng có cơ hội rất tốt để trở thành đất nước dân chủ trong hai đến ba thập kỷ tới. Và Nếu Trung Quốc có thể dân chủ hóa thì tại sao toàn bộ thế giới không thể làm như thế?

Cuối cùng, tôi khẳng định rằng, chính chính sách và ý chí tập thể của các nước dân chủ đã ổn định có thể tạo sự khác biệt cực kỳ quan trọng. Ba thập kỷ gần đây đã tháo cũi xổ lồng cho những hy vọng và kỳ vọng vô tiền khoáng hậu đối với phát triển dân chủ, thậm chí ngay cả ở những nước nghèo. Hiện nay, dân chủ thực sự là hình thức cai trị hợp pháp rộng rãi duy nhất trên thế giới. Kẻ thù của dân chủ – như phong trào thánh chiến Hồi giáo cực đoan toàn cầu – chỉ có thể chiến thắng các nhà dân chủ nếu họ tự làm cho mình thất bại vì thái độ kiêu căng, không khoan nhượng, không có khả năng thích ứng và tham lam. Lịch sử đã thấy những đặc điểm này trong bản chất của con người, chúng có vai trò to lớn trong những vụ thất bại trước đây của dân chủ. Nhưng sự tiến bộ của nhân loại xuất phát từ khả năng học hỏi và vượt lên trên những thất bại của chúng ta. Trong dài hạn, động lực tiềm ẩn của sự phát triển về kinh tế và chính trị toàn cầu, những xu hướng rộng lớn trong nền văn hóa và các thiết chế trên thế giới tiếp tục thuận lợi cho dân chủ. Chính sách khôn khéo và có tầm nhìn xa từ các chế độ dân chủ đã ổn định – do Mỹ dẫn đầu – có thể tái kích hoạt và duy trì động lực của nền dân chủ trên toàn thế giới. Lúc đó, trong tương lai, khoảng vài chục năm nữa, có thể tiến đến gần hơn thời điểm mà toàn thế giới đều nắm lấy tinh thần dân chủ.

Chú thích

(1) Karl Jackson, “The Philippenes: The Search for a Suitable Democratic Solullon, 1946-1986”, In Larry Diamond, Juan J. Linz, and Seymour Marlin Lipset, eds., Democracy in Developing Countries: Asia (Boulder, Colo.: Lynne Rlenner, 1989), p. 242.

(2) Ibid., p. 243.

(3) Ergun Ozbudun, “Turkey: Crises, Interruptions, and Reequilibrations”, in Diamond, Linz, and Lipset, Democracy in Developing Contries: Asia, p. 205.

(4) Juan J. Linz and Alfred Stepan: The Breakdown of Democraticc Regimes (Baltimore: Johns Hopkins Unlversity Press, 1978)

(5) Robert Dahl, Polyrarchy: Participation and Opposition (New Haven, Conn.: Yale University Press, 1971), pp. 208-9.

(6) Samuel P. Huntington, “Will More Countries Become Democratic?” Political Science Quarterly 99 (Summer 1984): 193-218.

(7) Ibid., p. 218.

(8) Seymour Martin Lipset, “Some Social Requisistes of Democracy: Economic Development and Political Legitimacy”, American Political Science Review 53, no. 1 (1959): 69-105.

(9) Jeanne Kirkpatrick, “Dictatorships and Double Standards”, Commeurary, November 1979, 34- 45..

(10)  Frank Tannenbaum, Ten Keys to Latin America (New York: Vintage, 1966), p. 144. Bên cạnh công trình này John A. Booth và Mitchell A. Seligson còn trích dȁn nhiều biểu hiện tương tự về thái độ bi quan trong lĩnh vực văn hóa đối với tôn giáo. Xin đọc tác phẩm của họ “Paths to Democracy and the Political Culture of Costa Rica, Mexico, and Nicaragua”, trong Larry Diamond, ed., Political Culture and Democracy in Developing Countries (Boulder, Colo.: Lynne Rienner, 1994), pp. 99-100.

(11) Howard J. Wiarda, “Social Change and Political Developing in Latin America: Summary”, In Wiarda, ed., Politics and Social Change in Latin America: The Distinct Tradition (Amherst: University of Massachusetts Press, 1974), p. 274, and “The Dominican Republic: Mirror Legacies of Democracy and Authorllarlanism”. In Larry Diamond, Juan J. Linz, and Seymour Marlin Lipset, eds., Democracy in DevelopingCountries: Latin America (Boulder, Colo.: Lynne Rienner, 1990), p. 423.

(12)  Lucian Pye, Asian Power and Politics: The Curural Dimensions of Authority (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1985), and Elie Kedourle, Democracy and Arab Culture (London: Frank Cass, 1994).

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường