[Tinh thần dân chủ] Chương 3: Dân chủ thoái trào (Phần 7)
NHỮNG THĂNG TRẦM CỦA DÂN CHỦ Ở THÁI LAN
Là một trong những khu vực kinh tế phát triển nhất và năng động nhất thế giới, Đông Á tạo ra cơ sở hợp lí cho hi vọng về phát triển dân chủ. Cuối những năm 1990, khu vực này có nhiều điều kiện hơn về kinh tế và xã hội thuận lợi cho dân chủ, và nước giàu có nhất trong khu vực đã trở thành dân chủ được năm thập kỉ. Đài Loan và Hàn Quốc đã có chuyển hóa một cách hòa bình sang dân chủ, còn Philippines thì đang ở giai đoạn kết thúc nhiệm kì tổng thống tương đối ổn định và thành công của ông Fidel Ramos, một trong những người lãnh đạo cuộc binh biến lật đổ Ferdinand Marcos. Gần đây Thái Lan đã thông qua bản hiến pháp với nhiều đổi mới nhằm củng cố những biện pháp kiểm soát và đối trọng theo lối dân chủ và sau mấy năm hoạt động ổn định, giới quân nhân dường như đã rút hẳn về doanh trại.
Nhưng sang thiên niên kỉ mới, Philippines, Đài Loan và Thái Lan đều rơi vào giai đoạn khó khăn kéo dài, và tháng 9 năm 2006 giới quân sự đã trở lại nắm quyền ở Thái Lan. Cuối những năm 1990, khi một vài vị tổng thống ở châu Á bắt đầu tập trung quyền lực vào tay mình và đàn áp dân chủ, thủ tướng Thái Lan, Thaksin Shinawatra, cũng làm như thế với hi vọng là sẽ nắm quyền cai trị trong một thời gian dài. Thaksin, vốn là cựu sĩ quan cảnh sát, xuất thân từ một gia đình buôn bán tỉnh lẻ, đã giành được vận may từ “một loạt những vụ nhân nhượng trong lĩnh vực thông tin liên lạc, được chính phủ ban cho”, công khai hâm mộ hệ thống bá quyền độc đảng ở Singapore. Dường như thế thượng phong về chính trị của Thaksin, không giới hạn thời gian nắm quyền trong quốc hội, có thể sẽ kéo dài mãi mãi. Nhưng Thái Lan có ba thứ làm cho Thaksin không thành công: chế độ quân chủ mạnh, giới quân nhân đoàn kết và đã có nhiều cuộc đảo chính quân sự thành công. Khi Thaksin, một người lãnh đạo đảng mới được thành lập năm 2001, được bầu làm thủ tướng, ông ta đã là tỉ phú và là một trong những người giàu nhất nước. Đất nước vừa trải qua giai đoạn cầm quyền của một trong những chính phủ tự do nhất trong lịch sử, sau khi thông qua vào năm 1997 bản hiến pháp dân chủ mới, với những cơ chế rộng rãi và sáng tạo trong việc ngăn chặn và đối trọng với quyền lực. Nhưng đất nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế do vụ sụp đổ về tài chính ở Đông Á trong năm 1997 gây ra và chiến dịch mị dân của Thaksin, hứa hẹn, ví dụ, y tế giá rẻ và hoãn nợ cho nông dân – đã giành chiến thắng, nhất là ở vùng nông thôn. Nhưng còn một vấn đề: Ủy ban Phòng chống Tham nhũng Quốc gia, được thành lập năm 1997, đưa ra phán quyết nói rằng khi còn làm bộ trưởng năm 1997 ông ta đã gian dối trong việc khai báo tài sản và vì vậy mà bị cấm giữ chức nghị sĩ hay chức thủ tướng trong vòng 5 năm. Thaksin chống lại theo kiểu dân túy, ông ta giành chiến thắng trong Tòa Bảo Hiến với một phiếu duy nhất. Ngày càng có nhiều người nghi ngờ rằng phiếu này đã bị mua và “một số quan toà thừa nhận rằng họ đã [tha ông ta] vì loại bỏ một nhân vật được dân chúng hâm mộ như thế sẽ có nguy cơ tạo ra hỗn loạn.” Tự mô tả mình là của nhân dân đang chống lại giai cấp chính trị cũ, Thaksin bắt đầu hứa hẹn với cử tri của mình, “trong khi số người ủng hộ ông ta tăng vọt lên tới 70%.”2
Về nhiều mặt, Thaksin là thủ tướng có trách nhiệm và hiệu quả – nhưng có mặt tối. Ông ta không chấp nhận phê phán hay đối lập, hay thậm chí những kiềm chế đầy sức mạnh của chế độ pháp quyền, và ông ta bắt đầu hủy bỏ những rào cản này một cách có hệ thống. “Những người chỉ trích chính sách của ông ta bị tấn công như thể đấy là những người không yêu nước hay là “ngu dốt”. Cơ quan chống rửa tiền, được lập ra để điều tra những tội phạm lớn, bắt đầu điều tra các nhà báo và những người phê phán chính phủ khác.”3 Đầu năm 2003, ông ta tung ra cuộc chiến chống ma túy, dường như cho phép cảnh sát giết người. “Trong vòng ba tháng, 2.500 người bị tình nghi buôn bán ma túy đã chết”, phần lớn trong số đó dường như “chỉ là người sử dụng hay bán số lượng không đáng kể.”4 Phủ nhận có nhiều người chết, Thaksin nói: “Bọn xấu đáng chết.”5 Ông ta cũng trả lời với thái độ tàn nhẫn tương tự như thế khi nói về những vụ bạo loạn của người thiểu số Hồi giáo ở phía nam, nơi được cho là hơn một ngàn người thiệt mạng trong những năm 2004 và 2005. Đồng thời, ông ta chỉ thị cho các phương tiện truyền thông của chính phủ (gồm bốn đài truyền hình và tất cả các đài phát thanh) chỉ truyền những bản tin “tích cực” và gây áp lực lên các kênh truyền hình tư nhân (cấm hai kênh phát sóng). Một nhà in đầy sức sống từng bị tấn công và chịu khuất phục vì “bị cảnh sát hăm dọa, bị đưa ra tòa vì tội phỉ báng và có nguy cơ mất thu nhập từ quảng cáo của chính phủ và các công ty.”6 Các tổ chức phi chính phủ (NGO) phê phán chính phủ phải đối mặt với “những vụ quấy rầy của cơ quan quản lí hành chính hay thậm chí là bị điều tra tội hình sự.”7
Tháng 2 năm 2005, Thaksin phải đối diện với cử tri vì nhiệm kì thủ tướng bốn năm đầu tiên của ông sẽ chấm dứt vào lúc đó. Cuộc tuyển cử đã biến thành hỗn loạn sau khi sóng thần ở Ấn Độ Dương tàn phá bờ biển Thái Lan vào ngày 26 tháng 12. Thủ tướng đã chiếm được “tâm điểm của sự chú ý trong vở kịch được truyền hình về giải quyết cuộc khủng hoảng của Thái Lan,”8 giám sát việc cứu trợ, dọn dẹp và đưa nhanh các khoản trợ giúp đến cho những người cần trợ giúp với mức độ khẩn trương mà chính quyền Bush cũng khó thực hiện khi xảy ra cơn bão Katrina. Uy tín của Thaksin lên như diều gặp gió. Hai tháng sau, đảng của ông ta chiếm được ba phần tư ghế trong quốc hội ở một nước mà trước đó chưa có đảng nào giành được đa số ghế trong một kì bầu cử.
Sau khi tái cử, sự chia rẽ giữa những người ủng hộ Thaksin, chủ yếu ở nông thôn và những kẻ thù không đội trời chung với ông ta trong giới trung lưu thành thị ngày càng sâu sắc thêm. Phe đối lập quay sang phê phán kịch liệt về đạo đức và tinh thần dân tộc khi họ phát hiện ra rằng Thaksin đã bán hết toàn bộ cổ phần trong đại công ty Shin Corporation của ông ta (trong đó có kết nối vệ tinh chủ yếu trong khu vực Đông Nam Á và phần lớn thị trường điện thoại di động ở trong nước) cho một công ty Singapore để lấy gần 2 tỉ USD mà không đóng đồng thuế nào. Cũng như ở Philippines trong những năm 1980, các nhóm xã hội dân sự lao ra đường phố, họ động viên được tới mười triệu người biểu tình và đòi vị lãnh đạo dân cử từ chức hoặc bị bãi chức. Những cuộc mít tinh ủng hộ Thaksin còn có đông người hơn. Nhằm tước vũ khí của những người phê phán, Thaksin bất ngờ giải tán quốc hội vào tháng 2 năm 2006, một năm sau khi ông ta được tái cử với thắng lợi vang dội và kêu gọi tổ chức bầu cử khẩn cấp vào ngày 2 tháng 4. Các đảng đối lập cho rằng không công bằng, tẩy chay và làm cho nhiều ứng viên của đảng cầm quyền không nhận được đủ số phiếu cần thiết để trúng cử. Khủng hoảng hiến pháp xảy ra vì quốc hội không được họp khi chưa có đủ số đại biểu. Tòa án Tối cao tuyên bố rằng cuộc bầu cử không có giá trị, và để cho Thaksin giữ chức thủ tướng tạm quyền trong vòng 6 tháng – trong khi chờ đợi cuộc tuyển cử mới vào ngày 15 tháng 10. Cuộc khủng hoảng càng rắc rối thêm khi Văn phòng Chưởng lí, đang điều tra những sai phạm trong tuyển cử do đảng của Thaksin gây ra lại khuyến nghị Tòa Bảo Hiến vào tháng 6 năm đó rằng nên giải tán không phải là đảng cầm quyền mà giải tán đảng đối lập chủ yếu cùng với ba đảng khác nữa, còn Thaksin thì gợi ý rằng có thể hoãn cuộc bầu cử vào tháng 10, ngay cả khi đất nước không có quốc hội.
Suốt mùa hè năm 2006, Thái Lan chuyển dần vào tình trạng lấp lửng, nguy hiểm về chính trị, trong khi Thaksin cảnh báo về kế hoạch lật đổ ông ta bằng những biện pháp vi hiến. Một trong một vài phương tiện thông tin đại chúng phê phán ông ta còn sót lại, tờ Nation, tố cáo ông ta là tung ra những lời kết án “phi lí” và “những lời tuyên bố hoang tưởng.”9 nhưng ngày 19 tháng 9 giới quân sự đã thực hiện điều mà Thaksin sợ nhất và cướp được quyền lực khi ông ta đang tham gia cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, trước sự cổ vũ của giới trung lưu đã chịu nhiều cay đắng.
Nhiều lý thuyết đã được đưa ra để giải thích cuộc đảo chính quân sự này, đây là cuộc đảo chính quân sự thứ mười tám ở Thái Lan, sau khi chế độ quân chủ chuyên chế chấm dứt vào năm 1932. Cũng như cuộc đảo chính ở Pakistan, giới quân nhân có đủ lí lẽ để biện hộ, trong đó có nghi ngờ về tham nhũng, lạm dụng quyền lực và vi phạm nhân quyền. Tất cả đều có cơ sở. Không ít thì nhiều, cũng giống như Sharif ở Pakistan, Chavez ở Venezuela, Obasanjo ở Nigeria và Putin ở Nga, Thaksin đã ngấm ngầm phá hoại chế độ pháp quyền, bãi bỏ những cơ chế kiểm soát và đối trọng được ghi trong hiến pháp, đàn áp bất đồng chính kiến, không công nhận tính hợp pháp của phe đối lập và làm cho đất nước lâm vào tình trạng xung đột. Đáng ngạc nhiên là, trong tất cả các trường hợp này, nhà cầm quyền từng được lòng dân lại tìm cách thu hẹp hay xóa sổ tất cả các lực lượng đối lập nhằm nắm quyền mãi mãi. Bài phân tích vụ đảo chính của nhà sử học người Thái, ông Thongchal Winichakul, Giáo sư sử học ở đại học Wisconsin (University of Wisconsin), xứng đáng được xem xét một cách nghiêm túc
Những người phản đối Thaksin muốn có giải pháp tạm thời bằng bất kì biện pháp khả dĩ nào. Họ tin rằng dưới quyền Thaksin, chế độ dân chủ đã không còn. Họ không chấp nhận các cuộc tuyển cử. Họ vận động cho những giải pháp phi dân chủ, ví dụ như chính phủ do nhà vua chỉ định. Bây giờ thì họ hân hoan chào đón vụ đảo chính. Họ nói đấy là cái ác cần thiết, là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng mang tên Thaksin Đối với họ, mục đích loại bỏ Thaksin biện hộ cho phương tiện.10
Tương tự như vài nhà phân tích khác (trong một đất nước vẫn còn tội khi quân (lèse-majesté), không phải tất cả đều sẵn sàng nói một cách thẳng thắn như thế), Thongchal giải thích rằng vụ đảo chính “chắc chắn là được sự ủng hộ của hoàng gia), trong đó, những lực lượng trung thành với nhà vua Bhumibol Adulyadej, được nhiều người kính trọng đã loại bỏ vị thủ tướng, người đã làm suy thoái chế độ dân chủ và phá hoại các thiết chế đã được thiết lập từ trước.
Nhiều người cho rằng người khuyến khích, nếu không nói là kiến trúc sư vụ đảo chính, là tướng Prem Tinsulanonda, tư lệnh quân đội đã nghỉ hưu và cựu thủ tướng (không được bầu) đang là người đứng đầu Viện Cơ Mật. Khi các quân nhân đã nắm được chính quyền cùng với đồng minh là Prem và cựu tư lệnh làm thủ tướng lâm thời, các tướng lĩnh dường như muốn viết lại hiến pháp và thay đổi bối cảnh chính trị theo ý họ. Trong khi tình yêu dân chủ của người Thái vẫn cao làm cho chế độ quân sự không thể kéo dài, thì những lời hứa hẹn dân chủ tự do của bản hiến pháp năm 1997 đã bị phá hoại một cách nghiêm trọng và thiệt hại có thể còn kéo dài.
Chú thích:
- Ibid., p. 63.
- Ibid.
- Amy Kazmin, “Thailand’s Thaksin to the Rescue”, Current History 104 (March 2005): 112.
- Pasuk and Baker, “Business Populism”, p. 65.
- Kazmin, “Thailand’s Thaksin”, p. 112.
- Freedom House, Freedom in the World, 2006, p. 713.
- Pasuk and Baker, “Business Populism”, p. 66.
- Kazmin, “Thailand’s Thaksin”, p. 111.
- “Back to the Wall, Thaksin Hits Out”, editorial, the Nation, July 2, 2006.
- Thongchal Winichakul, “A Royalist Coup with Ulterior Motive”, unpublished essay. September 21, 2006, University of Wisconsin-Madison, trích dȁn với sự cho phép của tác giả.