[Tinh thần dân chủ] Chương 2: Bùng nổ dân chủ (Phần cuối)

[Tinh thần dân chủ] Chương 2: Bùng nổ dân chủ (Phần cuối)

LÀN SÓNG THỨ BA XẢY RA NHƯ THẾ NÀO

Trong khi những câu chuyện đậm chất anh hùng này có thể truyền cho người ta cảm hứng thì những đặc điểm giống nhau và các giai đoạn của chúng lại là những bài học. Như Huntington nhận xét, những cuộc chuyển tiếp ban đầu chủ yếu được kích hoạt bởi những sự kiện và sự bất bình ở trong nước: thất bại trong chiến tranh (Hy Lạp và Argentina), nhà độc tài chết (Tây Ban Nha), ám sát lãnh tụ đối lập (Philippines) và chuyến viếng thăm xúc động của Giáo hoàng John Paul II (tới đất nước Ba Lan của ngài, tháng 6 năm 1979). Nhưng những cuộc chuyển hóa về sau lại được kích thích bởi những cuộc chuyển hóa trước đó. Huntington gọi là tuyết lở, tức là quá trình trong đó những cuộc chuyển hóa trước tạo đà cho những cuộc chuyển hóa sau.1  Ảnh hưởng của những cuộc biểu tình đặc biệt hiệu quả trong nội bộ khu vực hay giữa những nước tương đồng về văn hóa: ví dụ, “sức mạnh của nhân dân” ở Philippines đã giúp kích thích và truyền cảm hứng cho những cuộc phản đối đông người ở Hàn Quốc một năm sau đó và trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, trong khi những cuộc xuống đường của quần chúng ở Ba Lan và Đông Đức khuyến khích phong trào dân chủ ở những nước Đông Âu khác. Những mô hình đặc trưng của chuyển hóa dân chủ, từ chiến lược hình thành các thỏa hiệp đến sách lược huy động quần chúng và phản kháng đặc thù cũng lan truyền qua biên giới quốc gia. Cuối những năm 1980 và 1990, chất lượng cho quá trình chuyển đổi ngày càng mang tính toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa này thể hiện không chỉ trong phạm vi thay đổi mà còn trong những mối tương tác ngày càng nhanh hơn giữa các chính trị gia và phong trào dân chủ, từ những khu vực khác nhau trên thế giới và sự hình thành một cách từ từ tình đoàn kết khu vực và quốc tế, được hỗ trợ phần nào bởi những cố gắng trong việc kết nối các tổ chức của Mỹ, Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (National Endowment for Democracy – NED). Ở Nam Phi, ANC đã có những cố gắng mang tính hệ thống và thận trọng trong việc học tập những cuộc chuyển hóa dân chủ và hệ thống thiết chế khác, họ đã đưa các chuyên gia đến các nước trên một số lục địa để học tập.

Đặc điểm đáng chú ý thứ hai là những cuộc chuyển hóa này thường được các bên đem ta mặc cả.2 Chắc chắn là không phải tất cả các cuộc chuyển hóa đều được “kí kết” theo phong cách cổ điển, như cuộc chuyển hóa ở Tây Ban Nha, ở Mỹ Latin và sau này là ở Nam Phi. Một vài chế độ đã sụp đổ vì thất bại về quân sự hay trước những cuộc biểu tình của quần chúng, một số trường hợp khác (ví dụ, Đài Loan và Brazil) là chuyển hóa chủ yếu từ trên xuống (Huntington gọi là biến đổi transformation). Nhưng phần lớn đều kèm theo những thỏa thuận giữa chế độ và phe đối lập có quyền lực tương đương với chính phủ. Điều này đòi hỏi cả hai bên phải làm dịu bớt những đòi hỏi của mình và phải có những nhượng bộ, trong khi bảo vệ những quyền lợi căn bản nhất của mình. Thường thì phe đối lập cánh tả không có khả năng gây ảnh hưởng tới quá trình biến đổi về kinh tế và xã hội mà họ từng mơ ước. Điều đó thường có nghĩa là những thủ phạm của sự lạm dụng ghê gớm quyền con người (từ tất cả các bên) được tha thứ hay như trường hợp của Nam Phi, họ có cơ hội làm điều đó nếu trong quá trình tìm kiếm Sự Thật và Hòa Giải họ thú nhận và xin lỗi công khai về những hành động của mình.

Thứ ba, trong hầu hết các cuộc chuyển hóa – thậm chí những cuộc chuyển hóa được cho là được lãnh đạo và quản lí từ bên trên – xã hội dân sự đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc huy động và phối hợp áp lực của xã hội cho quá trình thay đổi dân chủ. Đối với phần lớn các cuộc chuyển hóa thuộc làn sóng tứ ba, quan điểm giữ thế thượng phong của các học giả và những người lập chính sách là chuyển hóa dân chủ xảy ra chủ yếu là do kết quả của những tính toán của giới tinh hoa và đàm phán giữa những người lãnh đạo chế độ và các đảng đối lập. Một lý thuyết gây được nhiều ảnh hưởng còn đi xa đến mức khẳng định rằng “không có cuộc chuyển hóa nào mà không bắt đầu từ kết quả

– trực tiếp hay gián tiếp – của sự chia rẽ trong lòng chế độ độc tài”, chủ yếu là giữa “những người cứng rắn” và “những người ôn hòa.”3 Nhưng chính lý thuyết này lại nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự phục hồi của xã hội dân sự”. Khi có nhiều cuộc chuyển hóa xảy ra, cũng như nhiều công trình nghiên cứu được tập hợp lại, người ta mới thấy rõ rằng giới tinh hoa của chế độ độc tài (ngay cả “những người ôn hòa”) cũng muốn giải quyết hay tin rằng cần phải lập kế hoạch cho sự ra đi của mình, chủ yếu là vì sự phản đối, bãi công, biểu tình và những hành động phản kháng khác ngày càng gia tăng đang gây thiệt hại cho nền kinh tế, làm chế độ độc tài mất ổn định và làm cho chế độ mất tính chính danh. Mỗi cuộc chuyển hóa có sự liên kết và sức mạnh của xã hội dân sự khác nhau, nhưng thường thì đấy là liên kết của công đoàn, các tổ chức của sinh viên, giáo hội, các tổ chức nghề nghiệp, các nhóm phụ nữ, các tổ chức nhân quyền, các tổ chức của các nhóm dân cư, các phương tiện truyền thông bí mật (hay thậm chí là hợp pháp) và những nhóm tri thức, nhà báo, thương nhân và nông dân.4 Đôi khi những tổ chức này còn liên kết thành mặt trận ủng hộ dân chủ khá rộng lớn.

Thứ tư, phương tiện cực kì quan trọng để tiến tới thay đổi dân chủ là tiến trình bầu cử. Dĩ nhiên, điều này đúng theo một nghĩa nào đó, vì theo định nghĩa: dân chủ là hệ thống trao quyền lực thông qua bầu cử. Nhưng, như Huntington nhận xét, trong một bài phân tích thâm thúy rằng đặc điểm nổi bật của những cuộc chuyển hóa dân chủ trong giai đoạn này là đa số các nhà lãnh đạo độc tài đã vô tình đánh giá quá cao khả năng chiến thắng trong các cuộc tổng tuyển cử.5 Hết lần này đến lần khác – ở Peru, Philippines, Hàn Quốc, Miến Điện, Chile, Nicaragua, Ba Lan, Zambia, Malawi và sau đó ở Serbia, Ukraine và Georgia – các nhà lãnh đạo độc tài tổ chức trưng cầu dân ý và bầu cử nghĩ rằng dự án chính trị hay đảng của họ sẽ thắng, và sau đó mới thấy rằng nhân dân không ủng hộ họ. Trong nhiều trường hợp, bắt đầu từ Philippines, các chế độ độc tài tính tới cả van an toàn cuối cùng là gian lận bầu cử để thoát hiểm, nhưng hóa ra sự phối hợp giữa những người theo dõi ở trong nước và các nhà quan sát quốc tế đã đủ sức ghi nhận và vô hiệu hóa hành động dối trá. Nhìn lại, dường như những cuộc bầu cử này còn có một ảnh hưởng bất ngờ nữa. Những cuộc bầu cử có tính cạnh tranh được tiến hành thường xuyên ở châu Phi có xu hướng đưa tới sự cải thiện đáng kể quyền tự do, ngay cả khi những cuộc bầu cử này không (hay chí ít, ban đầu là không) tự do và công bằng. Staffan Lindberg nói rằng những cuộc bầu cử có tính cạnh tranh nâng cao ý thức dân chủ của công dân, làm cho nhân dân trở thành những người tích cực hơn và đòi hỏi cao hơn về chính trị, buộc ngay cả các chế độ độc tài cũng phải có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm cao hơn, củng cố kĩ năng và khả năng của các tổ chức dân sự, thúc đẩy tòa án bảo vệ quyền công dân, mở thêm không gian cho các phương tiện truyền thông đại chúng.6 Luận điểm này dường như được sinh ra không chỉ bởi mức độ tự do ngày càng cao trong những nước thường xuyên tổ chức bầu cử, mà còn bởi nhiều nước từng tổ chức những cuộc bầu cử gian trá và cưỡng ép – một số trường hợp như ở Đài Loan, Senegal, Mexico và Kenya, trong hàng chục năm liền – và sau đó chuyển sang dân chủ thông qua những cuộc bầu cử như thế.

Để đánh giá mức độ sâu sắc và chiều rộng của làn sóng dân chủ thứ ba, cần ghi nhận rằng trong số 110 nước phi dân chủ vào năm 1974, 63 nước (57%) sau đó đã chuyển sang dân chủ. Bao gồm các nước Trung Âu, phần lớn khu vực Mỹ Latin, nhiều nước ở châu Á và châu Phi. Bên ngoài Trung Đông, làn sóng này hầu như tràn vào tất cả những nước lớn nhất đang nằm dưới chế độ độc tài – Brazil, Mexico, Philippines, Indonesia, Pakistan, Bangladesh, Nigeria, Nam Phi và Nga – với một ngoại lệ duy nhất: Trung Quốc. Hơn nữa, phần lớn trong số 63 nước đã chuyển hóa vẫn là những nước dân chủ.

Làn sóng dân chủ thứ ba còn được những quốc gia vừa mới thành lập thúc đẩy. Từ năm 1974, đã có 27 quốc gia thoát khỏi chế độ thuộc địa và giành được độc lập, trong đó 21 nước đã trở thành những nước dân chủ (mặc dù 19 nước trong số đó có chưa đến một triệu dân). Trong số 19 nước được hình thành sau khi Nam Tư và Liên Xô tan rã thì 11 nước (58%) trở thành những nước dân chủ. Nói một cách tổng thể, 32 (hơn hai phần ba) trong số 46 quốc gia được thành lập, từ khi làn sóng thứ ba bắt đầu, đã trở thành những nước dân chủ, mặc dù một số nước từ Liên Xô cũ (như Ukraine và Georgia) đã và đang là những nước dân chủ yếu hoặc chưa chắc chắn.

Khi dân chủ lan tràn trong từng châu lục thì nó phát triển thành hiện tượng toàn cầu. Hiện nay ba phần năm các quốc gia trên thế giới là những nước dân chủ. Không chỉ tất cả các nước giàu có phương Tây đều là dân chủ mà 90% các nước ở Mỹ Latin và vùng Caribe, gần hai phần ba các nước hậu cộng sản và hai phần năm hoặc hơn thế các nước ở châu Á và châu Phi là những nước dân chủ. Chỉ có ở Trung Đông là không có nhiều nước dân chủ và trong các nhóm văn hóa lớn, chỉ có Ả Rập là không có nước dân chủ nào (xem phụ lục, bảng 4 và 5 và hình 1).7 Hơn nữa, quá trình mở rộng các quyền dân chủ đã và đang diễn ra một cách liên tục và đầy ấn tượng, trong các chế độ dân chủ tự do sự cải thiện cũng diễn ra một cách rất nhanh chóng.8 Tính theo khu vực, thành tựu của tự do đặc biệt nổi bật ở các nước hậu cộng sản, Mỹ Latin và châu Phi. Đến giữa những năm 2000 (tức khoảng năm 2005 – ND), có thể coi phần lớn các nước dân chủ ở Đông Âu, và khoảng một nửa nước dân chủ ở Mỹ Latin và vùng Caribe là dân chủ tự do (dựa trên đánh giá về quyền chính trị và tự do dân sự của tổ chức phi lợi nhuận Freedom House), ở châu Á và châu Phi cũng có khá nhiều nước dân chủ tự do (xem phụ lục, hình 2). Một lần nữa, Trung Đông là khu vực duy nhất mà mức độ tự do hầu như không thay đổi.

Một số (có thể là một tá) nước được FreedomHouse xếp vào các nước dân chủ, nhưng nếu theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn thì chỉ được coi là “độc tài bầu cử”. Sử dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn đối với những trường hợp còn mơ hồ sẽ làm giảm bớt số nước dân chủ và động lực của quá trình mở rộng dân chủ, nhưng chỉ giảm một phần nào đó mà thôi. Hiện nay, cả những nước này, cũng như những chế độ độc tài rành rành đều không thể áp đặt được những thách thức về ý hệ hay có tính quy phạm đối với chế độ dân chủ trên thế giới. Như đã thấy từ khoảng năm 1990, trên bình diện toàn cầu, mô hình quản trị dân chủ là không có đối thủ. Chủ nghĩa cộng sản đã chết. Chế độ quân sự đã mất sức hấp dẫn dù ở nơi nào đó người ta còn phải chịu đựng nó, đấy chỉ là biện pháp tạm thời nhằm vãn hồi trật tự hay thanh lọc những kẻ cầm quyền tham nhũng. Nhà nước độc đảng nói chung đã biến mất, vì lý do gì – trong ngày hôm nay và trong thời đại này – mà nhà nước độc đảng nào có thể tuyên bố một cách tự tin rằng họ có trí tuệ và quyền cai trị vĩnh viễn và không bị phê phán hay thách thức? Chỉ có một mô hình rất đáng ngờ của nhà nước Hồi giáo là có sức hấp dẫn nào đó về đạo đức và ý hệ, được coi là hình thức chính phủ thay thế cho chế độ dân chủ – nhưng cũng chỉ đối với một phần nhỏ các xã hội trên thế giới. Ngoài ra, ví dụ thực tế của nhà nước Hồi giáo là “Cộng hòa Hồi giáo” Iran thì đang ngày càng lún sâu vào tham nhũng, mất uy tín và tính chính danh, nhân dân nước này ngày càng mong muốn thay thế nó bằng hình thức quản trị thực sự dân chủ. Theo quan điểm này, từ năm 1974, chân trời rộng lớn của lịch sử trông có vẻ cực kì đáng lạc quan. Thế giới đã và đang chuyển từ độc tài sang dân chủ, một hệ thống được nhiều người ưa chuộng – từ dân chủ chỉ giới hạn trong một khu vực của thế giới sang dân chủ lan tràn trên hầu hết các khu vực. Nhưng trong mấy năm gần đây, bên dưới những tựa đề nói về sự tiến bộ vẫn đang tiếp diễn của dân chủ, một xu hướng mới và xấu đang bắt đầu gia tăng: dân chủ bước vào giai đoạn thoái trào.

(Hết chương 2)

Chú thích

(1) Huntington, The Third Wave, pp. 104-6.

(2) Có rất nhiều tài liệu viết về tính chất “thỏa thuận” của các cuộc chuyển hóa dân chủ. Ngoài Huntington, xin đọc thêm, ví dụ, Juan Linz, “Transitions to Democracy”, Washington Quarterly 13 (1990); Guillermo O’Donnell and Philippe Schmitter, Transitions from Authoritarian Rule: Tentative Conclusion about Uncertain Democracies (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1986); and Terry Karl, “Petroleum and Political Pacts”, In O’Donnell, Schmittter, and Laurence Whitehead, eds., Transitions from Authoritarian Rule: Latin America (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1986), pp. 196-219.

(3) Guillermo O’Donnell and Philippe Schmitter, Transitions from Authoritarian Rule: Tentative Conclusion about Uncertain Democracies, p. 19.

(4) Larry Diamond, Developing Democracy: Toward Consolidation (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1999), pp. 232-39.

(5) Huntington, The Third Wave, pp. 174-85.

(6) Staffan Lindberg, “The Surprising Significance of African Elections”, Journal of Democracy 17 (January 2006): 139-51, và Democracy and Elections in Africa (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 2006).

(7) Muốn biết sự phân loại một cách toàn diện các chế độ trên thế giới cuối năm 2006, xin đọc phụ lục, bảng 4 và 5.

(8) Về mặt thực nghiệm, tôi coi bất cứ chế độ dân chủ nào có điểm 1 hay 2 trên thang 7 điểm về quyền chính trị và tự do dân sự của Freedom House là chế độ dân chủ tự do. Muốn biết thêm tiêu chí của Freedom House, xin xem bảng 1.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường