[Tinh thần dân chủ] Chương 5: Động cơ thúc đẩy dân chủ: Yếu tố bên ngoài (Phần 1)

[Tinh thần dân chủ] Chương 5: Động cơ thúc đẩy dân chủ: Yếu tố bên ngoài (Phần 1)

Ngoài quy mô cực kì to lớn, một trong những đặc điểm nổi bật của làn sóng dân chủ thứ ba là ảnh hưởng và áp lực quốc tế trong việc thúc đẩy dân chủ. Nhưng, ngoại trừ những trường hợp, khi mà dân chủ xuất hiện sau khi có những cuộc can thiệp của nước ngoài – ở Grenada năm 1983 và Panama năm 1989 – yếu tố bên ngoài không phải là quyết định. Và ngay cả trong những trường hợp khi lực lượng quốc tế được sử dụng thì dân chủ cũng không thể tồn tại được lâu nếu không có sự ủng hộ rộng rãi ở trong nước, như đã thấy ở Haiti, đấy là khi cuộc can thiệp của Hoa Kỳ đã giúp lật đổ chế độ quân sự, nhưng sau đó nước này đã quay trở lại với chế độ độc tài.

Nhưng trong hai thập kỉ qua, khái niệm truyền thống về chủ quyền – “không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác – không còn được ưa chuộng nữa, trong khi những cố gắng thận trọng nhằm thúc đẩy dân chủ lại gia tăng mạnh mẽ. Có nhiều ví dụ về những cuộc can thiệp quốc tế đã làm nghiêng cán cân, bất lợi cho chế độ độc tài đã bị cô lập, làm cho cuộc chuyển hóa dân chủ trở thành khả thi, nếu không thì không thể xảy ra được – hay chí ít là cũng không xảy ra nhanh chóng và ít bạo lực đến như thế. Những ví dụ khác, khi những cuộc can thiệp quốc tế đã giúp ngăn chặn, không để cho lực lượng phản động lật đổ các chế độ dân chủ và áp lực buộc phải khôi phục dân chủ, tái lập và củng cố các thiết chế dân chủ vừa mới hình thành.

Yếu tố thúc đẩy dân chủ hóa từ bên ngoài đã trải qua tất cả các thang bậc, từ tinh vi khó thấy tới những mức độ mạnh mẽ hơn và trở thành áp đảo. Nhưng hiệu quả quan trọng nhất hay chí ít là có thể đo lường được là từ những cố gắng đặc biệt, có chủ đích của sự giúp đỡ và áp lực quốc tế. Cuối những năm 1980 và những năm 1990, những yếu tố bên ngoài đã làm cho thay đổi dân chủ có chất lượng quốc tế, điều đó được thể hiện không chỉ trong việc giành được dân chủ mà còn trong việc thúc đẩy sự tương tác giữa các chính khách dân chủ và các phong trào dân sự từ những khu vực xa xôi trên thế giới và từng bước một xây đắp được tinh thần đoàn kết quốc tế và khu vực.

KHUẾCH TÁN VÀ ẢNH HƯỞNG LAN TRUYỀN

Một sự kiện đơn lẻ ít được thế giới chú ý cho ta thấy một ví dụ đầy ấn tượng về cách thức và những biện pháp thúc đẩy dân dân chủ đã lan tràn trên những khu vực rộng lớn, khác biệt cả về văn hóa lẫn địa lí. Tháng 6 năm 1999, Viện Dân chủ Quốc gia (National Democratic Institute – NDI) – một trong bốn “Viện nòng cốt” của tổ chức thúc đẩy dân chủ của Hoa Kỳ có tên là Quỹ quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy – NED) – đã tổ chức một hội nghị quốc tế các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cộng đồng và chính trị từ những nền dân chủ mới, nhỏ, còn bị cô lập, chưa được nhiều người biết tới. Cuộc hội thảo được tổ chức ở Sana’a, thủ đô cũ của Yemen. Khi chuẩn bị đi, tôi bỗng thấy lo vì sự kiện này được tổ chức ở một chế độ dân chủ giả hiệu như Yemen, tổng thống nước này cầm quyền đã hai mươi năm và hội thảo còn mời cả các nền dân chủ giả mạo khác như Morocco và Georgia tham dự. Nhưng cuộc hội thảo, mang tên “Diễn đàn của các nền dân chủ mới nổi” đã tạo điều kiện cho những nước như Benin, Ghana, Namibia, Bolivia, El Salvador, Mông Cổ và Macedonia được người ta chú ý – học được kinh nghiệm từ những nước khác.

Tương tự như phần lớn những cuộc họp khác, cuộc hội thảo này cũng kết thúc với nhiều thiện ý và bản tuyên bố nhất trí rằng những người tham gia cam kết thực hiện một tập hợp các bản hướng dẫn về xây dựng dân chủ có hiệu lực sâu rộng. Một sự kiện còn nhỏ hơn, kín đáo hơn và quan trọng hơn đã xảy ra. Một trong những người tham dự hội thảo, ông Alpha Oumar Konaré, tổng thống Mali, là một trong những nhà dân chủ tận tụy nhất. Ông cũng là người đã theo dõi sự phát triển vượt bậc của chủ nghĩa hiến định ở một trong những nước nghèo nhất thế giới trong suốt ba mươi năm cầm quyền của chế độ độc tài. Tại cuộc họp ở Sanaa, Konaré đã học được từ những người đồng nghiệp Mỹ Latin quy chế do Tổ chức các nước châu Mỹ lập ra nhằm cung cấp lực lượng bảo vệ tập thể trong khu vực khi có thách thức đối với hoặc làm gián đoạn trật tự hiến định.

[Sau đó] ông đã chỉ thị cho đại sứ quán Mali ở Washington tìm bản in các văn bản đó và gửi cho ông qua hãng chuyển phát nhanh Federal Express. Đây là căn cứ của đề xuất của Konaré mà tổ chức Thống nhất châu Phi (Organization of African Unity – OAU) đã áp dụng làm chính sách của mình. Theo sáng kiến của ông, Hội nghị thượng đỉnh của OAU năm 1999 ở Algier đã chấp nhận quan điểm cứng rắn nhằm chống lại những chính phủ phi dân chủ, với lời tuyên bố rằng những nhà lãnh đạo giành quyền lực bằng những biện pháp phi dân chủ đều sẽ không được công nhận.1

Trong làn sóng thứ ba, các ý tưởng và mô hình chuyển hóa dân chủ đã được tự do chuyển qua các đường biên giới quốc gia. Những cuộc chuyển hóa đầu tiên được khởi động chủ yếu là do sự bất bình nội bộ và những sự kiện ở Nam Âu và Mỹ Latin, dẫn đến những cuộc phản đối của quần chúng, sự chia rẽ của chế độ độc tài, bạo loạn vũ trang v.v. Nhưng, cùng với thời gian, các cuộc chuyển hóa ngày càng được khuyến khích và học tập từ những sự kiện đã diễn ra trong làn sóng dân chủ trước đó. Ảnh hưởng năng động, theo kiểu tuyết lở của những công cuộc chuyển hóa trước đó, như Huntington nói, tạo điều kiện “khuyến khích và cung cấp mô hình cho những cố gắng dân chủ hóa tiếp theo.”2

Ảnh hưởng lan truyền này – chỉ ra cho người ta thấy rằng thay đổi có thể xảy ra, xảy ra như thế nào và những sai lầm cần tránh – đặc biệt có hiệu lực trong các khu vực và trong các nước tương đồng về văn hóa.3 Ví dụ về “quyền lực của nhân dân” ở Philippines đã khuyến khích những cuộc biểu tình phản đối của quần chúng ở Hàn Quốc một năm sau đó và những cuộc biểu tình phản đối ở quảng trường Thiên An Môn (Trung Quốc) năm 1989. “Một tháng sau khi Hồng y Sin đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi chế độ ở Philippines, lần đầu tiên Hồng y Kim cũng lên tiếng kêu gọi thay đổi hiến pháp và chế độ dân chủ cho Hàn Quốc” và một tháng sau đó (tháng 4 năm 1986), lãnh tụ đối lập Hàn Quốc, ông Kim Dae Jung tuyên bố – có tham khảo trường hợp Philippinnes: “Đây là thời đại của quyền lực nhân dân trong các nước đang phát triển của châu Á.

Chưa bao giờ chúng ta tự tin đến như thế.”4 Tương tự, quá trình chuyển đổi dân chủ ở Ba Lan, diễn ra từ dưới lên bằng cuộc vận động đầy dũng cảm của xã hội dân sự, lan sang các lân bang ở Đông Âu, và sự chuyển hóa tập thể của những nước này đã có ảnh hưởng cực kì to lớn tới Liên Xô. Điều này thể hiện rõ trong cách thức và thời gian từ bỏ quyền lực độc tôn của các đảng cộng sản.

Vì thế, tháng 1 năm 1989 phong trào Đoàn kết ở Ba Lan được tự do hóa thì cũng trong khoảng thời gian này Đảng ở Hungari cũng quyết định từ bỏ vai trò lãnh đạo và chấp nhận bầu cử đa đảng. Trong cuộc bầu cử vào tháng 6 năm 1989 [ở Ba Lan] phong trào Đoàn kết đã giành thắng lợi áp đảo… Tháng 10 năm đó Đảng [cộng sản] Hungari đổi tên thành Đảng Xã hội chủ nghĩa Hungari và công khai từ bỏ chủ nghĩa Lenin. Tháng 11 năm 1989 đảng ở Czech và Đức đánh mất vai trò độc quyền trong những cuộc phản đối mang tính chính trị của quần chúng. Cuối cùng, tháng 2 năm 1990 [Đảng cộng sản Liên Xô] từ bỏ điều 6 Hiến pháp Liên Xô, tức là điều bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong xã hội Xô Viết.5

Một thập kỉ sau, mô hình phản đối mang tính quần chúng nhằm hủy bỏ những cuộc bầu cử gian lận và ảnh hưởng của cách mạng dân chủ đã lan tràn từ Serbia, năm 2000, sang Georgia năm 2003 và Ukraine năm 2004. Quy mô và kỉ luật của những cuộc biểu tình trong Cách mạng Cam ở Ukraine đã kích hoạt phong trào của xã hội dân sự ở Romania, lúc đó đang đấu tranh với những tàn tích của nạn tham nhũng, tội phạm và chủ nghĩa độc tài cộng sản. Trong cuộc bầu cử ở Romania năm 2004, những cố gắng này đã đưa quyền lực vào tay “một thế hệ mới những nhà dân chủ thân châu Âu”, những người hứa đoạn tuyệt với những thủ đoạn độc tài, nhếch nhác của những người cộng sản cũ từng nắm giữ quyền hành từ năm 1990.6

Có lẽ không ở đâu phản ứng dây chuyền theo kiểu tuyết lở lại mạnh mẽ bằng châu Phi sau những vụ chuyển đổi có nhiều ảnh hưởng ở Nam Phi và Benin vào năm 1990. Áp lực theo hướng dân chủ tự do ở Nam Phi được khuấy động do những thay đổi ở nơi khác trong khu vực, đấy là việc rút các đơn vị quân đội Cuba ra khỏi Angola đã giải tỏa được mối đe dọa mà người ta cho là từ các lực lượng Marxist, trong khi Namibia giành được độc lập dưới quyền cai trị của đa số da đen vào năm 1989 đã làm cho tình trạng cô lập của Nam Phi ngày càng gia tăng.

Nhưng cuộc chuyển hóa ở Nam Phi cho thấy rõ sự bất đồng giữa những điều mà các nhà lãnh đạo châu Phi đòi cho đất nước này và những việc mà họ làm nhằm đàn áp chính nhân dân nước mình. Năm 1990, tự người châu Phi đã chỉ ra thói đạo đức giả trong những đòi hỏi tự do ở Nam Phi, trong khi những quyền tự do này đang bị chà đạp ở những nơi khác tại châu Phi hạ Sahara. Nhằm tố cáo những vụ đàn áp của chế độ Samuel Doe ở Liberia, một tờ báo có tiếng ở Nigeria đăng bài xã luận, trong đó có đoạn: “Vẫn những hành động đáng bị chỉ trích ở Nam Phi thường xuyên bị thế giới lên án, lại đang hàng ngày hàng giờ được chính phủ của một quốc gia độc lập khác bắt chước.”7 Roger Chongwe, chủ tịch hiệp hội luật sư châu Phi (African Bar Association) tuyên bố: “Tất cả châu Phi đòi hỏi: Nếu Nam Phi một người một phiếu thì tại sao chúng tôi lại không?”8 Cuối cùng, tại hội nghị thượng đỉnh OAU tháng 7 năm 1990, các nhà lãnh đạo châu Phi công nhận rằng họ phải “dân chủ hóa hơn nữa các xã hội của chúng ta và củng cố các thiết chế dân chủ.”9

Đặc biệt là, tuyên bố về việc cần phải có nhân quyền, trách nhiệm giải trình chính trị và chế độ pháp quyền lại có tựa đề: “Tình hình chính trị và kinh tế–xã hội ở châu Phi và những thay đổi căn bản đang diễn ra trên thế giới.”10 Người châu Phi đã thể hiện phản ứng sắc bén trước làn sóng dân chủ đang quét qua Đông Âu và toàn cầu. Như Ibrahim Gambari, nhà chính trị học và đại sứ của Nigeria ở Liên hiệp quốc, nhận xét: “Thỉnh thoảng họ có nghe đài BBC, đài VOA, đài Tiếng nói Moskva bằng tiếng địa phương. Họ biết rõ những việc xảy ra ở Đông Âu và tự hỏi ‘Tại sao lại không xảy ra ở đây?’”11 Thực vậy, “nhiều thanh niên châu Phi tham gia biểu tìnhđược truyền cảm hứng bởi các hình ảnh những đám đông biểu tình phản đối cộng sản ở Đông Âu đang tìm cách tái tạo thành công của người Ba Lan, Hungari, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgari và Romani trong việc lật đổ các chính phủ độc đảng mất lòng dân và đòi phải có chế độ dân chủ đa đảng.”12 Ngay cả Julius Nyerere ở Tanzania, một trong những kiến trúc sư của nhà nước độc đảng của châu Phi, cũng nói rằng đất nước ông có thể học được “một hoặc hai” bài học từ Đông Âu.13

Ảnh hưởng của công cuộc chuyển hóa dân chủ ở Đông Âu chứng tỏ rằng hiệu ứng tuyết lở vượt xa hơn hẳn những đường biên giới khu vực. Những cuộc chuyển hóa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tạo ra ảnh hưởng sâu sắc tới các thuộc địa cũ của những nước này ở Mỹ Latin, lúc đó những nước này cũng trở thành các nước dân chủ. Những năm 1980, cuộc đấu tranh của xã hội dân sự vì chuyển hóa dân chủ trên khắp thế giới đã liên kết với nhau. “Cuộc đấu tranh của phong trào Đoàn kết ở Ba lan và sự sụp đổ của chế độ Marcos ở Philipplnes đã gây ra cộng hưởng ở Chile; trước đó vài thập kỉ, đây là chuyện khó có thể xảy ra.”14 Hầu như tất cả các nước dân chủ ở châu Á, châu Phi và vùng Caribbe đều đã từng là thuộc địa của Anh và đầu những năm 1990, nhiều phong trào chống chế độ độc tài ở châu Phi đã cùng sử dụng những giá trị lịch sử chung và những mối liên kết có từ thời thuộc địa.

Các phương pháp và kĩ thuật chuyển hóa dân chủ cũng lan tràn qua các đường biên giới, thông qua quan sát và chuyển giao trực tiếp các kĩ năng, từ chiến lược thiết lập các hiệp ước có tính thỏa hiệp đến chiến thuật động viên quần chúng và tổ chức các cuộc phản đối. Mô hình phản kháng phi bạo lực từng lật đổ nhà độc tài Slobodan Miloševič được truyền sang Georgia và Ukraine, một phần là nhờ những nỗ lực của những người hoạt động trong nhóm sinh viên có tên là Otpor – những người đã tạo ra cuộc cách mạng ở Serbia. Đầu những năm 1990, đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) đã làm một việc có thể coi là cố gắng có hệ thống và thận trọng trong việc học tập những cuộc chuyển hóa dân chủ và hệ thống hiến định bằng cách gửi các chuyên viên đi học các mô hình ở nhiều nước và trên mấy châu lục. Thành tích tương đối của các nước dân chủ, thất bại ngày càng thảm hại của các chế độ độc tài đủ mọi loại, tình trạng kiệt quệ tất yếu của các hệ tư tưởng độc tài và không có tầm nhìn thay thế cho tính chính danh của chế độ cũng góp phần truyền bá các giá trị dân chủ. Cùng với sự lan truyền tin tức về sự bất lực và tham nhũng gần như có tính phổ quát của các chế độ độc tài, người dân sống dưới các chế độ độc tài đã đưa được trải nghiệm trong nước của họ vào bối cảnh rộng rãi hơn. Họ “có thể và đã tự hỏi về mối liên quan đối với mình từ những sự kiện chính trị ở những nước xa xôi.”14 Chế độ, như một hệ thống, đã thất bại, không phải vì sự thoái hóa của các cá nhân hay cuộc thí nghiệm đã được thực hiện theo hướng sai lầm. Cùng với sự cáo chung của Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn mất tín nhiệm, cũng như chủ nghĩa phát xít bị mất tín nhiệm vì thất bại trong Thế chiến II.

Ảnh hưởng lan truyền, theo bản chất của nó, còn có tính lâu dài, trong đó có chuyển dần theo hướng tự do cá nhân, chủ nghĩa đa nguyên và lên tiếng về chính trị, cũng như ủng hộ cạnh tranh trên thương trường. Ở Đài Loan, các nhà lãnh đạo phong trào dân chủ xuất hiện trong những năm 1970 thường học luật và các môn khoa học xã hội ở nước ngoài. Họ trở về nước “sẵn sàng áp dụng những tư tưởng và thiết chế của xã hội mà họ đã tham khảo” ở phương Tây. Họ chấp nhận những lí tưởng dân chủ cũng như những thủ tục, thiết kế các thiết chế, kĩ thuật hoạt động chính trị và khuôn khổ luật pháp của phương Tây.15 Thông qua quá trình học tập ở nước ngoài, quá trình trao đổi kinh tế và sự phát triển như vũ bão của thông tin, các tiêu chuẩn và lối sống dân chủ, phi độc tài đã thấm vào nhiều nước khác nhau. Trong khi thời gian đầu chỉ có giới tinh hoa tiếp xúc với nhau, việc lan truyền tin tức, ý kiến, âm nhạc và giải trí của phương Tây đã có ảnh hưởng đối với việc chấp nhận các phong trào dân chủ.16 Cùng nhau, những mối liên hệ quốc tế dày đặc này đã cung cấp dưỡng chất cho hệ tư tưởng dân chủ trên toàn cầu.

ÁP LỰC HÒA BÌNH

Từ giữa những năm 1970, những chế độ dân chủ vững chắc – đặc biệt là Hoa Kỳ – đã sử dụng những hình thức gây áp lực lên các nhà nước độc tài nhằm thúc đẩy nhân quyền và dân chủ. Ban đầu, dưới thời tổng thống Jimmy Carter, áp lực này chỉ đặt ra mục tiêu là hạn chế đàn áp và cứu các nạn nhân mà thôi. Dưới thời tổng thống Ronald Reagan, ngày càng gia tăng và tập trung vào việc thúc đẩy và giữ vững chuyển hóa chế độ theo hướng dân chủ, những người kế nhiệm Reagan vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu này.

Trong giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh và hậu Chiến tranh Lạnh, áp lực dân chủ hóa chính trị của phương Tây có ảnh hưởng đáng kể đối với các chế độ độc tài – trong những điều kiện nhất định. Steven Levitsky và Lucan Way chỉ ra rằng đòn bẩy và liên kết quyết định khả năng tiềm tàng cho việc thực hiện áp lực hòa bình, nhưng hiệu quả, cho chuyển hóa dân chủ.17 Nói chung, ảnh hưởng phụ thuộc không chỉ vào quyết tâm của các nước hay các liên minh sử dụng áp lực, và ở mức độ nào đó phụ thuộc vào sự thống nhất của họ, mà còn phụ thuộc vào đòn bẩy mà các nước dân chủ phương Tây có trước các nhà nước độc tài, và phụ thuộc vào mức độ liên kết về xã hội, văn hóa và kinh tế với phương Tây. Những mối liên kết làm cho các nước độc tài dễ bị tổn thương trước áp lực của phương Tây bao gồm: các mối liên kết thông thường về kinh tế (buôn bán, đầu tư và tín dụng), liên kết về an ninh (hiệp ước và bảo đảm), và liên kết về xã hội (du lịch, di trú, du học, trao đổi của giới tinh hoa, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, tôn giáo và sự xâm nhập của các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây). Những mối liên kết mạnh mẽ tạo ra những ràng buộc về văn hóa giúp tập hợp những xã hội dân chủ và các nghị viện lại với nhau nhằm vận động cho phong trào bảo vệ nhân quyền và dân chủ, như đã thấy với áp lực lên chính quyền Clinton phải có động thái chống lại chính quyền quân sự độc tài Haiti vào năm 1994 và “cuộc vận động mạnh mẽ của Hungari” buộc EU gây áp lực với Romania và Slovakia nhằm cải thiện những biện pháp đối xử với người Hungari thiểu số ở những nước này.18

Đồng thời, những mối liên kết quốc tế có thể tạo ra những nhóm cử tri quan trọng về chính trị và xã hội ngay trong lòng nhà nước độc tài, hoặc là gắn bó nhiều hơn với dân chủ hoặc là nhạy cảm hơn trước các áp lực của phương Tây. Các mối liên hệ với phương Tây khuyến khích những kẻ ăn trên ngồi trốc “tiến hành cải cách các đảng độc tài từ bên trong (như ở Croatia, Mexico và Đài Loan)” và “chạy sang phe đối lập” (như ở Slovakia và với mức độ ít hơn là Romania hồi giữa những năm 1990).”19 Sau khi các nước phương Tây “bị ép cắt quan hệ bình thường với Đài Loan” và rút lại tư cách thành viên Liên hiệp quốc của Đài Loan nhằm khởi động lại quan hệ với Trung Quốc, giới tinh hoa Đài Loan nhận thấy rằng cải cách dân chủ có thể cung cấp cho họ phương tiện nhằm phục hồi lại cảm tình và sự ủng hộ của dư luận Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.20 Ước muốn được chấp nhận như một đối tác trong cộng đồng các nước công nghiệp cũng có đóng góp vào cuộc chuyển hóa dân chủ ở Hàn Quốc, đấy là khi nước này chuẩn bị đăng cai và có nguy cơ bị tước quyền đăng cai Olympics, tổ chức vào năm 1988 và ở Chile, khi nước này tổ chức trưng cầu dân ý năm 1988 về việc có nên kéo dài chế độ độc tài Pinochet nữa hay không. Trong những bối cảnh như thế, việc quốc tế phê phán chế độ độc tài làm cho người ta cảm thấy bị cô lập và muốn được các nước dân chủ công nghiệp hóa tôn trọng.21 Nhưng với những nước mà quan hệ chưa thân mật bằng, ví dụ như Liên Xô và đa số các nước khác ở châu Phi, áp lực dân chủ hóa của phương Tây kém hiệu quả hơn.

Đòn bẩy cũng phụ thuộc vào sức mạnh của nhà nước độc tài, do đó, những nước mạnh như Trung Quốc và Liên Xô (sau này là Nga) thường được miễn nhiễm. Nhận thức được rằng, cấm vận thương mại không khuyến khích được nước lớn và mạnh như Trung Quốc tiến hành dân chủ hóa chính trị đã thuyết phục được chính quyền Clinton bỏ nhân quyền như điều kiện để được trở thành “tối huệ quốc” trong thương mại vào năm 1994. Với những nước như Iran, các nước Ả Rập vùng vịnh, Nigeria và gần đây hơn là Azerbaijan và Venezuela (dưới thời Hugo Chavez), do phương Tây phụ thuộc vào dầu mỏ của họ, cho nên đòn bẩy của các nước dân chủ phương Tây cũng bị hạn chế rất nhiều.

Ngược lại, sự giúp đỡ của cường quốc độc tài bên ngoài có thể bảo bọc được chế độ độc tài, nếu không có sự trợ giúp như thế thì chế độ này sẽ bị thiệt hại bởi đòn bẩy của phương Tây, ví dụ như vai trò của Trung Quốc ở Miến Điện và Bắc Hàn trong việc chống lại những biện pháp cấm vận của phương Tây và sự cản trở của Nga trước áp lực của các nước dân chủ lên các chế độ ở Belarus, Armenia và các nước vùng Trung Á. Nhưng, đối với nhiều khu vực, trong đó có Trung Âu và Mỹ Latin, “không có cường quốc khu vực nào khác ngoài EU và Hoa Kỳ.”22 Dĩ nhiên là chế độ dân chủ có thể giúp cho chế độ độc tài sống sót, ví dụ như Pháp khôi phục lại sự trợ giúp cho nhà độc tài Paul Blya ở Cameroon và đôi khi còn làm loãng quan điểm của Hoa Kỳ đối với các nhà nước độc tài.

Thực vậy, đòn bẩy sẽ bị yếu đi khi những quyền lợi khác cạnh tranh với mối quan tâm về thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Đôi khi đây là những quyền lợi kinh tế, đấy là khi chính quyền Clinton ngừng áp dụng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhằm chống lại chế độ độc tài quân sự Nigeria sau khi chế độ này hủy bỏ công cuộc chuyển hóa dân chủ vào năm 1993 và sau đó đã giết hại nhà lãnh đạo được nhiều người ngưỡng mộ của phong trào nhân quyền ở lưu vực sông Niger, Ken Saro Wiwa, và tám nhà hoạt động khác vào năm 1995. Các quan chức Hoa Kỳ lúc đó nói với tôi (và những người vận động áp lực khác) rằng họ lo ngại là quan điểm cứng rắn có thể thúc đẩy các quân nhân Nigeri bãi bỏ những nhượng bộ rất có lợi cho các công ty dầu khí Mỹ và chuyển cho các công ty của Pháp hay của các nước châu Âu khác. Thường xảy ra hơn là những quyền lợi cạnh tranh với nhau đều là những lợi ích chiến lược. Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ những chế độ độc tài cánh hữu, chống cộng, coi đây là một phần của chiến lược ngăn chặn khối Xô Viết. Trước khi Jimmy Carter đề cao nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nước này vẫn giữ quan hệ nồng ấm với các chế độ độc tài ở Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Pakistan, Brazil, Chile, Iran, Ả Rập Saudi, Zaire và Kenya vì họ là đồng minh thân cận trong Chiến tranh Lạnh. Thực vậy, một số chế độ độc tài giành được quyền lực với sự trợ giúp tích cực hay ít nhất cũng là trợ giúp ngấm ngầm của Hoa Kỳ.

Nhu cầu chiến lược đã giảm xuống cùng với sự cáo chung của Chiến tranh Lạnh, nhưng lại nổi lên sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001; đấy là khi một nhóm mới các nước độc tài nằm “trên tuyến đầu” cuộc chiến chống khủng bố – Pakistan, Ai Cập, Ả Rập Saudi, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Uzbeklstan – trở thành quan trọng hơn hẳn đối với an ninh của Mỹ và vì vậy mà tương đối được miễn nhiễm trước áp lực dân chủ hóa. Thậm chí trước ngày 11 tháng 9, “Pakistan là cường quốc hạt nhân thù nghịch với Ấn Độ, có những mối liên hệ với chế độ Taliban ở Afghanistan và những phe phái thuộc trào lưu chính thống có cơ sở ở trong nước” đã làm cho chính quyền Clinton hạ bớt phản ứng trước cuộc đảo chính quân sự vào tháng 10 năm 1999.23 Nhằm thừa nhận sự trợ giúp của tổng thống Peru, Alberto Fujimori, trong cuộc chiến chống ma túy, chính quyền Clinton đã giữ những mối quan hệ về quân sự và tham dự lễ nhậm chức tổng thống lần thứ ba của ông này, mặc dù vẫn mô tả cuộc bầu cử gian dối của Fujimori năm 2000 là “vô giá trị”. Về phần mình, ban đầu chính quyền của tổng thống Bush đã chào mừng vụ đảo chính chống lại tổng thống Venezuela Hugo Chavez, vào tháng 4 năm 2004 vì những chính sách tả khuynh và bài Mỹ của ông này và chỉ kí tuyên bố OAS lên án cuộc đảo chính sau khi phần lớn các nhà lãnh đạo Mỹ Latin phản đối vụ tiếm quyền phi pháp này.24 Sau đó, mùa thu năm 2005, tổng thống Bush đã từ chối tiếp lực lượng đối lập ở quốc gia nhiều dầu mỏ Azerbaijan. “Điều này gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ chấp nhận cuộc bầu cử quốc hội đầy tì vết vào tháng 11 năm 2005 và sau đó 6 tháng, chính tổng thống Ilham Aliyev trở thành khách mời chính thức của Nhà Trắng.25

Áp lực hòa bình để dân chủ hóa thường diễn ra theo ba hình thức: ngoại giao, điều kiện viện trợ, và cấm vận. Thường thì những hình thức này cùng hướng về một mục tiêu hoặc chồng lấn lên nhau. Ngoại giao có thể có hiệu quả hơn trong việc khuyến khích thay đổi dân chủ khi nó duy trì hay đưa ra những biện pháp khích lệ (những hình thức viện trợ khác nhau) để đổi lấy các cuộc cải cách dân chủ và đe dọa áp đặt chi phí (cấm vận) trước những khiêu khích của chế độ độc tài. Nhưng ngoại giao thúc đẩy dân chủ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian tương đối hẹp, đấy là giai đoạn khủng hoảng chính trị, khi chế độ độc tài đang ở thế phòng thủ phải quyết định đàn áp hay là cải cách. Ra điều kiện viện trợ hay cấm vận có thể có ảnh hưởng trong giai đoạn dài hơn hẳn.

Cuối những năm 1970 và 1980, áp lực ngoại giao đã đẩy nhiều nước tiến vào chế độ dân chủ. Xung lực ban đầu cho quá trình thay đổi là chiến dịch của tổng thống Carter nhằm chống lại những vụ vi phạm nhân quyền ở Mỹ Latin. Bằng cách lập hồ sơ và lên án công khai những vụ vi phạm ở các nước như Argentina và Uruguay, và cùng với những lời chỉ trích là giảm viện trợ – xóa bỏ hoàn toàn viện trợ quân sự và chống lại phần lớn những khoản vay quốc tế của Argentina–chính sách mới này “đã giúp làm giảm những vụ vi phạm nhân quyền trực tiếp”. Ngoài ra, bằng cách giảm sự trợ giúp mang tính biểu tượng và trợ giúp về vật chất, chính sách này “đã giúp cô lập các chế độ độc tài, không để họ tham gia các liên minh truyền thống”, đến lượt nó, chính sách này góp phần phá hoại tính chính danh của chế độ và củng cố sức mạnh của những người ôn hòa.26 Ví dụ kinh điển về sự can thiệp bằng ngoại giao làm lệch cán cân trong cuộc khủng hoảng là việc tổng thống Carter góp phần trực tiếp làm cho Cộng hòa Dominica quay lại với chế độ dân chủ năm 1978. Khi giới quân sự bắt ngưng kiểm phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vì thắng lợi của phe đối lập là rõ ràng, chính phủ Mỹ đã tung ra một loạt những lời cảnh báo nghiêm khắc từ những nhà hoạt động trên vũ đài quốc tế, trong đó có tổng thống Carter, bộ trưởng ngoại giao Cyrus Vance, các nhân viên đại sứ quán và tùy viên quân sự Mỹ, tư lệnh Bộ chỉ huy phương Nam của Mỹ. Những áp lực như thế đã thuyết phục được giới quân sự Dominica tạo điều kiện cho ứng viên đối lập nhậm chức, khởi đầu cho giai đoạn dân chủ vừa mới hình thành, dù có một số rắc rối.27 Joaquin Balaguer, người đương chức lúc đó nhưng bị thất bại trong cuộc bầu cử trở lại cầm quyền vào năm 1986 và cai trị đất nước cho đến năm 1996, khi ông ta bị bãi chức vì vụ gian lận trong bầu cử – dưới áp lực của Hoa Kỳ và thông qua dàn xếp của OAS.28

Ngoại giao khu vực còn giúp dàn xếp thỏa thuận về cải cách hiến pháp và pháp luật của tiến trình bầu cử.

Dưới sự giám sát của chính quyền của tổng thống Reagan, cuối năm 1985, nhà độc tài Philippines, Ferdinand Marcos, đồng ý tiến hành “tuyển cử nhanh” và các nhà quan sát bầu cử cho rằng ông ta thua Corazon Aquino. Trong những ngày căng thẳng sau cuộc bầu cử ngày 7 tháng 2 năm 1986, nỗ lực của Marcos nhằm tiếp tục nắm quyền thông qua vụ gian lận trong bầu cử đã bị chính sách của Hoa Kỳ – dẫn đầu là ngoại trưởng George P. Shultz, nhằm “tăng tốc quá trình chuyển giao quyền lực” – làm cho thất bại. Hoa Kỳ cảnh báo Marcos không được đàn áp nhóm quan sát bầu cử NAMFREL, đồng thời tỏ ra nghi ngờ kết quả bầu cử, đe dọa cắt viện trợ quân sự nếu Marcos sử dụng bạo lực chống lại vụ nổi dậy của các quân nhân ủng hộ dân chủ, và cuối cùng – trước khả năng của một vụ tắm máu – đã nói với Marcos rằng đã đến lúc ông ta phải từ chức.28 Chính quyền của tổng thống Reagan còn ngăn chặn chế độ độc tài Chun Doo Hwan ở Hàn Quốc, không cho họ tiến hành đàn áp các cuộc biểu tình dân chủ năm 1987 và ngăn chặn những vụ đảo chính quân sự ở El Salvador, Honduras, Bolivia và Peru bằng cách cảnh báo về việc cắt giảm đột ngột những mối quan hệ với Hoa Kỳ.29 Trong nhiệm kì thứ hai của Reagan, Shultz bắt đầu sắp xếp chiến lược nhằm khuyến khích quá trình chuyển hóa dân chủ ở Chile, bắt đầu bằng việc gửi tới một vị đại sứ mới, được chỉ thị phải nhấn mạnh quyền con người và quay lại với dân chủ.30 Trong tất cả các vụ này, tất cả các thông điệp cá nhân và hành động công khai của Hoa Kỳ đều áp lực nhà độc tài phải tổ chức bầu cử và bảo đảm các quyền tự do dân sự, tức là những thứ cuối cùng sẽ lật đổ ông ta. “Tuy nhiên, sự ủng hộ của quốc tế đã củng cố các nhóm ở trong nước và một số quân nhân phản đối việc can thiệp bằng quân sự.”31 Hơn nữa, trong suốt những năm Reagan cầm quyền, mục tiêu thúc đẩy dân chủ và chống cộng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Mặc dù thúc đẩy dân chủ ngày

càng giữ thế thượng phong, sự trợ giúp về quân sự cho El Salvador, Guatemala và Honduras đã góp phần làm suy giảm khả năng của các lực lượng dân chủ trong việc giành quyền kiểm soát từ tay giới quân nhân lạm quyền.32

Đôi khi ngoại giao cùng hành động nhịp nhàng với áp lực. Kết hợp giữa áp lực ngoại giao, hứa hẹn viện trợ và giúp đỡ phong trào phản đối giới quân sự là những tác nhân chính để phong trào Sandanista (Nicaragua – ND) quyết định tổ chức bầu cử sớm và các cuộc bầu cử được tiến hành một cách tự do.33 Khi tổng thống Haiti, Jean-Bertrand Aristide bị giới quân nhân tước quyền vào năm 1999, nghĩa là chỉ tám tháng sau khi ông này nắm quyền, chính phủ của tổng thống Clinton đã thông qua OAS và sau đó là Liên hiệp quốc áp đặt cấm vận thương mại và dầu khí. Chỉ sau khi những biện pháp trừng phạt thất bại, không thể lật đổ được chế độ này Hoa Kỳ mới đe dọa dùng vũ lực (đã thành công). Ở Serbia, sự kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt, quân sự, áp lực ngoại giao và trợ giúp lực lượng dân chủ đối lập đã lật đổ được chế độ độc tài của tổng thống Slobodan Miloševič trong cuộc bầu cử tháng 10 năm 2000. Sau những biện pháp trừng phạt kéo dài mấy năm của phương Tây nhằm chống lại cuộc xâm lăng và “thanh lọc sắc tộc” ở Croatia, Bosnia và Kosovo, NATO đã tiến hành chiến dịch không kích nặng nề vào mùa xuân năm 1999 buộc Miloševič chấp nhận những điều khoản của thỏa thuận nhằm đem lại hòa bình và ổn định cho Kosovo. Các biện pháp trừng phạt đã gây ra những thiệt hại to lớn cho nền kinh tế vốn đã bất bình thường của Serbia, nhưng vụ không kích đã “phá hủy toàn bộ hạ tầng dân sự của Nam Tư”. Miloševič buộc phải tổ chức bầu cử trước những tháng mùa đông vì ông ta đã nhẵn túi và cơ sở hạ tầng của đất nước đang sụp đổ”. Trong cuộc bầu cử này, những lực lượng vẫn ủng hộ ông ta đã đào ngũ – đã gây ra nhiều vụ bạo lực dã man bên phe đối lập – Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu không cho nhà lãnh đạo chế độ này đi du lịch và cấm bán vũ khí, trong khi Khối thịnh vượng chung Anh thì tạm ngưng tư cách thành viên của Zimbabwe. Nhưng tổng thống Nam Phi, Thabo Mbeki từ chối hợp tác và Mugabe tiếp tục giữ được quyền lực. Ở Belarus cũng tương tự như thế, sau những vụ gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2001, tiếp tục để Alyaksandr Lukashenka nắm quyền, “Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách ‘ràng buộc có lựa chọn’, chỉ đặt điều kiện về quan hệ giữa hai bên đối với hành xử của chế độ về những vấn đề như bầu cử tự do mà thôi.”34

Điều kiện cho viện trợ đi kèm với dân chủ (hay hướng tới dân chủ) mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Trong khi đặt điều kiện viện trợ đã được áp dụng cho một số nước, nhưng trước năm 2000 thường liên kết với – do các đội đàm phán của Ngân hàng Thế giới hay Quỹ tiền tệ Quốc tế tiến hành – chính sách cải cách kinh tế của quốc gia và thường liên quan tới những lời hứa về các cuộc cải cách trong tương lai chứ không phải tưởng thưởng cho những việc đã làm từ trước. Với cơ chế trợ giúp phát triển áp dụng từ năm 2002, gọi là Millennium Challenge Account (tạm dịch Báo cáo thách thức thiên niên kỉ – MCA), chính quyền của tổng thống Bush đã đưa nguyên tắc đặt điều kiện lên tầng cao mới. MCA tưởng thưởng cho các nước đang phát triển vì những thành tích được chứng minh về quản trị dân chủ, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cơ bản, tinh thần doanh nghiệp và xếp các nước theo tập hợp mười sáu tiêu chí. Các nước có thứ hạng cao đủ tiêu chuẩn cấp những khoản viện trợ đáng kể, những khoản này phải được đàm phán với công ty gọi là Millennium Challenge (Tập đoàn Thách thức Thiên niên kỉ – MCC) trong các hợp đồng về chương trình phát triển đặc biệt. Trong khi MCA chỉ tài trợ một phần món tiền đã hứa (năm 2007 chỉ có 2 tỉ USD, chứ không phải 5 tỉ như dự trù), vấn đề lớn hơn chưa được giải quyết, như chúng ta đã thấy trong Chương 4, là sự cứng nhắc của các tiêu chí lựa chọn.

Mặc dù có những cải tiến như thế, đòn bảy kinh tế vẫn còn có những hạn chế. Không ở đâu mà tiềm năng của áp lực viện trợ lại lớn như châu Phi, đặc biệt là trong những năm 1990, khi hết nước này đến nước khác đều có những cuộc vận động mạnh mẽ đòi chuyển hóa dân chủ. Đúng là nhiều cuộc chuyển hóa ở châu Phi đã bị ngắt quãng, bị lật nhào hay bị rút xuống thành dân chủ giả hiệu. Nếu các tác nhân quốc tế có quyền lực tương đối lớn như thế ở châu Phi, tại sao tiến bộ về dân chủ không cao hơn nữa? Mối liên kết xã hội của châu Phi với phương Tây là tương đối yếu, như Levitsky và Way nhận xét, nhưng gộp lại, đòn bẩy về kinh tế lại rất mạnh.35 Sự chia rẽ thảm khốc giữa những người đối lập với chế độ (một số chưa hẳn đã cam kết với dân chủ) đã có vai trò rất lớn trong một số vụ thụt lùi, thái độ nước đôi của cộng đồng quốc tế cũng gây ra hậu quả tương tự. Mặc dù Hoa Kỳ đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với chế độ quân sự của Nigeria sau khi nước này hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6 năm 1993, Pháp, Đức và Nhật Bản do dự, còn Anh thì từ bỏ thái độ cứng rắn ban đầu. Khi chế độ quân sự hành quyết chín người Ogoni vào tháng 11 năm 1995, Hoa Kỳ và các nước EU đã triệu hồi đại sứ, Cộng đồng thịnh vượng chung Anh tạm ngưng tư cách thành viên của Nigeria, Liên minh châu Âu áp đặt hạn chế về nhập cảnh và du lịch. Nhưng “đề nghị của chính quyền tổng thống Clinton về việc cấm các khoản đầu tư mới và đóng băng tài sản của các nhà cầm quyền Nigeria ở nước ngoài đã thất bại vì không được cộng đồng quốc tế ủng hộ, còn Hoa Kỳ thì lưỡng lự không muốn đơn phương hành động.”36

Thiệt hại đặc biệt là trong những năm 1990 Pháp đã từ bỏ đặt điều kiện về viện trợ. Thực vậy, Pháp chưa bao giờ thực sự gắn bó với cam kết của tổng thống François Mltterrand tháng 6 năm năm 1990 về việc liên kết một cách dứt khoát giữa trợ giúp tài chính với sự khởi đầu của cải cách dân chủ. Thay vào đó, nước này tiếp tục đánh giá cao những quyền lợi kinh tế và chính trị mà họ nghĩ là đang có ở khu vực châu Phi nói tiếng Pháp và đáng buồn là những nước đang trải qua tiến trình chuyển hóa dân chủ lại nhận được ít viện trợ phát triển của Pháp hơn là những nước độc tài kiên định hay những nước đã dỡ bỏ quá trình chuyển hóa dân chủ, như Cameroon, Togo và Zaire.37 Trên thực tế, chỉ sáu ngày sau hội nghị thượng đỉnh năm 1992, trong đó tổng thống Mitterrand hạ thấp chính sách “ủng hộ dân chủ” của Pháp, các đơn vị trung thành với nhà độc tài Togo, Gnassingbé Eyadéma, đã làm đảo chính ở Lomé nhằm cắt đứt tiến trình cải cách dân chủ ở nước này.38 Việc Pháp thay đổi lập trường còn khuyến khích các nhà lãnh đạo độc tài củng cố lực lượng thông qua gian lận bầu cử: mặc dù có nhiều bằng chứng về gian lận trong cuộc bầu cử ở Cameroon năm 1992, Pháp vẫn công nhận kết quả và cấp thêm khoản vay mới trị giá 110 triệu USD, giúp cho nước này tái cơ cấu khoản nợ của IMF và WB trước khi vụ vỡ nợ làm ngưng tất cả các khoản viện trợ mới.39 Ở Congo (Brazzaville), năm 1993 Pháp đã giúp đỡ phe đối lập với tổng thống được bầu theo lối dân chủ, Pascal Lissouba, sau khi ông này kí hợp đồng mua dầu với công ty Occidental Petroleum Corporation có trụ sở ở Hoa Kỳ, tức là cắt đứt độc quyền đã kéo dài nhiều năm ở khu vực này của công ty đa quốc Elf-Aquitaine có trụ sở ở Pháp.40 Chuyện đó cũng xảy ra ở Cameroon và Nigeria, Pháp viện trợ cho các nhà độc tài trên khắp các thuộc địa cũ của họ nhằm cạnh tranh với Hoa Kỳ trong việc kiểm soát nguồn dầu mỏ ở châu Phi.

Trong khi người ta thường tỏ ra hoài nghi trước lợi ích của những biện pháp trừng phạt, thì thực tế phức tạp hơn thế nhiều. Suốt nhiều năm liền những người phê phán các biện pháp trừng phạt chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi khẳng định rằng những biện pháp này đang và sẽ không có hiệu quả – cho đến năm 1990, khi F. W. de Klerk làm thế giới ngạc nhiên bằng cách tiến hành công cuộc chuyển hóa. Áp lực của phương Tây đối với Miloševič ở Serbia và những biện pháp trừng phạt giới hạn hơn nhằm chống lại chính phủ quân sự Nigeria cũng diễn ra tương tự. Trong tất cả những trường hợp vừa nói, các biện pháp trừng phạt xói mòn dần và làm cho chế độ yếu đi, đồng thời gây chia rẽ ngay trong hàng ngũ của họ. Ở Serbia, áp lực kinh tế làm cho Miloševič khó áp đặt chế độ cực quyền có thể giúp kéo dài quyền lực của ông ta. Ở Nigeria, nhiều người tin rằng nhà độc tài quân sự Sani Abacha không chết vì nhồi máu cơ tim tháng 6 năm 1998, như báo chí nói, mà bị các quân nhân cấp thấp hơn đầu độc.

Những quân nhân này tỏ ra lo lắng trước sự cô lập của đất nước và đã giải tán chính phủ của Abacha, phóng thích tù chính trị và tiến hành chuyển hóa sang dân chủ trong vòng vài tuần, sau khi giành được quyền lực.

Chú thích:

(1) Edward R) McMahon and Scott H) Baker, Piecing a Democratic Quilt: Regional Organizations and Universal Norms (Bloomfield, Conn.: Kumarlan Press, 2006), p) 134.

(2) Samuel P) Huntington, “Democracy’s Third Wave”, Joumal of Democracy 2 (Spring 1991).

(3) Samuel P) Huntington, The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century

(Norman: University of Oklahoma Press), 1991, p) 101.

(4) Ibid., p) 103.

(5) Laurence Whitehead, “Democracy and Decolonization: East-Central Europe”, in Laurence Whitehead, ed., The International Dimension of Democratization: Europe and the Americas (Oxford: Oxford Unlversity Press, 1996), p) 361.

(6) Peter Gross and Vladimir Tismaneanu, “The End of Postcommunism in Romania”, Journal of Democracy 16 (April 2005): 146.

(7) Sunday Concord (Lagos, Nigeria), March 25,1990.

(8) Trích theo “The New Wind of Change”, Guardian Weekly (London), September 23, 1990.

(9) Ibid.

(10) Claude Ake, “Rethinking African Democracy”, Journal of Democracy 2 (January 1991): 36 (tôi nhấn mạnh).

(11) Trích theo Robert M) Press, “Africans Join Protests for Multiparty Rule”, Christian Science Monitor, April 11, 1990.

(12) Jonathan C) Randal, “In Africa, Unrest in One–Party States”, International Herand Tribune, March 27, 1990.

(13) Huntington, The Third Wave, p) 288) 3) Ibid., p) 102.

(14) Ibid.

(15) Tun-jen Cheng, “Democratizing the Quasi-Leninist Regime in Taiwan”, World Politics 41 (July 1989): 483.

(16) James Lee Ray, “The Global Origins of Transitions to (and From]) Democracy”, bài được trình bày tại Annual Meeting of the International Studies Association, Vancouver, March 20-23, 1991, pp) 13-15.

(17) Steven Levitsky and Lucan A) Way, “International Linkage and Democratization”, Journal of Democracy 16 (July 2005): 20-34.

(18) Ibid., p) 24.

(19) Ibid.

(20) Cheng, “Democratizing the Quasi-Leninist Regime in Taiwan”) p) 484.

(21) Về ảnh hưởng này Chile giai đoạn cuối thời Pinochet, xin đọc George P) Shultz, Turmoil and Triumph: My Years: as Secretary of State (New York: Charles Scribner’s Sons, 1993), pp) 972 and 974.

(22) Levitsky and Way, “International Linkage and Democratization”, p) 22.

(23) Robert G) Herman and Theodore J) Piccone, eds., Defending Democracy: A Global Survey of Foreign Pollicy Trends, 1992–2002 (Washington, D.C.: Democracy Coalition Project, 2002), p.214.

(24) Ibid., p) 213.

(25) Michael McFaul, “The American Strategy (or Lack Thereof) for Democracy Promotion”, drafl of May, 12, 2006, p) 11.

(26) Kathryn Sikkink, “The Effectiveness of US Human Rights Policy, 1973–1980”, in Whitehead, ed., The Intemational Dimensions of Democratization, p) 94.

(27) Jonathan Hartlyn, “The Dominican Republic: The Legacy of Intermittent Engagement”, in Abraham F) Lowenthal, ed., Exporting Democmcy: The United States and Latin America: Case Studies (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1991), p) 82) Muốn có cái nhìn tổng quan và phân tích về giai đoạn này, xin đọc Rosario Espinal and Jonathan Hartlyn, “The Dominican Republic: The Long and Difficult Struggle for Democracy”, in Larry Diamond, Juan J) Linz, and Seymour Martin Lipset, eds., Democracy in Developing Countreis: Latin America, 2nd ed) Boulder, Colo.:Lynne Rienners, 1999).

(28) Espinal and Hartlyn, “The Dominican Republic: The Long and Difficult Struggle for Democracy”, p) 489.

(29) Shultz, Turmoil and Triumph, pp) 608-42.

(30) Huntington, The Third Wave, p) 95) Về những cố gắng của Mĩ nhằm khuyến khích và ủng hộ quá trình chuyển hóa dân chủ ở Chile, xin đọc Thomas Carothers, In the Name of Democracy (Berkeley: University of Callfornia Press, 1991), pp) 150–63.

(31) Shultz, Turmoil and Triumph, pp) 970-75.

(32) J) Samuel Fitch, “Democracy, Human Rights and the Armed Forces in Latin America”, in Jonathan Hartlyn, Lars Schoultz, and Augusto Varas, eds., The United States and Latin America in the 1990s: Beyond the Cold War (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 1993), p) 203 (nhấn mạnh trong nguyên tác).

(33) Trong suốt thời gian làm tổng thống, Reagan liên tục đấu tranh giữa cam kết nhiệt tình của ông với tự do và dân chủ và sự gắn bó mật thiết về tình cảm với những đồng minh trong Chiến tranh lạnh như Marcos, tướng Augusto Pinochet của Chile và quân nổi dậy của Jonas Savimbi ở Angola) Ngoài ra, năm đầu tiên và nửa nhiệm kì của Reagan với bộ trưởng ngoại giao Alexander Haig, đã đề ra đường lối khác hẳn nhằm tìm cách đảo ngược đường lối nhấn mạnh nhân quyền của Carter và cải thiện quan hệ với các chế độ độc tài chống cộng trong làn sóng thứ ba) Xin đọc Tony Smith, America’s Mission: The United States and the Worldwide Struggle for Democracy In the Twentieth Century (Princeton, NJ.: Princeton University Press, 1994), pp) 286-90; and Carothers, In the Name of Democracy, pp) 118-27) Carothers đưa ra quan điểm phê phán điều mà cuối cùng chính quyền Reagan đã làm vì dân chủ ở Mĩ Latin; Smith, có quan điểm toàn cầu, đưa ra đánh giá với thái độ thông cảm hơn (pp) 297-307).

(34) Robert A) Pastor, “Nicaragua’s Choice: The Making of a Free Election”, Journal of Democracy 1

(Summer 1990): 15.

(35) Joan M) Nelson with Stephanie J) Eglington, Encouraging Democracy: What Role of Conditioned Aid? (Washington, D.C.: Overseas Development Council, 1992), pp) 16–17, 32.

(36) Larry Diamond, “Promoting Democracy In Africa”, in John Harbeson and Donald Rothchild, eds., Africa in World Politics, 2nd) ed (Boulder, Colo.: Westview Press, 1995).

(37) Joel Barkan, “Kenya Lesson from a Flawed Election”, Journal of Democracy 4 (July 1993): 91.

(38) Trích theo bài báo bên trên, từ thông cáo cáo chí của Ngân hàng Thế giới về cuộc họp của nhóm tư vấn cho Kenya, Paris, November 26, 1991.

(39) Githu Muigai, “Kenya’s Opposition and the Crisis of Governance”, Issue (“A Journal of Opinion” of the U.S) African Studies Association) 21, no) 112 (1993): 29

(40) Herman and Piccone, Defending Democracy, p) 215.

Nguồn: Tinh thần dân chủ: Cuộc đấu tranh nhằm xây dựng xã hội tự do trên toàn thế giới

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường