[Tinh thần dân chủ] Chương 1: Giá trị phổ quát (Phần 2)
GIÁ TRỊ DÂN CHỦ LÀ GÌ?
Xin tạm dừng ở đây và xem xét một cách chặt chẽ hơn: Đất nước muốn được coi là dân chủ thì phải có những điều kiện gì. Đối với nhiều người Mỹ và đối với nhiều người khác, những người đang sống hoặc tin rằng mình đang sống trong chế độ dân chủ, điều kiện mang tính trực giác, có vẻ đơn giản. Trong chế độ dân chủ, người dân có quyền lựa chọn những người lãnh đạo theo định kỳ, một cách tự do và trong những cuộc bầu cử công bằng. Nhưng chúng ta đang nói về bao nhiêu “người”? Hệ thống chính trị có phải là dân chủ không nếu một số công dân của nó không có quyền bầu cử và ứng cử? Đấy là gì nếu nhiều người không thèm quan tâm và không tham gia? Những cuộc bầu cử phải cạnh tranh công khai để trở thành tự do. Điều đó có nghĩa là tạo điều kiện cho nhiều đảng cạnh tranh với nhau. Nhưng vũ đài bầu cử phải mở cửa cho bất kỳ đảng phái nào, không phụ thuộc vào tín điều hay giá trị của nó? Còn tự do cá nhân thì sao? Dân chủ có phải là còn có các quyền tự do cá nhân được thể hiện trong Tuyên ngôn nhân quyền của Mỹ (American Bill of Rights), trong Tuyên ngôn nhân quyền phổ quát (Universal Declaration of Human Rights) và rất nhiều tuyên bố và hiệp định quốc gia và quốc tế được công bố cách đây hàng chục và hàng trăm năm hay không? Một nước không cho dân chúng những quyền tự do dân sự cơ bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội và tự do hội họp, có thể là dân chủ hay không? Các công dân không có quyền “giải quyết những bất bình của mình trong giai đoạn giữa các cuộc bầu cử bằng kiến nghị và biểu tình phản đối ư? Những quyền tự do cá nhân khác: quyền thực hành tôn giáo, quyền sống ở nơi mà người ta muốn, quyền tự do đi lại, quyền sở hữu và định đoạt tài sản tư nhân, và quyền buôn bán thì sao? Làm sao hệ thống có thể được gọi là dân chủ nếu nó vi phạm và tước quyền của các dân tộc, chủng tộc hay tôn giáo thiểu số? Hệ thống chính trị có thể được gọi dân chủ hay không nếu nó không đảm bảo chế độ pháp quyền, trong đó, tất cả các công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không ai được đứng trên luật pháp, và các các đạo luật được công bố từ trước và được thực thi bởi nền tư pháp công bằng?
Một đất nước không thể là dân chủ nếu không có tự do ngôn luận và tự do lập hội và không có chế độ pháp quyền. Nhưng đấy là vì các cuộc bầu cử không thể là tự do và công bằng trong những hoàn cảnh như vậy hay vì các cuộc bầu cử tự do và công bằng là chưa đủ để cho đất nước trở thành dân chủ?
Các nhà chính trị học không tìm được đồng thuận cho câu trả lời cho những câu hỏi này. Cũng không có đồng thuận giữa các nhà hoạch định chính sách dân chủ, hay các nhà phân tích trong các viện nghiên cứu hay các nhà hoạt động nhân quyền, hoặc thậm chí ngay cả giữa những người công dân bình thường. Định nghĩa dân chủ cũng tương tự như giải thích Kinh Talmud (hoặc bất kỳ văn bản tôn giáo nào khác): Hỏi mười giáo sĩ Do Thái (hoặc các nhà chính trị học) về ý nghĩa, và bạn là có thể có ít nhất là mười một câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, đối với dân chủ, những câu trả lời có xu hướng nhóm thành những quan niệm “mỏng” và “dày”. Về phía quan niệm mỏng, theo nghĩa tối thiểu, dân chủ được nhà kinh tế học người Áo, Joseph Schumpeter, định nghĩa trong những năm 1940 như sau: Là hệ thống “nhằm đưa ra quyết định chính trị, trong đó các cá nhân giành được quyền quyết định thông qua cuộc đấu tranh mang tính cạnh tranh để giành lá phiếu của người dân.”1 Hoặc trong điều kiện hiện đại, bằng các cuộc bầu cử “tự do và công bằng” và diễn ra theo định kỳ. Về phía dày, một hệ thống không phải là dân chủ, trừ khi nó còn có những thuộc tính sau đây:
- Quyền tự do cá nhân thực sự về đức tin, về ý kiến, về thảo luận, về ngôn luận, về xuất bản, về truyền tin qua phát thanh và truyền hình, về hội họp, về biểu tình, kiến nghị, và (tại sao không?) về Internet.
- Các nhóm dân tộc, tôn giáo, chủng tộc và các nhóm thiểu số khác (cũng như các nhóm đa số trong quá khứ từng bị loại ra) được tự do thực hành tôn giáo và văn hóa của họ và tham gia một cách bình đẳng vào đời sống kinh tế và xã hội.
- Quyền của công dân trưởng thành tham gia bầu cử và ứng cử (nếu họ đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu về tuổi tác và năng lực).
- Cởi mở và cạnh tranh thực sự trong bầu cử, cho phép tất cả các nhóm người tuân thủ những nguyên tắc hiến định thành lập đảng và tranh giành chức vụ.
- Tất cả các công dân đều bình đẳng trong chế độ pháp quyền, trong đó luật pháp là “rõ ràng, được công bố công khai, phổ quát, ổn định và không hồi tố.”2
- Bộ máy tư pháp độc lập nhằm áp dụng một cách trung lập, nhất quán luật pháp và bảo vệ các quyền của cá nhân và của nhóm.
- Như vậy, nhà nước phải tôn trọng tất cả các quyền hợp pháp của các cá nhân và cá nhân không bị tra tấn, khủng bố và bị giam giữ một cách bất công, bị lưu đày, hoặc bị nhà nước hay các tác nhân nằm ngoài nhà nước can thiệp vào đời sống cá nhân của họ.
- Kiềm chế bằng hiến pháp quyền lực của các quan chức dân cử bằng cơ quan lập pháp độc lập, bằng hệ thống tòa án, và các cơ quan tự trị khác.
- Chủ nghĩa đa nguyên thực sự về các nguồn thông tin và các hình thức tổ chức không phụ thuộc vào nhà nước; và do đó, có “xã hội dân sự” sống động.
- Kiểm soát đối với bộ máy quân sự và bộ máy an ninh bởi các thường dân (tức không làm trong các ngành quân sự và cảnh sát – ND), cũng là người chịu trách nhiệm giải trình trước nhân dân, thông qua các cuộc bầu cử.
Làm sao chúng ta có thể tìm được điều mình muốn giữa nhiều kỳ vọng hợp lý về dân chủ như thế? Không thể có bất kỳ câu trả lời “đúng” nào cho câu hỏi: dân chủ là gì? Chúng ta chỉ có thể là những người trong sáng, hợp lý và nhất quán, khi áp dụng bất cứ tiêu chuẩn nào. Quyết định của cá nhân tôi trong cuốn sách này và trong một sự nghiệp lâu dài – như một người nghiên cứu chính trị và nhà hoạt động vật lộn với sự khác biệt mang tính khái niệm này – là coi dân chủ như một hệ thống chính trị, thay đổi về chiều sâu và có thể tồn tại trên hai ngưỡng khác hẳn nhau.
Ở mức tối thiểu, nếu nhân dân có thể lựa chọn và thay các nhà lãnh đạo của mình trong những cuộc bầu cử định kỳ, tự do và công bằng thì đấy là chế độ dân chủ bầu cử. Gọi hệ thống chính trị là chế độ dân chủ không có nghĩa đấy là hệ thống tốt hay đáng ngưỡng mộ hay chúng ta không cần phải lo lắng nhằm cải thiện nó. Đấy đơn giản chỉ có nghĩa là nếu đa số dân chúng muốn thay những người lãnh đạo, chính sách và có thể tổ chức một cách hiệu quả trong khuôn khổ của luật pháp thì họ có thể tạo ra được thay đổi.
Nhưng các chế độ dân chủ bầu cử có chất lượng rất khác nhau. Những cuộc bầu cử cạnh tranh với kết quả không thể biết trước, thậm chí là các đảng luân phiên nhau nắm quyền, có thể song song tồn tại với những vụ vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, tự do; nhiều lĩnh vực của đời sống bị hạn chế đáng kể, phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số, chế độ pháp quyền chưa vững chắc, bộ máy tư pháp thỏa hiệp hay không hiệu quả, tham nhũng tràn lan, khu vực bầu cử bị chia theo lối gian lận, chính phủ thiếu trách nhiệm, nhà nước nắm phần lớn các phương tiện thông tin đại chúng, tội phạm và bạo lực lan tràn. Cạnh tranh thực sự nhằm xác định ai là người cai trị không bảo đảm rằng tự do, bình đẳng, minh bạch, công bằng xã hội, hay những giá trị tự do khác sẽ được giữ ở mức độ cao. Dân chủ bầu cử giúp làm cho người dân dễ giành được những giá trị này hơn trước, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là sẽ bảo đảm được những giá trị đó.
Khi nói về dân chủ, chúng ta mong muốn đưa nó lên tầm cao mới, nhằm đạt được mười thành tố của dân chủ “dày”. Khi những thành tố này tương đối mạnh, chúng ta có thể gọi hệ thống là dân chủ tự do.3 Khi những thành tố này bị thu hẹp hẳn lại thì chế độ dân chủ – nếu quả thật nó còn tồn tại - là chế độ dân chủ phi tự do. Nếu những cuộc bầu cử đa đảng diễn ra thường xuyên và có các định chế chính thức khác của chế độ dân chủ như quốc hội, hệ thống tòa án, hiến pháp..v.v.. nhưng người dân không thể bỏ phiếu để gạt những người lãnh đạo ra khỏi quyền lực vì hệ thống này trên thực tế là gian lận thì đất nước đó có chế độ mà tôi gọi dân chủ giả hiệu.4
Dường như sự khác biệt này là rõ ràng và dễ quản lý, nhưng không phải như thế. Trước hết, nếu các cuộc bầu cử được coi là dân chủ thì chúng họ phải có giá trị, theo nghĩa là trao quyền quản lý thực sự cho những người được bầu. Thậm chí nếu ở Iran có những cuộc bầu cử là tự do và công bằng (hiện nay chưa có) thì nước này cũng khó có thể được coi là dân chủ vì quyền lực cao nhất trong việc ra quyết định vẫn nằm trong tay “lãnh đạo tôn giáo tối cao”, mà những người này lại không chịu trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Cũng có thể nói như thế về Morocco hay Jordan, nơi quyền lực cao nhất vẫn nằm trong tay chế độ quân chủ; hay một số nước ở Trung Mỹ trong thập niên 1970 – 1980, khi quyền lực tối cao nằm trong tay quân đội, mặc dù đã có các cuộc bầu cử. Tất cả các hệ thống này đang hoặc đã là những chế độ dân chủ giả hiệu hay đôi khi được gọi là chế độ độc tài bầu cử.
Vấn đề tương tự sẽ xảy ra khi nhà nước hiện diện mờ nhạt hoặc bị cường quốc bên ngoài áp đảo, chính phủ được bầu chỉ là cái vỏ rỗng, với rất ít quyền lực thực tế. Khi diễn ra nội chiến các quan chức chính phủ được bầu có ít quyền lực hoặc quyền lực rất hạn chế, ví dụ, Sierra Leone trong thời gian gần đây và Afghanistan hiện nay, thì sự kiện là những cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh và tương đối công bằng cũng không thể tạo ra được chế độ dân chủ.
Nhiều chế độ trên thế giới chỉ là những chế độ dân chủ giả hiệu vì thực tế và luật chơi chính trị trên thực tế không làm cho chế độ dân chủ trở thành hiện thực, trừ phi, sử dụng những biện pháp phi thường nhằm tống cổ đảng, liên minh cầm quyền khỏi quyền lực. Những tiêu chuẩn “tự do và công bằng”, trên thực tế, là tiêu chuẩn khá khắt khe. Các cuộc bầu cử là “tự do” khi các rào cản pháp lý ngăn chặn người ta tham gia chính trường thấp; khi các ứng viên, các đảng cạnh tranh với nhau và những người ủng hộ họ được tự do vận động, và khi mọi người có thể bỏ phiếu cho người mà họ muốn mà không sợ hãi và không bị đe dọa.
Tự do vận động bầu cử đòi hỏi phải có tương đối nhiều quyền tự do ngôn luận, tự do thành lập các phong trào, tự do hội họp và lập hội trong đời sống chính trị, nếu không nói là nhiều hơn so với xã hội dân sự. Tuy nhiên, khó có thể tách hai lĩnh vực này ra khỏi nhau. Có bao nhiêu ứng cử viên đối lập và những người ủng hộ họ bị giết hoặc bị bắt trước khi người ta nhận ra mô hình rõ ràng là phi dân chủ? Có lẽ nói là nhiều hơn một, nhưng chắc chắn có ít nhất 21 vụ giết người có động cơ chính trị, chủ yếu là giết những người ủng hộ phe đối lập, xảy ta trong hai tháng trước trước cuộc bầu cử năm 1998 ở Campuchia.5 Ở Ấn Độ cũng thế, những vụ giết người liên quan đến các cuộc bầu cử đã diễn ra từ lâu và trong những năm gần đây lên đến mức độ đáng báo động. Không có nhà quan sát lớn nào nói rằng Ấn Độ không phải là chế độ dân chủ, nhưng đặc biệt trong các bang như Bihar, nơi tham nhũng, tội phạm, giết người, bắt cóc đã thấm sâu vào quá trình bầu cử, đấy là chế độ dân chủ phi tự do và suy đồi.
Đánh giá xem bầu cử có công bằng hay không cũng phức tạp tương tự như thế. Hai nhà nghiên cứu chính trị là Steven Levitsky và Lucan Way khẳng định rằng, hệ thống chính trị suy thoái thành chế độ độc tài cạnh tranh khi những vi phạm các “tiêu chí tối thiểu” đối với chế độ dân chủ nghiêm trọng đến mức tạo ra “sân chơi bất bình đẳng giữa chính phủ và phe đối lập.”6 Tuy nhiên, ngay cả trong các chế độ dân chủ tự do và đã được củng cố cũng rất hiếm khi có sân chơi thực sự bình đẳng. Hầu hết các đảng cầm quyền hay các quan chức đều được hưởng lợi thế của người đang giữ chức vụ: dễ tiếp cận hơn với các phương tiện truyền thông, dễ quyên góp tiền của các doanh nghiệp hơn và điều kiện (có thật đúng pháp luật hay không) sử dụng phương tiện và nhân viên chính phủ trong quá trình vận động. Đặc điểm gần như nội tại của những người đương nhiệm là đảng cầm quyền có thể (ở mức độ nào đó) hướng các khoản chi tiêu và lợi ích của chính phủ nhằm lèo lái các khu vực bầu cử và cử tri. Ở Hoa Kỳ, cạnh tranh trong bầu cử đã bị biến dạng quá mức, đấy là do người ta đã chia một cách gian lận (tiếng Anh gọi là gerrymandering7) các khu vực bầu cử đến mức chỉ khoảng một phần mười số ghế trong Hạ viện là cạnh tranh mà thôi. Ở Liên minh châu Âu, tham nhũng chính trị và thiên vị đã ăn sâu bén rễ trong quá trình ký hợp đồng của chính phủ đến mức một công trình nghiên cứu mới đây có tên là “hệ thống tốt nhất có thể mua được bằng tiền.”8 Nếu chúng ta đòi hỏi sân chơi hoàn toàn bỉnh đẳng, coi đấy là sát hạch về công bằng trong bầu cử, thì chỉ có rất ít – nếu quả thật là có – hệ thống chính trị vượt qua vụ sát hạch mà thôi. Trong thế giới thực, chính phủ được bầu nào cũng tìm cách giành một số lợi thế từ địa vị cầm quyền của họ, hệ thống nào cũng dễ dàng lạm dụng, và phải luôn thận trọng thì mới giữ được chất lượng của chế độ dân chủ. Những vụ vi phạm luật pháp thỉnh thoảng mới diễn ra hay sự kiện là đảng cầm quyền có một số thuận lợi trong cạnh tranh không làm cho các cuộc bầu cử trở thành phi dân chủ, khi các các cử tri vẫn có thể “đẩy những kẻ ăn bám ra” bằng những phương tiện chính trị bình thường.
Hiện nay đã có một tập hợp khá tốt các tiêu chí để đánh giá tính công bằng trong bầu cử. Bầu cử là công bằng khi được điều khiển bởi một cơ quan quyền lực trung lập, khi cơ quan bầu cử có đủ thẩm quyền và đủ nguồn lực để có đủ biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn gian lận; khi cảnh sát, quân đội và tòa án đối xử với các ứng cử viên và các đảng phái cạnh tranh với nhau một cách không thiên vị; khi tất cả các đối thủ đều có quyền tiếp xúc với các phương tiện truyền thông công cộng; khi các khu vực bầu cử và luật pháp không gây bất lợi quá đáng cho phe đối lập; khi có sự kiểm tra quá trình bầu cử và kiểm phiếu một cách độc lập; khi bí mật của lá phiếu được bảo vệ; khi hầu như tất cả người trưởng thành đều có thể bỏ phiếu; khi các thủ tục cho việc tổ chức và đếm phiếu công bố rộng rãi cho mọi người đều biết; và khi có các thủ tục minh bạch và khách quan nhằm giải quyết các khiếu nại và tranh cãi về bầu cử.9 Những cố gắng nhằm xúc phạm tính tự do và công bằng của cuộc bầu cử tạo ra những khuôn mẫu có thể nhìn thấy được trước ngày bầu cử khá lâu. Những thiên lệch và sai sót là để cho các quan sát viên quốc tế, nếu những nhà quan sát này có thời gian, kinh nghiệm, lòng can đảm, nguồn lực, và chuyên môn về chính trị của đất nước có thể làm được việc đó.10
Nhưng, đáng tiếc là các nhà quan sát quốc tế thường không sẵn sàng tố cáo cuộc bầu cử chỉ có vẻ ngoài là cạnh cạnh tranh mà thực ra là gian lận quá mức. Hết lần này đến lần khác, từ Armenia, Nigeria đến Venezuela, bản năng của các phái bộ quan sát quốc tế là tuyên bố rằng – thậm chí ngay cả khi gian lận lan tràn – cuộc bầu cử nói chung phản ánh được “ý chí của các cử tri”, ngay cả khi các nhà quan sát nước ngoài có thể thấy rõ rằng bầu cử không phải là trung thực! Thực tế là, kết quả bầu cử tương đối phù hợp với những cuộc thăm dò dư luận được tiến hành một cách tương đối chính xác trước bầu cử không làm cho cuộc bầu cử trở thành dân chủ vì bầu cử là quá trình bao gồm nhiều việc chứ không chỉ là bỏ phiếu vào thùng trong ngày bầu cử và đếm phiếu một cách công bằng. Như Miriam Kornblith, thành viên độc lập của Hội đồng Bầu cử quốc gia Venezuela, người đã theo dõi việc tổng thống nước này phá hoại một cách từ từ chế độ dân chủ của đất nước sau cuộc bầu cử đầu tiên của ông này vào năm 1998, cảnh báo: “bầu cử có thể để nhân dân thể hiện ý chí tập thể và củng cố chế độ dân chủ chỉ khi cuộc bỏ phiếu và tất cả những việc diễn ra xung quanh nó là tự do và công bằng. Các cuộc bầu cử lệch đáng kể khỏi những tiêu chuẩn này có thể phục vụ cho những mục đích khác, trong đó có củng cố chế độ chuyên chế, tức là chế độ coi thường chính cơ chế dân chủ, nó chỉ tuân theo một cách chiếu lệ và sử dụng như công cụ mà thôi.11
Vì các yếu tố của việc cản trở và không công bằng trong bầu cử là phổ biến kéo dài liên tục từ những hành động riêng lẻ đến những hành động có hệ thống, cho nên khó có thể vẽ chính xác đường biên giới giữa dân chủ và không dân chủ. Một số nước, ví dụ như Venezuela, Nigeria, Tanzania, Armenia, và Kyrgyzstan, nằm trong vùng nhập nhằng hay còn tranh cãi giữa dân chủ và độc tài công khai. Họ có một hệ thống bầu cử đa đảng, với phe đối lập tương đối mạnh. Họ có một số không gian cho xã hội dân sự và bất đồng chính kiến về mặt tri thức. Nhưng, quyền tự do cá nhân và tự do của các hội đoàn bị áp lực ngày càng gia tăng, hay các cuộc bầu cử đầy gian lận, hoặc đấu trường cho các lực lượng đối lập và cạnh tranh bị những người đang cầm quyền hạn chế và đe dọa, cho nên khó có thể gọi những hệ thống này là dân chủ, ngay cả theo nghĩa tối thiểu của từ này. Do đó, tôi coi tất cả những nước này, cũng như Malaysia, Singapore và Iran, là độc tài bầu cử.12 Có nhiều chế độ như vậy ở Trung Đông và châu Phi, trong đó có các chế độ quân chủ (như Morocco và Jordan) và hệ thống độc đảng bá quyền (như Cameroon và Ethiopia), những nước có bầu cử đa đảng nhưng không phải là chế độ dân chủ vì các đảng chiến thắng không có quyền lực thực sự và đầy đủ để cai trị, hoặc phe đối lập chính trị không có cơ hội thực tế và hợp lý để giành chiến thắng. Trong những nước này, cử tri không có điều kiện phù hợp để buộc những kẻ cai trị phải chịu trách nhiệm giải trình.
Mặc dù vẫn có hệ thống quốc tế rộng rãi để theo dõi những cuộc bầu cử, nhưng ngày càng có nhiều người coi những cuộc bầu cử dân chủ là đương nhiên, là cái gì đó, mà một khi đã đạt được thì sẽ dễ dàng củng cố. Đây là điều đáng tiếc, vì trong khi bầu cử tự do và công bằng chỉ là một thành tố của chế độ dân chủ, nó là những thành tố tuyệt đối cần thiết nhưng cũng là thành tố mà các đảng cầm quyền và các vị tổng thống rất muốn lèo lái và làm cho suy thoái.
(Còn nữa)
Chú thích
(1) Joseph Schumpeter, Capitalism, Socialism, aud Democracy, 2nd ed. (New York; Harper, 1947), p. 269.
(2) Larry Diamond and Leonardo Morlino, “The Quality of Democracy: An Overview”, Journal of
(3) Đọc thêm: Larry Diamond, Developing Democracy: Toward Consolidation (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1999), pp. 10-13. Khi chế độ dân chủ đáp ứng được tất cả các thuộc tính hiến định của dân chủ tự do thì nó cũng đáp ứng được các quan niệm “dày” về chế độ dân chủ. Nhưng đánh giá mức độ dân chủ một phần phụ thuộc vào mức độ tham gia chính trị (trong đó có phụ nữ và các nhóm thiểu số) và các cam kết với các giá trị dân chủ. Những thành tố này có thể giúp hiểu rõ chất lượng toàn diện của chế độ dân chủ, nhưng khi coi chúng là tương đương về mức độ quan trọng với những cuộc bầu cử tự do và công bằng nhằm quyết định là có dân chủ hay không thì có thể gây ra nhầm lȁn như new Economist Index Intelligence Unit’s Index of Democracy, http// www.economist.com/ medla/pdf/DEMOCRACY_INDEX_2007_v3.pdf.
(3) Diamond, Developing Democracy, pp. 15-16. Có rất nhiều tên gọi khác cho kiểu chế độ này, trong đó có virtual democracy (chế độ dân chủ ảo), electoral authoritarian (độc tài bầu cử) và competitive authoritarian (độc tài cạnh tranh). Xin đọc Richard A. Joseph, “Africa, 1990--1997: from Abertura to Closure”, Journal of Democracy 9 (April 1998): 3-17; Andreas Schedler, “Elections without Democracy: The Menu of Manipulation” và Steven Levitsky and Lucan A: Way, “Elections without Democracy: The Rise of Competitive Authoritarianism”, Journal of Democracy 13, (April 2002): 36-50 and 51-65.
(4) Freedom House, Freedom in the World 2000-2001: The Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties (New York: Freedom House, 2001), p. 121. Xem phụ lục, bảng 1, để biết những thành phần được Freedom House ghi nhận.
(5) Freedom House, Freedom in the World 2000-2001: The Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties (New York: Freedom House, 2001), p. 121. Xem phụ lục, bảng 1, để biết những thành phần được Freedom House ghi nhận.
(6) Levitsky and Way, “The Rise of Competitive Authoritarianism”, p. 53.
(7) Gerrymandering là thuật ngữ nhằm chỉ việc cố ý tạo ra các khu vực bầu cử để chắc chắn đạt được những mục đích chính trị nào đó, đây là một thực tiễn lâu đời ở Mỹ. Nó có tên như thế là do ông Elbridge Gerry, đại biểu của Hội nghị Lập hiến Mỹ. Sau khi được bầu làm thống đốc bang Massachusets, năm 1812 Gerry đã tìm cách phân chia lại khu vực bầu cử đại biểu cho cơ quan lập pháp bang nhằm giúp Đảng Cộng hoà luôn duy trì được đa số. Sau đó có người nhận thấy bản đồ khu vực bầu cử đó có hình thù như con kì nhông (salamander) thì một nhà phê bình liền nói rằng nó giống con “Gerrymander” hơn. Thuật ngữ gerrymander, bao gồm cả động từ to gerrymander, sau này đã được đưa vào từ điển của nước Mỹ – ND.
(8) Carolyn M. Warner, The Best System Money Can Buy: Corruption in the European Union (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 2007).
(9) Đoạn này trích từ Jorgen Elklit and Palle Svensson, “What Makes Elecllons Free and Fair?” Journal of Democracy 8 (July 1997): 32-46. Đọc thêm những bài tiểu luận viết về cơ quan bầu cử trong Andreas Schedler, Larry Diamond, and Marc F. Plattner, eds., The Self-Restraining State: Power and Accontability in New Democracies (Boulder, Colo.: Lynne Rienner, 1999), pp. 75-142.
(10) Muốn tìm hiểu lời phê bình việc quan sát bầu cử của quốc tế, xin đọc Thomas Carothers, “The Rise of Election Monitoring: The Observers Observed”, Journal of Democracy 8 (July 1997): 16-31.
(11) Miriam Kornblith, “The Referendum in Venezuela: Elections versus Democracy”, Journal of Democracy 16 (January 2005): 136.
(12) Trong việc tính các chế độ dân chủ từ năm 1990 trong phụ lục, bảng 2, tôi chấp nhận phân loại của Freedom House trừ khi (như nước Nga, Venezuela và Nigeria trong một số năm) tôi phát hiện ra những bằng chứng đáng kể chứng tỏ rằng họ sai. Tôi còn coi Cộng Hòa Trung Phi là không dân chủ vì khó mà coi một nước với điểm 5 về quyền chính trị lại có thể là chế độ thực sự dân chủ. Một số phân loại gần đây của Freedom House hoặc chế độ dân chủ, như Malawi, Mozambique, và Comoros, cũng rất đáng ngờ. Trên thực tế, Steven Levitsky và Lucan Way cho rằng một số nước khác, được Freedom House coi là dân chủ – trong đó có Georgia, Albania.