[Tinh thần dân chủ]  Chương 3: Dân chủ thoái trào (Phần 3)

[Tinh thần dân chủ] Chương 3: Dân chủ thoái trào (Phần 3)

NƯỚC NGA QUAY LƯNG LẠI VỚI DÂN CHỦ

Không nơi nào mà sự thụt lùi về dân chủ hệ trọng về mặt chiến lược như ở Nga. Sự vươn lên nhanh chóng của Vladimir Putin, từ một cựu sĩ quan vô danh của KGB thành phó thị trưởng thành phố St. Petersburg vào năm 1994 và sau đó, chỉ trong có vài năm đã trở thành trợ lí hàng đầu của tổng thống Boris Yeltsin, rồi giám đốc An ninh Quốc gia (hậu duệ của KGB), được chỉ định làm thủ tướng, tổng thống dân cử, rồi cuối cùng là Sa hoàng thời hiện đại, cùng với quá trình xiết chặt từ từ quyền tự do và bóp nghẹt dân chủ ở trong nước. Chắc chắn là chế độ dân chủ dưới thời Yeltsin, về nhiều phương diện, còn hỗn loạn và hời hợt; èo uột vì các đảng chính trị còn yếu, quyền hành tập trung trong tay tổng thống, “xã hội dân sự rời rạc, chưa có bộ máy tư pháp độc lập và sự ủng hộ dân chủ của nhân dân bị suy giảm.”1 Sự sụp đổ của đồng Rub hồi giữa năm 1998 đã đẩy những nhà cải cách theo đường lối tự do ra khỏi chính phủ của Yeltsin và làm cho ông ta càng phụ thuộc vào những người có tư tưởng bài bác tự do. Một số người còn cho rằng kết thúc của chế độ dân chủ bắt đầu từ sự thao túng diễn ra đằng sau việc tái cử của Yeltsin vào năm 1996.2

Khi sức khỏe và khả năng hoạt động của Yeltsin suy giảm quá nhanh trong nhiệm kì thứ hai, chế độ dân chủ ở Nga rơi vào tình trạng gần như tê liệt, trong khi những doanh nghiệp “đầu sỏ”, có dây mơ rễ má với chính trị, lại giàu nhanh đến mức không ai tưởng tượng nổi. Nạn tham nhũng và câu kết trong quá trình tư nhân hóa lớn đến nỗi một nhà khoa học Mỹ đã gọi đấy là “quá trình phong kiến hóa nhà nước.”3 Khi nhiệm kì thứ hai của Yeltsin chuẩn bị kết thúc vào năm 2000, nhà lãnh đạo ngày càng xa rời công việc quốc gia này dường như chỉ quan tâm tới việc bảo vệ an toàn cho gia đình và tài sản của ông ta mà thôi. Sau khi kiểm tra một loạt các vị thủ tướng nhằm tìm người kế nhiệm mình, cuối cùng – trước khi từ chức vào ngày 31 tháng 12 năm 1999 – Yeltsin đã chọn một người đầy mưu mô là Putin và bổ nhiệm ông ta làm thủ tướng vào tháng 8 năm đó.

Việc Yeltsin rút lui đã tạo điều kiện cho Putin, như một người đang nắm quyền, tiến hành cuộc tuyển cử sớm, với thời gian tranh cử rút xuống chỉ còn một nửa. Được sự hỗ trợ của tinh thần dân tộc – được hâm nóng bởi cuộc chiến ở Chechnya và những vụ nổ chung cư ở Moskva và Volgodonsk mà chính phủ gán cho quân khủng bố Chechnya – Putin đã giành chiến thắng vang dội ngay vòng bầu cử đầu tiên vào tháng 3 năm 2000, với 53% phiếu bầu (người kế tiếp, một nhà lãnh đạo cộng sản chỉ giành được 29% phiếu bầu).4 Các nhà quan sát quốc tế cho rằng cuộc bầu cử bị những sự kiện bất thường nghiêm trọng làm cho hoen ố, còn những tờ báo độc lập hàng đầu thì kết luận rằng nếu không có gian lận, Putin sẽ phải trải qua vòng bầu cử thứ hai cùng với đối thủ là nhà lãnh đạo cộng sản kia.5 Chỉ có ít nhà phân tích nghi ngờ chiến thắng của Putin: “Sau nhiều năm động loạn, nhân dân Nga muốn có một bàn tay sắt, [hứa hẹn] xây dựng được một nhà nước mạnh hơn.”6

Sau khi được bầu, Putin đã tiến hành một số biện pháp khéo léo và cực kì hiệu quả nhằm tập trung quyền lực vào tay Điện Kremlin, đánh tan lực lượng đối lập theo đường lối tự do còn khá rời rạc và từng bước một chế ngự được tất cả những trung tâm quyền lực độc lập và trách nhiệm giải trình. Ưu tiên trước hết là phá bỏ chế độ liên bang của nước Nga, nền tảng quan trọng của chủ nghĩa đa nguyên chính trị và ngăn chặn quyền lực của trung ương. Với đa số ủng hộ chính phủ ở Duma, tức hạ viện, Putin đã khuất phục được thượng viện, tức Hội đồng Liên bang bằng cách loại bỏ khỏi cơ quan này 89 thống đốc và những người đứng đầu cơ quan lập pháp khu vực được bầu một cách độc lập. Ông ta thay họ bằng những người do ông ta bổ nhiệm, biến thượng viện thành “các nghị gật.”7 Sau đó ông ta đặt ra bảy “siêu khu vực” cũng do người do ông ta bổ nhiệm – những người kiểm soát những nguồn lực lớn – lãnh đạo. Cùng với thời gian, ông ta đưa những cựu sĩ quan quân đội và cảnh sát (gọi là siloviki) – những người tuyệt đối trung thành với ông ta và có thái độ thù địch với chủ nghĩa đa nguyên dân chủ – lên nắm các cơ quan hành pháp, nội các cũng như các cơ quan trong Điện Kremlin.

Dần dần, Putin quay sang những ông trùm trong lĩnh vực kinh doanh, những người không chịu cúi đầu trước nhóm quyền lực mới. Những tỉ phú nắm cả những phương tiện truyền thông độc lập, Vladimir Gusinsky và Boris Berezovsky, là mục tiêu đầu tiên. Thông qua những cuộc điều tra tham nhũng và thuế khóa đã bị chính trị hóa, những ông trùm có thái độ độc lập về chính trị này bị tước mất các phương tiện truyền thông đại chúng và bị tống vào tù; những người khác thì bị cảnh cáo. Tháng 6 năm 2003, “hệ thống truyền hình độc lập cuối cùng, TVS, bị chính phủ nắm, với lý do là để giải quyết nợ nần của công ty” và từ đó trở đi “tất cả hệ thống truyền hình quốc gia của Nga đều do chính phủ hoặc do những tập đoàn kinh tế ủng hộ chính phủ và đồng thanh ca ngợi tổng thống nắm.”8 Tháng 10 năm 2003, Putin tung các công tố viên vào cuộc chiến chống lại người giàu có nhất trong nước, Mikhail Khodorkovsky, một người đàn ông năng động, mới 40 tuổi và đang là chủ tập đoàn dầu khi Yukos. Khodorkovsky, một người được cho là đang chuẩn bị thách thức Putin về mặt chính trị đã bị buộc tội trốn thuế, bị bắt giam và bị đánh đập, còn đế chế kinh doanh của ông thì bị xóa bỏ trước cả khi ông bị kết án. Số phận của Khodorkovsky – ông bị kết án chín năm tù (tháng 5 năm 2005) – đã bịt miệng các nhà lãnh đạo chính trị và tài chính, nguồn gốc chống đối lớn cuối cùng đối với quyền lãnh đạo của Putin.

Sợ hãi gia tăng vào tháng 10 năm 2006 sau vụ giết hại Anna Politkovskaya, một nhà báo độc lập dũng cảm và trực tính nhất nước Nga. “Nhà báo Nga thứ 13 là mục tiêu trong vụ giết hại theo hợp đồng kể từ khi tổng thống Vladimir Putin nắm được quyền lực vào năm 2000”, Politkovskaya dũng cảm viết về sự tàn bạo của cuộc chiến tranh ở Chechnya và “chuẩn bị bóc trần cảnh tra tấn và mất tích do lực lượng an ninh [thân Moskva] tiến hành ở Chechnya ...thì bà bị giết”. Sau khi Politkovskaya bị giết hại, một nhà hoạt động nhân quyền đã gọi bầu không khí ở nước Nga ngày nay là chủ nghĩa phát xít.9 Trong khi người ta đang điều tra về vụ ám sát Politkovskaya thì ngay trong tháng sau, cựu điệp viên KGB, Alexander Litvinenko, bị sát hại khi ông đang sống lưu vong ở London bằng thuốc độc chứa chất Polonium, một chất phóng xạ cực mạnh. Trong khi hấp hối, ông đã tố cáo tổng thống Putin sát hại mình.10

Khi các doanh nghiệp lớn đã sợ hãi hay bị khuất phục và hầu như tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đều bị tiêu diệt hay ngậm miệng, Putin đã có thể giành chiến thắng áp đảo ở Duma vào tháng 12 năm 2003 và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm 2004. Khi các đảng đối lập phải chiến đấu để đưa thông điệp của họ lên sóng phát thanh do chính phủ quản lí, thì Đảng Thống Nhất do Kremlin kiểm soát và cánh hữu cũng như các liên minh cánh hữu kiểm soát được hai phần ba ghế trong viện Duma.11 Trong số các đảng đối lập, chỉ có Đảng Cộng Sản là chiếm được vài ghế mà thôi. Các đảng theo đường lối tự do chủ chốt thiếu đúng 5% phiếu, không vượt qua được ngưỡng để có đại diện theo tỉ lệ – “mặc dù thăm dò sau khi bỏ phiếu cho thấy họ vượt qua được ngưỡng” – làm người ta ngờ rằng đã có gian lận.12 “Tất cả các đài phát thanh và truyền hình quốc gia và hầu hết báo chí đều ủng hộ vị tổng thống đương nhiệm là Putin”, làm cho cuộc bầu cử vào tháng 3 năm sau trở thành một vở hài kịch. Putin giành được 71% phiếu bầu, đối thủ gần nhất của ông – vẫn là ứng viên cộng sản – chỉ thu được 14% phiếu bầu. Bám chặt vào quyền lực thêm một nhiệm kì nữa, Putin chỉ đạo quốc hội bỏ cuộc bầu cử thống đốc 89 khu vực của nước Nga, “củng cố thêm chế độ độc tài.”

Theo tôi, nước Nga không còn là chế độ dân chủ vào năm 2000, đấy là khi Putin quyết tâm loại bỏ cơ chế đối trọng và kiểm soát lẫn nhau trong hệ thống hiến định còn nhiều trục trặc của nước này. Ngay từ cuối năm 2000, Freedom House đã đưa Nga xuống còn 5 điểm trong thang 7 điểm về các quyền chính trị và tự do dân sự (trong phần lớn giai đoạn cầm quyền của Yeltsin, Nga thường được 3 điểm về các quyền chính trị và 4 điểm cho tự do dân sự). Nhiều nhà quan sát (trong đó có Freedom House), cho đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, vẫn tiếp tục coi Nga là chế độ dân chủ tự do cứng rắn. Cuộc bầu cử năm 2004 đã củng cố kết quả của bốn năm phá hoại, hăm dọa và đàn áp. Cuối năm 2004, Freedom House coi Nga là nước độc tài và hạ bậc từ “phần nào tự do” xuống thành “không tự do”, sau khi Liên Xô sụp đổ, đây là lần đầu tiên Nga rơi xuống vị trí như thế.

Chú thích: 

1. Michael McFaul, “What Went Wrong In Russia? The Perils of a Protracted Transition?” Journal of Democracy 10 (April 1999): 11. Không phải tất cả các nhà phân tích đều đồng ý rằng dưới trào Yeltsin Nga là nước dân chủ. Đối với nhà chính trị học Lilia Shevtsova thì đấy là chế độ độc tài dân cử với đặc điểm là “thường xuyên có xung đột giữa chính phủ hợp pháp và được bầu theo lối dân chủ với nhà lãnh đạo mà quyền lực mang tính độc tài”. “Russia under Putin: Can Electoral Autocracy Survive”, Journal of Democracy 11 (July 2000): 37.

2. Ivan Krastev, “New Threats to Freedom: Democracy’s ‘Doubles’”, Journal of Democracy 17 (April 2006): 54.

3. Charles Fairbanks, “What Went Wrong In Russia? The Feudalization of the State”, Journal of Democracy 10 (April 1999): 47-53.

4. Lilia Shevtsova, “Russian Democracy In Eclipse: The Limits of Bureaucratic Authoritarianism”, Journal of Democracy 15 (July 2004): 68. Những người phê phán sau đó tố cáo rằng Putin và những người ủng hộ ông ta đã thực hiện những vụ nổ đó nhằm củng cố sự ủng hộ đối với cuộc chiến ở Chechnya. Đấy là một trong những nghi ngờ chính của người bị sát hại là Alexander Litvinenko, cựu sĩ quan KGB và FSB, đã bỏ trốn sang Anh vào năm 2000 sau khi tuyên bố rằng ông ta được lệnh giết Boris Berezovsky – một tỉ phú Nga không được lòng Putin.

5. Freedom House, Freedom in the World, 2000-2001, p. 446.

6. Michael McFaul, “Russia under Putin: One Step Forward, Two Steps Back”, Journal of Democracy 11 (July 2000): 32.

 7. Michael McFaul and Nikolai Petrov, “Russian Democracy In Eclipse: What the Elections Tell Us”, Journal of Democracy 15 (July 2004): 24.

8. Freedom House, Freedom in the World, 2005: The Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties (New York: Freedom House, 2005), p. 522.

9. Fred Weir, “Slain Russian Journalist Kept Eye on Chechnya”, Cristian Sience Monitor, October 10, 2006, http://www.csmonitor.com/2006/1010/p04s02-woeu.html.

10. Alan Cowell, “London Riddle: A Russian Spy, A Lethal Dose”, New York Times, November 25, 2006.

11. McFaul and Petrov, “Russian Democracy In Eclipse”, pp. 21-22.

12. Freedom House, Freedom in the World, 2005, p. 520.

 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường