Ngổn ngang giấy phép con

Ngổn ngang giấy phép con

Cải cách giấy phép kinh doanh ở Việt Nam như một trường thiên tiểu thuyết, mãi chưa thấy hồi kết.

Trước năm 2000 ở Việt Nam nghề nhặt ve chai, đánh máy chữ cũng phải có giấy phép, có những công ty muốn kinh doanh tại Hà Nội phải có giấy phép của Chủ tịch Thành phố, có những công ty chỉ được kinh doanh từ đèo Hải Vân trở vào. Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải từng ra 3 quyết định bãi bỏ gần 200 giấy phép kinh doanh khi thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999, tôi nhớ thời điểm trước Tết âm lịch, nhiều doanh nghiệp mừng rơi nước mắt. Họ gọi đó là món quà tết quý giá của Thủ tướng.

Nhưng giấy phép cắt rồi mọc. Việc cắt thường rất khó, rất lâu nhưng mọc thì rất nhanh và nhiều. Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, đơn vị chuyên cải cách giấy phép kinh doanh, từng hoạt động rất năng động trước đây rồi cũng lui vào lặng lẽ.

Anh Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng Ban Pháp chế của VCCI có nói một câu chua chát rằng: Anh tham gia cải cách giấy phép kinh doanh từ khi tóc mình vẫn còn xanh mà giờ đã bạc trắng mà thực trạng giấy phép con không hề thay đổi.

Điều kiện kinh doanh có muôn hình vạn trạng, có trong hàng nghìn quy định hiện nay. Tất nhiên, nó không minh định rõ dưới tên gọi giấy phép hay điều kiện kinh doanh cụ thể. Nó có thể là trách nhiệm thông báo nhưng phải có xác nhận của cơ quan Nhà nước (thực ra là xin phép), nó là văn bản chấp thuận để doanh nghiệp hoạt động, là phương án kinh doanh phải được duyệt, là giấy uỷ quyền của nhà sản xuất phải cung cấp, là kinh doanh phải phù hợp quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm, là sản phẩm sản xuất ra bắt buộc phải dán tem…

Thường một quy định điều kiện kinh doanh đặt ra vì sự thuận tiện và tránh rủi ro cho nhà quản lý nhưng làm oằn lưng chi phí đối với doanh nghiệp. Chẳng hạn quy định doanh nghiệp vận tải biển phải có bảo lãnh của ngân hàng, mức bảo lãnh tối thiểu là 5 tỷ đồng khi vận chuyển quốc tế. Quy định này được đặt ra từ hiện tượng chủ tàu “bỏ rơi” thuyền viên của mình ở nước ngoài.

Nhưng chỉ vì một số ít doanh nghiệp không tuân thủ tốt, Nhà nước đã bắt tất cả các doanh nghiệp đang làm ăn nghiêm túc phải còng lưng gánh thêm chi phí. Lãi suất vay vốn ngân hàng tại Việt Nam vốn đã cao gấp đôi, gấp ba các nước khác, mỗi chuyến hàng phải cõng thêm chi phí bảo lãnh từ ngân hàng đắt đỏ thì làm sao các hãng tàu yếu ốm của Việt Nam cạnh tranh lại được với hãng tàu các nước?

Một loại điều kiện kinh điển khác: buộc doanh nghiệp phải thực hiện tất cả mọi khâu của quy trình sản xuất, hay yêu cầu phải sở hữu máy móc, thiết bị.

Doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm cần sắm đủ cả dây chuyền, thậm chí phải có xưởng sản xuất mút xốp (cung cấp vài nghìn mũ bảo hiểm ra thị trường cũng phải có riêng cơ sở sản xuất mút xốp). Cơ sở đóng tàu cá cũng phải có máy móc đủ tất cả các khâu. Thậm chí cơ sở in nhận hợp đồng in rồi không được hợp tác gia công sau in với doanh nghiệp khác, phải tự làm vì quy định pháp luật.

Cách đặt ra các điều kiện này đang đi ngược xu hướng kinh doanh theo chuỗi sản xuất, tận dụng tối đa hiệu quả sản xuất của nhiều doanh nghiệp để cùng tạo nên một sản phẩm.

Yêu cầu đầu tư lớn cả dây chuyền, phải sở hữu được hạ tầng thiết bị chính là lực cản lớn nhất đối với doanh nghiệp nhỏ gia nhập thị trường. Họ không đủ vốn, đủ nguồn lực để đáp ứng ngay lập tức các yêu cầu phi lý trên.

Các điều kiện kinh doanh hiện đang quá xa thực tế kinh doanh. Điều tôi không lý giải được là thói quen của rất nhiều cơ quan cứ nghĩ đến nhân lực là quy về bằng cấp, thế nên chủ doanh nghiệp hay người đứng đầu cần phải có bằng đại học, chí ít là cao đẳng. Không hiểu vì mục tiêu gì?

Nghị định 60 năm 2014 quy định người đứng đầu cơ sở in phải có bằng cao đẳng ngành in, nghị định 160 năm 2016 quy định người phụ trách doanh nghiệp vận tải biển nội địa phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên.

Ngay luật Thuỷ sản đang dự thảo cũng quy định cơ sở giống thuỷ sản phải có cán bộ tốt nghiệp đại học… Một doanh nghiệp in khi bình luận về các quy định điều kiện này kể chuyện trong ngành in của ông, có vị tiến sĩ chuyên ngành in đứng đầu một doanh nghiệp in be bé nhưng kinh doanh thua lên lỗ xuống, ngược lại có ông chủ doanh nghiệp doanh nghiệp in lớn, chưa hề tốt nghiệp cấp 3 lại có doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm, tăng trưởng ngoạn mục. Một vị chủ tịch hiệp hội vận tải biển, sở hữu 6 tàu vận tải đi biển bình luận tại cuộc họp gần đây, rằng ông chưa học hết cấp 3, nhưng có kinh nghiệm đi biển non nửa thế kỷ, luồng lạch nào ở Việt Nam ông cũng rành. Tại sao phải mời một người có bằng cấp về phụ trách doanh nghiệp ông?

Tôi muốn kể những câu chuyện trên để cho thấy bức tranh về điều kiện kinh doanh đang ngổn ngang như thế nào.

Chính vì vậy, việc Bộ Công thương ban hành kế hoạch cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh cách đây 2 hôm là rất quý. Vấn đề là khi nào kế hoạch mạnh mẽ này trở thành các quy định cụ thể? Cải cách điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương thành hiện thực? Và tiếp sau Bộ Công thương sẽ là những bộ nào?

Nguồn: Đậu Anh Tuấn, Ngổn ngang giấy phép con, VnExpress, 23/9/2017