Hình dung tương lai trung tâm tài chính
(TBKTSG) Lãnh đạo TPHCM vừa có buổi gặp gỡ, trao đổi với các trí thức, doanh nghiệp kiều bào về chủ đề “Giải pháp xây dựng TPHCM trở thành đô thị sáng tạo và trung tâm tài chính khu vực”. Hình hài một trung tâm tài chính trong bối cảnh công nghệ phát triển vượt bậc hiện nay như thế nào? Chúng ta có thể học được gì từ kinh nghiệm các nước?
Rất nhiều khách du lịch đến thăm Phố Wall ngạc nhiên và có phần thất vọng vì biểu tượng tài chính lừng danh này chỉ là một con phố nhỏ không hơn đường Huỳnh Thúc Kháng ở quận 1, TPHCM là mấy. Ngay cả trụ sở của sàn giao dịch chứng khoán New York giữa Phố Wall cũng khá khiêm nhường.
Có lẽ chỉ có mỗi tượng con bò bằng đồng ở đầu phố, biểu tượng cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, là chỉ dấu để khách du lịch tin rằng mình đang đứng giữa trái tim tài chính của nước Mỹ và thế giới.
Điều làm New York trở thành một trong những nơi trung chuyển vốn lớn nhất thế giới không phải là các tòa nhà chọc trời mà là hệ sinh thái các dịch vụ tài chính của nó.
Mà không chỉ New York, tất cả trung tâm tài chính khác trên thế giới đều như vậy.
Tài chính là một loại dịch vụ thứ cấp nên nó phải phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, dù rất quan trọng nhưng các hoạt động tài chính luôn đứng đằng sau các loại hình kinh tế khác. New York, Chicago, London, Frankfurt, Hồng Kông đều là các trung tâm kinh tế, thương mại lớn trước khi trở thành trung tâm tài chính.
Vì hầu hết các hoạt động kinh tế đều cần vốn nên các đầu mối kinh tế luôn có nhu cầu lớn cho các dịch vụ thu xếp vốn, thông qua khoản vay ngân hàng hay các đợt phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra thị trường chứng khoán.
Các hoạt động kinh tế phức tạp cũng cần một hệ thống thanh toán hiệu quả giúp kích thích sự phát triển của các ngân hàng thương mại và các nền tảng thanh toán liên ngân hàng, liên quốc gia. Bởi vậy điều kiện cần để một thành phố trở thành một trung tâm tài chính là bản thân nó phải là một trung tâm kinh tế, thương mại trước đã.
Thứ hai, giống như các loại dịch vụ khác khi “phần mềm” quan trọng hơn “phần cứng”, điều kiện đủ để một thành phố trở thành trung tâm tài chính là hai loại “vốn xã hội”: nguồn nhân lực chất lượng và môi trường pháp lý hiệu quả. Nhiều trung tâm tài chính quốc tế ra đời từ khi thế giới chưa có máy tính, thậm chí chưa có điện thoại cố định, nhưng chúng vẫn giúp luân chuyển dòng vốn rất tốt nhờ vào những khuôn khổ pháp lý rõ ràng và đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Nếu những hành vi lừa đảo, phạm pháp tài chính tràn lan thì các thể chế tài chính sẽ nhanh chóng bị mất niềm tin từ cả phía cung lẫn phía cầu vốn và sẽ không thể phát triển thành trung tâm tài chính lớn được.
Ở hầu hết các nước, khuôn khổ pháp lý liên quan đến tài chính như luật chứng khoán, tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán, niêm yết được quy định ở tầm mức quốc gia. Nhưng các địa phương vẫn có thể gia tăng sự thông thoáng môi trường pháp lý của mình, đặc biệt ở các cơ quan hành chính, tòa án, trọng tài kinh tế sở tại.
Giúp các tổ chức nghề nghiệp đưa ra các tiêu chuẩn ngành, có tiếng nói trong quá trình soạn thảo luật quốc gia, vận động cho các chính sách kinh tế có lợi cho sự phát triển của ngành tài chính là những điều chính quyền địa phương hoàn toàn có thể làm được.
Ở khía cạnh vốn con người, ngoài việc đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu, chính quyền có thể theo đuổi mục tiêu thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương khác và cả từ nước ngoài, không chỉ cho ngành tài chính mà cho mọi hoạt động kinh tế. Thu hút chất xám không chỉ là đãi ngộ. Thực ra thu nhập của khu vực tài chính khá cao nên không cần chính quyền can thiệp. Điều quan trọng để thu hút chất xám là môi trường sống tốt, hạ tầng công cộng, giáo dục, y tế có chất lượng.
Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, trong bối cảnh làn sóng công nghệ di động, điện toán đám mây và nhất là trí tuệ nhân tạo bùng nổ, ngành tài chính thế giới đang bước vào một cuộc thay đổi lớn. Dịch vụ tài chính càng ngày càng dựa vào công nghệ, do vậy bản chất của các trung tâm tài chính sẽ dịch chuyển thành các trung tâm công nghệ và/hoặc cộng sinh với các trung tâm công nghệ. Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm tài chính hiện hữu đồng thời là cơ hội cho các trung tâm non trẻ ra đời.
Một đặc điểm quan trọng của làn sóng công nghệ mới là tính phi tập trung ngày càng cao, dù là trong các ứng dụng blockchain, cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending), hay huy động vốn từ đám đông (crowdfunding). Phi tập trung theo chiều ngang khi các dịch vụ tài chính không cần tập trung hoặc thông qua các đầu mối lớn nữa; còn phi tập trung theo chiều dọc với các công ty công nghệ tài chính (FinTech) nhỏ gặm nhấm dần từng mảng dịch vụ của các định chế tài chính hiện hữu. Quá trình này sẽ làm giảm dần lợi thế nhờ quy mô (economy of scale) của các trung tâm tài chính lớn.
Bởi vậy, bên cạnh các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp truyền thống, phát triển hệ sinh thái FinTech sẽ là một hướng mới cho các trung tâm tài chính. Về cơ bản đó cũng là các chính sách khuyến khích phát triển đặc thù cho thế giới startup công nghệ: thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, các dịch vụ tư vấn trợ giúp, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D), hội thảo, workshop công nghệ, thiết lập các văn phòng làm việc chung (co-working space) với hạ tầng thông tin và tính toán mạnh.
Nhưng có lẽ giúp đỡ lớn nhất cho hệ sinh thái FinTech là giúp dỡ bỏ các rào cản pháp lý và hạn chế các định chế tài chính hiện hữu vận động hành lang bảo vệ vai trò độc quyền của họ.
Trusting Social, một công ty công nghệ tài chính thuần Việt, đang tiến gần tới mục tiêu đó và còn nhiều startup khác cũng rất có triển vọng. Đó sẽ là tương lai trung tâm tài chính của Việt Nam, của TPHCM.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 16/4/2019