[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Lời giới thiệu

[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Lời giới thiệu

LỜI NHÀ XUẤT BẢN 

Nhà xuất bản Tri thức trân trọng giới thiệu cuốn Tự do kinh tế và chính thể đại diện (Economic Freedom and Representative Government, The Institute of Economic Affairs, 1973) của F. A. Hayek, do dịch giả Đinh Tuấn Minh tuyển chọn và dịch. Chúng tôi cũng xin lưu ý bạn đọc rằng đây là sách tham khảo, phản ánh hoàn toàn quan điểm của tác giả, chủ yếu dành cho những người làm công tác nghiên cứu. Để đảm bảo tính khách quan cũng như sự tôn trọng tính toàn vẹn của tác phẩm, chúng tôi xin được giới thiệu đầy đủ bản dịch đến bạn đọc.

Chúng tôi tôn trọng, nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm, cách tiếp cận và lí giải riêng của tác giả về các vấn đề được đề cập đến trong cuốn sách.

Chúng tôi mong độc giả đọc cuốn sách này như một tài liệu tham khảo với tinh thần phê phán và khai phóng.

Nhà xuất bản xin trân trọng đề nghị bạn đọc xem Lời dịch giả, trước khi đọc các chương tiếp theo, để hiểu đúng khái niệm “Chủ nghĩa xã hội” được trình bày trong cuốn sách này.

Xin chân thành cảm ơn!

LỜI NGƯỜI DỊCH 

Trong tác phẩm Tự do kinh tế và chính thể đại diện, bằng những phân tích sắc sảo, Hayek đã chỉ ra rằng, với cách thức tổ chức chính quyền đại diện như ở các nước phương Tây hiện nay, cơ chế dân chủ - một thiết chế cần thiết để vận hành các chính thể đại diện - đã và đang bị lạm dụng để hợp thức hóa các ước muốn không giới hạn của phái đa số cầm quyền, tức biến các chính thể đại diện trở thành những nền dân chủ không giới hạn. Hệ quả của một nền dân chủ đại nghị không giới hạn sẽ là khủng hoảng kinh tế (như đình lạm trong thập kỉ 1960 và 1970 hay khủng hoảng nợ công hiện nay), bất ổn xã hội và làm suy giảm quyền tự do kinh tế và mưu cầu hạnh phúc của người dân.

Để có thể tiếp thu trọn vẹn những ý tưởng của Hayek, chúng tôi có một lưu ý nhỏ về thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội” mà ông phê phán trong cuốn sách này. Đây là thuật ngữ thông dụng được giới trí thức đương đại dùng để ám chỉ hệ thống tư tưởng dân chủ xã hội (democratic socialism) thịnh hành ở phương Tây sau Thế chiến II. Đại diện tiêu biểu của hệ tư tưởng này là các đảng dân chủ xã hội ở các nước châu Âu và châu Mĩ Latin. Hệ tư tưởng này chấp nhận mô hình dân chủ đại nghị nhưng lại muốn sử dụng nhà nước như là một công cụ để tái phân phối thu nhập nhằm đảm bảo công bằng xã hội.

Thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội” mà Hayek đề cập gắn với mô hình dân chủ đại nghị (đa đảng), rõ ràng khác hoàn toàn với thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội” đang được sử dụng hiện nay ở Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam hiện đang theo đuổi thể hiện việc theo đuổi lí tưởng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mà cho tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam về cơ bản đã xác định được công cụ để theo đuổi lí tưởng này chính là một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế kết hợp với một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa1.

Độc giả có thể dễ dàng nhận ra cả hai công cụ “kinh tế thị trường” và “nhà nước pháp quyền” mà Việt Nam đang tìm cách tạo dựng và khai thác một cách có hiệu quả để theo đuổi lí tưởng xã hội chủ nghĩa của mình chính là hai công cụ luôn được Hayek ca ngợi và nhấn mạnh trong các trước tác của ông để giúp cho một nhà nước có thể mang lại tự do và hạnh phúc thực sự cho người dân. Tức là những nội dung lớn trong tư tưởng kinh tế chính trị của Hayek không hề có chút mâu thuẫn nào với lí tưởng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang theo đuổi. Hi vọng rằng những phân tích mang tính phê phán của Hayek về những lỗ hổng của hệ thống chính thể đại diện phương Tây cũng như những đề xuất giải pháp để hiệu chỉnh lại hệ thống này sẽ đưa lại nhiều gợi mở quan trọng cho giới chuyên gia và những người làm chính sách của đất nước.

LỜI TỰA

Khi Thế chiến II (1939-1945) đi đến hồi kết, không ai có thể đoán được mức độ mà chính phủ sẽ dẫn nước Anh lún sâu vào Đường về nô lệ [The Road to Serdom - tên một cuốn sách của Hayek, xuất bản năm 1944 - ND] như thời điểm năm 1973. Tương tự, trong những năm tháng hòa bình kế tiếp, cũng không ai có thể dự báo còn bao xa thì chúng ta sẽ đi đến cái thời điểm như (tác phẩm) 1984 của Orwell. Giáo sư Hayek đã có những đóng góp nổi bật, giúp chúng ta hiểu tốt hơn về cơ chế giá cả và hoạt động sản xuất; và điều đó đã mang lại danh tiếng cho ông như là một trong những nhà kinh tế học hàng đầu thế giới.

Kể từ đó, ông càng thêm nổi tiếng với tư cách là một nhà triết học xã hội cũng như một nhà khoa học chính trị. Thực phù hợp khi kinh nghiệm và kiến thức rộng rãi của ông được dẫn ra để tôn vinh Harold Wincott, người luôn ngưỡng mộ ông; đặc biệt là ở thời điểm quyết định trong sự phát triển kinh tế và xã hội ở nước Anh chúng ta.

Có hai ngạn ngữ Latin thích hợp với thời điểm khó khăn hiện tại của chúng ta. Ngạn ngữ thứ nhất thích hợp bởi đâu đâu người ta cũng tin rằng chỉ cần một phương thuốc vạn năng là đủ để giải quyết mọi vấn đề. Symmachus, người nài xin giữ lại Bệ thờ Chiến Thắng ở La Mã thời Constantius, đã nói: “Uno itinere non potest pervenire ad tam grande secretum" - "Chỉ với một con đường thì không thể nào đạt đến được sự huyền bí vĩ đại như vậy”. Thật vậy, các ưu điểm của cạnh tranh, có được càng nhiều khi thị trường càng tự do, và của việc mở cửa cơ hội kinh doanh cho tất cả những người có tài tham gia chính là ở chỗ chúng mang đến những con đường khác nhau với các phí tổn khác nhau để đạt được cùng mục đích.

Ngạn ngữ thứ hai là sự than phiền cay đắng của Sidonius Apollinaris vùng Auvergne về Đức Giám mục của Clermont Ferrand, người chiến đấu chống lại người Visigoths để bảo vệ thành Rome đang bị suy yếu, nhưng sau đó đã thỏa thuận sau lưng Sidonius nhượng lại toàn bộ lãnh thổ của Sidonius cho người Visigoths, bằng những lời như sau: “Facta est pretium suae pacis nostra servitudo” - “Cái giá mang lại nền hòa bình cho họ là sự nô lệ của chúng tôi”. Ngày nay nhiều người hẳn đã cảm thấy rằng sự yên bình mà các chính trị gia, hay các quan chức, hay những nhóm lợi ích lớn có được là nhờ việc đẩy những thường dân lún sâu vào tình trạng nô lệ, với mức độ lựa chọn ngày càng giảm bớt.

Giáo sư Hayek không chỉ nhấn mạnh các mối đe dọa đối với chế độ dân chủ đến từ các cố gắng ngăn chặn lạm phát bằng các “chính sách thu nhập”, mà còn chỉ ra những phương cách có thể ngăn chặn được những mối đe dọa này. Ba mươi năm trước, Joseph Schumpeter đã đặt ra vấn đề rằng liệu nền kinh tế tự do có thể vận hành được trong một hệ thống chính thể đại diện nhạy cảm với áp lực từ phái đa số, và liệu dưới áp lực này, nền kinh tế tự do có phải chấp thuận nhượng bộ và cung phụng cho các nhóm lợi ích của giới tư bản hoặc lao động hay không. Với việc nêu lại vấn đề này, Giáo sư Hayek đã hướng sự chú ý đến thế tiến thoái lưỡng nan chính yếu và cố hữu của nền dân chủ nghị viện.

GRAHAM HUTTON

Chú thích: 

(1) Xin xem cụ thể Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguồn: Friedrich Hayek (2015). Tự do kinh tế và chính thể đại diện. Đinh Tuấn Minh và Nguyễn Vi Yên dịch.