Bộ máy quan liêu: Hàm ý chính trị và xã hội của quá trình quan liêu (phần 5)

Bộ máy quan liêu: Hàm ý chính trị và xã hội của quá trình quan liêu (phần 5)

 
 
 
 
 
 
 
 
 

1. Triết lý của chế độ quan liêu 

Tình trạng đối đầu mà người ta gặp trong những cuộc đấu tranh vì tự do thời kì đầu là đơn giản và ai cũng có thể hiểu. Một bên là bạo chúa và những người ủng hộ anh ta; bên kia là những người ủng hộ chính phủ bình dân. Xung đột chính trị là cuộc đấu tranh của các nhóm người khác nhau nhằm giành thế thượng phong. Câu hỏi: Ai nên cai trị? Chúng ta hay chúng nó? Vài người hay nhiều người? Vua hay quý tộc hay nhân dân?

Ngày nay, triết lý “sùng bái nhà nước” đã cho làm mọi người rối trí. Xung đột chính trị không còn được coi là cuộc đấu tranh giữa các nhóm người khác nhau nữa. Xung đột được coi cuộc chiến giữa hai nguyên tắc, tốt và xấu. Nguyên tắc tốt hiện hình trong nhà nước lớn, trong quá trình cụ thể hóa ý tưởng trường cửu về đạo đức, còn nguyên tắc xấu được thể hiện trong “chủ nghĩa cá nhân thô kệch” của những người ích kỷ1. Trong cuộc đối đầu này, nhà nước luôn luôn đúng, còn cá nhân thì bao giờ cũng sai. Nhà nước là đại diện của cộng đồng, của công lý, của văn minh, và trí tuệ vượt trội. Cá nhân là một kẻ độc ác, một tên ngu ngốc xấu xa.

Khi một người Đức nói “nhà nước” (der Staat – tiếng Đức) hay khi một đồ đệ của Marx nói “xã hội”, là trong lòng họ tràn ngập nỗi kính sợ. Làm sao có thể thoái hóa đến mức dám nổi dậy chống lại Thượng đế Toàn trí toàn năng như thế?

Louis XIV đã rất thẳng thắn và chân thành khi nói: Ta là nhà nước2. Những người sùng bái nhà nước hiện đại là những người khiêm tốn. Anh ta nói: Tôi là công chức nhà nước; nhưng, anh ta muốn nói: Nhà nước là Thượng đế. Bạn có thể nổi dậy chống lại ông vua dòng họ Bourbon và người Pháp đã từng nổi dậy. Tất nhiên, đây là cuộc đấu tranh của con người chống lại con người. Nhưng bạn không thể nổi dậy chống lại nhà nước - thượng đế, và chống lại những người làm công việc lặt vặt, khiêm tốn; họ chỉ là những quan chức bàn giấy mà thôi.

Xin không đặt vấn đề về sự chân thành của những quan chức có thiện chí. Anh ta hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng nói rằng nghĩa vụ thiêng liêng của anh ta là chiến đấu vì thần tượng của mình trước thói ích kỷ của quần chúng. Anh ta cho rằng mình là người ủng hộ quy luật vĩnh cửu của thánh thần. Anh ta không cảm thấy rằng mình có trách nhiệm đạo đức trước những điều luật do con người tạo ra, trước những bộ luật mà những người bảo vệ chủ nghĩa cá nhân đã lập ra. Con người không thể thay đổi luật của Thượng đế, tức là của nhà nước. Cá nhân công dân vi phạm một trong những điều luật của đất nước mình là tội phạm, đáng bị trừng trị; cá nhân hành động vì lợi ích ích kỷ của mình. Nhưng quan chức bỏ qua luật lệ đã được ban hành theo đúng thể thức để làm lợi cho “Nhà nước” thì lại hoàn toàn khác. Theo tòa án “phản động”, quan chức này có thể đã phạm pháp. Nhưng theo ý thức đạo đức cao cả hơn thì ông ta đúng. Ông ta vi phạm luật của người, để không vi phạm luật của Trời.

Đây là cốt lõi của triết lý quan liêu. Trong mắt các quan chức, luật thành văn chỉ là rào cản được dựng lên để không cho những kẻ vô lại chống lại những đòi hỏi không thiên vị của xã hội mà thôi. Tại sao tội phạm hình sự lại có thể trốn tránh hình phạt chỉ vì “Nhà nước” trong lúc truy tố anh ta đã vi phạm một số thủ tục ngớ ngẩn nào đó? Tại sao người ta lại dám trả mức thuế thấp hơn vì luật thuế có lỗ hổng? Tại sao luật sư được kiếm sống bằng cách tư vấn cách kiếm lợi từ những lỗ hổng của luật thành văn? Áp đặt tất cả những hạn chế trong các bộ luật thành văn nhằm ngăn chặn những nỗ lực chân thành của quan chức chính phủ nhằm làm cho nhân dân được hạnh phúc thì được lợi gì?  Không có hiến pháp, không có tuyên ngôn nhân quyền, không luật pháp, không nghị viện và tòa án thì thật là tuyệt! Không có báo chí, không có luật sư càng tuyệt! Thế giới sẽ tốt đẹp biết bao nếu “Nhà nước” được tự do uốn nắn mọi thứ trên đời!

Với não trạng như thế, chỉ cần một bước nữa là sẽ tới chế độ toàn trị hoàn hảo của Stalin và Hitler.

Câu trả lời dành cho những kẻ sùng bái hệ thống quan liêu này là rõ ràng. Công dân có thể trả lời: Các vị có thể là những người ưu tú và cao cả, tốt hơn hẳn những công dân khác là chúng tôi đây. Chúng tôi không nghi ngờ năng lực và trí thông minh của các vị. Nhưng các vị không phải là người thay mặt vị thần được gọi là “Nhà nước”. Các vị chỉ là công bộc của pháp luật, công bộc của những bộ luật đã được thông qua theo đúng thể thức của đất nước chúng ta mà thôi. Công việc của các vị không phải là chỉ trích luật pháp, các vị càng không được vi phạm luật pháp. Vi phạm luật pháp làm bạn có thể trở thành tệ hại hơn cả những kẻ bảo kê, dù ý định của bạn có tốt đến đâu thì cũng thế. Vì các vị đã được bổ nhiệm, đã tuyên thệ và được trả tiền để thực thi luật pháp, chứ không phải để vi phạm. Bộ luật xấu xa nhất còn tốt hơn chế độ chuyên chế quan liêu.  

Sự khác biệt chính giữa cảnh sát và kẻ bắt cóc; giữa nhân viên thuế vụ và kẻ cướp là cảnh sát và nhân viên thuế vụ tuân theo và thực thi pháp luật, trong khi kẻ bắt cóc và kẻ cướp vi phạm pháp luật. Bãi bỏ luật lệ thì xã hội sẽ sụp đổ vì tình trạng vô chính phủ. Nhà nước là thiết chế duy nhất có quyền cưỡng chế, ép buộc và làm cho các cá nhân bị thiệt hại. Không thể giao quyền lực khủng khiếp này cho một số người tùy tiện sử dụng, dù họ có nghĩ rằng mình có năng lực và thông minh đến mức nào. Cần phải hạn chế việc sử dụng quyền lực này. Đây là nhiệm vụ của luật pháp. 

Người đứng đầu các cơ quan nhà nước và công chức không phải là Nhà nước. Họ là những người được lựa chọn để thực thi các điều luật. Người ta có thể gọi những ý kiến như thế là chính thống và giáo điều. Đây quả thực là biểu hiện của trí tuệ xưa cũ. Nhưng thay thế cho pháp quyền là quyền của các bạo chúa. 

2. Thói tự mãn của kẻ quan liêu 

Nhiệm vụ của người đứng đầu một cơ quan nhà nước là phục vụ công chúng. Cơ quan của anh ta được thành lập - trực tiếp hoặc gián tiếp - bởi một đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành và phân bổ ngân sách làm phương tiện cho nó hoạt động. Anh ta thực thi luật pháp của đất nước mình.

Trong khi thi hành nhiệm vụ, anh ta chứng tỏ mình là thành viên hữu ích của cộng đồng, ngay cả khi luật pháp mà anh ta phải thi hành bất lợi cho cộng đồng. Vì anh ta không phải là người chịu trách nhiệm về thiếu sót của nó. Kẻ có lỗi là nhân dân có chủ quyền chứ không phải người thực thi trung thành ý chí của nhân dân. Cũng như người nấu rượu không phải chịu trách nhiệm vì có người say rượu, nhân viên của chính phủ không phải chịu trách nhiệm vì những hậu quả không mong muốn của những điều luật kém cỏi.

Mặt khác, khi hành động của đội ngũ công chức mang lại nhiều lợi ích cho xã hội thì đấy chẳng phải là công trạng người khác phải ghi ơn. Công việc của sở cảnh sát rất hiệu quả; người dân được bảo vệ khá tốt trước bọn giết người, cướp của và trộm cắp; nhưng điều này không buộc mọi người phải biết ơn các chiến sĩ cảnh sát nhiều hơn là mang ơn những công dân cung cấp những dịch vụ hữu ích khác. Cảnh sát và lính cứu hỏa không đòi công chúng phải biết ơn hơn là bác sĩ, kỹ sư đường sắt, thợ hàn, thủy thủ, hoặc các nhà sản xuất bất kỳ món hàng hóa hữu ích nào. Cảnh sát giao thông không có nhiều lý do để tự phụ hơn là nhà sản xuất đèn tín hiệu giao thông. Việc cấp trên của anh ta giao nhiệm vụ ngăn ngừa những vụ giết người mang tính ngẫu nhiên và vì thế cứu được nhiều người không tạo ra công trạng để ngợi ca anh ta.

Đúng là xã hội không thể sống thiếu cảnh sát, nhân viên thuế vụ và quan chức tòa án. Nhưng cũng đúng là mọi người sẽ khốn khổ nếu không có người nhặt rác, người làm vệ sinh ống khói, người rửa bát, và diệt sâu bọ. Trong khuôn khổ của hợp tác xã hội, mỗi người đều phụ thuộc vào dịch vụ do những người đồng bào của mình cung cấp. Bác sĩ phẫu thuật tài năng và người nhạc sĩ nổi tiếng sẽ không bao giờ có thể tập trung mọi nỗ lực của họ vào việc phẫu thuật và âm nhạc nếu phân công lao động không giải phóng họ khỏi nhiều chuyện vặt vãnh, sẽ làm cho họ không thể nào trở thành chuyên gia hàng đầu. Vị đại sứ và người trông coi hải đăng không có quyền đòi gắn mác là trụ cột của xã hội hơn so là nhân viên hỏa xa và người tạp vụ. Vì, khi đã có phân công lao động, cơ cấu của xã hội được đặt trên vai tất cả mọi người.

Tất nhiên, có cả những người đàn ông và đàn bà phục vụ một cách vị tha và hoàn toàn vô tư. Không có chủ nghĩa anh hùng và hi sinh của giới tinh hoa thì nhân loại không bao giờ có thể thể tiến được đến trình độ văn minh hiện nay. Mỗi bước tiến về phía trước trên con đường cải thiện đạo đức đều là việc làm của những người sẵn sàng hi sinh hạnh phúc, sức khỏe và cuộc sống của mình cho sự nghiệp mà họ cho là chính đáng và hữu ích. Họ đã làm những việc mà họ coi là bổn phận của mình mà không lo lắng về việc chính mình có thể bị đàn áp. Những người như thế không làm việc để được tưởng thưởng, họ sẵn sàng chết vì sự nghiệp của mình.

Các nhà triết học siêu hình sùng bái nhà nước người Đức đã cố tình làm cho vấn đề trở thành rắc rối khi họ trùm lên đầu tất cả những người làm việc cho nhà nước vòng hào quang của tinh thần hi sinh đầy lòng vị tha. Trong các tác phẩm của những người sùng bái nhà nước ở Đức, công chức nhà nước được mô tả như những ông thánh sống, như nhà tu hành đã từ bỏ mọi thú vui trần thế và hạnh phúc cá nhân để có thể toàn tâm toàn ý phục vụ thiên tử - trước đây là ông vua dòng họ Hohenzollern3, còn bây giờ là Führer (lãnh tụ, tiếng Đức – ND). Staatsbeamte (quan chức nhà nước) không làm việc vì tiền, vì cho dù đồng lương có lớn đến đâu cũng cũng không thể được coi là phần thưởng xứng đáng cho những lợi ích vô cùng to lớn và vô giá mà xã hội thu được từ sự hi sinh quên mình của anh ta. Xã hội có trách nhiệm không chỉ trả tiền mà là bảo đảm cho anh ta đời sống phù hợp với cấp bậc của anh ta trong hệ thống thang bậc của nhà nước. Hoàn toàn sai khi gọi bảo đảm đời sống là tiền lương4. Chỉ những người theo chủ nghĩa tự do, mắc những định kiến ​​và niềm tin sai lầm về quan hệ tiền trao cháo múc, mới sử dụng thuật ngữ sai trái này. Nếu Beamtengehalt (tiền lương của công chức) là đồng lương thực sự thì phải bảo đảm cho người đứng đầu một cơ quan nhà nước khiêm tốn nhất thu nhập cao hơn bất cứ người nào đứng ngoài hệ thống thang bậc của nhà nước mới là công bằng và tự nhiên. Mọi công chức, khi làm nhiệm vụ, đều là người đại diện của nhà nước có chủ quyền và không bao giờ làm gì sai. Lời chứng trước tòa của anh ta có giá trị hơn là lời khai của người dân bình thường.

Tất cả đều là nhảm nhí. Ở tất cả các nước, hầu hết mọi người làm việc trong các cơ quan chính phủ đều vì tiền lương và lương hưu cao hơn những gì họ có thể kỳ vọng kiếm được trong các ngành nghề khác. Họ không hi sinh bất cứ điều gì khi làm cho chính phủ. Đối với họ, công chức là nghề có lợi nhất mà họ có thể tìm được.

Ở châu Âu, quan chức nhà nước có ưu thế không chỉ vì lương và lương hưu cao; nhiều ứng viên, và không phải những người giỏi nhất, đổ xô vào đây vì công việc an nhàn và an toàn. Theo quy luật, công việc của chính phủ không cấp bách như công việc trong lĩnh vực kinh doanh. Ngoài ra, công việc kéo dài suốt đời. Viên chức nhà nước chỉ có thể bị sa thải khi tòa án nào đó xác định rằng anh ta phạm tội bỏ bê công của mình. Ở Đức, Nga, và Pháp, mỗi năm có hàng ngàn chàng trai mà đường đời đã được xác định, đấy là khi họ bước vào lớp đầu tiên của hệ thống giáo dục trung học. Họ sẽ tốt nghiệp, rồi sẽ làm việc trong một trong nhiều bộ phận khác nhau của chính phủ, họ sẽ làm việc ba mươi hoặc bốn mươi năm, và sau đó nghỉ hưu. Cuộc đời không gây cho họ bất kì sự kiện bất ngờ và giật gân nào, mọi thứ đều đơn giản và đã biết từ trước.

Có thể minh họa sự khác biệt giữa uy tín xã hội của người làm cho chính phủ ở châu Âu lục địa và ở Mĩ bằng ví dụ sau đây. Ở châu Âu, phân biệt đối xử về xã hội và chính trị với nhóm thiểu số thể hiện bằng hình thức cấm những người như thế giữ bất cứ công việc gì của chính phủ, dù vị trí và tiền lương có khiêm tốn tới mức nào. Ở Đức, ở Đế quốc Áo-Hung và nhiều nước khác, tất cả những công việc không quan trọng, không đòi hỏi khả năng hoặc huấn luyện đặc biệt, như người phục vụ, người chạy giấy, nhân viên tòa án, gác dan… được dành cho những cựu quân nhân, từng tự nguyện phục vụ trong quân đội lâu hơn thời gian đi nghĩa vụ mà pháp luật yêu cầu. Những công việc này được coi là phần thưởng có giá trị cao cho các hạ sĩ quan. Trong mắt dân chúng, được làm chân sai vặt trong cơ quan nhà nước là đặc ân. Nếu ở Đức mà có nhóm người có địa vị xã hội của người Da đen như ở Hoa Kỳ, thì những người này sẽ không bao giờ dám làm đơn xin những công việc như thế. Họ sẽ biết rằng, đấy là tham vọng quá ngông cuồng. 

3. Quan chức trong vai cử tri 

Quan chức không chỉ là người làm thuê cho chính phủ. Theo hiến pháp dân chủ, anh ta cũng đồng thời là cử tri, tức là thành phần của chủ quyền tối cao, cũng có nghĩa là thực hiện vai trò của người sử dụng sức lao động của anh ta. Anh ta có địa vị đặc biệt: Vừa là người sử dụng lao động, vừa là người lao động. Và mối quan tâm về tiền bạc của anh ta, trong vai trò người làm công sẽ cao hơn mối quan tâm của anh ta trong vai trò người sử dụng lao động, vì anh ta nhận từ công quỹ nhiều hơn những khoản anh ta đóng góp. 

Mối quan hệ kép này trở nên quan trọng hơn khi số người “ăn” lương của chính phủ gia tăng. Quan chức, trong vai trò cử tri rất muốn được tăng lương hơn là giữ ngân sách cân đối. Quan tâm chính của anh ta là làm cho ngân sách dành cho lương bổng phình to ra.

Cơ cấu chính trị của Đức và Pháp, trong những năm cuối cùng - trước khi hiến pháp dân chủ sụp đổ - bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự kiện: Nhà nước là nguồn thu nhập của khá nhiều cử tri5. Đây không chỉ là nhiều công nhân viên chức nhà nước và những người làm việc trong những cơ sở kinh doanh đã quốc hữu hóa (ví dụ, đường sắt, bưu điện, điện báo và điện thoại), mà còn là những người nhận trợ cấp thất nghiệp và an sinh xã hội, cũng như nông dân và một số nhóm khác mà chính phủ trợ cấp một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Mối quan tâm chính của họ là nhận được nhiều tiền hơn từ công quỹ. Họ không quan tâm đến những vấn đề “lý tưởng” như tự do, công bằng, thượng tôn pháp luật, và quản trị tốt. Họ đòi nhiều tiền hơn, tất cả chỉ có thế. Không ứng cử viên quốc hội nào, không có ứng viên hội đồng hàng tỉnh hay hội đồng thị trấn nào có thể liều lĩnh chống lại khao khát tăng lương của các nhân viên nhà nước. Các đảng chính trị khác nhau đua nhau tỏ ra hào phóng.

Trong thế kỷ XIX, các nghị viện thường xuyên tìm cách hạn chế chi tiêu công càng nhiều càng tốt. Nhưng, hiện nay, tiết kiệm bắt đầu bị khinh bỉ. Chi tiêu vô tội vạ đã được coi là chính sách khôn ngoan. Cả đảng cầm quyền lẫn phe đối lập đều tìm cách mua chuộc lòng người bằng cách tỏ ra hào phóng. Thành lập những cơ quan mới với các nhân viên mới được gọi là chính sách “tích cực”, còn tất cả những nỗ lực nhằm ngăn chặn lãng phí công quỹ đều bị chê là “tiêu cực”.

Chế độ dân chủ đại diện không thể tồn tại nếu phần lớn cử tri là người “ăn” lương của chính phủ. Nếu các nghị sĩ không còn tự coi mình là đại diện của người đóng thuế mà là đại biểu của những người nhận lương, nhận tiền công, nhận trợ cấp, nhận trợ cấp thất nghiệp và các lợi ích khác từ kho bạc nhà nước, thì chế độ dân chủ đã cáo chung.

Đây là một trong những mâu thuẫn nằm sẵn trong những vấn đề hiến pháp hiện nay. Nó làm cho nhiều người tuyệt vọng về tương lai của dân chủ. Khi họ tin rằng chính phủ ngày càng can thiệp nhiều hơn vào lĩnh vực kinh doanh, ngày càng có nhiều cơ quan với nhiều nhân viên hơn, nhiều khoản trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác là xu hướng không thể tránh khỏi, thì họ có thể mất niềm tin vào chính quyền của dân và do dân.

4. Quan liêu hóa tâm trí 

Xu hướng hướng tới chính phủ toàn trí toàn năng và chế độ toàn trị đáng lẽ đã bị bóp chết ngay từ trong trứng nếu những người ủng hộ không thu được thành công trong việc nhồi nhét vào đầu óc thanh niên giáo lý của mình và ngăn chặn, không để thanh niên làm quen với những học thuyết của kinh tế học.

Kinh tế học là khoa học lý thuyết, và với vai trò đó, nó không nói cho ta biết ta nên thích những giá trị nào và nên nhắm tới những mục tiêu nào. Nó không có mục tiêu tối hậu; đấy không phải nhiệm vụ của người tư duy mà của người hành động. Khoa học là sản phẩm của tư tưởng, hành động là sản phẩm của ý chí. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói kinh tế học là khoa học – nó trung lập với mục tiêu tối hậu của những nỗ lực của con người.

Nhưng, phương tiện được áp dụng để đạt mục đích xã hội nào đó thì lại khác. Ở đây, kinh tế học là kim chỉ nam đáng tin cậy duy nhất cho hành động. Muốn thành công khi theo đuổi bất kỳ mục đích xã hội nào, người ta phải điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với kết quả của tư duy kinh tế.

Sự kiện đáng chú ý của lịch sử trí tuệ trong một trăm vừa qua là cuộc đấu tranh chống lại kinh tế học. Những người ủng hộ chính phủ toàn trí toàn năng đã lảng tránh tham gia thảo luận các vấn đề liên quan. Họ chế nhạo, họ làm cho người ta nghi ngờ động cơ và tung ra những lời nguyền rủa các nhà kinh tế học.

Nhưng, khảo sát hiện tượng này không phải là nhiệm vụ của cuốn sách mà bạn đang có trong tay. Chúng tôi phải tự giới hạn trong việc mô tả vai trò của bộ máy quan liêu trong quá trình phát triển những sự kiện vừa nêu.

Ở hầu hết các nước trên lục địa châu Âu, các trường đại học đều là tài sản của chính phủ và do chính phủ điều hành. Các trường đại học nằm dưới quyền kiểm soát của Bộ Giáo dục chẳng khác gì đồn cảnh sát phải nằm dưới sự lãnh đạo của giám đốc sở cảnh sát. Các giáo viên cũng là công chức, chẳng khác gì cảnh sát tuần tra và nhân viên hải quan. Chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX tìm cách hạn chế mức độ can thiệp của Bộ Giáo dục vào quyền tự do giảng dạy những điều các giáo sư đại học coi là chân lý và đúng đắn. Nhưng, khi chính phủ bổ nhiệm các giáo sư, họ chỉ bổ nhiệm những người đáng tin cậy và trung thành mà thôi. Đấy là những người chia sẻ quan điểm của chính phủ, sẵn sàng để chê bai môn kinh tế học và sẵn sàng dạy học thuyết về chính phủ toàn trí toàn năng. 

Như trong tất cả các lĩnh vực quan liêu hóa khác, nước Đức thế kỉ XIX cũng vượt xa các nước khác trong vấn đề này. Không có gì thể hiện tinh thần của các trường đại học Đức rõ hơn là lời phát biểu của nhà sinh lý học Emil du Bois - Reymond vào năm 1870, khi ông giữ một lúc hai chức, Hiệu trưởng của Đại học Berlin và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Phổ: “Trường Đại học Berlin, nằm đối diện với cung điện của nhà vua, bằng chính việc thành lập ra trường này, chúng tôi là những trí thức hộ vệ hoàng tộc Hohenzollern”. Đầu óc Phổ không thể nào hiểu được tư tưởng cho rằng người hộ vệ của hoàng gia có thể thể hiện quan điểm trái với giáo lý của chính phủ, cũng là người sử dụng lao động của anh ta. Bảo vệ lý thuyết nói rằng có cái gọi là quy luật kinh tế cũng chẳng khác gì một cuộc nổi loạn. Vì nếu có quy luật kinh tế, thì chính phủ không thể được coi là toàn trí toàn năng, vì chính sách của họ chỉ có thể thu được thành công khi họ điều chỉnh cho phù hợp với những quy luật này. Do đó, quan tâm chính của các giáo sư khoa học xã hội ở Đức là tố cáo quan điểm dị giáo đầy tai tiếng: Các hiện tượng kinh tế thường lặp đi lặp lại6. Kinh tế học bị nguyền rủa, wirtschaftliche Staatswissenschaften (khía cạnh kinh tế của khoa học chính trị) thế chỗ cho nó. Phẩm chất duy nhất mà giảng viên các môn khoa học xã hội cần là chê bai hoạt động của hệ thống thị trường và nhiệt tình ủng hộ những biện pháp kiểm soát của chính phủ. Thời còn hoàng đế, những đồ đệ cấp tiến của Marx, tức là những người công khai ủng hộ biến động mang tính cách mạng và lật đổ chính phủ bằng bạo lực không được bổ nhiệm chức giáo sư; Cộng hòa Weimar hầu như xóa bỏ phân biệt đối xử này7

Kinh tế học nghiên cứu hoạt động của toàn bộ hệ thống hợp tác xã hội, có tính tới tương tác của tất cả các yếu tố mang tính quyết định và sự phụ thuộc lẫn nhau của các ngành sản xuất khác nhau. Không thể chia thành các lĩnh vực riêng biệt để các chuyên gia nghiên cứu mà không quan tâm tới những lĩnh vực khác. Nghiên cứu về tiền, hoặc về lao động hay ngoại thương theo kiểu chuyên môn hóa mà các nhà sử học áp dụng khi chia lịch sử loài người thành những phần riêng biệt là việc làm vô nghĩa. Có thể nghiên cứu lịch sử của Thụy Điển mà gần như không cần quan tâm tới lịch sử Peru. Nhưng bạn không thể nghiên cứu tiền công mà không đồng thời nghiên cứu giá hàng hóa, lãi suất và lợi nhuận. Mỗi thay đổi trong một yếu tố kinh tế đều ảnh hưởng tới tất cả các yếu tố khác. Người ta sẽ không bao giờ khám phá được một chính sách hoặc thay đổi nào đó sẽ mang lại cái gì, nếu chỉ giới hạn cuộc điều tra của mình vào một phân khúc đặc biệt của toàn bộ hệ thống.

Chính phủ không muốn thấy sự phụ thuộc lẫn nhau này khi họ can thiệp vào nền kinh tế. Chính phủ giả vờ là được trời phú cho sức mạnh thần bí đủ sức ban phát của cải từ “niêu cơm Thạch Sanh” (dịch thoát ý: horn of plenty) không bao giờ hết này. Chính phủ là toàn trí và toàn năng. Nó có thể dùng cây đũa thần tạo để ra hạnh phúc và dư dật.

Sự thật là chính phủ không thể cho người nào đó nếu không lấy của một người nào đó khác. Chính phủ không bao giờ rút hầu bao ra để trợ cấp; đó là tiền của những người đóng thuế. Lạm phát và mở rộng tín dụng – những biện pháp thường được lựa chọn để thể hiện sự hào phóng của chính phủ - không đóng góp thêm bất cứ thứ gì vào nguồn lực có sẵn. Họ làm cho một số người trở thành khá giả hơn, nhưng lại làm cho một người khác nghèo đi. Can thiệp vào thị trường, vào giá hàng hóa, vào tiền công và lãi suất – được quyết định bởi cầu và cung - có thể đạt được mục đích của chính phủ trong ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, những biện pháp như thế bao giờ cũng dẫn đến tình trạng - mà theo quan điểm của chính phủ - xấu hơn tình trạng mà họ muốn thay đổi.

Chính phủ không có khả năng làm cho tất cả mọi người đều khá giả hơn. Chính phủ có thể làm cho thu nhập của nông dân tăng lên bằng cách kìm hãm sản xuất nông nghiệp ở trong nước. Nhưng người tiêu dùng, chứ không phải nhà nước phải mua nông sản với giá cao. Mặt trái của việc nâng cao mức sống của nông dân là hạ thấp mức sống của những người khác. Chính phủ có thể bảo vệ các cửa hàng nhỏ trước sự cạnh tranh của các siêu thị và chuỗi cửa hàng. Nhưng, ở đây, một lần nữa, người tiêu dùng phải trả giá. Nhà nước có thể cải thiện điều kiện sống và làm việc của một bộ phận những người làm công ăn lương bằng cách ban hành luật dường như là ủng hộ người lao động hoặc cho các liên đoàn lao động tự do gây áp lực và cưỡng bức. Nhưng nếu chính sách này không làm cho giá gia tăng tương ứng, và kết quả là lương trở lại mức thị trường, thì nó sẽ làm cho nhiều người - những người sẵn sàng đi làm thuê để hưởng lương – thất nghiệp.

Xem xét một cách kỹ lưỡng những chính sách như thế từ quan điểm của lý thuyết kinh tế chắc chắn sẽ cho thấy đấy là những chính sách vô tích sự. Đấy là lý do vì sao kinh tế học bị các quan chức coi là điều cấm kỵ. Nhưng chính phủ lại khuyến khích các chuyên gia, những người hạn chế quan sát của mình trong lĩnh vực hẹp mà không quan tâm tới những hậu quả tiếp theo của chính sách. Các nhà kinh tế học chuyên về lĩnh vực lao động chỉ quan tâm tới kết quả tức thời của những chính sách ủng hộ người lao động, các nhà kinh tế học về nông nghiệp chỉ quan tâm tới sự gia tăng giá của lương thực, thực phẩm mà thôi. Cả hai nhóm kinh tế gia này chỉ xem xét các vấn đề bằng quan điểm của những nhóm gây áp lực được hưởng lợi ngay sau khi các biện pháp của chính phủ được thực thi và lờ đi những hậu quả mà cuối cùng xã hội sẽ phải gánh chịu. Họ không phải là các nhà kinh tế học, mà là những người tuyên truyền chính sách của chính phủ trong lĩnh vực quản lý cụ thể.

Khi chính phủ can thiệp vào lĩnh vực kinh doanh, chính sách của chính phủ không còn thống nhất nữa, mà ngay lập tức tách ra thành những bộ phận được phối hợp một cách lỏng lẻo. Cái thời mà người ta có thể nói về chính sách của chính phủ đã trôi qua từ lâu. Hiện nay, ở hầu hết các nước, mỗi ban ngành đều làm theo đường lối riêng của mình, chống lại những nỗ lực của các bộ phận khác. Mục đích của Bộ lao động là lương cao hơn, chi phí sinh hoạt thấp hơn. Nhưng Bộ nông nghiệp cũng trong chính phủ đó lại coi mục đích là giá lương thực cao hơn, còn Bộ thương mại thì tìm cách nâng giá hàng hóa bán trong nước bằng cách tăng thêm thuế nhập khẩu. Một bộ chiến đấu chống độc quyền, nhưng các bộ khác sẵn sàng tạo những điều kiện cần thiết để bảo vệ độc quyền: Thuế nhập khẩu, bằng sáng chế và các biện pháp khác. Và mỗi bộ lại trích dẫn ý kiến của những chuyên gia chỉ tập trung nghiên cứu lĩnh vực nằm trong quyền kiểm soát của từng bộ. 

Do đó, sinh viên không còn được khai tâm về kinh tế học nữa. Họ học các sự kiện rời rạc và không gắn bó với nhau về những biện pháp khác nhau, ngáng chân lẫn nhau, của chính phủ. Luận án tiến sĩ và các công trình nghiên cứu sau đại học của họ không dành cho kinh tế học mà dành cho những chủ đề khác nhau của lịch sử kinh tế và những ví dụ khác nhau về sự can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực kinh doanh. Những công trình nghiên cứu thống kê chi tiết và có đầy đủ dẫn chứng về các điều kiện của quá khứ gần đây (thường được gọi nhầm là nghiên cứu những điều kiện “hiện nay”) có giá trị to lớn đối với các nhà sử học trong tương lai. Chúng cũng là những tài liệu quan trọng trong quá trình đào tạo luật sư và nhân viên văn phòng. Nhưng chắc chắn những tài liệu này không đủ bù đắp cho việc thiếu lý thuyết kinh tế học. Đáng kinh ngạc là luận án tiến sĩ của Stresemann8 lại nghiên cứu điều kiện buôn bán bia đóng chai ở Berlin. Với chương trình giảng dạy ở trường đại học Đức, điều này có nghĩa là anh ta đã dành phần đáng kể công việc ở đại học của mình để nghiên cứu về tiếp thị bia và thói quen uống bia của dân chúng. Hệ thống đại học được mọi người ca tụng đã trao cho con người mà sau này trở thành thủ tướng của Đế chế Đức trong những năm quan trọng nhất của lịch sử Đức những kiến thức như thế đấy.

Sau khi các giáo sư cũ, những người đã nhận chức vụ trong giai đoạn phát triển rực rỡ ngắn ngủi của chủ nghĩa tự do ở Đức đã chết, trong các trường đại học Đế chế không còn nghe thấy người ta nói bất cứ điều gì về kinh tế học nữa. Không còn nhà kinh tế người Đức nào, còn trong các thư viện phục vụ các cuộc hội thảo ở đại học cũng không có sách do các nhà kinh tế nước ngoài chấp bút. Các nhà khoa học xã hội không theo gương các giáo sư thần học, những người đã giới thiệu cho sinh viên của mình các nguyên lý và giáo lý của các nhà thờ và giáo phái khác, cùng với triết lý của chủ nghĩa vô thần vì họ muốn bác bỏ những tín điều mà họ cho là dị giáo. Sinh viên khoa học xã hội học chỉ được các thầy giáo của mình dạy rằng kinh tế học là giả khoa học và các nhà kinh tế học được gọi là, như Marx nói, những kẻ vu khống, bợ đỡ cho những lợi ích bất công của giai cấp tư sản bóc lột9, sẵn sàng bán đứng dân chúng cho các doanh nghiệp và công ty tài chính lớn10. Các sinh viên sau khi ra trường trở những người ủng hộ chủ nghĩa toàn trị, theo kiểu quốc xã ở Đức quốc xã hay theo kiểu Marxist.

Ở các các nước khác, điều kiện cũng tương tự như thế. Cơ sở học tập nổi tiếng nhất của Pháp là Ecole Normale Superieure11 ở Paris; những người tốt nghiệp trường này chiếm được những địa vị quan trọng nhất trong hành chính công, chính trị và giáo dục đại học. Các đồ đệ của Marx và những người ủng hộ những biện pháp kiểm soát toàn diện của chính phủ giữ thế thượng phong trong ngôi trường này. Ở Nga, chính phủ hoàng gia không cho những người bị nghi là nhiễm tư tưởng tự do của kinh tế học “phương Tây” bén mảng tới bục giảng đại học. Trong khi đó, chính phủ Nga lại bổ nhiệm nhiều đồ đệ thuộc phái Marxist “hợp pháp”, tức là những người không dính líu với những kẻ cuồng tín cách mạng, làm giảng viên đại học. Do đó, chính các Sa hoàng đã góp phần mình vào chiến thắng của chủ nghĩa Marx. 

Những người ủng hộ chế độ quan liêu trong lĩnh vực giáo dục đã tạo ra chế độ toàn trị ở châu Âu. Các trường đại học đã dọn đường cho những nhà cai trị độc tài.

Ngày nay, cả ở Nga lẫn Đức, các trường đại học là những thành trì quan trọng nhất của hệ thống độc đảng. Không chỉ khoa học xã hội, lịch sử và triết học, mà tất cả những lĩnh vực kiến ​​thức khác, nghệ thuật và văn học được đưa vào khuôn phép, như Đức quốc xã nói, gleichgeschaltet (đưa vào khuôn phép – tiếng Đức). Ngay cả Sidney và Beatrice Webb12, những người hâm mộ ngây thơ và đầy tin tưởng vào Liên Xô, cũng đã choáng váng khi họ phát hiện được Tạp chí Khoa học Tự nhiên Mác-Lênin (Journal for Marxist-Leninist Natural Sciences) cổ vũ "tính đảng trong toán học" và “sự trong sáng của lý thuyết Marxist trong phẫu thuật” và tờ Người đưa tin Xô Viết về hoa liễu và da liễu (Soviet Herald of Venereology and Dermatology) đặt mục tiêu là xem xét tất cả các vấn đề được đem ra thảo luận từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng13.

5. Ai nên là chủ nhân ông?

Trong bất kỳ hệ thống phân công lao động nào cũng đều cần có nguyên tắc để phối hợp hoạt động của các chuyên gia khác nhau. Nỗ lực của chuyên gia sẽ là vô ích và trái với mục đích đề ra nếu “khách hàng là thượng đế” không phải là kim chỉ nam cho hoạt động của anh ta. Đương nhiên là, mục đích của sản xuất là phục vụ người tiêu dùng.

Trong xã hội thị trường, động cơ lợi nhuận là nguyên tắc dẫn đạo. Còn khi chính phủ kiểm soát thì đấy là các quy định. Không có khả năng thứ ba. Để buộc một người không bị thúc đẩy bởi động cơ kiếm tiền trên thị trường làm việc thì cần phải có những quy định, nói cho anh ta biết phải làm gì và làm như thế nào.

Một trong những luận cứ thường xuyên được nêu ra nhằm chống lại hệ thống tự do và dân chủ của chủ nghĩa tư bản là hệ thống này nhấn mạnh chủ yếu vào quyền, mà lờ đi nhiệm vụ của cá nhân. Mọi người đều bảo vệ quyền và lờ đi nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, từ quan điểm xã hội, nghĩa vụ của công dân quan trọng hơn quyền của họ.

Không nói nhiều tới khía cạnh chính trị và hiến pháp của lời phê bình phản dân chủ này. Các quyền của con người, quy định trong các tuyên ngôn nhân quyền khác nhau, được ban bố nhằm bảo vệ cá nhân trước sự độc đoán của chính phủ. Nếu không có những quy định như thế, tất cả mọi người đều sẽ là nô lệ của những kẻ thống trị chuyên chế.

Trong lĩnh vực kinh tế, tìm kiếm và sở hữu tài sản không phải là đặc quyền. Đó là nguyên tắc bảo vệ việc đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Người nào mong muốn kiếm tiền, muốn tìm kiếm và nắm giữ của cải đều thấy cần phải phục vụ người tiêu dùng. Động cơ lợi nhuận là phương tiện làm cho công chúng trở thành “thượng đế”. Càng thành công trong việc cung cấp cho người tiêu dùng thì thu nhập càng cao. Mọi người đều được lợi nếu doanh nhân làm được những đôi giày tốt với chi phí thấp nhất trở thành người giàu có; trong khi hầu hết mọi người sẽ bị thiệt hại nếu điều luật nào đó ngăn chặn quyền của anh ta được trở nên giàu có hơn. Điều luật như thế chỉ có lợi cho đối thủ kém hiệu quả của anh ta mà thôi. Điều luật đó không hạ mà sẽ làm tăng giá giày.

Lợi nhuận là phần thưởng cho việc hoàn thành tốt nhất một số nhiệm vụ mà người ta tự nguyện khoác vào mình. Nó là công cụ làm cho quần chúng trở thành “thượng đế”. Người dân bình thường là khách hàng, mà các vị lãnh đạo trong lĩnh vực công nghiệp và các trợ lý của họ đang phục vụ.

Có người phản bác rằng khi bàn về doanh nghiệp lớn nói thế là không đúng. Người tiêu dùng chỉ có thể lựa chọn hoặc là khách hàng thường xuyên của doanh nghiệp này hoặc là nhu cầu sống còn của mình không được đáp ứng. Do đó, anh ta buộc phải chấp nhận giá mà doanh nhân đưa ra. Doanh nghiệp lớn không còn là nhà cung cấp và đối tác mà là ông chủ. Nó không cần phải cải thiện và làm cho giá rẻ thêm.

Xin xem xét trường hợp chỉ có một đường sắt kết nối giữa hai thành phố, ngoài ra không còn tuyến đường sắt nào khác. Thậm chí chúng ta có thể lờ đi sự kiện là có các phương tiện giao thông khác đang cạnh tranh với đường sắt: Xe buýt, xe khách, máy bay, và thuyền chạy trên sông. Với những giả định như thế, đúng là người nào muốn đi từ thành phố nọ tới thành phố kia đều sẽ phải sử dụng đường sắt. Nhưng như thế cũng không xóa bỏ được việc công ty quan tâm tới cải thiện dịch vụ và hạ giá. Không phải tất cả mọi người nghĩ tới du lịch đều buộc phải đi với bất kỳ điều kiện nào. Số hành khách, cả đi chơi lẫn đi làm ăn, phụ thuộc vào hiệu quả của dịch vụ và giá vé. Một số người sẽ đi dù giá cao, dịch vụ tồi, tàu chạy như rùa bò. Những người khác sẽ chỉ đi nếu chất lượng dịch tốt, tàu chạy nhanh và giá rẻ; làm cho du lịch trở thành hấp dẫn. Chính việc nhóm thứ hai này thường xuyên là khách hàng chứng tỏ cho công ty thấy sự khác biệt giữa tình trạng kinh doanh buồn tẻ hay thậm chí xấu và kinh doanh có lời. Nếu lập luận này đúng với đường sắt với những giả định cực đoan bên trên, thì nó còn đúng hơn nữa đối với bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào khác.

Tất cả các chuyên gia, dù là doanh nhân hay người làm nghề, đều nhận thức đầy đủ về sự phụ thuộc của họ vào chỉ thị của người tiêu dùng. Kinh nghiệm hằng ngày dạy họ rằng, trong chủ nghĩa tư bản, nhiệm vụ chính của họ là phục vụ người tiêu dùng. Những chuyên gia không hiểu các vấn đề xã hội cơ bản đó phẫn nộ trước tình trạng “nô lệ” như thế và muốn được giải thoát. Cuộc nổi dậy của các chuyên gia thiển cận là một trong những lực lượng đầy sức mạnh, góp phần thúc đẩy quá trình quan liêu hóa mọi thứ.

Kiến trúc sư phải điều chỉnh bản thiết kế của mình theo ý muốn của chủ nhà; hoặc nếu là chung cư – thì điều chỉnh theo ý muốn của những người muốn sở hữu tòa nhà phù hợp với thị hiếu của người thuê nhà tiềm năng và do đó có thể dễ dàng cho thuê. Không cần phải tìm xem kiến trúc sư có đúng hay không khi anh ta tin rằng mình biết rõ ngôi nhà tốt phải có hình thù như thế nào, chứ không như bọn nghiệp dư ngu ngốc thiếu thẩm mỹ kia. Anh ta có thể phát điên vì tức giận khi buộc phải bôi bẩn dự án tuyệt vời của mình để làm vừa lòng khách hàng. Và anh ta khao khát trạng thái làm việc lý tưởng để anh ta có thể xây dựng những ngôi nhà đáp ứng tiêu chuẩn nghệ thuật của mình. Anh ta ước mong một cơ quan phụ trách nhà ở của chính phủ và mơ thấy mình là người lãnh đạo cơ quan này. Lúc đó, anh ta sẽ xây nhà theo cách của mình.

Người kiến trúc sư này sẽ cực kì khó chịu nếu có người gọi anh ta là nhà độc tài tương lai. Anh ta có thể cãi lại như sau: Mục đích duy nhất của tôi là làm cho mọi người hạnh phúc bằng cách cung cấp cho họ những ngôi nhà tuyệt vời hơn; những người này ngu dốt quá, họ không biết cái gì thúc đẩy mạnh mẽ nhất hạnh phúc của chính mình; người có chuyên môn, được chính phủ bảo trợ, phải chăm sóc họ; phải có luật không cho xây những tòa nhà xấu xí. Nhưng, xin hỏi, ai là người quyết định kiểu kiến ​​trúc nào phải được coi là tốt, còn kiểu nào thì phải được coi là xấu? Người kiến trúc sư của chúng ta sẽ trả lời: Tất nhiên là tôi, tôi là người có chuyên môn. Anh ta quá coi thường sự kiện là ngay cả trong hàng ngũ kiến ​​trúc sư cũng có khá nhiều ý kiến bất đồng về phong cách và giá trị nghệ thuật.

Chúng tôi không muốn nhấn mạnh rằng người kiến ​​trúc sư này, ngay cả trong chế độ độc tài quan liêu và đặc biệt là trong chế độ toàn trị, sẽ không được tự do xây dựng theo theo ý mình. Anh ta sẽ phải chiều theo thị hiếu của cấp trên trong bộ máy quan liêu của mình, còn cấp trên của anh ta lại phụ thuộc vào những ý thích bất chợt của nhà độc tài cao nhất. Ở nước Đức quốc xã, các kiến ​​trúc sư cũng không được tự do. Họ phải thỏa hiệp với kế hoạch của người nghệ sĩ thất bại là Hitler. 

Nhưng điều sau đây quan trọng hơn hẳn. Trong lĩnh vực thẩm mỹ, cũng như trong tất cả các lĩnh vực hoạt động khác của con người, không có tiêu chí tuyệt đối cái gì đẹp và cái gì không đẹp. Một người nào đó buộc đồng bào của mình phải theo tiêu chuẩn của mình về giá trị, người đó không làm cho họ hạnh phúc hơn. Chỉ có người tiêu dùng mới có thể quyết định cái gì làm cho họ hạnh phúc và họ thích cái gì. Bạn không làm tăng hạnh phúc của một người háo hức đi xem buổi biểu diễn Abie's Irish Rose bằng cách buộc người đó đi xem buổi biểu diễn tuyệt vời vở kịch Hamlet. Bạn có thể chế nhạo khiếu thẩm mỹ kém cỏi của anh ta. Nhưng anh ta là người quyết định cao nhất những vấn đề liên quan đến việc đáp ứng những nhu cầu của mình. 

Chuyên gia dinh dưỡng độc tài muốn đồng bào của mình ăn theo quan niệm của anh ta về dinh dưỡng hoàn hảo. Anh ta muốn đối xử với con người hệt như người chăn nuôi gia súc đối xử với đàn bò vậy. Anh ta không thể nhận thức được rằng ăn uống không phải là mục đích tự thân mà là phương tiện để đạt được những mục đích khác. Người nuôi bò không cho bò ăn để làm cho nó hạnh phúc mà để đạt một số mục đích mà con bò được nuôi dưỡng tốt sẽ đáp ứng. Có nhiều biện pháp nuôi bò. Chọn biện pháp nào tùy thuộc vào việc anh ta muốn có nhiều sữa hay muốn có nhiều thịt…v…v…. Mỗi nhà độc tài có kế hoạch sản sinh, cho ăn và huấn luyện đồng bào của mình như người chăn nuôi làm với đàn gia súc của mình. Mục đích của anh ta không phải là làm cho mọi người hạnh phúc mà là đưa họ vào trạng thái làm cho nhà độc tài hạnh phúc. Anh ta muốn thuần hóa đồng bào của mình, muốn đưa họ vào địa vị của gia súc. Người chăn nuôi gia súc cũng là một nhà độc tài nhân từ.

Câu hỏi: Ai nên là chủ nhân ông? Mỗi người nên được tự do lựa chọn con đường đưa mình tới mục tiêu mà người đó nghĩ rằng sẽ làm mình hạnh phúc? Hay một nhà độc tài nên sử dụng đồng loại của mình như những con tốt trong khi làm cho mình - nhà độc tài – hạnh phúc hơn? 

Chúng ta có thể thừa nhận rằng một số chuyên gia đã đúng khi họ nói rằng hầu hết mọi người đã hành xử một cách dại dột trong khi theo đuổi hạnh phúc. Nhưng bạn không thể làm cho một người nào đó hạnh phúc hơn khi giám hộ anh ta. Các chuyên gia trong các cơ quan khác nhau của chính phủ chắc chắn là những người tốt. Nhưng họ sai nếu tỏ ra bất bình mỗi khi cơ quan lập pháp làm hỏng những bản thiết kế được soạn thảo một cách cẩn thận của họ. Chính phủ đại diện thì có ích gì, họ hỏi; nó chỉ đơn giản là cản trở những dự định tốt đẹp của chúng ta mà thôi. Nhưng câu hỏi duy nhất là: Ai có quyền quản lý đất nước? Cử tri hay quan chức bàn giấy?

Thằng ngốc nào cũng có thể sử dụng cái roi và buộc người khác phải vâng lời. Nhưng muốn phụng sự xã hội thì phải có cái đầu và làm việc siêng năng. Chỉ có một vài người sản xuất được giày tốt hơn và rẻ hơn những đối thủ cạnh tranh với mình. Chuyên gia bất tài luôn luôn ngấp nghé địa vị cao nhất trong bộ máy quan liêu. Anh ta nhận thức rõ ràng sự kiện là anh ta không thể thành công trong hệ thống cạnh tranh. Đối với anh ta, quan liêu hóa toàn bộ là một nơi ẩn náu đáng mong ước. Với quyền lực của cơ quan, anh ta sẽ cùng với cảnh sát thực thi những quyết định của mình. 

Nền tảng của tất cả sự ủng hộ một cách cuồng nhiệt kế hoạch hóa và chủ nghĩa xã hội thường là tự ý thức về sự thấp kém và kém hiệu quả của chính mình. Những người nhận thức được sự bất lực của mình trước hiện tượng cạnh tranh coi khinh “hệ thống cạnh tranh điên rồ”. Những kẻ không thể phục vụ đồng bào của mình thường muốn cai trị họ.

Chú thích:

(1) Đây là giải thích theo lối chính trị. Giải thích theo lối kinh tế, tr. 117-119.

(2) Người ta cho rằng dường như Louis XIV (1643-1715) đã nói câu này tại một cuộc họp của quốc hội Pháp, tháng 4 năm 1655. Mặc dù các nhà sử học tin rằng đây là huyền thoại, nhưng câu nói này thể hiện chính xác tinh thần của chế độ chuyên chế, mà đỉnh cao là thời Louis XIV – chú thích bản tiếng Nga, ND.

(3) Hohenzollern - vương triều Phổ từ năm 1701 đến năm 1918, và từ 1871 đến 1918 đồng thời là vương triều của nước Đức – chú thích bản tiếng Nga, ND.

(4) P. Laband, Das Staatsrecht des Deutschen Reiches (Luật hiến pháp của Đế chế Đức), 5-ed., Tubingen, 1911, tr. 500

(5) Cái gọi là Hiến pháp Cộng hòa Weimar (Đức), thông qua tháng 7 năm 1919, về mặt hình thức, không bị bãi bỏ khi Quốc xã lên nắm quyền, năm 1933, nhưng trên thực tế đã mất hết ý nghĩa. Hiến pháp dân chủ của Pháp đã trở thành vô giá trị khi bị quân Đức chiếm đóng vào tháng 7 năm 1940, và chính phủ thân phát xít của Petain giành được quyền lực – chú thích bản tiếng Nga, ND.

(6) L. Mises muốn nói tới cái gọi là Trường phái Lịch sử trong kinh tế chính trị học ở Đức hồi giữa thế kỷ XIX. Những người đại diện nổi bật của trường phái này là W. Rocher, B. Hildebrand, K. Knies và những người phủ nhận lý thuyết kinh tế tổng quát, vì mỗi nước phát triển theo con đường riêng của mình và không có quy luật thống nhất đối với hoạt động kinh tế. Những ý tưởng này, sau khi đã được hiện đại hóa, lại được Trường phái Lịch sử mới (G. Schmoller, K. Bücher, v.v.) quảng bá. Trường phái này thống trị kinh tế học Đức cho đến những năm 30 của thế kỷ XX - ghi chú bản tiếng Nga, ND.

(7) Nước Đức, giai đoạn 1919 - 1933, được gọi là Cộng hòa Weimar, vì hiến pháp của nước này được Quốc hội Đức họp Weimar thông qua – chú thích bản tiếng Nga, ND.

(8) Stresemann Gustav (1878 - 1929) - chính trị gia người Đức, một trong những người sáng lập và lãnh đạo Đảng Nhân dân Đức; tháng từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1923 là thủ tướng Đức, từ tháng 8-1923 giữ luôn chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của nước này – ghi chú bản tiếng Nga, ND.

(9) Dường như Mises muốn nói tới đoạn sau đây trong Lời nói đầu lần xuất bản thứ hai Tư bản luận (tập I): “Từ nay trở đi, vấn đề không còn là lý thuyết này hay lý thuyết kia đúng hay sai, mà là nó có ích hay có hại, tiện lợi hay bất tiện cho tư bản... Các công trình nghiên cứu vô vị lợi nhường chỗ cho những trận chiến của bọn viết thuê, nghiên cứu khoa học vô vị lợi được thay thế bằng những lời biện hộ đầy thiên kiến, nịnh bợ” (К. Маркс, Ф. Энгельс, T. 23, tr. 17). Trong một số tác phẩm, Marx từng gọi các nhà kinh tế học đương thời với mình là những kẻ vu khống, bợ đỡ - chú thích bản tiếng Nga, ND.

(10) Mời đọc L. Pohle, Die gegenwärtige Krise der deutschen Volkswirtschaftslehre (Cuộc khủng hoảng trong kinh tế học Đức hiện nay), 2 - ed., Leipzig, 1921

(11) Trường Đại học sư phạm, được thành lập sau cuộc Cách mạng Pháp, luôn được xếp hạng rất cao về chất lượng học thuật và uy tín – chú thích bản tiếng Nga, ND.

(12) Webb Sydney (1859 - 1947) và vợ ông, bà Beatrice (1858 - 1943), là những người xã hội chủ nghĩa “ôn hòa”, gọi là chủ nghĩa xã hội Fabian. Năm 1932, hai ông bà Webb tới thăm Liên Xô và năm 1935, họ cho xuất bản tác phẩm, gồm hai tập, nhan đề Chủ nghĩa cộng sản Xô Viết - một nền văn minh mới? (Soviet Communism: A New Civilization?) – chú thích bản tiếng Nga, ND. 

(13) Sidney and Beatrice Webb, Soviet Communism: A New Civilization? (Chủ nghĩa cộng sản Xô Viết: Một nền văn minh mới?) (New York, 1936), II, 1000.

Nguồn: Ludwig von Mises, Bureaucracy, Yale University Press, 1944

 

 
 
Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường