Bộ máy quan liêu: Dẫn nhập (phần 2)
1. Ý nghĩa mang tính thóa mạ của thuật ngữ quan liêu
Các thuật ngữ kẻ quan liêu hay quan chức bàn giấy (bureaucrat), tác phong quan liêu (bureaucratic), và bộ máy quan liêu (bureaucracy) là những từ rõ ràng có tính thóa mạ. Không người nào tự gọi mình là quan liêu hay phương pháp quản lý của anh ta là có tính quan liêu. Những từ này luôn luôn có ý thóa mạ. Chúng luôn luôn có ý phê phán, làm mất thể diện cá nhân, tổ chức, hoặc thủ tục hành chính. Không ai nghi ngờ rằng bộ máy quan liêu là hoàn toàn xấu và không nên hiện diện trong thế giới hoàn hảo.
Hàm ý lăng mạ của những thuật ngữ vừa nói không phải chỉ có ở Mĩ và các nước dân chủ khác. Nó là hiện tượng phổ quát. Ngay cả ở Phổ, với chính quyền độc tài mẫu mực, cũng không ai muốn bị gọi là kẻ quan liêu. Virklicher geheimer OberRegierungsrat (thành viên chính thức của cơ mật viện – tiếng Đức) của nhà vua tự hào về phẩm giá và quyền lực được giao cho mình. Thái độ tự phụ của ông ta được thể hiện trong sự kính trọng của thuộc hạ và dân chúng. Ông ta nhận thức rất rõ tầm quan trọng và khả năng không thể sai lầm của mình. Nhưng ông ta sẽ coi là xúc phạm không thể chấp nhận được nếu có người nào đó dám gọi mình là kẻ quan liêu. Theo ông ta, mình không phải là người quan liêu mà là công chức, được hoàng thượng tin cậy, một công chức của nhà nước, ngày và đêm không ngừng lo lắng tới phúc lợi của quốc gia.
Đáng chú ý là “những người tiến bộ” mà những người phê phán chế độ quan liêu cho rằng phải chịu trách nhiệm về việc làm cho nó lan tràn khắp thể giới không dám bảo vệ hệ thống quan liêu. Ngược lại, họ cùng với những người mà họ coi là “phản động” lên án nó. Vì, họ khẳng định rằng phương pháp quan liêu hoàn toàn không cần thiết cho chế độ không tưởng mà họ đang nhắm tới. Họ nói, chế độ quan liêu làm người dân bất mãn, trong đó, hệ thống tư bản tìm cách dàn xếp với xu hướng không thể đảo ngược là xóa sổ chính hệ thống này. Chiến thắng chung cuộc không thể tránh được của chủ nghĩa xã hội sẽ xóa sổ không chỉ chủ nghĩa tư bản mà xóa sổ cả chế độ quan liêu. Trong thế giới hạnh phúc của ngày mai, trong thiên đường của kế hoạch hóa toàn diện, sẽ không có còn bất kì kẻ quan liêu nào. Con người thuộc về tất cả mọi người sẽ là người nắm quyền cao nhất; nhân dân sẽ tự quản lí tất cả công việc của mình. Chỉ có giới tư sản hẹp hòi mới bị bộ máy quan liêu lừa gạt về trái đắng mà chủ nghĩa xã hội đang chuẩn bị cho nhân loại mà thôi.
Như vậy là, dường như mọi người đều đồng ý rằng bộ máy quan liêu là xấu xa. Nhưng cũng đúng là chưa có người nào từng tìm cách định nghĩa một cách rõ ràng bộ máy quan liêu thực sự có nghĩa là gì. Nói chung, từ này thường được dùng một cách lỏng lẻo. Hầu hết đều cảm thấy lúng túng nếu có người hỏi định nghĩa và giải thích chính xác. Làm sao có thể lên án bộ máy quan liêu và kẻ quan liêu nếu không biết ý nghĩa của những thuật ngữ này?
2. Công dân Mĩ lên án chế độ quan liêu
Một người Mĩ, khi được đề nghị làm rõ những lời phàn nàn của anh ta về những cái xấu xa của tệ quan liêu hóa đang ngày càng phát triển, có thể nói như sau:
“Hệ thống chính phủ truyền thống của nước Mĩ chúng ta vốn dựa trên sự phân chia quyền lực giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp và phân chia rõ ràng quyền tài phán giữa liên bang và các bang. Các nhà lập pháp, những quan chức chính phủ quan trọng nhất, và nhiều thẩm phán được lựa chọn qua các cuộc bầu cử. Do đó, người dân, cử tri, là cao nhất. Hơn nữa, không nhánh nào trong ba nhánh của chính quyền có quyền can thiệp vào công việc riêng tư của người công dân. Công dân tuân thủ pháp luật là người tự do.
“Nhưng bây giờ, trong nhiều năm và đặc biệt là từ khi áp dụng Chính sách Kinh tế Mới (New Deal1), những lực lượng đầy sức mạnh gần như đã sẵn sàng thay thế cho hệ thống dân chủ cũ và đáng tin cậy này bằng chế độ cai trị bạo ngược của bộ máy quan liêu vô trách nhiệm và độc đoán. Một kẻ quan liêu không do dân bầu chọn mà được một kẻ quan liêu khác bổ nhiệm. Anh ta vơ vào mình rất nhiều quyền hành của nhánh lập pháp. Các ủy ban và văn phòng của chính phủ ban hành nghị định và quy định, đóng vai trò quản lý và chỉ đạo tất cả các lĩnh vực đời sống của người dân.
“Họ không chỉ điều chỉnh những việc mà cho đến nay vẫn để cho các cá nhân tự quyết định; họ không chùn bước trước việc ban hành những quyết định gần như bãi bỏ các đạo luật được ban hành theo đúng thể thức. Bằng cách làm như thế, các văn phòng này chiếm được quyền quyết định nhiều vấn đề quan trọng theo đánh giá riêng của họ về tính chất của từng vụ việc, nghĩa là, khá tùy tiện. Luật lệ và đánh giá của các văn phòng lại được quan chức liên bang thực thi. Tái kiểm tư pháp, trên thực tế, đã trở thành viển vông. Càng ngày những kẻ quan liêu càng giành được nhiều quyền lực hơn; chẳng bao lâu nữa họ sẽ quản lí cả nước.
“Không nghi ngờ gì rằng hệ thống quan liêu này thực chất là phi tự do, phi dân chủ và không phải là Mĩ, trái với tinh thần và lời văn của Hiến pháp, và đó là một bản sao của các biện pháp toàn trị của Stalin và Hitler. Đầy thái độ thù nghịch cuồng tín đối với kinh doanh tự do và tài sản tư nhân. Nó làm tê liệt hoạt động kinh doanh và làm giảm năng suất lao động. Chi tiêu phung phí, hệ thống này đang lãng phí tài sản quốc gia. Thiếu hiệu quả và lãng phí.
“Mặc dù gọi những việc làm của mình là kế hoạch hóa, nó không có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng. Nó không thống nhất và không đồng nhất; các văn phòng và cơ quan khác nhau theo đuổi những mục tiêu trái ngược nhau. Kết quả là sự tan rã của toàn bộ bộ máy sản xuất và phân phối xã hội. Sau đó, nhất định sẽ là nghèo nàn và đau khổ”.
Nói chung, bản cáo trạng mãnh liệt bộ máy quan liêu vừa dẫn đã mô tả đầy đủ - mặc dù mang tính cảm xúc - xu hướng hiện nay trong chính phủ Mĩ. Nhưng nó bỏ sót một điểm quan trọng vì cho rằng bộ máy quan liêu và những kẻ quan liêu là những người chịu trách nhiệm về những thay đổi mà nguyên nhân của chúng phải được tìm kiếm ở chỗ khác. Quan liêu chỉ là hậu quả và triệu chứng của những hiện tượng và thay đổi sâu xa hơn rất nhiều.
Đặc điểm nổi bật của các chính sách hiện nay là xu hướng sử dụng các biện pháp kiểm soát của chính phủ thay thế cho kinh doanh tự do. Các đảng chính trị và các nhóm áp lực đầy sức mạnh kiên quyết đòi xã hội kiểm soát tất cả các hoạt động kinh tế, chính phủ lập kế hoạch tất cả mọi thứ và quốc hữu hóa lĩnh vực kinh doanh. Mục tiêu của họ là chính phủ kiểm soát toàn bộ lĩnh vực giáo dục và xã hội hóa2 nghề y. Không có lĩnh vực hoạt động nào của con người mà họ không sẵn sàng bắt phải làm theo các quy định của chính quyền. Trong mắt họ, các biện pháp kiểm soát của nhà nước là phương thuốc có thể chữa được tất cả các loại bệnh tật.
Những người ủng hộ nhiệt tình chính phủ toàn trí toàn năng là những người rất khiêm tốn khi đánh giá vai trò của chính mình trong quá trình tiến tới chế độ toàn trị. Họ khẳng định rằng tiến tới chủ nghĩa xã hội là không thể tránh được. Đấy là xu hướng nhất định sẽ xảy và không thể tránh khỏi của quá trình tiến hóa của lịch sử. Cùng với Karl Marx, họ khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ tới “với sự chắc chắn, không thể lay chuyển được của quy luật tự nhiên”. Quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, kinh doanh tự do, chủ nghĩa tư bản, hệ thống tìm kiếm lợi nhuận đã bị kết án tử hình. “Làn sóng của tương lai” sẽ đưa con người tới thiên đường trên cõi thế do chính phủ kiểm soát hoàn toàn. Những người ủng hộ chế độ toàn trị tự gọi mình là “tiến bộ” chính là vì họ làm ra vẻ hiểu được ý nghĩa của những tín hiệu của tương lai. Họ chế giễu và chê bai, gọi là “phản động” tất cả những người tìm cách chống lại những lực lượng mà họ bảo rằng không nỗ lực nào của con người có thể đủ sức ngăn chặn.
Vì các chính sách “tiến bộ” này mà các văn phòng và các cơ quan của chính phủ sinh sôi nảy nở như nấm sau mưa. Các quan chức bàn giấy tăng lên nhanh chóng và nóng lòng tìm cách hạn chế, từng bước một, quyền tự do hành động của công dân. Nhiều công dân, những người bị “những người tiến bộ” gọi một cách khinh miệt “phản động” phẫn nộ trước sự xâm phạm vào công việc của mình và lên án sự bất tài và lãng phí của các quan chức bàn giấy. Nhưng, cho đến nay, những người phản đối chỉ là thiểu số. Bằng chứng là, họ không thu được đa số phiếu trong các cuộc bầu cử vừa rồi3. “Những người tiến bộ”, kẻ thù không đội trời chung của kinh doanh tự do và sáng kiến tư nhân và những người ủng hộ cuồng nhiệt những biện pháp kiểm soát của chính phủ toàn trị công việc kinh doanh đã đánh bại họ.
Thực tế là, Chính sách Kinh tế Mới đã được được cử tri ủng hộ. Cũng không nghi ngờ gì rằng người ta sẽ bỏ toàn bộ chính sách này nếu cử tri không ủng hộ nó. Hoa Kì vẫn là chế độ dân chủ. Hiến pháp vẫn còn nguyên vẹn. Các cuộc bầu cử vẫn tự do. Cử tri không bị cưỡng bức khi bỏ phiếu. Do đó, nói rằng hệ thống quan liêu giành được chiến thắng bằng các biện pháp vi hiến và phi dân chủ là không đúng. Các luật gia có thể đúng khi nghi ngờ về tính hợp pháp của một số điểm không quan trọng. Nhưng, nói chung, Chính sách Kinh tế Mới được quốc hội ủng hộ. Quốc hội ban hành luật pháp và phân bổ ngân sách.
Đương nhiên là, nước Mĩ đang đứng trước hiện tượng mà những người soạn thảo Hiến pháp không dự đoán được và không thể dự đoán được: Tự nguyện từ bỏ các quyền của quốc hội. Quốc hội, trong nhiều trường hợp, đã chuyển chức năng lập pháp cho các cơ quan và ủy ban của chính phủ và nới lỏng các biện pháp kiểm soát ngân sách bằng cách phân bổ những món tiền lớn mà họ thu được cho những khoản chi, mà chính quyền phải xác định chi tiết. Không ai tranh cãi việc quốc hội có quyền tạm thời ủy thác một số quyền hạn của mình. Ví dụ, Tòa án Tối cao tuyên bố Cơ quan phục hồi quốc gia là vi hiến4. Nhưng việc ủy quyền với hình thức thận trọng hơn vẫn được làm gần như thường xuyên. Dù sao mặc lòng, với cách làm như thế, cho đến nay quốc hội vẫn không đi ngược lại ý chí của đa số nhân dân có chủ quyền.
Mặt khác, chúng ta phải hiểu rõ rằng, ủy quyền là công cụ chính của các chế độ độc tài hiện nay. Chính là do ủy quyền mà Hitler và nội các của ông ta đã giành được quyền cai trị nước Đức5. Cánh tả ở Anh cũng muốn sử dụng biện pháp ủy thác quyền lực nhằm thiết lập chế độ độc tài và biến Vương quốc Anh thành cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Rõ ràng là, ủy thác quyền lực có thể được sử dụng nhằm che dấu chế độ độc tài. Nhưng, chắc chắn hiện nay, nước Mĩ chưa lâm vào tình cảnh như thế. Chắc chắn là quốc hội vẫn có quyền hợp pháp và sức mạnh thực tế để giành lại tất cả quyền lực đã ủy thác. Cử tri vẫn có quyền và sức mạnh thải hồi bất cứ thượng hay hạ nghị sĩ nào kiên quyết phản đối việc quốc hội từ bỏ quyền lực của mình. Ở Hoa Kì chế độ quan liêu được xây dựng trên nền tảng của hiến pháp.
Nhưng coi việc tập trung ngày càng nhiều quyền lực vào chính quyền trung ương và kết quả là vai trò của bang giảm dần là vi hiến thì cũng không đúng. Washington không công khai chiếm đoạt bất kỳ quyền lực hợp hiến nào của các bang. Điểm cân bằng trong phân phối quyền lực giữa chính phủ liên bang và các bang do Hiến pháp lập ra đã bị vi phạm nghiêm trọng vì những quyền lực mới mà chính quyền giành được được phân bổ cho liên bang chứ không dành cho các bang. Đây không phải là kết quả của một âm mưu thâm độc - muốn tước đoạt quyền lực của các bang và thiết lập trung ương tập quyền - do bè lũ bí ẩn nào đó ở Washington tiến hành. Nó là hậu quả của việc Hoa Kì là nền kinh tế với hệ thống tiền tệ và tín dụng thống nhất, tự do lưu thông hàng hóa, tư bản và con người giữa các bang. Trong một đất nước như thế, việc kiểm soát kinh doanh của chính phủ phải nằm ở trung ương. Không thể giao việc đó cho từng bang. Nếu mỗi bang được quyền tự do kiểm soát kinh doanh theo kế hoạch của mình thì thị trường trong nước không còn là một khối thống nhất nữa. Việc kiểm soát lĩnh vực kinh doanh của bang chỉ thành hiện thực nếu mỗi bang đều tách lãnh thổ của mình khỏi các bang còn lại bằng các các rào cản thương mại và di cư cũng như có chính sách tiền tệ và tín dụng độc lập. Vì không có người nào nghiêm túc đề nghị phá bỏ sự thống nhất về kinh tế của quốc gia, cho nên cần phải giao công tác kiểm soát kinh doanh cho liên bang. Chính bản chất của hệ thống kiểm soát kinh doanh của chính phủ đã nhắm tới việc tập quyền hóa tối đa. Quyền tự chủ của các bang được bảo đảm bởi Hiến pháp chỉ có thể được thực hiện trong hệ thống kinh doanh tự do mà thôi. Ủng hộ chính phủ kiểm soát lĩnh vực kinh doanh là các cử tri đã mặc nhiên, dù không cố ý, ủng hộ tập quyền hóa hơn nữa.
Những người phê phán chế độ quan liêu đã sai khi hướng cuộc tấn công của mình vào những triệu chứng của nó chứ không hướng vào nguồn gốc của tai họa. Vô số nghị định, quy định mọi khía cạnh trong hoạt động kinh tế của người dân được quốc hội thông qua theo đúng thể thức – gọi là luật – hay được một ủy ban hoặc cơ quan của chính phủ - được luật pháp trao cho quyền và tiền – thì cũng thế. Người dân thực sự bất bình vì sự kiện là chính phủ đi theo những chính sách toàn trị như thế, chứ không phải bất bình vì các quy trình kỹ thuật được áp dụng để tạo ra những chính sách đó. Chẳng có mấy khác biệt nếu quốc hội không giao cho những cơ quan này chức năng lập pháp và giữ quyền tự mình ban hành tất cả các nghị định mà việc thực hiện chức năng của nó đòi hỏi.
Khi kiểm soát giá cả được tuyên bố là nhiệm vụ của chính phủ, thì phải quy định rất nhiều giá trần và phải thường xuyên quy định lại giá cả nhiều mặt hàng mỗi khi điều kiện thay đổi. Văn phòng Quản lý giá (Office of Price Administration - OPA) được giao quyền này. Nhưng quyền lực của các quan chức của cơ quan này không hề suy suyển nếu họ cần tiếp xúc với quốc hội để ban hành luật về giá trần. Quốc hội sẽ chìm nghỉm trong một đống dự luật với nội dung nằm ngoài hiểu biết của nó. Các nghị sĩ quốc hội sẽ không có cả thời gian lẫn thông tin để kiểm tra một cách nghiêm túc các đề xuất do các phòng ban khác nhau của OPA đệ trình. Quốc hội sẽ không có lựa chọn nào khác, ngoài việc tin tưởng người đứng đầu OPA và các nhân viên của nó và bỏ phiếu thông qua các dự luật hoặc hủy bỏ điều luật cho phép chính phủ kiểm soát giá cả. Các nghị sĩ quốc hội hoàn toàn không thể xem xét vấn đề với sự tận tâm và cẩn trọng mà họ thường thể hiện trong khi thỏa thuận về chính sách và pháp luật.
Thủ tục ở quốc hội là biện pháp phù hợp trong quá trình soạn thảo luật pháp, cần cho xã hội dựa trên sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, kinh doanh tự do và khách hàng là thượng đế; hoàn toàn không phù với cho việc tiến hành xử lí công việc của chính phủ toàn trí, toàn năng. Những người soạn thảo hiến pháp (Mĩ – ND) không bao giờ nghĩ tới hệ thống quản lí, trong đó chính quyền phải quyết định giá ớt và giá cam, giá máy ảnh và giá dao cạo râu, giá cà vạt và giá khăn ăn. Nhưng nếu nghĩ tới thì chắc chắn họ sẽ cho là những quy định như thế do quốc hội hay một cơ quan nào đó của bộ máy quan liêu ban hành không phải là điều quan trọng. Họ sẽ dễ dàng hiểu được rằng chính phủ kiểm soát lĩnh vực kinh doanh là hoàn toàn không tương thích với chính phủ hợp hiến và dân chủ, dưới bất cứ hình thức nào.
Không phải ngẫu nhiên mà các nước xã hội chủ nghĩa được cai trị theo lối độc tài. Chủ nghĩa toàn trị và chính quyền nhân dân là những thiết chế không đội trời chung với nhau. Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu ở Đức và Liên Xô, Hitler và Stalin phải trình những quyết định của mình để “quốc hội” thông qua. Khi chính phủ kiểm soát lĩnh vực kinh doanh thì quốc hội chỉ có thể là nơi tụ họp của những người chỉ biết giơ tay mà thôi.
Cũng không thể chấp nhận ý kiến cho rằng các quan chức quản lí hành chính không phải do dân bầu là sai. Người dân chỉ có thể bầu ra các quan chức hành chính ở cấp cao nhất mà thôi. Cử tri chỉ có thể bầu cho các ứng viên mà họ đã biết rõ bản lĩnh chính trị và niềm tin của họ. Sử dụng biện pháp này trong việc bổ nhiệm những người mà cử tri không hề biết là việc làm vô nghĩa. Cử tri bầu tổng thống, thống đốc hay thị trưởng thì được. Nhưng để cho họ bầu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn quan chức cấp thấp là lố bịch. Trong những cuộc bầu cử như thế, cử tri sẽ không có lựa chọn nào khác, ngoài việc chấp thuận danh sách do các đảng phái đưa ra. Sẽ không có khác biệt đáng kể nào giữa việc tổng thống hay thống đốc chọn các trợ lí của mình hay cử tri bỏ phiếu thông qua danh sách những ứng viên mà họ cho là xứng đáng được chọn làm trợ lí.
Những người chống lại xu hướng toàn trị nói rất đúng rằng các quan chức bàn giấy được tự do quyết định theo ý mình những vấn đề quan trọng sống còn đối với đời sống của từng công dân. Đúng là các quan chức không còn là công bộc của quốc dân mà là những ông chủ và bạo chúa vô trách nhiệm và độc đoán. Nhưng đây không phải là khuyết điểm của bộ máy quan liêu. Đây là kết quả của hệ thống quản lí mới, hệ thống cản trở, không để cho cá nhân tự do giải quyết công việc của mình mà ngày càng giao cho chính phủ nhiều trọng trách hơn. Không phải các quan chức bàn giấy mà hệ thống chính trị mới là thủ phạm. Tất cả các dân tộc có chủ quyền vẫn còn có quyền tự do loại bỏ hệ thống này.
Cũng đúng là bộ máy quan liêu căm thù đến tận xương tủy doanh nghiệp tư nhân và kinh doanh tự do. Nhưng những người ủng hộ hệ thống quan liêu lại cho rằng đây là đặc điểm sáng giá nhất trong quan điểm của họ. Họ hoàn toàn không xấu hổ mà còn lấy làm tự hào vì chính sách bài bác kinh doanh của mình. Mục tiêu của họ là chính phủ kiểm soát hoàn toàn lĩnh vực kinh doanh và coi những doanh nhân muốn lẩn tránh những biện pháp kiểm soát đó là kẻ thù của xã hội.
Cuối cùng, đúng là chính sách mới, mặc dù về mặt hình thức, không phải là vi hiến, nhưng đây là chính sách trái ngược với tinh thần của hiến pháp; chẳng khác gì phá bỏ tất cả những điều mà người Mĩ trước đây từng trân trọng; chắc chắn sẽ dẫn đến việc vứt bỏ cái mà người ta thường gọi là chế độ dân chủ và theo nghĩa đó, là xa lạ với tinh thần của người Mĩ. Nhưng lời phê phán này cũng không làm cho những người ủng hộ xu hướng “tiến bộ” cảm thấy nao núng. Họ nhìn quá khứ với đôi mắt khác với những người phê phán mình. Đối với họ, lịch sử của tất cả các xã hội từng tồn tại cho đến ngày nay chỉ là lịch sử của quá trình thoái hóa của nhân loại, lịch sử của nghèo đói, lịch sử các giai cấp cai trị bóc lột dã man quần chúng lao động mà thôi. Trong ngôn ngữ ở Mĩ, cái gọi là “chủ nghĩa cá nhân” chỉ là “thuật ngữ khoa trương, trống rỗng để nói về thói hám tiền, được che đậy và thể hiện như là biểu hiện của đức hạnh”. Ý tưởng là “cho bọn tham tiền, bọn lừa đảo tinh vi và bọn đầu cơ trên thị trường chứng khoán và những bọn cướp khác được tự do cướp đoạt thu nhập của quốc gia”6. Hệ thống ở Mĩ bị họ phỉ báng, coi là “chế độ dân chủ của những Tuyên ngôn nhân quyền7, còn hệ thống ở nước Nga của Stalin thì được ca ngợi như là chế độ dân chủ thật sự duy nhất trên đời.
Vấn đề chính trong cuộc đấu tranh chính trị hiện nay là xã hội phải được tổ chức trên cơ sở quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất (chủ nghĩa tư bản, hệ thống thị trường) hay là trên cơ sở xã hội kiểm soát tất cả các phương tiện sản xuất (chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, nền kinh tế kế hoạch hóa). Chủ nghĩa tư bản có nghĩa là tự do kinh doanh, người tiêu dùng là thượng đế trong các vấn đề kinh tế và chủ quyền của cử tri trong các vấn đề chính trị. Chủ nghĩa xã hội có nghĩa là chính phủ kiểm soát tất cả các lĩnh vực trong đời sống của cá nhân và quyền lực vô giới hạn của chính phủ, trong vai trò của cơ quan quản lí sản xuất trung ương. Hai hệ thống này không bao giờ có thể thỏa hiệp được với nhau. Trái ngược với niềm tin sai lầm của nhiều người, ở đây không thể có dung hòa; không thể có hệ thống tổ chức xã hội lâu dài nào khác, ngoài hai hệ thống này8. Người công dân phải chọn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, hay như nhiều người Mĩ vẫn nói, phải chọn giữa lối sống Mĩ và lối sống Nga.
Bất cứ người nào đứng về phe tư bản chủ nghĩa trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng này cũng phải nói một cách chân thành và thẳng thắn như thế. Người đó phải ủng hộ một cách tích cực sở hữu tư nhân và tự do kinh doanh. Thỏa mãn với những cuộc tấn công vào một vài biện pháp được thiết kế nhằm mở đường tiến lên chủ nghĩa xã hội là việc làm vô ích. Chỉ chiến đấu với những hiện tượng đi kèm chứ không chiến đấu chống lại xu hướng toàn trị cũng chẳng có tác dụng gì. Chỉ phê phán chế độ quan liêu là vô nghĩa.
3. Quan niệm về chế độ quan liêu của những người “tiến bộ”
Những người phê phán chế độ quan liêu thuộc phe “tiến bộ” hướng các cuộc tấn công của họ trước hết nhằm chống lại quá trình quan liêu hóa các công ty lớn. Họ lập luận như sau:
“Trong quá khứ, các công ty kinh doanh còn tương đối nhỏ. Các doanh nhân có thể theo dõi tất cả các bộ phận của doanh nghiệp và tự mình đưa ra tất cả các quyết định quan trọng. Anh ta là chủ sở hữu tất cả vốn đầu tư hoặc ít nhất là phần lớn hơn trong số vốn này. Bản thân anh ta rất quan tâm tới thành công của doanh nghiệp. Do đó, anh ta phải cố gắng hết sức mình để làm cho doanh nghiệp càng hiệu quả càng tốt và tránh những khoản lãng phí không cần thiết càng nhiều càng tốt.
“Nhưng, cùng với xu hướng tập trung hóa kinh tế không thể nào tránh được, điều kiện làm việc đã thay đổi hoàn toàn. Hiện nay, các công ty lớn đang giữ thế thượng phong. Đó là chủ sở hữu vắng mặt; các chủ sở hữu hợp pháp, các cổ đông, không có tiếng nói trong quản lí doanh nghiệp. Nhiệm vụ này được giao các nhà quản lí chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp lớn đến mức chức năng và hoạt động của nó phải được giao cho các phòng ban và bộ phận hành chính. Cách tiến hành công việc chắc chắn là sẽ trở thành quan liêu.
“Những người ủng hộ tự do kinh doanh hiện nay là những người lãng mạn tương tự như những người tán dương nghệ thuật và nghề thủ công trong thời Trung cổ. Họ hoàn toàn sai lầm khi gán cho các tập đoàn lớn những phẩm chất xuất sắc vốn là đặc điểm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không thể có chuyện chia các doanh nghiệp lớn thành các đơn vị nhỏ hơn. Ngược lại, xu hướng tập trung hơn nữa sức mạnh kinh tế sẽ giữ thế thượng phong. Các doanh nghiệp độc quyền to lớn sẽ bị dồn nén vào chế độ quan liêu cứng nhắc. Các nhà quản lý doanh nghiệp sẽ chẳng chịu trách nhiệm trước bất cứ người nào, sẽ trở thành tầng lớp quý tộc cha truyền con nối; các chính phủ sẽ trở thành tay sai của bọn doanh nhân có quyền lực vô giới hạn.
“Chính phủ nhất định phải kiềm chế quyền lực của nhóm quản lí đầu sỏ này. Những lời phàn nàn về quy định của chính phủ là vô căn cứ. Vấn đề là, chỉ có một lựa chọn: Quyền lực của bộ máy quản lý quan liêu vô trách nhiệm hay quyền lực của chính phủ quốc gia?”
Tính chất biện hộ của những lập luận này là rõ ràng. Trả lời những chỉ trích của mọi người về sự bành trướng của nạn quan liêu của chính phủ, những người “tiến bộ” và những người ủng hộ Chính sách Kinh tế Mới nói rằng không chỉ chính phủ mới có nạn quan liêu. Nó là hiện tượng phổ biến trong cả lĩnh vực kinh doanh lẫn chính quyền. Nguyên nhân bao trùm nhất là “quy mô quá to lớn của tổ chức”. Do đó, đấy là cái xấu không thể nào tránh được.
Cuốn sách này sẽ tìm cách chứng minh rằng tất cả các doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận, lớn bé không quan trọng, đều không có khả năng trở thành quan liêu nếu bộ máy quản lí của nó không bị những biện pháp can thiệp của chính phủ trói buộc. Phát triển kinh doanh không chứa sẵn trong lòng nó xu hướng quan liêu hóa. Nó là kết quả của những biện pháp can thiệp của chính phủ vào hoạt động của doanh nghiệp. Nó là kết quả của các chính sách được thiết kế nhằm loại bỏ vai trò của động cơ lợi nhuận trong khuôn khổ tổ chức xã hội về mặt kinh tế.
Trong phần dẫn nhập này, chúng tôi chỉ muốn dừng lại ở điểm nói về những lời phàn nàn trước hiện tượng quan liêu hóa đang ngày càng gia tăng trong lĩnh vực kinh doanh mà thôi. Quan liêu hóa, người ta nói, là do “không có lãnh đạo có năng lực và hiệu quả”. Không có “lãnh đạo có tính sáng tạo”.
Trong lĩnh vực chính trị, phàn nàn về thiếu vắng lãnh đạo là thái độ điển hình của tất cả những người dọn đường cho chế độ độc tài. Trong mắt họ, khiếm khuyết chính của chính phủ dân chủ là nó không thể tạo ra các Führers (lãnh tụ, tiếng Đức – ND) và Duces (lãnh tụ, tiếng Italy – ND) vĩ đại.
Trong lĩnh vực kinh doanh, lãnh đạo sáng tạo được thể hiện trong việc điều chỉnh sản xuất và phân phối cho phù hợp với điều kiện cung và cầu đang thay đổi và trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế. Các doanh nhân thực sự là người sản xuất nhiều hàng hóa hơn, tốt hơn và rẻ hơn, là người thúc đẩy tiến bộ, người tặng cho đồng bào của mình những món hàng hóa và dịch vụ mà họ chưa từng biết hoặc không có khả năng mua. Chúng ta có thể gọi người đó là người người lãnh đạo có sáng kiến và hoạt động của người đó đã buộc các đối thủ cạnh tranh của mình hoặc là cạnh tranh với thành tích của anh ta hoặc là ra khỏi thương trường. Sức sáng tạo không mệt mỏi và yêu thích đổi mới của người đó có tác dụng ngăn chặn, không để cho tất cả các đơn vị kinh doanh dính mắc vào những thủ tục quan liêu không hiệu quả. Người đó là hiện thân của sự năng động không ngừng nghỉ và tiến bộ liên tục, là những đặc điểm vốn có của chủ nghĩa tư bản và tự do kinh doanh.
Chắc chắn là cường điệu khi nói rằng nước Mĩ ngày nay đang thiếu những nhà lãnh đạo sáng tạo như thế. Nhiều người anh hùng già nua trong lĩnh vực kinh doanh của Mĩ vẫn còn sống và đang tích cực thực hiện công việc của mình. Đánh giá sức sáng tạo của thế hệ trẻ hơn là công việc khó hơn hẳn. Cần phải có thời gian thì mới đánh giá đúng những thành tích của họ. Thiên tài thực sự rất hiếm khi được những người đương thời với mình thừa nhận.
Xã hội không thể giúp được gì trong việc giáo dục và rèn luyện những người sáng tạo. Không thể huấn luyện được thiên tài sáng tạo. Không có trường dạy sáng tạo. Thiên tài là người thách thức tất cả các trường học và luật lệ, là người không đi theo những con đường mòn xưa cũ và mở ra những con đường mới qua những vùng đất chưa từng có người đặt chân tới. Thiên tài bao giờ cũng là thầy, không bao giờ là trò; thiên tài luôn luôn tự đào luyện lấy mình. Thiên tài không cần những người có quyền lực ưu ái. Nhưng mặt khác, chính phủ có thể tạo ra những điều kiện làm tê liệt những nỗ lực của người có tinh thần sáng tạo và ngăn cản, không cho người đó làm những việc có ích cho cộng đồng.
Đây chính là đặc điểm của lĩnh vực kinh doanh hiện nay. Chỉ cần xem xét một ví dụ duy nhất: Thuế thu nhập. Một doanh nhân khéo léo, mới bước chân vào thương trường khởi động một dự án mới. Khởi đầu khá khiêm tốn: Anh ta nghèo, ít vốn và hầu hết là đi vay. Khi mới thành công, anh ta không tiêu xài thêm, mà tái đầu tư phần lợi nhuận thu được.
Công việc kinh doanh phát triển rất nhanh. Anh ta trở thành nhà lãnh đạo trong lĩnh vực của mình. Sự cạnh tranh mang tính đe dọa của anh ta buộc các công ti giàu có lâu đời và các tập đoàn lớn phải điều chỉnh công tác quản lý của mình cho phù hợp với điều kiện do sự cạnh tranh của anh ta gây ra. Họ không thể coi thường anh ta và không thể nuông chiều lề thói quan liêu. Họ phải luôn luôn cảnh giác trước những nhà cải cách nguy hiểm này. Nếu họ không thể tìm được người có thể cạnh tranh với người mới tham gia thương trường trong việc quản lý công việc kinh doanh của mình, thì họ phải kết hợp doanh nghiệp của mình với doanh nghiệp của anh ta và chấp nhận anh ta làm lãnh đạo.
Nhưng hiện nay, thuế thu nhập chiếm hơn 80% lợi nhuận ban đầu của người mới tham gia thương trường. Anh ta không thể tích lũy vốn; anh ta không thể mở rộng hoạt động kinh doanh; doanh nghiệp của anh ta sẽ không bao giờ trở thành doanh nghiệp lớn. Anh ta không thể địch được với những người có thế lực thâm căn cố đế. Các công ti và tập đoàn lâu đời đã có nguồn vốn đáng kể. Thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp ngăn chặn, không cho họ tích lũy thêm vốn, đồng thời ngăn chặn, hoàn toàn không cho người mới tham gia thương trường tích lũy vốn. Anh ta phải chịu số phận mãi mãi là doanh nghiệp nhỏ. Những doanh nghiệp đang tồn tại được che chắn để chống lại những mối hiểm nguy do những người mới tham gia thương trường khéo léo gây ra. Cạnh tranh của những người mới không đe dọa được họ. Họ được hưởng đặc quyền nếu giữ doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thống và quy mô truyền thống. Phát triển hơn nữa tất nhiên là bị ngăn chặn. Thuế khóa bòn rút liên tục lợi nhuận của họ, làm cho họ không thể mở rộng kinh doanh vượt ra khỏi nguồn vốn sẵn có. Xu hướng đình trệ bắt nguồn từ đó.
Trong tất cả các nước, tất cả các luật thuế hiện nay đều được soạn thảo như thể mục đích chính của thuế là cản trở quá trình tích lũy vốn và cải tiến sản xuất mà đồng vốn có thể mang lại. Xu hướng tương tự cũng thể hiện trong chính sách công ở nhiều lĩnh vực khác nhau. “Những người tiến bộ” hoàn toàn không đúng khi họ phàn nàn về việc thiếu vắng lãnh đạo có khả năng sáng tạo trong lĩnh vực kinh doanh. Không phải là thiếu người, mà các thiết chế không tạo điều kiện cho họ thi thố tài năng của mình. Các chính sách hiện nay trói tay trói chân những người đổi mới chẳng khác gì hệ thống phường hội thời Trung cổ.
4. Chế độ quan liêu và chủ nghĩa toàn trị
Như sẽ thấy trong cuốn sách này, bộ máy quan liêu và phương pháp quan liêu đã có từ rất lâu rồi và chúng phải có trong bộ máy hành chính của tất cả các chính phủ có chủ quyền trên một khu vực rộng lớn. Các Pharaoh Ai Cập cổ đại và các hoàng đế Trung Quốc cũng như tất cả các những nhà cầm quyền khác đã xây dựng được một bộ máy quan liêu khổng lồ. Chế độ phong kiến thời Trung cổ là nỗ lực nhằm tổ chức chính quyền trên vùng lãnh thổ rộng lớn mà không cần các quan chức bàn giấy và phương pháp quan liêu. Nhưng đã thất bại hoàn toàn. Nó dẫn đến kết quả là không còn thống nhất về mặt chính trị và vô chính phủ. Khởi thủy, các lãnh chúa phong kiến chỉ là quan chức và chịu sự quản lý của chính quyền trung ương, rồi trở thành các ông hoàng gần như tự chủ, họ liên tục đánh nhau và thách thức cả nhà vua, thách thức tòa án, và luật pháp. Từ thế kỷ XV, kiềm chế thái độ kiêu ngạo của chư hầu là nhiệm vụ chính của nhiều ông vua châu Âu. Nhà nước hiện đại được xây dựng trên tàn tích của chế độ phong kiến. Quyền lực tối thượng của vô số các vương tôn, công tử được thay thế bằng bộ máy quản lý quan liêu.
Tiến xa hơn cả là các ông vua của nước Pháp. Alexis de Tocqueville cho ta thấy các ông vua dòng họ Bourbon đã kiên định tới mức nào trong việc bãi bỏ quyền tự chủ của các chư hầu và của các nhóm đầu sỏ quý tộc đầy sức mạnh. Về vấn đề này, Cách mạng Pháp chỉ hoàn thành điều mà các ông vua chuyên chế đã khởi động mà thôi. Cách mạng đã xóa bỏ sự độc đoán của các ông vua, cách mạng làm cho luật pháp có vai trò tối thượng trong lĩnh vực quản lý hành chính và giới hạn phạm vi những vấn đề mà các quan chức được tự ý giải quyết theo đánh giá của mình. Cách mạng không xóa bỏ bộ máy quản lý quan liêu; nó chỉ làm cho bộ máy này trở thành hợp pháp và hợp hiến mà thôi. Hệ thống quản lý hành chính của Pháp trong thế kỷ XIX là nỗ lực dùng luật pháp để chế ngự, càng nhiều càng tốt, cách hành xử độc đoán của các quan chức. Nó trở thành mô hình cho tất cả các dân tộc yêu chuộng tự do không sử dụng thông luật như các nước Anglo-Saxon đang tìm cách làm cho người ta phải thượng tôn pháp luật trong khi thi hành công việc quản trị quốc gia.
Ít người biết rằng hệ thống hành chính của nước Phổ - rất được tất cả những người ủng hộ chính phủ toàn trí toàn năng ngưỡng mộ - ban đầu chỉ là bắt chước các thiết chế của Pháp mà thôi. “Đại đế” Frederick II nhập khẩu từ Pháp không chỉ phương pháp mà còn nhập khẩu cả người làm những công việc đó. Ông giao việc quản lí thuế trong nước và thuế nhập khẩu cho mấy trăm quan chức Pháp được ông đưa về. Ông bổ nhiệm một người Pháp làm Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện và một người khác làm Chủ tịch Viện hàn lâm. Trong thế kỉ XVIII, người Phổ thậm chí còn có nhiều cơ sở hơn để gọi chế độ quan liêu là phi-Phổ hơn là người Mĩ hiện nay gọi nó là phi-Mĩ.
Nền tảng pháp lý trong quản lý hành chính ở các nước Anglo-Saxon theo thông luật khác hẳn các nước trên lục địa châu Âu. Cả người Anh lẫn người Mĩ đều hoàn toàn tin tưởng rằng hệ thống của họ giúp họ bảo vệ một cách hiệu quả trước những hành động độc đoán của cơ quan quản lí hành chính. Tuy nhiên, kinh nghiệm của những thập kỷ vừa qua đã chứng minh rõ ràng rằng không có biện pháp đề phòng bằng pháp lý nào đủ sức chống lại xu hướng được một ý thức hệ mạnh mẽ ủng hộ. Những tư tưởng về sự can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực kinh doanh và chủ nghĩa xã hội được nhiều người ngưỡng mộ đã xói mòn những con đê hai mươi thế hệ người Anglo-Saxons dựng lên nhằm chống lại dòng thác lũ của quyền lực độc đoán. Nhiều nhà khoa bảng và cử tri được tổ chức thành các nhóm áp lực để đòi quyền lợi cho nông dân và công nhân gọi một cách mỉa mai hệ thống chính quyền Mĩ là “tài phiệt” và khao khát áp dụng các phương pháp của Nga, tức là những phương pháp không dành cho cá nhân bất kỳ sự bảo vệ nào trước những quyết định tùy tiện của chính quyền.
Chế độ toàn trị kinh khủng hơn, chứ không chỉ là bộ máy quan liêu. Chế độ toàn trị là toàn bộ đời sống của từng cá nhân - cả việc làm lẫn nghỉ ngơi – đều phải tuân theo mệnh lệnh của những người có chức có quyền. Đó là quy giản con người thành một cái bánh răng trong một bộ máy cưỡng bức và ép buộc bao trùm lên tất cả. Nó buộc từng cá nhân phải từ bỏ mọi hoạt động không được chính phủ chấp thuận. Nó không khoan dung với bất kỳ biểu hiện bất đồng nào. Đấy là quá trình chuyển đổi xã hội thành đội quân lao động với kỷ luật nghiêm ngặt - như những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội nói - hoặc thành trại cải tạo - như những người phản đối nói. Dù sao mặc lòng, đấy là sự thay đổi triệt để lối sống mà trong quá khứ, các dân tộc văn minh đã từng theo đuổi. Đấy không chỉ đơn giản đưa nhân loại trở lại với chủ nghĩa chuyên chế phương Đông, một chế độ, trong đó, theo nhận xét của Hegel: Chỉ một người được tự do, tất cả còn lại đều là nô lệ. Các ông vua châu Á không can thiệp vào công việc hàng ngày của các thần dân của mình. Nông dân, người chăn nuôi gia súc và các nghệ nhân đều được dành cho những lĩnh vực hoạt động mà nhà vua và tùy tùng của anh ta không can thiệp vào. Họ có một số quyền tự chủ trong hoạt động kinh tế và công việc gia đình. Chủ nghĩa xã hội thời hiện đại khác hẳn. Chủ nghĩa xã hội là chế độ toàn trị theo đúng nghĩa của thuật ngữ này. Nó kiểm soát chặt chẽ từng người, từ trong bụng mẹ cho đến khi xuống mồ. Từng giây phút trong cuộc đời, “đồng chí” đều phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của chính quyền trung ương. Nhà nước vừa là người giám hộ vừa là người thuê mướn anh ta. Nhà nước quyết định công việc, chế độ ăn uống và trò giải trí của anh ta. Nhà nước bảo anh ta những điều cần nghĩ và những điều cần tin.
Bộ máy quan liêu là công cụ để thực hiện những kế hoạch như thế. Nhưng dân chúng đã tỏ ra không công bằng khi đổ lỗi của hệ thống lên đầu các quan chức bàn giấy. Đấy không phải là lỗi của những người làm trong các văn phòng và bàn giấy này. Họ cũng là nạn nhân của lối sống như bất kỳ người nào khác mà thôi. Hệ thống tồi chứ không phải những người làm việc cho nó là những kẻ xấu xa. Chính phủ không thể làm việc mà không có bộ máy quan liêu và phương pháp quan liêu. Không thể có hợp tác xã hội nếu không có chính phủ, cho nên bộ máy quan liêu, ở mức độ nào đó, là tuyệt đối cần thiết. Người ta phẫn nộ không phải vì chế độ quan liêu như nó vốn là, mà phẫn nộ vì bộ máy quan liêu thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống và hoạt động của con người. Cuộc đấu tranh chống lại quá trình xâm lấn của bộ máy quan liêu thực chất là cuộc nổi dậy nhằm chống lại chế độ độc tài toàn trị. Coi cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ là cuộc chiến đấu chống lại bộ máy quan liêu là sai.
Tuy nhiên, theo nghĩa nào đó, những lời phê phán phương pháp và thủ tục quan liêu là có thể hiểu được. Vì khiếm khuyết của những phương pháp và thủ tục này là biểu hiện của nhược điểm thuộc về bản chất của tất cả các hệ thống xã hội chủ nghĩa và toàn trị. Trong khi nghiên cứu một cách kỹ lưỡng vấn đề quan liêu, chúng ta nhất định sẽ phát hiện được vì sao những lý thuyết không tưởng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn bất khả thi và chắc chắn – nếu được đưa vào thực tế - sẽ dẫn tới kết quả không chỉ làm mọi người đều nghèo đói, mà hợp tác xã hội cũng không còn – dẫn tới hỗn loạn. Do đó, nghiên cứu bộ máy quan liêu là phương pháp nghiên cứu phù hợp hai hệ thống tổ chức xã hội: Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
5. Lựa chọn: Quản lý vì lợi nhuận hay quản lý theo lối quan liêu
Muốn biết bộ máy quan liêu thực sự có nghĩa là gì, chúng ta phải bắt đầu bằng việc phân tích hoạt động của động cơ lợi nhuận trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản. Chúng ta không nắm được những đặc điểm cốt lõi của chủ nghĩa tư bản, cũng như không nắm được những tính chất cơ bản của chế độ quan liêu. Những huyền thoại giả mạo, do bộ máy tuyên truyền mị dân phát tán, làm người ta hiểu sai hoàn toàn hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản đã thành công trong việc nâng cao chưa từng thấy phúc lợi vật chất của quảng đại quần chúng. Ở các nước tư bản, dân số hiện nay là cao hơn gấp mấy lần so với ngay trước “Cách mạng công nghiệp”, và tất cả công dân của những nước này đều được hưởng mức sống cao hơn nhiều so với những người giàu có trong những giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, phần lớn dư luận tập trung vào việc chê bai tự do kinh doanh và sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, coi đó là những thiết chế có tính bóc lột, hoàn toàn bất lợi cho phần đông dân chúng và chỉ thúc đẩy quyền lợi giai cấp ích kỷ của một nhóm nhỏ những kẻ bóc lột mà thôi. Các chính trị gia với thành tích chủ yếu là làm giảm sản lượng nông nghiệp và cản trở những cải tiến kĩ thuật, reo rắc nghi ngờ chủ nghĩa tư bản, coi đấy là “nền kinh tế của sự khan hiếm” và luôn miệng nói về sự thừa mứa mà chủ nghĩa xã hội sẽ tạo ra. Những người lãnh đạo công đoàn, với những công đoàn viên có ô tô riêng, rất nhiệt tình trong việc tán dương hoàn cảnh của những người vô sản Nga quần áo rách rưới, chân trần và ca ngợi quyền tự do mà các công nhân Nga được hưởng, trong khi công đoàn lao động ở đấy bị đàn áp và đình công là tội hình sự.
Không cần phải đi sâu vào những chuyện ngụ ngôn. Chúng ta không có ý ca ngợi, cũng không có ý lên án. Chúng ta muốn biết hai hệ thống đang bàn ở đây là gì, muốn biết cách hoạt động và cách chúng đáp ứng nhu cầu của người dân.
Mặc dù thuật ngữ bộ máy quan liêu được sử dụng một cách khá mơ hồ, dường như mọi người cùng thống nhất là có sự khác biệt giữa hai phương pháp làm việc trái ngược nhau: Cách làm của từng người công dân và cách vận hành của các cơ quan công quyền. Không có người nào phủ nhận rằng các nguyên tắc vận hành của cơ quan cảnh sát khác hẳn với các nguyên tắc được áp dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, xin bắt đầu tìm hiểu các phương pháp được sử dụng trong hai loại thiết chế này và so sánh chúng với nhau.
Chỉ có thể hiểu được ưu điểm và nhược điểm, cách làm việc và hoạt động của bộ máy quan liêu khi so sánh với hoạt động của động cơ tìm kiếm lợi nhuận trong xã hội tư bản thị trường.
Chú thích:
(1) Chính sách kinh tế do tổng thống Hoa Kì, Franklin Delano Roosevelt, công bố và thực hiện trong những năm 1933-1938, với mục tiêu là khắc phục hậu quả cuộc Đại khủng hoảng giai đoạn 1929-1933, mà thực chất là nhà nước điều tiết một số khía cạnh của đời sống kinh tế bằng cách ấn định giá và sản lượng một số sản phẩm, trợ cấp cho nông dân, v.v. – Chú thích bản tiếng Nga, ND.
(2) Socialization – xã hội hóa, trong ngữ cảnh ở đây có nghĩa là nhà nước quản lí, khác với cách hiểu ở Việt Nam hiện nay: chuyển các công việc nhà nước quản lí cho xã hội hay tư nhân – ND.
(3) “Chính sách Kinh tế Mới” của Roosevelt được đa số cử tri Mĩ ủng hộ trong suốt nhiều năm trời, bằng chứng là F.D. Roosevelt tái đắc cử tổng thống vào các năm 1936 và 1940, và đảng Dân chủ, ủng hộ ông, đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Quốc hội trong những năm 1930 – chú thích bản tiếng Nga, ND.
(4) Tháng 7 năm 1933, Quốc hội Hoa Kì thông qua Đạo luật Phục hồi Công nghiệp Quốc gia, đồng thời thành lập Cơ quan Phục hồi Quốc gia (National Recovery Administration - NRA) với các chức năng điều tiết hoạt động kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó có phân bổ nguồn lực, giá cả, v.v ...Tháng 5 năm 1935, Tòa án Tối cao Hoa Kì tuyên bố Luật Phục hồi Công nghiệp Quốc là vi hiến – chú thích bản tiếng Nga, ND.
(5) Ngày 30 tháng 1 năm 1933, tổng thống Đức, Hindenburg, bổ nhiệm Hitler làm Thủ tướng, tức là người đứng đầu chính phủ. Theo yêu cầu của Hitler, ngày 23 tháng 3 năm 1933, Reichstag (Quốc hội Đức) đã thông qua Luật Quyền hạn khẩn cấp của Chính phủ, tạo cơ sở pháp lí cho cho việc thành lập chế độ độc tài Quốc xã – chú thích bản tiếng Nga, ND.
(6) W. E. Woodward, A New American History (New York, 1938), tr. 808. Trên bìa cuốn sách này, có đoạn như sau: “Hiện nay, bất kỳ người làm cha mẹ có tư duy đúng đắn biết rõ tất cả các sự kiện, có thể coi Benedict Arnold là mẫu người phù hợp với con trai của mình hơn là Lincoln”. Rõ ràng là những người có quan điểm như thế sẽ không coi bộ máy hành chính quan liêu được đưa vào Mĩ là sai. [Benedict Arnold (1741-1801), viên tướng Mĩ. Ở Hoa Kì, Benedict Arnold bị coi là biểu tượng của một kẻ đào ngũ vô nguyên tắc, vì trong cuộc chiến tranh giành độc lập, ban đầu ông ta ủng hộ George Washington, nhưng sau đó đã chạy sang phía quân Anh – đoạn trong ngoặc là chú thích bản tiếng Nga, ND.
(7) Ý nói Tuyên ngôn nhân quyền của Mĩ, gồm 10 Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Mĩ, được thông qua vào năm 1789. Tuyên ngôn nhân quyền bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp.. quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tài sản, thư thin và tôn trọng quyền công dân tại tòa án…v.v. - chú thích bản tiếng Nga, ND.
(8) Xem bên dưới tr. 117-119.
Nguồn: Ludwig von Mises, Bureaucracy, Yale University Press, 1944