[Tinh thần dân chủ] Chương 6: Động cơ thúc đẩy dân chủ: Yếu tố khu vực (Phần 1)

[Tinh thần dân chủ] Chương 6: Động cơ thúc đẩy dân chủ: Yếu tố khu vực (Phần 1)

Để giải quyết bí ẩn của sự tiến bộ của dân chủ đôi khi phải làm như Sherlock Holmes trong tác phẩm Ngọn lửa bạc, con chó không sủa. Ngày 22 tháng 4 năm 1996 con chó ở Paragua không sủa. Lúc đó ở một trong những nước Mỹ Latin bị cô lập nhất và lạc hậu nhất về cả kinh tế lẫn chính trị – nước Nam Mỹ cuối cùng phải dân chủ hóa – lực lượng quân sự đã không chiếm quyền trong cuộc khủng hoảng hiến pháp như họ vẫn thường làm trước đây. Chỉ huy quân đội, tướng Lino César Oviedo, đã thử, nhưng đáng ngạc nhiên là đã thất bại.

Cuộc khủng hoảng này bắt đầu khi người thèm khát quyền lực là Oviedo từ chối thực hiện mệnh lệnh từ chức do tổng thống mới được bầu và khá yếu, Juan Carlos Wasmosy, ban hành. Sau khi Wasmosy được bầu năm 1993 và quá trình chuyển hóa dân chủ tiếp theo – chủ yếu là trên bề mặt – tướng Oviedo vẫn là (và tự coi là) người quyền lực nhất nước. Nhưng năm 1996, Wasmosy và những nhánh khác của lực lượng vũ trang, cũng như phần lớn dân chúng trong nước đã chán ngấy với thói kiêu căng của vị chỉ huy quân đội này. Khi Oviedo bác bỏ mệnh lệnh của tổng thống, không những thế, ông ta còn đòi tổng thống từ chức thì đất nước chuẩn bị rơi vào một cuộc đảo chính mới.

Nhưng lần này cộng đồng các nước Bắc và Nam Mỹ đã đứng lên bảo vệ tổng thống và đất nước Paraguay. Hoa Kỳ, Brazil, Argentina và Uruguay – các đối tác của Paraguay trong nhóm Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) – cùng lên án thái độ bất tuân thượng lệnh của Oviedo, coi đó là “thách thức trực tiếp đối với trật tự hợp hiến ở Paraguay” và trái ngược “với các tiêu chuẩn dân chủ đã được các nước ở Tây bán cầu chấp nhận.”1 Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) triệu tập cuộc họp khẩn Hội đồng Thường trực của tổ chức này, theo nghị quyết 1080 – nói về bảo vệ tập thể chế độ dân chủ trong khu vực. Các nước dân chủ khác trong khu vực ủng hộ quyết định này. “Gần sáng hôm sau, sự ủng hộ vị tổng thống này từ cộng đồng quốc tế đã càng mạnh mẽ hơn”, góp phần động viên vị tổng thống còn do dự và động viên nhiều thành phần dân chúng Paraguay đứng lên bảo vệ trật tự hợp hiến. Với sự ủng hộ nhanh chóng và vô điều kiện của các lân bang, của tổ chức OAS, của Hoa Kỳ và các nước dân chủ châu Âu, Wasmosy “quyết tâm đối đầu trước sự bất tuân của giới quân sự” và Oviedo buộc phải từ chức, bảo vệ được cuộc thí nghiệm dân chủ yếu ớt của Paraguay.2

Công cuộc bảo vệ chế độ dân chủ ở Paraguay là biểu hiện của sức mạnh đã xuất hiện ở châu Mỹ và trên toàn cầu. Như đã thấy trong các chương 1 và 5, dân chủ ngày càng trở thành tiêu chuẩn quốc tế và các tác nhân trên trường quốc tế ngày càng tích cực hơn trong việc thúc đẩy và bảo vệ dân chủ, ngày càng đặt sang một bên quan niệm cứng nhắc về chủ quyền quốc gia đã có từ lâu. Nhưng những hành động và tiêu chuẩn thúc đẩy xu hướng này không chỉ tồn tại ở tầm toàn bộ cộng đồng quốc tế hay quyết định của những chế độ dân chủ riêng biệt, nhất là Hoa Kỳ. Các nhóm quốc gia ngày càng thường xuyên hơn và kiên quyết hơn trong việc coi dân chủ như là tiêu chuẩn quan trọng của khu vực, tất cả các nước thành viên đều có trách nhiệm thi hành và đã xây dựng được cơ chế và thực hiện những hành động nhằm thúc đẩy dân chủ. Việc thúc đẩy dân chủ trong khu vực trở nên mạnh mẽ nhất ở châu Âu hậu cộng sản và, như đã thấy ở Paraguay, đã bắt đầu có ảnh hưởng quyết định ở Mỹ Latin. Ở những khu vực khác trên thế giới, ảnh hưởng này diễn ra một cách nhẹ nhàng hơn hay hoàn toàn không có, như ở Đông Nam Á và Trung Đông. Và ở châu Phi – nơi mà cho đến tận thời gian gần đây vẫn kiên quyết bảo vệ chủ quyền tuyệt đối của các nước thành viên – lòng quyết tâm của khu vực đang gia tăng.

VAI TRÒ CHÍNH CỦA CHÂU ÂU

Không có tổ chức hay thế lực khu vực nào lại có ảnh hưởng đối với tiến trình dân chủ hóa ở các lân bang mạnh bằng Liên minh châu Âu (EU). Cộng đồng châu Âu (nay là EU) là tổ chức khu vực đầu tiên thực sự coi trọng chế độ dân chủ. Năm 1962, cộng đồng này đã đặt ra điều kiện cho những nước tham gia: “bảo đảm trên lãnh thổ quốc gia thực tiễn dân chủ thực sự và tôn trọng các quyền tự do và nhân quyền.”3 Và điều kiện như thế đã là nguồn động viên quan trọng cho quá trình củng cố dân chủ trong giai đoạn đầu ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp trong những năm 1970. Hiệp ước thành lập EU kí tại Maastricht năm 1992, điều kiện này lại được tái khẳng định một cách mạnh mẽ, tạo điều kiện tham gia EU cho bất kì nước châu Âu nào tôn trọng những nguyên tắc “tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản và chế độ pháp quyền.”4 Năm sau, các tiêu chí Copenhagen mới cho việc chấp nhận làm thành viên EU đòi hỏi rằng các nước muốn tham gia phải chứng tỏ “sự ổn định của các thiết chế bảo đảm” những thuộc tính của chế độ dân chủ tự do được ghi trong hiệp ước Maastricht.5 Những đòi hỏi về tư cách thành viên này sau đó được nói rõ thêm trong tài liệu gọi là acquis communautaire, tức là văn bản ghi rõ những luật lệ, quy tắc và tiêu chuẩn về những vấn đề chính trị, kinh tế, quản lý hành chính và kĩ thuật, trong 31 chương, dày tới tám ngàn trang.6

Tiến trình mở rộng EU với những điều kiện cao như thế, đặc biệt là sau khi thông qua Hiệp ước Maastricht, là tập hợp những áp lực hòa bình có tính bắt buộc nhất từ bên ngoài đối với cải cách về quản trị (và cơ cấu kinh tế) trong lịch sử nhà nước-quốc gia (nation-state) hiện đại. Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, EU trở thành cục nam châm thu hút những nước hậu cộng sản ở Trung và Nam Âu. Việc chấp nhận là thành viên không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế và viện trợ có thể đo lường được mà nó còn “có nghĩa là ‘trở lại với phương Tây’ – điều mà nhiều chính trị gia Đông Âu coi là mục tiêu quan trọng nhất của họ” và dân chúng Đông Âu vô cùng thích thú.7 Việc trở lại bao gồm không chỉ bản sắc văn hóa, nó rõ ràng còn là động cơ chính trị nữa: hi vọng rằng “UE có thể làm cho người Ba Lan, người Czech và người Hungary những điều mà họ đã làm thành công cho quá trình củng cố dân chủ ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.”8 Các chính khách dân chủ, các nhà hoạt động trong xã hội dân sự và các nhà trí thức hàng đầu trong khu vực biết rằng nếu đất nước họ áp dụng các thiết chế của EU thì từ bỏ dân chủ là việc không thể nào tưởng tượng được.

Việc mở rộng EU thời hậu cộng sản đã bị trì hoãn nhiều lần, nhưng các thành viên tương lai đã phấn đấu hết sức mình nhằm đáp ứng các điều kiện chính trị, luật pháp, quản lý hành chính để được kết nạp. Sau khi Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovenia và Estonia được tham gia quá trình đánh giá vào tháng 7 năm 1997, “từng nước ứng viên đều phải tham gia những cuộc đàm phán sâu rộng với các quan chức EU để chứng minh rằng có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của EU và phù hợp với acquis.”9 (Khi các nước ứng viên hậu cộng sản khác tham gia đàm phán, quá trình này cũng được áp dụng đối với họ). Hàng năm, Ủy ban châu Âu giám sát kĩ lưỡng và báo cáo về việc thực hiện các cuộc cải cách trong từng nước ứng viên, quá trình này hoàn tất sau bảy năm cùng với việc 8 nước hậu cộng sản, Cyprus và Malta được chấp nhận là thành viên EU vào ngày 1 tháng 5 năm 2004.

Các bản báo cáo thường đưa ra những thiếu sót cụ thể về chất lượng của các thiết chế dân chủ và thị trường, và bằng cách đó thúc giục các nước áp dụng những biện pháp khắc phục cụ thể. Như vậy, một phần là nhờ áp lực của EU mà “Cộng hòa Czech, Slovakia, và Latvia đã từ từ dọn dẹp và ổn định được hệ thống ngân hàng của mình.”10 Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Czech đã tiến hành phi tập trung hóa bộ máy quản lý hành chính để làm cho nó trở thành gần dân hơn. Các nước Baltic đã tiến hành thay đổi luật pháp và thực tiễn phân biệt đối xử với những cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga. Cộng hòa Czech, Slovakia và Hungary đã áp dụng những biện pháp nhằm cải thiện cách đối xử với người thiểu số Gypsy (Di Gan). “Tất cả các nước ứng viên đều nhận được một loạt yêu cầu thúc đẩy các cuộc cải cách luật pháp từ EU” bằng cách loại bỏ các quan tòa và công tố viên ô uế và nâng cao năng lực của toà án. Các nước này cũng bị áp lực phi chính trị hóa hoạt động dân sự.11 Tất cả các nước ứng viên đều phải đồng ý chịu sự ràng buộc với những hiệp ước làm nền tảng cho EU, cam kết với một loạt tiêu chuẩn nhân quyền. Quá trình đánh giá đã buộc các nước trong toàn bộ khu vực phải kiểm soát nạn ô dù, tham nhũng, gian lận và tham ô thường đi kèm với giai đoạn đầu của công cuộc cải cách thị trường, sau khi hệ thống cộng sản sụp đổ.

Những áp lực này cũng tạo được hiệu quả tương tự đối với Bulgaria và Romania, những nước phải vượt qua di sản của chế độ cứng rắn hơn và chưa được cải cách, và có quá khứ ít tự do hơn một số nước Trung Âu khác. Thậm chí, sau khi hai nước này được chấp nhận làm thành viên EU vào ngày 1 tháng 1 năm 2007, vẫn có nhiều người nghi ngờ về sự bền vững của các cuộc cải cách ở Romania và Bulgaria. Vì vậy mà hai nước này “đã trở thành đối tượng của cơ chế bảo vệ vô tiền khoáng hậu được đặt ra nhằm giữ cho họ không bị thụt lùi”. Cơ chế này trao cho Ủy hội châu Âu quyền đình chỉ các khoản viện trợ kinh tế và một số lợi ích dành cho các thành viên EU nếu các cuộc cải cách dân chủ bị ngưng trệ.12

Tác động của những điều kiện để được là thành viên EU đối với Slovakia là kịch tính nhất. Slovakia nằm trong số những nước ứng viên hậu cộng sản không đáp ứng được các tiêu chí dân chủ của EU nên không được tham gia các cuộc đàm phán đánh giá. Choáng váng trước quyết định của EU loại khỏi những cuộc đàm phán đầu tiên vào tháng 7 năm 1997, năm 1998, cử tri Slovakia đã hất cẳng thủ tướng độc tài Vladimir Mečiar và ủng hộ liên minh cam kết hội nhập với EU và NATO. Sau đó, “những vấn đề, từ tôn trọng nguyên tắc pháp quyền tới luật mới về ngôn ngữ đáp ứng kì vọng của người thiểu số Hungary; Slovakia, vì muốn bắt kịp các lân bang Trung Âu trên đường hội nhập với châu Âu đã áp dụng sáng kiến mạnh mẽ cho những cuộc cải cách dân chủ.”13

Thêm nữa, ước muốn trở thành thành viên EU đã làm cho tiến trình tự do hóa thu được kết quả đáng kể ở Thổ Nhĩ Kì. Năm 1987, khi lần đầu tiên gửi đơn xin được nhận vào EU, Thổ Nhĩ Kì là một trong những nước phi tự do nhất trên thế giới có thể được gọi là dân chủ. Chỉ sau khi ảnh hưởng của giới quân sự đã giảm đáng kể, cuối năm 1999, Thổ Nhĩ Kì mới chính thức được trao quy chế nước ứng viên. Thậm chí ngay cả lúc đó, tức là trước khi đảng AK (Công lý và phát triển) – đảng của người Hồi giáo ôn hòa và nghiêng về phía châu Âu –giành được thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2002, tự do, nguyên tắc xét xử công bằng và quyền của các nhóm thiểu số vẫn chưa được tôn trọng. Lúc đó, Thổ Nhĩ Kì mới kiên quyết sửa đổi để có thể đáp ứng những đòi hỏi sâu rộng để được EU đưa vào quá trình đánh giá. Quyết định của EU về việc khởi sự những cuộc đàm phán vào tháng 10 năm 2005 đã dẫn tới một loạt các cuộc cải cách theo hướng dân chủ hóa hơn nữa. Những cuộc cải cách này đã nới lỏng các hạn chế về biểu tình và thể hiện, cho người thiểu số Kurd được quyền sử dụng ngôn ngữ của mình trong phạm vi rộng hơn, gia tăng quyền của các quan chức dân cử trong việc giám sát lực lượng vũ trang, bỏ án tử hình và bãi bỏ các Tòa án chuyên xử tội về an ninh quốc gia (khét tiếng vì vi phạm nhân quyền), kiểm tra lại luật hình sự để làm cho nó tương thích với các tiêu chuẩn của châu Âu, cải cách ngành ngân hàng, gia tăng quyền tự do cá nhân và nguyên tắc xét xử công bằng. Mặc dù Thổ Nhĩ Kì chưa phải là chế độ dân chủ tự do và còn cách xa các tiêu chuẩn của EU về nhiều vấn đề, nhưng nước này đã đi được khoảng cách đầy ấn tượng trên con đường cải cách. Như một quan chức có trách nhiệm của EU nhận xét gần đây, khi nói về những rào cản về lịch sử, văn hóa và ý hệ mà các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kì đã vượt qua: “Ấn tượng nhất là quy mô và bước đi của các cuộc cải cách của Thổ Nhĩ Kì, và đấy là do áp lực của EU đối với Thổ Nhĩ Kì.”14

Điều kiện để được tham gia EU còn tạo được ảnh hưởng thấy rõ đối với dư luận xã hội. Trong những năm 1990, tình cảm đối với chế độ độc tài và luyến tiếc cộng sản chỉ bị ăn mòn một cách từ từ, đặc biệt là trong hai nước lẽo đẽo theo sau trong vòng sơ tuyển để được tham gia đàm phán là Romania và Bulgaria. Nhưng, cũng như ở Slovakia, khi viễn cảnh được tham gia đàm phát trở thành hiện thực, cử tri đã quay lưng lại với các chính trị gia có tư tưởng độc tài và phi dân chủ. Ngược lại, ở nước Moldova láng giềng, nơi viễn cảnh được EU đánh giá còn xa vời “những người ủng hộ chế độ độc đảng vẫn chiếm hơn 50% và hội đồng thành phố vừa quyết định dựng lại tượng Lenin trên quảng trường trung tâm. Bài học là rõ ràng: nhân dân học nhanh hơn hẳn khi những khích lệ đúng đắn nằm trong tầm tay của họ.”15

Có thể khẳng định rằng, ở Đông Âu, lịch sử đang đứng về phía dân chủ và rằng dân chủ đã bén rễ một cách từ từ nhờ có hoặc chẳng cần có sự theo dõi sít sao và sức lôi cuốn mạnh mẽ từ EU, nhưng ít nhất cũng có thể khẳng định rằng quá trình củng cố các giá trị và thiết chế dân chủ sẽ diễn ra lâu hơn và chậm hơn rất nhiều.16 Vì mặc dù Hiến chương mà NATO thông qua khi thành lập vào năm 1949 “nhằm bảo vệ quyền tự do” của các nước thành viên và những nguyên tắc chung về chế độ dân chủ và nguyên tắc pháp quyền cũng không ngăn chặn được tổ chức này cách đó vài thập kỉ chấp nhận hay giữ lại những nước phi dân chủ như Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kì.

Trước khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, NATO chỉ bận tâm đến việc kiềm chế và ngăn chặn đe dọa của Liên Xô chứ không quan tâm tới thúc đẩy hay bảo vệ dân chủ bằng bất cứ biện pháp chính trị nào. Nhưng, sau khi mối đe dọa về quân sự này được gỡ bỏ, NATO “quyết tâm đưa những nguyên tắc dân chủ trở thành trụ cột của những lo lắng về an ninh lẫn điều kiện chấp nhận làm thành viên của khối.”17 Nhằm đơn giản hóa quá trình mở rộng, tổ chức này đã tung ra những chương trình đối tác để vươn tới những nước Đông Âu đang tiến hành dân chủ hóa và dọn đường để họ trở thành thành viên, nhưng các nhà nghiên cứu đang tranh cãi xem liệu những điều kiện dân chủ của NATO có thực sự có ý nghĩa gì hay không. Chắc chắn là đã không có cơ cấu theo dõi và thi hành khắt khe của EU và đối với những nước hậu cộng sản khát khao trở thành thành viên của phương Tây, thật khó mà tách những biện pháp khuyến khích do EU đưa ra khỏi những biện pháp mà NATO đòi hỏi để được hội nhập vào tổ chức này. Đối với phương Tây, củng cố dân chủ và bảo đảm sự thống nhất và hòa bình của châu Âu là những mục tiêu song hành với nhau. Nhưng đối với phương Đông, động cơ trước hết của việc trở thành thành viên NATO vẫn tiếp tục là mối lo về an ninh có từ thời Chiến tranh Lạnh – đặc biệt là sự xâm phạm trong tương lai từ phía Nga – chứ không hẳn là vì dân chủ. Nhưng mặc dù việc mở rộng NATO không gây ra bất cứ điều gì tương tự như áp lực bắt buộc của EU về việc làm sâu sắc thêm chế độ dân chủ, thì nó lại gia tăng quyền kiểm soát của các quan chức dân cử đối với lực lượng võ trang, ngân sách quốc phòng minh bạch, tính chuyên nghiệp của các quân nhân và sự độc lập khỏi chính trị. Về những khía cạnh này, “không nghi ngờ gì rằng những đòi hỏi cho việc trở thành thành viên NATO gây được ảnh hưởng mạnh mẽ theo hướng dân chủ ở các nước Đông Âu.”18

Năm 1975, ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, một tổ chức khu vực khác, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), được thành lập nhằm làm giảm căng thẳng, đặc biệt là ở châu Âu, bằng cách thông qua Hiệp ước Helsinki. Thỏa thuận này bị phái hữu tố cáo là thừa nhận tính chính danh của chế độ độc tài của khối Xô Viết vì đã công nhận các đường biên giới và những hiệp định hiện có lúc đó và khẳng định (bằng ngôn ngữ ngoại giao thường thấy) quyền của mỗi nước trong việc lựa chọn hệ thống chính trị và kinh tế và “quyết định luật lệ của mình”. Thực ra, về những khía cạnh này, Liên Xô coi là đã giành được chiến thắng có tính lịch sử về mặt ngoại giao. Nhưng khi buộc tất cả các nước tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản, trong đó có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo và đức tin; với chữ kí của tất cả 35 nước, trong đó có Liên Xô, cùng hứa tôn trọng các quyền và quyền tự do cá nhân và khẳng định “quyền của cá nhân được biết và hành động phù hợp với quyền của mình”, Hiệp ước Helsinki đã làm thay đổi nền văn hóa của chủ nghĩa cộng sản và cuối cùng đã phá hoại ngầm chứ không phải là củng cố tính chính danh của chế độ độc tài cộng sản.19 Năm 1990, tức là một năm sau khi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu sụp đổ, “tất cả các nước thành viên OSCE” đã họp lại và kí Hiến chương Paris vì châu Âu mới (Charter of Paris for a New Europe) “công nhận dân chủ là hệ thống cai trị chung và duy nhất”. OSCE tiếp tục hệ thống hóa các nguyên tắc và tiêu chuẩn quản lý và hoạt động chính trị trong hơn 15 bản tuyên bố và thỏa thuận khẳng định chế độ dân chủ và nguyên tắc pháp quyền.20

Ảnh hưởng của OSCE không rõ ràng như EU, nhưng cũng khá quan trọng. Hiệp ước Helsinki năm 1975 đã hợp pháp hóa bất đồng chính kiến và theo dõi nhân quyền. Trong suốt những năm 1990, OSCE hoạt động tích cực hơn và trở thành thiết chế chặt chẽ hơn, đấy là khi nó chuyển từ diễn đàn đối thoại sang tổ chức khu vực kéo dài từ Vladivostok, Nga, qua châu Âu, tới tận Vancouver, Canada. Nhưng sự dễ dãi của tư cách thành viên – có nhiều thành viên là những nước hậu Xô Viết, rõ ràng là phi dân chủ cũng như lưu manh về chính trị, ví dụ, nước Nga – thường cản trở hành động mạnh mẽ nhằm thúc đẩy và bảo vệ dân chủ. Năm 1991, tổ chức này bắt đầu giúp đỡ và quan sát các cuộc bầu cử, kiểm tra việc thực hiện nhân quyền và giúp đỡ phát triển những thành tố dân chủ cả trong chính quyền lẫn trong xã hội dân sự, nhưng, khi các đoàn quan sát chỉ trích những cuộc bầu cử có nhiều nghi vấn ở Armenia và Azerbaijan hồi giữa và cuối những năm 1990 thì Nga và những thành viên OSCE thuộc khối Xô Viết cũ đã phản đối vì cho rằng họ “thiên vị” và tìm cách hạ bớt việc giám sát của OSCE. Đánh giá về những cuộc bầu cử sau đó của OSCE ở Belarus, Kazakhstan và ở Nga, mặc dù đã làm cho một số người ủng hộ dân chủ thất vọng vì chưa đủ thẳng thắn để bác bỏ những cuộc bầu cử không công bằng đã bị Nga và các lân bang độc tài phản đối kịch liệt. Mặc dù OSCE đã thành công trong việc treo giò, không cho chính phủ Nam Tư tham gia cho đến khi Slobodan Miloševič bị loại bỏ và người lãnh đạo được bầu một cách hợp pháp đã nhậm chức, tổ chức này, nói chung, vẫn không có các biện pháp buộc phải thực thi những cam kết về nhân quyền và áp đặt các biện pháp trừng phạt. Vì vậy, tổ chức này chủ yếu là củng cố áp lực và tiêu chuẩn của EU và NATO. Những nước ở bên lề về chính trị, nhưng có cơ hội tham gia những tổ chức này (như các nước Đông-Nam Âu) thường có “động lực lớn nhằm đáp ứng các tiêu chí của OSCE”, nhưng đối với các nước hậu Xô Viết vùng Caucasus và Trung Á thì động lực ít hơn hẳn.21

Chú thích:

(1) Đây là những từ ngữ trong bản tuyên bố của sứ quán Mĩ ở Asunción ngay trong đêm đó. Arturo Valenzuela, “The Coup That Didn’t Happen”, Journal of Democracy 8 (January 1997): 48.

(2) Ibid, p. 53.

(3) Trích theo Laurence Whitehead, “International Aspects of Democratization”, in Guillermo O’Donnell, Philippe Schmitter, and Whitehead, eds., Transitions from Authoritarian Rule: Comparative Perspectives (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1986), p. 21.

(4) Hiệp ước EU, điều 6 (1) và điều 49, Maastricht, February 7, 1992, http://europa.eu.int/eur-lex/en/treaties/dat/C_200232SEN.000501.html.

(5) European Council in Copenhagen, “Conclusions of the Presidency”, June 21-22, 1993, http://ue .eu .int/ueDocs/cms_Data/docs/pressdata/en/ec/72921.pdf.

(6) Edward R. McMahon and Scott H. Baker, Piecing a Democratic Quilt: Regional Organization and Universial Norms (Bloomfield, Conn.: Kumarian Press, 2006), pp. 40-41.

(7) Jiri Pehe, “Consolidating Free Government in the New EU”, Journal of Democracy 15 (January 2004): 36.

(8) Jacques Rupnik, “Eastern Europe in the Internatlonal Context”, Journal of Democracy 11 (April 2000): 122.

(9) Pehe, “Consolidating Free Government in the New EU”, p. 39.

(10) Ibid.

(11) Ibid., p. 40.

(12) Dan Bilefsky, “Romania and Bulgaria Celebrate Entry into European Union”, New York Times, January 2, 2007.

(13) Rupnik, “Eastem Europe in the International Context”, p. 124; Pehe, “Consolidating Free Government in the New EU”, p. 38; và Zollan Barany, “NATO’s Peaceful Advance”, Journal of Democracy 15, (January 2004): 74.

(14) McMahon and Baker, Piecing a Democratic Quilt, p. 47. Về những cải cách chính trị của Thổ Nhĩ Kì, xin đọc thêm Freedom House, Freedom in the World, 2006: the Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties (New York: Freedom House, 2006), pp. 730-33.

(15) Alina Mungiu-Pippidi, “Europe Moves Eastward: Beyond the New Borders”, Journal of Democracy 15, (January 2004): 55.

(16) Đây là kết luận của Jiri Pehe, “Consolidating Free Government in the New EU”, p. 42, và nhiều tác giả khác.

(17) McMahon and Baker, Piecing a Democratic Quilt, p. 78.

(18) Barany, “NATO’s Peaceful Advance”, p. 75.

(19) Conference on Security and Cooperation in Europe, Final Act, Helsinki, 1975, 1 (a) (I) and 1 (a) (VIII), pp. 2 and 4.

(20) Democracy Coalition Project, “Defending Democracy: A Global Survey of Foreign Policy Trends, 1992-2002: Fact Sheets on Regional Organizations”, www.demcoalition.org/pdf/Reglonal_ Organizations.pdf. Tinh thần dân chủ • 205

(21) McMahon and Baker, Piecing a Democratic Quilt, p. 70.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường