[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chương 1: Những nền tảng của chính sách tự do (Phần 1)
Đây là phần trích đăng từ chương "The Foundations of Liberal Policy" (tr. 1-34) trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.
- Thị trường Tự do Academy
1. Sở hữu
Xã hội loài người là hợp quần của những cá nhân biết phối hợp hành động. Khác với hành động riêng lẻ của các cá nhân, hành động hợp tác dựa trên nguyên tắc phân công lao động có ưu điểm là năng suất lao động cao hơn rất nhiều. Nếu một số người cùng làm việc và hợp tác, dựa trên nguyên tắc phân công lao động (những điều kiện khác vẫn giữ nguyên) thì họ sẽ sản xuất không chỉ được số lượng vật phẩm bằng với số lượng khi từng người làm việc riêng lẻ, mà cao hơn rất nhiều. Đấy là cơ sở của toàn bộ nền văn minh nhân loại. Phân công lao động làm cho con người khác với loài vật. Phân công lao động làm cho những con người yếu đuối, yếu hơn nhiều loài vật về mặt thể chất, trở thành chủ nhân của trái đất và là người sáng tạo ra những kì tích trong lĩnh vực công nghệ. Nếu không có phân công lao động thì chúng ta cũng chẳng khác gì tổ tiên sống cách đây một ngàn, thậm chí cả chục ngàn năm trước.
Tự bản thân lao động không làm cho chúng ta giàu có lên được. Phải làm việc với những vật tư và nguồn lực của trái đất mà Tự Nhiên đã giao vào tay chúng ta thì sức lao động của con người mới tạo được thành quả. Đất đai, với tất cả mọi nguồn tài nguyên và sức mạnh chứa trong nó, và sức lao động của con người là hai nhân tố của quá trình sản xuất. Sự kết hợp có chủ đích của hai nhân tố này tạo ra tất cả những sản phẩm hàng hoá có thể đáp ứng những nhu cầu vật chất ngoại tại của chúng ta. Muốn sản xuất, con người cần có cả lao động lẫn các yếu tố vật chất, bao gồm không chỉ các nguyên vật liệu và nguồn lực mà Tự Nhiên trao cho chúng ta - đa số có thể tìm thấy trên bề mặt hay trong lòng đất - mà còn phải sử dụng các sản phẩm trung gian, đã được chế biến bằng lao động trong quá khứ và từ những nguyên vật liệu ban đầu nói trên. Trong kinh tế học người ta chia ra thành ba yếu tố sản xuất tương ứng là: lao động, đất đai và vốn. Đất đai được hiểu là tất cả những gì Tự Nhiên để cho chúng ta toàn quyền sử dụng dưới dạng vật chất và nguồn sức mạnh ở ngay bề mặt, bên dưới và bên trên bề mặt trái đất, trong nước, cũng như trong không khí; hàng hóa tư bản (capital goods) được hiểu là tất cả những hàng hoá trung gian được bàn tay con người làm ra từ đất để phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo, như máy móc, thiết bị, bán thành phẩm đủ mọi loại .v.v.
Bây giờ chúng ta muốn xem xét hai hệ thống hợp tác khi có sự phân công lao động: một đằng dựa trên sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất và một đằng dựa trên sở hữu công cộng tư liệu sản xuất. Hệ thống dựa trên sở hữu công cộng tư liệu sản xuất được gọi là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, còn hệ thống kia được gọi là chủ nghĩa tự do hay còn gọi là chủ nghĩa tư bản (từ khi nó tạo ra trong thế kỉ XIX sự phân công lao động bao trùm khắp hoàn cầu). Những người theo trường phái tự do khẳng định rằng trong xã hội dựa trên sự phân công lao động thì sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất là hệ thống hợp tác giữa người với người hiệu quả nhất. Họ cho rằng chủ nghĩa xã hội, tức là hệ thống thu gom vào trong lòng nó toàn bộ các tư liệu sản xuất, là hệ thống không hiệu quả và việc áp dụng nguyên lí xã hội chủ nghĩa lên các phương tiện sản xuất, mặc dù không phải là việc bất khả thi, sẽ dẫn tới suy giảm năng suất lao động, cho nên không những không thể làm ra nhiều của cải hơn mà ngược lại, chắc chắn sẽ làm cho của cải ít đi.
Vì vậy mà cương lĩnh của chủ nghĩa tự do, nếu thu gọn bằng một từ, sẽ là: sở hữu, nghĩa là sở hữu tư nhân các tư liệu sản xuất [đối các hàng hoá tiêu dùng, thì sở hữu tư nhân là điều đương nhiên, ngay cả những người cộng sản và xã hội chủ nghĩa cũng không tranh cãi về vấn đề này]. Tất cả những đòi hỏi khác của chủ nghĩa tự do đều có xuất xứ từ đòi hỏi căn bản này. Người ta có thể đặt bên cạnh từ “sở hữu” trong cương lĩnh của chủ nghĩa tự do hai từ “tự do” và “hòa bình”. Đấy không phải là vì cương lĩnh cũ của chủ nghĩa tự do vẫn đặt chúng ở vị trí đó. Chúng tôi đã nói rằng cương lĩnh hiện nay của chủ nghĩa tự do đã vươn cao hơn chủ nghĩa tự do cũ, nghĩa là nó được soạn thảo trên những nhận thức thấu đáo hơn và sâu sắc hơn những mối quan hệ qua lại, bởi nó có thể tiếp nhận được thành quả khoa học trong hàng chục năm qua. Tự do và hòa bình được đưa lên mặt tiền của cương lĩnh của chủ nghĩa tự do không phải bởi vì nhiều người theo phái tự do “cũ” coi chúng nó là ngang hàng với chính nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa tự do, thay vì coi chúng là hậu quả tất yếu của nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa tự do - nguyên tắc sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất; mà chỉ vì tự do và hòa bình đã bị những đối thủ của chủ nghĩa tự do tấn công một cách quyết liệt nhất và những người theo phái tự do không muốn từ bỏ những nguyên tắc này để chứng tỏ rằng họ không công nhận những lời cáo buộc của đối thủ.
2. Tự do
Ý tưởng tự do đã ăn sâu bén rễ trong tất cả chúng ta đến nỗi suốt một thời gian dài không ai dám nghi ngờ. Người ta đã quen nói tới tự do với lòng sùng kính vô bờ bến, chỉ có Lênin mới dám gọi đó là “thành kiến tư sản” mà thôi. Đấy chính là thành quả của chủ nghĩa tự do, mặc dù thực tế này hiện đã bị nhiều người quên. Chính từ chủ nghĩa tự do cũng có xuất xứ từ từ tự do, còn khởi kì thuỷ đảng chống lại những người tự do [cả hai tên gọi đều xuất hiện trong cuộc đấu tranh lập hiến trong những thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XIX ở Tây Ban Nha] lại được gọi là “nô lệ” ("servile").
Trước khi chủ nghĩa tự do xuất hiện, ngay cả những nhà triết học sáng láng nhất; những ông tổ của các tôn giáo và giới tăng lữ, những người mang trong tâm tưởng những ý định tốt đẹp nhất, và các chính khách thực sự yêu thương người dân nước mình, đều coi tình cảnh nô lệ của một phần nhân loại là chính đáng, hữu ích và rất có lợi. Người ta cho rằng một số người và một số dân tộc được phú cho quyền tự do, còn những người khác thì phải chịu cảnh nô lệ. Không chỉ các ông chủ nghĩ như thế mà phần lớn nô lệ cũng nghĩ như thế. Họ chấp nhận địa vị nô lệ không chỉ vì họ buộc phải khuất phục sức mạnh vượt trội của các ông chủ mà họ còn cho rằng thế là tốt: nô lệ không phải lo miếng ăn hàng ngày vì chủ có trách nhiệm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất của anh ta. Khi chủ nghĩa tự do xuất hiện, trong thế kỉ XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX, với mục đích loại bỏ chế độ nô lệ và tình cảnh lệ thuộc của người nông dân châu Âu cũng như tình cảnh nô lệ của người da đen trong các nước thuộc địa ở hải ngoại, thì khá nhiều người theo chủ nghĩa nhân đạo chính hiệu đã đứng về phía đối lập. Những người lao động nô lệ đã quen với sự phụ thuộc và không cảm thấy đấy là xấu xa. Họ không sẵn sàng đón nhận tự do và chẳng biết làm gì với nó. Sẽ là tai hoạ đối với họ nếu chủ không còn quan tâm đến họ nữa. Họ sẽ không thể quản lí được công việc của mình sao cho lúc nào cũng kiếm được nhiều hơn nhu cầu tối thiểu và chẳng bao lâu sau họ sẽ rơi vào cảnh nghèo túng, bần hàn. Giải phóng sẽ chẳng mang lại cho họ lợi lộc gì mà chỉ làm cho hoàn cảnh kinh tế của họ xấu đi mà thôi.
Thật đáng ngạc nhiên khi nghe thấy nhiều người nô lệ được hỏi nói như thế. Nhằm chống lại những quan điểm như thế, nhiều người theo trường phái tự do tin rằng cần phải trình bày những vụ hành hạ nô lệ, thậm chí nhiều khi phải nói quá lên, như là những việc thường ngày. Nhưng những vụ quá lạm như thế hoàn toàn không phải là quy luật. Dĩ nhiên là có những vụ lạm dụng riêng lẻ, và những vụ như thế được coi là một lí do nữa cho việc bãi bỏ hệ thống này. Nhưng nói chung, nô lệ thường được chủ đối xử một cách nhân đạo và ôn hòa.
Khi những người đề nghị bãi bỏ tình cảnh nô lệ vì lý do nhân đạo nói chung, thì họ được đáp lại rằng giữ hệ thống này là nhằm bảo đảm lợi ích cho cả những người nô lệ và nông nô thì họ không biết phải trả lời thế nào. Vì để chống lại những người ủng hộ chế độ nô lệ thì chỉ có một lí lẽ đủ sức bác bỏ và trên thực tế đã bác bỏ tất cả những lí lẽ khác, đó là lao động tự do có năng suất cao hơn hẳn lao động nô lệ. Người nô lệ không cần cố gắng hết sức. Anh ta chỉ cần làm và hăng hái vừa đủ để không bị trừng phạt vì không hoàn thành nhiệm vụ tối thiểu được giao mà thôi. Còn người lao động tự do thì biết rằng càng làm nhiều anh ta càng được trả nhiều. Anh ta sẽ làm hết sức mình để có được nhiều thu nhập hơn. Chỉ cần so sánh những yêu cầu được đề ra với người công nhân lái máy cày hiện nay với những đòi hỏi tương đối thấp cả về trí tuệ, sức lực và sự cố gắng mà trước đây chỉ hai thế hệ người ta cho là đã đủ đối với một người nông nô ở nước Nga thì sẽ thấy. Chỉ có lao động tự do mới có thể thực hiện được những đòi hỏi đặt ra với người công nhân công nghiệp hiện đại.
Chỉ có những tên ba hoa chích chòe vô công rồi nghề mới có thể cãi nhau suốt ngày về việc liệu có phải tất cả mọi người đều có quyền tự do và đã sẵn sàng nhận nó hay không mà thôi. Họ có thể tiếp tục nói rằng Tự Nhiên đã buộc một số sắc tộc và dân tộc phải sống cuộc đời nô lệ và một số sắc tộc thượng đẳng có trách nhiệm giữ phần còn lại của nhân loại trong cảnh nô lệ. Người theo phái tự do không bao giờ tranh luận với những người như thế vì anh ta đòi tự do cho tất cả mọi người, không có bất kì phân biệt nào, tức là luận cứ của anh ta khác hẳn với những người kia. Chúng tôi, những người theo phái tự do, không khẳng định rằng Chúa Trời hay Tự Nhiên có ý bảo mọi người đều được tự do vì chúng tôi không được biết ý Chúa hay ý của Tự Nhiên, và về nguyên tắc chúng tôi tránh, không lôi kéo Chúa và Tự Nhiên vào những cuộc tranh luận về những vấn đề trần thế. Chúng tôi chỉ khẳng định rằng hệ thống đặt căn bản trên quyền tự do cho tất cả mọi người lao động là hệ thống có năng suất lao động cao nhất và vì vậy mà đáp ứng được quyền lợi của tất cả mọi người. Chúng tôi tấn công vào chế độ nô lệ không phải vì rằng nó chỉ có lợi cho các “ông chủ” mà vì chúng tôi tin rằng nói cho cùng nó có ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của tất cả mọi người, trong đó có các “ông chủ”. Nếu loài người cứ bám mãi vào thói quen là giữ toàn bộ hay chỉ một phần sức lao động trong tình cảnh nô lệ thì sự phát triển vượt bậc về kinh tế trong một trăm năm mươi năm qua đã không thể nào xảy ra được. Nếu cứ giữ như thế, chúng ta sẽ không có đường sắt, không có ô tô, không có máy bay, không có tàu thuỷ, không có đèn điện và máy điện, không có ngành công nghiệp hoá chất, chúng ta sẽ vẫn cứ sống như người Hy Lạp hay La Mã cổ đại, với tất cả tài năng của họ, nhưng không có các thứ vừa kể. Chỉ cần nhắc đến chuyện đó là mọi người, cả các ông chủ nô cũ lẫn người nông nô, đều có thể hài lòng với sự phát triển của xã hội sau ngày bãi bỏ chế độ nô lệ rồi. Người công nhân châu Âu hiện nay còn sống trong những điều kiện thuận lợi và dễ chịu hơn là các ông vua Ai-Cập cho dù những ông vua này nắm trong tay hàng ngàn nô lệ, trong khi đó người công nhân chỉ dựa vào sức khoẻ và tài khéo của hai bàn tay lao động của mình. Nếu một viên quan thái thú thời xa xưa được thấy hoàn cảnh của một người thường dân hiện nay thì chắc chắn ông ta sẽ tuyên bố rằng so với một người trung bình hiện nay thì ông ta chỉ là một kẻ ăn mày.
Đấy chính là thành quả của lao động tự do. Lao động tự do có thể làm ra nhiều của cải cho tất cả mọi người, nhiều hơn là lao động nô lệ đã từng tạo ra cho các ông chủ.
3. Hòa bình
Có những con người cao thượng, họ căm thù chiến tranh vì nó mang đến chết chóc và đau khổ. Nhưng dù có hâm mộ chủ nghĩa nhân đạo của họ đến mức nào, phải công nhận rằng tất cả luận cứ phản chiến của họ đều dựa trên cơ sở của lòng bác ái, những luận cứ như thế có thể sẽ mất rất nhiều, thậm chí toàn bộ sức mạnh khi chúng ta xem xét những lời tuyên bố của những kẻ ủng hộ chiến tranh. Những kẻ như thế không phủ nhận chiến tranh sẽ mang đến đau khổ. Nhưng họ tin rằng chiến tranh và chỉ có chiến tranh mới giúp nhân loại đạt được tiến bộ. Chiến tranh là cha đẻ của mọi thứ trên đời, một nhà triết học Hy Lạp đã nói như thế, và hàng ngàn người đã nhắc lại câu nói đó của ông ta. Trong thời bình con người sẽ bị thoái hoá. Chỉ có chiến tranh mới đánh thức được tài năng và sức mạnh đang ngủ yên trong mỗi con người và gieo vào lòng họ những ý tưởng vĩ đại. Không có chiến tranh, nhân loại sẽ rơi vào tình trạng lười nhác và đình trệ.
Thật khó, thậm chí không thể bác bỏ được cách lập luận như thế của những người ủng hộ chiến tranh nếu chỉ nói rằng chiến tranh đòi hỏi phải hi sinh. Vì những người ủng hộ chiến tranh nghĩ rằng hi sinh không phải là vô ích và đấy là cái giá phải trả. Nếu chiến tranh đúng là cha đẻ của mọi thứ trên đời thì những hi sinh mà nó đòi hỏi lại là đòi hỏi tất yếu vì nó thúc đẩy phúc lợi của mọi người và sự tiến bộ của nhân loại. Ai đó có thể xót thương những nạn nhân, thậm chí có thể tìm mọi cách làm giảm nhẹ số người bị thiệt hại, nhưng anh ta sẽ không thể nào biện hộ được cho ước muốn trừ bỏ chiến tranh và kiến tạo nền hòa bình vĩnh viễn.
Lập luận của những người theo trường phái tự do nhằm chống lại những luận cứ ủng hộ chiến tranh khác hẳn với lập luận của những người theo chủ nghĩa nhân đạo. Nó xuất phát từ tiền đề rằng không phải chiến tranh mà hòa bình mới là cha đẻ của mọi thứ trên đời. Điều duy nhất giúp cho nhân loại tiến bộ và làm cho con người khác với con vật là sự hợp tác mang tính xã hội. Chỉ có lao động mới tạo ra của cải: nó tạo ra của cải và bằng cách đó, tạo ra cơ sở vật chất cho sự đơm hoa kết trái trong tâm hồn con người. Chiến tranh chỉ gây ra tàn phá, chiến tranh không thể tạo dựng được bất cứ thứ gì. Trong tâm tưởng của chúng ta, chiến tranh, giết chóc, huỷ diệt và tàn phá cũng giống như loài thú dữ săn mồi trong rừng hoang, còn lao động sáng tạo là bản chất mà chỉ con người mới có. Khác với những người theo trường phái nhân đạo chủ nghĩa, đấy là những người căm thù chiến tranh dù mặc dù họ nghĩ rằng nó cũng có ích; người theo trường phái tự do căm thù chiến tranh là vì nó chỉ gây ra những hậu quả có hại.
Người yêu hòa bình theo trường phái nhân đạo chủ nghĩa cầu xin đức vua toàn trí toàn năng: “Xin đừng gây chiến, ngay cả khi ngài nghĩ rằng chiến thắng sẽ làm cho ngài thịnh vượng thêm. Xin hãy tỏ ra cao thượng và hào hiệp, và hãy từ bỏ sức cám dỗ của niềm vinh quang chiến thắng ngay cả nếu ngài có phải chịu thiệt thòi và mất mát”. Người theo trường phái tự do có suy nghĩ khác. Người theo trường phái tự do tin rằng dù có chiến thắng thì chiến tranh vẫn là xấu xa ngay cả đối với người chiến thắng, hòa bình bao giờ cũng hơn chiến tranh. Người theo trường phái tự do không yêu cầu kẻ mạnh phải hi sinh mà muốn kẻ mạnh nhận thức được đâu là quyền lợi thực sự của anh ta, muốn anh ta hiểu rằng hòa bình mang lại lợi ích cho cả kẻ mạnh lẫn kẻ yếu.
Khi một dân tộc yêu chuộng hòa bình bị kẻ thù hiếu chiến tấn công thì họ phải chiến đấu và tìm mọi cách chống lại cuộc xâm lăng. Sự nghiệp anh hùng của những người chiến đấu cho nền tự do và cuộc sống của họ hoàn toàn xứng đáng được ca tụng, chúng ta có quyền tán dương trí kiên cường và lòng dũng cảm của những người chiến sĩ đó. Ở đây lòng can đảm, tinh thần dũng cảm và coi thường cái chết đáng được ngợi ca. Vì chúng phục vụ cho những mục tiêu tốt đẹp. Nhưng người ta đã lầm lẫn khi coi đức hạnh của người chiến binh là đức hạnh tối thượng và là những phẩm chất tốt trong chính họ và dành cho họ, thậm chí không cần để ý đến mục đích mà chúng hướng tới. Những người có quan niệm như thế, nếu đấy là một người nhất quán thì anh ta cũng phải công nhận sự liều lĩnh, táo tợn và coi thường chết chóc của kẻ cướp là những đức tính cao thượng. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ nhìn vào hành vi thì ta không thể nói rằng đấy là hành vi tốt hay xấu. Ta chỉ có thể nói rằng đấy là hành vi tốt hay xấu sau khi biết được kết quả hay hậu quả mà nó gây ra. Ngay cả Leonidas cũng không xứng đáng với những vinh quang mà chúng ta dành cho ông nếu như ông không ngã xuống như một người chiến sĩ bảo vệ tổ quốc mà lại ngã xuống như thủ lĩnh của một đội quân xâm lược nhằm cướp bóc tự do và của cải của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.
Tác hại của chiến tranh đối với sự phát triển của nền văn minh nhân loại sẽ càng trở nên rõ ràng hơn sau khi người ta hiểu được lợi ích của việc phân công lao động. Phân công lao động biến một cá nhân sống tự cấp tự túc thành một người phải phụ thuộc vào những người đồng bào của mình, tức thành một con vật xã hội mà Aristotle đã nói tới. Những hành động thù địch giữa hai con vật hay hai con người bán khai không thể tạo ra bất kì thay đổi nào trong cơ sở kinh tế của cuộc đời chúng. Vấn đề sẽ khác hẳn khi cuộc tranh cãi phải giải quyết bằng vũ lực xuất hiện giữa các thành viên của một cộng đồng đã có sự phân công lao động. Trong xã hội đó mỗi cá nhân đều có một chức năng riêng; không ai còn có thể sống tự cấp tự túc được nữa, vì tất cả mọi người đều cần sự giúp đỡ và ủng hộ của người khác. Những ông chủ đất sống tự cấp tự túc, tức là những người có thể làm ra trong trang trại của họ tất cả những thứ mà họ và gia đình họ cần, có thể tuyên chiến với nhau. Nhưng khi một làng đã chia thành các phe nhóm, ông thợ rèn vào phe bên này còn ông thợ giày vào phe bên kia, thì một bên sẽ khổ vì không có giày, còn bên kia sẽ khổ vì thiếu công cụ và vũ khí. Nội chiến triệt tiêu sự phân công lao động, nó buộc mỗi nhóm phải tự lập, tự hài lòng với thành quả lao động của những người bên phía mình.
Nếu coi khả năng xung đột chiến tranh là tiền đề được đặt lên trước thì phân công lao động sẽ không bao giờ có thể phát triển được đến mức khiến cho người ta lâm vào tình cảnh thiếu thốn nếu xảy ra chiến tranh. Việc phân công lao động chuyên sâu chỉ có thể xảy ra trong xã hội nơi người ta tin rằng hòa bình sẽ kéo dài. Phân công lao động chỉ có thể phát triển khi an ninh được bảo đảm. Không có điều kiện tiên quyết như thế quá trình phân công lao động không thể vượt qua biên giới một ngôi làng hay thậm chí không vượt ra khỏi một gia đình. Phân công lao động giữa thành thị và nông thôn - người nông dân trong các khu ngoại vi cung cấp lương thực, gia súc, sữa, bơ cho thành phố để đổi lấy những món hàng do dân thành thị làm ra – đã giả định rằng nền hòa bình sẽ được bảo đảm, ít nhất là trong khu vực đó. Nếu phân công lao động bao trùm lên cả nước thì nội chiến phải bị loại bỏ, còn khi phân công lao động đã bao trùm lên toàn thế giới thì cần phải bảo đảm giữ được một nền hòa bình dài lâu giữa các quốc gia.
Hiện nay mọi người đều nghĩ rằng việc các thành phố thủ đô hiện đại như London hay Berlin chuẩn bị chiến tranh với dân chúng sống trong khu vực ngoại ô là việc làm vô nghĩa. Nhưng trong suốt nhiều thế kỉ, các thành phố châu Âu đã từng suy nghĩ như thế và đã có dự phòng về mặt kinh tế nếu điều đó xảy ra. Đã có những thành phố mà phương tiện phòng thủ được xây dựng ngay từ đầu sao cho nó có thể đứng vững được một thời gian, như cấy cày và chăn nuôi gia súc ngay bên trong thành phố.
Đầu thế kỉ XIX, cũng như trước đây, phần lớn những vùng có người ở trên thế giới vẫn còn bị chia ra thành những khu vực kinh tế ít nhiều đều mang tính tự cấp tự túc. Ngay cả trong những khu vực phát triển nhất của châu Âu, phần lớn nhu cầu vẫn được đáp ứng bằng sản phẩm của chính khu vực đó. Buôn bán - chỉ diễn ra trong khu vực hạn hẹp ngay trong những vùng lân cận - có vai trò tương đối hạn chế và nói chung chỉ bao gồm những loại hàng hoá mà do điều kiện khí hậu từng khu vực không thể sản xuất được. Tuy nhiên, hấu hết các khu vực trên thế giới, sản phẩm do làng xã tự cung cấp có thể đáp ứng hầu như tất cả mọi nhu cầu của dân chúng. Đối với người nông dân, những xáo trộn trong hoạt động buôn bán do chiến tranh gây ra nói chung không tạo ra bất kì ảnh hưởng tiêu cực nào. Thậm chí những người dân sống trong các nước phát triển hơn ở châu Âu trong thời gian chiến tranh cũng không phải chịu đựng quá nhiều thiếu thốn. Ngay cả nếu giả sử Hệ thống Lục địa mà Napoleon I áp đặt cho châu Âu nhằm ngăn chặn hàng hoá Anh quốc hoặc hàng hoá từ các châu lục khác phải đi qua Anh quốc rồi mới thâm nhập vào lục địa được áp dụng một cách khắt khe hơn so với thực tế đã diễn ra thì nó cũng chẳng gây ra cho dân chúng châu Âu một sự thiếu thốn đáng kể nào. Chắc chắn là họ sẽ không có cà phê và đường, bông và sản phẩm vải bông, đồ gia vị và nhiều loại đồ gỗ quý hiếm; nhưng tất cả những loại hàng hoá này đều chỉ có vai trò thứ yếu trong đời sống gia đình của đa phần dân chúng mà thôi.
Sự phát triển của hệ thống quan hệ kinh tế quốc tế phức tạp chính là sản phẩm của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản thế kỉ XIX. Chỉ có chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản mới có thể làm cho việc chuyên môn hoá sản xuất rộng khắp và đi kèm với nó là việc cải tiến trong lĩnh vực công nghệ trở thành hiện thực. Hiện nay dân chúng các nước trên cả năm châu cùng hợp tác để làm ra những sản phẩm mà một gia đình người công nhân Anh đang dùng hoặc đang muốn dùng. Chè cho bữa ăn sáng được đưa đến từ Nhật hay Ceylon, cà phê từ Brazil hay đảo Java, đường từ Tây Ấn, thịt từ Australia hay Argentina, bông từ Mỹ hay Ai-Cập, vải da từ Ấn Độ hay Nga .v.v. Đổi lại, hàng hoá Anh quốc được đưa đến tất cả các vùng trên thế giới, đến cả những làng xã và nông trại xa xôi và khó đến nhất. Sự phát triển như thế có thể xảy ra và mường tượng được chỉ bởi vì, song hành cùng với chiến thắng của những nguyên lí tự do, người ta đã thôi không còn phải lo âu về một cuộc chiến tranh quy mô cực kì lớn sẽ lại nổ ra. Trong thời vàng son của chủ nghĩa tự do, chiến tranh giữa các sắc dân da trắng được coi là câu chuyện của thời quá khứ.
Nhưng thực tế đã diễn ra theo cách khác. Các tư tưởng và cương lĩnh của chủ nghĩa tự do đã bị chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa quân phiệt, thế chỗ. Trong khi Kant và Von Humboldt, Bentham và Cobden ngợi ca nền hòa bình vĩnh cửu thì những người đại diện cho thời đại sau họ lại tán dương không mệt mỏi chiến tranh, cả nội chiến lẫn trên trường quốc tế. Và họ đã nhanh chóng thu được thành công. Kết quả là cuộc Chiến tranh thế giới (từ nay về sau hiểu là Chiến tranh thế giới thứ I - ND) đã nổ ra, một cuộc chiến tranh đã mang đến cho thời đại của chúng ta bài học về sự xung khắc giữa chiến tranh và phân công lao động.
(Xem tiếp Phần 2)
Nguồn: Ludwig von Mises, Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005