Giải Nobel Kinh tế năm nay tưởng thưởng cho ý tưởng đã thất bại tại Ấn Độ
Các kinh tế gia thường thích xem mình như những nhà toán học – hoặc, nếu thỉnh thoảng có khiêm tốn thì cũng phải là nhà vật lý. Tuy thế, dường như các Khôi nguyên Nobel Kinh tế năm nay lại xem mình giống các kỹ sư hơn. Cũng giống như hai khôi nguyên Nobel Kinh tế năm 2012 là Alvin Roth và Lloyd Shapley, Paul Milgrom và Robert B. Wilson đều là các chuyên gia trong lĩnh vực “thiết kế thị trường,” lĩnh vực, như Roth viết trong một bài báo nổi tiếng, cần có “cách tiếp cận kỹ thuật.”
Roth lập luận rằng các nhà thiết kế thị trường nên lấy những người xây cầu mà làm gương: “Công việc kỹ thuật thường không có vẻ đẹp tao nhã giống như các nguyên tắc nền tảng đơn giản của vật lý, nhưng nó lại giúp xây những cây cầu dù cùng theo một kiểu thiết kế cơ bản, nhưng ngày càng dài hơn và vững chắc hơn vì càng ngày càng hiểu rõ hơn các vấn đề phức tạp và cách thức xử lý chúng.”
Chiếc cầu mà Milgrom và Wilson dựng nên chính là buổi đấu giá phổ tần số viễn thông vào năm 1994 Ủy ban Truyền thông Liên bang tổ chức, sau này được gọi là “buổi đấu giá vĩ đại nhất lịch sử.” Trong ấn bản kỷ niệm 50 thành lập, Quỹ Khoa học Quốc gia đã dùng con số 7 tỷ đô-la doanh thu của buổi đấu giá làm minh chứng cho việc ủng hộ các nhà lý thuyết trò chơi của họ trong nhiều năm. Từ đó, hình thức đấu giá đã trở thành tiêu chuẩn vàng để thực hiện phân phối tất cả các loại tài nguyên thiên nhiên, từ giấy phép thăm dò khai thác đến cho thuê mỏ và nhượng quyền đường sắt. Người ta đã coi gần như mặc định rằng các buổi đấu giá nếu được thiết kế hợp lý, thì sẽ đạt được sự cân bằng lý tưởng giữa hiệu quả và doanh thu.
Nhưng hỡi ôi, thực ra các nhà kinh tế lại làm việc không giống như các kỹ sư. Ví dụ về buổi đấu giá thành công của UBTTLB theo nhiều mặt lại thành ra vô ích, đặc biệt khi áp dụng ở các thị trường mới nổi.
Có nhiều lý do giải thích cho chuyện này. Một trong số đó được gắn vào với chính khái niệm về thiết kế đấu giá. Trong hầu hết các nghiên cứu học thuật sơ khai về đấu giá, các nhà kinh tế đều cố đặt mục tiêu là tối đa hoá tổng doanh thu nhà nước và thặng dư của người tiêu dùng. Nhưng đặt mục tiêu là nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách và chính trị gia chứ không phải của các nhà kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách có thể có nhiều cân nhắc khác, làm phức tạp hoá một cách đáng kể cho việc thiết kế thị trường. Ví dụ, Nam Phi đã trải qua ba buổi đấu giá thất bại giữa các năm 2010 và 2017, bởi giới làm chính sách mong muốn thiết kế một cơ chế nhằm thực hiện cả chương trình phát triển kinh tế bao trùm rộng lớn hơn của chính phủ. Khôi hài hơn nữa, tháng trước chính phủ nước này thông báo rằng họ lại muốn thử lại.
Sự việc còn tồi tệ hơn khi các quốc gia cố gắng tối đa hoá chỉ một biến số, bởi vì đối với quan chức và giới chính trị thì biến số đó thường là doanh thu chính phủ. Nhìn chung thì các nhà kinh tế cũng không phản đối vì doanh thu thì dễ đo lường hơn độ thoả dụng của người tiêu dùng, vậy nên công việc của họ cũng dễ thở hơn. Ví dụ, tại Ấn Độ, chính phủ đã trở nên “nghiện” đấu giá phổ tần số viễn thông để bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách.
Những công ty càng dành nhiều tiền cho phổ tần số, thì lợi nhuận càng giảm và càng ít nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng mới. Ở Ấn Độ, các khoản phí cao đã dẫn đến mức nợ cao. Việc chính phủ liên tục đòi tiền mặt buộc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải tìm lối thoát khỏi thị trường. Việc thiếu thốn phổ tần số đã dẫn đến dịch vụ chất lượng thấp: Năm 2019, số lượng thuê bao trên mỗi MHz phổ tần số của Ấn Độ cao gấp 50 lần của nước Đức.
Người Ấn Độ ít nhất cũng biết chuyện này sớm muộn sẽ xảy ra. Cuộc cách mạng viễn thông của nước này –đã thúc đẩy tăng trưởng cao vào những năm 2000 – chỉ bắt đầu khi chính phủ từ bỏ hình thức đấu giá và bắt đầu giao phổ tần số cho những đơn vị có giấy phép để đổi lấy phần chia doanh thu của họ.
Thật tệ với những ai tưởng rằng các buổi đấu giá được thiết kế để tối đa hoá doanh thu của chính phủ thì ít nhất cũng tối đa hoá được doanh thu của chính phủ. Sự thực là cách làm mới còn mang về gấp đôi doanh thu từ phí so với các buổi đấu giá.
Giả sử, các buổi đấu giá đặt mức giá khởi điểm thật cao để bảo đảm chính phủ có được doanh thu cao như câu chuyện đã xảy ra ở Ghana và Bangladesh thì sao? Liệu khách hàng có được phục vụ tốt trong một thị trường độc quyền nhóm hay thậm chí trong thị trường hoàn toàn độc quyền? Liệu điều đó có mang lại lợi ích tổng thể cho nền kinh tế không? Liệu Milgrom, Wilson hay những người kế nhiệm của họ có thể thiết kế một mô hình đấu giá tính đến ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế tổng thể của hạ tầng viễn thông hiện đại và sôi động không? Có lẽ họ có thể. Nhưng tất cả những gì tôi có thể nói một cách chắc chắn là chưa ai từng làm được.
Điều đó không có nghĩa là họ không nên làm thử. Giải Nobel này rất xứng đáng không phải vì chiếc cầu các nhà kinh tế đã xây dựng nên có thể đứng trên tất cả các dòng sông, mà bởi vì ngay từ đầu họ đã xây được nó. Phép màu đích thực ở đây là từ một quy trình học thuật được thông tỏ, trọn vẹn và minh bạch đã tạo ra bản thiết kế này. Nó đảm bảo sự phức tạp đặc biệt của thị trường đó vào thời điểm đó được phản ánh rõ ràng trong thiết kế đấu giá cuối cùng.
Các nhà thiết kế thị trường không thể bỏ cuộc chỉ vì lý do họ không thể tái hiện được thành công ở tầm Nobel đó nữa. Họ cần phải làm việc chăm chỉ hơn và nghĩ lớn hơn nữa.
Nguồn: Mihir Sharma, This year's Nobel Prize in economics celebrates an idea that has failed India, Economic Times, 13/10/2020