“Thời thế đổi thay”: Khi chủ nghĩa tự do cá nhân tiệm cận chủ nghĩa bãi nô

“Thời thế đổi thay”: Khi chủ nghĩa tự do cá nhân tiệm cận chủ nghĩa bãi nô

“Tôi hoàn toàn tin tưởng sâu sắc và mãnh liệt rằng đây là một công cuộc đáng để hy sinh”, đó là lời kết trong lá thư viết năm 1835 của Angelina Grimke gửi cho William Lloyd Garrison, chủ biên tờ The Liberator, ấn bản nổi tiếng nhất về phong trào bãi nô thời kỳ đó. Đó là công cuộc nhằm bãi bỏ chế độ nô lệ. Cô nhắc nhở Garrison rằng “lý tưởng mà anh đang phụng sự là ý thánh: đừng bao giờ, đừng bao giờ đầu hàng.”1 Phong trào bãi nô không đơn thuần chỉ là một xu hướng xã hội. Nó thể hiện quyết định có ý thức của nhiều cá nhân cùng tạo nên bước ngoặt lịch sử và thuyết phục xã hội thay đổi theo họ. Chế độ nô lệ đã tồn tại ngay từ những ngày đầu của lịch sử loài người, và như Orlando Patterson từng nói, “Chế độ nô lệ không phải là một chế độ đặc hữu của riêng ai hay vùng đất nào… Không nơi nào trên trái đất này mà chưa từng nuôi dưỡng thể chế ấy một lần. Và có lẽ, không có nhóm người nào mà tổ tiên của họ chưa từng chịu cảnh nô lệ hoặc chưa từng đóng vai chủ nô.”2 Sự phổ biến của chế độ nô lệ trong suốt chiều dài lịch sử đã tạo ra cho thể chế này một tính chính đáng (legitimacy) nhất định, tính chính đáng của sự quen thuộc mà tất cả các truyền thống lâu đời – về văn hóa, xã hội, cũng như chính trị - đều có xu hướng phát triển.

Tuy nhiên, sau khi tuyên bố và cổ vũ những ý tưởng về quyền cá nhân, về chính phủ hạn quyền, và kinh tế chính trị trong thời kỳ Khai Sáng, tư tưởng đạo đức tân tiến gắn liền với những ý tưởng này không thể tồn tại hòa bình cùng với hành động cưỡng chế, vô luật pháp, và sự kiểm soát bằng bạo lực đối với giai cấp nô lệ.3 Điều này càng đúng sau khi Tuyên ngôn Độc lập được thông qua, trong đó nhấn mạnh rằng “mọi người sinh ra đều bình đẳng.” Lấy cảm hứng từ nhận thức luân lý mới của những tư tưởng này, các nhà tự do cá nhân thời kỳ đầu, bao gồm cả các nhà lãnh đạo của những phong trào bãi nô, đã cố gắng định hình một thế giới mà trong đó các thể chế luật pháp, chính trị và văn hóa hài hòa với nền tự do. Đối với những người ủng hộ chủ nghĩa bãi nô, sức nặng của nhiệm vụ đặt ra trước mắt họ không hề hấn gì so với mục tiêu công bằng tự do; trên thực tế, thực tại nghiệt ngã giống như một chất xúc tác tiếp thêm động lực cho các hoạt động của họ. Với một niềm tin vững chắc rằng “quyền tự do cá nhân của một con người không bao giờ [có thể] là tài sản của người khác,” họ đã phát động chiến dịch về quyền con người vĩ đại nhất trong lịch sử.4

Được cổ vũ bởi sự thành công của chủ nghĩa giải phóng nô lệ, các nhà tự do tiếp tục đấu tranh cho tình trạng bất bình đẳng ở nữ giới, như Mary Wollstonecraft giải thích “phụ nữ bị đối xử như những sinh vật cấp thấp, và không phải là một phần của loài người.”5 Năm 1848, ba nhân vật tiêu biểu cho chủ nghĩa bãi nô là Elizabeth Cady Stanton, Lucretia Mott, và Frederick Douglass đã gặp nhau tại Hội nghị Seneca Falls ở New York để trực tiếp giải quyết vấn đề. Kết quả của cuộc họp đã cho ra đời bản Tuyên ngôn về Cảm tính (Declaration of Sentiments). Nhắc lại cụm từ Tuyên ngôn Độc lập, họ tuyên bố:

Chúng tôi coi những điều sau đây là sự thật hiển nhiên: rằng tất cả đàn ông và phụ nữ sinh ra đều bình đẳng;…Lịch sử nhân loại lặp đi lặp lại đầy rẫy những tổn thương và hành động chiếm đoạt mà đàn ông gây ra cho phụ nữ nhằm mục đích trực tiếp là thiết lập một chế độ độc tài tuyệt đối của họ…theo quan điểm của các đạo luật bất công nói trên, và bởi phụ nữ cảm thấy mình bị thiệt hại, bị áp bức, bị tước đoạt một cách gian lận những thiêng liêng nhất của họ, chúng tôi nhấn mạnh rằng kể từ giờ phút này họ có quyền được hưởng mọi quyền lợi và đặc quyền thuộc về họ với tư cách là những công dân Hoa Kỳ.6

Họ không hề ngây thơ về nhiệm vụ to lớn mà họ phải đối mặt. Công cuộc giáo dục xã hội để họ chấp nhận những giá trị mới và thay đổi những thói quen cũ không hề dễ dàng một chút nào và quan điểm của họ về những thay đổi lịch sử phản ánh điều này. Frederick Douglass nhấn mạnh:

Cho phép tôi được nói đôi lời về triết lý cải cách. Toàn bộ lịch sử tiến bộ về quyền tự do của loài người cho thấy rằng tất cả những nhượng bộ từng được thực hiện trước các tuyên ngôn hùng hồn về tự do đều xuất phát từ cuộc tranh đấu nghiêm túc. Cuộc xung đột vô cùng thú vị, kích động, thu hút được toàn bộ sự quan tâm, và đến nay, đưa tất cả những rối loạn khác vào trong câm lặng. Sự việc bắt buộc phải diễn ra như vậy, không thì sẽ chẳng mang lại kết quả gì cả. Không có đấu tranh sẽ không có sự tiến bộ. Những người rao giảng ủng hộ tự do nhưng không kích động quần chúng là những người muốn thu hoạch mà không chịu cày cấy, muốn mưa mà không có sấm sét. Họ muốn đại dương không dậy tiếng sóng gầm khủng khiếp. Cuộc đấu tranh này có thể là một cuộc đấu tranh đạo đức, cũng có thể là một cuộc đấu tranh vũ lực, hoặc là cả hai, song bản chất nó phải là một cuộc đấu tranh. Quyền lực tự nó không từ bỏ bất cứ thứ gì nếu không có yêu cầu. Chưa bao giờ như thế và sẽ không bao giờ như vậy.7

Tương tự như vậy, các nhà cải cách tại Seneca cũng nhận thức đầy đủ rằng “một khi bước chân vào sự nghiệp vĩ đại phía trước, chúng ta cần xác định rằng sẽ vấp phải ​​không ít quan niệm sai lầm, xuyên tạc, và nhạo báng.” Tuy nhiên họ vẫn bước tiếp mà không hề nản chí bởi sự sợ hãi, thậm chí còn phấn chấn nhờ niềm tin vào tính công bằng trong mục tiêu đòi quyền tự do bình đẳng cho con người.8

Câu chuyện về cuộc đấu tranh chống lại chế độ chiếm hữu nô lệ không chỉ diễn ra ở nước Mỹ, nó diễn ra ở nhiều nơi khác trên thế giới. (Tôi rất tiếc khi phải nói rằng cuộc đấu tranh này vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi.) Một số khu vực diễn ra nhanh chóng, một số khu vực diễn ra chậm chạp. Nạn buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ ở Đế Quốc Anh, nhờ hành vi tẩy chay sản phẩm đường do nô lệ sản xuất của người tiêu dùng và sự kích động quần chúng không mệt mỏi của các nhân vật như William Wilberforce, năm mươi năm cuộc đời làm việc của ông nhân danh Tự do đã được chuyển thể sống động trong bộ phim hoạt hình Amazing Grace. Bên cạnh đó, những hình thức ít tàn bạo và khắc nghiệt hơn của chế độ nô lệ cũng bị làn sóng cổ vũ chủ nghĩa tự do cá nhân cuốn trôi. Cụ thể, chế độ nông nô, như là một thiết chế, đã tự tan rã ở Tây Âu, nhưng ở Đông Âu nó chỉ bị đập vỡ và phá bỏ nhờ nỗ lực thập tự chinh của các các nhà cải cách tự do. Cuộc giải phóng người Do Thái thoát khỏi kiếp giai cấp bên dưới và cho phép họ được hưởng đầy đủ các quyền dân sự bình đẳng cũng là một thành quả của quá trình kích động nền tự do.

Khi thông điệp tự do tiếp tục lan tỏa khắp toàn cầu, làm thay đổi trái tim và khối óc con người, các hình thái xa xưa khác của sự áp bức đã bị hạ gục. Niềm tin vào sức mạnh của thương mại và thị trường tự do, chẳng hạn như việc thúc đẩy sự phát triển của Liên minh chống đạo luật ngũ cốc ở Anh vào đầu thế kỷ XIX đã thành công trong việc dỡ bỏ các loại thuế quan khiến giá ngũ cốc nội địa ở mức cao. Bằng cách ngăn chặn (hay áp tỷ lệ thuế cao hơn đối với) hàng hóa nhập khẩu nước ngoài, các đạo luật mang lại lợi ích chính trị cho những người trồng ngũ cốc, song lại trút gánh nặng lên vai lớp người nghèo ở Anh, họ phải dành phần lớn thu nhập của mình để mua lương thực. Như lời sấm truyền của Richard Cobden vĩ đại, Đạo luật ngũ cốc là nguyên nhân dẫn tới “vấn nạn quốc gia...nói chung”, và vào năm 1849, ông cùng các đồng nghiệp của mình, sau hơn ba mươi năm cuộc đời đấu tranh cho việc bãi bỏ đạo luật, đã chứng kiến được cảnh ​​chiến thắng của tự do thương mại trước chế độ bảo hộ.9

Tư tưởng tự do, dù là dưới hình thức chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tự do cổ điển, chủ nghĩa tự do cá nhân, hay một cái tên nào khác, đã thay đổi thế giới của chúng ta. Tư tưởng này đặc biệt thành công trong việc tạo ra những thay đổi sâu sắc và lâu dài bởi nó không phụ thuộc vào sự đồng thuận khăng khít về phương tiện, mà dựa trên sự công nhận rằng có rất nhiều con đường để người ta tạo ra thay đổi trong xã hội.

Chẳng hạn như, trong khi một số người theo chủ nghĩa bãi nô của Mỹ thành lập Đảng Tự do năm 1848 (Thông qua văn kiện “Sự trái hiến pháp của chế độ Nô lệ” của Lysander Spooner làm nền tảng cho Đảng), một số khác lại lựa chọn tham gia vào các phong trào cải cách bãi bỏ chế độ bầu cử. Họ cho rằng bất kỳ “cải cách chính trị nào cũng chỉ thực sự phát huy tác dụng từ một sự thay đổi trong tầm nhìn đạo đức của người nhân; tức không phải bằng nỗ lực chứng minh rằng bầu cử là nghĩa vụ của mỗi công dân ủng hộ phong trào bãi nô, mà là việc chỉ ra rằng nghĩa vụ của mỗi cử tri là trở thành một người ủng hộ chủ nghĩa bãi nô.”10 Bất chấp thực tế rằng các nhà lãnh đạo phong trào bãi nô như Wendell Phillips từng buông lời chế giễu kiểu như ““Chúng tôi không chơi trò chơi chính trị”, cuối cùng các nhà hoạt động trong phong trào bãi nô cũng thành công cả về mặt đạo đức lẫn chính trị.”11 Như nhà sử học thông tuệ Louis Menand từng nhận định, “các nhà bãi nô không phải là không dính dáng tới chính trị. Từ bỏ sự nghiệp chính trị là bí mật chính trị của họ”.12

Việc thay đổi thể chế và chính trị là vô cùng khó khăn, song những thay đổi này thực sự cần thiết để đạt được tự do. Những đạo luật bất công cần được bãi bỏ và hành vi đàn áp cần được bài trừ để con người được tự do. Những thay đổi này vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của những thay đổi trong tư duy con người, không những thay đổi trong cách họ nghĩ, mà còn thay đổi trong cách họ đưa ra quyết định hành động. Chủ nghĩa tự do cá nhân tập trung vào việc thay đổi các tư tưởng, thay đổi các đạo luật, thay đổi các thể chế, hoặc thay đổi các yếu tố khác của xã hội. Không chỉ có một con đường để thúc đẩy tự do, mà có nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào khả năng, sở thích cũng như đam mê của từng người. Những thay đổi trong nhận thức có thể tạo ra tác động to lớn đối với các thể chế. Sự thay đổi nhận thức của người nô lệ đã có tác động. “Am I not a man and a brother? (Tôi có phải là một con người, là một người anh em hay không?)” là câu đề từ trên món đồ gốm nổi tiếng của doanh nhân Josiah Wedgwood nhằm tiếp thêm động lực cho phong trào bãi nô. Sự thay đổi nhận thức của những người đồng tính ở Mỹ trong những năm gần đây đã giúp tạo ra những thay đổi to lớn, đầu tiên là trong khu vực tư nhân, trong đó các công ty đã đưa ra những chính sách thu hút và giữ chân các nhân viên đồng tính, kế đến là trong lĩnh vực chính trị, khi mà các tiểu bang hợp pháp hóa mối quan hệ đồng tính (thật khó để tưởng tượng rằng con người ta đã từng bị giam cầm trong nhiều năm chỉ vì yêu một người khác), Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố “các đạo luật kê dâm” vi phạm hiến pháp về quyền tự do, và các bang bắt đầu thiết lập quyền bình đẳng cho hôn nhân đồng tính.

Để làm rõ động cơ cho việc bãi bỏ chế độ nô lệ, chúng ta cần ghi nhớ rằng những người ủng hộ chủ nghĩa bãi nô không theo đuổi sự nghiệp của họ chỉ vì muốn là người làm ngược với xã hội. Họ biết rằng cuộc tranh đấu sẽ kéo dài và vô cùng khó khăn, và họ áp dụng một cách nghiêm túc các biện pháp thuyết phục về mặt đạo đức, giáo dục xã hội, kích động chính trị, và nhiều phương pháp khác để xóa bỏ chế độ nô lệ, và sau đó là tình trạng bất công đối với phụ nữ. Nhiều nhà cải cách đã bắt đầu sự nghiệp của mình khi họ còn trẻ và không cho phép tầm nhìn của họ về một tương lai tự do và bình đẳng bị lu mờ bởi chủ nghĩa tuân thủ, bởi “thực tại”, bởi những kháng cáo sai lầm trước chủ nghĩa hiện thực giả dối vốn khẳng định rằng người ta chỉ có thể tới đích bằng một con đường duy nhất, rằng chúng ta nên từ bỏ giấc mơ công lý và tự do để làm những việc thực tế như kiếm một công việc, một thứ hạng tốt trong trường đại học, một vị trí trong chính phủ hoặc nhà thờ, để đổi lấy việc bịt mắt khỏi thực trạng bất công. Những người đảm nhiệm nhiệm vụ xóa bỏ chế độ nô lệ luôn mở to đôi mắt. Họ nhìn thấu mọi việc. Và họ từ chối chấp nhận thực tế bất công. Còn chúng ta là những người hưởng lợi từ tầm nhìn của họ.

Triết lý về sự tự do được thúc đẩy nhờ việc nhận thức được rằng những bất công của ngày hôm nay không nên tiếp diễn trong tương lai. Văn hóa có thể thay đổi. Tư tưởng có thể thay đổi. Các nền chính trị và thể chế có thể thay đổi. Điều này gắn kết các nhà tự do cổ điển thời xưa với các nhà tự do cá nhân trẻ tuổi ngày nay. Năng lượng của tuổi trẻ cùng với việc nắm bắt thời cơ thông minh cộng thêm nhu cầu bức thiết về tự do cá nhân cho loài người được thúc đẩy bởi một niềm khao khát chứng kiến cảnh bất công bị bại trận. Đây thực sự là một nguồn sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ. Những người ủng hộ chủ nghĩa tự do cá nhân trẻ tuổi ngày nay đi trên con đường đã được thế hệ các nhà tự do cá nhân đi trước khai sáng. Mặc dù, chúng ta được thừa hưởng di sản đồ sộ từ thế hệ đi trước, song vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Ngày nay, bất kể đạo luật nào dựng lên những rào cản đối với các giao dịch tự nguyện và hạn chế quyền tự do suy nghĩ và thể hiện đều nên bị bãi bỏ và mọi hành vi cướp bóc, cưỡng chế, và bạo lực đều phải bị phản đối. Thế hệ chúng ta cần tiếp bước con đường đó, cũng chính là con đường thế hệ cha ông ta đã đi. Sự vật không thể và sẽ không bao giờ đứng yên mãi mãi, bản chất của vạn vật luôn luôn thay đổi. Tương lai phía trước chúng ta là tương lai do chúng ta lựa chọn để tạo ra. Thế hệ cha ông ta đã tập hợp lại cùng nhau phản đối chiến tranh và chống các nạn phân biệt chủng tộc, các phong trào nhận được tiếng nói ủng hộ của Bob Dylan thông qua những lời ca lay động: “con đường cũ của bạn đang ngày càng già cỗi/ Xin hãy bước ra, đừng cản lối đi mới/ Nếu bạn không thể góp sức gì trên con đường ấy/ Bởi thời thế luôn xoay vần.”13

Phải quyết tâm nhường nào thì chàng trai hai mươi lăm tuổi William Lloyd Garrison mới mạnh dạn tung ra ấn phẩm The Liberator của mình:

Tôi sẽ trung thực với sự thật khắc nghiệt, và kiên định với công lý. Về chủ đề này, tôi không muốn nghĩ, hay nói, hay viết một cách khiêm tốn. Không! Không! Bạn có thể nói với một người rằng nhà ông ta đang cháy và hãy báo động nhẹ nhàng thôi; rằng anh ta cứ từ từ hẵng giải cứu vợ mình khỏi một tay hiếp dâm; nói với người mẹ rằng cứ bình tĩnh mà giải cứu con mình khỏi đám cháy; - nhưng đừng thúc giục tôi nhiệt huyết vừa phải với sự nghiệp hiện tại. Tôi nghiêm túc - tôi sẽ không lập lờ - không bào chữa - không lùi dù chỉ một bước – VÀ TÔI SẼ TIẾN LÊN.14

Chúng ta, những Sinh viên vì Tự do, là những người ủng hộ chủ nghĩa bãi nô. Và chúng ta sẽ được thế giới lắng nghe.

 

Về tác giả: ​James Padilioni là Phó Chủ tịch Ban chấp hành tổ chức  Sinh Viên Vì Tự Do Bắc Mỹ đồng thời cũng là thành viên Ban chấp hành Quốc tế, ông tốt nghiệp ngành Mỹ học tại trường Cao đẳng William and Mary.

Chú thích:

(1) Agelina Grimke“ Slavery and the Boston Riot,” The Liberator, 12, tháng 8, 1973.

(2) Orlando Patterson, Slavery and Social Death: A Comparative Study, (Cambridge: NXB Đại học Harvard, 1982), vii.

(3) Để hiểu thêm về đóng góp của Thời kỳ Khai sáng đối với các khái niệm về tự do cá nhân và các quyền tự nhiên, xem tác phẩm của M. Zafirovski, The Enlightenment and Its Effects on Modern Society (New York: Springer, 2011), đặc biệt lưu ý trang 40 có đoạn: "Rõ ràng, quyền tự do và sự lựa chọn của các cá nhân, quyền công dân, hay bất kỳ một vấn đề thuộc phạm trù tư nhân hoặc riêng tư, quyền tự chủ cá nhân, sự thỏa mãn, sức khỏe, đời sống, và hạnh phúc con người được xác lập một cách chắc chắn và được công nhận một cách hiển nhiên về mặt giá trị cũng như thể chế ở các quốc gia dân chủ Phương Tây, chứ không phải chỉ riêng ở Mỹ. ... Như vậy, chúng chắc hẳn là sản phẩm và di sản của thời kỳ Khai sáng và chủ nghĩa tự do cá nhân thế tục của nó."

(4) Frederick Douglass, “What to the Slave is the Fourth of July?” 5 tháng 7, 1852; L. M. Child, An Appeal in Favor of that Class of Americans Called Afficans, 1833.

(5) Mary Wollstonecra, A Vindication of the Rights of Woman, 1792, trong Mary Wollstonecraft, A Vindication of the Rights of Men and A Vindication of the Rights of Woman, biên tập bởi Sylvana Tomaselli (Cambridge: NXB Đại học Cambridge, 1995), tr. 74.

(6) Declaration of Sentiments and Resolutions, Seneca Falls Convention, 1848. http://ecssba.rutgers.edu/docs/seneca.html . Truy cập ngày 18/2/2013.

(7) Frederick Douglass, “West India Emancipation Address,” 3 tháng 8, 1857.

(8) Declaration of Sentiments.

(9) Richard Cobden, Speeches on Questions of Public Policy by Richard Cobden, biên tập bởi J. E. T. Rogers, www.econlib.org/library/YPDBooks/ Cobden/cbdSPP14.html. Truy cập ngày 22/2/2013.

(10) James G. Birney, A Letter on the Political Obligations of Abolitionists, with a Reply by William Lloyd Garrison,,(Boston: Dow và Jackson, 1839), tr. 32.

(11) W. Phillips, “Philosophy of the Abolition Movement” (1853), Speeches, Lectures, and Letters (Boston: Lee and Shepard, 1884), tr. 113.

(12) L. Menand, The Metaphysical Club: A Story of Ideas in America, (New York: Farrar, Sraus, Giroux, 2001), tr. 13.

(13) B. Dylan, “The Times They Are A-Changin’,” Columbia Records, 1964.

(14) W. L. Garrison, The Liberator, 31 tháng 1,1831.

Nguồn: Why Liberty: Your Life, Your Choices, Your Future, edited by Tom G. Palmer, Jameson Books; 1st edition, 2013.

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.