Chủ nghĩa tư bản và tự do: phân phối thu nhập (Phần 12)

Chủ nghĩa tư bản và tự do: phân phối thu nhập (Phần 12)

(Tiếp theo Phần 11)

CHƯƠNG X: PHÂN PHỐI THU NHẬP

Việc coi bình đẳng thu nhập như là một mục tiêu xã hội, phải sử dụng công cụ nhà nước để thúc đẩy, đã trở thành niềm tin, trở thành nhân tố chính yếu tạo cảm hứng tập thể trong thế kỷ này, chí ít tại các quốc gia phương Tây. Có hai câu hỏi hoàn toàn khác nhau cần phải đặt ra để đánh giá tinh thần bình quân chủ nghĩa này cũng như những biện pháp pháp bình quân chủ nghĩa mà tinh thần này đem lại. Câu hỏi đầu tiên mang tính chuẩn tắc và luân lý: đâu là cơ sở để nhà nước can thiệp và thúc đẩy bình đẳng? Câu hỏi thứ hai mang tính thực chứng và khoa học: các biện pháp thúc đẩy bình đẳng như vậy mang lại hiệu quả đến đâu?

LUÂN LÝ PHÂN PHỐI

Luân lý chủ đạo của cơ chế phân phối thu nhập trong một thị trường tự do là: “làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu”. Tuy nhiên, ngay cả nguyên lý này, để vận hành được, vẫn ngầm chịu phụ thuộc vào hành động của nhà nước. Quyền sở hữu là vấn đề cơ bản của luật lệ và khế ước xã hội. Như chúng ta đã biết, xác lập và thi hành quyền này là một trong những chức năng cơ bản của nhà nước. Sự phân phối thu nhập và của cải rốt cục có tuân thủ đầy đủ theo nguyên lý này hay không phụ thuộc rất nhiều vào các quy định về quyền tài sản được áp dụng.

Nguyên lý này có mối quan hệ như thế nào với một nguyên lý khác, nghe có vẻ rất hấp dẫn về mặt luân lý, đó là nguyên lý đối xử công bằng? Trên khía cạnh nào đó, hai nguyên lý này không mâu thuẫn nhau. Nhận tiền công tương ứng với lượng sản phẩm làm ra là điều kiện cần thiết để đạt được sự đối xử công bằng đích thực. Với những cá nhân mà chúng ta tin rằng có khả năng như nhau và có điều kiện ban đầu như nhau, giả sử một số người có nhu cầu nghỉ ngơi nhiều hơn trong khi một số khác muốn làm việc nhiều hơn, thì sự bất bình đẳng trong thu nhập từ thị trường lại là điều cần thiết để đảm bảo sự công bằng về thu nhập tổng thể hay nói cách khác, sự đối xử công bằng. Có người thích một công việc ổn định và có nhiều thời gian nghỉ ngơi tắm nắng hơn là một công việc tuy được trả lương cao nhưng có nhiều bất trắc, và cũng có người thích ngược lại. Nếu cả hai người này cùng được trả một số tiền như nhau thì thu nhập của họ, thì về cơ bản, là bất bình đẳng. Tương tự như vậy, sự công bằng còn có nghĩa là một người sẽ được trả cao hơn cho một công việc kém hấp dẫn, ở môi trường độc hại so với một công việc dễ chịu, thỏa mái. Đa số bất bình đẳng ta biết đều thuộc kiểu này. Sự chênh lệch trong thu nhập bù lại sự khác biệt trong các đặc tính khác nhau của công việc hoặc ngành nghề. Theo thuật ngữ của các nhà kinh tế học, chúng là “những chênh lệch nhằm tạo ra sự cân bằng”; cần phải có chúng để đảm bảo rằng toàn bộ “lợi điểm thuần”, dưới dạng tiền tệ hay phi tiền tệ, đều có vị thế như nhau.

Để có thể đối xử bình đẳng, hoặc nói theo một cách khác, để cho phép cá nhân thỏa mãn thị hiếu của mình thì cũng cần phải có thêm một kiểu bất bình đẳng khác xuất hiện trong quá trình vận động của thị trường nhưng theo một cách thức tinh tế hơn. Có thể hiểu đơn giản qua trò chơi xổ số. Giả dụ có một nhóm người ban đầu có lượng tài sản như nhau và tất cả cùng tham gia một trò chơi xổ số với những giá trị giải thưởng khác nhau. Kết quả thu nhập bất bình đẳng chắc chắn sẽ xảy ra sau đó, nhưng đây là điều cần thiết để cho phép mỗi cá nhân tận dụng tối đa sự bình đẳng ban đầu của họ. Tái phân phối thu nhập sau sự kiện này cũng đồng nghĩa với việc khước từ họ cơ hội tham gia chơi xổ số. Ví dụ này có ý nghĩa nhiều hơn trong thực tế so với việc hiểu theo nghĩa đen của trò “xổ số” nêu trên. Các cá nhân chọn nghề nghiệp, danh mục đầu tư và những thứ tương tự một phần dựa trên khẩu vị rủi ro của họ. Cô gái nỗ lực trở thành một diễn viên thay vì làm công chức nhà nước là đã chủ động tham gia trò xổ số, cũng giống như một cá nhân đầu tư vào nhóm các cổ phiếu penny có độ rủi ro cao thay vì đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Tham gia bảo hiểm là cách thể hiện khẩu vị an toàn. Ngay cả những ví dụ này vẫn không thể hiện được toàn bộ quy mô của quá trình tạo ra sự bất bình đẳng từ kết quả của những cơ chế này nhằm đáp ứng được nhu cầu cá nhân. Thậm chí các cơ chế trả lương và thuê mướn cũng bị ảnh hưởng bởi những sở thích cá nhân. Giả sử tất cả các diễn viên phim ảnh tiềm năng đều không thích những gì không chắc chắn, khi đó sẽ xuất hiện các “hợp tác xã” của các diễn viên này, theo đó các thành viên đều đồng ý chia sẻ thu nhập của mình dù nhiều hay ít sao cho đều nhau, bằng cách đó kết quả là họ tự bảo đảm cho chính mình khỏi những rủi ro. Nếu hình thức lựa chọn này được trải rộng, các tập đoàn lớn đa ngành kết hợp đầu tư mạo hiểm và đầu tư không mạo hiểm sẽ trở thành những kẻ thống lĩnh. Những kẻ đào dầu tự phát, kinh doanh cá thể, công ty hợp danh quy mô nhỏ sẽ dần dần bị biến mất.

Thực chất, mô tả ở trên là một trong những cách thức diễn giải các biện pháp của chính phủ nhằm phân phối lại thu nhập thông qua thuế lũy tiến và các biện pháp tương tự. Có thể vì lý do này hoặc lý do khác, chẳng hạn như chi phí quản lý, khiến cho thị trường không thể tạo ra hàng loạt các trò xổ số hoặc loại xổ số mang đến kết quả theo ý muốn của cộng đồng, và vì thế thuế lũy tiến như chúng ta đã biết chính là một loại xổ số mà chính phủ tạo ra nhằm đạt được mục đích đó. Tôi không hề nghi ngờ rằng quan điểm này chứa đựng một phần sự thật. Nhưng điều này khó có thể biện minh được hệ thống thuế khóa hiện nay chỉ bởi vì rằng các khoản thuế thường được áp đặt sau khi mọi người đều biết ai giành giải thưởng và ai trắng tay trong trò xổ số cuộc đời, và các khoản thuế này lại được bỏ phiếu ủng hộ bởi hầu hết những người nghĩ rằng họ trắng tay. Ai đó có thể cân nhắc luồng ý kiến này và ủng hộ đề xuất thế hệ hiện nay bỏ phiếu áp đặt biểu thuế cho thế hệ tương lai. Tôi phỏng đoán với bất kì thủ tục nào như thế, thì thuế suất thu nhập của biểu thuế sẽ ít phân tầng hơn nhiều so với biểu thuế hiện tại, ít nhất trên giấy tờ.

Đa phần bất bình đẳng thu nhập được tạo ra là do tiền công được trả theo sản phẩm, và mặc dù điều này phản ánh  tính công bằng về mong muốn “khác biệt” hay đáp ứng khẩu vị rủi ro của mọi người, thì nó cũng phản ánh có sự khác biệt ban đầu về tài sản, bao gồm cả năng lực và tài sản cá nhân. Đây chính là phần thực sự khó xử lý liên quan đến vấn đề luân lý.

Các lập luận cho rằng cần phải phân biệt rõ ràng giữa sự bất bình đẳng về tài sản thiên tư (personal endowments) với sự bất bình đẳng về tài sản sở hữu, và giữa sự bất bình đẳng phát sinh từ của cải thừa kế với sự bất bình đẳng về của cải tự làm ra. Bất bình đẳng do sự khác biệt về năng lực cá nhân hoặc tài sản do cá nhân tự tích lũy có thể xem như là chính đáng hoặc chí ít là không quá đáng nếu so với sự khác biệt do các tài sản thừa kế mang lại.

Yêu cầu phân biệt này khó có thể đứng vững được. Liệu có tiêu chuẩn luân lý nào để biện minh cho việc một người được thừa hưởng giọng hát hay từ bố mẹ và nhờ đó có thu nhập cao, thì chính đáng hơn so với việc một người được thừa kế tài sản không? Con cái của một cán bộ Xô-viết chắc chắn sẽ có kỳ vọng được hưởng mức thu nhập cao hơn – thậm chí chi tiêu bạt mạng - so với con trai một người nông dân. Liệu điều này hợp lý hơn hay kém hợp lý so với kỳ vọng của con cái của một triệu phú người Mỹ được hưởng mức thu nhập cao? Chúng ta có thể xem xét câu hỏi này theo một cách khác. Ví dụ một đôi vợ chồng có một chút của cải, người cha muốn để lại tài sản cho con cái và ông có rất nhiều cách để làm vậy. Ông có thể dùng toàn bộ số tiền đó để tài trợ cho con trai mình học hành, chẳng hạn, để anh ta có một tấm bằng kế toán; ông có thể tài trợ giúp con trai kinh doanh riêng; ông cũng có thể thiết lập một quỹ ủy thác mang lại cho anh ta dòng thu nhập từ tài sản. Trong bất kì trường hợp nào thì người con trai này cũng sẽ có thu nhập cao hơn so với trường hợp anh ta không nhận được hỗ trợ từ bố. Tuy nhiên trong trường hợp thứ nhất thu nhập của anh ta thu được từ năng lực, trường hợp thứ hai từ lợi nhuận, trường hợp thứ ba tới từ tài sản được thừa kế. Liệu có bất kì nền tảng luân lý nào để phân biệt những trường hợp thừa hưởng này hay không? Cuối cùng, thật vô lý khi nói rằng anh ta được hưởng những gì anh ta làm ra bằng năng lực cá nhân hoặc từ tài sản anh ta tự tích lũy nhưng lại không có quyền trao tài sản cho con cái; hay nói cách khác, anh ta được phép sống phóng túng với thu nhập của mình, nhưng lại không được khuyến khích trao lại cho người thừa kế. Chắc chắn việc trao cho ai đó thừa kế tài sản là một cách thức sử dụng những gì anh ta tạo ra.

Như vậy, các lập luận chống lại nền tảng luân lý tư bản chủ nghĩa đều không có căn cứ, nhưng tất nhiên điều này không có nghĩa rằng nền tảng luân lý tư bản chủ nghĩa là một thứ chấp nhận được. Tôi thấy thật khó để tìm lý lẽ thuyết phục hay bác bỏ nó hay biện minh cho bất kì quan điểm thay thế nào. Tôi hướng tới quan điểm cho rằng nó và tự bản thân nó không thể được coi như một nguyên lý luân lý, mà phải được coi như một công cụ hoặc hệ quả của một nguyên lý nào đó khác, ví dụ như tự do.

Một vài ví dụ có tính giả thiết dưới đây sẽ lý giải cho những khó khăn cơ bản đó. Giả sử có 4 anh Robinson Crusoes bị bỏ lại trên bốn hòn đảo hoang riêng biệt nhưng kề cận nhau. Trong số đó có một người được ở trên một hòn đảo rộng hơn và màu mỡ hơn nên cuộc sống của anh ta dễ dàng hơn. Những người còn lại sống trên những hòn đảo nhỏ, thậm chí khô cằn, khiến họ phải chật vật để sống qua ngày. Cho tới một ngày họ phát hiện ra sự tồn tại của những người còn lại. Tất nhiên sẽ thật rộng lượng nếu anh chàng Crusoe ở hòn đảo lớn hơn quyết định mời những người còn lại sang sống cùng và chia sẻ của cải cùng anh ta. Nhưng nếu anh ta không làm như vậy thì sao? Liệu ba người kia có được coi là công chính khi ép buộc anh ta cho sống cùng và chia sẻ tài sản của anh ta cho mình hay không? Rất nhiều độc giả đồng ý. Nhưng trước khi đưa ra quyết định này, hãy thử xem một ví dụ khác vẫn y như tình huống kể trên nhưng khác hoàn cảnh. Giả sử bạn cùng ba người bạn khác đang đi dạo và đột nhiên bạn trông thấy một tờ 20 đô-la trên vỉa hè. Tất nhiên bạn sẽ là một người hào phóng nếu chia đều nó cho những người bạn của mình hoặc ít nhất mời họ một bữa. Nhưng giả sử bạn không làm thế. Vậy nếu ba người bạn kia ép buộc bạn chia đều 20 đô-la cho họ thì có thể được coi là hành động đúng hay không? Tôi nghĩ rằng hầu hết độc giả sẽ trả lời là không. Và suy ngẫm kỹ hơn, họ có thể đi tới kết luận rằng hành động hào phóng tự bản thân nó cũng không hẳn là một điều “đúng đắn”. Liệu chúng ta có thôi thúc bản thân và đồng nghiệp của chúng ta nghĩ rằng nếu bất kì ai có tài sản vượt quá mức trung bình của tất cả mọi người trên thế giới phải có trách nhiệm chia đều tất cả phần tài sản dư dả đó cho những người còn lại không? Chúng ta có lẽ sẽ ngưỡng mộ và ngợi khen nếu như chỉ có vài người thực hiện điều đó. Nhưng một thế giới “cho nhận” như thế sẽ biến thế giới văn minh thành không thể.

Trong bất kì trường hợp nào, thì hai điều sai không thể làm nên một điều đúng. Việc anh Robinson Crusoe giàu có hơn hay của người may mắn nhặt được 20 đô la không muốn chia sẻ tài sản không thể trở thành lý do biện minh cho việc sử dụng vũ lực ép buộc họ. Liệu chúng ta có thể trở thành quan tòa để biện hộ cho chính mình khi tự cho mình quyền ép buộc người khác để đòi những thứ được cho là quyền lợi của mình không? Hay tự quyết xem cái gì không phải là phần của người khác? Hầu hết sự khác biệt trong địa vị, vị trí hay tài sản có thể được coi là sản phẩm của những cơ duyên trời ơi đất hỡi.  Một người lao động chăm chỉ và tằn tiện được xem là người “xứng đáng” được hưởng; tuy nhiên những phẩm chất này còn phụ thuộc nhiều vào bộ gen mà anh ta may mắn (hoặc không may?) được thừa hưởng. 

Mặc dù ngoài miệng chúng ta đều đề cao “năng lực” hơn là “sự may rủi”, nhưng chúng ta thường dễ dàng chấp nhận sự bất bình đẳng phát sinh từ các cơ hội may rủi nhiều hơn là sự bất bình đẳng phát sinh từ “năng lực”. Ví dụ một người đồng nghiệp của một giáo sư đại học trúng giải xổ số, điều này sẽ khiến vị giáo sư nọ ghen tỵ nhưng không vì thế làm vị giáo sư nảy sinh ác ý hay cảm thấy không công bằng. Nếu người đồng nghiệp kia được nhận thêm một khoản thù lao khiến mức lương của anh ta cao hơn của vị giáo sư một chút thì vị giáo sư ấy nhiều khả năng sẽ cảm thấy buồn bực. Tóm lại thì nữ thần may mắn, hay công lý, là một người mù. Còn việc tăng lương thể hiện một đánh giá có chủ ý về năng lực của người này so với người khác.

CHỨC NĂNG CÔNG CỤ CỦA SỰ PHÂN PHỐI LỢI ÍCH THEO SẢN PHẨM 

Trong một xã hội dựa vào thị trường, chức năng quan trọng nhất của hình thức chi trả dựa theo sản phẩm không phải là phân phối lợi ích, mà là phân bổ nguồn lực. Như đã chỉ ra ở Chương I, nguyên tắc trung tâm của một nền kinh tế thị trường là sự hợp tác bằng tinh thần trao đổi tự nguyện. Các cá nhân hợp tác với nhau bởi theo cách này họ có thể thỏa mãn mong muốn của mình một cách hiệu quả hơn. Nhưng trừ khi một cá nhân nhận được toàn bộ phần mà anh ta đã đóng góp cho việc tạo ra sản phẩm, anh ta sẽ không tham gia trao đổi để tạo ra sản phẩm mà chỉ tham gia trao đổi để nhận được cái gì đó. Trao đổi để tạo ra sản phẩm khi đó sẽ không thành; điều mà sẽ xảy ra trong trường hợp mỗi bên đều nhận được phần đóng góp cho việc tạo ra sản phẩm chung. Vì thế, chi trả dựa theo sản phẩm là nhân tố cần thiết để sử dụng các nguồn lực một cách có hiệu quả, chí ít là đối với một hệ thống kinh tế dựa trên sự hợp tác tự nguyện. Như chúng ta biết, cưỡng ép lao động có thể là một mô hình thay thế cho mô hình khuyến khích nhờ vào phần thưởng cho sự đóng góp, nhưng tôi nghi ngờ điều đó. Người ta có thể đổ vấy trách nhiệm lên những thứ vô tri xung quanh, cũng như ép buộc những người khác tuân theo ý mình – nhưng người ta không thể ép buộc người khác nỗ lực hết sức. Nói cách khác, thay thế sự hợp tác tự nguyện bằng mô hình cưỡng ép sẽ dẫn đến sự thay đổi về số lượng các nguồn lực có thể huy động. 

Mặc dù việc chi trả theo sản phẩm là để đảm bảo các nguồn lực được phân bổ hiệu quả mà không cần đến sự cưỡng ép, nhưng khó có khả năng nó được chấp nhận trừ khi người ta cho rằng nó đảm bảo công bằng trong phân chia lợi ích. Không xã hội nào có thể ổn định nếu những chuẩn mực giá trị cốt lõi không được đa số công dân của nó chấp nhận. Một số thiết chế quan trọng phải được chấp thuận một cách “tuyệt đối” chứ không chỉ đơn thuần là tuân theo. Tôi tin tưởng rằng chi trả theo sản phẩm đang và vẫn sẽ là chuẩn mực giá trị hoặc cơ chế được đa số chấp nhận như vậy.

Có thể minh họa cho điều này bằng cách xem xét những lý do mà những người phản đối chủ nghĩa tư bản đã liên tục viện ra, đó là việc tấn công  vào cơ chế phân phối thu nhập của chủ nghĩa này. Nó chính là đặc trưng nổi bật nhất trong các giá trị cốt lõi, được các thành viên chấp nhận, bất kể việc họ ủng hộ hay phản đối hệ thống tổ chức của xã hội tư bản. Kể cả những người chỉ trích khắc nghiệt nhất từ chính bên trong chủ nghĩa tư bản cũng thẳng thắn thừa nhận chi trả theo sản phẩm là công bằng về mặt luân lý.

Phê phán nặng nề nhất đến từ những người Mác-xít. Marx lập luận rằng người lao động bị bóc lột. Tại sao ư? Bởi người lao động sản xuất ra trọn vẹn một sản phẩm nhưng chỉ nhận được một phần trong đó, phần còn lại được Marx gọi là “giá trị thặng dư”. Ngay cả khi người ta chấp nhận những lý lẽ ẩn chứa trong nhận định này thì việc đưa ra các phán xét về giá trị chỉ có ý nghĩa khi thừa nhận luân lý của chủ nghĩa tư bản. Nói lao động bị “bóc lột” chỉ đúng nếu như lao động gắn với phần sản phẩm nó đóng góp tạo ra. Còn nếu một người chấp nhận tiền đề của chủ nghĩa xã hội, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” – dù nó mang ý nghĩa gì đi nữa – thì sẽ cần phải so sánh cái mà người lao động đóng góp tạo ra, không phải với cái họ nhận được mà là với cái gọi là “năng lực”; và cũng phải so sánh cái người lao động nhận được, không phải với cái nó tạo ra, mà là với cái gọi là “nhu cầu”. 

Dĩ nhiên, lý lẽ chủ nghĩa Marx còn vô lý trên nhiều khía cạnh khác nữa. Đầu tiên, đó là sự nhầm lẫn giữa tổng sản phẩm được tạo ra bởi tất cả các nguồn lực hợp thành với lượng nguồn lực đóng góp thêm vào sản phẩm – theo thuật ngữ kinh tế, phần đó được gọi là sản phẩm cận biên. Nghiêm trọng hơn, còn có một sự ngầm thay đổi về nghĩa của khái niệm “lao động” trong quá trình đi từ tiền đề tới kết luận. Marx nhận ra vai trò của vốn (tư bản) trong việc tạo ra sản phẩm nhưng coi vốn là lao động quá khứ được tích lũy. Vậy nên, nếu viết đầy đủ, các mệnh đề trong tam đoạn luận của Marx sẽ như sau: “Lao động hiện tại và quá khứ đóng góp tạo ra toàn bộ sản phẩm. Lao động hiện tại chỉ nhận được một phần của sản phẩm.” Kết luận: “Về mặt logic, kết luận lẽ ra sẽ phải là “Lao động quá khứ bị bóc lột”, và hành động rút ra phải là lao động quá khứ nên được nhận nhiều hơn từ sản phẩm, dù rất khó để chỉ rõ là nhận bằng cách nào, trừ khi được khắc trên bia mộ. 

Cơ chế phân chia lợi ích theo sản phẩm đóng vai trò làm phương tiện chính yếu trong việc tạo ra sự phân bổ nguồn lực mà không cần đến sự cưỡng ép. Nhưng đó không phải là chức năng công cụ duy nhất mà bất bình đẳng tạo ra. Chúng tôi đã lưu ý trong chương I về vai trò của bất bình đẳng trong việc tạo ra một quyền lực độc lập nhằm bù đắp lại sự tập trung quyền lực chính trị, cũng như trong việc khuyến khích tự do dân sự bằng cách cung cấp những “nhà bảo trợ” nhằm gây quỹ tuyên truyền những ý tưởng mới mẻ và độc đáo. Thêm vào đó, trong môi trường kinh tế, sự bất bình đẳng sản sinh ra các “mạnh thường quân” đầu tư vốn cho các thí nghiệm và sự phát triển của các sản phẩm mới – những chiếc ô tô và ti-vi đầu tiên, và cả những bức hoạ theo trường phái ấn tượng nữa. Cuối cùng, nó tạo điều kiện cho quá trình phân phối diễn ra mà không cần đến “cơ quan có thẩm quyền” – một nét riêng trong chức năng tổng quát mà thị trường góp phần vào việc khuyến khích hợp tác và điều phối mà không cần cưỡng ép.   

NHỮNG SỰ THẬT VỀ PHÂN PHỐI THU NHẬP

Một hệ thống tư bản, với phương thức chi trả theo sản phẩm, có thể mang nét đặc trưng là sự bất bình đẳng đáng kể về thu nhập và của cải, và trên thực tế quả là như vậy. Sự thật này thường bị diễn giải nhầm là chủ nghĩa tư bản và hệ thống kinh doanh tự do tạo nên nhiều bất bình đẳng hơn các hệ thống khác, và như một hệ quả tất yếu, sự mở rộng và phát triển của chủ nghĩa tư bản đồng nghĩa với sự gia tăng bất bình đẳng. Sự hiểu nhầm này lan rộng do hầu hết các con số công bố về phân phối thu nhập đều khiến chúng ta hiểu nhầm, đặc biệt là khi chúng không phân biệt bất bình đẳng ngắn hạn với bất bình đẳng dài hạn. Hãy nhìn vào những sự thật bao quát hơn về phân phối thu nhập. 

Một trong những sự thật bất ngờ nhất, đi ngược lại với nếp nghĩ của mọi người là sự thật về nguồn thu nhập. Một đất nước càng mang đặc trưng của chủ nghĩa tư bản, phần thu nhập được trả cho việc sử dụng vốn càng nhỏ và phần thu nhập được trả cho các dịch vụ liên quan đến con người càng lớn.  Ở những nước kém phát triển như Ấn Độ, Ai Cập... gần một nửa tổng thu nhập là thu nhập từ tài sản. Ở nước Mỹ, con số này là gần một phần năm. Và trong những nước tư bản phát triển khác, tỷ lệ này không khác nhiều lắm. Thành tựu lớn nhất của chủ nghĩa tư bản không phải là tích lũy của cải mà là cơ hội mà nó trao cho mọi người, cả nam lẫn nữ, để mở rộng, phát triển và cải thiện năng lực của họ. Tuy thế, những người thù ghét chủ nghĩa tư bản luôn bài xích những người theo chủ nghĩa này là những kẻ ưa vật chất, còn những người tán thành chủ nghĩa tư bản lại giải thích rằng tính vật chất của chủ nghĩa tư bản là một cái giá cần thiết cho sự tiến bộ. 

Một sự thật bất ngờ khác, trái ngược với nhận thức của nhiều người dân, đó là chủ nghĩa tư bản gây ra ít bất bình đẳng hơn các hệ thống xã hội khác, và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản giúp giảm mức độ bất bình đẳng. Sự so sánh về cả thời gian và không gian địa lý đã khẳng định quan điểm này. Chắc chắn xã hội tư bản phương Tây ở các quốc gia trên bán đảo Scandinavian, Pháp, Anh và Mỹ có độ bất bình đẳng ít hơn đáng kể so với một xã hội phân chia đẳng cấp như Ấn Độ hoặc một đất nước lạc hậu như Ai Cập. So sánh với các nước cộng sản như Liên Xô thì khó hơn do khan hiếm bằng chứng và nếu có thì cũng không đáng tin cậy. Nhưng nếu sự bất bình đẳng được đo bằng sự chênh lệch về mức sống giữa tầng lớp hưởng đặc quyền và các tầng lớp khác, thì sự bất bình đẳng ở các nước tư bản nhất quyết là ít hơn ở các nước cộng sản. Xét riêng trong số các quốc gia phương Tây, theo bất kỳ tiêu chuẩn nào thì những nước càng có tính tư bản cao thì bất bình đẳng lại càng thấp: Ở Anh ít bất bình đẳng hơn ở Pháp, ở Mỹ ít bất bình đẳng hơn ở Anh –dù cho những sự so sánh này là khập khiễng do tính không đồng nhất nội tại của dân số; để so sánh công bằng, chẳng hạn, ta nên so sánh Mỹ không chỉ với Anh mà cả với các thuộc địa Tây Ấn và châu Phi nữa.  

Xem xét theo thời gian, sự phát triển kinh tế ở các nước tư bản đã luôn đi kèm với sự thu hẹp bất bình đẳng. Vào cuối năm 1848, John Stuart Mill đã viết: “Cho đến thời điểm hiện tại [1848] người ta có quyền nghi ngờ liệu có phải tất cả các phát minh cơ khí đã làm vơi đi những khó khăn cực khổ hàng ngày của con người. Những phát minh đó đã khiến đa số người dân tiếp tục cuộc sống như kiếp trâu ngựa và lao tù, nhưng lại khiến cho nhiều nhà sản xuất và những kẻ khác trở nên sung túc. Chúng làm cuộc sống của tầng lớp trung lưu thoải mái hơn. Nhưng chúng vẫn chưa tạo ra được những thay đổi đáng kể cho số mệnh con người, mà đó mới là bản chất và sứ mệnh của những phát minh đó”.1 Tuyên bố này có lẽ không chính xác, kể cả với thời đại của Mill; còn ngày nay, rõ ràng không ai có thể viết như thế về những quốc gia tư bản tiến bộ. Nhưng điều đó lại vẫn đúng với phần còn lại của thế giới.

Đặc trưng quan trọng của các tiến bộ và phát triển trong suốt một thế kỷ qua là đã giải phóng số đông khỏi những công việc chân tay nặng nhọc và đem đến các sản phẩm và dịch vụ mà trước đó là độc quyền của các tầng lớp trên, trong khi không đòi hỏi cần phải mở rộng thêm ở quy mô tương ứng những sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho những người giàu. Lấy riêng lĩnh vực y tế làm ví dụ, những tiến bộ công nghệ đã giúp cho phần đông mọi người được hưởng những tiện nghi vốn dĩ trước đây chỉ dành cho những người thực sự giàu có. Hệ thống nước sạch, lò sưởi trung tâm, ô tô, tivi, radio, chỉ cần lấy vài ví dụ đơn giản như thế, đều mang đến sự tiện lợi cho phần đông dân số ngang bằng với những thứ người giàu hồi trước luôn luôn phải nhờ đến người hầu và những người giải trí mới có được.

Khó có thể thu thập và tổng hợp được các bằng chứng thống kê chi tiết về việc này, tức các bằng chứng dưới dạng phân phối thu nhập theo các tầng lớp xã hội cho phép chúng ta so sánh và diễn giải, dù rằng có những nghiên cứu xác nhận các kết luận được chúng tôi liệt kê ở trên. Tuy nhiên, ngay cả những dữ liệu thống kế như thế vẫn có thể dẫn đến những diễn giải sai lệch nghiêm trọng. Chúng không thể phân biệt được những khác biệt trong thu nhập thực ra là tương đương nhau với những khác biệt thực chất là khác nhau. Ví dụ, thời gian sự nghiệp ngắn ngủi của một vận động viên bóng chày hàm ý rằng thu nhập hằng năm trong thời gian còn thi đấu cần phải lớn hơn rất nhiều so với những cơ hội nghề nghiệp khác mà anh ta có thể theo đuổi để có được mức hấp dẫn tương tự về mặt tài chính. Nhưng sự khác biệt như vậy cũng ảnh hưởng đến các con số thống kê theo đúng cách những khác biệt khác về thu nhập gây ra. Đơn vị tính thu nhập để tạo ra các con số thống kê cũng là một vấn đề quan trọng. Con số thống kê phân phối thu nhập theo cá nhân luôn thể hiện mức độ bất bình đẳng lớn hơn nhiều so với con số thống kê phân phối thu nhập theo đơn vị gia đình: rất nhiều cá nhân là những bà nội trợ làm việc bán thời gian hoặc nhận được một ít thu nhập từ tài sản; và nhiều thành viên khác trong gia đình cũng có hoàn cảnh tương tự. Biểu phân bố thu nhập của các hộ gia đình sẽ như thế nào nếu dựa trên tổng thu nhập của cả gia đình? Hay dựa trên thu nhập của từng người? Hay dựa trên những đơn vị tương đương? Đây không đơn thuần là trò chơi chữ. Tôi tin rằng biểu phân bố thu nhập các hộ gia đình sẽ thay đổi theo số trẻ em của từng gia đình; và riêng nhân tố này đã đóng vai trò quan trọng giúp làm giảm mức bất bình đẳng về mức sống trên đất nước này (Mỹ -ND) trong suốt nửa thế kỷ vừa qua. Điều này còn quan trọng hơn cả thuế thừa kế và thuế thu nhập cá nhân lũy tiến. Mức sống thấp là hệ quả của cả mức thu nhập của toàn gia đình thấp với số con cái nhiều. Số con cái trung bình của mỗi gia đình đã giảm, và đáng chú ý hơn nữa là, việc giảm sút này là sản phẩm của sự giảm sút số lượng các đại gia đình. Kết quả là các gia đình hiện nay thường khác xa so với các gia đình trước đây về số lượng con cái. Tuy nhiên, thay đổi này lại không được phản ánh trong biểu phân bố thu nhập các hộ gia đình dựa trên quy mô của tổng thu nhập gia đình.

Khó khăn chính yếu phải đối mặt khi diễn giải các bằng chứng về phân phối thu nhập là việc phân biệt hai loại bất bình đẳng cơ bản: những chênh lệch thu nhập tạm thời và những chênh lệch lâu dài về tình trạng thu nhập. Xem xét hai xã hội có cùng biểu đồ phân phối thu nhập hàng năm. Một xã hội tại đó có sự dịch chuyển và thay đổi lớn khiến cho vị trí từng gia đình cụ thể trong kim tự tháp thu nhập thay đổi mạnh qua các năm. Và một xã hội khác ổn định, tại đó mỗi gia đình sẽ ở nguyên vị trí từ năm này qua năm khác. Rõ ràng, theo bất kỳ nghĩa nào, xã hội thứ hai sẽ là một xã hội bất công hơn. Loại bất bình đẳng của xã hội thứ nhất chính là các dấu hiệu về thay đổi động lực, tính linh hoạt của xã hội, và tính bình đẳng về cơ hội; loại bất bình đẳng trong xã hội thứ hai là dấu hiệu của một xã hội theo thứ bậc (status society). Sự nhầm lẫn giữa hai kiểu xã hội này rất đáng phải lưu tâm, đặc biệt bởi  vì chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh dẫn đến sự thay thế mô hình xã hội thứ hai bẳng mô hình thứ nhất. Xã hội phi tư bản thường gây ra bất bình đẳng lớn hơn, ngay cả khi đo bằng thu nhập hàng năm; thêm vào đó, những bất bình đẳng trong xã hội này thường kéo dài; trong khi đó, chủ nghĩa tư bản sẽ xóa nhòa thứ bậc và tăng tính linh hoạt của xã hội. 

BIỆN PHÁP CỦA CHÍNH QUYỀN NHẰM ĐIỀU CHỈNH PHÂN PHỐI THU NHẬP

Những biện pháp được chính quyền sử dụng rộng rãi hiện nay để điều chỉnh phân phối thu nhập là thuế thu nhập lũy tiến và thuế thừa kế tài sản. Trước khi xem xét tính đáng muốn của các biện pháp này, cần phải xem chúng có thực sự hoàn thành sứ mệnh của mình hay không.

Vẫn chưa có một câu trả lời chắc chắn nào cho câu hỏi đó với hiểu biết hiện tại của chúng ta. Những đánh giá dưới đây đều mang tính cá nhân, tuy nhiên tôi hi vọng rằng nó có thể cung cấp thông tin, ý kiến, lập luận, mang tính cô đọng, nặng tính võ đoán hơn là dựa trên các bằng chứng tường minh. Theo cảm nhận của tôi, những biện pháp này chỉ tạo ra tác động tương đối nhỏ, nhưng không thể bỏ qua, tới việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các điểm trung bình của các nhóm gia đình được phân chia trên thang các đại lượng thống kê về thu nhập. Tuy nhiên, những biện pháp này lại đưa tới những bất bình đẳng do bị đối xử thiên vị, độc đoán ở mức độ tương tương giữa những cá nhân trong cùng một nhóm thu nhập. Kết quả là, chưa thể biết rõ được liệu những biện pháp này sẽ làm công bằng tăng lên hay giảm đi nếu như xem xét tổng thể cả mục tiêu bình đẳng về đối xử lẫn bình đẳng về kết quả.

Các mức thuế suất trên giấy tờ vừa cao hơn vừa lũy tiến hơn. Tuy nhiên hiệu quả của nó lại bị tan biến theo hai hướng khác nhau. Thứ nhất, một phần hiệu quả của chúng đơn giản là biến việc phân phối thu nhập trước thuế càng trở nên không công bằng. Đây là một hệ quả tác động phụ thường thấy của thuế. Biểu thuế cao và lũy tiến sẽ giúp làm tăng lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh bị đánh thuế cao - trong trường hợp này là các hoạt động có mức độ mạo hiểm lớn, có nhiều bất lợi phi tiền tệ - do nó không khuyến khích gia nhập ngành vào những hoạt động này. Thứ hai, chúng khuyến khích việc đưa ra các quy định và các điều khoản để tránh thuế - hay còn gọi là các lỗ hổng “né tránh thuế” hợp pháp ví dụ như tỉ lệ cạn kiệt tài nguyên (percentage depletion), miễn giảm thuế đối với lợi tức từ trái phiếu nhà nước và trái phiếu địa phương, sử dụng thích hợp thặng dư vốn, công tác phí, các khoản chi trả gián tiếp khác, chuyển đổi thu nhập thông thường sang thặng dư vốn, và rất nhiều chiêu thức khác nữa. Kết quả là thuế suất thực tế phải chịu thấp hơn nhiều so với thuế suất danh nghĩa, nhưng tệ hơn là, nó khiến cho các tác động của thuế liên tục thay đổi và không công bằng. Những người ở cùng vị thế kinh tế sẽ chi trả mức thuế khác nhau phụ thuộc vào tính ngẫu nhiên của những nguồn thu nhập của họ và các cơ hội họ không phải chi trả thuế. Nếu thuế suất hiện tại thực sự có hiệu lực, ảnh hưởng của nó tới động lực làm việc sẽ vô cùng nghiêm trọng, dẫn đến suy giảm mạnh năng suất của xã hội. Có lẽ chính vì vậy tránh thuế (hợp pháp) là cần thiết cho sự thịnh vượng của nền kinh tế. Nếu đúng vậy, lợi ích thu được từ biểu thuế cao và lũy tiến sẽ bị triệt tiêu bởi mức độ lãng phí rất lớn các nguồn lực cũng như gây ra bất bình đẳng với quy mô rộng khắp. Một hệ thống thuế với các mức thuế danh nghĩa thấp hơn cộng với một cơ sở thuế rộng khắp hơn, tức đánh thuế công bằng hơn với tất cả các nguồn thu nhập, thì có lẽ sẽ tạo ra hiệu quả, tính trung bình, có tính lũy tiến cao hơn, bình đẳng hơn, và gây lãng phí các nguồn lực ít hơn.

Quan điểm này, tức quan điểm cho rằng thuế thu nhập cá nhân có những tác động mang tính thiên vị và độc đoán, có hiệu quả hạn chế trong việc làm giảm bất công, được những nghiên cứu viên về chủ này chia sẻ, bao gồm cả những người ủng hộ sử dụng thuế lũy tiến để hạn chế bất công. Họ cũng hối thúc chính sách thuế theo hướng giảm mạnh mức thuế suất của những nhóm trên cùng và mở rộng cơ sở thuế. 

Một yếu tố khác khiến cho tác động của hệ thống thuế lũy tiến lên bất bình đẳng thu nhập và tài sản bị giảm đó là những loại thuế này thu được thuế từ người hiện đang giàu có thấp hơn so với thu được từ những người đang phấn đấu làm giàu. Những sắc thuế này không chỉ hạn chế việc sử dụng nguồn thu nhập từ của cải hiện có, nó còn là lực cản đáng kể – chí ít là chừng nào chúng còn hữu hiệu – đến sự tích lũy của cải. Việc đánh thuế thu nhập đối với sự giàu có chẳng mảy may làm giảm đi bản thân sự giàu có, nó chỉ đơn giản làm giảm mức độ tiêu dùng và những nguồn thu bổ sung vào phần của cải mà những người sở hữu có thể thực hiện. Các sắc thuế này khuyến khích người ta né tránh các hoạt động kinh doanh rủi ro, giữ của cải hiện có dưới dạng an toàn để tránh làm phân tán lượng của cải đã tích lũy. Trong khi đó, lộ trình chính để tích lũy thêm tài sản mới là thông qua các khoản thu nhập lớn, bởi một phần lớn những khoản thu nhập này sẽ được tiết kiệm, đưa vào các hoạt động kinh doanh mạo hiểm với kỳ vọng một phần trong chúng sẽ đem lại lợi nhuận cao. Nếu như hệ thống thuế thu nhập hoạt động hữu hiệu, con đường này sẽ bị đóng lại. Do đó, hệ quả sẽ là những người giàu có hiện tại sẽ được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh từ những người mới phất. Trong thực tế, tác động này bị tiêu tán bởi những hoạt động tránh thuế đã đề cập ở trên. Đáng chú ý là một phần lớn lượng của cải tích lũy mới lại được đổ vào khai thác dầu thô, là hoạt động cho phép khấu trừ thuế cạn kiệt tài nguyên, theo đó người ta dễ dàng được hưởng chế độ miễn thuế thu nhập. 

Để đánh giá mức độ đáng muốn của hệ thống thuế thu nhập lũy tiến, theo tôi cần phải phải phân biệt hai vấn đề quan trọng, mặc dù sự tách biệt giữa chúng không thể chính xác trên thực tiễn: thứ nhất, nhằm gia tăng các nguồn ngân sách tài trợ cho các chương trình hoạt động của chính quyền (bao gồm cả các biện pháp xóa đói giảm nghèo được thảo luận trong chương 12); thứ hai, áp thuế chỉ nhằm mục đích tái phân phối. Với mục đích thứ nhất, hoàn toàn có thể áp dụng một mức độ lũy tiến nhất định, dựa trên đánh giá chi phí-lợi ích cũng như dựa trên các chuẩn mực xã hội về công bằng. Tuy nhiên, rất khó biện minh được việc áp dụng mức thuế danh nghĩa cao hiện nay cho những khoảng thu nhập và thừa kế ở tốp trên dựa trên nền tảng này - đơn giản chỉ là vì lợi ích thuần tạo ra từ các mức thuế này quá thấp.

Là một người theo chủ nghĩa tự do, tôi thấy thật khó chấp nhận nếu như áp dụng hệ thống thuế lũy tiến chỉ nhằm mục đích tái phân phối thu nhập. Đây có lẽ là một ví dụ rõ ràng về việc sử dụng biện pháp cưỡng ép để lấy của người này chia cho người khác, nó là biện pháp xung đột trực tiếp với sự tự do cá nhân.

Sau khi suy xét tất cả các lý sự trình bày ở trên, theo tôi biểu thuế thu nhập cá nhân tốt nhất là hệ thống thuế với một mức thuế thu nhập cho mọi người (flat-rate tax) ở mức cao hơn mức miễn giảm thuế, với việc các nguồn thu nhập sẽ được định nghĩa rộng hơn và các khoản khấu trừ chỉ được tính cho các khoản chi tiêu cụ thể, rõ ràng từ thu nhập. Như những gì tôi đề xuất trong chương 5, tôi muốn gộp giải pháp này với việc xóa bỏ thuế thu nhập doanh nghiệp, với điều kiện doanh nghiệp phải chuyển thu nhập của mình cho các cổ đông và những người này sẽ cộng tổng thu nhập đó vào tờ khai thuế của họ. Những mong muốn thay đổi quan trọng khác là loại bỏ khấu trừ tỷ lệ cạn kiệt tài nguyên đối với dầu hỏa và các nguyên liệu thô khác, loại bỏ sự miễn thuế đối với lợi tức trái phiếu nhà nước và địa phương, xóa bỏ những đối xử đặc biệt với thặng dư vốn, xem xét tổng thể cả thuế thu nhập với thuế bất động sản và quà tặng, và xóa bỏ nhiều khoản khấu trừ hiện đang được phép. 

Với tôi, miễn trừ thuế là một cấp độ lũy tiến có thể chấp nhận được (bạn có thể xem thêm các thảo luận tại chương 12). Có một sự khác biệt giữa việc 90% dân số ủng hộ việc mình phải chịu đóng thuế và miễn trừ thuế cho 10% còn lại so với việc 90% dân số bỏ phiếu áp thuế trừng phạt lên 10% còn lại, đây là thực trạng đang được thực hiện tại Mỹ. Những người thu nhập cao sẽ phải trả phần thuế với tỷ lệ đồng nhất cao hơn cho các dịch vụ công, điều này rõ ràng hợp lý khi đối chiếu với lợi ích được hưởng. Mặc dù vậy, vẫn nên tránh trường hợp bất kì nhóm đa số nào có thể bỏ phiếu áp đặt các sắc thuế khác nếu như họ không phải là đối tượng phải nộp thuế. 

Đối với nhiều độc giả, đề xuất thay thế hệ thống thuế suất thu nhập lũy tiến hiện nay bằng hệ thống thuế thu nhập với một mức thuế đồng nhất được xem như là một đề xuất cực đoan. Nếu quả đọc giả nghĩ vậy thì đó chỉ là về vấn đề quan niệm. Ngoài lý do này, không thể nói rằng đề xuất này quá cực đoan xét trên các khía cạnh thu ngân sách, tái phân phối thu nhập, hoặc bất kỳ tiêu chí có liên quan nào khác. Thuế suất thu nhập hiện tại của chúng ta dao động trong khoảng từ 20% tới 91%, với mức thuế lên tới 50% đối với trên phần thu nhập chịu thuế vượt quá 18,000 đô la cho một người sống đơn thân, hoặc 36,000 đô la cho hai người đã kết hôn nộp thuế chung. Như thế, nếu mức thuế suất thu nhập đồng nhất 23,5% cho thu nhập chịu thuế như được trình bày và định nghĩa ở đây, tức là một mức thuế suất ở trên mức miễn giảm thuế và sau khi đã khấu trừ những khoản giảm trừ cho phép, thì thu ngân sách từ thuế vẫn nhiều như thu được từ hệ thống thuế suất lũy tiến hiện nay.2 Thực ra thì, với mức thuế suất đồng nhất, ngay cả khi không có bất kỳ thay đổi nào khác trong hệ thống luật hiện hành, nó cũng giúp thu ngân sách đạt cao hơn bởi vì người ta có xu hướng khai nhiều hơn các khoản thu nhập chịu thuế. Có ba lý do cho xu hướng này: động lực sử dụng các hình thức khai thuế hợp pháp nhưng tốn kém để làm giảm lượng thu nhập chịu thuế phải khai báo sẽ thấp hơn so với hiện nay (thường gọi là các biện pháp tránh thuế); động lực để khai báo sai các khoản thu nhập lẽ ra phải báo cáo sẽ giảm đi (trốn thuế); việc xóa bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của cấu trúc thuế suất hiện nay sẽ giúp sử dụng các nguồn lực hiện có hiệu quả hơn, dẫn đến thu nhập cao hơn.

Nếu thu ngân sách từ biểu thuế suất thu nhập lũy tiến hiện tại rất thấp thì ảnh hưởng của nó đến tái phân phối thu nhập cũng thấp như vậy. Điều này không có nghĩa là nó không gây ra tác hại nào. Thực chất thì ngược lại. Tác động của nó thấp một phần là do nhiều người nỗ lực tìm các phương cách khác nhau để chỉ phải nộp thuế thấp; và bởi nhiều người khác bị phân tán sức lực khi vừa phải chú trọng vào công việc vừa phải quan tâm tới những ảnh hưởng của thuế. Điều đó thực sự lãng phí. Và chúng ta nhận được gì? Đáng kể nhất chỉ là cảm giác thỏa mãn rằng nhà nước đang phân phối lại thu nhập. Và dù thậm chí cảm giác này được hình thành dựa trên sự thiếu hiểu biết về ảnh hưởng thực sự của cơ cấu thuế suất lũy tiến, thì khi sự thật được phơi bày, chắc chắn nó cũng biến mất. 

Quay trở lại với việc phân phối thu nhập, có một loại hoạt động xã hội hoàn toàn khác với hình thức thuế quan tác động tới việc phân phối thu nhập đáng được chào đón hơn nhiều. Hầu hết các bất bình đẳng trên thực tế đều đến từ những khiếm khuyết của thị trường. Rất nhiều các khiếm khuyết được tạo ra hoặc loại bỏ bởi chính phủ. Chẳng có lý do gì ngăn cản việc điều chỉnh các quy tắc của thị trường để xóa bỏ những căn nguyên gây ra bất bình đẳng thuộc loại này. Ví dụ, các đặc quyền cấp cho các lĩnh vực độc quyền, các loại thuế quan, và các quy định pháp luật khác tạo ra lợi ích cho các nhóm cụ thể chính là những nguyên nhân gây nên bất bình đẳng. Chỉ cần xóa bỏ những điều này, thì tự khắc sẽ tạo ra môi trường tự do. Việc mở rộng các cơ hội giáo dục cũng là một nhân tố quan trọng trong việc giảm thiểu sự bất bình đẳng. Các biện pháp như thế này chính là giải quyết tận gốc tình trạng bất bình đẳng thay vì tập trung vào các giải pháp chỉ nhằm xoa dịu các triệu chứng.

Như vậy, phân phối thu nhập lại là một lĩnh vực nữa minh họa cho chúng ta thấy rằng chính quyền đã gây hại lớn như thế nào khi sử dụng các biện pháp can thiệp so với khi được gỡ bỏ nhờ những biện pháp khác. Chúng ta có thêm một ví dụ về sự biện minh cho sự can thiệp của chính phủ dựa trên cái cớ về các khiếm khuyết của hệ thống doanh nghiệp tư nhân, khi mà đa số những vấn đề, từ lớn đến nhỏ, bị chính những người ủng hộ một nhà nước lớn phàn nàn lại là do bản thân chính quyền tạo ra.

(Xem tiếp Phần 13)

Chú thích:

(1)  Principle of Political Economy (Asley edition; London: Longmans, Green & Co., 1909), p. 751.

(2)  Đây là một luận điểm quan trọng nên cần đưa ra những con số cụ thể và tính toán. Năm gần nhất có thể lấy số liệu cho cuốn sách này là năm tính thuế 1959 của Cơ quan Thuế vụ Hoa Kì (U.S Internal Revernue Service), Statistics of Income for 1959. Trong năm đó, thuế thu nhập tổng hợp được báo cáo:

Thu nhập cá nhân khai báo chịu thuế

 166.540 triệu đô la

Thuế thu nhập trước khi khấu trừ nghĩa vụ thuế

 39.092 triệu đô la

Thuế thu nhập sau khi khấu trừ nghĩa vụ thuế

 38.645 triệu đô la

Một mức thuế suất đồng nhất ở mức 23,5% áp dụng cho tổng thu nhập chịu thuê sẽ tạo ra (0.235) x 166,540 triệu đô la = 39,137 triệu đô la. 

Nếu chúng ta giả sử phần khấu trừ thuế được giữ nguyên, thu ngân sách cuối cùng sẽ bằng với mức đạt được trong thực tế.

Nguồn: Milton Friedman, Capitalism and Freedom, The University of Chicago Press, 1962

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh

Tác giả liên quan