Bình đẳng - Nhiệm vụ bất khả thi
Có lẽ lời chỉ trích đạo đức phổ biến nhất đối với kinh tế thị trường đó là nó không đạt được mục tiêu bình đẳng. Mục tiêu bình đẳng hiện đã đạt được trên một số phương diện “kinh tế” nhất định, chẳng hạn qua sự hi sinh xã hội tối thiểu hay mức độ thỏa dụng biên giảm dần của tiền (xem chương về thuế trên đây). Tuy vậy, trong những năm gần đây, các nhà kinh tế học dần nhận ra là họ không thể biện minh cho chủ nghĩa quân bình nếu chỉ thuần túy dựa vào kinh tế học được nữa. Rút cục, để bàn về bình đẳng, họ cần phải đi sâu vào bản chất đạo đức của khái niệm nói trên.
Logic về hành động học (praxeology) không thể cung cấp nền tảng lý thuyết chắc chắn cho các lý tưởng về đạo đức, song ngay cả các lý tưởng về đạo đức cũng cần được diễn giải một cách có ý nghĩa. Hành vi học cần đảm bảo là các lý tưởng đạo đức đó có sự thống nhất nội tại cũng như khả thể về mặt khái niệm. Những đặc tính của “sự bình đẳng” lâu nay vẫn chưa thực sự được truy vấn kỹ càng.
Đúng là có nhiều ý kiến phản đối được đưa ra khiến những người theo chủ nghĩa quân bình phải đắn đo. Đôi khi, họ nhận ra những hậu quả về mặt chính sách và đã phải hủy bỏ, nhưng chủ yếu là trì hoãn các chính sách theo chủ nghĩa quân bình. Như vậy: sự bình đẳng ép buộc đã kìm hãm đáng kể động cơ kinh tế, loại bỏ các quá trình điều chỉnh của kinh tế thị trường, phá hủy mọi hiệu quả trong việc thỏa mãn mong muốn của người tiêu dùng, làm giảm đáng kể sự hình thành vốn, và gây ra sự tiêu thụ vốn- tất cả các tác động đều cho thấy mức sống chung giảm mạnh. Hơn nữa, chỉ có một xã hội tự do mới thực sự là xã hội phi giai cấp, và do đó, chỉ có tự do mới thực sự mang đến sự linh hoạt về thu nhập dựa theo năng suất. Trạng thái tĩnh, ngược lại, dễ khiến nền kinh tế rơi vào khuôn mẫu của sự mất bình đẳng (phi năng suất).
Tuy nhiên những lập luận này, dù mạnh mẽ, cũng không mang tính kết luận. Dù sao thì một số người cũng sẽ theo đuổi sự bình đẳng bằng bất kỳ giá nào; nhiều người sẽ cân nhắc vấn đề này bằng việc cắt giảm mức sống chỉ để đổi lấy gia tăng bình đẳng.
Trong tất cả các cuộc thảo luận về bình đẳng, người ta tự cho rằng bình đẳng là một mục tiêu rất xứng đáng. Nhưng không có nghĩa mục tiêu đó là hiển nhiên. Chính mục tiêu bình đẳng đang đối mặt với một thách thức nghiêm trọng. Các học thuyết về hành vi học được thu hẹp lại dưới dạng ba tiên đề được chấp nhận rộng rãi: tiên đề chính về sự tồn tại của hành động có mục đích của con người; và những định đề nhỏ, hay tiên đề, về sự đa dạng của các kỹ năng con người và tài nguyên thiên nhiên, cũng như sự phi thỏa dụng (disutility) của lao động. Mặc dù có thể xây dựng một lý thuyết kinh tế về xã hội mà không dựa trên hai tiên đề phụ này (nhưng không thể xây dựng thuyết mà không dựa trên tiên đề chính), chúng được đưa vào nhằm hạn chế luận thuyết về những định luật có thể áp dụng trực tiếp vào thực tế. Bất kỳ ai muốn đặt ra một lý thuyết áp dụng cho những con người giống nhau thì đều được hoan nghênh làm như vậy.
Do đó, sự đa dạng của loài người là một định đề cơ bản trong hiểu biết của chúng ta về con người. Song nếu nhân loại vốn đa dạng và đầy cá tính, thì làm sao mọi người có thể đề xuất sự bình đẳng như một lý tưởng được? Hằng năm, các học giả tổ chức những Hội nghị về Bình đẳng và kêu gọi bình đẳng hơn nữa, song không ai thách thức nguyên lý cơ bản nói trên. Nhưng liệu bình đẳng có thể tìm thấy sự biện minh nào trong bản chất của con người hay không? Nếu mỗi cá nhân là duy nhất, thì còn cách nào có thể khiến anh ta "bình đẳng" với người khác ngoài việc tiêu diệt hầu hết những gì mang đậm tính người nhất trong anh ta và biến xã hội loài người thành một bầy kiến vô tư lự/không biết tư duy? Đây chính là công việc của người theo chủ nghĩa quân bình, người tự tin bước vào và thông báo cho nhà kinh tế học về mục tiêu đạo đức tối hậu của anh ta và cố chứng minh cho trường hợp của mình. Anh ta phải cho thấy làm thế nào sự bình đẳng có thể tương thích với bản chất loài người và phải bảo vệ được tính khả thi của một xã hội quân bình, nếu có.
Những người theo chủ nghĩa quân bình ở trong tình trạng còn tệ hơn, vì mục tiêu bình đẳng về thu nhập rõ là một mục tiêu bất khả thi đối với nhân loại. Thu nhập không bao giờ có thể bình đẳng. Tất nhiên, thu nhập phải được xem xét bằng những tiêu chuẩn thực tế chứ không phải bằng tiền; nếu không sẽ không thể có bình đẳng thật sự. Mà thu nhập thực tế thì lại không bao giờ có thể cân bằng. Bởi làm sao một người New York với một người Ấn Độ lại cùng cảm nhận khi chiêm ngưỡng quang cảnh Manhattan? Làm sao một người New York có thể bơi ở sông Hằng tốt như một người Ấn Độ? Vì mỗi cá nhân đều ở trong một không gian khác nhau, nên thu nhập thực tế sẽ khác nhau tùy từng sản phẩm và tùy từng cá nhân. Không thể kết hợp các loại hàng hóa khác nhau để đo lường một "mức" thu nhập, vì vậy việc cố gắng đạt đến một mức "bình đẳng" nào đó là vô nghĩa. Thực tế, không thể đạt được bình đẳng bởi đó là mục tiêu bất khả thi về mặt khái niệm đối với con người do sự phân tán cần thiết về vị trí cũng như sự đa dạng giữa các cá nhân. Nhưng nếu bình đẳng là một mục tiêu ngớ ngẩn (và do đó vô lý), vậy thì bất kì nỗ lực nào để đạt được bình đẳng cũng ngớ ngẩn tương tự. Nếu mục tiêu ngay từ đầu đã là vô nghĩa thì bất kì nỗ lực nào để đạt được nó cũng vô nghĩa như vậy.
Nhiều người cho rằng, mặc dù bình đẳng về mặt thu nhập là một lý tưởng ngớ ngẩn, song có thể thay thế nó bằng khái niệm bình đẳng về cơ hội. Tuy nhiên khái niệm sau cũng vô nghĩa không kém khái niệm trước. Làm sao mà cơ hội đi thuyền quanh Manhattan của một người sinh ra tại New York "bình đẳng" với cơ hội bơi tại sông Hằng của một người sinh ra tại Ấn Độ được? Sự đa dạng tất yếu về mặt địa lý của loài người đã loại bỏ mọi khả năng về cân bằng "cơ hội".
Blum và Kalven đã mắc một lỗi chung khi họ khẳng định rằng khái niệm công lý bao hàm sự bình đẳng về cơ hội và rằng để đạt được bình đẳng, để "cuộc chơi" trở nên "công bằng" thì "mọi thí sinh phải ở cùng vạch xuất phát". Thế nhưng cuộc sống con người đâu phải là một cuộc đua, một trò chơi nào đó mà mỗi người nên bắt đầu từ những vị trí giống nhau. Cuộc sống là một hành trình mà từng cá nhân phải nỗ lực để đạt được hạnh phúc nhất có thể. Và bởi mỗi người không thể bắt đầu cùng một điểm, vì thế giới không phải ở trạng thái mới ra đời; thế nên cuộc sống mãi luôn đa dạng và mang nhiều khác biệt. Bản thân việc một cá nhân luôn sinh ra ở một địa điểm khác với những người còn lại ngay lập tức đảm bảo rằng cơ hội mà anh ta thừa hưởng không thể giống với cơ hội của những người hàng xóm được. Bởi mỗi cặp bố mẹ có năng lực khác nhau nên động lực cho sự bình đẳng về cơ hội đòi hỏi xóa bỏ hình thái gia đình và yêu cầu cả xã hội cùng nuôi dạy trẻ. Nhà nước sẽ phải quốc hữu hóa trẻ sơ sinh và nuôi dưỡng chúng trong những nhà trẻ của nhà nước dưới những điều kiện "bình đẳng". Nhưng kể cả trong trường hợp đó thì điều kiện cũng không hoàn toàn đồng nhất vì các cán bộ nhà nước có năng lực và tính cách khác nhau. Và bình đẳng sẽ không bao giờ đạt được do những khác biệt tất yếu về vị trí địa lý.
Bởi vậy, những người theo chủ nghĩa quân bình không được phép kết thúc thảo luận đơn giản bằng cách tuyên bố rằng bình đẳng là một mục tiêu đạo đức tuyệt đối được nữa. Trước hết, anh ta phải đối mặt với tất cả những hậu quả xã hội và kinh tế của chủ nghĩa quân bình và phải cố gắng chứng minh chúng không trái với bản chất cơ bản của con người. Anh ta phải phản bác lập luận cho rằng con người được sinh không phải chỉ để tồn tại như một đàn kiến. Và cuối cùng, anh ta phải nhận ra rằng các mục tiêu bình đẳng về thu nhập và bình đẳng về cơ hội là không thể thực hiện được về mặt khái niệm và do đó là phi lý. Bất kì động cơ nào để đạt được chúng cũng ipso facto (tự chính nó) phi lý theo.
Mọi người đều có quyền tự do làm theo ý mình, miễn là chị/anh ta không vi phạm quyền tự do bình đẳng của bất kỳ người nào khác.” Mục tiêu này không cố gắng làm cho tổng điều kiện của mọi cá nhân bằng nhau - một nhiệm vụ hoàn toàn bất khả thi; thay vào đó, nó ủng hộ quyền tự do - đảm bảo không cưỡng ép hay vi phạm lên cá nhân hay tài sản của mỗi người.
Tuy nhiên, ngay cả công thức bình đẳng này cũng có nhiều sai sót và dễ dàng bị loại bỏ. Ngay từ đầu, nó mở ra cánh cửa cho sự mơ hồ và chủ nghĩa quân bình. Hai là, khái niệm "bình đẳng" bao hàm một định danh có thể đo lường được bằng một đơn vị cố định và rộng lớn. "Độ dài bằng nhau" là định danh của phép đo bằng một đơn vị khách quan và xác định được. Trong nghiên cứu về hành vi con người, dù trong chủ nghĩa hành phi hay triết học xã hội thì cũng không có đơn vị định lượng nào như vậy, và do đó, không thể có sự "bình đẳng" nào như vậy. Nếu nói "Mỗi người nên có X" thì tốt hơn là nói "Tất cả mọi người phải bình đẳng về X". Nếu ai đó muốn thúc giục mọi người mua một chiếc ô tô, thì anh ta sẽ diễn dịch mục tiêu đó theo cách này - "Mỗi người nên mua một chiếc ô tô" - hơn là nói "tất cả mọi người đều bình đẳng trong việc mua ô tô". Việc sử dụng thuật ngữ "bình đẳng" vừa ngớ ngẩn vừa dễ gây hiểu lầm.
Và cuối cùng, như Clara Dixon Davidson đã chỉ ra một cách rõ ràng nhiều năm trước, Luật Tự do Bình đẳng của Spencer là thừa thãi. Bởi nếu mỗi người đều có quyền tự do làm tất cả những gì mình muốn, thì theo chính tiên đề đó, bất kì quyền tự do nào của con người đều không thể bị xâm phạm. Bởi vậy, toàn bộ vế thứ hai của luật đó sau "ý muốn" trở nên thừa thãi và không cần thiết. Kể từ khi tạo dựng Định luật Spencer, những người phản đối Spencer đã sử dụng vế trên để chỉ ra lỗ hổng của triết lý tự do cá nhân. Tuy nhiên trong suốt thời gian đó họ chỉ đánh vào phần bề mặt chứ không đi vào bản chất của định luật đó. Khái niệm "bình đẳng" không có vị trí chính đáng trong "Định luật về Tự do Bình đẳng", và có thể thay thế bằng một từ định lượng, hợp logic hơn là "hoàn toàn". "Quy luật Tự do Bình đẳng" có lẽ có thể được đổi tên thành "Định luật về Tự do hoàn toàn".
Nguồn: Murray Rothbard, The Impossibility of Equality, Mises Institute, 21/8/2019