Tác hại của máy móc (Phần 1)

Tác hại của máy móc (Phần 1)

Một trong những suy nghĩ sai lầm tồn tại lâu nhất trong kinh tế học là luận chứng cho rằng việc sử dụng máy móc, xét trên tổng quan, dẫn đến thất nghiệp. Luận chứng này đã bị bác bỏ hàng ngàn lần, và sau đó hàng ngàn lần nó đã tái xuất hiện, vẫn mạnh mẽ như cũ. Mỗi khi có tình trạng thất nghiệp hàng loạt kéo dài, người ta lại đổ lỗi cho máy móc. Luận chứng sai lầm này vẫn là cơ sở hoạt động cho nhiều công đoàn. Công chúng thường chấp nhận các hoạt động đó vì họ hoặc quá tin vào sự đúng đắn hoặc không hiểu được sai lầm của các công đoàn.

Quan điểm cho rằng máy móc gây ra thất nghiệp theo logic sẽ dẫn đến những kết luận phi lý, rằng không chỉ chúng ta ngày hôm nay đang góp phần gây ra sự thất nghiệp với mỗi tiến bộ khoa học kỹ thuật của mình, mà chính người nguyên thủy, với những nỗ lực tạo ra công cụ lao động để giảm đi những công việc nặng nhọc cho mình, là người đầu tiên đã gây nên thất nghiệp.

Có lẽ chúng ta không cần phải đi xa hơn cuốn sách Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia) của Adam Smith, xuất bản vào năm 1776. Chương đầu tiên của cuốn sách xuất sắc này có tên gọi là “Về sự phân chia lao động”. Trên trang thứ hai của chương này, tác giả kể cho chúng ta nghe câu chuyện về một công nhân làm ghim kẹp theo cách thủ công. Anh ta “chỉ có thể làm được một chiếc một ngày, và chắc chắn không thể nào làm được 20 chiếc một ngày”. Nhưng với thiết bị mới, anh ta có thể làm được 4.800 chiếc ghim kẹp một ngày. Vậy là, ngay trong thời của Adam Smith, cứ một người làm ghim được giữ lại, từ 240 cho đến 4.800 người khác sẽ bị mất việc làm vì máy móc. Trong ngành sản xuất ghim kẹp, nếu máy móc chỉ khiến công nhân bị bị mất việc, chúng ta sẽ có tỷ lệ thất nghiệp 99,98%. Liệu mọi việc còn có thể tồi tệ hơn được nữa không?

Mọi việc có thể trở nên tồi tệ hơn, bởi Cách mạng công nghiệp lúc đó mới ở thời kỳ bắt đầu. Chúng ta hãy cùng xem xét một số sự kiện và khía cạnh của cuộc cách mạng. Ví dụ như trong ngành dệt tất, các khung dệt mới khi được lắp đặt đã bị những người chuyên làm tất thủ công phá hỏng (1.000 chiếc khung dệt đã bị phá hủy trong một cuộc bạo loạn), nhà cửa bị đốt cháy, những người chế tạo ra máy dệt bị đe dọa và buộc phải trốn chạy để bảo toàn mạng sống. Trật tự chỉ được lập lại khi quân đội được gọi đến và những người cầm đầu bạo loạn bị treo cổ hoặc bị chuyển đi.

Chúng ta cần hiểu rằng khi những người biểu tình nghĩ về số phận của họ trong hiện tại và trong một tương lai gần, việc họ chống đối lại máy móc là điều dễ hiểu. Theo William Felkin, trong cuốn sách History of the Machine-Wrought Hosiery Manufacturers (Lịch sử của những người sản xuất tất bằng máy) (1867) (tuy một số số liệu có vẻ không đáng tin), trong vòng 40 năm sau khi bắt đầu sử dụng máy dệt tất, phần lớn trong số 50.000 người đan tất và gia đình họ tại Anh đã phải sống trong cảnh đói nghèo. Thế nhưng, những người công nhân biểu tình đã sai khi họ cho rằng máy móc sẽ thay thế con người vĩnh viễn, bởi vì đến cuối thế kỷ 19, ngành dệt tất đã tăng lượng nhân công lên ít nhất là 100 lần so với hồi đầu thế kỷ.

Arkwright sáng chế ra máy quay sợi vào năm 1760. Vào thời điểm đó, người ta ước tính rằng ở Anh có khoảng 5.200 người quay sợi dùng bàn quay thô sơ và 2.700 người dệt vải - tổng cộng là 7.900 người tham gia vào ngành sản xuất vải bông. Việc áp dụng sáng chế của Arkwright bị phản đối vì những nhân công này e sợ họ sẽ bị mất việc làm, và chính phủ đã phải dùng đến sức mạnh để dẹp cuộc biểu tình. Thế nhưng đến năm 1787, 27 năm sau đó, một cuộc điều tra của Nghị viện đã cho thấy số lao động trong ngành quay và dệt sợi bông đã tăng 4.400%, từ 7.900 lên đến 320.000.

Nếu bạn tham khảo những cuốn sách như Recent Economic Changes (Những thay đổi kinh tế gần đây) của David A. Wells, xuất bản vào năm 1889, bạn sẽ thấy những đoạn mà, ngoại trừ những con số và ngày tháng cụ thể, có tư tưởng rất giống những người phản đối việc sử dụng máy móc của thời đại ngày nay. Tôi xin được đưa ra một vài trích dẫn:

Trong vòng 10 năm từ năm 1870 đến năm 1880, ngành chuyên chở hàng hóa đường biển của Anh đã tăng tổng lượng hàng cập cảng từ nước ngoài và thông cảng lên 22 triệu tấn… nhưng số lượng người lao động trong ngành này tính đến năm 1880 lại giảm khoảng 3.000 người (chính xác là 2.990) so với năm 1870. Điều gì đã dẫn đến hiện tượng này? Đó chính là việc sử dụng các máy tời với động cơ hơi nước và các đường chuyền chuyển thóc lúa từ tàu lên cảng, việc sử dụng năng lượng của động cơ hơi nước, v.v…

Vào năm 1873, thép Bessemer tại Anh, khi giá của nó chưa tăng lên do các loại thuế bảo hộ, có giá $80 một tấn. Đến năm 1886, công ty vẫn sản xuất và bán tại cùng một thị trường ở mức giá thấp hơn $20 một tấn mà vẫn có lợi nhuận. Cũng trong khoảng thời gian này, tổng sản lượng thép hàng năm của một máy luyện thép Bessemer đã tăng 4 lần, thế nhưng số lao động được sử dụng không hề tăng, thậm chí còn giảm.

Lượng năng lượng cung cấp bởi các động cơ hơi nước đang tồn tại và hoạt động vào năm 1887 được Phòng Thống Kê ở Berlin ước tính là tương đương với 200 triệu mã lực, đại diện cho khoảng 1 tỷ người, hay ít nhất là gấp ba lần lực lượng lao động hiện có của toàn thế giới.

Con số cuối cùng đáng lẽ phải khiến ông Wells dừng lại và suy nghĩ tại sao đến năm 1889, trên thế giới vẫn còn có người có việc làm; song ông ta chỉ đơn giản kết luận một cách bi quan rằng “trong tình hình này, sự sản xuất thừa trong các ngành công nghiệp … có thể trở nên mãn tính”.

Trong cuộc khủng hoảng năm 1932, xu hướng đổ lỗi gây nạn thất nghiệp cho máy móc lại bùng phát. Trong vòng vài tháng, luận chứng của những người theo tư tưởng Kỹ trị (Technocracy) đã lan khắp quốc gia như một đám cháy rừng. Tôi sẽ không làm các bạn mệt mỏi bằng cách nhắc lại những luận điểm có vẻ tuyệt vời của những người này hay chỉ ra các sai lầm của họ để giúp các bạn thấy được bản chất của vấn đề. Ta chỉ cần nói rằng những người Kỹ trị đã quay trở lại với quan điểm cũ kỹ và ngây ngô rằng máy móc sẽ vĩnh viễn thay thế con người. Song điều khác biệt là, với sự kiêu ngạo của mình, những người này cho rằng đây là một luận chứng mới mẻ, mang tính đột phá mà họ phát hiện ra. Đây lại là một ví dụ minh họa nữa cho cách ngôn của Santayana, rằng những người không nhớ quá khứ sớm hay muộn cũng sẽ lặp lại nó.

Những người Kỹ trị cuối cùng cũng trở thành một trò cười cho thiên hạ, nhưng những điều họ tin, những điều đã có từ trước họ, tiếp tục tồn tại. Nó được thể hiện trong hàng trăm điều luật nhằm tạo ra việc làm và cách các công đoàn gây sức ép bắt doanh nghiệp phải thuê nhiều hơn số lao động cần thiết. Các điều luật và thông lệ này được chấp nhận hay thậm chí ủng hộ bởi công chúng không hiểu rõ mấu chốt vấn đề ở đây.

Khi đại diện cho Ủy ban công lý Mỹ báo cáo trước Hội đồng kinh tế quốc gia lâm thời (thường được gọi là TNEC: Temporary National Economic Committee) vào tháng ba năm 1941, Corwin Edwards đã chỉ ra rất nhiều ví dụ minh họa cho những chính sách kiểu này của công đoàn. Công đoàn của thợ điện thành phố New York đã bị cáo buộc về việc không chịu lắp đặt các thiết bị điện được sản xuất ở ngoài New York trừ phi những thiết bị đó được tháo ra và lắp lại tại nơi lắp đặt. Tại Houston, Texas, những người đầu ngành trong ngành lắp ống nước và công đoàn của thợ lắp ống nước đã thỏa thuận rằng các đường ống được sản xuất để lắp đặt sẽ chỉ được công đoàn lắp đặt nếu một đầu được tạo ren trước và một đầu phải được tạo ren tại công trường. Nhiều nhóm trong công đoàn của thợ sơn cấm sử dụng bình sơn xịt. Điều luật này trong nhiều trường hợp chỉ nhằm tạo ra thêm việc làm thông qua quy trình sơn bằng chổi mất nhiều thời gian và công sức hơn. Một nhóm trong công đoàn của lái xe tải yêu cầu rằng mọi xe tải đi vào khu trung tâm New York phải có một lái xe địa phương bên cạnh tài xế sẵn có trên xe. Tại nhiều thành phố, công đoàn của thợ điện yêu cầu rằng nếu có bất kỳ một hoạt động thắp sáng hay sử dụng năng lượng nào trên công trường, chủ công trình sẽ phải thuê một nhân viên bảo trì điện làm việc trọn thời gian, và người này sẽ không được phép làm bất kỳ một công việc lắp đặt điện nào. Điều luật này theo ông Edwards, “thường dẫn đến việc thuê một người ngày chỉ đọc báo hoặc chơi bài; công việc duy nhất của người đó là bật công tắc điện vào buổi sáng và tắt công tắc điện vào buổi tối”.

Chúng ta không thể kể hết các điều luật nhằm tạo việc làm như thế trong các ngành khác nhau. Trong ngành đường sắt, các công đoàn đòi hỏi phải có lính cứu hỏa trên cả những loại đầu máy xe lửa không cần lính cứu hỏa. Các công đoàn của nhà hát đòi hỏi phải có người kéo màn, ngay cả khi vở kịch đó không cần phông cảnh. Công đoàn của các nhạc sĩ yêu cầu phải có nhạc sĩ dự phòng, hoặc đôi khi là cả một dàn nhạc dự phòng, ngay cả trong trường hợp chỉ dùng đĩa nhạc đã thu sẵn.

Cho đến năm 1961, vẫn không có dấu hiệu nào chứng tỏ luận chứng sai lầm này đã biến mất. Không chỉ những người lãnh đạo công đoàn mà cả các nhân viên chính phủ cũng tuyên bố rằng “tự động hóa” là nguyên nhân chính của sự thất nghiệp. Họ nói về tự động hóa như thể nó là một thứ mới xuất hiện trên thế giới. Thực ra, nó chỉ là một cái tên mới cho sự phát triển khoa học kỹ thuật và các tiến bộ khác trong các trang thiết bị nhằm tiết kiệm sức lao động của con người.

Song thậm chí cả ngày nay, không chỉ những người không biết gì về kinh tế học mới phản đối việc sử dụng các máy móc giúp tiết kiệm sức lao động. Vào năm 1970, một cuốn sách đã được viết bởi một tác giả nổi tiếng, người sau đó đã được nhận giải Nobel trong kinh tế học. Trong cuốn sách của mình, ông phản đối việc sử dụng máy móc thiết bị tiết kiệm sức lao động ở những nước kém phát triển bởi chúng sẽ “làm giảm nhu cầu về lao động”. Theo logic này, ta có thể nói rằng cách để tăng tối đa lượng việc làm là giảm tối đa năng suất và hiệu suất lao động. Nó ám chỉ rằng những người tham gia vào cuộc bạo loạn vào đầu thế kỷ 19 ở Anh đã đúng khi họ phá hoại máy dệt, khung cửi chạy bằng động cơ hơi nước và máy xén lông cừu.

Chúng ta có thể đưa ra hàng núi dữ liệu để chứng tỏ rằng những người phản đối việc sử dụng máy móc trong quá khứ đã sai lầm như thế nào. Song điều đó sẽ là vô ích cho đến chừng nào chúng ta hiểu được một cách rõ ràng tại sao họ sai, bởi số liệu thống kê hay lịch sử đều là vô ích trong kinh tế học trừ khi chúng được hiểu một cách diễn dịch – có nghĩa là trong trường hợp này, ta phải hiểu được tại sao những hậu quả trong quá khứ của việc sử dụng máy móc và các trang thiết bị tiết kiệm sức lao động khác đã phải xảy ra. Nếu không, những người phản đối việc sử dụng máy móc sẽ khẳng định rằng (như họ trên thực tế đã khẳng định khi chúng ta chỉ cho họ thấy điều dự đoán của những bậc tiền bối của họ đều không trở thành sự thực): “Những điều đó có thể đã đúng trước đây, song hiện giờ tình hình đã trở nên rất khác biệt, và chúng ta không thể nào cứ tiếp tục sản xuất các máy móc tiết kiệm sức lao động được nữa”. Bà Eleanor Roosevelt, trong một bài báo được xuất bản vào ngày 19 tháng chín năm 1945, đã viết: “Chúng ta đã tới thời điểm mà tại đó, các thiết bị tiết kiệm sức lao động chỉ có giá trị khi chúng không khiến người lao động mất việc làm”.

(còn nữa)

Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 7
 

Dịch giả:
Phạm Việt Anh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh