[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VIII: Không Phải Trên Lãnh Địa Của Chúng Ta - Các Rào Cản Phát Triển (Phần 3)
BẾ QUAN TỎA CẢNG
Chủ nghĩa chuyên chế không chỉ thống trị phần lớn châu Âu mà cả ở châu Á, và tương tự như thế, cũng cản trở công nghiệp hóa vào thời điểm quyết định hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp. Triều đại nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc cũng như chủ nghĩa chuyên chế ở Đế chế Ottoman minh họa cho mô thức này. Dưới thời nhà Tống từ năm 960 đến 1279, Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong nhiều phát minh công nghệ. Người Trung Quốc phát minh ra đồng hồ, la bàn, thuốc súng, giấy và tiền giấy, gốm sứ và lò cao để đúc sắt trước người châu Âu. Họ độc lập phát triển guồng xe sợi và sức nước gần như cùng một lúc với phía bên kia của lục địa Á-Âu. Vì thế, năm 1500, mức sống ở Trung Quốc ít ra cũng cao ngang ngửa với châu Âu. Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc cũng có một nhà nước tập quyền với công chức dân chính được tuyển dụng dựa vào nhân tài.
Thế nhưng Trung Quốc theo chủ nghĩa chuyên chế, và sự tăng trưởng dưới triều đại nhà Tống là sự tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt. Không có sự đại diện chính trị cho các thành phần khác trong xã hội ngoài triều đình và không có tổ chức nào tương tự như Quốc hội Anh hay Quốc hội Tây Ban Nha. Giới thương nhân luôn luôn có thân phận mỏng manh ở Trung Quốc, và các phát minh vĩ đại dưới thời nhà Tống không được thúc đẩy bởi động cơ thị trường mà được hình thành dưới sự bảo trợ hay mệnh lệnh của nhà nước. Gần như không có phát minh nào được thương mại hóa. Sau triều đại nhà Tống, sự kiểm soát của nhà nước càng được thắt chặt dưới thời nhà Minh và nhà Thanh. Nguyên nhân gốc rễ của điều này cũng là lôgic thông thường về các thể chế chiếm đoạt. Khi hầu hết những người cai trị chủ trương áp dụng các thể chế chiếm đoạt, các hoàng đế chuyên chế của Trung Quốc chống đối sự thay đổi, mong muốn ổn định, và thực chất là lo sợ sự phá hủy sáng tạo.
Điều này được minh họa rõ rệt nhất qua lịch sử thương mại quốc tế. Như ta đã thấy, việc khám phá ra châu Mỹ và cách thức tổ chức thương mại quốc tế đóng vai trò then chốt trong sự xung đột chính trị và sự thay đổi thể chế của châu Âu thời tiền hiện đại. Ở Trung Quốc, trong khi các thương nhân chủ yếu tham gia vào hoạt động thương mại nội địa thì nhà nước độc quyền hóa thương mại hải ngoại. Triều đại nhà Minh bắt đầu từ năm 1368 và vị hoàng đế đầu tiên là Minh Thái Tổ (Hồng Vũ hoàng đế) trị vì trong 30 năm. Hồng Vũ lo sợ rằng thương mại hải ngoại sẽ gây bất ổn về mặt chính trị và xã hội, nên ông chỉ cho phép hoạt động thương mại quốc tế do nhà nước tổ chức, và chỉ liên quan đến lễ vật triều cống, chứ không phải hoạt động thương mại. Hồng Vũ thậm chí còn hành quyết hàng trăm người bị buộc tội là cố gắng biến hóa sứ mệnh triều cống thành các thương vụ. Từ năm 1377 đến 1397, sứ mệnh triều cống qua đại dương bị cấm. Ông cấm các cá nhân không được giao thương với người nước ngoài và không cho phép người Trung Quốc đi ra hải ngoại.
Năm 1402, Hoàng đế Vĩnh Lạc lên ngôi và bắt đầu một trong những thời kỳ nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc thông qua khởi động lại hoạt động ngoại thương do nhà nước bảo trợ trên quy mô lớn. Vĩnh Lạc bảo trợ cho đô đốc Trịnh Hòa thực hiện sáu chuyến hải trình vĩ đại đến Đông Nam và Nam Á, Ảrập và châu Phi. Người Trung Quốc biết về những địa phương này từ lịch sử quan hệ thương mại lâu đời, nhưng trước đây chưa từng có hoạt động nào xảy ra trên quy mô lớn đến thế. Đoàn tàu đầu tiên bao gồm 27.800 người và 62 tàu châu báu lớn, cùng với 190 tàu nhỏ hơn, bao gồm một tàu chuyên dụng chở nước ngọt, các tàu khác chở hàng dự trữ, và các tàu khác chở binh lính. Thế nhưng Hoàng đế Vĩnh Lạc tạm dừng hoạt động này sau chuyến hải hành thứ sáu vào năm 1422. Người kế vị ông, Hoàng đế Hồng Hy trị vì từ năm 1424 đến 1425 đã chấm dứt hẳn những chuyến đi này. Hồng Hy sớm băng hà và Hoàng đế Tuyên Đức lên nối ngôi, thoạt đầu cho phép Trịnh Hòa thực hiện chuyến đi cuối cùng vào năm 1433. Nhưng sau đó, toàn bộ hoạt động thương mại hải ngoại bị cấm. Đến năm 1436, việc tổ chức các chuyến viễn dương thậm chí còn bị xem là bất hợp pháp. Chủ trương bế quan tỏa cảng được duy trì cho đến năm 1567.
Những sự kiện này, dù chỉ là phần nổi của tảng băng thể chế có tính chiếm đoạt ngăn chặn nhiều hoạt động kinh tế bị cho là có tiềm năng gây bất ổn, đã có những tác động cơ bản đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Ngay vào lúc hoạt động thương mại quốc tế và việc khám phá ra châu Mỹ giúp chuyển đổi thể chế ở Anh một cách cơ bản, Trung Quốc tự cách ly với thời điểm quyết định này và chuyển sang hướng nội. Sự hướng nội này kéo dài đến năm 1567. Năm 1644, người Nữ Chân (Jurchen) ở vùng Mãn Châu sâu trong lục địa châu Á lật đổ nhà Minh và lập ra nhà Thanh. Tiếp theo đó là một thời kỳ bất ổn chính trị sâu sắc. Nhà Thanh ồ ạt tước đoạt tài sản và truất quyền sở hữu. Vào thập niên 1690, Đường Trần, một thương nhân thất bại và cũng là một học giả Trung Quốc về hưu từng viết:
Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ lúc thành lập nhà Thanh, và đế chế mỗi ngày một nghèo hơn. Nhà nông nghèo khổ, thợ thủ công cơ cực, thương nhân túng bấn, và viên chức cùng quẫn. Lúa gạo rẻ nhưng khó ăn cho đủ no. Vải vóc rẻ nhưng khó mặc cho đủ ấm. Tàu bè chất đầy hàng hóa đi từ chợ này đến chợ khác nhưng phải chịu bán lỗ. Viên chức rời nhiệm sở nhận ra rằng họ không có đủ tiền để cấp dưỡng cho gia đình. Quả thật cả bốn nghề, sĩ nông công thương, đều bần cùng.
Năm 1661, Hoàng đế Khang Hy ra lệnh toàn thể dân chúng sống dọc theo bờ biển từ Việt Nam đến Chiết Giang - thực chất là toàn bộ vùng ven biển phía nam một thời có hoạt động thương mại sôi động nhất Trung Quốc - phải dời sâu vào đất liền 17 dặm. Bờ biển được các binh lính đi tuần hành để thực thi quy định, và lệnh cấm vận chuyển tàu thủy mọi nơi dọc bờ biển được áp dụng mãi đến năm 1693. Lệnh cấm này được tái ban hành thường xuyên vào thế kỷ 18, thực chất là để cản trở sự phát triển thương mại hải ngoại Trung Quốc. Mặc dù cũng có một vài hoạt động phát triển, gần như không ai sẵn lòng đầu tư khi nhà vua có thể đột ngột thay đổi ý kiến và ra lệnh cấm hoạt động thương mại, làm cho việc đầu tư vào tàu bè, thiết bị và các quan hệ thương mại trở nên mất giá trị hay thậm chí còn tồi tệ hơn thế.
Lập luận chống đối thương mại quốc tế của vua quan nhà Minh và nhà Thanh giờ đây đã trở nên quen thuộc: nỗi lo sợ sự phá hủy sáng tạo. Mục đích chính của các nhà lãnh đạo là ổn định chính trị. Thương mại quốc tế có tiềm năng gây bất ổn khi các thương nhân trở nên giàu có và táo bạo hơn, như ở Anh thời kỳ mở mang thương mại Đại Tây Dương. Đây không chỉ là những gì vua quan nhà Minh và nhà Thanh tin tưởng, mà còn là thái độ của những người cai trị dưới triều nhà Tống, ngay cả khi họ sẵn lòng bảo trợ đổi mới công nghệ và cho phép tự do thương mại nhiều hơn, miễn là điều này diễn ra dưới sự kiểm soát của họ. Sự việc trở nên xấu đi dưới triều nhà Minh và nhà Thanh khi triều đình thắt chặt kiểm soát hoạt động kinh tế và cấm giao thương hải ngoại. Chắc chắn có thị trường và thương mại ở Trung Quốc dưới thời nhà Minh và nhà Thanh, và nhà nước đánh thuế nền kinh tế nội địa khá nhẹ. Tuy nhiên, triều đình không ủng hộ phát minh đổi mới, và đánh đổi sự phát triển thương mại hay thịnh vượng công nghiệp để lấy sự ổn định chính trị. Người ta có thể dự đoán được hậu quả của sự kiểm soát kinh tế chuyên chế này: nền kinh tế Trung Quốc đình trệ suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 trong khi các nền kinh tế khác đang công nghiệp hóa. Đến lúc Mao Trạch Đông thiết lập chế độ cộng sản vào năm 1949, Trung Quốc đã trở thành một trong những nước nghèo nhất trên thế giới.
CHỦ NGHĨA CHUYÊN CHẾ CỦA PRESTER JOHN
Chủ nghĩa chuyên chế như một hệ thống thể chế chính trị và các hệ quả kinh tế hình thành từ đó không chỉ hạn chế trong phạm vi châu Á và châu Âu. Nó cũng hiện diện ở châu Phi, chẳng hạn như ở Vương quốc Kongo, như chúng ta đã thấy trong chương 2. Và một ví dụ về chủ nghĩa chuyên chế châu Phi tồn tại trong một thời gian dài hơn là Ethiopia hay Abyssinia, mà ta đã xem xét nguồn gốc của nó trong chương 6 khi thảo luận về sự ra đời của chủ nghĩa phong kiến sau khi Vương quốc Aksum suy tàn. Chủ nghĩa chuyên chế Abyssinia thậm chí còn tồn tại lâu hơn so với chủ nghĩa chuyên chế châu Âu, vì nó đứng trước những thách thức và thời điểm quyết định rất khác.
Sau khi vua Aksum Ezana cải đạo sang Thiên chúa giáo, người Ethiopia vẫn theo đạo Thiên chúa, và đến thế kỷ 14, họ trở thành trọng tâm của huyền thoại về Vua Prester John. Prester John là một vị vua Thiên chúa giáo bị chia cắt với châu Âu bởi sự vươn lên của thế giới Hồi giáo ở Trung Đông. Thoạt đầu, người ta tưởng rằng vương quốc của ông tọa lạc ở Ấn Độ. Tuy nhiên, khi người châu Âu hiểu biết nhiều hơn về Ấn Độ, họ nhận thấy điều này không đúng. Từ khi trở thành tín đồ Thiên chúa giáo, vị hoàng đế Ethiopia trở thành mục tiêu tự nhiên của truyền thuyết. Trên thực tế, các vị vua Ethiopia cố gắng hết sức để thành lập liên minh với các vương triều châu Âu chống lại sự xâm lăng của Ảrập; họ gửi các đoàn ngoại giao đến châu Âu ít nhất từ năm 1300 trở đi, thậm chí còn thuyết phục vua Bồ Đào Nha gửi binh lính đến nước họ.
Các binh lính này, cùng với các nhà ngoại giao, các giáo sĩ Dòng Tên, và khách lữ hành mong muốn diện kiến Prester John đã để lại nhiều tài liệu mô tả về Ethiopia. Một trong những tài liệu thú vị nhất nhìn từ góc độ kinh tế là của Francisco Álvares, vị giáo sĩ đi cùng một phái đoàn ngoại giao Bồ Đào Nha và lưu lại Ethiopia từ năm 1520 đến 1527. Ngoài ra còn có các tài liệu của giáo sĩ Dòng Tên Manoel de Alameida sống ở Ethiopia từ năm 1624, và của John Bruce, một khách lữ hành dừng chân ở Ethiopia từ năm 1768 đến 1773. Tài liệu của những người này đã mô tả hết sức phong phú về các thể chế chính trị và kinh tế lúc bấy giờ ở Ethiopia và cho thấy rõ ràng Ethiopia là một điển hình hoàn hảo về chủ nghĩa chuyên chế. Không có các thể chế đa nguyên thuộc bất kỳ loại nào, mà cũng chẳng có sự kiểm soát và giới hạn đối với quyền lực của nhà vua, người có quyền cai trị trên cơ sở là dòng dõi của Vua Solomon và Nữ hoàng Sheba huyền thoại.
Hệ quả của chủ nghĩa chuyên chế là các quyền sở hữu không được bảo đảm và chịu ảnh hưởng của chiến lược chính trị của hoàng đế. Ví dụ như ghi chép của Bruce:
Toàn bộ đất đai là của nhà vua; ông cấp đất cho những người ông ưng ý vào những lúc vui, và thu hồi khi nào ông muốn. Ngay sau khi vua băng hà, toàn bộ đất đai trong vương quốc sẽ tùy ý sử dụng của triều đình; chẳng những thế, khi chủ sở hữu hiện thời qua đời thì bất kể họ đã sử dụng tài sản trong bao lâu cũng đều trả về cho nhà vua chứ không được để lại cho người con trai cả.
Álvares cho rằng “giá như những người cai trị không đối xử tệ bạc với dân chúng thì sẽ có nhiều đất trồng trọt và hoa lợi hơn”. Mô tả của Almeida về cách thức vận hành xã hội cũng rất nhất quán với nhận định đó. Ông quan sát:
Việc nhà vua đổi chác, thay đổi và thu hồi đất đai của dân chúng sau hai hay ba năm một lần là chuyện thường tình, có khi còn xảy ra mỗi năm và thậm chí nhiều lần trong một năm, đến mức không ai còn cảm thấy ngạc nhiên. Thường thì người này cày bừa đất, người khác gieo hạt và lại một người khác nữa gặt hái. Vì thế, không ai chăm sóc đất đai mà họ được hưởng; thậm chí không ai trồng cây vì họ biết người trồng cây hiếm khi được hái quả. Tuy nhiên, nhà vua sẽ có lợi nếu dân chúng phụ thuộc vào ông đến thế.
Những mô tả này cho thấy sự tương đồng giữa các cơ cấu chính trị và kinh tế ở Ethiopia và chủ nghĩa chuyên chế ở châu Âu, mặc dù chúng cũng cho thấy rõ ràng là chủ nghĩa chuyên chế ở Ethiopia còn mãnh liệt hơn và các thể chế kinh tế thậm chí còn có tính chiếm đoạt nhiều hơn. Ngoài ra, như chúng ta đã nhấn mạnh trong chương 6, Ethiopia không có cùng những thời điểm quyết định làm cho chế độ chuyên chế bị xói mòn như ở Anh. Ethiopia bị cách biệt với nhiều quá trình định hình thế giới hiện đại. Thậm chí nếu không phải như thế, thì cường độ của chủ nghĩa chuyên chế ở đó cũng làm cho chủ nghĩa chuyên chế ngày càng được củng cố. Ví dụ, cũng giống như Tây Ban Nha, hoạt động thương mại quốc tế ở Ethiopia, bao gồm việc mua bán nô lệ béo bở, đều do triều đình kiểm soát. Ethiopia không hoàn toàn biệt lập: người châu Âu đã đi tìm huyền thoại Prester John, và Ethiopia đã phải đấu tranh chống lại các chính thể Hồi giáo vây quanh. Tuy nhiên, sử gia Edward Gibbon nhận định khá chính xác rằng: “Bị bao vây mọi phía bởi kẻ thù tôn giáo, người Ethiopia đã ngủ quên suốt một nghìn năm, quên mất thế giới bên ngoài và thế giới đó cũng lãng quên họ”.
Khi người châu Âu bắt đầu công cuộc thực dân hóa châu Phi vào thế kỷ 19, Ethiopia là một vương quốc độc lập dưới sự lãnh đạo của công tước Ras Kassa, người được tôn làm Hoàng đế Tewodros II vào năm 1855. Tewodros bước vào chiến dịch hiện đại hóa nhà nước, xây dựng một bộ máy nhà nước tập quyền, hệ thống tòa án và lực lượng quân đội có khả năng kiểm soát đất nước và chiến đấu chống lại người châu Âu. Ông giao cho các thống soái quân đội phụ trách tất cả các tỉnh thành, và những người này chịu trách nhiệm thu thuế rồi chuyển giao lại cho ông. Các cuộc đàm phán của ông với các cường quốc châu Âu diễn ra không thuận lợi, và trong cơn bực tức, ông đã bắt giam lãnh sự Anh. Năm 1868, người Anh cử một lực lượng viễn chinh tấn công và đánh bại kinh đô Ethiopia. Tewodros tự sát.
Dù sao đi nữa, nhà nước tái thiết của Tewodros cũng đã xoay sở đạt được một trong những thắng lợi vĩ đại chống thực dân vào thế kỷ 19 đối với người Ý. Năm 1889, Menelik II lên ngôi vua và ngay lập tức phải đương đầu với tham vọng của người Ý trong việc thiết lập thuộc địa ở đó. Trước đó, năm 1885, thủ tướng Đức Bismarck triệu tập một hội nghị ở Berlin qua đó các cường quốc châu Âu ngấm ngầm dự định “cướp bóc châu Phi” - nghĩa là họ quyết định làm thế nào để chia cắt châu Phi thành các vùng lợi ích khác nhau. Trong cuộc hội nghị, Ý giành quyền đối với các thuộc địa ở Eritrea, dọc theo bờ biển Ethiopia và Somalia. Ethiopia, mặc dù không có đại diện trong hội nghị, bằng cách nào đó cũng đã xoay sở để không bị động đến. Nhưng người Ý vẫn giữ nguyên dự định, và vào năm 1896, họ đưa quân tiến vào phía nam Eritrea. Phản ứng của Menelik cũng tương tự như một hoàng đế châu Âu thời Trung cổ; ông thành lập quân đội bằng cách kêu gọi giới quý tộc tập trung nhân lực có vũ trang của họ. Phương pháp này không thể đưa quân ra chiến trường trong một thời gian dài, nhưng có thể tập hợp được một lực lượng đông đảo trong một thời gian ngắn, đủ để đánh bại người Ý, và 15 nghìn quân Ý đã bị đè bẹp bởi 100 nghìn người của Menelik trong cuộc chiến Adowa năm 1896. Đó là thất bại quân sự nghiêm trọng nhất mà một đất nước châu Phi tiền thuộc địa có thể giáng cho một cường quốc châu Âu, và giúp bảo toàn nền độc lập của Ethiopia thêm 40 năm nữa.
Vị hoàng đế cuối cùng của Ethiopia, Ras Tafari, lên ngôi với niên hiệu Haile Selassie vào năm 1930. Haile Selassie cai trị cho đến khi ông bị hạ bệ trong đợt xâm lăng lần thứ hai của người Ý bắt đầu vào năm 1935, nhưng ông trở về từ cuộc lưu đày với sự giúp đỡ của người Anh vào năm 1941. Sau đó ông cai trị cho đến khi bị lật đổ trong một vụ đảo chính năm 1974 được tổ chức bởi “Ủy ban”, một nhóm sĩ quan quân đội có tư tưởng Marxist, nhưng ủy ban này sau đó còn bần cùng hóa và tàn phá đất nước nhiều hơn nữa. Những thể chế kinh tế chiếm đoạt cơ bản của đế chế Ethiopia chuyên chế, như gult (người được phong thái ấp, xem chương 6), và chủ nghĩa phong kiến từng hình thành sau khi vương quốc Aksum suy tàn vẫn kéo dài cho đến khi bị xóa bỏ trong cuộc cách mạng năm 1974.
Ngày nay Ethiopia là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Thu nhập bình quân của một người dân Ethiopia vào khoảng 1/40 thu nhập bình quân của một người Anh. Phần lớn dân chúng sống ở các vùng nông thôn và hoạt động nông nghiệp ở mức tối thiểu. Họ thiếu nước sạch, điện, trường học hay chăm sóc y tế thỏa đáng. Tuổi thọ vào khoảng 55 tuổi và chỉ khoảng 1/3 người trưởng thành biết chữ. Việc so sánh giữa nước Anh và Ethiopia chỉ làm mở rộng thêm sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới. Lý do khiến Ethiopia ngày nay trở nên như thế là vì, không như nước Anh, ở Ethiopia, chủ nghĩa chuyên chế tồn tại dai dẳng mãi cho đến thời gian gần đây. Cùng với chủ nghĩa chuyên chế là các thể chế kinh tế chiếm đoạt và tình trạng đói nghèo của quần chúng nhân dân Ethiopia, mặc dù các hoàng đế và giới quý tộc cận thần hưởng lợi to lớn. Nhưng ý nghĩa lâu dài nhất của chủ nghĩa chuyên chế là xã hội Ethiopia không thể tranh thủ lợi thế của các cơ hội công nghiệp hóa vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 nên đã dẫn đến cảnh đói nghèo cùng khổ của dân chúng ngày nay.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)