Tác hại của máy móc (Phần 2)
Nếu thực sự việc sử dụng các máy móc tiết kiệm sức lao động là nguyên nhân gây ra nạn thất nghiệp gia tăng, kết luận logic rút ra từ điều này sẽ mang tính đột phá không chỉ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật hay kinh tế mà trong toàn bộ tư tưởng hệ của chúng ta về nền văn minh nhân loại. Chúng ta sẽ phải coi tất cả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong tương lai cũng như trong quá khứ, là các thảm họa. Hàng ngày, mỗi chúng ta đều cố gắng giảm bớt lượng công sức phải bỏ ra để đạt được một kết quả nào đó; mỗi chúng ta đều cố gắng tiết kiệm sức lao động và các phương tiện cần thiết để đạt được một mục đích nào đó. Mọi chủ doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều luôn cố gắng để thu được những thành quả mong muốn một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn, nghĩa là thông qua việc tiết kiệm lao động. Mỗi người lao động biết tư duy đều cố gắng giảm thiểu lượng công sức cần thiết để hoàn thành công việc được giao. Những người nhiều tham vọng nhất trong chúng ta nỗ lực không mệt mỏi nhằm tăng lượng thành quả công việc trong cùng một lượng thời gian. Những người phản đối việc sử dụng máy móc, nếu tuân theo logic của chính họ, sẽ phải coi tất cả những tiến bộ và sáng tạo này là vô nghĩa, hay thậm chí là tai hại. Tại sao ta phải chuyên chở hàng hóa từ Chicago đến New York bằng xe lửa nếu ta có thể tạo việc làm cho một lượng lao động lớn hơn bằng cách thuê họ vác đồ từ Chicago đến New York?
Các giả thuyết sai lầm kiểu này luôn thiếu tính logic, song chúng sẽ tiếp tục gây nhiều tổn hại chừng nào còn có người tin vào chúng. Vì vậy, ta phải tìm hiểu rõ ràng điều xảy ra khi các tiến bộ kỹ thuật và máy móc tiết kiệm sức lao động được áp dụng. Các chi tiết cụ thể sẽ thay đổi trong từng trường hợp, tùy thuộc vào điều kiện của từng ngành sản xuất tại từng thời điểm, song ví dụ minh họa ta đưa ra sau đây sẽ bao gồm các khả năng chính.
Giả sử một người sản xuất đồ may mặc nghe nói về một chiếc máy sản xuất áo khoác nam và nữ chỉ yêu cầu một nửa số lao động như trước đây. Ông ta quyết định lắp đặt chiếc máy và sa thải một nửa số lao động của mình.
Thoạt nhìn qua, ta sẽ nghĩ chiếc máy đã làm mất đi một lượng việc làm. Song việc sản xuất ra chiếc máy sẽ đòi hỏi lao động. Đây là yếu tố bù đắp đầu tiên: những việc làm mà nếu không có chiếc máy này sẽ không được tạo ra. Tuy nhiên, nhà sản xuất sẽ chỉ sử dụng chiếc máy nếu nó có thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao hơn mà chỉ đòi hỏi một nửa lượng lao động, hoặc có thể sản xuất ra những sản phẩm có cùng chất lượng với chi phí thấp hơn. Trong tình huống thứ hai, lượng lao động cần để tạo ra chiếc máy có thể nhỏ hơn (tính theo tổng lương) so với với lượng lao động mà nhà sản xuất muốn tiết kiệm về lâu dài khi sử dụng chiếc máy. Nếu không, nhà sản xuất sẽ không có lợi ích gì về kinh tế và sẽ không chọn sử dụng chiếc máy này.
Vậy là ta vẫn có một lượng việc làm bị mất đi cần được bù đắp. Song ta phải nhớ rằng tác động ban đầu của việc sử dụng chiếc máy có thể là tăng lượng việc làm, bởi vì nhà sản xuất thường biết rằng sau một thời gian nhất định mới bắt đầu tiết kiệm được tiền nhờ chiếc máy. Có thể phải sau một vài năm chiếc máy mới có thể hoàn vốn và tự bù đắp chi phí.
Sau khi chiếc máy đã tạo ra đủ lợi ích kinh tế để bù đắp lại chi phí của nó, nhà sản xuất sẽ có nhiều lợi nhuận hơn trước. (Chúng ta giả định rằng nhà sản xuất bán cùng giá với các đối thủ cạnh tranh và không muốn bán với giá thấp hơn). Ở thời điểm này, dường như chỉ có nhà sản xuất, người sở hữu công cụ lao động, là được lợi, còn người lao động thì mất việc làm. Nhưng chính từ các nguồn lợi nhuận được tăng thêm này, các lợi ích khác cho xã hội sẽ xuất hiện. Nhà sản xuất sẽ dùng khoản lợi nhuận tăng thêm theo một trong ba cách sau, hoặc có thể theo cả ba cách: (1) ông ta có thể quyết định dùng khoản lợi nhuận tăng thêm này để mở rộng sản xuất bằng cách mua thêm máy và tăng tổng sản lượng; hoặc (2) ông ta có thể đầu tư các khoản lợi nhuận tăng thêm này vào một ngành khác; hoặc (3) ông ta có thể dùng khoản lợi nhuận tăng thêm để phục vụ cho nhu cầu sử dụng của bản thân. Cho dù sử dụng cách nào, ông ta cũng sẽ giúp tăng lượng việc làm cho xã hội.
Nói cách khác, do những lợi ích kinh tế mà chiếc máy mang lại, nhà sản xuất có một lượng lợi nhuận tăng thêm mà trước đây ông ta không có. Lượng tiền mà ông ta tiết kiệm trực tiếp từ việc cắt giảm lao động sẽ được sử dụng để gián tiếp trả lương cho những người sản xuất máy, hay cho những người lao động trong một ngành khác mà ông quyết định đầu tư vào, hay cho những người xây nhà hoặc sản xuất xe hơi cho bản thân ông ta, hay cho những người làm đồ trang sức hoặc áo lông thú cho vợ ông ta. Trong bất kỳ trường hợp nào (trừ trường hợp ông ta chỉ tích lũy tiền bạc mà không đầu tư hoặc sử dụng nó), ông ta sẽ gián tiếp tạo ra một số lượng việc làm đủ bù đắp cho lượng việc làm ông ta đã trực tiếp cắt giảm.
Nhưng vấn đề không thể dừng tại đây. Nếu nhà sản xuất này thu được nhiều lợi ích kinh tế hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác, hoặc ông ta bắt đầu mở rộng hoạt động sản xuất của mình và khiến các đối thủ phải thu hẹp lại, hoặc họ cũng sẽ bắt đầu mua và sử dụng các máy móc tương tự,thêm nhiều việc làm nữa sẽ được tạo ra cho những người sản xuất máy. Song cạnh tranh và sản xuất hàng loạt sẽ làm giảm giá áo khoác, và lượng lợi nhuận cho những nhà sản xuất sử dụng thiết bị mới sẽ không còn được cao như trước. Lượng lợi nhuận cho những người sử dụng thiết bị mới bắt đầu giảm; còn những nhà sản xuất không sử dụng thiết bị mới có thể sẽ không còn lợi nhuận. Các lợi ích kinh tế, tại thời điểm này, sẽ bắt đầu được chuyển sang cho những người mua áo khoác - cho người tiêu dùng.
Nhưng vì áo khoác giảm giá, nhiều người mua áo khoác hơn. Điều này có nghĩa là tuy việc sản xuất áo khoác (tính trên cùng một sản lượng) đòi hỏi ít lao động hơn trước, hiện giờ lượng áo khoác đang được sản xuất đã tăng lên. Nếu nhu cầu áo khoác là “linh hoạt” theo cách gọi của các nhà kinh tế - nghĩa là nếu giá áo khoác giảm thì một lượng tiền lớn hơn so với trước sẽ được dùng để mua áo khoác - thì ngành sản xuất áo khoác sẽ có thể thuê thêm nhiều lao động hơn so với trước khi sử dụng máy móc mới. Chúng ta đã thấy điều này xảy ra trong quá khứ trong ngành sản xuất tất và các sản phẩm dệt may khác.
Nhưng sự tạo ra các công việc mới không chỉ phụ thuộc vào tính linh hoạt trong nhu cầu của loại sản phẩm đó. Giả sử rằng ngay cả khi giá áo khoác được giảm gần một nửa - từ $150 xuống còn $100, khách hàng vẫn không có nhu cầu mua thêm. Trong trường hợp này, khách hàng ngoài việc mua được một chiếc áo khoác còn được giữ lại $50 so với trước đây. Họ sẽ sử dụng $50 cho một việc khác, và sẽ tạo ra việc làm trong những ngành khác.
Nói tóm lại, máy móc mới, các tiến bộ về kỹ thuật, sự tự động hóa, các lợi ích kinh tế và tính năng suất không gây nên thất nghiệp khi xét trên tổng quan.
Tất nhiên, không phải mọi khám phá và phát minh đều nhằm mục đích tiết kiệm sức lao động. Một số khám phá và phát minh, như các thiết bị đo đạc với độ chính xác cao, nylon, ván ép, các loại chất dẻo, v.v… làm tăng chất lượng của các sản phẩm. Một số khám phá và phát minh khác, như điện thoại hay máy bay, thực hiện những chức năng mà lao động của con người không thể trực tiếp tạo ra. Một số khám phá và phát minh khác nữa tạo ra những thiết bị và dịch vụ không có trước đây, ví dụ như máy chụp X-quang, radio, tivi, máy điều hòa nhiệt độ, máy vi tính, v.v… Nhưng trong ví dụ minh họa trước, chúng ta đã nói đến đúng loại máy móc mà những người phản đối việc sử dụng máy móc thường lấy làm mục tiêu cho sự tấn công của mình.
Đôi khi, chúng ta cũng có thể đi quá xa với lý luận cho rằng máy móc, xét trên tổng quan, không gây ra thất nghiệp. Một số người nói rằng máy móc tạo ra nhiều việc làm hơn cho con người so với trước đây. Trong một số điều kiện nhất định, điều này có thể đúng. Chúng có thể tạo ra thêm rất nhiều công việc trong một số ngành nghề nhất định. Các con số thống kê cho ngành dệt may vào thế kỷ 18 có thể được xem là một ví dụ minh họa. Các số thống kê gần đây hơn cũng không kém phần ấn tượng. Vào năm 1910, 140.000 lao động đã được tuyển dụng ở Mỹ để làm việc trong ngành sản xuất xe hơi mới ra đời. Năm 1920, khi sản phẩm xe hơi được cải thiện và giá thành được giảm xuống, ngành sản xuất xe hơi đã thuê 250.000 lao động. Năm 1930, do sản phẩm tiếp tục được cải thiện và giảm giá, tổng số lao động được thuê tăng lên 380.000. Vào năm 1973 nó đã tăng lên 941.000. Cũng vào năm 1973, 514.000 lao động đã được thuê trong ngành sản xuất máy bay và linh kiện máy bay, và 393.000 lao động làm việc trong ngành sản xuất linh kiện điện tử. Số lượng lao động được tuyển không ngừng tăng trong các ngành sản xuất mới khi chúng lần lượt ra đời, song song với quá trình cải tiến sản phẩm và giảm giá thành.
Trong một khía cạnh nhất định khác, ta cũng có thể nói máy móc đã tạo ra rất nhiều việc làm. Dân số của thế giới ngày nay lớn gấp 4 lần dân số thế giới vào giữa thế kỷ 18, trước khi Cách mạng công nghiệp bắt đầu. Ta có thể nói máy móc đã góp phần tạo nên lượng dân số tăng lên, bởi nếu không nhờ các máy móc và thiết bị mới, chúng ta sẽ không nuôi sống nổi lượng dân số khổng lồ này. Vì thế, ta có thể nói rằng cứ 4 người trong chúng ta thì có đến 3 người có được không chỉ việc làm mà cả cuộc sống của mình nhờ máy móc.
Nhưng chúng ta sẽ sai lầm nếu cho rằng chức năng chủ yếu của máy móc là tạo việc làm. Tác động thực của máy móc là tăng sản xuất, là nâng cao mức sống của con người, là cải thiện sức khỏe của nền kinh tế. Không khó gì để mọi người đều có việc làm, ngay cả (hay đặc biệt là) trong những nền kinh tế lạc hậu. Tỷ lệ thất nghiệp bằng không – khi tất cả mọi người đều làm việc, những công việc nặng nhọc vất vả, là đặc điểm của các quốc gia có nền công nghiệp què quặt nhất. Trong hoàn cảnh này, khi mọi người đều làm việc, máy móc, khám phá, phát minh mới không thể tạo ra thêm việc làm, cho tới chừng nào lực lượng lao động được tăng lên thông qua sự tăng dân số. Máy móc có thể dẫn đến sự thất nghiệp, nhưng là thất nghiệp tình nguyện chứ không phải thất nghiệp bắt buộc, bởi vì bây giờ, người ta có thể làm việc ít hơn; trẻ em và người cao tuổi không còn phải làm việc nữa.
Xin nhắc lại một lần nữa: máy móc tăng sản xuất và nâng cao mức sống của con người. Chúng đạt được điều này bằng hai cách. Chúng có thể làm cho hàng hóa rẻ hơn đối với người tiêu dùng (như trong ví dụ minh họa về ngành sản xuất áo khoác), hoặc chúng có thể tăng lương cho người lao động, vì chúng nâng cao năng suất của họ. Nói cách khác, chúng sẽ tăng lượng tiền lương hoặc, thông qua việc giảm giá thành giá cả, tăng lượng hàng hóa dịch vụ mà một lượng tiền lương có thể mua. Đôi khi, cả hai điều này có thể xảy ra đồng thời. Các chính sách tiền tệ được áp dụng tại mỗi quốc gia sẽ quyết định điều nào trong hai khả năng trên sẽ xảy ra. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào đi nữa, máy móc, khám phá, sáng chế đều làm tăng giá trị thật của lương.
Một lời cảnh báo cần được đưa ra trước khi chúng ta kết thúc chủ đề này. Một trong những điểm mạnh của các nhà kinh tế học theo trường phái cổ điển là họ luôn xem xét các ảnh hưởng thứ cấp. Họ luôn quan tâm đến những tác động dài hạn của một chính sách hay sự phát triển kinh tế đối với toàn thể xã hội. Nhưng điểm yếu của họ khi theo đuổi những tác động dài hạn ở diện rộng là đôi khi họ không xem trọng hoặc bỏ qua các tác động tức thời hoặc ngắn hạn của một chính sách hoặc sự phát triển kinh tế đối với những nhóm cá thể nhất định. Như chúng ta đã thấy, rất nhiều người đan len và gia đình của họ đã thực sự phải gánh chịu rất nhiều khó khăn khi máy dệt tất, một trong những sáng chế đầu tiên của Cách mạng công nghiệp, được đưa vào sử dụng.
Nhưng những điều này, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, đã khiến một số người bị cuốn vào thái cực ngược lại: chỉ xem xét những tác động tức thời hoặc ngắn hạn đối với một số nhóm cá thể nhất định. Joe Smith bị mất việc bởi việc sử dụng một thiết bị mới. Những nhà kinh tế học này sẽ nói: “Hãy chú ý đến Joe! Đừng bao giờ rời mắt khỏi Joe”. Nhưng điều họ làm sau đó là chỉ lưu ý đến một mình Joe, mà quên mất Tom Jones, người đã được thuê để sản xuất ra chính chiếc máy đó. Họ cũng quên mất Ted Brown, người được thuê để điều khiển chiếc máy đó, và Daisy Miller, người giờ đây có thể mua chiếc áo khoác với mức giá bằng một nửa trước đây. Và vì họ chỉ nghĩ đến Joe Smith, họ sẽ ủng hộ những chính sách kinh tế mang tính chống đối và vô nghĩa.
Đúng là chúng ta phải để mắt đến Joe Smith vì anh ta đã bị mất việc làm do việc sử dụng thiết bị mới. Có thể anh ta sẽ sớm kiếm được một công việc khác, thậm chí là một công việc tốt hơn. Song có thể vì anh ta cả đời chỉ tập trung vào một kỹ năng đặc biệt mà giờ đây thị trường không còn cần nữa, giờ đây anh ta đã mất đi những gì anh ta đã đầu tư bản thân – các kỹ năng của anh ta, cũng giống như người chủ của anh ta, người mất đi sự đầu tư trước đây của mình vào những máy móc và quy trình sản xuất cũ, những thứ mà giờ đây không sử dụng được nữa. Trước đây, Joe là một công nhân lành nghề và được trả một mức lương xứng đáng. Song chỉ sau một đêm, anh ta đã trở thành một người lao động không có kỹ năng và trong hiện tại chỉ có thể mong nhận mức lương cho những người không có tay nghề, bởi vì kỹ năng duy nhất anh ta có được giờ đây không còn có giá trị trên thị trường lao động. Chúng ta không thể và không được phép quên Joe. Câu chuyện của anh ta là một trong biết bao câu chuyện thương tâm mà, như chúng ta sẽ thấy, luôn xảy ra trong mọi tiến bộ công nghiệp và kinh tế.
Để trả lời cụ thể rằng chúng ta sẽ làm gì với Joe Smith, liệu chúng ta nên để anh ta tự thích nghi, hay cho anh ta một khoản tiền bồi thường thất nghiệp, hay cho anh ta hưởng chế độ trợ cấp xã hội, hay dùng ngân quỹ nhà nước để đào tạo anh ta cho một việc làm khác, sẽ dẫn chúng ta vượt quá điều chúng ta đang cố gắng chỉ ra ở đây. Bài học quan trọng nhất ở đây là chúng ta phải cố gắng xem xét tất cả những tác động chính của bất kỳ một chính sách hay sự phát triển kinh tế nào - những tác động tức thời và ngắn hạn lên những nhóm cá thể nhất định và những tác động dài hạn lên tất cả các nhóm.
Chúng ta đã dành nhiều thời gian nhiều về vấn đề này vì những kết luận của chúng ta cho tác động của máy móc, khám phá và phát minh mới đối với việc làm, sản xuất và sức khỏe của nền kinh tế là những kết luận rất quan trọng. Nếu chúng ta nhận định sai về vấn đề này, chúng ta sẽ nhận định sai về phần lớn các vấn đề khác trong kinh tế học.
(Hết)
Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 7