[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 6: Tại sao lại cần bình đẳng chính trị (1)? Bình đẳng nội tại

[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 6: Tại sao lại cần bình đẳng chính trị (1)? Bình đẳng nội tại

Nhiều người sẽ kết luận rằng những lợi ích của chế độ dân chủ được bàn đến trong chương trước có thể là đủ – có lẽ còn hơn là đủ – để biện minh cho niềm tin của họ rằng chính phủ dân chủ ưu việt hơn bất cứ lựa chọn khả thi nào khác. Nhưng bạn vẫn có thể tự hỏi là có hợp lí không khi giả định rằng - tin vào dân chủ dường như cũng hàm ý rằng – khi tham gia vào quá trình quản lí, công dân phải được đối xử như những người bình đẳng về mặt chính trị. Tại sao những quyền cần thiết cho quá trình cai trị một cách dân chủ phải được mở rộng một cách bình đẳng tới tất cả các công dân?

Câu trả lời, mặc dù là có tính quyết định đối với niềm tin vào chế độ dân chủ, không phải là lời khẳng định có tính hiển nhiên.

QUYỀN BÌNH ĐẲNG CÓ PHẢI LÀ ĐƯƠNG NHIÊN?

Năm 1776, các tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ đã bắt đầu bằng những từ ngữ rồi ra sẽ trở thành nổi tiếng khắp thế giới như sau: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Tạo hóa đã ban cho họ một số quyền bất khả tương nhượng, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Nếu quyền bình đẳng là đương nhiên thì không cần biện hộ thêm nữa. Trong bản Tuyên ngôn nói trên cũng không có một lời biện hộ nào. Nhưng hầu hết chúng ta đều cho rằng tất cả đàn ông – và cả đàn bà – không phải đương nhiên sinh ra đã là những người bình đẳng. Nếu giả thiết này không phải là sự thật hiển nhiên thì làm sao chúng ta có thể biện hộ cho việc áp dụng nó? Và nếu chúng ta không thể biện hộ được thì làm sao chúng ta có thể bảo vệ được chế độ cai trị vốn coi nó là giả thiết đúng?

Những người phê phán thường gạt bỏ lời khẳng định về quyền bình đẳng tương tự như khẳng định trong bản Tuyên ngôn Độc lập, họ coi đấy chỉ là những từ ngữ trống rỗng. Họ nhấn mạnh rằng nếu đòi hỏi tương tự như vậy được coi là lời tuyên bố về một sự kiện có liên quan tới con người thì lời tuyên bố đó hiển nhiên là sai.

Bên cạnh cáo buộc về sai trái, những người phê phán đôi khi còn gán thêm tội giả dối nữa. Họ dẫn ra thí dụ là các tác giả của bản Tuyên ngôn đã bỏ qua sự kiện bất tiện là trong các nhà nước (bang) vừa mới tuyên bố độc lập, đa số tuyệt đối dân chúng không được hưởng những quyền bất khả tương nhượng, được cho là chính Tạo hóa đã phú cho họ. Lúc đó và mãi sau này, đàn bà, người nô lệ, người da đen tự do và dân bản địa vẫn không được hưởng không chỉ các quyền chính trị mà còn không được hưởng nhiều “quyền bất khả tương nhượng” cực kì cần thiết đối với cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Nói cho ngay, tư hữu cũng là quyền “không thể tương nhượng”, còn người nô lệ lại là tài sản của các ông chủ của họ. Tác giả chính của bản Tuyên ngôn, ông Thomas Jefferson, cũng có nô lệ. Ở một số khía cạnh quan trọng nào đó, đàn bà cũng là tài sản của các đức ông chồng. Và một lượng khá lớn đàn ông tự do – theo một số ước tính thì khoảng 40%– không được quyền bỏ phiếu; trong thế kỉ XIX, trong tất cả các bang mới của Hoa Kỳ, chỉ những người chủ sở hữu mới có quyền bầu cử mà thôi.

Cả lúc đó lẫn sau này, bất bình đẳng không phải là hiện tượng đặc biệt chỉ có ở Hoa Kỳ. Trái lại là khác. Trong những năm 1830, ông Alexis de Tocqueville, một cây bút người Pháp, đã rút ra kết luận rằng so với châu Âu thì một trong những đặc điểm nổi bật của Hoa Kỳ là mức độ bình đẳng xã hội vô cùng cao giữa các công dân của họ.

Mặc dù kể từ năm 1776, nhiều hiện tượng bất bình đẳng đã bị xóa bỏ, nhưng cũng còn rất nhiều. Chỉ cần nhìn xung quanh là đã thấy bất bình đẳng hiện diện khắp nơi rồi. Bất bình đẳng, chứ không phải bình đẳng, dường như là điều kiện tự nhiên của loài người.

Thomas Jefferson là người có nhiều kinh nghiệm, chắc chắn là ông nhận thức được sự kiện hiển nhiên là trong nhiều lĩnh vực quan trọng, khi mới ra đời người ta không có khả năng, ưu thế và cơ hội như nhau, quá trình nuôi dưỡng, hoàn cảnh, và cơ may còn làm cho những khác biệt ban đầu tăng thêm hơn nữa. Năm mươi lăm người đàn ông kí tên vào bản tuyên ngôn độc lập – những người có kinh nghiệm thực tế, những luật sư, thương gia, điền chủ – khó có thể là những người ngây thơ trong nhận thức về con người. Nếu chúng ta công nhận rằng họ không phải là những người không hiểu biết thực tế, cũng không phải là những kẻ dối trá, vậy thì với lời khẳng định táo bạo rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ muốn nói lên điều gì?

Mặc dù có nhiều bằng chứng trái lại như thế nhưng tư tưởng cho rằng con người về căn bản là bình đẳng với nhau có ý nghĩa to lớn đối với Jefferson, cũng như đối với những bậc tiền bối của ông, đấy là hai nhà triết học người Anh là Thomas Hobbes và John Locke1. Từ thời Jefferson, nhiều người nữa trên khắp thế giới đã chấp nhận tư tưởng về sự bình đẳng, trong những hình thức nào đó, giữa người với người. Đối với nhiều người, quyền bình đẳng đơn giản là một sự kiện thực tế. Cũng như đối với Alexis de Tocqueville “sự bình đẳng về các điều kiện” đang gia tăng mà ông quan sát được ở châu Âu cũng như châu Mĩ vào năm 1835 là sự kiện gây ấn tượng đến nỗi nó là “một sự kiện mang tính thiên định. Sự kiện đó có những nét chính như sau: nó diễn ra khắp nơi, nó bền vững lâu dài, từng ngày một nó đều tuột khỏi mọi sức mạnh của con người, và mọi sự kiện cũng như mọi con người đều đã phục vụ cho quyền bình đẳng ấy” 2.

QUYỀN BÌNH ĐẲNG NỘI TẠI: ĐÁNH GIÁ MANG TÍNH ĐẠO ĐỨC

Bình đẳng và bất bình đẳng có thể biểu hiện trong những hình thức vô cùng khác nhau. Bất bình đẳng về khả năng thắng một cuộc chạy marathon hoặc thi viết chính tả là một chuyện. Bất bình đẳng trong cơ hội bầu cử, phát biểu và tham gia cai trị bằng những biện pháp khác lại là chuyện hoàn toàn khác.

Muốn hiểu vì sao chúng ta cam kết thực hiện quyền bình đẳng chính trị giữa các công dân của một nhà nước dân chủ thì chúng ta cần phải thừa nhận rằng đôi khi chúng ta nói về bình đẳng nhưng chúng ta không có ý đưa ra đánh giá có căn cứ thực tế. Chúng ta không định mô tả điều chúng ta tin là đúng hoặc sẽ đúng, như chúng ta làm khi chúng ta tuyên bố người thắng trong các cuộc marathon hay viết chính ta. Thay vì thế, chúng ta muốn thể hiện một đánh giá mang tính đạo đức về con người; chúng ta có ý nói điều chúng ta tin rằng nó nên là như thế. Đánh giá mang tính đạo đức như thế có thể được phát biểu như sau: “Chúng ta phải nên coi lợi ích của mỗi người về mặt nội tại là bình đẳng với lợi ích của bất cứ người nào khác.” Đánh giá về mặt đạo đức bằng những từ của bản Tuyên ngôn là chúng ta nhấn mạnh rằng đời sống, quyền tự do và hạnh phúc của một người về mặt nội tại không cao hơn hoặc thấp hơn so với đời sống, quyền tự do và hạnh phúc của bất cứ người nào khác. Do đó, chúng ta nói rằng chúng ta phải đối xử với mọi người như thể họ có những đòi hỏi như nhau về cuộc sống, về quyền tự do, hạnh phúc, và những đồ vật và quyền lợi căn bản khác. Tôi xin gọi đánh giá mang tính đạo đức này là nguyên lí về bình đẳng nội tại.

Nhưng nguyên lí này không làm cho chúng ta tiến xa được, muốn áp dụng nó cho chính phủ của một quốc gia thì cần đưa thêm một nguyên lí phụ trợ ngụ ý: “Trong khi quyết định, chính quyền phải xem xét một cách bình đẳng lợi ích và quyền lợi của tất cả những người bị ràng buộc bởi những quyết định này.” Nhưng tại sao chúng ta lại phải áp dụng nguyên lí về bình đẳng nội tại cho chính phủ quốc gia và bắt nó phải xem xét một cách bình đẳng quyền lợi của tất cả mọi người? Khác với những tác giả của bản Tuyên ngôn, lời tuyên bố rằng chân lí về quyền bình đẳng nội tại là hiển nhiên làm cho tôi và chắn chắn là làm cho cả những người khác phải choáng váng vì nó rất đáng ngờ. Nhưng bình đẳng nội tại hàm chứa một quan điểm rất căn bản về giá trị của con người nên nó gần gũi với những ranh giới của lời biện hộ duy lí hơn. Giống như những đánh giá mang tính thực tiễn, đánh giá mang tính đạo đức cũng ngụ ý: nếu bạn đi sâu vào nền tảng của bất cứ khẳng định nào thì cuối cùng bạn cũng tiến đến giới hạn mà bên ngoài nó lí lẽ duy lí không thể đưa bạn tiến xa thêm được nữa. Năm 1521, Martin Luther đã nói những lời đáng nhớ như sau: “Làm trái lương tâm là không an toàn và cũng chẳng khôn ngoan. Tôi đứng ở đây – Tôi không thể làm gì khác. Xin Thượng đế giúp tôi. Amen”.

Mặc dù nguyên lí về bình đẳng nội tại rất gần những giới hạn tối hậu này, nhưng chúng ta chưa hoàn toàn đạt tới những giới hạn đó. Vì một vài lí do, tôi tin là bình đẳng nội tại là một nguyên lí có đầy đủ cơ sở làm nền tảng cho chính phủ quốc gia.

TẠI SAO CHÚNG TA NÊN ÁP DỤNG NGUYÊN LÍ NÀY

Cơ sở đức đức và tôn giáo. Thứ nhất, đối với đại đa số người dân trên khắp thế giới, nguyên lí này phù hợp với những niềm tin và nguyên lí đạo đức căn bản nhất của họ. Tất cả chúng ta đều cùng là con cái của Thượng đế là giáo lí của Do thái giáo, Kitô giáo, và Hồi giáo; Phật giáo có quan điểm gần giống như thế. (Trong số những tôn giáo chính của thế giới, Ấn giáo có thể là một ngoại lệ.) Hầu hết lí luận về đạo đức, hầu hết các hệ thống đạo đức đều mặc nhiên hoặc ngấm ngầm thừa nhận nguyên tắc đại loại như thế.

Sự yếu kém của một nguyên lí thay thế cho nguyên lí trên. Thứ hai, dù các hội đoàn khác có quan niệm thế nào đi nữa, thì trong việc cai trị quốc gia, nhiều người trong chúng ta đều cho rằng những nguyên lí thay thế cho nguyên lí bình đẳng nội tại đều không có vẻ hợp lí và không có tính thuyết phục. Giả thử công dân Jones nào đó đề nghị lấy nguyên lí sau đây làm nguyên lí cai trị quốc gia: “Khi quyết định chính quyền phải luôn luôn coi lợi ích và quyền lợi của tôi cao hơn lợi ích và quyền lợi của tất cả những người khác”. Bằng cách ngấm ngầm bác bỏ nguyên lí về tính bình đẳng nội tại, Jones khẳng định điều có thể được gọi là một nguyên lí về tính ưu việt nội tại - hoặc ít nhất là tính ưu việt nội tại của Jones. Dĩ nhiên là lời tuyên bố về tính ưu việt nội tại có thể biến thành tuyên bố về tính ưu việt nội tại của một nhóm người, và thường thì nó được phát biểu như sau: “Lợi ích và quyền lợi của nhóm tôi [gia đình, giai cấp, đẳng cấp, chủng tộc, hoặc bất cứ thứ gì khác] là ưu việt hơn với lợi ích và quyền lợi của tất cả những nhóm khác”.

Ở đây, sẽ chẳng ai ngạc nhiên khi thừa nhận rằng con người chúng ta thường có tính ích kỉ: chúng ta thường quan tâm, ở những mức độ khác nhau, đến quyền lợi của mình hơn là quyền lợi của người khác. Do đó, nhiều người trong chúng ta có thể rất muốn tuyên bố như thế về quyền lợi của mình và của những người gắn bó nhất với mình. Nhưng nếu chính chúng ta không kiểm soát được một cách chắc chắn chính quyền quốc gia thì làm sao chúng ta lại coi tính ưu việt nội tại của một số người như là nguyên lí chính trị căn bản?

Chắc chắn là một người hoặc một nhóm có đủ quyền lực bắt người khác thi hành lời tuyên bố về tính ưu việt nội tại của họ mặc cho những lời phản đối của bạn – thậm chí dù có phải giết bạn chăng nữa. Trong suốt chiều dài của lịch sử loài người, nhiều kẻ và nhiều nhóm đã sử dụng – hay nói đúng hơn là đã lạm dụng – quyền lực của họ theo cách đó. Nhưng, vì sức mạnh không che đậy cũng có những hạn chế của nó cho nên những kẻ tự tuyên bố là hiện thân của tính ưu việt nội tại so với người khác chắc chắn là bao giờ cũng khoác cho lời tuyên bố rõ ràng là vô căn cứ này huyền thoại, điều huyền bí, tôn giáo, truyền thống, ý thức hệ, sự phô diễn và nghi thức long trọng.

Nhưng, nếu bạn không phải là thành viên của nhóm đặc quyền đặc lợi đó và nếu bạn có thể bác bỏ lời tuyên bố của họ về tính ưu việt nội tại như thế mà bạn vẫn được an toàn thì bạn sử dụng quyền tự do và hiểu biết của mình để đồng ý với một nguyên lí ngạo mạn như thế không? Tôi rất nghi ngờ chuyện đó.

Khôn ngoan. Hai lí do để người ta áp dụng nguyên lí về tính bình đẳng nội tại làm căn cứ cho việc việc cai trị quốc gia gợi ý cho ta lí do thứ ba: sự khôn ngoan. Bởi vì chính phủ quốc gia không chỉ trao cho người ta lợi ích to lớn mà còn có thể gây ra thiệt hại to lớn nữa, sự khôn ngoan buộc người ta phải cẩn thận trước những biện pháp mà quyền lực khác thường của nhà nước có thể được sử dụng. Sự cai trị tuyệt đối và vĩnh viễn dành đặc quyền cho lợi ích và quyền lợi của riêng bạn so với lợi ích và quyền lợi của người khác có thể là hấp dẫn nếu bạn tin chắc rằng bạn hoặc nhóm của bạn sẽ luôn luôn giữ được thế thượng phong. Nhưng đối với nhiều người, đấy là kết quả khó có thể xảy ra, hoặc ít nhất là không chắc chắn đến mức sẽ là an toàn hơn khi đòi hỏi rằng quyền lợi của bạn sẽ được xem xét một cách bình đẳng với quyền lợi của những người khác.

Có thể chấp nhận được. Một nguyên lí mà bạn cho rằng áp dụng là khôn ngoan thì nhiều người khác cũng cho là như vậy. Như vậy là, bạn có thể rút ra kết luận một cách hợp lí rằng tiến trình bảo đảm xem xét tất cả một cách bình đẳng có nhiều khả năng là sẽ được những người mà bạn cần hợp tác nhằm đạt được mục tiêu của mình đồng ý. Theo quan điểm như thế, nguyên lí về tính bình đẳng nội tại là nguyên lí cực kì thông minh.

Vâng, mặc cho lời tuyên bố ngược lại với tuyên bố trong bản Tuyên ngôn Độc lập, nói cho ngay, vì sao chúng ta phải giữ nguyên lí về tính bình đẳng nội tại và xem xét quyền lợi của tất cả mọi người một cách bình đẳng trong quá trình quản lí quốc gia không phải là sự thật hiển nhiên.

Nhưng nếu chúng ta giải thích tính bình đẳng nội tại như là một nguyên lí của chính quyền dựa trên cơ sở của đạo đức, sự khôn ngoan, và được mọi người chấp nhận  thì đối với tôi dường đấy là điều có ý nghĩa hơn hơn bất cứ sự lựa chọn nào khác.

Chú thích:

(1) Muốn tìm hiểu thêm, xin đọc Gary Wills, Inventing America: Jefferson’s Declaration of Independence (Garden City, N. Y.: Doubleday, 1978), 167-228.

(2) Alexis de Tocqueville, Democracy in America, vol. 1 (New York: Schocken Boooks, 1961, lxxi. [Tosqueville, Nền dân trị Mĩ, Phạm Toàn dịch, Nhà xuất bản Trí thức,2007, trang 68]

Nguồn: Bàn về chế độ dân chủ: Robert Alan Dahl, 2000. 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường