[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương cuối: Tương lai của chủ nghĩa tự do cá nhân (Phần 1)
Xã hội chính trị không thể đưa chúng ta tới kỷ nguyên của hòa bình và thịnh vượng mà nó hứa hẹn. Chính phủ càng sử dụng nhiều biện pháp cưỡng chế và càng hứa nhiều thì thất bại sẽ càng lớn. Chính phủ phát xít và cộng sản, tìm cách tiêu diệt xã hội dân sự và buộc tất cả mọi người cùng phải phụng sự sự nghiệp chung, hiện bị coi là thất bại thảm hại; họ hứa tình đoàn kết và thịnh vượng nhưng lại tạo ra sự bần hàn, trì trệ, oán giận và chia rẽ.
Những luận cứ phê phán chủ nghĩa xã hội do phái tự do cá nhân đưa ra - bị những người trí thức cánh tả chế giễu trong một thời gian dài – hóa ra là đúng. Hiện nay, chủ nghĩa tự do cá nhân còn đối diện với thách thức lớn hơn thế. Sau khi chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa xã hội nói chung đã rời khỏi vũ đài chính trị, cuộc xung đột trong thế kỷ XXI sẽ là giữa chủ nghĩa tự do cá nhân và tư tưởng dân chủ xã hội, một phiên bản đã được pha loãng của chủ nghĩa xã hội, những người ủng hộ phiên bản này chấp nhận xã hội dân sự và vòng quay thị trường, nhưng luôn luôn tìm lý do nhằm hạn chế, kiểm soát, hướng dẫn và cản trở những quyết định do các cá đưa ra. (Ở Mỹ, Dân chủ xã hội thường được gọi là chủ nghĩa tự do, nhưng tôi không muốn làm hoen ố cái từ đã từng có nghĩa là tự do cá nhân). Còn tư tưởng bảo thủ hiện đại ở Mỹ, chúng ta có thể hy vọng rằng những người gắn bó với nó sẽ chia rẽ thành những người ủng hộ xã hội dân sự và những người ủng hộ sự can thiệp về mặt chính trị, nhằm áp đặt một trật tự xã hội cụ thể nào đó. Cuối cùng, những người bảo thủ sùng bái nhà nước sẽ trở thành đồng minh của những người dân chủ xã hội trong cuộc đối đầu giữa xã hội chính trị và xã hội dân sự, xu hướng này đã xuất hiện cùng với phong trào bảo hộ của Buchanan và ngày càng có nhiều người bảo thủ không muốn giới hạn lĩnh vực hoạt động của chính phủ, mà sử dụng chính phủ nhằm áp đặt những giá trị bảo thủ.
Vì ở Mỹ và Tây Âu chế độ dân chủ xã hội chưa bao giờ thay thế hoàn toàn xã hội dân sự và thị trường, cho nên thất bại của nó cũng không rõ ràng. Thế là người Mỹ và người châu Âu đã gặp may, nhưng đó lại là thách thức lớn hơn đối với những người theo phái tự do cá nhân, tức là những người muốn lột trần những vấn đề của chủ nghĩa can thiệp và đưa ra những luận cứ ủng hộ quyền tự do cá nhân rộng rãi hơn và chính phủ hạn chế một cách nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, chúng ta đã có quá nhiều bằng chứng về thất bại của xã hội chính trị rồi và danh sách những bằng chứng này đang ngày càng dài thêm.
Những chương trình nhằm chuyển tài sản từ nhóm người này sang nhóm người khác của nhà nước phúc lợi trên toàn thế giới đang trên đà phá sản và thế hệ sinh ra trong thời kì bùng nổ dân số sau Thế chiến II sắp nghỉ hưu sẽ làm cho lời hứa về an sinh xã hội trở thành bất khả thi, ngay cả sau khi đã đồng loạt tăng thuế. Công nghệ thông tin đang có những thay đổi mang tính cách mạng, trừ những hình thức độc quyền của nhà nước - nhà trường và bưu điện – ngày càng kém hiệu quả và đắt hơn. Những ví dụ như Watergate, Whitewater, Waco và cuộc chiến chống ma túy chứng tỏ rằng quyền lực luôn luôn thoái hóa. Thuế khóa và những biện pháp quản lý làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi một cách đáng kể, đúng vào lúc công nghệ đã được cải tiến, truyền thông hiện đại hơn và thị trường vốn hiệu quả hơn phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Tăng trưởng chậm hơn và người ta ngày càng nhận thức được rằng phần thưởng là do chính phủ phân phát trên cơ sở thành phần và các mối quan hệ chính trị, chứ không phải là thu được trên thị trường cạnh tranh, gây ra sự bực bội trong một số nhóm người và có khả năng tạo ra xung đột xã hội.
Thành phố Washington do Roosevelt xây dựng
Sự thất vọng với các chính phủ lớn ngày càng lan tràn và sức hấp dẫn của những lời phê phán của phái tự do cá nhân ngày càng gia tang, buộc những người bảo vệ xã hội chính trị phải tung ra những đòn phản công. Điều thú vị là những luận cứ ủng hộ chính phủ phổ biến nhất trong thời gian gần đây đã có giọng điệu khiêm tốn hơn. Những lời kêu gọi một cuộc cải cách xã hội sâu rộng của những năm 1930 và cuộc thập tự chinh đầy lý tưởng của những năm 1960 đã trở thành quá khứ. Mặc dù, trong số những vị giáo sư, các chính trị gia, những người muốn nói với quần chúng hiện chỉ còn sử dụng những lời tuyên bố khiêm tốn về khả năng của chính phủ mà thôi.
Ví dụ, tác phẩm Tái phát minh chính phủ: Tinh thần kinh doanh chuyển hóa khu vực công như thế nào (Reinventing Government: How the Entrepreneurial Spirit Is transforming the Public Sector), xuất bản năm 1992, của David Osborne và Ted Gaebler, được những “người dân chủ mới” như Bill Clinton và Al Gore ca ngợi hết lời. Osborne và Gaebler công nhận rằng “những hình thức chính phủ hình thành trong thời đại công nghiệp, với bộ máy quan liêu tập quyền lề mề, với sự ám ảnh về quy tắc, quản lý và thang bậc, không còn hoạt động hữu hiệu nữa”. Họ nói chính phủ phải đạt được 10 tiêu chí sau đây: là chất xúc tác, nằm dưới sự kiểm soát của cộng đồng, cạnh tranh, được thúc đẩy bởi sứ mệnh, hướng về kết quả, hướng về khách hàng, dám làm dám chịu trách nhiệm, ra tay trước, phân cấp và định hướng thị trường. Điều ngạc nhiên nhất là danh sách này rất gần với mô tả về vòng quay thị trường, chứ không phải về chính phủ. Các lý thuyết gia hàng đầu về hoạt động của chính phủ trong thời đại của chúng ta hứa rằng chúng ta sẽ buộc chính phủ phải hoạt động như thị trường.
Ví dụ khác, tác phẩm Bảo vệ chính phủ (In Defense of Government), xuất bản năm 1996, của Jacob Weisberg, với năm nguyên tắc “làm sống lại chính phủ”: (1) chấp nhận rằng cuộc sống là rủi ro và chấm dứt loại bỏ rủi ro bằng luật pháp; (2) thôi hứa hẹn những điều mà chính phủ không thể làm; (3) sẵn sàng từ bỏ những chương trình đã thất bại, lỗi thời hoặc thuộc loại ưu tiên thấp; (4) chấm dứt việc giao quyền lập pháp của quốc hội cho các cơ quan quản lý hành chính quan liêu; và (5) hứa là quy mô, được tính bằng phần thu nhập của chính phủ trong tổng sản phẩm quốc gia (GNP - Gross National Product), sẽ không lớn hơn hiện nay. Mặc dù Weisberg có niềm tin đầy cảm động vào một “chính phủ liên bang khôn ngoan, hiệu quả, và nhân từ”, nhưng so với những thế hệ say mê hoạt động của chính phủ, chương trình hoạt động của chính phủ mà ông đưa ra quả là rất hạn chế.
Nhưng, mặc dù những người ủng hộ chính sách can thiệp đã kiềm chế như thế và mặc dù Tổng thống Clinton đã tuyên bố rằng “thời đại của chính phủ lớn đã qua rồi”, trên thực tế, chúng ta đang có một chính phủ lớn nhất trong lịch sử. Chính phủ liên bang buộc những người làm ra tiền mỗi năm phải nộp cho họ 1,6 ngàn tỷ USD, chính quyền bang và chính quyền địa phương thu thêm 1 tỷ nữa. Mỗi năm, Quốc hội đưa thêm 6.000 trang văn bản pháp luật, còn các cơ quan quản lý thì đưa thêm 60.000 trang những quy định mới vào Sổ bộ liên bang (Federal Register). Các luật sư đều cho rằng có lẽ không doanh nghiệp nào có thể tuân thủ tất cả những quy định của liên bang.
Hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta vẫn đang sống ở thành phố Washington do Roosevelt xây dựng, tức là sống ở nơi mà khi có một ý tưởng tốt, người ta liền xây dựng một chương trình của chính phủ. Xin xem xét một vài ví dụ:
• Trong cuộc vận động tranh cử, thượng nghị sĩ Bob Dole đọc Tu Chính Án X (“Những quyền không được Hiến pháp giao cho chính quyền liên bang và Hiến pháp không cấm các bang thì thuộc quyền của các bang hay thuộc quyền của nhân dân”) nhưng chính ông ta lại trình dự luật về việc làm cho luật hình sự, chính sách phúc lợi, định nghĩa về hôn nhân trở thành có giá trị trên toàn liên bang.
• Phó Tổng thống Gore trong khi tuyên bố hủy bỏ những dự án nhà ở công cộng, đã nói: “Những tượng đài, đầy dẫy bọn tội phạm, được dựng nên để tưởng niệm cái chính sách đã thất bại đang giết chết những khu vực xung quanh chúng”. Ông nhắc nhở thính giả: “Trong quá khứ, Washington nói với nhân dân cả nước rằng họ phải làm gì, trong khi đưa ra những chỉ thị thông thái từ trên xuống. Và xin hãy trung thực: một phần sự thông thái đó không thực sự thông thái”. Sau đó, ông loan báo kế hoạch... nhằm xây dựng những dự án nhà ở công cộng mới.
• Thượng nghị sĩ Dan Coats (đảng viên Cộng hòa bang Indiana) nói rằng đảng Cộng hòa “phải đưa ra được tầm nhìn về việc khôi phục những cộng đồng bị tàn phá - không phải bằng sức lực của chính phủ mà bằng sức lực của những tổ chức tư nhân và những lý tưởng đang nuôi dưỡng đời sống” và khẳng định: “ngay cả khi chính phủ làm suy yếu xã hội dân sự, chính phủ cũng không thể trực tiếp khôi phục được nó”. Sau đó, ông ta đề xuất 19 đạo luật liên bang với mục đích là thành lập trường mẫu cho thanh thiếu niên nằm trong nhóm có nguy cơ cao, áp dụng giai đoạn chờ cho những cặp vợ chồng muốn ly hôn, tài trợ cho những khu nhà do các tôn giáo quản lý để cho các bà mẹ tá túc, lập các tài khoản tiết kiệm dành cho người nghèo ..v.v..
• Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị, Henry Cisneros, hứa sẽ “phân cấp mạnh mẽ” vì nhà thờ, các nhóm dân chúng trong khu vực láng giềng và các doanh nghiệp nhỏ “hiểu biết ít nhất cũng bằng và thích nghi tốt hơn so với chính phủ vụng về ở Washington” trong việc cải thiện cộng đồng của họ. Nhưng sau đó ông lại đề nghị thành lập các phòng học trong các nhà ở xã hội và yêu cầu tất cả mọi người đều phải tham gia những khóa huấn luyện trước khi sinh, chăm sóc trẻ con, học theo chương trình tương đương trung học phổ thông, hay tham gia những cuộc hội thảo dành cho người cao tuổi.
• Giám đốc điều hành Liên đoàn Công giáo, Ralph Reed, viết rằng nước Mỹ đoàn kết xung quanh “tầm nhìn về một xã hội dựa trên hai đức tin cơ bản. Thứ nhất, mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa và có một số quyền bất khả xâm phạm, họ được tự do theo đuổi những khát vọng của tâm hồn mình. Thứ hai, mục đích duy nhất của Chính phủ là bảo vệ những quyền này”. Nhưng chương trình chính trị của ông ta lại bao gồm cấm phá thai, cấm người đồng tính kết hôn và kiểm duyệt Internet.
Vân vân và vân vân, trên bất kỳ số báo ra hàng ngày nào ta cũng thấy: tổng thống có kế hoạch giảm giá xăng và tăng giá thịt bò; chính quyền muốn Nhật Bản và Trung Quốc đưa ra mục tiêu cụ thể cho hàng nhập khẩu của Mỹ; một nhóm chuyên gia muốn giảm số bác sĩ; các nhà quy hoạch quận yêu cầu các công ty phát triển nhà ở xây dựng những ngôi nhà với “giá cả phải chăng”, nhưng vài năm sau họ lại đưa ra kế hoạch nhằm khuyến khích xây những tòa nhà “cao cấp”. Thời đại của chính phủ lớn đã qua rồi, nhưng dường như chính phủ chưa biết.
Trong khi đó, các nhà hoạt động xã hội đang tổ chức những cuộc tuần hành và biểu tình với những đòi hỏi cực kỳ to tát: việc làm, con cái, nhà ở, chăm sóc y tế, môi trường. Nhưng khó tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ xã hội dân sự và vòng quay thị trường - nguồn gốc của những tư tưởng và của cải, tức là những điều kiện để chúng ta có công ăn việc làm, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em và nhà ở tốt hơn và sử dụng các nguồn tài nguyên khan hiếm hiệu quả hơn.
Tập quyền, Phân quyền và Trật tự
Trong những năm 1990, có thể thấy hai xu hướng cạnh tranh với nhau trong nền chính trị thế giới: tập quyền và phân quyền. Mặc dù đã có cuộc thảo luận ở Washington về chuyển giao quyền lực và Tu Chính Án X, cả những đảng viên Cộng hòa lẫn các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội vẫn tiếp tục đề xuất những giải pháp mang tính toàn liên bang cho những vấn đề mà họ quan tâm, và bằng cách đó, chính họ đã loại bỏ quyền kiểm soát của địa phương, loại bỏ việc thử nghiệm và những giải pháp cạnh tranh với nhau. Tòa án các bang ngày càng siết chặt những đòi hỏi cho rằng tất cả các trường học trong bang phải được tài trợ như nhau và phải quản lý theo đúng chỉ đạo của bang. Các quan chức của Liên minh châu Âu ở Brussels tìm cách tập quyền hóa luật lệ ở cấp độ châu lục, một phần là để ngăn chặn, không để cho chính phủ châu Âu nào đó tự làm cho mình trở thành hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư bằng cách đánh thuế thấp hơn hay ít quy định hơn.
Điều kì quặc là, các quốc gia-dân tộc hiện nay nay vừa quá lớn lại vừa quá nhỏ. Quá lớn cho nên không phản ứng kịp và không quản lý được. Ở Ấn Độ, mỗi đại biểu trong số 500 đại biểu quốc hội đại diện cho hơn 1 triệu cử tri; họ có thể đại diện cho quyền lợi của tất cả những cử tri của mình hay soạn ra những bộ luật phù hợp cho gần một tỷ người hay không? Chỉ cần quốc gia lớn hơn một thành phố là những điều kiện địa phương đã khác nhau rất nhiều rồi và không một kế hoạch mang tầm quốc gia nào có thể áp dụng được ở tất cả các địa phương. Đồng thời, thậm chí quốc gia-dân tộc cũng thường là quá nhỏ để có thể trở thành đơn vị kinh tế hiệu quả. Bỉ hay thậm chí Pháp có cần đường xe lửa quốc gia hoặc mạng lưới truyền hình quốc gia hay không, khi đường ray và tín hiệu phát sóng có thể dễ dàng vượt qua biên giới quốc gia? Giá trị vĩ đại của Liên minh châu Âu không phải là hàng xấp luật lệ do các quan chức châu Âu đưa ra, mà là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất và bán hàng trên thị trường lớn hơn cả Mỹ. Thị trường chung không đòi hỏi phải quản lý theo lối tập quyền, nó chỉ yêu cầu các chính phủ quốc gia không cản trở công dân của họ buôn bán với các công dân của các nước khác mà thôi.
Nhưng, trong khi các chính phủ trung ương tập quyền, từ Washington, Ottawa, Brussels đến New Delhi đang tìm cách tập quyền hóa việc quản lý, xóa bỏ sự khác biệt giữa các khu vực và những cuộc thí nghiệm quy mô nhỏ, thì người ta cũng thấy xuất hiện một xu hướng khác. Các doanh nhân tìm cách bỏ qua các chính phủ và tìm kiếm đối tác làm ăn với mình, dù đối tác đó nằm ở bên kia đường hay bên kia đường biên giới quốc gia thì cũng thế. Các doanh nghiệp trong tam giác giữa Lyon (Pháp), Geneva (Thụy Sĩ) và Turin (Italy), làm nhiều việc với nhau hơn là với những trung tâm chính trị là Paris và Rome. Dominique Nouvellet, một nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu ở Lyon, nói: “Người dân đang nổi dậy chống lại các thủ đô vì đã kiểm soát quá nhiều đời sống của họ. Paris đầy các quan chức chính phủ, trong khi Lyon đầy các thương gia, những người muốn hất nhà nước ra khỏi cổ họ”. Còn có những khu kinh tế xuyên biên giới khác như Toulouse và Montpellier (Pháp) và Barcelona (Tây Ban Nha); Antwerp (Bỉ) và Rotterdam (Hà Lan); Maastricht (Hà Lan) với Liege (Bỉ) và Aachen (Đức). Chính phủ các nước và đường biên giới quốc gia là những trở ngại đối với quá trình làm ra của cải ở những khu vực này.
Nhiều khu vực đang chuẩn bị áp dụng giải pháp cũ cho vấn đề chính phủ quá diệu vợi và không thể nào kiểm soát được: ly khai. Những người nói tiếng Pháp ở Quebec đang vận động cho việc tách khỏi Canada. Số người dân ở British Columbia có tư tưởng như thế cũng đang gia tăng, họ cho rằng quan hệ thương mại của khu vực này với Seattle (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản) lớn hơn là quan hệ với Ottawa và Toronto. Lời kêu gọi của khu vực có tên là Lombard League (Italy) về việc miền bắc nước Ý có năng suất lao động cao hơn ly khai khỏi miền nam nghiện nhà nước phúc lợi và do mafia thống trị. Khả năng Scotland sẽ được chuyển giao thêm quyền lực hoặc thậm chí là độc lập đang tăng lên. Tan rã quốc gia cũng có thể là giải pháp cho một số vấn đề của châu Phi, biên giới quốc gia ở đây là do các cường quốc thực dân ít quan tâm đến bản sắc dân tộc hoặc mô hình kinh doanh truyền thống vẽ ra.
Ngay cả ở Mỹ, chúng ta cũng thấy nhiều người vận động cho việc ly khai hơn là trước đây. Năm 1993, đảo Staten bỏ phiếu ly khai với thành phố New York, nhưng các cơ quan lập pháp bang đã chặn đứng giải pháp này. Chín hạt ở phía tây bang Kansas đã có thỉnh nguyện thư gửi Quốc hội đề nghị được tách ra thành nhà nước riêng. Những nhà hoạt động xã hội cả hai miền bắc và miền nam California đề nghị bang khổng lồ này chia thành hai hoặc ba đơn vị dễ quản lý hơn. Khu vực San Fernando Valley trong phim American Graffiti nổi tiếng vì những lời yêu cầu đòi tách khỏi thành phố Los Angeles.
Một trong những bài học quan trọng nhất từ thành công của nền kinh tế Mỹ là một vùng có diện tích to lớn, để thương mại có thể hoạt động một cách tự do, nhưng chính quyền vẫn gần gũi với cộng đồng đến mức phải sống với quyết định của chính mình. Thụy Sĩ thậm chí có thể còn là ví dụ tốt hơn về lợi ích của thương mại tự do và phi tập quyền. Mặc dù chỉ có 7 triệu người, Thụy Sĩ có ba nhóm ngôn ngữ chính và những dân tộc với các nền văn hóa khác hẳn nhau. Nước này giải quyết vấn đề xung đột văn hóa bằng hệ thống phi tập quyền cao độ - hai mươi tổng và sáu bán-tổng, chịu trách nhiệm về hầu hết các vấn đề công cộng và một chính quyền trung ương có ít quyền lực, chỉ nắm vấn đề đối ngoại, chính sách tiền tệ và thực thi tuyên ngôn nhân quyền (bill of rights).
Một trong những ý tưởng quan trọng nhất mà ta có thể học được từ hệ thống của Thụy Sĩ là có thể giảm thiểu xung đột văn hóa bằng cách không cho chúng trở thành xung đột chính trị. Nghĩa là, càng đưa nhiều vấn đề trở về với đời sống cá nhân hay địa phương thì các nhóm văn hóa càng ít có nhu cầu chiến đấu vì tôn giáo, vì giáo dục, vì ngôn ngữ..v.v.. Tách nhà thờ ra khỏi nhà nước và thị trường tự do sẽ làm hạn chế số lượng những quyết định được đưa ra trong lĩnh vực công, do đó, sẽ làm giảm động cơ của các nhóm trong việc tranh giành quyền kiểm soát về mặt chính trị.
Người dân trên khắp thế giới bắt đầu nhận thức được lợi ích của chính phủ hạn chế và chế độ tự quản. Ngay cả một sinh viên từ nước Azerbaijan xa xôi cũng phát biểu trong một cuộc họp được tổ chức trong thời gian gần đây: “Các bạn của tôi và tôi nghĩ rằng liệu có thể giải quyết xung đột giữa Armenia và Azerbaijan không phải bằng cách dịch chuyển biên giới mà bằng cách làm cho đường biên không còn quan trọng – tức là bãi bỏ hộ chiếu và cho phép sở hữu tài sản và quyền làm việc trên cả hai bên biên giới?”
Tuy nhiên, những người theo phái trung ương tập quyền sẽ không dễ dàng bỏ cuộc. Ước muốn san bằng cách biệt giữa các vùng miền vẫn còn rất mạnh. Năm 1995, Tổng thống Clinton từng tuyên bố: “Là Tổng thống, tôi phải làm luật không chỉ phù hợp với người dân ở Arkansas và người dân ở Montana, mà phù hợp với toàn bộ đất nước này. Và đặc điểm tuyệt vời của đất nước này là sự đa dạng và sự khác biệt của nó, và làm cho sự đa dạng đó trở thành hài hòa là thách thức lớn đối với chúng tôi”. Một nhà báo của tờ Washington Post viết rằng Mỹ “rất cần ... một tiêu chuẩn giáo dục duy nhất, được thiết lập – còn ai vào đây nữa? - chính phủ liên bang”. Thống đốc bang Kentucky, Paul Patton nói rằng nếu chương trình giáo dục tiên tiến là có hiệu quả thì tất cả các trường học đều phải dùng, còn nếu không có hiệu quả thì không trường nào được dùng.
Nhưng tại sao? Tại sao không để cho các sở giáo dục địa phương quan sát những sở khác, sao chép những cách làm hiệu quả, và cải biến chúng cho phù hợp với hoàn cảnh của mình? Và tại sao Tổng thống Clinton lại thấy rằng nhiệm vụ của ông là làm cho nước Mỹ vô cùng đa dạng trở thành “hài hòa”? Tại sao không tận hưởng sự đa dạng đó? Vấn đề đối với những người theo thuyết trung ương tập quyền là họ không hiểu rằng, đa dạng có nghĩa là chấp nhận rằng những người khác nhau và địa phương khác nhau thì sẽ có những tình huống khác nhau và kết quả khác nhau. Câu hỏi mấu chốt là hệ thống trung ương hay hệ thống cạnh tranh sẽ tạo ra kết quả tốt hơn – nghĩa là đưa đến những giải pháp dù chưa hoàn hảo, nhưng cũng tốt hơn so với hệ thống kia. Những người theo phái tự do cá nhân khẳng định rằng, kinh nghiệm của chúng ta với hệ thống cạnh tranh - dù là cạnh tranh có nghĩa là dân chủ, chế độ liên bang, thị trường tự do, hay hệ thống cạnh tranh về mặt trí tuệ khốc liệt của phương Tây - cho thấy rằng hệ thống cạnh tranh có câu trả lời tốt hơn là hệ thống trung ương tập quyền, áp đặt, hoạt động theo nguyên tắc “mọi người đều đi cùng một cỡ giầy”.
Năm 1995, hai công ty là ITT và AT & T cùng tuyên bố rằng họ sẽ tự phân chia thành ba phần vì họ đã trở nên quá lớn và đa dạng, khó có thể quản lý một cách hiệu quả. ITT đã đạt doanh thu 25 tỷ USD một năm, còn doanh thu của AT & T là khoảng 75 tỷ USD. Nếu các nhà quản lý doanh nghiệp và các nhà đầu tư với những đồng tiền của chính họ còn không thể quản lý các doanh nghiệp với quy một như thế một cách hiệu quả, thì Quốc hội với 2 triệu quan chức liên bang có thể quản lý một cách hiệu qủa chính phủ với ngân sách là 1,6 ngàn tỷ USD hay không – chứ chưa nói quản lý nền kinh tế trị giá tới 6 ngàn tỷ USD?
(Còn nữa)
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.