[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 5: Tại sao lại cần chế độ dân chủ?

[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 5: Tại sao lại cần chế độ dân chủ?

Tại sao chúng ta phải ủng hộ chế độ dân chủ? Cụ thể hơn, tại sao chúng ta phải ủng hộ chế độ dân chủ trong việc cai trị nhà nước? Xin nhớ rằng nhà nước là một hiệp hội độc nhất vô nhị, chính phủ của nó có khả năng cực kì đặc biệt là dùng sức mạnh, cưỡng ép và bạo lực (cùng với những phương tiện khác) buộc người ta phải tuân thủ luật lệ của nó. Không có biện pháp cai trị tốt hơn hay sao? Hệ thống cai trị phi dân chủ có tốt hơn không?

Vài lời về từ ngữ

Trong chương này tôi sẽ sử dụng từ ngữ chế độ dân chủ một cách lỏng lẻo để nói về những chính phủ trên thực tế, chứ không phải chính phủ lí tưởng, tức là những chính phủ đáp ứng ở mức độ đáng kể những tiêu chí được liệt kê trong chương trước, nhưng dĩ nhiên là không đáp ứng một cách trọn vẹn. Đôi khi tôi còn sử dụng chính quyền nhân dân như thuật ngữ bao quát không chỉ những hệ thống dân chủ trong thế kỉ XX mà cả những hệ thống khác có tính chất dân chủ, trong đó một phần đáng kể người trưởng thành không được tham gia bỏ phiếu hay tham gia các hoạt động chính trị khác. 

 

 

Trước thế kỉ XX, phần lớn các nước trên thế giới, cả trong lí thuyết lẫn thực hành, đều công nhận tính ưu việt của những hệ thống phi dân chủ. Cho đến mãi thời gian gần đây, tuyệt đại đa số nhân loại – có những lúc là tất cả – đã phải khuất phục trước những kẻ cai trị phi dân chủ. Và những người đứng đầu các chế độ phi dân chủ thường tìm cách biện minh cho sự cai trị của họ bằng cách viện dẫn lời tuyên bố có từ thời thượng cổ và vẫn tồn tại dai dẳng rằng phần đông dân chúng không đủ khả năng tham gia vào việc quản lí nhà nước. Luận cứ này cho rằng đa số sẽ được lợi nếu dành việc cai trị phức tạp cho những người khôn ngoan hơn mình – nhiều nhất cũng chỉ là mấy người, mà có thể là chỉ là một người. Trên thực thế, lí lẽ này không thể thuyết phục được tất cả mọi người, vì vậy mà ở đâu lí lẽ rút lui thì ở đó cưỡng chế sẽ bước chân vào. Đa phần dân chúng chẳng bao giờ công khai chấp nhận để cho những kẻ tự phong là cấp trên cai trị, họ bị buộc phải làm như thế. Thậm chí hiện nay, quan điểm và thực hành cũ rích đó cũng chưa chết hẳn. Cuộc tranh luận về việc “một người, một ít người, hay nhiều người” cai trị, dưới dạng này hay dạng khác, vẫn đang đồng hành cùng chúng ta.

HÌNH 5. Tại sao lại cần chế độ dân chủ?

Chế độ dân chủ tạo ra những hậu quả đáng mong muốn:

  1. Tránh khỏi chính quyền chuyên chế
  2. Những quyền căn bản
  3. Quyền tự do nói chung
  4. Quyền tự quyết
  5. Tự chủ về mặt đạo đức
  6. Phát triển con người
  7. Bảo vệ những quyền cá nhân căn bản
  8. Bình đẳng về chính trị

          Ngoài ra, chế độ dân chủ hiện đại còn tạo ra:

  1. Quá trình tìm kiếm hoà bình
  2. Thịnh vượng

Trước một câu chuyện lịch sử dài dằng dặc như vậy, tại sao chúng ta lại tin rằng dân chủ là phương pháp cai trị quốc gia tốt hơn là bất cứ biện pháp thay thế phi dân chủ nào khác? Xin được liệt kê các lí do.

So với bất kì biện pháp cai trị thay thế nào khác, dân chủ có ít nhất mười lợi điểm (hình 5).

1. Dân chủ giúp ta ngăn chặn sự cai trị của những người chuyên chế ác độc và xấu xa.

Có lẽ vấn đề cơ bản và dai dẳng nhất trong chính trị là tránh chế độ chuyên chế. Suốt chiều dài lịch sử thành văn, trong đó có cả thời của chính chúng ta, các lãnh tụ thường bị chứng vĩ cuồng, chứng hoang tưởng, quyền lợi cá nhân, ý thức hệ, chủ nghĩa dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, niềm tin vào ưu thế bẩm sinh, hoặc thuần tuý là cảm xúc và xung động dẫn dắt, họ đã lợi dụng những khả năng đặc biệt của nhà nước trong việc cưỡng chế và bạo lực nhằm phục vụ cho những mục đích riêng. Số người chết do chế độ độc tài gây ra có thể sánh ngang với số người chết do dịch bệnh, nạn đói và chiến tranh.

Xin xem xét vài thí dụ từ thế kỉ XX. Dưới trào Joseph Stalin ở Liên Xô  (1929-1953), nhiều triệu người bị bỏ tù vì lí do chính trị, mà lại thường là do chứng hoang tưởng của Stalin về những âm mưu chống lại ông ta. Ước tính có khoảng hai mươi triệu người đã chết trong những trại cải tạo lao động, bị hành hình vì những lí do chính trị, chết vì nạn đói (1932-1933), trong thời gian Stalin buộc nông dân phải vào những nông trại do nhà nước quản lí. Mặc dù khoảng hai mươi triệu nạn nhân khác của chế độ Stalin có thể đã thoát chết, nhưng họ đã phải chịu nhiều đau khổ đau cùng cực[1]. Hay Adolf Hitler, nhà độc tài của nước Đức Quốc xã (1933-1945). Không kể hàng chục triệu người, cả quân sự lẫn dân sự, bị chết và bị thương trong Chiến tranh Thế giới II; Hitler phải chịu trách nhiệm trực tiếp về cái chết của sáu triệu người Do thái trong các trại tập trung cũng như vô số những người đối kháng, người Ba Lan, người Gypsy, người đồng tính, và những nhóm sắc tộc khác mà ông muốn xóa sổ. Dưới chính quyền chuyên chế của Pol Pot ở Cambodia (1975-1979), Khmer Đỏ giết một phần tư dân số Cambodia: có thể nói đây là vụ diệt chủng do những người cùng sắc tộc gây ra với chính đồng bào của mình. Nỗi sợ của Pol Pot trước những tầng lớp có học lớn đến nỗi họ gần như bị xóa sổ hoàn toàn: đeo kính hay bàn tay không có chai đồng nghĩa với án tử hình.

Chắc chắn là lịch sử của chính quyền nhân dân không phải không có những vết nhơ của nó. Tương tự như tất cả các chính quyền khác, đôi khi chính quyền nhân dân cũng có những hành động bất công hoặc độc ác đối với những người sống bên ngoài biên giới của họ, những người sống trong các nước khác – người nước ngoài, dân thuộc địa..v.v.. Về mặt này, chính quyền nhân dân đối xử với người bên ngoài không tệ hơn chính quyền phi dân chủ, thường thì họ khá hơn. Trong một số trường hợp, thí dụ như ở Ấn độ, chính quyền thực dân đã có đóng góp một cách tình cờ hoặc có chủ ý vào việc tạo ra niềm tin vào các định chế dân chủ. Nhưng chúng ta không được bỏ qua những bất công mà những nước dân chủ thường làm với những người bên ngoài, bởi vì hành động như vậy là họ đi ngược lại nguyên lí đạo đức cơ bản, tức là nguyên lí biện minh cho quyền bình đẳng về mặt chính trị giữa các công dân trong chế độ dân chủ, như chúng ta sẽ thấy trong chương sau. Đạo luật phổ quát về nhân quyền, được thực thi một cách hiệu quả trên toàn thế giới, có thể là giải pháp duy nhất đối với mâu thuẫn này. Vấn đề cũng như giải pháp của nó đều là những đề tài quan trong, nhưng chúng không nằm trong phạm vi thảo luận của cuốn sách mỏng này.

Thách thức trực tiếp hơn đối với những ý tưởng và thực hành dân chủ là những tổn hại do chính quyền nhân dân gây ra cho những người sống dưới quyền tài phán của họ và buộc phải tuân thủ luật pháp của nhà nước nhưng không được quyền tham gia vào quá trình quản lí quốc gia. Đây là những người bị cai quản chứ không được cai quản. May thay, giải pháp cho vấn đề này là hiển nhiên, nhưng không phải lúc nào cũng dễ thực hiện: mở rộng quyền dân chủ đến thành viên của những nhóm bị đẩy ra ngoài. Trên thực thế, giải pháp đã được áp dụng một cách rộng rãi trong thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, đấy là khi những hạn chế trước đây về quyền phổ thông đầu phiếu bị bãi bỏ và quyền phổ thông đầu phiếu cho người trưởng thành trở thành tiêu chuẩn của chính quyền dân chủ[2].

Từ từ đã! Bạn có thể nói như thế. Chẳng lẽ các chính phủ dân chủ lại không thể gây thiệt hại cho thiểu số công dân có quyền bỏ phiếu nhưng bị những đa số đánh bại trong cuộc bỏ phiếu ư? Đây chẳng phải là cái mà chúng ta gọi là “sự độc tài của đa số” hay sao?

Tôi muốn có một câu trả lời đơn giản. Chao ôi! Nó phức tạp hơn là bạn có thể tưởng. Phức tạp bởi vì hầu như tất cả các điều luật và chính sách công, dù là do đa số dân chủ hay một thiểu số đầu sỏ hoặc một nhà độc tài tốt bụng thông qua, thì bao giờ nó cũng làm cho một số người nào đó bị thiệt hại. Nói một cách đơn giản, vấn đề không phải là liệu chính phủ có thể thiết kế tất cả các đạo luật mà không cái nào, không bao giờ, gây tổn thất cho quyền lợi của bất cứ công dân nào hay không. Không một chính phủ nào, thậm chí ngay cả một chính phủ dân chủ, có thể ủng hộ một lời tuyên bố như thế. Vấn đề là liệu trong dài hạn tiến trình dân chủ có gây ra ít thiệt hại đối với những quyền cơ bản và lợi ích của các công dân hơn những lựa chọn thay thế phi dân chủ khác hay không mà thôi. Chỉ cần các chính phủ dân chủ ngăn chặn không để các chế độ chuyên chế chuyên ngược đãi người dân, không để họ nắm được quyền cai trị, thì họ đã đáp ứng được đòi hỏi này tốt hơn là các chính phủ phi dân chủ rồi.

Nhưng chính vì các chế độ dân chủ không bạo ngược như những chế độ phi dân chủ mà công dân các nước dân chủ càng không nên tự mãn. Chúng ta không thể biện hộ cho những tội ác nhỏ bởi vì có những kẻ phạm những tội ác lớn hơn. Ngay cả khi đã tuân thủ những thủ tục mang tính dân chủ nhưng đất nước dân chủ vẫn gây ra bất công thì kết quả vẫn là… bất công. Quyền lực của đa số không làm cho đa số thành có lí[3].

Mặc dù vậy, còn có những lí do khác nữa để ta có thể tin rằng các chế độ dân chủ dường như dễ trở thành công chính hơn và có thái độ tôn trọng những quyền lợi căn bản của con người hơn là những chế độ phi dân chủ.

2. Chế độ dân chủ bảo đảm cho công dân của nó một số quyền căn bản mà các hệ thống phi dân chủ không và không thể nào bảo đảm được.

Chế độ dân chủ không chỉ là phương pháp cai trị. Bởi vì các quyền là những thành tố thiết yếu trong các định chế chính trị dân chủ, cho nên chế độ dân chủ vốn là hệ thống các quyền. Các quyền nằm trong số những vật liệu xây dựng chủ yếu của phương pháp cai trị một cách dân chủ.

Xin dừng lại để xem xét những tiêu chuẩn dân chủ được mô tả trong chương trước. Chẳng phải đương nhiên là muốn thoả mãn những tiêu chuẩn này thì hệ thống chính trị nhất định phải bảo đảm cho các công dân của nó một số quyền nhất định hay sao? Lấy thí dụ tham gia một cách hiệu quả: muốn đáp ứng tiêu chuẩn này thì các công dân của nó nhất định phải có quyền tham gia và quyền thể hiện quan điểm của mình về những vấn đề chính trị, nghe các công dân khác nói, thảo luận những vấn đề chính trị với những công dân khác hay sao? Hay xem xét điều mà tiêu chí về sự bình đẳng trong việc bỏ phiếu đòi hỏi: tất cả các công dân đều phải có quyền bỏ phiếu và lá phiếu của họ phải được được kiểm đếm một cách trung thực. Tương tự như thế với những tiêu chuẩn dân chủ khác: rõ ràng là công dân phải có quyền nghiên cứu những phương lựa chọn khác, quyền tham gia trong việc quyết định những vấn đề và cách đưa những vấn đề đó vào chương trình nghị sự..v.v..

 

Theo định nghĩa, không một hệ thống phi dân chủ nào cho phép các công dân (hoặc các thần dân) nhiều quyền chính trị đến như thế. Bất cứ hệ thống chính trị nào chịu làm như thế, thì theo định nghĩa nó sẽ trở thành chế độ dân chủ!

Nhưng sự khác biệt không chỉ là vấn đề định nghĩa. Muốn đáp ứng được những yêu cầu của chế độ dân chủ thì công dân phải thực sự được hưởng những quyền thuộc về bản chất của nó. Hứa hẹn những quyền dân chủ trong sách vở, trong luật pháp, thậm chí ngay cả trong hiến pháp chưa phải là đủ. Các quyền này phải được đem ra thi hành một cách hữu hiệu và công dân phải được hưởng những quyền đó trên thực tế. Nếu không làm được như thế, thì hệ thống chính trị ở mức độ nào đó là không dân chủ dù những kẻ cai trị có tuyên bố thế nào thì cũng vậy mà thôi, và những biểu hiện bên ngoài về “dân chủ” cũng chỉ là vẻ ngoài giải dối, che đậy cho chính quyền phi dân chủ.

Vì các tư tưởng dân chủ có sức hấp dẫn như thế cho nên trong thế kỉ XX những nhà cầm quyền chuyên chế thường khoác cho chính quyền của họ vẻ ngoài của chế độ “dân chủ” và những cuộc “bầu cử”. Nhưng xin hãy tưởng tượng rằng các công dân trong đất nước đó thực sự được hưởng tất những quyền không thể thiếu đối với chế độ dân chủ. Khi ấy có thể nói đất nước đó thực hiện xong quá trình chuyển tiếp sang chế độ dân chủ – như thường xảy ra trong suốt nửa sau của thế kỉ XX.

Ở đây, bạn có thể muốn phản đối bằng cách nói rằng, thí dụ, sẽ không có tự do ngôn luận chỉ vì nó là một phần của chính định nghĩa về chế độ dân chủ. Ai quan tâm tới các định nghĩa? Mối liên kết phải là cái gì đó chặt chẽ hơn là định nghĩa, chắc chắn bạn sẽ nói như thế. Và dĩ nhiên là bạn có lí. Chế độ dân chủ cần phải có các định chế bảo đảm cho và bảo vệ được các quyền và cơ hội dân chủ cơ bản: để cho chế độ dân chủ tồn tại được thì đấy không chỉ là điều kiện cần thiết về mặt lí luận mà còn là điều kiện cần thiết về mặt kinh nghiệm nữa.

Mặc dù vậy, bạn có thể hỏi, cái này phải chăng chỉ là lí thuyết suông, những khái niệm, những trò chơi của các lí thuyết gia, triết gia và các nhà trí thức khác? Chắc chắn là bạn có thể nói thêm rằng chỉ có người ngu mới nghĩ rằng chỉ cần một vài triết gia ủng hộ là có thể tạo ra và giữ vững được chế độ dân chủ. Và tất nhiên là bạn có lí. Trong phần 4, chúng ta sẽ khảo sát một số điều kiện làm gia tăng những cơ hội duy trì chế độ dân chủ. Trong số đó có việc nhiều công dân và các nhà lãnh đạo tin tưởng vào chế độ dân chủ, bao gồm cả niềm tin vào các quyền và cơ hội cần thiết cho chế độ dân chủ.

May là, đòi hỏi về những quyền và cơ hội dân chủ không mơ hồ đến mức vượt xa sự hiểu biết của những người công dân bình thường và những nhà lãnh đạo chính trị của họ. Thí dụ như cuối thế kỉ XVIII, đối với những người Mĩ bình thường thì hiển nhiên là họ hiểu rằng không thể có chế độ cộng hoà dân chủ nếu không có quyền tự do thể hiện. Một trong những hành động đầu tiên của Thomas Jefferson sau khi ông đắc cử tổng thống vào năm 1800 là hủy bỏ những Đạo luật Ngoại kiều và Phản loạn (Alien and Sedition Acts) đầy tai tiếng, được ban hành dưới thời vị tiền nhiệm là John Adams, tức là những đạo luật có thể đã dập tắt mọi biểu hiện về mặt chính trị. Làm như thế, Jefferson không chỉ hành động phù hợp với niềm tin của chính ông mà dường như còn phù hợp những quan điểm thịnh hành trong những người Mĩ bình thường thời ông nữa. Nếu và khi nhiều công dân không hiểu rằng chế độ dân chủ đòi hỏi một số quyền cơ bản nhất định, hoặc không ủng hộ những định chế chính trị, hành chính, và tư pháp làm nhiệm vụ bảo vệ những quyền này, thì lúc ấy chế độ dân chủ của họ sẽ bị đe dọa.

May là, mối đe dọa này đã bị lợi ích thứ ba của hệ thống dân chủ hạn chế được một phần.

3. Chế độ dân chủ bảo đảm cho các công dân của nó nhiều quyền tự do cá nhân hơn bất cứ sự lựa chọn khả dĩ nào khác.

Bên cạnh tất cả những quyền, quyền tự do và những cơ hội cực kì cần thiết để chính quyền trở thành dân chủ, chắc chắn là công dân trong chế độ dân chủ còn được hưởng nhiều quyền tự do hơn nữa. Niềm tin vào sự đáng mong muốn của chế độ dân chủ không tách rời với những niềm tin khác. Đối với đa số người nó là một phần của một loạt niềm tin. Trong đó có, thí dụ, tin rằng quyền tự do thể hiện tự thân nó đã là đáng mong muốn rồi. Dân chủ có địa vị then chốt trong muôn vàn giá trị hay đồ vật. Nhưng nó không phải là điều đáng mong muốn duy nhất. Tương tự như các quyền cần thiết khác đối với tiến trình dân chủ, quyền tự do thể hiện có giá trị của riêng của nó bởi vì nó là phương tiện cho sự tự chủ về mặt đạo đức, đánh giá về mặt đạo đức và một đời sống tốt lành.

Hơn nữa, chế độ dân chủ không thể tồn tại được lâu nếu các công dân của nó không biết cách tạo ra và giữ vững nền văn hoá chính trị ủng hộ cho những lí tưởng và thực hành dân chủ; nói cho ngay, phải tạo ra và giữ được nền văn hoá ủng hộ cho những lí tưởng và thực hành dân chủ. Giữa hệ thống chính quyền dân chủ và nền văn hoá dân chủ ủng hộ nó có mối quan hệ phức phức hợp và chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong chương 12. Ở đây chỉ cần nói rằng nền văn hoá dân chủ chắc chắn sẽ khẳng định giá trị của quyền tự do cá nhân và như vậy là nó ủng hộ cho các quyền và quyền tự do khác. Điều mà ông Pericles, một chính khách Hi Lạp, nói về chế độ dân chủ Athens vào năm 431 trước Công nguyên, cũng phù hợp với chế độ dân chủ hiện đại: “Quyền tự do mà chúng ta được hưởng trong quá trình quản lí đã lan sang đời sống hàng ngày của chúng ta.”[4]

Chắc chắn là điều khẳng định rằng nhà nước dân chủ cung cấp cho người ta nhiều quyền tự do hơn bất cứ sự lựa chọn thay thế khả dĩ nào khác sẽ bị thách thức bởi những người tin rằng chúng ta sẽ được tự do hơn nhiều nếu không còn nhà nước nữa: đây là tuyên bố táo bạo của những người theo chủ nghĩa vô chính phủ[5]. Nhưng nếu bạn thử tưởng tượng một thế giới hoàn toàn không còn nhà nước; một thế giới, nơi mà mọi người tôn trọng những quyền căn bản của tất cả những người khác và mọi vấn đề đòi hỏi phải có quyết định tập thể đều được giải quyết một cách hoà bình bằng nhất trí thoả thuận, thì chắc chắn là bạn, cũng như đa số người khác, đều kết luận rằng đấy là điều bất khả thi. Lúc đó có nhiều khả năng là một số người sẽ bị một số người khác hoặc bị các nhóm người hay các tổ chức cưỡng bức: thí dụ, đấy là những người, những nhóm, hoặc những tổ chức có ý định cướp đoạt thành quả lao động của người khác, buộc những người yếu hơn phải làm nô lệ cho mình hay tìm cách thống trị họ, áp đặt luật lệ của mình cho người khác, hoặc là tái lập nhà nước bạo ngược nhằm duy trì quyền cai trị của mình. Nhưng nếu việc thủ tiêu nhà nước sẽ sinh ra những vụ bạo động và rối loạn không thể chịu nổi – tức là sinh ra hiện tượng “vô chính phủ” theo nghĩa mà mọi người vẫn hiểu  – thì một nhà nước tốt sẽ ưu việt hơn so với nhà nước tồi tệ có nhiều khả năng sẽ xuất hiện sau hiện tượng vô chính phủ vừa nói.

Nếu chúng ta bác bỏ chủ nghĩa vô chính phủ và thừa nhận nhu cầu phải có nhà nước, thì nhà nước với chính quyền dân chủ sẽ tạo cho người ta nhiều quyền tự do hơn bất kì nhà nước nào khác.

4. Chế độ dân chủ giúp người ta bảo vệ những quyền lợi căn bản của chính mình.

Mọi người, hoặc gần như tất cả mọi người, đều muốn một số thứ nhất định: sống, thức ăn, nơi ở, sức khoẻ, tình thương, sự tôn trọng, an ninh, gia đình, bạn bè, việc làm thoả mãn, nghỉ ngơi và những thứ khác. Nhu cầu đặc thù của bạn có lẽ sẽ khác với nhu cầu đặc thù của người khác khác. Tương tự như đa phần dân chúng, chắc chắn là bạn muốn kiểm soát ở mức độ nào đó những tác nhân quyết định việc bạn có thể thỏa mãn được nhu cầu của mình hay không và thỏa mãn đến mức nào – quyền tự do lựa chọn, cơ hội định hướng cuộc sống phù hợp với những mục tiêu của mình, sở thích, thị hiếu, giá trị, cam kết và niềm tin. Chế độ dân chủ là chế độ bảo vệ quyền tự do và cơ hội của bạn tốt hơn so với tất cả các hệ thống chính trị đã từng được con người phát minh ra. Không ai lập luận vững chắc hơn là John Stuart Mill.

Ông viết: Một nguyên tắc “của tính chân lí phổ quát và tính có thể áp dụng được, cũng như của các đề xuất tổng quát bất kì thể đặt vào trong mối quan hệ với các hoạt động của con người…là các quyền và lợi ích của mỗi các nhân bất kì chỉ được an toàn không bị coi thường khi bản thân cá nhân ấy có khả năng và có ý định đương dầu bảo vệ chúng …. Con người chỉ an toàn khỏi bà tay gây ác của kẻ khác theo một với việc họ có quyền lực để tự bảo vệ mình”. Ông nói tiếp, bạn chỉ có thể bảo vệ được các quyền và lợi ích của mình khỏi sự lạm dụng của chính quyền, và những kẻ có thế lực hoặc những kể kiểm soát chính quyền, khi bạn có thể tham gia một cách trọn vẹn vào quá trình quyết định cách hành xử của chính quyền. Ông kết luận: Vì vậy “không có gì đáng mong muốn hơn là cho mọi người cùng chia sẻ chủ quyền của nhà nước,” tức là, một chính quyền dân chủ[6].

Chắc chắn là Mill nói đúng. Bảo đảm là cho dù bạn nằm trong danh sách cử tri đoàn của một nhà nước dân chủ, bạn cũng không thể tin chắc rằng tất cả quyền lợi của bạn đều sẽ được bảo vệ một cách đầy đủ; nhưng nếu bạn bị gạt ra khỏi danh sách cử tri đoàn thì bạn có thể tin rằng quyền lợi của mình sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng vì người ta bỏ qua hoặc cố tình làm hại. Có tên trong danh sách tốt hơn là bị gạt ra!

Dân chủ còn có mối quan hệ độc đáo đối với tự do theo cách khác nữa.

5. Chỉ có chính quyền dân chủ mới có thể cung cấp cho người ta cơ hội tối đa nhằm thực hiện quyền tự quyết – tức là sống theo những đạo luật do chính họ lựa chọn.

Không một người bình thường nào có thể có một cuộc sống thoả mãn nếu không hợp quần với những người khác. Nhưng hợp quần với người khác cũng có giá của nó: không phải lúc nào bạn cũng được làm những gì bạn thích. Bỏ thời thơ ấu lại sau là lúc bạn đã học được một sự kiện căn bản của đời sống: cái bạn thích làm đôi khi mâu thuẫn với cái mà người khác thích làm. Bạn cũng biết rằng nhóm hoặc những nhóm mà bạn muốn trở thành thành viên có một số những quy tắc hoặc thói quen nhất định mà như một thành viên, bạn cũng sẽ phải tuân thủ. Hậu quả là, nếu bạn không thể áp đặt ước muốn của bạn bằng sức mạnh thì phải tìm cách giải giải quyết những khác biệt của các bạn một cách hoà bình, có lẽ bằng thoả thuận.

Nhưng lại nảy sinh câu hỏi, quá rắc rối cả trong lí thuyết lẫn thực hành. Làm sao bạn có thể lựa chọn được những luật lệ mà nhóm của bạn buộc bạn phải theo? Vì chỉ nhà nước mới có quyền dùng áp lực để buộc người ta phải thi hành luật lệ của nó, câu hỏi đó có liên quan trực tiếp đến địa vị công dân (hay thần dân) của bạn. Làm sao bạn vừa được tự do lựa chọn luật lệ mà nhà nước sẽ buộc người ta phải tuân thủ và sau khi đã chọn rồi thì không được quyền tự do không tuân thủ chúng nữa?

Nếu bạn và đồng bào của bạn luôn luôn thoả thuận được với nhau thì giải pháp sẽ là dễ dàng: tất cả mọi người đều đồng ý thông qua luật lệ. Nói cho ngay, trong trường hợp đó có thể các bạn sẽ không cần luật lệ nữa, luật lệ sẽ chỉ còn như một lời nhắc nhở; tuân thủ luật lệ là bạn đang tuân thủ chính mình. Trên thực tế sẽ không còn vấn đề gì nữa và sự hoà hài hoàn hảo giữa bạn và đồng bào của mình sẽ làm cho giấc mơ của chủ nghĩa vô chính phủ trở thành hiện thực. Nhưng than ôi! Kinh nghiệm chỉ ra rằng sự nhất trí thực sự, không cần áp lực và kéo dài là chuyện hiếm khi xảy ra trong công việc của loài người; sự đồng thuận hoàn toàn và kéo dài là mục tiêu không thể nào đạt được. Cho nên câu hỏi khó khăn của chúng ta vẫn còn đó.

Nếu chúng ta không thể hi vọng được sống hoàn toàn hài hòa với tất cả đồng bào của mình thì chúng ta có thể cố gắng tạo ra qui trình quyết định quy tắc và luật lệ có thể thoả mãn một số tiêu chí nhất định.

  • Qui trình này bảo đảm rằng trước khi đạo luật có hiệu lực, bạn và tất cả các công dân khác đều có cơ hội trình bày quan điểm của mình.
  • Bạn được bảo đảm cơ hội thảo luận, cân nhắc, thương lượng, thoả hiệp và trong trường hợp tốt đẹp nhất có thể tìm được luật lệ mà mọi người đều thấy là thoả đáng.
  • Trường hợp dễ xảy ra hơn, đấy là khi không thể tìm được đồng thuận một trăm phần trăm, thì dự luật nào được nhiều người ủng hộ nhất sẽ trở thành có hiệu lực.

Bạn sẽ nhận thấy rằng những tiêu chí này là thành phần của tiến trình dân chủ lí tưởng được mô tả trong chương trước. Mặc dù tiến trình này không thể bảo đảm rằng tất cả mọi thành viên đều thực sự sống trong những luật lệ do chính họ lựa chọn, nhưng nó mở rộng tối đa quyền tự quyết. Ngay cả khi bạn ở trong nhóm người bị thua phiếu và sự chọn lựa mà bạn ưa thích bị đa số đồng bào của bạn bác bỏ, bạn vẫn tin rằng đây là tiến trình công bằng hơn bất cứ tiến trình nào khác mà bạn có thể hi vọng.

6. Chỉ có chính quyền dân chủ mới có thể cung cung cấp cho người ta cơ hội tối đa trong việc thực thi trách nhiệm đạo đức.

Thực thi trách nhiệm đạo đức nghĩa là gì? Theo tôi nó có nghĩa là bạn có những nguyên tắc đạo đức của mình và bạn đưa ra những quyết định tuỳ thuộc vào những nguyên tắc đó, sau khi bạn đã suy nghĩ kĩ, đã cân nhắc, đã kiểm tra kĩ lưỡng và xem xét những lựa chọn thay thế và hậu quả của chúng. Muốn có trách nhiệm về mặt đạo đức thì bạn phải có quyền tự quản trong những lựa chọn có liên quan đến lĩnh vực đạo đức.

Điều này đòi hỏi nhiều hơn là hầu hết chúng ta có thể hi vọng đáp ứng trong phần lớn cuộc đời của mình. Nhưng cơ hội để bạn sống trong những bộ luật do chính bạn lựa chọn mở rộng đến mức nào thì trách nhiệm đạo đức của bạn cũng chỉ mở rộng tới mức đó mà thôi. Làm sao bạn có thể chịu trách nhiệm về những quyết định mà bạn không thể kiểm soát? Nếu bạn không thể ảnh hưởng đến hành vi của các viên chức chính quyền, thì làm sao bạn có thể chịu trách nhiệm về hành vi của của họ? Nếu bạn là đối tượng điều chỉnh của những quyết định tập thể - chắc chắn là có lúc bạn rơi vào tình trạng như thế - và nếu tiến trình dân chủ tối đa hoá cơ hội để bạn sống trong những đạo luật do chính bạn lựa chọn - ở mức độ mà không chế độ phi dân chủ nào có thể đạt được – thì nó cũng tạo điều kiện bạn hành động như một người có trách nhiệm về mặt đạo đức.

7. Chế độ dân chủ thúc đẩy sự phát triển con người một cách đầy đủ hơn là bất cứ lực chọn khả dĩ nào khác.

Đây là tuyên bố táo bạo và gây tranh cãi nhiều hơn là bất cứ tuyên bố nào khác. Bạn sẽ thấy đây là một lời khẳng định manh tính kinh nghiệm chủ nghĩa, một lời tuyên bố gắn bó với các sự kiện. Về nguyên tắc, chúng ta có thể kiểm nghiệm lời tuyên bố này bằng cách tìm ra biện pháp đo lường “sự phát triển của con người” và so sánh sự phát triển của con người sống trong các chế độ dân chủ và các chế độ phi dân chủ. Nhưng đây là nhiệm vụ cực kì khó. Kết quả là, mặc dù có những bằng chứng ủng hộ tuyên bố này, có lẽ chúng ta phải coi đấy là một lời khẳng định đáng tin nhưng không thể chứng minh được.

Dường như bất cứ ai cũng có suy nghĩ về những phẩm chất của con người mà họ cho là đáng hoặc không đáng ao ước, suy nghĩ về những phẩm chất cần được phát triển nếu là đáng ao ước và nên bị ngăn chặn nếu là không đáng ao ước. Trong số những phẩm chất đáng ao ước mà phần lớn chúng ta muốn khuyến khích là tính lương thiện, công bằng, lòng dũng cảm và tình yêu thương. Nhiều người trong chúng ta còn tin rằng người trưởng thành phát triển trọn vẹn phải có khả năng tự chăm lo lấy mình, phải có khả năng hành động để bảo vệ những lợi ích của mình chứ không chỉ dựa dẫm vào người khác. Người trưởng thành phải hành động một cách có trách nhiệm, phải cân nhắc những đường lối hành động khác nhau một cách tốt nhất trong khả năng của mình, phải xem xét hậu quả, và phải quan tâm tới quyền lợi và nghĩa vụ của người khác cũng như của chính mình; đấy đều là những phẩm chất mà nhiều người trong chúng ta coi là đáng mong ước. Và họ phải có khả năng tham gia vào những cuộc thảo luận tự do và cởi mở với những khác về những vấn đề mà họ cùng đối mặt.

Khi mới ra đời, hầu như tất cả mọi người đều có tiềm năng phát triển những phẩm tính này. Họ có thực sự phát triển được chúng hay không và phát triển tới mức nào tuỳ thuộc vào nhiều hoàn cảnh, trong đó có bản chất của hệ thống chính trị mà người đó sống. Chỉ có những hệ thống dân chủ mới có những điều kiện để những phẩm chất mà tôi vừa nhắc tới bên có cơ hội phát triển một cách trọn vẹn mà thôi. Tất cả những chế độ khác đều thu hẹp – nhiều khi là thu hẹp một cách đáng kể - khả năng của người trưởng thành trong việc hành động nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình, xem xét quyền lợi của người khác, chịu trách nhiệm về những quyết định quan trọng, và cùng với những người khác tham gia một cách tự do vào việc tìm kiếm quyết định tốt nhất. Chính phủ dân chủ chưa phải là điều kiện đủ để bảo đảm rằng người ta sẽ phát triển những phẩm chất này, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết.

8. Chỉ có chính quyền dân chủ mới có thể khuyến khích quyền bình đẳng chính trị ở mức độ tương đối cao.

Một trong những lí do quan trọng nhất làm người ta thích chính quyền dân chủ hơn là nó có thể tiến tới mức độ bình đẳng chính trị giữa các công dân cao hơn bất kì lựa chọn khả thi nào khác. Nhưng tại sao chúng ta lại đánh gia cao quyền bình đẳng chính trị? Bởi vì câu trả lời không phải là hiển nhiên; trong hai chương sau, tôi sẽ giải thích tại sao quyền bình đẳng chính trị là đáng mong ước, và tại sao chúng ta nhất định sẽ chấp nhận nó nếu chúng ta chấp nhận vài giả thiết hữu lí mà có lẽ là đa số chúng ta tin tưởng. Tôi cũng sẽ chứng minh rằng nếu chúng ta chấp nhận quyền bình đẳng chính trị thì chúng ta phải đưa thêm vào tiêu chí dân chủ thứ năm trong hình 4.

Những lợi ích của chế độ dân chủ mà tôi đã thảo luận có xu hướng áp dụng cho các nền dân chủ trong quá khứ và hiện tại. Nhưng, như chúng ta đã thấy trong chương 2, một số những định chế chính trị của các hệ thống dân chủ vốn quen thuộc với chúng ta là sản phẩm của những thế kỉ gần đây; thực vậy, một trong các định chế đó, quyền phổ thông đầu phiếu của người trưởng thành là sản phẩm của thế kỉ XX. Những hệ thống đại diện hiện đại với quyền phổ thông đầu phiếu của những người trưởng thành dường như còn có hai lợi thế nữa mà tất cả các chế độ dân chủ và nhà nước cộng hoà trước đây không nhất thiết là đã có.

9. Các chế độ dân chủ đại diện hiện đại không gây chiến với nhau.

Ít người dự đoán hay chờ đợi lợi thế đặc biệt này của các chính phủ dân chủ. Nhưng vào thập niên cuối cùng của thế kỉ XX, chứng cứ đã trở thành khó mà bác bỏ được. Từ năm 1945 đến năm 1989 đã xảy ra ba mươi tư cuộc chiến tranh quốc tế, nhưng giữa các nước dân chủ không xảy ra bất kì cuộc chiến tranh nào. Hơn thế nữa, “ít người nghĩ rằng giữa những nước này sẽ xảy ra chiến tranh hay đang chuẩn bị chiến tranh với nhau”[7]. Nhận xét này thậm chí còn đúng cho cả giai đoạn trước năm 1945 nữa. Lùi về thế kỉ thứ XIX, những nước với các chính phủ đại diện và các định chế dân chủ khác, nơi phần lớn đàn ông có quyền bầu cử, cũng không gây chiến với nhau.

Tất nhiên là các chính phủ dân chủ hiện đại đã chiến đấu với các nước phi dân chủ, như họ đã làm trong các Thế chiến I và Thế chiến II. Họ cũng đã dùng sức mạnh quân sự để áp đặt chế độ thực dân cho nhân dân các nước bị chinh phục. Đôi khi họ còn can thiệp vào đời sống chính trị của các nước khác, thậm chí họ còn làm suy yếu hoặc giúp đỡ trong việc lật đổ chính phủ yếu kém. Thí dụ, cho đến những năm 1980, Mĩ đã có thành tích rất xấu trong việc hỗ trợ các chế độ độc tài quân phiệt ở châu Mĩ Latin; năm 1954 Mĩ từng đóng vai trò công cụ trong cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ chính quyền Guatemala vừa mới được bầu lên.

Tuy vậy, sự kiện nổi bật là các chế độ dân chủ đại diện hiện đại không gây chiến với nhau. Lí do thì không hoàn toàn rõ ràng. Có khả năng là gia tăng buôn bán giữa các chế độ dân chủ hiện đại đã hướng họ tới tình hữu nghị chứ không phải chiến tranh[8]. Nhưng nói rằng công dân và các nhà lãnh đạo các nước dân chủ học được nghệ thuật thoả hiệp thì cũng đúng. Ngoài ra, họ có xu hướng coi nhân dân ở những nước dân chủ khác là những người không đe dọa họ như trước đây nữa, là những người giống họ hơn, đáng tin cậy hơn. Cuối cùng, thực tiễn và lịch sử của những cuộc thương thuyết hoà bình, hiệp ước, liên minh, và công cuộc phòng thủ chung nhằm chống lại những kẻ thù phi dân chủ đã củng cố khuynh hướng tìm kiếm hoà bình chứ không phải là chiến tranh.

Như vậy là, thế giới dân chủ hơn cũng có thể là thế giới hoà bình hơn.

  1. Những nước dân chủ có xu hướng thịnh vượng hơn những nước phi dân chủ.

Cho đến cách đây hai thế kỉ, các triết gia chuyên về lĩnh vực chính trị thường cho rằng chế độ dân chủ là chính quyền thích hợp nhất đối với những dân tộc cần kiệm: trước đó người ta vẫn nghĩ rằng sự sung túc là một dấu hiệu của các chế độ quý tộc, quả đầu, và quân chủ, chứ không phải là của chế độ dân chủ. Nhưng kinh nghiệm của các thế kỉ XIX và XX lại chứng tỏ hoàn toàn ngược lại. Các chế độ dân chủ thì sung túc, so với họ thì  các chế độ phi dân chủ nói chung đều nghèo nàn.

Mối liên quan giữa sự sung túc và chế độ dân chủ là đặc điểm nổi bật trong nửa sau thế kỉ XX. Nguyên nhân một phần là do sự tương đồng giữa chế độ dân chủ đại diện và nền kinh tế thị trường, trong đó phần lớn các thị trường đều không bị quản lí một cách khắt khe, công nhân được quyền tự do di chuyển từ nơi này hay công việc này đến nơi khác hoặc công việc khác, các xí nghiệp tư nhân được cạnh tranh trong việc bán hàng và tìm kiếm nguồn lực, còn người tiêu dùng thì có thể lựa chọn hàng hóa và dịch vụ được cung cấp bởi những người bán hàng đang cạnh tranh với nhau. Cuối thể kỉ XX, mặc dù không phải tất cả những nước có nền kinh tế thị trường đều là những nước dân chủ, nhưng tất cả những nước có hệ thống chính trị dân chủ đều là những nước có nền kinh tế thị trường.

Trong hai thế kỉ vừa qua, nói chung, nền kinh tế thị trường đã sản xuất được nhiều của cải hơn bất cứ thể chế kinh tế thay thế nào khác. Như vậy là, trí tuệ của cổ nhân đã bị đảo lộn hoàn toàn. Bởi vì tất cả những nước dân chủ hiện đại đều có nền kinh tế thị trường, và những nước có nền kinh tế thị trường thì có nhiều khả năng là sẽ thịnh vượng, cho nên những nước dân chủ hiện đại cũng có nhiều khả năng trở thành giàu có.

So với những hệ thống phi dân chủ thì chế độ dân chủ còn có một số lợi thế kinh tế khác nữa. Thứ nhất, các nước dân chủ thúc đẩy nền giáo dục cho dân chúng; và lực lượng lao động có học thì có nhiều đóng cho sự cải tiến và tăng trưởng kinh tế hơn là những người ít học. Ngoài ra, các nước dân chủ thường có chế độ pháp quyền ổn định hơn; toà án độc lập hơn, quyền sở hữu được bảo đảm hơn, thoả thuận hợp đồng được thực thi một cách hữu hiệu hơn; và nhà nước và các chính khách khó có cơ hội can thiệp một cách tùy tiện vào hoạt động kinh tế hơn. Cuối cùng, các nền kinh tế hiện đại phụ thuộc vào giao thông liên lạc, và trong các nước dân chủ những rào cản đối với giao thông liên lạc thường thấp hơn nhiều, đấy là nói so với những nước phi dân chủ. Việc tìm kiếm và trao đổi thông tin diễn ra dễ dàng hơn, và không nguy hiểm như trong hầu hết các chế độ phi dân chủ.

Tóm lại, dù có vài ngoại lệ đáng ghi nhận ở cả hai bên, nói chung các nước dân chủ hiện đại thường tạo ra môi trường thuận lợi hơn, giúp người dân giành được những lợi thế của nền kinh tế thị trường và tăng trưởng kinh tế hơn là những chế độ phi dân chủ.

Nhưng, mặc dù mối quan hệ gần gũi giữa chế dân chủ hiện đại và nền kinh tế thị trường có lợi cho cả hai, chúng ta cũng không được bỏ qua cái giá khá đắt mà kinh tế thị trường tạo ra đối với chế độ dân chủ. Bởi vì kinh tế thị trường tạo ra bất bình đẳng về kinh tế, nó cũng có thể làm giảm cơ hội, không cho người dân các nước được bình đẳng hoàn toàn về mặt chính trị. Chúng ta trở lại vấn đề này trong chương 14.

LỢI ÍCH CỦA CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ: TÓM LƯỢC

Đòi hỏi quá nhiều bất cứ chính quyền nào, kể cả một chính quyền dân chủ, là sai lầm nghiêm trọng. Chế độ dân chủ không thể bảo đảm rằng công dân của họ sẽ là những người hạnh phúc, thịnh vượng, khoẻ mạnh, khôn ngoan, thanh thản hoặc công bằng. Đấy là những mục tiêu nằm ngoài tầm tay của bất cứ chính quyền nào, kể cả chính quyền dân chủ. Hơn nữa, trên thực tế, chế độ dân chủ chưa bao giờ vươn tới những lí tưởng của nó. Giống như tất cả những cố gắng trong quá khứ nhằm tiến tới chính phủ dân chủ hơn, các chế độ dân chủ hiện đại cũng có nhiều khuyết tật.

Mặc dù có những khiếm khuyết như thế, chúng ta cũng không bao giờ được quên những lợi ích làm cho chế độ dân chủ là chế độ đáng mong ước hơn bất kì sự lựa chọn khả dĩ nào khác.

  1. Chế độ dân chủ giúp ta tránh được sự cai trị của những kẻ chuyên chế ác độc và xấu xa.
  2. Chế độ dân chủ bảo đảm cho các công dân của nó một số quyền căn bản mà các hệ thống phi dân chủ không và không thể nào bảo đảm được.
  3. Chế độ dân chủ bảo đảm các công dân của nó những quyền tự do cá nhân rộng rãi hơn so với bất kì sự lựa chọn khả dĩ nào khác.
  4. Chế độ dân chủ giúp người ta bảo vệ những quyền lợi căn bản của chính họ.
  5. Chỉ có chính phủ dân chủ mới có thể tạo cơ hội tối đa để người ta tự do thực thi quyền tự quyết – tức là sống trong những luật lệ do chính họ lựa chọn.
  6. Chỉ có chính phủ dân chủ mới có thể tạo cơ hội tối đa cho việc thực thi trách nhiệm về mặt đạo đức.
  7. Chế độ dân chủ khuyến khích sự phát triển con người một cách đầy đủ hơn bất cứ sự lựa chọn khả dĩ nào khác.
  8. Chỉ có chính quyền dân chủ mới có thể khuyến khích quyền bình đẳng chính trị ở mức độ tương đối cao.
  9. Các chế độ dân chủ đại diện hiện đại không gây chiến với nhau.
  10. Những nước dân chủ có xu hướng thịnh vượng hơn những nước phi dân chủ.

Với tất cả những lợi thế như thế, đối với hầu hết mọi người chúng ta, chế độ dân chủ là một cuộc chơi nhiều may, ít rủi hơn rất nhiều so với bất cứ lựa chọn khả dĩ nào khác.

 

Chú thích:

[1] Những số liệu này đước lấy từ tác phẩm của Robert Conquest: The Great Terror, Stalin’s Purge of the Thirties (New York: Macmilan, 1968), 525ff., và tài liệu do nhà sử học nổi tiếng người Nga, ông Roy Medvedev, sư tầm (New York Times, February 4, 1989, 1).

[2]Mĩ là ngoại lệ quan trọng, người da đen các bang miền nam không được quyền phổ thông đầu phiếu cho đến sau khi thông qua Civil Rights Acts vào năm 1964-1965.

[3] Muốn tìm hiểu kĩ hơn, xin đọc James S. Fishkin, Tyranny and Legitimacy: A Critique of Political Theries (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1979).

[4] Thycydides, The Peloponnesian War (New York: Modern Library, 1951), 105.

[5] Từ anarchy có xuất xứ từ từ Hi Lạp anarchos nghĩa là không có người cầm quyền, gồm từ an cộng với từ archos nghĩa là người cầm quyền. Anarchism (chủ nghĩa vô chính phủ) chỉ học thuyết chính trị cho rằng nhà nước là không cần thiết và không đáng mong muốn.

[6] John Stuart Mill, Consideration on Representative Government [1961] (New York: Liberal Art Press, 1958, 43, 55 [John Stuart Mill, Chính thể đại diện, Nguyễn Văn Trọng dịch, Nhà xuất bản trí thức, 2008, trang 109, 128]

[7] Phát hiện quan trọng này đã được Bruce Russet chứng minh trong tác phẩm: Controlling the Sword: The Democratic Governance of National Securiy (Cambridge: Havard University Press, 1990), chap. 5. 119-145. Trong phần sau tôi đã trích dẫn thảo luận của Russet. Điều này còn đúng đối với cả các chế độ dân chủ và cộng hòa trước đây. Xem Spencer Weart, Never at War: Why Democracies Will never Fight One Another (New Haven and London: Yale University Press, 1998).

[8] Thương mại quốc tế gia tăng hướng các nước tới quan hệ hòa bình dù họ có nước dân chủ hay phi dân chủ thì cũng thế. John Oneal and Bruce Russett, “The Classical Liberals Were Right: Democracy, Interdependence , and Conflict”, 1950-1985”, International Studies Quarterly 41, 2 (June 1997): 267-294.

Nguồn: Robert Alan Dahl (1998), On Democrary. Yale University Press. 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường