Giải pháp nào cho sự thiếu hiểu biết trầm trọng về thế giới?

Giải pháp nào cho sự thiếu hiểu biết trầm trọng về thế giới?

Tags: Văn hóa

Một bóng ma đang ám ảnh thế giới phương Tây - bóng ma đến từ những hiểu biết hoàn toàn sai lầm về thế giới.

Trẻ em Anh gặp ác mộng về khí hậu. Một nửa số người Pháp được hỏi cho rằng có khả năng biến đổi khí hậu sẽ gây ra “sự tuyệt chủng của loài người”. Giáo viên người Mỹ an ủi những học sinh hoảng sợ phát khiếp mỗi khi cháy rừng hoành hành một nơi nào đó trên hành tinh. Nỗi lo lắng về môi trường rõ ràng đã ám ảnh thế giới phương Tây, nhưng điều tồi tệ hơn là, hầu hết mọi người đều có cái nhìn ảm đạm không những về biến đổi khí hậu mà còn về sự tiến bộ chung của loài người.

Bởi những thay đổi chậm chạp thường không được chú ý và con người sử dụng các “lối tắt tư duy” để nhận thức về thế giới, rút cục là chúng ta có một cái nhìn lệch lạc về thực tại. Hans Rosling, cố giáo sư người Thụy Điển về y tế toàn cầu, ông là nhân vật đầy thú vị trên Youtube với những video minh họa về tiến bộ nhân loại bằng bong bóng và các hình khối khổng lồ. Ông đã cống hiến cả đời mình để bác bỏ những nhận thức sai lầm này. Quỹ Gapminder – tổ chức tiếp tục gánh vác di sản của ông – viết:

“Các cuộc khảo sát của chúng tôi về mức độ thiếu hiểu biết cho thấy công chúng nói chung đang hiểu sai nhiều thực tế cơ bản về thế giới. Có rất nhiều dữ liệu và thống kê đáng tin cậy về hầu hết mọi khía cạnh trong sự phát triển toàn cầu, song các số liệu không được chuyển thành hiểu biết thông thường bởi vì việc sử dụng và giảng dạy thống kê vẫn còn quá khó khăn”.

Gapminder1 thường đưa ra một bộ 12 câu hỏi trắc nghiệm (đôi khi kèm câu hỏi thứ 13 về nhiệt độ toàn cầu mà mọi người thường trả lời đúng) về những thay đổi cơ bản, không gây tranh cãi trong tiến trình phát triển toàn cầu - các câu hỏi nhiều lựa chọn về các chủ đề như sự thay đổi nhân khẩu, tỉ lệ học sinh nữ tốt nghiệp tiểu học ở các nước nghèo, hay sự thay đổi về tình trạng nghèo cùng cực trong 20 năm qua.

Kết quả trả lời tệ kinh khủng, nhưng không phải bởi mọi người thiếu hiểu biết. Nếu thực sự không biết gì thì mọi người vẫn có thể ngẫu nhiên chọn đúng được 1/3 số câu hỏi: đây là “ngưỡng tinh tinh”. Thay vào đó, trung bình mỗi người chỉ trả lời đúng 2,2 câu hỏi trong bảng này. Kết quả một số câu hỏi, chẳng hạn tuổi thọ toàn cầu (50, 60 hay 70 năm?) sẽ khiến chúng ta sợ hãi hơn bất kỳ viễn cảnh ảm đạm nào về biến đổi khí hậu. Thực tế là những chỉ số tiến bộ toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 1900, song những độc giả thông minh lại không nhận ra điều đó.

Trong số các sinh viên và giảng viên tại các trường đại học hàng đầu, kể cả những người đoạt giải Nobel, chưa đến 1/5 người vượt ngưỡng nhận thức của loài tinh tinh. Các nhóm trả lời kém nhất là công đoàn viên Thụy Điển (10% trả lời đúng), và các giáo viên Na Uy (7% trả lời đúng). Trong một bài giảng đáng nhớ, Rosling đã phải thốt lên "Các bạn đang dạy cho bọn trẻ cái quái gì vậy?"

Câu nói đó phản ánh một vấn đề lớn về hiện tượng hiểu biết sai lệch về thế giới của chúng ta.

Truyền thông khiến chúng ta ngập trong một dòng chảy thông tin thảm họa liên tục từ nơi này đến nơi khác, trong khi bỏ qua những sự kiện tích cực hơn. Nếu một cơn lốc xoáy giết chết 128 người (thay vì hàng trăm nghìn người như thường lệ), ta không hề để ý. Chuyện hàng trăm nghìn người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực không còn là chuyện đáng lưu tâm. Hệ quả, theo Gapminder lưu ý,

"rút cục mọi người mang theo một đống dữ kiện lỗi thời học được ở trường (bao gồm cả kiến thức vốn đã lạc hậu ngay từ lúc được dạy ở trường học)"

Để đối phó với sự thiếu hiểu biết đó, chúng ta cần thông tin và một khung phân tích cập nhật để suy tư về thế giới và để hiểu rằng rõ ràng mọi thứ đang dần trở nên tốt hơn - chứ không phải tệ đi - khi ta giải quyết được nhiều vấn đề hơn, phát minh ra nhiều thứ tốt hơn - cũng như mang nhiều người hơn vào thị trường thương mại toàn cầu. Để trở lại tâm thế lạc quan (hay theo cách gọi của Rosling là "tâm thức khả quan"), ta không cần gì hơn ngoài việc chấp nhận "thực tế tốt hơn là chuyện hoang đường - đặc biệt là để hiểu biết về thế giới".

Không nên đưa thông tin sai

Nếu nói rằng thế giới đang tiến bộ không có nghĩa là ta chủ quan về các vấn đề hiện tại hay lạc quan một cách ngây thơ về tương lai khi cho rằng từ nay mọi thứ sẽ chỉ tốt đẹp lên. Nhận định này nghĩa là khi xem xét tổng thể và theo thời gian, thế giới đang trở nên tốt đẹp hơn. Nhận định này cũng có nghĩa là tiến bộ là một quá trình khó khăn, lâu dài, có nguồn gốc lịch sử và cấu trúc sâu xa, rằng những tiến bộ nhỏ mà ta có thể tạo ra trong cuộc sống khi hợp lại sẽ khiến thế giới bớt tồi tệ hơn ngày hôm qua một chút.

Đây không phải là tiến trình tất định và hẳn nhiên tiến bộ không thể duy trì mãi. Năm ngoái (2020), ta đã chứng kiến một bước thụt lùi về mọi mặt (tỉ lệ tử vong, tuổi thọ, nghèo đói). Thế kỷ 20 chứng kiến một trong những sự kiện tàn bạo nhất của nhân loại: chiến tranh thế giới, diệt chủng, chuyên chế. Đôi khi tiến trình tiến bộ tạm dừng và những tiến bộ trong quá khứ lại dẫn đến những thách thức mới mà nhân loại cần nỗ lực vượt qua - chẳng hạn, sự gia tăng hàm lượng khí CO2 trong khí quyển từ than và dầu mà ta đốt cháy để sử dụng làm nhiên liệu, sản xuất và vận chuyển.

Tất nhiên, đây là những vấn đề lớn mà các bậc phụ huynh cần thảo luận nghiêm túc với con cái mình, nhưng ta không phải làm quá lên. Việc khiến bọn trẻ chìm vào những suy tư thảm họa không giúp ích gì cho ai hết. Làm vậy sẽ không giúp thế hệ tương lai thịnh vượng hơn mà còn kém hiểu biết đi.

Không ai nói với những đứa trẻ này rằng hiện tại tỉ lệ cháy rừng ít hơn nhiều so với trước, hay khi người châu Âu mới đặt chân đến Mỹ thì tỉ lệ rừng ở California cháy nhiều hơn. Tử vong do thiên tai địch họa (bão, cuồng phong, lũ lụt) mà thường được gắn với hệ quả của biến đổi khí hậu, đã giảm hơn nhiều trong bất cứ khoảng thời gian so sánh nào, dù dân số thế giới ngày càng tăng lên. Tỉ lệ tử vong của trẻ em đang giảm ở mọi nơi và chúng ta đang sản xuất nhiều lương thực hơn bao giờ hết. Không có xu hướng nào trong số đó sẽ đột ngột dừng lại, đảo ngược và huỷ bỏ sự tiến bộ mà chúng ta đã đạt được.

Khi thế giới quanh ta sụp đổ thì học hành liệu có ích gì?

Đây là điểm mà nhiều học sinh đã nêu ra, trong đó nổi bật nhất là Greta Thunberg. Thế giới đang phải đối mặt với một thảm họa khí hậu cấp bách, vậy tại sao phải đi học khi chưa chắc đã có tương lai?

Tại sao cần phải học? Một lý do đó là cần học để biết thế giới không phải đang sụp đổ, rằng mọi thứ đang trở nên tốt đẹp hơn dù những tin tức về đại dịch và biến đổi khí hậu dường như vẽ một bức tranh ngược lại. Tư duy này cũng dễ hiểu: thảm họa luôn xảy ra đột ngột, nhanh chóng, trong khi tiến bộ thì chậm và khó khăn hơn. Chúng ta đang sống lâu hơn, khỏe mạnh và trọn vẹn hơn, cũng như có khả năng tiếp cận với hầu hết mọi thứ mà ta có thể tưởng tượng được. Cho đến nay, sự khéo léo của con người đã chiến thắng mọi thử thách mà một hành tinh đầy thù địch đã ném vào chúng ta hay những thử thách mà tâm lý chủ nghĩa bi quan gợi nên.

Bất chấp mớ hỗn độn thông tin này, may mắn thay, ít nhất có một điều bạn có thể làm: truyền đạt cho con cái của bạn không phải những mối nguy hiểm mà là các tiến bộ thực tế của thế giới. Đây là những gì mà Tony Morley, một nhà lữ hành và người nổi tiếng trong việc ủng hộ sự tiến bộ, đang làm: nhắm vào đối tượng từ 6 đến 12 tuổi, Morley tập hợp hàng trăm câu chuyện, mỗi truyện dài tầm 1 trang, về cách các lực lượng, con người và lịch sử đáng kinh ngạc về tiến bộ loài người và sự cải thiện mức sống trên toàn cầu.

Dự án sách “Human progress for beginners”  [Tiến bộ của nhân loại cho người nhập môn] cố gắng

"kể về lịch sử đầy ấn tượng của nền văn minh nhân loại và tiến trình đầy chông gai nhằm cải thiện mức sống trong 250 năm qua. Kể từ buổi bình minh của Cách mạng Công nghiệp, nền văn minh đã có sự gia tăng đáng kể về mức sống, sự thịnh vượng và hạnh phúc trong lịch sử loài người. "Human Progress for beginners" sẽ kể câu chuyện về tiến bộ cho độc giả trẻ trong một cuốn sách tươi sáng và hấp dẫn - đây là dự án chưa có tiền lệ"

Các chương trong cuốn sách nói về những đổi mới khiến thế giới rung chuyển: in ấn, năng lượng hơi nước và động cơ đốt, lịch sử mức sống, ánh sáng, thực phẩm; cũng như những tiến bộ của nhân loại về việc xóa mù chữ, đảm bảo hòa bình và đẩy lùi ô nhiễm.

"Tiến bộ không có nghĩa mọi thứ đã hoàn thành", Morley nhấn mạnh, bởi luôn có điểm ta có thể hay cần cải thiện về thế giới. Nhưng đó không phải là lý do đủ lớn để thất vọng hay viện dẫn kiểu tư duy như "sự suy tàn của nền văn minh", "ngày tận thế" hay "tình trạng khẩn cấp về khí hậu". Thay vào đó, chúng ta nên ăn mừng những thành tựu của mình, ngay cả trong những lĩnh vực mà nhiều người trẻ chúng ta hiện tin là đã tệ đến mức không thể đảo ngược.

Đây là một quan niệm phản trực giác và khó hình dung được - rằng thế giới vừa có thể tốt hơn và song song đó lại tệ hơn về nhiều mặt. Tuy thế, khi ta phóng đại một trong hai (mặt tốt và mặt xấu) mà quên đi những thành tựu mà nhân loại đã được khi kể chuyện cho con cái mình, ta không giúp ích gì cho ai cả.

Chú thích:

(1) Một tổ chức NGO, phi lợi nhuận, hoạt động về giáo dục, chống lại sự thiếu hiểu biết trên toàn cầu. https://www.gapminder.org/

Nguồn: Joakim Book, The Ignorant World and What to Do About It, AIER, 25/4/2021

Dịch giả:
Phan Thị Mai Trang
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh