John Locke: Tự do như một quyền tự nhiên
Bối cảnh Chính trị và Tư tưởng
Khái niệm tự do của Locke được thừa nhận rộng rãi như là dấu hiệu báo trước của một truyền thống tư duy lâu dài về tự do phát triển ở phương Tây hơn 300 năm qua – truyền thống tự do. Trên tất cả, truyền thống này tập trung vào ý tưởng cho rằng tự do là thuộc về cá nhân, và tự do thực chất là vắng mặt của sự ép buộc, hay sự can thiệp đối với các hành động của cá nhân từ nhà nước hoặc các cá nhân khác.
Diễn giải về tự do của Locke chủ yếu nằm trong tác phẩm Khảo luận thứ hai về chính quyền (1689), một tác phẩm được thiết kế để cung cấp một sự biện minh về mặt thần học cho việc bảo vệ các quyền của cá nhân, tổ chức – đặc biệt là các quyền sở hữu được đại diện bởi quốc hội Anh – khi đương đầu với các hành động chuyên chế và áp bức của nền quân chủ Stuart do Sharles II đứng đầu, và sau đó, từ năm 1685 là James II, người em theo đạo Công giáo của Sharles II. Ngoài ra, để hiểu “Khảo luận thứ hai về chính quyền” cần dựa vào bối cảnh Cuộc khủng hoảng loại bỏ kéo dài từ 1679 – 1681, liên quan đến nỗ lực thất bại để ép Sharles II loại bỏ người em theo đạo công giáo của ông, là James II, khỏi sự kế tục ngôi vua nước Anh. Cuộc khủng hoảng đó là sự mở đầu của một loạt các sự kiện liên quan tới chính trị gia lãnh đạo đảng Whig, Earl Shaftesbury, người bạn và người bảo trợ của Locke, trong một chiến dịch nổi loạn có chủ đích chống lại Sharles II. Chính phản ứng mạnh mẽ của những người Bảo hoàng chống lại cuộc nổi dậy khiến Shaftesbury bỏ chạy tới Hà lan vào năm 1682 và sự xử tử hai người cộng sự tiên phong thuộc đảng Whig là Algernon Sidney và Lord William Russell sau khi âm mưu Rye House bị bại lộ năm 1683. Locke đi cùng Shaftesbury trong năm đó đến Hà Lan tị nạn, và ở đó trong 6 năm, cho tới năm 1689 ông trở lại Anh, sau cuộc cách mạng Vinh quang xảy ra trước đó một năm (1688).
Dưới sự lãnh đạo chính trị của Earl Shaftesbury, Locke tham dự sâu rộng vào các phong trào chống đối Sharles II của đảng Whig, nhằm loại bỏ Jame II khỏi ngai vị nước Anh, và thay thế ông ta bằng Duke Monmouth, một trong những người con trai ngoài giá thú của Sharles II, bằng cách ấy lật đổ nền quân chủ chuyên chế Công giáo. Thực vậy, như Richard Ashcraft nhận xét, “Khảo luận thứ hai về chính quyền”, một kiệt tác về lý thuyết chính trị, chính là tuyên ngôn chính trị của phong trào. Tuy nhiên, sự lưu vong của Shaftesbury vào năm 1682, và sự đàn áp tàn bạo cuộc nổi loạn Monmouth vào năm 1685, rõ ràng đã làm suy yếu chiến dịch chống đối và nổi loạn của đảng Whig – ít nhất là trong một thời gian.
Vấn đề tôn giáo mà Locke và các đồng minh chính trị của ông quan tâm trong cuộc đấu tranh liên quan đến sự cần thiết của lòng khoan dung đối với những người bất đồng không theo Công giáo, một vấn đề đặc biệt cấp thiết trong một quốc gia theo đạo Tin lành được cai trị sau năm 1685 bởi một vị vua theo đạo Công giáo và trước đó, bởi một vị vua có những sự đồng cảm rõ ràng với đạo Công giáo. Tuy nhiên, mối quan tâm tôn giáo này song hành cùng vấn đề lập hiến cấp thiết không kém về chủ quyền đối nội của nước Anh tập trung vào thẩm quyền chính trị tương đối giữa Vua và Quốc hội, và từ đây vào nhu cầu được thừa nhận về sự chuyển đổi cán cân quyền lực đối nội từ vua tới quốc hội, cơ quan đại diện chính của người dân Anh, bằng cách mở rộng bầu cử, hoặc nếu cần thiết bằng nổi loạn vũ trang. Ngoài ra, ở thời điểm đó, các vấn đề tôn giáo và vấn đề lập hiến đan cài lại với nhau vì ở thế kỉ 17, từ ví dụ về nước Pháp và Tây Ban Nha, có một niềm tin rộng rãi ở Anh là Công giáo và chủ nghĩa chuyên chế chính trị là nguyên nhân của nhiều điều nguy hại.
Do đó, khái niệm và diễn giải của Locke về tự do phải được xem xét từ những sự kiện chính trị hỗn loạn, từ những mối quan tâm chính này, vốn được phản ánh trong cam kết của riêng ông đối với sự nghiệp thay đổi thể chế của đảng Whig và trong mối quan hệ gần gũi của ông với nhân vật hàng đầu trong cuộc đấu tranh đó, Earl Shaftesbury. Diễn giả của Locke về tự do cũng phải được xem xét trong bối cảnh của các vấn đề lý thuyết, các cuộc thảo luận của thời đại ông, vốn là phản ứng với hoàn cảnh chính trị mà ông sống, và ảnh hưởng tới.
Trong bối cảnh tư tưởng này, quan điểm của Locke về tự do chủ yếu được xem như một phản ứng lý thuyết tới sự bác bỏ của Sir Robert Filmer đối với truyền thống tư duy kéo dài hơn 400 năm về sự tự do tự nhiên được phát triển trong tư tưởng của triết gia, nhà thần học người Anh thế kỉ 16, Richard Hooker (1554-1600), người mà các khái niệm về luật tự nhiên của ông lại một lần nữa bắt nguồn từ tư tưởng thần học và triết học của Sir Thomas Aquinas (1224 -1274). Đồng thời, Locke cũng phản ứng chống lại sự buộc tội của Filmer khi cho rằng khái niệm về tự do của ông, vốn được rút ra từ truyền thống luật tự nhiên đó, ngầm ủng hộ cho sự vô chính phủ.
Trong Khảo luận thứ nhất về chính quyền, Locke phản bác lại việc Filmer sử dụng học thuyết về quyền thần thánh của Vua để biện minh cho chính quyền chuyên chế. Ông tìm kiếm cách để bác bỏ luận điểm của Filmer, đồng thời phát triển sự bảo vệ của riêng ông về một chính phủ giới hạn và ủng hộ chủ quyền tối cao thuộc về quốc hội – cả hai mục đích chính trong phong trào chính trị của đảng Whig mà Locke là người phát ngôn chính.
Tự do tự nhiên và Tự do dân sự: Sự khác biệt và sự nối kết
Khi phát triển diễn giải riêng của ông về tự do trong Khảo luận thứ hai về chính quyền để phản ứng với các các hoàn cảnh và những mối bận tâm chính trị này, cũng như các vấn đề lý thuyết mà chúng ta vừa nêu lên, như John Plamenatz thấy, Locke hiểu về tự do không như Hobbes hiểu – như là sự vắng mặt bổn phận trong trạng thái tự nhiên, hoặc như quyền làm điều gì luật pháp không cấm trong xã hội dân sự - mà như một quyền đạo đức mà chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ. Do đó, ngay lúc khởi đầu, Locke phân biệt giữa hai dạng tự do: thứ nhất, tự do tự nhiên, mà con người thụ hưởng trong trạng thái tự nhiên trước khi hình thành xã hội dân sự hay xã hội chính trị; và thứ hai, tự do dân sự, mà con người có thể thụ hưởng trong xã hội dân sự hay chính trị dưới sự bảo vệ của chính phủ dân sự.
Locke giải thích sự phân biệt này trong các thuật ngữ:
“Sự tự do tự nhiên của con người là sự tự do khỏi bất cứ quyền lực tối cao trên trái đất, và không nằm dưới ý chí hay thẩm quyền lập pháp của con người, nhưng chỉ có duy nhất luật tự nhiên cai trị anh ta. Sự tự do của con người, trong xã hội, là không nằm dưới bất cứ quyền lực lập pháp nào ngoài quyền lực pháp lý được thiết lập trong một công quốc bởi sự đồng thuận, cũng không nằm dưới sự chi phối của bất cứ ý chí hay sự ràng buộc của bất cứ luật pháp nào, ngoài những điều mà cơ quan lập pháp ban hành theo sự ủy thác đặt vào nó.”
Locke nói thêm rằng sự tự do trong xã hội dân sự không phải là sự tự do mà Sir Filmes nói với chúng ta, một sự tự do cho mọi người để sống như họ muốn, và không bị trói buộc bởi bất cứ luật nào. Vì sự tự do dân sự, Locke nhấn mạnh, không được đánh đồng với sự phóng túng bừa bãi như vậy. Mà theo ông đúng hơn là:
“Sự tự do của con người dưới sự cai trị của một chính quyền, là sống với một Luật lệ lâu dài, áp dụng chung cho mọi người, và được ban hành bởi cơ quan lập pháp; một sự tự do theo sau ý chí của tôi trong mọi sự nơi đâu mà luật không quy định; và không phải phục tùng ý chí tùy tiện của kẻ khác.”
Rõ ràng từ định nghĩa mở rộng này, khái niệm về tự do của Locke, cũng giống như lý thuyết về nghĩa vụ chính trị của ông, chắc chắn bắt nguồn từ quan niệm của ông về một “trạng thái tự nhiên” tiền chính trị. Với ông, đó là tình trạng trong đó mọi người, như là tạo vật của Thượng đế, thụ hưởng một số quyền tự nhiên cơ bản và thực hiện một số nghĩa vụ tự nhiên tương ứng trước khi hình thành xã hội và chính phủ dân sự.
Đặc biệt, Locke tin rằng trong trạng thái tự nhiên này, mỗi cá nhân có một quyền tự nhiên bất khả xâm phạm đối với sinh mạng, sự tự do, và tài sản. Theo quan điểm của Locke, trạng thái tự nhiên được quản lý bởi các luật tự nhiên, đó là một tập hợp các quy tắc đạo đức do thượng đế mang lại, có giá trị khách quan, phổ quát, sẽ chỉ dẫn cho con người biết phải hành động như thế nào. Ngoài ra, luật tự nhiên đó còn có thể khám phá ra bởi lý tính con người và “dạy con người… rằng tất cả là bình đẳng và độc lập, không ai có quyền làm hại đến sinh mạng, sức khỏe, tự do, và tài sản của người khác.”
Một trong số những chân lý đạo đức rút ra từ luật tự nhiên, mà con người như những sinh vật duy lý có khả năng khám phá, hiểu, và nhận thấy là như sau: khi tương tác với người khác, phải đối xử với họ như những con người tự do, độc lập, bình đẳng, vì tất cả mọi người đều bình đẳng liên quan đến sự bảo tồn sinh mạng, sự tự do, và tài sản của mình. Ở đây, khi đề cập đến tài sản, cần chú ý rằng Locke sử sụng thuật ngữ này theo cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng. Theo nghĩa hẹp, Locke đề cập tới việc sử dụng của cá nhân đối với các tài sản bên ngoài mà anh ta có thể bán lấy tiền. Theo quan điểm của Locke, sở hữu theo nghĩa hẹp này như là điều kiện tiên quyết, hay phương tiện cho sự tự do vì nó đảm bảo cho sự độc lập của cá nhân. Nhưng ông cũng đề cập đến tài sản theo nghĩa rộng như là “cuộc sống, sự tự do, và tài sản”, do đó bao gồm ba quyền tự nhiên căn bản. Locke khẳng định, mỗi người “có một Tài sản trong mỗi con người mà không ai có quyền với nó ngoại trừ anh ta”. Theo nghĩa rộng này, rõ ràng Locke coi quyền tài sản tương đương với các quyền tự bảo tồn và tự do, quyền sống và suy nghĩ, hành động một cách tự do.
Đối với Locke, luật tự nhiên định rõ các quyền tự nhiên này, và các nghĩa vụ tương ứng của chúng, từ đó sự tự do tự nhiên được rút ra. Trong trạng thái tự nhiên, quyền tự do tự nhiên của cá nhân chỉ bị giới hạn bởi nghĩa vụ tự nhiên tôn trộng quyền tương tự của người khác. Locke nói thêm, bất cứ sự giới hạn xa hơn đối với sự tự do tự nhiên của cá nhân đòi hỏi sự đồng thuận của người sở hữu và thực thi nó.
Ngoài ra, Locke cho rằng, sự tự do của con người là sản phẩm của lý tính, cái cho phép chúng ta có thể hiểu luật tự nhiên và sống cuộc sống của chúng ta trên cơ sở không chỉ sự tự do lựa chọn và hành động mà còn tôn trọng quyền tương tự ở người khác. Việc hiểu về luật tự nhiên một cách duy lý cho phép con người cai trị chính họ theo một dạng đạo đức tự nhiên, dành riêng cho con người, từ đó mang lại một khuôn khổ trong đó sự tự do có thể thịnh vượng.
Tuy nhiên, thật không may, trạng thái tự nhiên, với đặc điểm đạo đức và xã hội như vậy, cũng liên quan đến một số “sự bất tiện”, như Locke gọi, vốn bắt nguồn từ hai thực tế tàn nhẫn. Thứ nhất, luật tự nhiên là bộ luật, hay một tập hợp các hướng dẫn đạo đức không được viết ra, và có thể bị lờ đi ở thời điểm nào đó nếu liên quan đến niềm đam mê quyền lực và sự tư lợi cá nhân của một số người. Thứ hai, Locke thấy, nếu không có bất kì một thẩm quyền chung được thừa nhận để củng cố luật tự nhiên, các cá nhân có thể giải thích những luật không được viết ra này theo cách chủ quan, thiên vị, khi trở thành người phán quyết trong những trường hợp liên quan đến họ.
Kết quả là, sự tự do tự nhiên của người khác, thậm chí hòa bình và trật tự của xã hội, như Locke cảnh báo, có thể bị đặt vào nguy hiểm. Trạng thái tự nhiên, vốn là trạng thái tự do, thay vào đó sẽ được đặc trưng bởi sự mất tự do, bởi một hoàn cảnh trong đó các cá nhân sẽ phục tùng ý chí tùy tiện, thất thường của người khác. Và tồi tệ nhất, hoàn cảnh này thậm chí thoái hóa vào trạng thái chiến tranh, trong đó người này áp đặt tùy tiện nên người khác.
Locke cho rằng, những hoàn cảnh như vậy đòi hỏi sự thiết lập vĩnh viễn một chính quyền dân sự, mà quyền lực và thẩm quyền chính trị của nó, có được trên cơ sở khế ước xã hội, dựa trên lòng tin, nhằm mục đích bảo vệ các quyền tự nhiên là quyền sống, quyền tự do, và quyền tư hữu. Do đó, Locke chỉ ra rằng “mục đích chính và vĩ đại… của việc con người thống nhất trong một Công quốc, và đặt họ bên dưới sự cai trị của một chính quyền, là để bảo vệ quyền sở hữu của họ.” Vì theo quan điểm của ông, sự hình thành xã hội dân sự hay xã hội chính trị, và từ đây kéo theo sự hình thành chính quyền dân sự, không có mục đích nào khác hơn là bảo vệ sinh mạng, sự tự do, và tài sản của con người mà ông gọi chung là Tài sản. Ở đây một lần nữa Locke đề cập đến tài sản theo nghĩa rộng, và coi nó tương đương với tự do, với quyền hành động tự do, theo ý chí riêng của anh ta.
Tuy nhiên, sự tự do này vốn được thiết lập và bảo vệ bởi chính quyền dân sự - nói cách khác, sự tự do dân sự - là tự do trong luật pháp. Nó không phải là sự tự do tuyệt đối, nó cũng không là, như Filmer tuyên bố, sự phóng túng bừa bãi, mà đúng hơn là sự tự do bị giới hạn bởi một số giới hạn nào đó được pháp luật quy định. Locke phát triển quan điểm này, trong một đoạn văn nổi tiếng trong Khảo luận thứ hai, nhấn mạnh sự kiện là:
“Mục đích của luật không phải là loại bỏ hay giới hạn, mà là duy trì và mở rộng tự do. Vì trong tất cả các trạng thái của các tồn tại tác tạo có năng lực Lập pháp, nơi đâu không có luật, thì không có tự do. Vì tự do là tự do khỏi sự ràng buộc và bạo lực, điều sẽ không thể xảy ra, nơi đâu không có luật.”
Tự do khỏi sự áp bức tùy tiện của người khác – ý nghĩa cốt lõi trong khái niệm tự do dựa trên quyền của Locke – là chỉ có thể có được trong xã hội dân sự trong một khuôn khổ các quy tắc pháp lý do chính quyền ban hành.
Với Locke, thì các dạng tự do mà ông phân biệt trong Khảo luận thứ hai về chính quyền – tự do tự nhiên và tự do dân sự - được giới hạn bởi luật. Trong trạng thái tự nhiên sự tự do tự nhiên của con người bị giới hạn bởi luật tự nhiên, luật quy định các quyền và nghĩa vụ tự nhiên của con người cá nhân. Trong xã hội dân sự, sự tự do dân sự của con người bị giới hạn bởi luật thực định, luật phù hợp với luật tự nhiên, được ban hành và củng cố bởi nhánh lập pháp của chính quyền. Theo lý giải của Locke, sức mạnh lập pháp vẫn còn tiếp tục, dựa vào sự đồng thuận và bị giới hạn trong thẩm quyền pháp lý của nó bởi mục đích trung tâm mà từ đó nó được hình thành – cụ thể là, bảo vệ các quyền tự nhiên của chủ thể cá nhân, đó là quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu.
Sự biện hộ của Locke đối với Tự do tôn giáo
Liên quan mật thiết với khái niệm tự do dân sự của Locke là các ý tưởng làm nền tảng cho sự biện hộ của ông đối với sự tự do của lòng tin và sự thực hành tôn giáo trong tác phẩm “Lá thư về lòng khoan dung” (1689). Tác phẩm này được viết khi sự tự do tôn giáo của các cộng đồng Tin lành ở Pháp và Hà lan đối mặt với sự đe dọa mà nền quân chủ chuyên chế Công giáo của Louis 14 ở Pháp tạo ra.
Lập luận cho sự khoan dung tôn giáo của Locke dựa trên quan điểm cho rằng bất cứ chế độ chính trị nào cố gắng giới hạn sự tự do của lòng tin và sự thực hành tôn giáo là sai lầm nghiêm trọng vì hai lý do sau. Thứ nhất, nó đi ra khỏi vai trò đúng đắn của nhà nước là để bảo vệ sự tốt đẹp và lợi ích thế tục của con người. Thứ hai, chế độ đó đã can thiệp vô lý vào quan hệ riêng tư giữa cá nhân và thượng đế của anh ta.
Ngoài ra, bất cứ nỗ lực nào của nhà cai trị hoặc chính quyền để áp đặt tôn giáo lên cá nhân hoặc xã hội sẽ là một sự vi phạm hơn nữa sự ủy nhiệm của người dân và điều này sẽ cung cấp một sự biện minh khác cho cách mạng chính trị. Ở khía cạnh này, sự bảo vệ của Locke đối với tự do tôn giáo, giống như giải thích của ông về tự do dân sự, gợi ý khả năng hình thành một phán đoán tập thể, duy lý của người dân về khả năng của một cuộc nổi dậy, như trong cuộc Khủng hoảng loại trừ 1679-1681.
Locke tin rằng sự tự do tôn giáo sẽ bị kìm hãm bởi Giáo hội công giáo La mã, vì cam kết tôn giáo của nó không chỉ có tính cách lật đổ về mặt chính trị trong các quốc gia Tin lành như Anh mà còn liên quan đến lòng trung thành với Giáo hoàng. Locke cũng nhận thấy rằng quyền đối với sự khoan dung tôn giáo không được mở rộng đối với những người vô thần, vì họ không có bất cứ niềm tin tôn giáo nào của riêng họ hay bất cứ sự sợ hãi đối với Thượng đế, và họ không có bổn phận tôn giáo tương ứng với một quyền như vậy. Ngoài ra, vì những lý do trên, theo ông, những người vô thần không có bất cứ cơ sở duy lý cho hành vi đạo đức trong xã hội dân sự.
Trọng tâm trong sự biện hộ của Locke cho sự khoan dung tôn giáo, trừ những người công giáo và vô thần, là niềm tin cho rằng các vấn đề tôn giáo và đạo đức hoàn toàn tách rời với các vấn đề chính trị - điều mà các chế độ cai trị Công giáo như chế độ cai trị của Pháp và Tây Ban Nha từ chối thừa nhận. Trái lại, vai trò của chính phủ dân sự là để bảo vệ cả tự do tôn giáo lẫn tự do dân sự, không vi phạm sự tự do hành động của cá nhân nếu không có sự đồng thuận của họ, hay cụ thể hơn, áp đặt một số niềm tin và sự thực hành tôn giáo nào đó, là sự lạm dụng quyền lực lập pháp. Sự tách biệt này giữa thẩm quyền dân sự và chính trị với thẩm quyền giáo hội là một sự chuyển hướng không chính thống và cấp tiến khỏi thực tiễn của hầu hết các quốc gia Châu âu thế kỉ 17.
Một số nhà lịch sử tư tưởng chính trị, như John Dunn và James Tully, khẳng định rằng chủ đề tự do và khoan dung tôn giáo nằm ở trung tâm tư tưởng chính trị của Locke. Họ chỉ ra rằng khái niệm về tự do dựa trên quyền có một nền tảng thần học chắc chắn. Vì Luật tự nhiên, chính nó là một sự diễn đạt ý chí của Thượng đế, và các quyền tự nhiên là dựa trên nó, kì cùng, không được rút ra từ các điều kiện của con người nhưng từ quan hệ của con người với Thượng đế.
Kết luận
Dựa vào khái niệm tiêu cực về tự do – như là vắng mặt sự áp bức hay sự can thiệp tùy tiện đối với cá nhân – sự giải thích về tự do của Locke hình thành nên phần trung tâm của một triết lý chính trị phát triển trong những năm 1680 để cung cấp một sự biện minh về mặt lý thuyết cho sự phản kháng chính trị có tổ chức, và thậm chí là sự nổi loạn vũ trang chống lại nền quân chủ chuyên chế Công giáo ở Anh. Sự xuất bản của tín điều triết học đó vào năm 1689 trong dạng thức của tác phẩm “Hai khảo luận về chính quyền” xảy ra ở một thời điểm quyết định trong lịch sử chính trị nước Anh – ngay sau Cách mạng vinh quang 1688 - lần đầu tiên thiết lập nền quân chủ lập hiến ở Anh.
Đặc biệt, ý nghĩa lịch sử rộng hơn của sự giải thích của Locke về tự do là nó cung cấp nền tảng triết lý cho truyền thống tự duy tự do phương Tây về giá trị cốt lõi của nó – chính là tự do. Nền tảng đó được xây dựng chắc chắn vì nó bao gồm một sự tán thành trên nền tảng các quyền, và vô điều kiện về tự do - sự tán thành dựa trên niềm tin là tất cả mọi người có quyền tuyệt đối với tự do vì họ là con người.
Ngoài ra, quan điểm về tự do có ảnh hưởng sâu sắc đó được phát triển trong một bối cảnh lý thuyết rộng hơn mà John Plamenatz miêu tả như là “các nguyên lý chính trị Châu Âu bền vững nhất, đặc biệt ở Phương Tây tự do” – tức là, sự ủng hộ của Locke với một chính phủ giới hạn, dựa trên sự đồng thuận, và được thiết kế để bảo vệ các quyền tự nhiên của cá nhân, hay nói cách khác, sự ủng hộ của ông cho “một quyền lực được ủy nhiệm để bảo vệ sự tự do”. Với sự hỗ trợ từ nguyên tắc đó, Locke đã phát triển và truyền lại “triết lý chính trị đầu tiên trong số những những triết lý chính trị vĩ đại xem tự do, hiểu theo nghĩa rộng là khả năng để làm điều luật cho phép hoặc điều mà Thượng đế ra lệnh, là chủ đề trung tâm của nó”.
Nguồn: Tudor Jones. Moderm Political Thinhkers and Ideas. Routledge. 2001.