Tại sao kinh tế học cần đến lịch sử kinh tế
Cái đẹp của internet là cho phép bạn thỉnh thoảng lướt qua các bài viết như bài viết này mà bạn có thể bỏ lỡ (H/T Greg Mankiw). Như các bạn mong đợi, tôi đồng ý với Temin rằng lịch sử kinh tế đóng một vai trò cơ bản trong giáo dục kinh tế, và MIT là một ví dụ điển hình. Để lặp lại một điểm mà tôi đã viết trước đây trên blog, nhiều siêu sao từng tốt nghiệp từ trường này có một sự nhạy cảm lịch sử đã làm cho họ trở thành những nhà kinh tế giỏi hơn. Obstfeld và Rogoff nổi tiếng với công trình đột phá của họ về kinh tế học vĩ mô mở, nhưng cả hai đều đã viết nhiều cuốn sách quan trọng về lịch sử kinh tế (Obstfeld cùng với Taylor, và Rogoff cùng với Reinhart), và tôi không nghĩ đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên rằng phong cách của Obstfeld-Rogoff trong kinh tế học vĩ mô mở có xu hướng dựa nhiều hơn vào thế giới thực so với một số tương đương trong kinh tế học đóng. Paul Krugman thường xuyên cho thấy một sự quan tâm và kiến thức về lịch sử, mà ông ứng dụng một cách hiệu quả; thậm chí đừng để tôi bắt đầu nói về Ron Findlay, v.v.
Có rất nhiều lý do để nghĩ rằng chúng ta cần đến lịch sử nhiều hơn nữa trong chương trình giảng dạy kinh tế học, chứ không phải là ít hơn. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay đã dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về tình trạng của kinh tế học, và về vấn đề đào tạo mà các sinh viên đại học và sau đại học về kinh tế học được tiếp nhận. Quan trọng hơn, trong số những người tranh luận mạnh nhất cho một sự thay đổi trong cách thức mà các nhà kinh tế trẻ được đào tạo là những người sử dụng các sinh viên đó, trong cả lãnh vực tư và công. Người sử dụng lao động ngày càng phàn nàn nhiều rằng các nhà kinh tế trẻ không thông hiểu cách thức một hệ thống tài chính vận hành thực sự, và không được chuẩn bị tốt để suy nghĩ về những chính sách phù hợp thời buổi khủng hoảng.
Đáng chú ý, nhiều người sử dụng lao động và các nhà hoạch định chính sách còn lập luận rằng kiến thức về lịch sử kinh tế có thể đặc biệt hữu ích.
Ví dụ, Stephen King, trưởng nhóm kinh tế gia của ngân hàng HSBC, cho rằng: "Có quá ít nhà kinh tế, mới đến với thế giới tài chính, có kiến thức thực sự về những sự kiện, mặc dù đôi khi xảy ra trong quá khứ xa xôi, nhưng lại tỏ ra rất thích đáng lớn cho công việc hiện tại... Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể được được diễn giải và thông hiểu một cách dễ hơn bởi một người có trước hiểu biết về vụ sụp đổ năm 1929, cuộc Đại suy thoái và, sự sụp đổ năm 1907" (Coyle 2012, p. 22).
Andrew Haldane, Giám đốc điều hành về bình ổn tài chính tại ngân hàng Bank of England [ngân hàng trung ương Anh - ND], đã viết rằng "lịch sử tài chính có lẽ đã làm cho chúng ta xem trọng các chu kỳ tín dụng", và rằng sự biến mất của những môn học phụ như lịch sử kinh tế và tài chính, cũng như lịch sử tiền tệ, ngân hàng và tài chính, khỏi chương trình giảng dạy cốt lõi đã góp phần làm cho các nhà hoạch định chính sách xem nhẹ những nhân tố trên, một sai lầm mà "bây giờ cần phải sửa chữa lại" (Coyle 2012, pp. 135-6).
Trong khuôn khổ các bài giảng Humanitas Lecture gần đây tại đại học Oxford, Stanley Fischer (một người nữa cũng tốt nghiệp MIT) nói rằng: "Tôi nghĩ rằng tôi đã học được rất nhiều từ việc nghiên cứu lịch sử ngân hàng trung ương cũng như từ sự hiểu biết về lý thuyết ngân hàng trung ương và tôi khuyên tất cả những ai muốn trở thành người hoạt động ngân hàng trung ương nên đọc sách lịch sử" (http://www.youtube.com/watch?v=5Y-ZhFbw2H4, 43,48 phút).
Kiến thức về lịch sử kinh tế và lịch sử tài chính là điều rất quan trọng khi suy nghĩ về kinh tế theo nhiều cách. Rõ ràng nhất là nó buộc sinh viên phải thừa nhận rằng những gián đoạn lớn trong thành tựu kinh tế và trong các chính sách kinh tế đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ, và sẽ có thể xảy ra một lần nữa trong tương lai. Những gián đoạn đó thường trùng với các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, và do đó không thể giả định được rằng đây là điều không thể xảy ra về mặt lý thuyết. Đào tạo về lịch sử sẽ làm cho sinh viên miễn nhiễm với sự tự mãn đặc trưng của “Thời kỳ ôn hoà vĩ đại” (“Great Moderation”). Giữ lấy khoảng lùi, cuối cùng sẽ thấy là con thiên nga không đen đến thế.
Điểm liên quan thứ hai là lịch sử kinh tế dạy cho sinh viên về tầm quan trọng của bối cảnh. Như Robert Solow (vâng, cũng từ trường MIT, mặc dù là một tiến sĩ của đại học Harvard) chỉ ra rằng, "sự lựa chọn đúng đắn một mô hình phụ thuộc vào bối cảnh của thể chế" (Solow 1985, p. 329), và điều này cũng đúng với những lựa chọn đúng đắn về chính sách. Ngoài ra, bản thân một thể chế "đúng" cũng có thể phụ thuộc vào bối cảnh. Lịch sử có nhiều ví dụ về những thể chế được phát triển để giải quyết vấn đề của một thời đại, nhưng sau này chính chúng lại trở thành là vấn đề.
Thứ ba, lịch sử kinh tế chắc chắn là một lĩnh vực thực nghiệm. Học lịch sử kinh tế buộc sinh viên đưa thêm vào tính kỹ thuật chặt chẽ của các chương trình học một chiều kích bổ sung về tính chặt chẽ: thử hỏi liệu những giải thích của họ về các sự kiện lịch sử có thực sự phù hợp với thực tế hay không. Điều đó rõ ràng không có nghĩa là lựa chọn những sự kiện có lợi và bỏ qua những sự kiện bất lợi để phù hợp với luận thuyết của mình và bỏ qua tất cả những luận thuyết khác không phù hợp: thế giới là phức tạp, và các nhà kinh tế cần được đào tạo để thừa nhận điều đó. Sự tiếp xúc với lịch sử kinh tế dẫn đến một khung tư duy thực nghiệm, và sự sẵn sàng thừa nhận một khung lý thuyết nhất định không phải lúc nào cũng hiệu quả để giải thích thế giới hiện thực. Đó là những thói quen tinh thần then chốt đối với các nhà kinh tế trẻ mong muốn ứng dụng kỹ năng vào môi trường lao động, và, tôi cũng cho là, vào môi trường hàn lâm.
Thứ tư, ngay cả khi cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay đã qua đi, nhưng những thách thức lớn lao và lâu dài đối với thế giới vẫn còn đó. Trong số những thách thức đó là vấn đề làm thế nào để giải cứu hàng tỷ con người thoát khỏi cảnh nghèo đói, một hoàn cảnh dường như không thể chấp nhận đối với những người sống trong tổ chức OECD (Organization for Economic Co-operation and Development - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Và cảnh nghèo đói đó là của một phần lớn nhân loại trong một phần lớn chiều dài lịch sử: điều đáng ngạc nhiên không phải là thực tế "họ quá nghèo", mà là "chúng ta quá giàu". Để hiểu được bài toán trên, chúng ta phải quay sang sử học. Hiểu được điều gì dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế hiện đại là vấn đề trước tiên đã đưa đến sự ra đời của lịch sử kinh tế, và vấn đề ấy ngày nay vẫn còn xác đáng như vào những năm cuối của thế kỷ XIX. Ngoài những vấn đề như sự trổi dậy của châu Á và sự suy tàn tương đối của phương Tây, những vấn đề dài hạn khác có thể được xem xét với nhiều triển vọng trong một viễn cảnh dài hạn bao gồm sự nóng lên của trái đất, tương lai của toàn cầu hóa, và câu hỏi về tốc độ có thể mong chờ vào sự tiến bộ của công nghệ trong những thập kỷ tới.
Thứ năm, bản thân lý thuyết kinh tế đã nhấn mạnh – từ hơn hai mươi năm nay – rằng sự phụ thuộc vào lộ trình đã đi qua là điều phổ biến.
Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất là từ quan điểm của một giảng viên đại học về kinh tế học ở bậc đại cương, lịch sử kinh tế là một cách tuyệt vời để thuyết phục sinh viên đại học rằng những lý thuyết được học về kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô đều hữu ích để giúp họ hiểu được thế giới thực tại. Còn lâu mới được xem như là một môn học "mềm" thay thế cho lý thuyết, lịch sử kinh tế nên được xem như là một môn học bổ sung có tính sư phạm chủ yếu. Qua kinh nghiệm, tôi biết không có gì hài lòng bằng khi nhìn thấy sinh viên đại học nhận ra rằng một chút lý thuyết đơn giản có thể giúp họ hiểu được các hiện tượng phức tạp của thế giới thực. Hãy thử nghĩ về việc Obstfeld và Taylor sử dụng bô ba bất khả thi của Mundell-Fleming để giúp sinh viên cấu trúc hóa hiểu biết của mình về lịch sử hội nhập thị trường vốn quốc tế trong 150 năm qua; hoặc việc Ronald Rogowski sử dụng lý thuyết của Heckscher-Ohlin để thảo luận về sự phân chia chính trị của thế giới trong những năm cuối của thế kỷ XIX. Luận thuyết của Domar mà Temin viện dẫn trong bài báo của ông là một cách tuyệt vời để nói với sinh viên về những gì dẫn đến hiện tượng lợi tức giảm dần của lao động. Lịch sử kinh tế có nhiều những cơ hội như vậy để cho các nhà giáo dục cố gắng động viên sinh viên của họ.
Chú thích:
• Coyle, D., ed. (2012), What’s the Use of Economics?: Teaching the Dismal Science After the Crisis, London Publishing Partnership. (Xem Giảng dạy khoa học buồn thảm sau khủng hoảng
• Solow, R. (1985), “Economic History and Economics”, American Economic Review 75, 328-31.
Nguồn: “Why economics needs history”, The Irish Economy, July 5th 2013
Nguồn dịch: Phân tích kinh tế: Tại sao kinh tế học cần đến lịch sử kinh tế