[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Dẫn nhập (Phần 3)

[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Dẫn nhập (Phần 3)

Đây là phần trích đăng từ chương "Introduction" (tr. 1-13) trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.

- Thị trường Tự do Academy

(Tiếp theo Phần 2)

6. Cội nguồn của tâm lí bài chủ nghĩa tự do

Nhiệm vụ của tác phẩm này là thảo luận vấn đề hợp tác xã hội bằng những luận cứ dựa trên lí tính. Nhưng dùng lí tính thì không thể hiểu được cội nguồn của thái độ bài bác tự do. Thái độ bài bác xuất phát không phải từ lí tính mà xuất phát từ cách tư duy bệnh hoạn - từ sự oán hận và bệnh suy nhược thần kinh, có thể gọi là phức cảm Fourier (tên một người xã hội chủ nghĩa Pháp - ND).

Chẳng cần nói nhiều về sự oán hận hay ghen tức làm gì. Oán hận là khi một người nào đó căm thù người khác chỉ vì người kia có hoàn cảnh thuận lợi hơn, hắn ta sẵn sàng chấp nhận tổn thất nếu người mà hắn căm thù cũng bị thiệt hại. Nhiều kẻ đang tấn công chủ nghĩa tư bản biết rõ rằng dù với hệ thống kinh tế nào thì họ cũng chẳng thể khá lên được. Tuy biết rõ như thế nhưng họ vẫn ủng hộ cải cách, nghĩa là ủng hộ chủ nghĩa xã hội, vì họ hi vọng rằng những người giàu có mà họ căm thù cũng sẽ phải chịu đau khổ. Những người xã hội chủ nghĩa cứ nhắc đi nhắc lại rằng trong chế độ xã hội chủ nghĩa người ta sẽ chịu đựng những thiếu thốn về mặt vật chất một cách dễ dàng hơn vì mọi người đều biết rằng không có ai sống sướng hơn ai.

Nhưng vẫn có thể dùng lí lẽ để thuyết phục được người có tư tưởng oán hận. Vì giải thích cho người có tư tưởng oán hận rằng điều quan trọng không phải là làm cho người khá giả nghèo đi mà là làm cho mình khá lên không phải là công việc quá khó.

Phức cảm Fourier là ca bệnh khó hơn rất nhiều. Đây là một căn bệnh thần kinh, gọi là loạn thần kinh chức năng, lĩnh vực của nhà tâm lí học chứ không phải của nhà lập pháp. Nhưng trong khi nghiên cứu các vấn đề của xã hội hiện đại ta cũng không được bỏ qua. Đáng tiếc là cho đến nay các bác sĩ đã không quan tâm tới những vấn đề do phức cảm Fourier gây ra. Thậm chí Freud, một nhà tâm lí học vĩ đại, và các đệ tử của ông trong lĩnh vực lí thuyết loạn thần kinh chức năng cũng chưa quan tâm nhiều đến những vấn đề này, mặc dù môn phân tâm học của ông đã mở ra con đường riêng để đưa ta tới những hiểu biết một cách có hệ thống và đúng đắn những căn bệnh thần kinh như thế.

Trong cả triệu người chưa chắc đã có một người thực hiện được tham vọng của đời mình. Thành quả lao động của một người, ngay cả một người được số phận mỉm cười, cũng còn cách xa với những ước mơ của tuổi thanh niên. Hàng ngàn trở ngại đã làm tiêu tán mọi kế hoạch và ước mơ, con người hoá ra là không đủ sức thực hiện những mục tiêu mà họ hướng tới. Mộng ước không thành, kế hoạch tan vỡ, lực bất tòng tâm - đấy là những kinh nghiệm cay đắng nhất của mỗi người. Nhưng cũng là số phận của con người nói chung.

Có hai cách phản ứng. Goethe đã dùng trí huệ thực tiễn để nói về một trong hai cách đó như sau:

Ngươi có tưởng tượng được rằng ta phải căm thù cuộc đời,

Phải chạy vào đồng vắng

Vì không phải mọi ước mơ của ta đều đơm hoa kết trái? - Prometheus gào lên. Còn Faust, trong “thời khắc cao quý nhất” ấy, đã nhận ra rằng “câu nói khôn ngoan nhất” chính là:  

Người mỗi ngày không chiến đấu cho tự do và cho cuộc đời

Thì cũng chẳng đáng sống và cũng chẳng đáng được tự do.

Không có rủi ro nào trên đời có thể bẻ gãy được một người có ý chí và tinh thần như thế. Người chấp nhận cuộc đời như nó vốn là và không bao giờ để cho nó đè bẹp, sẽ không tìm an ủi trong “những lời dối trá có tính chất cứu rỗi” làm chỗ dựa cho niềm tin đã tan nát của mình. Nếu thành công được chờ đợi từ lâu vẫn không tới, nếu những thăng trầm của số mệnh có phá hoại tan tành trong phút chốc những thành quả được xây đắp bằng nhiều năm lao động chuyên cần thì người đó sẽ chỉ càng quyết tâm hơn mà thôi. Người đó có thể nhìn thẳng vào tai hoạ mà không hề tỏ ra tuyệt vọng.

Nhưng kẻ bị loạn thần kinh chức năng thì không thể chịu đựng được cuộc đời như nó vốn là. Anh ta cảm thấy nó quá bất lương, quá thô lậu và quá dung tục. Không giống như những người khoẻ mạnh, anh ta không có đủ dũng khí để “dù thế nào cũng cứ tiếp tục sống” và cố gắng làm cho cuộc đời trở thành có thể chịu đựng được. Đấy là điều không phù hợp với thái độ nhu nhược của anh ta. Thay vào đó, anh ta náu mình vào trong ảo tưởng. Ảo tưởng, theo Freud, “là ước vọng, là một cách an ủi”; được thể hiện bởi “sức kháng cự của nó chống lại cuộc tấn công của tư duy logic và thực tiễn”. Vì vậy mà thuyết phục người bệnh từ bỏ ảo tưởng bằng cách chỉ ra một cách thuyết phục sự vô lí của nó thì nói bao nhiêu cũng không đủ. Muốn khỏi, người bệnh phải tự khắc phục. Anh ta phải học để hiểu vì sao anh ta không muốn đối mặt với sự thật và vì sao anh ta lại tìm cách nấp sau ảo tưởng.

Chỉ có lí thuyết về bệnh loạn thần kinh chức năng mới có thể giải thích được thắng lợi tinh thần của người mắc phức cảm Fourier, sản phẩm của một bộ não bị trục trặc nghiêm trọng. Ở đây không có chỗ để ghi lại những câu văn chứng tỏ Fourier mắc bệnh loạn thần kinh chức năng. Đấy là mối quan tâm của các nhà phân tâm học hoặc có thể là của những người thích đọc những tác phẩm dâm ô. Nhưng vấn đề là chủ nghĩa Marx, khi buộc phải rời bỏ những ngôn từ biện chứng thùng rỗng kêu to (hay những lời chỉ trích và nói xấu đối thủ) và đưa ra những nhận xét sơ sài liên quan đến bản chất của vấn đề thì họ cũng chẳng bao giờ đưa ra được điều gì khác với những điều mà Fourier, một người theo “chủ nghĩa không tưởng” đã từng nói. Chủ nghĩa Marxist cũng không thể nào xây dựng được bức tranh về xã hội xã hội chủ nghĩa nếu không sử dụng hai giả định trái ngược với mọi kinh nghiệm và lí trí mà Fourier đã từng sử dụng. Một mặt, chủ nghĩa này cho rằng “cơ sở vật chất” của nền sản xuất - “đã hiện hữu trong tự nhiên, không cần phải có sự cố gắng của con người” - hiện dư thừa đến nỗi không cần phải tiết kiệm; đấy là lí do để chủ nghĩa Marxist tin vào “sự gia tăng hầu như vô giới hạn của nền sản xuất”. Mặt khác, nó giả định rằng trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, lao động sẽ chuyển hoá “từ gánh nặng thành niềm vui” - tức là trở thành “nhu cầu thiết yếu của đời sống”. Không nghi ngờ gì rằng khi mọi vật đều thừa mứa và lao động đã trở thành niềm vui thì xây dựng vương quốc của “núi xôi sông rượu” là việc dễ như trở bàn tay.

Chủ nghĩa Marxist tin rằng đứng trên đỉnh cao “của chủ nghĩa xã hội khoa học”, nó có thể coi khinh chủ nghĩa lãng mạn và những người theo trường phái lãng mạn chủ nghĩa. Nhưng trên thực tế, phương pháp của nó cũng chẳng khác gì phương pháp của những người kia. Thay vì tìm cách loại bỏ những trở ngại trên đường thực hiện ước mơ, nó lại để mặc cho những trở ngại đó tự biến mất trong những đám mây mù của trí tưởng tượng.

Đối với những kẻ bị bệnh tâm thần phân liệt thì “lời dối trá có tính chất cứu rỗi” có hai chức năng. Nó không chỉ an ủi cho thất bại trong quá khứ mà còn tạo ra viễn cảnh thắng lợi trong tương lai. Khi gặp thất bại trong những vấn đề xã hội, tức điều duy nhất chúng ta quan tâm ở đây, thì an ủi là niềm tin rằng việc người ta không đạt được mục tiêu cao cả mà người ta hướng tới không phải là do lực bất tòng tâm của chính người ấy mà là do trật tự xã hội không ra gì. Kẻ bất mãn hi vọng rằng nếu lật đổ được trật tự hiện hành thì hắn sẽ thành công. Nghĩa là việc thuyết phục hắn rằng giấc mơ địa đàng của hắn là bất khả thi, rằng cơ sở khả thi duy nhất của xã hội được tổ chức trên nguyên tắc phân công lao động là quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, là việc làm vô nghĩa. Kẻ bị chứng thần kinh phân liệt bám chặt vào những “lời dối trá có tính chất cứu rỗi” và khi phải lựa chọn giữa những lời nói dối và tư duy logic thì hắn sẽ từ bỏ logic. Vì hắn sẽ không thể sống được nếu không có niềm an ủi mà hắn tìm được trong tư tưởng của chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng này bảo với hắn rằng không phải là hắn mà là thế giới có lỗi trong việc làm cho hắn thất bại. Niềm tin đó nâng đỡ được phần nào tinh thần đã rệu rã của hắn và giải thoát cho hắn khỏi những dằn vặt về sự kém cỏi của mình.

Người Thiên chúa giáo mộ đạo dễ dàng chịu đựng những điều bất hạnh trên trần thế hơn vì anh ta hi vọng rằng linh hồn sẽ còn tiếp tục sống trong một thế giới khác, tốt đẹp hơn, nơi mà những kẻ từng đứng đầu trên trái đất sẽ đứng cuối còn những kẻ đứng cuối sẽ lên đầu. Tương tự như thế, con người hiện đại coi chủ nghĩa xã hội là liều thuốc có thể trị được mọi nghịch cảnh trên trần thế. Nhưng trong khi niềm tin vào sự bất tử, vào sự đền bù trong tương lai và vào sự tái sinh khích lệ người ta sống một cách đức hạnh thì những lời hứa hẹn của chủ nghĩa xã hội lại tạo ra những hiệu quả hoàn toàn khác. Nó yêu cầu người ta không phải gánh vác trách nhiệm gì ngoài việc ủng hộ đảng xã hội chủ nghĩa; nhưng đồng thời nó lại nâng mức hi vọng và đòi hỏi lên cao hơn.

Đấy chính là đặc trưng của giấc mơ xã hội chủ nghĩa; và vì vậy, ta có thể hiểu được vì sao tất cả những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội đều kì vọng sẽ nhận được cái mà cho đến lúc đó vẫn nằm ngoài tầm với của họ. Những người cầm bút theo trường phái xã hội chủ nghĩa hứa hẹn không chỉ tài sản cho tất cả mọi người mà còn hứa hẹn cả hạnh phúc và tình yêu, cả sự phát triển về thể lực và trí tuệ, cả cơ hội bộc lộ tài năng thiên phú về khoa học và nghệ thuật cho tất cả mọi người .v.v.

Vừa mới đây, Trotsky còn tuyên bố trong một bài viết của ông ta rằng trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa “ngay người trung bình cũng sẽ đạt đến tầm cao như Aristotle, Goethe, hoặc Marx. Những đỉnh cao mới sẽ xuất hiện trên rặng núi này”1. Thiên đường xã hội chủ nghĩa sẽ là vương quốc toàn thiện toàn mỹ, là nơi cư ngụ của những siêu nhân tuyệt đối hạnh phúc. Nhưng chính cái điều nhảm nhí đó lại giành được cảm tình của đa số người ủng hộ học thuyết này.

Không thể đưa tất cả những người bị hội chứng Fourier đến gặp bác sĩ được vì số người bị bệnh quá đông. Không thuốc nào có thể chữa được căn bệnh này, người bệnh phải tự chữa lấy thôi. Anh ta phải học chấp nhận số phận mà không tìm cách đổ tất cả tội lỗi lên một con dê tế thần nào đó và anh ta phải cố gắng nắm bắt cho bằng được những quy luật nền tảng của sự hợp tác trong xã hội.

Chú thích:

(1) Leon Trotsky, Literature and Revolution, trans. by R. Strunsky (London, 1925), p. 256.

Nguồn: Ludwig von Mises, Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh