[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Mở Cuộc Duy Tân (Phần 3)
CÁC NƯỚC ÂU MỸ CÓ CÔNG GIÚP ĐỠ NHẬT BẢN DUY TÂN RA THẾ NÀO?
Vấn đề này cũng nên biết, vì nó có ý nghĩa và có chỗ quan hệ lý thú của nó.
Có người yên trí rằng mấy thế kỷ trước, người Âu Mỹ lần mò qua Đông phương là chỉ có mục đích “thực dân lược địa”, mưu lấy sự tư lợi mà thôi, chớ họ có lòng giúp đỡ cho ai khá lên như họ bao giờ. Với xứ nào, họ cũng dùng cách “tiên lễ hậu binh”; cho mấy ông thầy tu qua trước rồi kế đưa binh lính tới sau, kiếm cớ kia khác choán đất người ta thì có, khi nào giúp ai?
Sự yên trí này cũng có một phần phải ở trong, nhưng còn một phần chưa thiệt là phải. Có xứ họ tới cốt để lược địa thực dân, mà cũng có xứ họ tới sẵn lòng giao hảo thông thương và phò trợ khai hóa cho; ấy là tùy nơi tình thế và lực lượng của giống người trong xứ mà họ để chân vào. Tạo hóa đối với muôn vật, cái gì mọc lên được thì vun bón thêm cho, cái gì nghiêng ngả thì đạp xô cho ngã; ở giữa loài người mạnh yếu với nhau cũng có cái lẽ thường như thế. Dân mạnh tới một xứ yếu, thấy xứ này vua hèn dân ngu, nói phải chẳng nghe, dạy khôn không hiểu, thì họ không chiếm trị còn để làm gì? Thứ quốc gia dân tộc thế ấy chẳng mất vào tay kẻ mạnh này cũng mất vào tay kẻ mạnh khác; sự suy vong đó đáng kiếp cho cái xứ có vua hèn dân ngu và sự xâm lược cũng là cái quyền tự nhiên của giống mạnh.
Còn như tới xứ nào xem ra có hạng trên trước khá, và dân cứng cỏi, thông minh, thì kẻ mạnh kia chẳng tiếc gì mà không vừa giúp cho khá, chỉ vẽ cho hay, chớ muốn nhai muốn nuốt chưa chắc đã trôi, chi bằng vun bón phò trợ người ta, cũng là cách kết giao cầu lợi cho mình được.
Âu Mỹ đối với Nhật Bản trong thế kỷ vừa qua ở vào trong cái trường hợp như vậy đó.
Trong cuộc Nhật Bản khai quốc duy tân, cố nhiên là Nhật học theo bắt chước Âu Mỹ đã đành, nhưng chính thiệt Âu Mỹ cũng có lòng lành ý tốt mà phò trợ cho nhiều lắm.
Giữa thế kỷ XIX, vì vấn đề thông thương đính ước, mấy phen hầu gây ra cừu thù đại biến, mà rốt lại Nhật Bản cũng được liệt cường Âu Mỹ ân cần vừa giúp cho được tỉnh ngộ duy tân tới cùng. Ngay lúc đề đốc Bá Lý nước Mỹ đem đoàn tàu chiến qua bắn súng ra oai, nhưng trong ý vẫn có lượng khoan thai tử tế, chỉ muốn cùng Nhật Bản giao hảo thông thương mà thôi; về sau cơ nghiệp vẻ vang mới lạ của Nhật Bản dựng lên, thật là có nguồn suối đi ra bởi đó.
Kế sau đề đốc Bá Lý, tới Cáp Lợi Tư qua làm công sứ Mỹ ở nước Nhật, ông này rõ biết quan lại của Mạc phủ chưa rành ngoại giao, nên chi ông thường lấy chân tình thổ lộ và giảng giải cho nhà cầm quyền Nhật Bản lúc bấy giờ biết rõ những cái lợi khai quốc thông thương ra thế nào. Sở dĩ Mạc phủ quyết lòng khai quốc là nhờ có sự khuyên bảo lợi ích của công sứ Mỹ ban đầu, thây kệ dân tâm phản đối xôn xao, Mạc phủ cũng cứ khai quốc. Cáp Lợi Tư lại khuyên Nhật Bản cần nên cấm tuyệt a phiến, kẻo có hại to cho nòi giống; nhờ vậy mà Nhật Bản tránh hẳn được cái độc a phiến từ đó đến giờ.
Hồi trong nước nổi lên phong trào “Nhương di” điên cuồng sôi nổi, xảy ra tới vụ đánh chết viên thông ngôn ở dinh công sứ Mỹ, làm cho công sứ các nước phát giận, gửi thư trách hỏi chính phủ Nhật Bản sao không hết lòng bảo hộ ngoại nhân. Duy có một mình Cáp Lợi Tư rõ biết nội tình dân tâm Nhật Bản, và cũng lượng xét Mạc phủ có thành tâm khai quốc lắm, thành ra chính viên Thông ngôn của ông bị hại vì tay của bọn thủ cựu ở Nhật, mà ông làm lơ, không trách hỏi phiền hà gì. Đến đỗi công sứ các nước khác giận quá, rủ nhau hạ quốc kỳ xuống mà bỏ đi Hoành Tân, không chịu ở Giang Hộ nữa, vậy mà một mình ông Cáp Lợi Tư vẫn ở Giang Hộ không nhúc nhích, lại còn vì Mạc phủ điều đình giùm cho êm vụ bất bình này.
Trong hồi Nhật Bản bắt đầu khai quốc, mỗi việc gì người Mỹ cũng lấy lòng tử tế chỉ vẽ giúp đỡ cho, có bổ ích cho cuộc tấn hóa của nước Nhật nhiều lắm.
Năm 1859, Nhật Bản sai sứ qua Mỹ để trao đổi tờ ước đã ký với nhau, chính phủ Mỹ phái tàu trận ra đón rước và nghị viện Mỹ bỏ thăm quyết nghị lấy lễ quốc tân 国賓, là lễ đãi khách chung cả nước mà tiếp đãi Nhật sứ, khiến cho người Nhật lấy làm cảm động hết sức.
Cũng nhờ có chuyến đi sứ này mà nhiều người Nhật Bản càng dễ hiểu biết rành rẽ về những lễ nghĩa ngoại giao.
Cùng theo đi sứ lúc đó có hai người chí sĩ về sau in sâu những dấu tích to lớn vẻ vang trong lịch sử Nhật Bản duy tân, ấy là Thắng Lân Thái Lang 勝麟太郎 [Katsu Rintarou] (1823 - 1899) và Phúc Trạch Dụ Cát 福澤諭吉 [Fukuzawa Yukichi].
Thắng Lân Thái Lang vốn là người ăn lộc của Mạc phủ, mà đến lúc Minh Trị duy tân lại sốt sắng hô hào, có công với đại nghiệp quốc gia nhiều lắm. Còn Phúc Trạch Dụ Cát thì qua xem xét văn hóa Âu Mỹ, rồi về nước chuyên tâm vào công việc giáo dục thanh niên, rèn đúc nhân tài; nhiều tay anh tuấn trong buổi duy tân là học trò của ông đào tạo ra, chính ông đã mở ra một trường đại học rất lớn đến nay vẫn còn gọi là Khánh Ứng đại học 慶応大学 [Keiou Daigaku].
Thuở đó người Nhật xuất dương cầu học ở các nước Âu Mỹ rất nhiều, mà chính người Âu Mỹ đem văn nghệ học thuật của họ vô truyền bá cho Nhật Bản cũng chẳng ít; nhất là người hai nước Mỹ và Anh đối với Nhật Bản dày công lao phò trợ hơn hết.
Ban đầu khai quốc, nhờ Công sứ Mỹ là Cáp Lợi Tư mỗi việc bày lợi tránh hại cho Nhật, như đã nói sơ ở trên. Sau tới Công sứ Anh là A Nhĩ Ca Quật (阿爾哥窟, viết theo sách Nhật) khuyên bảo chỉ vẽ cho Nhật Bản đúc ra tiền tệ mới, khiến cho Nhật Bản tránh được một mối hại to. Nguyên là hồi đó, chế độ tiền tệ của Nhật còn lôi thôi, nên chi vàng bạc trong xứ bị lọt mất ra nước ngoài rất nhiều; quốc dân thấy vậy kinh hoàng, nhưng không biết cách nào ngăn cản cho được. Bọn thủ cựu càng được trớn mà oán trách Mạc phủ về sự hại mở cửa cho ngoại nhân vô thông thương. Công sứ Anh lo giùm cho Nhật, bèn trung cáo Mạc phủ mau mau đúc ra tiền vàng và in ra giấy bạc, nhờ đó mà cầm cản được cái hại lọt vàng ra ngoài. Người Nhật ghi nhớ luôn luôn rằng công đức này của công sứ Anh cũng có lợi cho Nhật như công đức của công sứ Mỹ đã khuyên bảo cấm tuyệt a phiến kia vậy.
Đến cuối năm 1867, Khánh Hỉ tướng quân dâng nạp đại chính về Thiên hoàng Minh Trị. Chính phủ Thiên hoàng tư giấy khắp công sứ các nước hay rằng những tờ ước do Mạc phủ lúc trước đã ký với các nước, nay vẫn kế tiếp thi hành và việc giao hảo vẫn y như cũ. Có một bọn chư hầu không ưng cải cách, liền chia trong nước ra làm hai phe: Đông và Tây, xung đột với nhau. Ấy là nội loạn. Trong vòng ít tháng, binh triều dẹp yên được loạn ở Quan Đông, Áo Vũ; rồi một năm thì loạn ở Sương Quán cũng êm. Lúc đó nhân tâm chưa trọn lòng quy hướng triều đình, nghiệp thống nhất chưa được hoàn thành, mà ngoại nhân đối với chính phủ cũ, tức là Mạc phủ, xem ra tình ý vẫn còn trìu mến không phai. Nay chính phủ mới bỗng chốc nói về việc kế tiếp giao hảo, công sứ các nước chợt nghe, dầu muốn không sinh lòng nghi ngại cũng không được. Bởi vậy các nước còn đang dụ dự về sự nhìn nhận chính phủ mới.
Duy có công sứ Anh đứng ra nhìn nhận chính phủ Thiên hoàng trước hết, rồi sau công sứ các nước lần lượt nhìn nhận theo, nhờ vậy mà địa vị chính phủ mới lập ra đối với ngoại bang được danh nghĩa nhất định. Công sứ Anh đối đãi như thế, là vì ông với mấy ông tham tán của ông ngày thường kết giao với đám chí sĩ Nhật, rõ biết nội tình nước Nhật, nay cho sự Mạc phủ trả quyền triều đình chính là việc duy tân cải cách, chớ không phải là cách mạng gì mà bảo rằng không nên nhìn nhận chính phủ mới. Nhân đó ông nói giùm với công sứ liệt quốc mà chính phủ Thiên hoàng được nhìn nhận đều hết vậy.
Tóm lại, ban sơ khai quốc có tình thân của nước Mỹ, trong lúc duy tân, có lòng tốt của nước Anh, người Nhật kể ngoại bang phò trợ cho họ khai hóa tấn bộ, có hai việc đó là lớn hơn cả. Là vì Mỹ quốc lấy tình thân thiện mà mở ra kỷ nguyên mới cho Nhật. Anh quốc thì lấy đại nghĩa mà giúp cho việc chính của Nhật Bản được dấy lên.
Ngoài ra, còn nhờ có hai cái thế biến cũng làm gốc nguồn cho cuộc duy tân của Nhật nữa.
Một cái thế biến từ trong ra.
Một cái thế biến ở ngoài vào.
Ta đã biết rằng khởi từ năm 1853 trở đi, Nhật Bản đang là một nước thủ cựu đáo để và đóng cửa tuyệt giao với ngoại quốc gần ba trăm năm, vụt chốc mạnh bạo khai quốc rồi mau chóng duy tân được, là nhờ có một bọn chí sĩ từng đọc sách Hòa Lan, biết chuyện Âu Mỹ, đứng lên kêu gào thúc giục mà ra.
Ý hẳn có nhiều độc giả phải sửng sốt muốn hỏi điều này: Quái lạ! Từ năm 1854 trở về trước, Nhật Bản vẫn công nhiên đóng cửa tuyệt giao, vậy chớ làm sao có bọn chí sĩ từng đọc sách Hòa Lan biết chuyện Âu Mỹ được? Còn như anh Tàu với nước Nam mình đây, chẳng hề đóng cửa tuyệt giao lúc nào, thế sao Tàu với mình không có ai biết chuyện của Tây phương được mảy may cóc rác gì, thiệt là khù khờ tức tối quá! Chính nước Nam mình, hồi đời vua Lê có lập ra một chỗ riêng gọi là Phố hiến cho người Tây phương tới cư ngụ thông thương tự do; lại sau đến đời Gia Long, đức thầy Bá-đa-lộc có rước nhiều người Pháp kỹ sư và quân gia tới xây thành, luyện quân, đóng thuyền, đúc súng cho vua nhà Nguyễn; ấy chính là những dịp cho ta mở mắt ra ngó thấy tài hay của Tây phương và có thể học khôn họ được, nhưng vậy mà chớ hề có ai biết thâu thái lấy trí thức Tây phương một chút, đáng tiếc biết bao! Tới nay Nhật Bản hùng cường vinh diệu thế kia, còn Tàu với mình yếu hèn thấp thỏi thế này là đáng kiếp lắm.
Phải, tôi cũng suy nghĩ như thế.
Thuở xưa ở Nhật, Nho học và Hán văn cũng thịnh, cũng tôn như ở các xứ chung quanh cùng chung một nguồn văn hóa với họ, song đám sĩ phu học giả họ không quá cố chấp lỳ, tự cao bậy, hết thảy ai cũng như ai đâu. Kỳ thiệt, trong đám nhà nho cố chấp tự cao, có nảy ra ít nhiều người có chí, muốn hiểu rộng thấy xa, chịu khó xem xét tài khôn sức mạnh của người ta, chớ không bo bo ôm chặt lấy những lý thuyết của Nghiêu Thuấn Khổng Mạnh, tưởng trong trời đất không có gì hơn được nữa.
Bởi vậy, giữa đời Mạc phủ đóng cửa tuyệt giao, trừ ra cho người Hòa Lan và người Trung Quốc là được phép ra vô mua bán tại Trường Kỳ mà thôi, thì trong nước Nhật đã có ít nhiều nho sĩ cầu kỳ ham học, biết cái học thuật phương tây có lắm chỗ hay. Họ bèn rủ nhau đọc sách Hòa Lan, để nghiên cứu về những môn học luyện binh, đúc súng, chữa bệnh, cùng là các khoa thiên văn, bác học, hóa học nữa.
Những nhà chấp chính có trí rộng, cũng biết để tâm xem xét Tây học; hoặc tự học lấy, hoặc sai người học rồi thuật lại cho mình nghe. Ví dụ hồi giữa thế kỷ 18, có nhà Hán học là Thanh Mộc Văn Tàng 青木文藏 [Aoki Bunzou] vâng lệnh Mạc phủ sai học chữ Hòa Lan, để tâu bày tình thế và học thuật Tây phương cho tướng quân biết. Kế sau có những nhà Lan học như Tiền Dã Lương Trạch 前野良沢 [Maeno Ryotaku], như Bân Điền Huyền Bạch 杉田玄白 [Sugita Genbaku], đem sách thuốc Tây phương dịch ra tiếng Nhật.
Ngoài ra, có nhiều nhà văn học, nhà chính trị, theo mấy thầy thuốc Hòa Lan học tập Tây văn. Dầu không thông hiểu Tây văn, nhưng mà nhờ gần gũi ngoại nhân rồi cũng nghe qua học thuật và tình thế liệt quốc, cái hạng sĩ phu đó lần hồi nảy ra cũng đông.
Ấy là giữa đời thủ cựu, trong nước Nhật đã có một bọn người tiên giác, từng nghiên cứu học thuật phương Tây rồi vậy.
Tới năm 1853, có đoàn tàu trận Mỹ quốc vô cửa Phố Hạ, cả đám nhà nho thủ cựu trề môi nhún mỏ, tỏ ý khinh khi người Mỹ là mọi rợ, nhưng riêng hạng thức giả thì không nghĩ như thế. Hạng này tuy còn số ít mặc lòng, cũng mạnh bạo đứng ra chống cãi với tất cả dư luận sai lầm trong xứ; ráng sức khuyên can ai nấy chớ có coi thường Tây phương là mọi rợ mà nguy. Quốc dân hăm he muốn đánh ngoại nhân, thì hạng thức giả tỏ bày lợi hại, bảo đừng có chọc ghẹo đánh lộn với người ta mà thua chết. Dư luận xướng lên chủ nghĩa “Nhương di” um sùm; hạng thức giả cố giảng giải cái chỗ không thể nào “nhương” được đâu, tất phải giao thiệp đón rước người ta, để lượm lặt lấy những chỗ hay của họ mà bổ vào chỗ dở của mình mới đặng.
Rồi ít năm sau, vụt một cái thời thế nhân tâm xoay đổi như chớp nhoáng, người Nhật thay đổi tư tưởng, mạnh bạo duy tân, đó là nhờ có số ít thức giả mở trí tỉnh hồn trước mà khuyên lơn dìu dắt hết thảy quốc dân vậy.
Cái thế biến từ trong biến ra có nguồn gốc mối manh như vậy đó.
Người Hòa Lan, trong những thuở có một mình họ được Mạc phủ rộng dung cho ra vô buôn bán, họ hay thân cận với đám học thức hữu chí ở Nhật Bản và có công chỉ dẫn cho đám này về học thuật Tây phương nhiều lắm. Đến năm 1854 trở đi, Nhật Bản khai quốc với Mỹ rồi, các nhà truyền đạo và các nhà bác học Mỹ bắt đầu sang Nhật, phần nhiều có lòng sốt sắng rộng rãi, giao tiếp với người Nhật một cách ôn hòa niềm nở, khiến cho bọn chí sĩ trong nước lân la thân cận mà được mở mang về trí thức mới rất nhiều. Hạng chí sĩ về sau ra hoạt động chính trị và có công lao lớn trong cuộc duy tân, được phong Bá tước, như Đại Ôi 大隈[Ookuma], như Phúc Đảo 福島 [Fukushima], như Hậu Đằng [後藤 Gotou], đều nhờ có sự tác thành ban đầu của người Mỹ nhiều lắm.
Ngoài ra, các ông cố đạo Thiên Chúa tầm ngầm giúp ích cho cuộc tấn hóa của Nhật Bản cũng nhiều. Ông thì chỉ vẽ khoa học, ông thì giúp đỡ giáo dục nọ kia, đều là làm ích dạy khôn cho người Nhật; biết bao thanh niên hữu chí, nhờ có công ơn khai đạo thế ấy mà hóa ra bực anh tài. Lại cũng vì đó mà thành ra người Nhật không còn nghi ngờ thù ghét đạo Thiên Chúa như xưa nữa, rồi trở nên có tục tốt tự do tín ngưỡng và ít lâu nhảy vọt lên trên đài duy tân.
Ấy là cái thế biến ở ngoài biến vào, làm gốc nguồn mối manh cho lịch sử nước Nhật mới vậy.
Nguồn: trích từ Chương 4, tác phẩm "Nhật Bản duy tân 30 năm", Nhà xuất bản Thế Giới và Alphabooks phát hành đầu năm 2015. Xuất bản lần đầu năm 1936 tại Sài Gòn.