Mười nguyên lý của hệ thống tự do lựa chọn trường học (phần 1/3)

Mười nguyên lý của hệ thống tự do lựa chọn trường học (phần 1/3)

Tags: Giáo dục

Nguyên lý 1. Cho phép cha mẹ được lựa chọn trường

Cha mẹ và những người giám hộ hợp pháp cần được phép lựa chọn trường học cho con em mình. Không nên để họ bị thua thiệt vì để con em theo học ở một ngôi trường tư hoặc trường tôn giáo.

Hiện nay, các quy định chính thức không khuyến khích sự lựa chọn của cha mẹ trong lĩnh vực giáo dục. Khi cho con theo học các trường tư, cha mẹ bị mất quyền hưởng các khoản công quỹ dành cho việc giáo dục con, bao gồm tiền thuế mà chính họ phải nộp. Những cha mẹ gửi con vào trường công thì hoặc không được chọn hoặc chỉ được chọn một vài trường tương tự nhau do cùng một chính quyền học khu quản lý.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sự độc quyền này của các trường công đối với các khoản công quỹ đã làm cho thị trường vận hành các trường tư từng một thời sôi động bị bóp nghẹt (Spring 1986, Everhart 1982). Nếu như trước thập niên 1840, hầu hết trẻ em Mỹ đều theo học các trường tư, thì ngày nay khoảng 87% học sinh lại học tập tại các trường công.

Lựa chọn là quyền hợp pháp của các bậc cha mẹ

Các bậc cha mẹ ở Mỹ hoàn toàn có thể xác quyết quyền định hướng giáo dục con em mình, điều vốn dĩ đã được truyền thống và luật pháp công nhận từ lâu đời (Skillen 1993, Blum 1958). Một số chuyên gia pháp lý coi quyền của cha mẹ trong việc kiểm soát việc học hành của con là nền tảng cho tất cả các quyền tự do dân sự khác (Arons 1997, McCarthy et al. 1981, McGarry and Ward 1966).

Tòa án Tối cao Mỹ trong vụ Pierce v. Society of Sisters (1925) đã phán xét “nguyên lý cơ bản của quyền tự do mà tất cả các chính phủ của Liên bang này dựa vào không cho phép bất cứ quyền lực nào của nhà nước tiêu chuẩn hóa những đứa trẻ bằng việc ép buộc chúng chỉ được chấp nhận sự chỉ dạy của các giáo viên trường công. Trẻ em không phải là thực thể duy nhất của nhà nước; những người nuôi dưỡng và định hướng vận mệnh của chúng có quyền, cùng với nghĩa vụ cao cả, trong việc nhận diện và chuẩn bị thêm cho chúng những bổn phận làm người.”

Trong phán quyết Zelman v. Simmons-Harris (2002) Tòa án Tối cao Mỹ đã ủng hộ chương trình voucher trường học của Cleverland, với ý kiến bằng văn bản của đa số thẩm phán, “để phù hợp với những phán quyết bác bỏ sự không thừa nhận đối với những chương trình tương tự, chúng tôi quyết định chương trình này không vi phạm Điều khoản thiết lập (Establishment Clause).”

Có thể tin tưởng cha mẹ trong việc đưa ra các lựa chọn sáng suốt

Hệ thống cấp ngân sách cho các trường học hiện hành được dựa trên quan niệm cho rằng “các cơ quan chính quyền địa phương có khả năng đưa ra quyết định về việc học hành cho từng đứa trẻ tốt hơn gia đình chúng; ngay cả khi gia đình nhận được hỗ trợ tư vấn chuyên nghiệp” (Coons and Sugarman 1978 rev. 1999, p. 47). 

Thế nhưng điều này là sai sự thật. Cha mẹ có nhiều khả năng hiểu biết về nhu cầu và mối quan tâm cá nhân của con mình hơn, và họ có động lực mạnh mẽ trong việc chọn đúng ngôi trường cho con em của mình hơn là các quan chức. Cha mẹ thường quan tâm con sâu sắc và có thể lường trước được việc sẽ phải dựa dẫm vào chúng lúc về già (Bast and Walberg 2004).

Các cuộc khảo sát cho thấy cha mẹ thường xếp hạng các trường giống như cách mà các chuyên gia làm, chứng tỏ họ có đầy đủ thông tin để đưa ra các lựa chọn sáng suốt (Solmon 2003, Hoxby 2001). Các khảo sát còn chỉ ra rằng hầu hết cha mẹ lựa chọn các trường tư là vì chất lượng học thuật hơn là thể thao, sự tiện lợi, hay những cân nhắc khác ít liên quan tới chất lượng của trường (Solmon 2003, Witte 2000, Moe 1995).

Sự lựa chọn của cha mẹ trong giáo dục mang lại hiệu quả

Việc cho phép cha mẹ lựa chọn trường học cho con giúp trao quyền cho họ thay vì cho các nhân viên của nhà trường, giúp họ đóng một vai trò quyết định hơn trong việc giáo dục con cái (Coulson 1999). Việc này khuyến khích cha mẹ tham gia vào việc học tập tại trường của con cái, từ đó tác động tích cực tới việc học của chúng (Vassallo 2000, Raywid 1989, Walberg 1984). Mức độ tham gia cao hơn của cha mẹ cũng là một lý do chính khiến các trường tư thường đạt kết quả tốt hơn các trường công (Coleman and Hoffer 1987).

Kinh nghiệm thực tế đã chứng minh rằng cho phép cha mẹ lựa chọn trường học mang lại hiệu quả. Trước giữa thế kỷ 19, khi hầu hết học sinh ở Mỹ theo học các trường dân lập liên kết với nhà thờ, tỷ lệ người biết chữ đã cao ngang bằng với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, và thực tế còn cao hơn cả bây giờ (West 1965 (3rd rev. ed, 1994)).

Ngày nay, học sinh tại các trường công lập đối mặt với sự cạnh tranh từ các trường bán công và dân lập thường có thành tích tốt hơn những học sinh tại các trường thiếu vắng sự cạnh tranh này (Hoxby 2002, Belfield and Levin 2001). Lợi ích không chỉ dành cho con em của những người giàu có hoặc có hiểu biết hơn: Những bậc cha mẹ được hưởng lợi từ các chương trình lựa chọn trường học thường có các mức thu nhập thấp hơn và con em của họ thường có thành tích học tập thấp hơn những học sinh không tham gia (West 1997). Ngoài ra, chương trình voucher của Milwaukee đã khiến hệ thống trường công phải thực hiện nhiều cải cách tích cực (Gardner 2002).

Đọc thêm: Philip Vassallo 2000, http://www.heartland.org/pdf/12066.pdf; Coons and Sugarman 1978 rev. 1999, http://www.heartland.org/pdf/15845.pdf; Raywid 1989, http://www.heartland.orgpdf/15846.pdf. 

Nguyên lý 2. Việc cấp ngân sách nên gắn liền với đứa trẻ

Tiền thuế dành cho giáo dục nên chảy vào các trường học được các bậc cha mẹ lựa chọn, thay vì trao qua tay các công chức hành chính không trực tiếp giảng dạy.

Toàn thể người dân Mỹ đã quyết định sử dụng thuế để tài trợ một phần hoặc toàn bộ việc đến trường của con trẻ mà không đếm xỉa gì đến khả năng chi trả học phí tại các trường tư của cha mẹ chúng. Điều này dẫn đến khả năng xung đột với quyền của cha mẹ trong việc giáo dục con em mình. Với những biện pháp phòng ngừa nhất định, sự xung đột đó có thể được hóa giải bằng cách cho phép tiền thuế đi theo đứa trẻ tới bất kỳ trường học nào mà cha mẹ chúng lựa chọn.

Cơ chế hiện hành trao quyền cho các công chức.

Khoảng một nửa số thuế dành cho giáo dục chảy từ người nộp thuế đến các sở, cục giáo dục cấp bang hoặc liên bang và cuối cùng tới các trường và giáo viên trường công lập. Thuế tài sản địa phương thường chảy vào các học khu tại địa phương hoặc vào các cơ quan nhà nước để tái phân bổ tới các học khu “còn thiếu thốn tài sản”. Do tình trạng quan liêu, cứ 5 đô la tiền thuế thu được để dành cho các trường học thì có 2 đô la không thể đến được lớp học (Bonsteel và Brodt 2000). Hệ thống này tập trung quyền lực vào tay các nhóm nhỏ gồm các công chức phần lớn không được bầu, thường ít liên quan tới lớp học. Theo thời gian, hệ thống này bị quan liêu hóa, trở nên lãng phí và cứng nhắc (Tyack 1974).

Đối với khu vực trường tư, việc cấp tài chính tuân theo một bộ quy tắc khác. Ở đó, cha mẹ trả học phí trực tiếp cho những cơ sở giáo dục mà họ chọn cho con mình, vì thế nguồn tài chính tự động đi theo đứa trẻ. Tự do lựa chọn trường học khuyến khích cha mẹ nghiên cứu lựa chọn một cách kỹ càng và cho phép giáo viên biết những kiểu trường học mà cha mẹ học sinh muốn. Cạnh tranh đối với nguồn học phí khiến các cơ sở giáo dục điều chỉnh và cải thiện các dịch vụ, và loại bỏ các cơ chế quan liêu tốn kém, không cần thiết.

Việc cấp ngân sách nên gắn liền với học sinh

Có thể điều chỉnh cách thức cấp ngân sách cho các trường công theo như cơ chế cấp tài chính ở các trường tư bằng cách yêu cầu tiền thuế phải đi theo học sinh tới trường học mà cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh đó lựa chọn. Hai cách để thực hiện việc này là học bổng lựa chọn (choice scholarship) (hay voucher) và cấp tín thuế trả học phí.

Nếu áp dụng voucher, cha mẹ được phép chọn các trường học mà họ cho là tốt nhất và nhận các voucher hoặc các chứng chỉ được tài trợ bằng tiền thuế để trả học phí (lên đến một khoản tiền nhất định) tại các trường tham gia (Walberg và Bast 2003, Hakim et al. 1994, Friedman và Friedman 1980). Sau đó, các trường sẽ cạnh tranh để thu hút học sinh. Việc quyết định giá trị của voucher, những trường nào có thể tham gia, và những loại quy định áp dụng đối với các trường tham gia sẽ được đưa ra trong quá trình thiết kế chương trình lựa chọn trường học. (Xem các nguyên tắc bên dưới để biết các đề xuất lập pháp cụ thể.)

Cơ chế thứ hai là miễn một phần thuế thu nhập cho những bậc cha mẹ đóng học phí tại các trường tư hoặc cho các cá nhân và công ty quyên tặng học phí cho các trường tư (Olsen and Brouillette 2000, Anderson et al. 1997). Illinois, Iowa và Minnesota là các bang có luật cho phép người đóng thuế nhận lại một phần học phí mà họ trả cho các trường tư từ chính quyền tiểu bang. Còn Arizona, Florida và Pennsylvania thì cấp tín thuế cho các công ty và cá nhân tài trợ học bổng cho trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp.

Các chương trình voucher hiện đã rất phổ biến

Cấp công quỹ cho người tiêu dùng dưới hình thức voucher không phải là một ý tưởng mới lạ gì. Các chương trình voucher hiện hành bao gồm phiếu thực phẩm, phiếu mua nhà cho người có thu nhập thấp, GI Bill (Đạo luật quy định những khoản hỗ trợ, trong đó có các khoản học phí và chi phí sinh hoạt để theo học tại các trường cho cựu binh Hoa Kỳ - ND) và Trợ cấp Pell cho sinh viên đại học, trợ cấp giữ trẻ ban ngày của liên bang, và chương trình An sinh xã hội (Savas 2000). Ví dụ, chương trình An sinh Xã hội phân phát khoảng 400 tỷ đô la hàng năm cho hàng triệu người cao tuổi để họ chi tiêu theo ý muốn. Những người cao tuổi chi tiêu lương hưu của họ cho hàng hóa và dịch vụ mà họ lựa chọn, bao gồm cả việc đóng góp cho một số cho các tổ chức từ thiện, nhà thờ, đền thờ và nhà thờ Hồi giáo. Nhưng chẳng thấy ai phàn nàn chương trình An sinh xã hội dẫn đến việc quản lý quá mức đối với các cửa hàng mà những người cao tuổi hay lui tới hoặc đe dọa sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước.

Chắc chắn rằng trường mà các bậc cha mẹ chọn trong chương trình lựa chọn trường học sẽ khác với các trường hiện được tài trợ bằng tiền thuế. Cuộc thăm dò ý kiến của Phi Delta Kappa International / Gallup năm 2004 cho thấy 57% cha mẹ có con đang học tại các trường công sẽ chọn các trường tư nếu có chương trình voucher (Clowes 2004c). Một cuộc khảo sát của Public Agenda (1999) cho thấy 55% tất cả cha mẹ và 67% cha mẹ sống trong khu vực nội thành có con theo học trường công sẽ chọn trường tư nếu họ không còn phải quá lo lắng về vấn đề học phí nữa.  Khảo sát của Harwood (1995) cũng ghi nhận khoảng 80% các gia đình người Mỹ gốc Phi sẽ chọn các trường tư.

Đọc thêm: Walberg and Bast 2003, http://www.hoover.stanford. edu/publications/books/fulltext/edcap/ 253.pdf; Hakim et al. 1994; Friedman and Friedman 1980. 

Nguyên lý 3. Các trường học nên cạnh tranh với nhau

Để tài trợ cho các hoạt động của mình, các trường cần phải dựa vào học phí, bao gồm học phí từ thuế và các bậc cha mẹ lựa chọn trường cho con chi trả. 

Trường học chỉ nên nhận tiền thuế khi các bậc cha mẹ sẵn sàng gửi con mình cho họ. Những trường liên tục không thể thuyết phục các bậc cha mẹ tin tưởng gửi gắm con cái không nên được hưởng ngân sách, như đang diễn ra ở các trường công lập. Thay vào đó, những trường này nên bị đóng cửa để một số học sinh còn lại có thể theo học tại các trường tốt hơn, nhân viên và các nguồn lực khác của họ có thể được sử dụng tốt hơn ở những nơi khác.

Cạnh tranh giúp phát huy những gì tốt nhất trong con người

Cạnh tranh giúp phát huy những gì tốt nhất trong con người và tổ chức, không phải vì nó hấp dẫn lòng tham và sự ích kỷ, mà bởi vì niềm khao khát đổi mới sáng tạo, giành được sự tôn trọng từ người khác, và trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình (Olson 2000, Novak 1996). Các đối thủ cạnh tranh tạo ra các thước đo để đo lường nỗ lực của mỗi cá nhân và cũng như những bài học vô giá về những gì nên làm và không nên làm.  Phần thưởng cho thành tích cao là chuyện thường trong tất cả các lĩnh vực, từ thể thao đến âm nhạc, kinh doanh, nhà hàng, y học và khoa học.

Yêu cầu các trường học phải cạnh tranh chắc chắn không có gì phải bàn cãi. Cung cấp thực phẩm, quần áo, chỗ ở, phương tiện đi lại, thuốc men và vô số hàng hóa và dịch vụ thiết yếu khác đều dựa trên sự cạnh tranh. Sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục ngoại khóa cũng như giáo dục đại học đã được cho phép và khuyến khích. Tuy nhiên, sự cạnh tranh mang tính xây dựng giữa các trường tiểu học và trung học lại bị kìm hãm do việc phân bổ học sinh vào các trường công lập và chiếm giữ các khoản ngân sách dành cho các trường tư (Lieberman 1989).

Chất lượng của các trường học được cải thiện nhờ cạnh tranh

Một cuộc khảo sát với hơn 35 nghiên cứu về tác động của cạnh tranh đối với các trường công chỉ ra rằng “phần lớn các nghiên cứu này cho thấy cạnh tranh có tác động tích cực tới tất cả các kết quả” (Belfield và Levin 2001, trang 1). Theo Caroline Hoxby (2002), kết quả học tập của học sinh tại các trường công lập được cải thiện khi có càng nhiều sự lựa chọn liên khu (học khu – ND) và tỷ lệ học sinh theo học các trường tư trong khu vực đô thị càng cao. Trong một nghiên cứu khác, Hoxby (2001) cũng phát hiện rằng các trường ở khu vực đô thị với quyền lựa chọn tối đa giữa các khu có 35% khả năng đạt tiêu chuẩn cao đối với các môn tiếng Anh, toán, khoa học, nghiên cứu xã hội và ngoại ngữ hơn các trường ở các khu vực với lựa chọn tối thiểu. 

Thiếu cạnh tranh sinh ra sự tầm thường và lãng phí

Khi được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh, ngay kể cả các công chức tài giỏi và có tiếng cũng có động cơ hành động theo những cách nhằm tăng thu nhập, quyền lực, sự nổi tiếng, hoặc thời gian rảnh rỗi của họ (Borcherding 1977). Cách tiếp cận quan liêu thông thường là tối thiểu hóa lựa chọn dịch vụ cung cấp cho người dân và quy trình hóa các thủ tục tới mức tối đa, thường trên danh nghĩa công bằng và hiệu quả nhưng hầu hết đơn giản là để giảm lượng công việc của các viên chức. Kết quả của nền giáo dục công lập là các trường học ngày càng phình to và vô cảm, việc phân bổ học sinh vào các trường được dựa vào nơi mà cha mẹ định cư thay vì nhu cầu đặc biệt của học sinh, và các mã trường và các thỏa ước tập thể bóp nghẹt sự sáng tạo và tạo ra sự tầm thường (Gatto 2001, Ravich 2000). 

Thiếu vắng cạnh tranh và lựa chọn trong các trường công lập, các nhà quản lý trường học bị lấn át bởi các công đoàn giáo viên đại diện cho những người làm thuê mà họ đáng ra phải quản lý (Lieberman 2000; Haar, Lieberman, and Troy 1994). Các lãnh đạo công đoàn là những người có tác động tới các quyết định chính trị ảnh hưởng đến ngân quỹ của nhà trường và cản trở việc tiếp cận thông tin cần thiết để thực hiện các quy định. Những lợi ích của các lãnh đạo công đoàn thường khác biệt và theo đó xung đột với những lợi ích của học sinh. 

Lựa chọn trường học là một cải cách mang tính hệ thống đáng mong đợi 

Yêu cầu các trường học cạnh tranh với nhau là một phương thức có tính hệ thống trong việc thay đổi các động cơ, và sau đó là hành vi, của tất cả các bên liên quan trong nền giáo dục K-12: cha mẹ, giáo viên, nhà quản lý, học sinh, và thậm chí người đóng thuế và chủ lao động. Nó đưa các nguồn tài nguyên đến với những người và tổ chức làm những điều đúng đắn, và tước chúng khỏi những ai làm điều sai trái. Lựa chọn trường học, như John Chubb and Terry Moe (1990) đã viết, là “một cuộc cải cách hứa hẹn thành công, nhờ động cơ chính đáng từ bên trong của nó. Tự bản thân nó có khả năng đem đến sự thay đổi mà trong nhiều năm các nhà cải cách đã tìm mọi cách thiết kế mà không đạt được” (tr. 217).

Đọc thêm: Hoxby 2002, http://www-hoover.stanford.edu/ publications/books/fulltext/choice; Hoxby 2001, http://www- hoover.stanford.edu/publications/books/fulltext/primer/11.pdf; Chubb and Moe 1990.

(Xem tiếp Phần 2)

Nguồn: Joseph L.Bast, Herbert J.Walberg, Ten principles of school choice, The Heartland Institute

 

Dịch giả:
Hoàng Văn Trung