Mười nguyên lý của hệ thống tự do lựa chọn trường học (phần 2/3)
(Tiếp theo Phần 1)
Nguyên lí 4. Trao quyền cho các lãnh đạo nhà trường
Hiệu trưởng và những người đứng đầu khác của nhà trường nên được trao toàn quyền trong việc xây dựng sứ mệnh và chương trình đào tạo mà họ tin là hấp dẫn nhất đối với học sinh và cha mẹ học sinh.
Rất nhiều trường công lập thất bại vì họ bị kiểm soát quá mức. Các quy định mọc lên ngày càng nhiều bởi vì những người đứng đầu nhà trường khi bị xung đột lợi ích trong một môi trường không có cạnh tranh thường có hành động đi ngược lại lợi ích của học sinh. Cho phép cha mẹ được quyền lựa chọn và buộc các trường phải cạnh tranh sẽ khôi phục lại một hệ thống khuyến khích phù hợp, tạo điều kiện cho việc bãi bỏ các quy định. Khi đó, hiệu trưởng và những người đứng đầu nhà trường sẽ được tự do đưa ra những sứ mệnh và chương trình mà họ tin là hấp dẫn nhất đối với học sinh và cha mẹ học sinh.
Trông đợi vào hệ thống chính trị tất dẫn đến các quy định
Các quy định là cái giá mà chúng ta phải trả cho việc trông đợi vào hệ thống chính trị thay vì thị trường để phát hiện và ngăn chặn các hành vi tham nhũng hoặc kém hiệu quả (Wilson 1989, Olson 2000). Mỗi tầng trong hệ thống chính quyền hoặc bộ máy hành chính đều cố gắng hạn chế phạm vi ra quyết định tùy ý của tầng bên dưới bằng cách áp đặt các quy tắc, yêu cầu báo cáo và chỉ định các ủy ban giám sát. Dịch vụ càng phức tạp, các quy tắc càng trở nên rối rắm và tốn kém và việc cung cấp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người thụ hưởng càng kém hơn.
Ví dụ, các quan chức liên bang và tiểu bang chỉ đạo hàng năm giải ngân hàng tỷ đô la cho các chương trình “có mục đích cụ thể” hoặc các chương trình “đền bù”. Về lý thuyết, những khoản tiền này dành cho các lớp học và dịch vụ đặc biệt của nhóm trẻ em nghèo, nhập cư, song ngữ, phân biệt chủng tộc hoặc có trở ngại về mặt tâm lý - các đối tượng mà giám đốc học khu có thể dễ dàng bỏ qua vì họ thuộc nhóm cử tri thiểu số hoặc thường không phàn nàn về dịch vụ kém. Trên thực tế, các chương trình này đã tạo ra những bộ máy quan liêu khổng lồ, phương hại đến việc học tập và bảo vệ những lợi ích tốt nhất của trẻ em (Fossal 1996).
Khi cha mẹ tìm đến các đại biểu họ bầu vào trong chính quyền liên bang và tiểu bang để trông cậy sự giúp đỡ, tình hình còn trở nên tồi tệ hơn. Các quan chức đó đã áp đặt một mê cung các quy định bắt buộc, các chương trình trợ cấp có mục đích, các cơ quan giám sát chính trị và hành chính, các hạn chế đầy mâu thuẫn và không cần thiết đối với nhân sự nhà trường, cho đến khi “như là hệ quả, tất cả đều bị cấm hoặc bắt buộc” (Jencks 1972, xem thêm Gatto 1993).
Các xung đột lợi ích mọc lên như nấm trong các trường công lập ngày nay
Các trường công lập bị quản lý hết sức nghiêm ngặt vì nhân viên của họ hoạt động trong một môi trường thể chế đầy rẫy xung đột lợi ích. Ví dụ, các giám đốc học khu đặt ra tiêu chuẩn, hoạch định chính sách và đề xuất ngân sách, đồng thời họ chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ: thuê và quản lý giáo viên, lựa chọn và bảo trì cơ sở vật chất, v.v. Họ chịu những cám dỗ mạnh mẽ trong việc đặt ra các tiêu chuẩn học tập thấp để dễ dàng đạt được hơn, tăng ngân sách để tránh các cuộc đàm phán khó khăn với các công đoàn giáo chức và trì hoãn việc bảo trì cơ sở vật chất, vì điều này ít được chú ý trong nhiệm kỳ của họ (Chubb và Moe 1990, Sizer 1984).
Cảnh ngộ của các giám đốc học khu còn bi đát hơn do phải đàm phán với công đoàn giáo chức. Không có nhiều thứ có thể đe dọa chiếc ghế của giám đốc học khu, nhưng một trong số đó là sự bất mãn của công đoàn giáo chức. Một lãnh đạo công đoàn bất mãn có thể tiết lộ cho hội đồng trường những thông tin mâu thuẫn với báo cáo đánh giá của giám đốc học khu, dẫn đến bối rối và xung khắc với hội đồng. Một cuộc đình công của giáo viên có thể khiến giám đốc học khu bị mất chức. Khi cần phải kỷ luật một giáo viên không đủ năng lực hoặc thậm chí nguy hiểm, giám đốc học khu giằng co giữa việc đưa ra quyết định đúng hay làm hài lòng các đại diện công đoàn (Brimelow 2003, Economist 2002).
Lựa chọn trường học trao quyền cho các nhà lãnh đạo trường
Lựa chọn trường học giúp các lãnh đạo nhà trường thoát khỏi gánh nặng quy định hành chính nhờ thay thế các quyết định chính trị bằng động lực thị trường. Trách nhiệm giải trình của nhà trường là “từ dưới lên”, nhờ việc cha mẹ đưa ra những lựa chọn sáng suốt cho con em mình, thay vì là “từ trên xuống”, tức được thực hiện khi có sự áp đặt các quy định và thủ tục hành chính bởi các quan chức chính phủ.
Lựa chọn trường học chấm dứt các xung đột lợi ích mà giám đốc học khu phải đối mặt nhờ tách biệt trách nhiệm “lo liệu” việc học chính quy khỏi trách nhiệm “tạo ra” dịch vụ này. “Sự tách biệt giữa chức năng lo liệu hay thu xếp một dịch vụ khỏi việc tạo ra dịch vụ này là rất quan trọng… Nó giúp cho vai trò của chính phủ trở nên rõ ràng hơn” (Savas 2000, trang 65). Hội đồng nhà trường cấp địa phương và cấp bang và giám đốc học khu sẽ chỉ chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo ngân sách cho các trường được các bậc cha mẹ lựa chọn và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về trách nhiệm giải trình tài chính và học thuật, đảm bảo các quyền dân sự và các tiêu chuẩn an toàn. Trách nhiệm đối với việc cung cấp hoạt động giáo dục chính quy trên thực tế thuộc về những người đứng đầu mỗi trường trước áp lực cạnh tranh thu hút học sinh và ngân sách chính phủ (Lieberman 1989, tr. 25-56).
Đọc thêm: Brimelow 2003; Gatto 1993; Sizer 1984
Nguyên lí 5. Trao quyền cho giáo viên
Lựa chọn trường học sẽ giúp các giáo viên thoát khỏi sự phụ thuộc hiện tại vào các công đoàn giáo chức, cho phép họ sống thật bằng nghề.
Giáo viên ngày nay không có sự tự do
Thật bất ngờ là so với những người hành nghề chuyên môn trong các lĩnh vực khác, các giáo viên trường công lập thường không có sự tự do. Để được đứng lớp ở hầu hết các bang, họ phải tham gia các khóa học tại các trường cao đẳng sư phạm, thường bị lên án là yếu kém hoặc thậm chí là phản tác dụng trong lớp học (Kramer 1991, Clifford và Guthrie 1988). Họ phải tham gia các công đoàn giáo chức và chịu khấu trừ các khoản phí khổng lồ từ tiền lương của mình, phần lớn để sử dụng trong các chiến dịch chính trị mà không có sự đồng thuận của họ (Lieberman 2003). Trả công xứng đáng không tồn tại trong hầu hết các hệ thống trường công lập (Ballou và Podgursky 1997).
Giáo viên trường công bị mất những quyền lợi mà các ngành nghề khác coi là hiển nhiên vì các xung lực thị trường bảo vệ và trao thưởng không hoạt động trong hệ thống trường công. Logic của bộ máy quan liêu khuyến khích sự tập trung quyền lực, dẫn đến sự ra đời của các học khu và trường trung học có quy môn quá lớn để có thể đem đến những gì tốt nhất cho học sinh khi triển khai một chương trình giảng dạy duy nhất. Tuy nhiên, việc áp dụng nhiều chương trình giảng dạy và liên tục thay đổi các chương trình này khiến chúng ta không thể xác định chắn chắn học sinh cần nắm vững những kiến thức gì ở bậc học trước đó, do đó hội đồng nhà trường, giám đốc học khu và hiệu trưởng khó có thể đánh giá chính xác thành tích của từng giáo viên (Sykes 1995, Evers và Walberg 2002).
Các công đoàn giáo chức bảo vệ giáo viên, nhưng với cái giá cao
Thiếu các thước đo khách quan về năng lực chuyên môn, các giáo viên hiển nhiên sẽ lo ngại việc thiên vị và các hình thức lạm quyền khác. Các công đoàn giáo chức quyền lực đưa ra sự bảo hộ dưới dạng đảm bảo và các thỏa thuận thương lượng tập thể chi tiết làm hạn chế nghiêm trọng các đặc quyền quản lý của hiệu trưởng. Ở một số khía canh, chúng ta có thể thấy hiệu quả của chiến lược này: Giáo viên hầu như không bao giờ bị chấm dứt hợp đồng vì kém năng lực, và ngay cả những trường học nhiều vấn đề nhất cũng hiếm khi phải đóng cửa. Tuy nhiên chiến lược này lại làm phương hại nặng nề đến nghề dạy học và trẻ em.
Dạy học đã trở thành một nghề không được nhiều người coi trọng. “Các tân sinh viên sư phạm được chọn một cách không cân đối từ các sinh viên có điểm kiểm tra thành tích trung học nằm trong nhóm phần ba dưới cùng” (Hoxby 2003, tr. 93). Mức lương thực tế trung bình của giáo viên đã tăng 12% kể từ năm 1982, nhưng vẫn tăng chậm hơn so với nhóm sinh viên tốt nghiệp nói chung và các ngành nghề có thể đối sánh khác; ví dụ, lương tăng 17% đối với ngành điều dưỡng (Finn 2003).
Lựa chọn trường học mở ra một con đường tốt hơn cho giáo viên
Có một hướng đi tốt hơn dành cho các giáo viên. Lựa chọn trường học sẽ cho phép giáo viên trường công khôi phục các quyền tự do đã mất của họ trong khi tăng năng suất của hệ thống giáo dục phổ thông (K-12).
Nếu cha mẹ được phép chọn trường cho con mình và nếu ngân sách nhà nước gắn liền với đứa trẻ, thì các mánh khóe mà những giám đốc học khu, hội đồng nhà trường và công đoàn giáo viên sử dụng để trốn tránh trách nhiệm giải trình sẽ không còn cần thiết hoặc khả thi. Các giám đốc học khu sẽ không có động cơ để lừa dối cha mẹ học sinh hoặc cử tri. Các báo cáo tiêu dùng chính xác, với những thông tin cấp trường về thành tích học tập của học sinh và năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên sẽ được phổ biến rộng rãi, tương tự như các báo cáo hiện có về ô tô, bệnh viện và các hàng hóa và dịch vụ khác.
Lựa chọn trường học sẽ cho phép nhiều chương trình giảng dạy được áp dụng nhất quán dựa trên nhu cầu của học sinh và sở thích của các bậc cha mẹ. Điều này sẽ giúp đánh giá chính xác hơn đóng góp của mỗi giáo viên đối với việc học của học sinh. Các trường giữ lại những nhân viên không đủ năng lực hoặc nguy hiểm sẽ nhanh chóng mất học sinh vào tay những trường có chính sách tuyển dụng dựa trên năng lực.
Giáo viên sẽ hưởng lương cao hơn và một số có thể mở trường học riêng
Các trường học thành công sẽ trả lương cao hơn cho các giáo viên có năng lực rõ ràng, vì làm vậy họ có thể thu hút nhiều học sinh hơn và do đó có nhiều nguồn lực hơn từ học phí do tư nhân hoặc ngân sách nhà nước tài trợ, từ đó trả lương cho giáo viên. Tình trạng quan liêu quá mức sẽ không được dung thứ, và nhiều khoản tiền thuế quyên góp cho giáo dục sẽ đến được với giáo viên và lớp học hơn. Các hiệu trưởng không còn bị cản trở trong việc trả lương cao hơn cho những giáo viên xuất sắc hoặc giáo viên phụ trách những môn học khó như giải tích và vật lý.
Trong một hệ thống lựa chọn trường học, giáo viên sẽ được tự do thành lập trường học của riêng mình mà không bị vướng phải tệ quan liêu và các quy định (Zuelke 1996). Một loạt các cơ hội sẽ đến khi các ngầm định và giáo điều cũ tồn tại hơn một thế kỷ sau bức tường độc quyền và quan liêu, cuối cùng cũng phải chịu sự cạnh tranh và sụp đổ trước những ý tưởng mới và tốt hơn.
Đọc thêm: Evers và Walberg 2003, http://www.hoover.stanford.edu/publications/books/accountability.html; Lieberman 2003, http://www.heartland.org/pdf/12498.pdf; Leisey và Lavaroni 2000.
Nguyên lí 6. Cung cấp đẩy đủ cho các bậc cha mẹ nguồn ngân sách gắn với động cơ khuyến khích lựa chọn
Những trường hợp cha mẹ khó khăn nên được nhận đủ ngân sách nhà nước để có thể lựa chọn các trường chất lượng cao, cũng như các khuyến khích để chọn các trường hiệu quả hơn và học phí thấp hơn.
Các bậc cha mẹ phải được cung cấp đủ các voucher học phí hoặc tín thuế để có thể lựa chọn các trường học chất lượng cao, kể cả các trường thế tục không được trợ cấp bởi nhà thờ, nhà chùa hoặc nhà thờ Hồi giáo.
Voucher học phí có thể được quy định ở nhiều mức khác nhau
Lý tưởng nhất là số tiền thuế theo học sinh đến các trường do cha mẹ lựa chọn phải bằng nhau bất kể đó là trường công lập, trường tư, bán công, thế tục hay tôn giáo. Các công thức tính ngân sách dành cho mỗi học sinh hiện nay được nhiều hệ thống trường công sử dụng có thể là cơ sở để thiết lập các mức voucher học phí và tín thuế.
Nếu cha mẹ của những trẻ đang theo học tại các trường tư đủ điều kiện nhận các khoản thuế hoặc tín thuế có thể hoàn lại, ngân sách cho các trường công sẽ phải giảm đi hoặc tổng chi tiêu công sẽ phải tăng lên, có thể thông qua việc tăng thuế. Để tránh những phương án thay thế không được ưa chuộng về mặt chính trị này, những người ủng hộ hệ thống voucher học phí và tín thuế đã đề xuất chỉ hỗ trợ cho các học sinh hiện đang theo học tại các trường công lập hoặc thiết lập mức voucher học phí hoặc tín thuế thấp hơn mức chi hiện tại cho mỗi học sinh ở các trường công (Wittmann và Hetland 1991, Bast 2002).
Nhiều mức hỗ trợ khác nhau đã được đề xuất, từ khấu trừ thuế 250 đô la trở xuống đến các voucher học phí trị giá 10.000 - 12.000 đô la mỗi năm cho trẻ em đến từ nhóm 20% hộ gia đình nghèo nhất (Reich 2000). Milton Friedman, một trong những người đề xuất hệ thống voucher sớm nhất và nổi bật nhất, ban đầu đã kêu gọi đặt voucher ở các mức tương đương với mức chi hiện tại cho mỗi học sinh ở các trường công (Friedman 1962). Gần đây, Friedman đã đề xuất mức voucher thấp hơn phản ánh năng lực của khu vực tư nhân trong việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ với mức chi phí chỉ bằng một nửa tổng chi phí vận hành và chi phí vốn của khu vực công.
Cha mẹ nên được phép đóng góp tiền của họ vào hệ thống voucher
Mệnh giá của voucher học phí và tín thuế càng thấp, thì nhu cầu cho phép cha mẹ thanh toán trực tiếp một phần học phí càng cao. Những “phần bổ sung học phí” như vậy có lợi thế khuyến khích cha mẹ tham gia nhiều hơn vào việc giáo dục của con cái (Coulson 1999). Tuy nhiên, những người phản đối và một số người đề xướng hệ thống voucher cũng phản đối việc bổ sung học phí vì sợ chúng sẽ làm tồi tệ hơn sự phân tầng kinh tế xã hội và phân tách chủng tộc trong giáo dục (Witte 2000, Coons và Sugarman 1978, phiên bản 1999). Tuy nhiên, những nỗi lo ngại này đã được dấy lên không đúng chỗ.
Gần như tất cả các trường tư ở hầu hết các khu vực trong nước không có sự phân tách về dân tộc hoặc xã hội; nhiều trường đã thu nhận và giảng dạy một số lượng lớn nhóm học sinh thiểu số và thu nhập thấp (Alt và Peter 2003). Trên thực tế, ở một số phương diện, các trường công lập tại các thành phố lớn có sự phân tách dân tộc và xã hội hơn so với các trường tư (Peterson et al. 2001). Các chương trình voucher thí điểm hiện tại cho thấy ngay cả những voucher có giá trị thấp cũng tạo ra các trường học hiệu quả và tích hợp cho nhóm học sinh thiểu số và thu nhập thấp (Rouse 2000, Moe 1995).
Khen thưởng những cha mẹ chọn trường học có học phí thấp hơn
Nếu mức voucher học phí hoặc tín thuế được đặt bằng mức chi tiêu hiện tại của trường công, các trường hiện đang chi ít hơn có thể có động cơ tăng chi tiêu và tăng học phí của mình lên bằng số tiền của voucher hoặc tín thuế. Trong trường hợp này, các bậc cha mẹ sẽ không thể trở thành những người tiêu dùng nhạy bén về giá bởi họ không nắm được chi phí thực tế cho việc giáo dục của con em mình, và các trường học sẽ không có động lực hoạt động hiệu quả hơn.
Để tránh vấn đề này, có thể thành lập các Tài khoản Tiết kiệm Giáo dục (ESA), các tài khoản tiết kiệm được thành lập dưới tên những học sinh đủ tiêu chuẩn nhận voucher và cha mẹ có thể gửi vào đó phần chênh lệch giữa giá trị voucher và học phí thực tế phải trả (Bast 2002). Ví dụ: nếu một voucher trị giá 7.000 đô la và một phụ huynh chọn trường có học phí 6.000 đô la, khoản chênh lệch 1.000 đô la sẽ được gửi vào tài khoản ESA của học sinh. Việc rút tiền từ ESA chỉ được phép dùng để thanh toán học phí, chi phí gia sư và các chi phí giáo dục khác của học sinh đó. Khi học sinh đến độ tuổi nhất định (các độ tuổi thường được đề xuất là 19, 21 hoặc 23), bất kỳ khoản nào còn lại trong tài khoản sẽ hoàn nguyên về người nộp thuế.
Tài khoản Tiết kiệm Giáo dục (ESA) có thể phải đối mặt với những thách thức pháp lý ở một số tiểu bang và do đó cần được các chuyên gia pháp lý xem xét kỹ lưỡng trước khi được đưa vào kế hoạch voucher. Khi được cấp phép, ESA có thể giúp cho hệ thống voucher trở nên phổ biến hơn đối với những bậc cha mẹ ở vùng ngoại ô, những người cho rằng các trường công lập mang lại kết quả tốt nhưng lại đặt ra gánh nặng thuế quá lớn. Hàng triệu người trưởng thành đã sử dụng hình thức tương tự như Tài khoản Hưu trí Cá nhân (IRA) để tiết kiệm cho quỹ hưu trí của mình.
Đọc thêm: Bast 2002, http://www.heartland.org/pdf/ ACF10.pdf; Merrifield năm 2001; Wittmann và Hetland 1991, http://www.heartland.org/pdf/21847y.pdf
(Xem tiếp Phần 3)
Nguồn: Joseph L.Bast, Herbert J.Walberg, Ten principles of school choice, The Heartland Institute