Mười nguyên lý của hệ thống tự do lựa chọn trường học (phần 3/3)

Mười nguyên lý của hệ thống tự do lựa chọn trường học (phần 3/3)

Tags: Giáo dục

(Tiếp theo Phần 2)

Nguyên lí 7. Cho phép các trường học được thành công hoặc thất bại

Các nhà khởi tạo kinh doanh và giáo viên nên được tự do thành lập và quản lý trường học; những trường không thể thu hút học sinh nên được chấp nhận đóng cửa.

Một trong những lý do khiến nhiều trường công lập có kết quả học thuật thấp là vì chúng không được tự do thành công cũng như thất bại. Những trường vượt qua nhiều trở ngại để gặt hái được thành công lại thường bị trừng phạt do bị mất các khoản trợ cấp bổ sung hoặc phải nhường những giáo viên giỏi nhất của mình cho những trường “cần được giúp đỡ”. Những trường không đạt được kết quả khả quan thường được nhận thêm ngân sách với lý do để các quan chức dân cử và bộ máy hành chính nhà trường tìm cách khắc phục vấn đề (Sykes 1995). 

Lựa chọn trường học tạo ra cơ chế thưởng phạt tự động     

Thiếu vắng cơ chế thưởng phạt không phải là loại khiếm khuyết có thể giải quyết được chỉ bằng các hình thức: thông qua luật “trách nhiệm giải trình”, tổ chức lễ trao giải hàng năm, hoặc thậm chí là thường xuyên yêu cầu học sinh và nhân viên nhà trường thực hiện các bài kiểm tra thành tích gắn với những “hậu quả thực”. Vấn đề này, như đã thảo luận trong Nguyên lý 3 – “Các trường học nên cạnh tranh với nhau”, vẫn thâm căn cố đế trong các trường công chừng nào những trường này vẫn còn là những cơ quan chính phủ, chỉ chịu trách nhiệm trước các quan chức cấp trên thay vì là chịu trách nhiệm trực tiếp trước cha mẹ học sinh (Chubb and Moe 1990).

Giải pháp đó là tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ được tự do lựa chọn trường học và buộc các trường phải cạnh tranh nhằm thu hút được nhiều học sinh hơn. Khi ngân sách cho nhà trường gắn với học sinh, những trường không thể làm hài lòng cha mẹ học sinh sẽ bị thất thu, và buộc phải thu hẹp hoặc đóng cửa. Ngược lại, những trường mà cha mẹ thấy hấp dẫn sẽ gia tăng được sĩ số và có thể thu học phí cao hơn, nhà trường có thể sử dụng các khoản tiền này nhằm cải thiện chất lượng, nhân viên nhà trường cũng được hưởng lợi về mặt tài chính do thành công của trường mang lại. Lúc đó sẽ không cần những cuốn sổ tay dày cộp đầy các quy định hay nhiều tầng lớp quan liêu để “quản lý thay đổi” nữa. 

Nhiều giáo viên và lãnh đạo các trường mong muốn trở thành nhà khởi tạo kinh doanh

Lựa chọn trường học chỉ có tác dụng nếu những người đứng đầu nhà trường và giáo viên được quyền tổ chức và vận hành trường theo cách mà họ thấy phù hợp, tuân theo quy luật của cạnh tranh thị trường và sự lựa chọn của cha mẹ học sinh. Cần phải đảm bảo rằng sự thành công đi đôi với phần thưởng, còn sự trừng phạt đi cùng với những thất bại, và điều này đòi hỏi quyền tự do thành lập mới và mở rộng các trường học thành công, còn các trường thất bại sẽ phải đối diện với nguy cơ bị đóng cửa (Merrifield 2001).

Khu vực tư nhân đủ sức đảm nhiệm việc bơm những ý tưởng và nguồn lực mới vào hệ thống giáo dục phổ thông (K-12). Giáo viên trên khắp cả nước đang thành lập những “cơ sở hành nghề tư nhân” và cung cấp dịch vụ cho các trường hoặc trực tiếp cho phụ huynh học sinh, tương tự như các luật sư, bác sĩ và chuyên gia khác đang làm (Zuelke 1996, Leisey and Lavaroni 2000). Hiệp hội dịch vụ giáo dục, một hiệp hội thương mại với hơn 800 thành viên doanh nghiệp và cá nhân, đại diện cho những nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư trên khắp cả nước; họ đã cung cấp các dịch vụ và cạnh tranh trực tiếp với các trường công lập (Seibert 2004). Những nhóm như PAVE (Partners Advancing Values in Education – Đối tác nâng cao giá trị trong Giáo dục), một tổ chức phi lợi nhuận ở Milwaukee, đang giúp các trường đặc cách và trường voucher “lên kế hoạch kinh doanh, tìm hiểu nguồn tài chính cho các dự án hàng triệu đô la, và định vị các trường học trong bức tranh nguồn lực của cộng đồng.” (Sweet 2003).

Đóng cửa các trường công thất bại và mở lại dưới hình thức trường voucher

Theo kế hoạch voucher, cơ quan quản lý các trường công lập sẽ buộc phải đóng cửa những trường thất bại và tái cơ cấu ban quản lý những trường còn lại nhằm thích ứng với điều kiện cạnh tranh mới. Số học sinh cần đi học vẫn giữ nguyên, vì vậy nhu cầu về giáo viên và quản lý trước và sau khi áp dụng kế hoạch voucher là như nhau. Những giáo viên giỏi và nhà quản lý có kinh nghiệm có thể thấy bất tiện khi đảm nhiệm vị trí mới ở những trường khác, nhưng ngoại trừ điều đó, họ không cần thiết phải lo lắng về tác động của kế hoạch voucher. Khác với hệ thống hiện tại, những người làm việc tốt hơn sẽ được nhận lương và thưởng cao hơn.

Đề xuất ban đầu của John E. Coons về voucher cung cấp những khoản vay được bảo lãnh và hỗ trợ tương tự cho những nhóm cộng đồng thành lập các trường học voucher (Coons 1971). Có thể thành lập một quỹ cho vay xoay vòng bằng số tiền thu được từ việc bán hoặc cho thuê phòng học ở các trường công lập để phục vụ mục đích này. Richard Vedder đề xuất việc chia lợi nhuận và kế hoạch sở hữu cổ phiếu của nhân viên (ESOP), nhằm tạo điều kiện cho các giáo viên các trường công lập nắm quyền sở hữu trường của mình và gắn kết họ với phần thưởng hoặc rủi ro mà cơ chế này có thể tạo ra.  

Gợi ý đọc thêm: Sweet 2003, http://www.heartland.org/ pdf/14012.pdf; Merrifield 2001; Vedder 2000.

Nguyên lí 8. Duy trì quyền tự chủ của các trường tư

Cần công nhận quyền tự chủ của các trường tư, đấy cũng là vì lợi ích công cộng. Không nên áp đặt cho trường tư những quy định mới, và nên dỡ bỏ các quy định áp dụng cho cả các trường công lẫn trường tư.

Thứ đảm bảo chắc chắn nhất cho chất lượng giáo dục là cạnh tranh chứ không phải những cuộc thanh tra của các cơ quan chính phủ hoặc vô số những luật lệ và quy định cần phải tuân theo (Hess 1999, p. 185). Các nhà lập pháp phải đảm bảo rằng chương trình voucher hoặc tín thuế không làm phát sinh những quy định mới áp đặt lên các trường tư.

Các trường tư hiện đang được miễn nhiều quy tắc áp dụng cho các trường công lập

Hiện tại, các trường tư được hưởng quyền tự chủ nhiều hơn các trường công bất chấp những nỗ lực [cản trở] của nhiều quan chức chính phủ và đội ngũ cán bộ của các hiệp hội giáo chức. Về bản chất, voucher sẽ không mở cánh cửa vẫn đang đóng cho các cơ quan quản lý chính phủ. Tu chính án thứ nhất bảo vệ các trường gắn với tôn giáo tránh khỏi các quy định của liên bang hoặc của tiểu bang, vì chúng có thể ảnh hưởng đến quyền tự do tôn giáo. Dù vậy, đáng tiếc là hiến pháp tiểu bang thường cho phép những quy định nghiêm ngặt với các trường tư thế tục, bất kể những trường đó có nhận được tài trợ của chính phủ hay không.

Các trường tư cần được giữ quyền tự chủ về chương trình giảng dạy, lựa chọn sách giáo khoa; chính sách tuyển sinh, bảo lưu kết quả học tập và kỷ luật; và các chính sách nhân sự, bao gồm cả hợp đồng lao động. Các trường tư cần được tiếp tục được miễn trừ áp dụng các quy chế đảm bảo biên chế, gia hạn hợp đồng, hạn chế luân chuyển cán bộ và cách chức (Arons 1989-1990). Đồng thời, các trường tư cũng cần tiếp tục được bảo vệ khỏi những tranh cãi, đòi hỏi về quyền hiến định đặc biệt của nhân viên nhà trường, ví dụ, buộc phải tham gia hay có quyền không tham gia các công đoàn và hiệp hội nghề nghiệp (Lieberman 1986a, Valente 1985).

Có thể cần một số nhượng bộ

Những người ủng hộ hệ thống tự do lựa chọn trường học phải chuẩn bị tâm thế nhượng bộ một số mối quan ngại của công chúng về trách nhiệm giải trình của những trường tư chấp nhận tài trợ công (Moe 2001). Trước tiên, họ có thể ngăn chặn trước một số chỉ trích bằng cách chỉ rõ trong những dự luật đề xuất của mình việc cấm các trường tham gia hệ thống giảng dạy lòng căm hận hoặc hạ thấp bất kỳ người nào hoặc nhóm người nào trên các khía cạnh chủng tộc, dân tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia, tôn giáo hoặc giới tính, hoặc phân biệt đối xử trong chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc, màu da hoặc nguồn gốc quốc gia (Bast 2002).

Những người đề xuất voucher có thể cũng phải chấp nhận việc yêu cầu các trường tham gia hệ thống lựa chọn thực hiện các bài kiểm tra đạt chuẩn do mỗi trường lựa chọn và công bố kết quả kiểm tra một cách công khai và theo yêu cầu. Đây không phải một quy định phiền toái bởi hầu hết các trường tư đã áp dụng các bài kiểm tra kiểu như vậy và điều này giúp giải tỏa những phàn nàn thường gặp, rằng có một số cha mẹ không có điều kiện giám sát hoạt động của ngôi trường nơi con em họ đang theo học. 

Tuy nhiên, việc duy trì quyền tự chủ của trường học đòi hỏi thẩm quyền đối với việc chứng nhận, kiểm tra, và tiết lộ thông tin của trường không bị tập trung trong một bộ máy quan liêu của nhà nước. Trong thị trường cạnh tranh, các trường tốt có đủ động lực công bố và thậm chí là quảng cáo thông tin liên quan đến kết quả hoạt động. Một số bài kiểm tra độc lập về thành tích học tập của học sinh đã được công nhận tại hầu hết các bang. Chính phủ chỉ cần yêu cầu các trường tiến hành kiểm tra, và có lẽ yêu cầu này chỉ cần áp dụng trong một thời gian nhất định.

Bốn chiến lược giúp giảm thiểu rủi ro cho các chính sách mới

Các nhà lập pháp có thể tham khảo 4 chiến lược giúp giảm thiểu rủi ro cho chương trình voucher và tín thuế về nguy cơ làm tăng quy định đối với các trường tư (Walberg and Bast 2003, pp. 260-264). Chiến lược đầu tiên và cũng là hiệu quả nhất nếu trở thành một phần của một tu chính án, đó là ghi nhận quyền tự chủ của các trường tư mang lại lợi ích công và tất cả các quy định ảnh hưởng đến các trường tư đều được giữ ở mức giống như trước khi áp dụng voucher. 

Chiến lược thứ hai là đưa vào kế hoạch lựa chọn trường học các điều khoản trao cho những người phản đối việc tăng cường quy định địa vị pháp lý và cấp ngân sách mà họ cần để bảo vệ quyền tự chủ của trường. Điều này đảm bảo rằng các trường tư có thể giữ được người đại diện pháp luật chất lượng khi cần. 

Chiến lược thứ ba là yêu cầu bất kỳ cơ quan chính phủ nào có thẩm quyền quản lý các trường tư tham gia hệ thống phải có cơ cấu thành viên cân bằng giữa lợi ích của chính phủ và trường tư. Không được để các cơ quan quản lý như vậy bị chi phối bởi những cá nhân phản đối hệ thống tự do lựa chọn trường học. 

Chiến lược thứ tư và cuối cùng để hạn chế việc ban hành các quy định là kết hợp sáng kiến dỡ bỏ các quy định ở trường công với kế hoạch voucher. Điều này có thể giúp các nhà lãnh đạo và giáo viên trường công thống nhất quan điểm với những người ủng hộ trường tư, làm chia rẽ liên minh phản đối hệ thống lựa chọn trường học thường thấy. 

Gợi ý đọc thêm: Hess 1999; Arons 1989-1990; Lieberman 1986a. 

Nguyên lí 9. Giảng dạy các giá trị dân chủ 

Sự thất bại của những trường công lập trong việc giảng dạy môn giáo dục công dân và những giá trị dân chủ là một lý do thuyết phục để áp dụng hệ thống lựa chọn trường học. 

Rõ ràng là trường học đóng một vai trò then chốt trong những nền dân chủ, nhưng điều này không thể biện hộ cho tình hình hiện tại, khi toàn bộ tiền thuế huy động cho giáo dục được phân bổ riêng cho các trường công lập, còn những cha mẹ chọn trường tư tôn giáo hoặc trường tư thế tục thì đều bị thua thiệt về mặt tài chính. Thật vậy, tính cấp thiết của việc cải thiện chất lượng giảng dạy môn giáo dục công dân và những “giá trị dân chủ” khác là một luận cứ then chốt ủng hộ hệ thống tự do lựa chọn trường học. 

Rất nhiều trường công lập thất bại trong việc giảng dạy môn giáo dục công dân

Nhiều trường công lập hiện nay không hề làm tốt trong việc giảng dạy môn giáo dục công dân và các giá trị dân chủ. Theo kết quả đánh giá học sinh lớp 12 do Viện Đánh giá Quốc gia về Tiến bộ Giáo dục tiến hành năm 1998, chỉ 25 % học sinh Mỹ tham gia các trường công lập đạt được mức rất tốt hoặc tốt xét trên khía cạnh kiến thức và sự hiểu biết về công dân (Clowes 2003). Hơn 50% học sinh tại các trường trung học cho người Mỹ gốc Phi đạt điểm dưới mức cơ bản. Điều này có nghĩa là những học sinh này thậm chí còn không trả lời chính xác những câu hỏi đơn giản nhất về cơ cấu tổ chức chính phủ, Hiến pháp liên bang, và vai trò của công dân trong một nền dân chủ. Các trường học công lập cũng không có khả năng cung cấp cho cha mẹ học sinh những bằng chứng chắc chắn về hoạt động tự quản. Khi tước đi quyền lựa chọn trường học cho con của cha mẹ và sau đó từ chối sự tham gia của họ vào việc xây dựng chương trình giảng dạy, lựa chọn nhân sự cũng như những vấn đề vận hành khác, các trường công lập dường như đang xóa bỏ thay vì thúc đẩy xã hội công dân và dân chủ (McGarry and Ward 1966, Blum 1958). Học sinh có thể rút ra những bài học công dân nào khi nhận thấy cha mẹ của mình mặc nhiên bị từ chối tham gia đóng góp vào ngôi trường chúng đang theo học? 

Các trường tư làm tốt hơn trong việc giảng dạy môn giáo dục công dân

Cũng theo đánh giá ở trên, học sinh theo học các trường Công giáo đạt điểm cao hơn nhiều về kiến thức của môn giáo dục công dân, với 39% số học sinh đạt mức rất tốt hoặc tốt. Con số này với các trường tư khác là 35%. 

Học sinh các trường tư không chỉ đạt điểm cao hơn trong những đánh giá về môn giáo dục công dân, mà dường như cũng được trải nghiệm sự đa dạng và được học về cách tôn trọng những khác biệt về dân tộc và tôn giáo. “Học sinh các trường tư được tham dự vào những lớp học hòa nhập tốt hơn gấp hai lần so với học sinh trường công lập. Và học sinh trường tư ít phải tham dự những lớp học tách biệt lớn” (Greene 1998, pp. 96-97). Theo báo cáo, học sinh trường tư cũng có xu hướng kết bạn với những học sinh thuộc các nhóm chủng tộc và dân tộc khác trong trường gần gấp đôi so với trường công (Greene 1998, pp. 99). 

Các giá trị dân chủ và chủ nghĩa tư bản không mâu thuẫn với nhau

Những người phê phán hệ thống trường tư cho rằng có sự xung khắc cơ bản giữa việc thúc đẩy các giá trị dân chủ và việc để cho những thể chế dân sự như nhà thờ và thị trường vận hành trường học. Mặc dù vậy, như đã được phân tích ở trên (Xem Nguyên tắc 1 – “Cho phép cha mẹ được lựa chọn”), hệ thống giáo dục Mỹ đã được vận hành dựa trên sự cạnh tranh, lựa chọn và học phí được cá nhân chi trả trong khoảng hai thế kỷ trước khi xuất hiện các trường công lập như hiện nay và đã thành công trong việc giáo dục nhiều thế hệ người Mỹ. 

Những nhà sử học kinh tế đồng ý rằng những thế chế của chủ nghĩa tư bản như quyền sở hữu tài sản cá nhân, tự do trao đổi, và nhà nước pháp quyền, là cần thiết để tạo ra hòa bình và thịnh vượng cần cho một nền dân chủ thành công (Pipes, 1999, Bethel 1998). Những thể chế dân chủ như bầu cử công khai, bình đẳng về chính trị và quy tắc đa số giúp phân quyền và giám sát, là một điều kiện cần thiết để duy trì tự do cá nhân và chủ nghĩa tư bản (Olson 2000). Xét về lịch sử, chủ nghĩa tư bản và dân chủ tồn tại song hành, cái này là điều kiện để bảo đảm cái kia tồn tại. Chúng thúc đẩy và bảo vệ nhau hơn là mâu thuẫn với nhau. 

Quan điểm cho rằng các trường tư không thể trang bị cho công dân về dân chủ cũng bỏ qua một quan điểm đối lập: Liệu cho phép chính phủ kiểm soát việc học hành của chính công dân của mình có phải là một việc làm khôn ngoan? Sự kiểm soát của chính phủ đối với hầu hết hoặc tất cả các trường học làm giảm tính độc lập của công dân và làm suy yếu các thể chế trung gian như gia đình và các tổ chức tự nguyện tư nhân giúp tạo ra và bảo vệ nền dân chủ (Mil 1869, repr. 1947, p. 108). 

Gợi ý đọc thêm: Clowes 2003, http://www.heartland.org/Article.cfm?artId=11786; Pipes 1999; Greene 1998 

Nguyên lí 10. Tất cả các bậc cha mẹ nên được tự do lựa chọn 

Mục tiêu là cho phép tất cả các bậc cha mẹ được tự do lựa chọn, thúc đẩy cạnh tranh giữa các trường, và cho mỗi đứa trẻ cơ hội học tập tại một ngôi trường an toàn và hiệu quả. 

Những lợi ích của việc tự do lựa chọn của cha mẹ trong giáo dục áp dụng với toàn bộ cha mẹ, trẻ em, bất kể thu nhập, chủng tộc và tôn giáo. Do đó, tất cả các bậc cha mẹ nên được tự do lựa chọn. 

Có thể cần phải đưa ra kế hoạch triển khai từng bước ngay từ đầu 

Vì những người ủng hộ hệ thống tự do lựa chọn trường học phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm lợi ích có tổ chức hưởng lợi từ tình trạng hiện thời, họ phải xây dựng liên minh với các nhóm bất đồng quan điểm trong một số vấn đề. Một thỏa hiệp phổ biến là thực hiện từng bước kế hoạch voucher tham vọng trong vòng vài năm. 

Kế hoạch triển khai từng bước quy định rõ những cấu phần của chương trình mới chỉ được thực hiện sau một khoảng thời gian nhất định hoặc sau một vài sự kiện kích hoạt khác. Ban đầu, chương trình chỉ áp dụng cho các đối tượng là học sinh từ các gia đình có thu nhập thấp, học sinh ở một số thành phố hoặc học khu nhất định, hoặc học sinh đang theo học các trường công lập không đạt yêu cầu. Hoặc có một cách tiếp cận khác là quy mô voucher ở mức thấp lúc đầu, sau đó sẽ tăng dần lên. Kế hoạch triển khai từng bước có nhiều lợi ích có thể kể đến như: 

- Giảm chi phí chương trình trong những năm đầu do hạn chế số lượng học sinh tham gia 

- Ngăn chặn trước các cáo buộc cho rằng chương trình làm lợi cho các gia đình giàu có một cách không cân xứng hoặc làm tổn thương các nhóm thiểu số hoặc học sinh từ các gia đình có thu nhập thấp; và 

- Cho khu vực tư thời gian để đáp ứng nhu cầu mới bằng cách thành lập trường học mới hoặc mở rộng quy mô của các trường hiện có. 

Cách tiếp cận tiệm tiến (incrementalism) cũng là một chiến lược có thể cân nhắc

Một chiến lược khác là sử dụng cách tiếp cận tiệm tiến, theo đó những người ủng hộ hệ thống tự do lựa chọn trường học chấp thuận một kế hoạch voucher hoặc tín thuế rất hạn chế mà không có các quy định ràng buộc về việc mở rộng sau này. Sau đó, họ tìm cách mở rộng chương trình bằng cách đưa ra các bộ luật kế tiếp, hy vọng chương trình “thí điểm” giúp tạo ra nhận thức đầy đủ và những hỗ trợ cần thiết để thông qua các chương trình tham vọng hơn. Ví dụ về cách tiếp cận này bao gồm các chương trình voucher ở Milwaukee, Cleveland và Florida. 

Cách tiếp cận tiệm tiến có nhiều lợi ích giống như chiến lược triển khai từng bước và nó đã giúp những người ủng hộ lựa chọn trường học ở một số khu vực ở Mỹ vượt qua những rào cản cải cách mà những chiến lược khác không thể làm được. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể khiến công chúng nhầm lẫn giữa các chương trình thí điểm với những kiểm nghiệm thực sự cho hệ thống lựa chọn trường học (Merrifield 2001). Một chương trình voucher thí điểm chỉ giới hạn cho học sinh từ các gia đình có thu nhập thấp và các trường phi tôn giáo, chẳng hạn như chương trình Milwaukee ban đầu, không phải là một thử nghiệm có ý nghĩa đối với kế hoạch voucher. 

Một điểm yếu khác của cách tiếp cận tiệm tiến là những kế hoạch hạn chế thường bị phản đối mạnh mẽ cũng giống như các kế hoạch tham vọng. Các nhà lãnh đạo công đoàn giáo chức hiểu rằng các kế hoạch voucher nhắm vào số ít cha mẹ có thu nhập thấp là nhằm phá vỡ liên minh giữa lao động có tổ chức và nhóm thiểu số, một yếu tố quan trọng trong liên minh chống tư nhân hóa dưới mọi hình thức. Do đó, các nhà lãnh đạo công đoàn đầu tư rất nhiều vào việc vận động hành lang chống lại các kế hoạch dù có quy mô rất hẹp. 

Không nên loại trừ các trường tôn giáo và vì lợi nhuận cũng như con cái của các gia đình không có hoàn cảnh khó khăn

Bất kể áp dụng chiến lược gì, những người ủng hộ tự do lựa chọn trường học nên hướng tới một chương trình chọn trường tạo ra một thị trường giáo dục tự do thực sự, không còn có các quy định và những hạn chế hiện vẫn đang áp dụng tại những chương trình "thí điểm". 

Các trường tôn giáo và vì lợi nhuận phải được phép tham gia vào một chương trình lựa chọn trường học thành công. Hầu hết các trường tư thành công ở Hoa Kỳ ngày nay đều liên kết với tôn giáo vì việc cung cấp các chương trình giảng dạy tôn giáo và trợ cấp từ các thành viên nhà thờ là cách họ cạnh tranh để giành học sinh với các trường công “miễn phí”. Các trường vì lợi nhuận nên được phép tham gia vào các chương trình voucher vì khả năng hoặc mức độ sẵn sàng của các trường phi lợi nhuận để đáp ứng nhu cầu mới còn quá nhiều vấn đề. Các trường hoạt động vì lợi nhuận có nhiều khả năng cung cấp các dịch vụ sáng tạo thu hút cha mẹ học sinh hơn (Lieberman 1986b, 1989). 

Cuối cùng, như Milton Friedman (1998) đã cảnh báo, một chương trình được thiết kế chỉ dành cho người nghèo sẽ là một chương trình tồi tệ. Các cử tri có thu nhập trung bình và cao ít có khả năng ủng hộ một chương trình không mang lại lợi ích cho họ; điều này tạo ra khoảng trống khiến các nhóm lợi ích có toàn quyền điều hành chương trình vì lợi ích của họ. Vậy thì tốt hơn, và khẩn thiết hơn, là đưa ra những chương trình cung cấp lựa chọn cho tất cả cha mẹ và trường học an toàn và hiệu quả cho mọi trẻ em. 

Gợi ý đọc thêm: McGroarty 1998; Friedman 1998; Lieberman 1989.

Nguồn: Joseph L.Bast, Herbert J.Walberg, Ten principles of school choice, The Heartland Institute

Dịch giả:
Vũ Huệ Ngân