Sốt thị trường vàng: những dấu hỏi về chính sách
[SGTT - 09.2012] Trong suốt một tháng qua, thị trường vàng đã hoạt động mạnh trở lại sau gần một năm trầm lắng. Sau khi đạt mốc 45 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 2.2012, giá vàng bắt đầu đi xuống và chạy quanh mức 41 – 43 triệu đồng/lượng cho tới cuối tháng 7. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 8, giá vàng bắt đầu tăng mạnh và chạm mốc 47 triệu đồng/lượng từ giữa tháng 9 và đi ngang từ đó tới nay. Giá vàng trong nước đã tăng hơn 5 triệu đồng/lượng trong quãng thời gian chưa đầy một tháng trong khi giá vàng thế giới quy đổi chỉ tăng khoảng xấp xỉ 4 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng sôi động trở lại
Thị trường vàng trong nước trong thời gian qua đột nhiên trở nên sôi động theo xu hướng chung của thị trường vàng thế giới, sau khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed, ECB, và BoJ đều tuyên bố đẩy mạnh bơm tiền nhằm thúc đẩy các nền kinh tế thoát khỏi trì trệ.
Tuy nhiên, khác với lần tăng giá vàng trên thế giới hồi đầu năm 2012, người mua trong nước đột ngột quan tâm tới vàng hơn. Nhiều ngân hàng tăng mua vàng vào để đảm bảo thanh khoản; còn cầu từ phía người dân phần lớn do những biến động tâm lý trước những bất ổn trên các thị trường tài chính.
Điều này làm cho giá vàng trong nước tăng mạnh hơn so với giá vàng thế giới. Khoảng cách giá vàng trong nước cao hơn so với thế giới ngày càng bị doãng ra, có thời điểm lên tới hơn 3 triệu đồng lượng.
Dấu hỏi về các chính sách bình ổn giá vàng
Việc giá vàng tăng bất thường một lần nữa khiến dư luận đặt dấu hỏi về hiệu lực của các chính sách quản lý vàng hiện nay của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Nhớ lại cách đây một năm, trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước cũng tăng mạnh theo và gây ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá, thống đốc đã tuyên bố giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng/lượng là có sự đầu cơ. Để đối phó với hiện tượng đầu cơ, NHNN đã quyết định cho phép 5 ngân hàng (nhóm G5) tham gia bán một phần vàng huy động, tức được phép âm tối đa 20% trạng thái, từ dân cư để bình ổn giá.
Tuy nhiên, chính sách này chỉ hữu hiệu trong thời gian đầu. Sau đó, giá vàng trong nước quay trở lại trạng thái luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 1 – 2 triệu đồng/lượng.
Trong đợt sốt vàng hiện nay, nhóm G5 dường như tỏ ra bất lực trong việc bình ổn giá vàng trên thị trường như kỳ vọng ban đầu của thống đốc. Trong bối cảnh nhiều người dân rút bớt lượng tiền gửi bằng vàng tại các ngân hàng, để đảm bảo thanh khoản về vàng và lo ngại giá vàng còn tăng lên, các đơn vị này có thể đã mua ngược trở lại từ thị trường khiến cho thị trường càng trở nên “sốt” và khan hiếm vàng hơn.
Một chính sách đáng chú ý khác về bình ổn thị trường vàng là việc NHNN độc quyền sử dụng nhãn hiệu vàng miếng SJC thông qua nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25.5.2012.
Vấn đề nằm ở chỗ tuy NHNN có tuyên bố các loại vàng miếng này vẫn có giá trị ngang với vàng miếng SJC nhưng thị trường vẫn không yên tâm, còn người dân thì khá hoang mang. Trên thực tế, kể từ khi nghị định 24 có hiệu lực, giá vàng miếng SJC liên tục cao hơn các loại vàng miếng phi SJC, có thời điểm lên tới hơn 3 triệu đồng/lượng. Điều này đã khiến cho người dân muốn chuyển đổi từ vàng phi SJC sang vàng SJC đều phải chịu thiệt thòi.
Khi NHNN cho phép dập đúc 13 tấn vàng phi SJC sang vàng SJC để phục vụ thị trường trong những ngày vừa qua rõ ràng những người sở hữu vàng phi SJC trước đây đã phải chịu thiệt thòi rất lớn, trong khi các đại lý thu mua vàng được hưởng lợi vì đã bán được lượng vàng này cho Nhà nước với giá tương đương vàng SJC.
Một chính sách khác cần đặt dấu hỏi là việc cấm các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động vàng. Kể từ khi ban hành thông tư 11/2011/TT-NHNN vào ngày 1.5.2011, NHNN đã lùi thời hạn hiệu lực của thông tư này nhiều lần và thời hạn hiện tại là ngày 25.11.2012.
Về phía các NHTM, khi không còn được huy động để cân bằng trạng thái, các NHTM này sẽ buộc phải mua lại vàng trên thị trường vì thông thường các khoản cho vay bằng vàng thường có thời hạn dài hơn so với các khoản huy động. Khi đó, nhu cầu thị trường sẽ tăng mạnh và tác động xấu tới thị trường.
Một vấn đề khác đặt ra là NHNN vẫn chưa có chính sách gì khác để huy động được vàng trong dân vào trong nền kinh tế sau khi các NHTM không được huy động vàng. Khi đó, một khối lượng vàng được dự đoán từ 400 – 500 tấn trong dân sẽ nằm trong két của người dân và trở thành tài sản chết, không chuyển hoá được để lưu thông. Rõ ràng đây sẽ là một mất mát cực lớn cho nền kinh tế trong bối cảnh khan hiếm vốn như hiện nay.
Cần có thị trường vàng hiện đại
Những câu hỏi về hiệu quả các chính sách về vàng hiện tại cho thấy rằng nếu không đưa ra được giải pháp nào khác thì vàng sẽ vẫn là một nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế.
Như vậy, để ngăn chặn được các nguy cơ xảy ra cho nền kinh tế liên quan đến vàng thì mấu chốt vẫn là phải bắt tay vào xây dựng một thị trường vàng hiện đại cho Việt Nam, thay vì áp dụng các biện pháp có tính hành chính và hơi hướng độc quyền. Một thị trường vàng hiện đại mà Việt Nam hướng tới phải là thị trường cho phép thị trường trong nước và thế giới liên thông với nhau; một thị trường cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng. NHNN cần cân nhắc các giải pháp như lập sàn vàng quốc gia và hệ thống chứng chỉ vàng mà giới chuyên gia đề cập trong thời gian gần đây.
Nguồn: GTT.VN 24.09.2012