![[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 9)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_15.3_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 9)
VƯỢT QUA CHIA RẼ ĐẢNG PHÁI (3/3)
Giao những quyết định chính sách cho các ủy ban của các chuyên gia là không dân chủ, nhưng quá trình này cũng không kém dân chủ hơn là giao cho 9 thẩm phán không do dân bầu với thời hạn giữ chức vụ kéo dài suốt đời và không chịu trách nhiệm giải trình chính trị trước bất cứ ai ngoài họ, quyền quyết định những vấn đề căn bản như, khi nào thì người phụ nữ có thể phá thai hay đứa trẻ phải đi học ở đâu. Hơn nữa, các ủy ban sẽ không phải là người đưa ra quyết định cuối cùng cho những vấn đề mà họ được giao, nhưng họ có thể dẹp bớt những cuộc vận động chỉ trích mang tính đảng phái và đáng xấu hổ khỏi cuộc thảo luận bằng cách thiết lập nền tảng đồng thuận dựa vào sự kiện và phân tích chung, được các đảng thỏa thuận, và sau đó bảo vệ về mặt chính trị các nghị sĩ khi họ thực hiện những bước đi đầy đau đớn về chính sách, có thể làm phật lòng những khối cử tri quan trọng. Về những vấn đề cơ bản và khó, như tái cấu trúc bảo hiểm y tế (Medicare) hay giảm xả thải chất carbon, sự đồng thuận của ủy ban lưỡng đảng về những nguyên tắc căn bản sẽ tạo cho các nghị sĩ lòng dũng cảm và cách ly về chính trị để làm điều đúng bằng cách tuyên bố – một cách chân thành – rằng đấy là “cuộc cải cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm”. Bằng cách này, chế độ dân chủ Mỹ có thể bước ra khỏi nền chính trị của sự phá hủy do tinh thần đảng phái gây ra và những nhóm quyền lợi đặc biệt ngăn cản.
Còn có những cuộc cải cách khác, cấp tiến hơn nhiều, có thể củng cố hơn nữa chế độ dân chủ Mỹ, bằng cách thay đổi hệ thống lựa chọn các nghị sĩ và tổng thống sao cho có thể làm giảm được sự độc quyền mà Cộng hòa và Dân chủ chia sẻ với nhau. Một trong những biện pháp là bỏ những khu vực bầu cử chỉ có một ứng cử viên, sử dụng phương pháp bầu cử theo đa số thay thế cho một số hình thức đại diện theo tỉ lệ (PR), trong đó, ít nhất, một số ghế đại biểu quốc hội (và hội đồng lập pháp bang) sẽ được bầu từ những khu vực bầu cử có nhiều ứng viên. Đặc biệt là trong những bang lớn như California, Texas và New York, cách làm này sẽ giúp cho những đảng nhỏ (như Đảng Xanh, Đảng Bảo Thủ, và Đảng Tự Do) giành được một số ghế và làm cho các cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh hơn (đồng thời còn làm giảm đáng kể khả năng chia lại khu vực bầu cử). Cách làm này cũng có thể còn đẩy nhanh xu hướng dẫn đến việc có nhiều phụ nữ, và nhiều đại diện của các nhóm sắc tộc thiểu số trong các cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, có nguy cơ là nó sẽ gây ra những cuộc tranh cãi về tư tưởng có thể gây ra nhiều chia rẽ hơn, vì đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ sẽ phải phòng thủ nhằm chống lại hiện tượng những người có tư tưởng tả khuynh và hữu khuynh trong đảng của họ đào ngũ trong giai đoạn diễn ra những cuộc tổng tuyển cử.
Vì đại diện theo tỉ lệ (PR) có xu hướng làm nổi rõ những khác biệt về chính trị và như vậy là làm nảy sinh nhiều đảng phái chính trị, phù hợp hơn với hệ thống đại nghị, nơi chính phủ liên hiệp là hiện tượng tự nhiên hơn là hệ thống tổng thống. Ngược lại, logic của hệ thống tổng thống là tập hợp, và hoạt động tốt hơn với hệ thống có hai đảng chính, để cho tổng thống có cơ hội hợp tác với quốc hội, nếu đảng của ông không kiểm soát được. Lựa chọn hấp dẫn hơn và ít nhất là cũng hiện thực hơn đối với Hoa Kỳ là chuyển sang hệ thống bầu cử lựa chọn (alternative vote – AV) hay thường được gọi là “instant run-off”, được áp dụng ở Australia trong các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp, ở Ireland trong các cuộc bầu cử tổng thống và trong một số nước đang phát triển, nói chung đều tạo ra những kết qủa tích cực trong việc làm dịu bớt các cuộc xung đột.1 Các khu vực bầu cử cơ quan lập pháp có thể tiếp tục là những khu vực có một ứng viên – cách làm này còn tạo điều kiện cho các cá nhân tiếp xúc nhiều hơn với những đại diện được họ bầu lên. Nhưng, trong hệ thống AV cử tri có thể xếp hạng các ứng viên theo sở thích. Nếu không có ứng viên nào giành được đa số, ứng viên có số phiếu ít nhất trong lần bỏ phiếu đầu tiên sẽ bị loại và phiếu bầu lần hai của các cử tri sẽ bị phân phối lại, và tiếp tục quá trình cho đến khi người giành được đa số phiếu xuất hiện. Làm theo cách này, những người chủ trương ôn hòa phi đảng phái hay ứng viên thuộc đảng thứ ba có thể giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đã bị phân cực, và, dù sao mặc lòng, những đối thủ khác, chứ không chỉ Cộng hòa và Dân chủ, cũng được tham gia. Logic tương tự cũng có thể được áp dụng cho triển khai các cuộc bầu cử tổng thống, như vậy là có thể tưởng tượng được rằng đảng thứ ba, có chủ trương ôn hòa, cũng có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vì lúc đó nhân dân sẽ không sợ mất phiếu khi chạy từ đảng này sang đảng kia trong hệ thống chỉ có hai đảng lớn. Khi có ứng viên thuộc đảng thứ ba, ôn hòa, tham gia, những ứng viên được chỉ định của Cộng hòa và Dân chủ sẽ phải lôi cuốn các cử tri ôn hòa để được xếp hạng nhất hay hạng hai trong những lá phiếu xếp hạng của cử tri.
Chính xác là vì khả năng phá vỡ độc quyền mà hai đảng lớn chia sẻ với nhau – và cách thức mua bán ảnh hưởng và đề ra chính sách như từ trước đến nay mà hệ thống đóng kín này đang giữ – khó có thể xảy ra những cuộc cải cách triệt để như thế có thể được áp dụng trong toàn quốc, mặc dù một số chính quyền thành phố đã bắt đầu áp dụng hệ thống AV.2 Đấy là chưa nói những việc mà các cử tri đầy tức giận và quyết tâm có thể làm nếu những phương tiện để thực hiện những thay đổi đó được trao thông qua các sáng kiến hoặc trưng cầu dân ý ở cấp bang. Chứng kiến một số bang áp dụng thử AV để bầu các thành viên của cơ quan lập pháp bang, cũng như các chức vụ của bang như thống đốc, hoặc thậm chí các khu vực bầu cử có nhiều ứng viên vào cơ quan lập pháp địa phương và bang chắc chắn sẽ rất thú vị và là biện pháp kích thích chế độ dân chủ Mỹ.
Cũng đã đến lúc đặt vấn đề về quy mô của hạ viện. Từ năm 1910, quy mô của Hạ viện được ấn định là 435 người, nhưng dân số Hoa Kỳ đã tăng gấp hơn 3 lần (từ 91 triệu lên gần 300 triệu). Kết qủa là, số người mà mỗi nghị sĩ hiện nay đại diện đã tăng gấp ba, từ 211 ngàn năm 1910 lên khoảng 690 ngàn.3 Đây có thể là một trong những lý do – chưa được đánh giá đúng trong hầu hết các bình luận – vì sao càng ngày dân chúng càng cảm thấy bị cách biệt với chính phủ. Giải pháp khá đơn giản: Gia tăng qui mô của quốc hội, đây là lần đầu tiên trong một thế kỉ qua. Quốc hội Pháp có khoảng 550 nghị sĩ. Quốc hội Anh có gần 650 nghị sĩ, trong khi dân số chỉ bằng một phần năm của Hoa Kỳ; kết quả là số dân trong khu vực bầu cử nghị sĩ gần bằng số dân trong khu vực bầu cử nghị sĩ ở Mỹ vào năm 1850 (dưới 100 ngàn người). Để có tỉ lệ như vậy, Hạ nghị viện Hoa Kỳ phải có quy mô không thể tưởng tượng nổi là 3.000 nghị sĩ, nhưng cuộc cải cách khiêm tốn có thể tăng quy mô, sau cuộc điều tra dân số năm 2010, thêm ít nhất là 100 nghị sĩ, mỗi nghị sĩ đại diện cho 560 ngàn người Mỹ. Sự mở rộng như thế phải đi kèm với những cuộc cải cách nhằm phi chính trị hóa việc phân bố lại khu vực bầu cử, sao cho đảng giữ thế thượng phong trong bang không cướp được tiến trình nhằm tự tưởng thưởng cho mình một cách quá đáng.
HƯỚNG TỚI CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ TỐT ĐẸP HƠN
Một trong nhiều sự trớ trêu trong đời sống chính trị là trong một phần tư thế kỉ qua Hoa Kỳ đã đi đầu trên con đường thúc đẩy dân chủ trên toàn thế giới, trong khi chất lượng dân chủ của chính nước Mỹ lại đã và đang xấu đi. Đáng lo hơn là cho đến tận thời gian gần đây, vẫn có tương đối ít người để ý đến sự kiện này. Trong khi chế độ dân chủ tự do ở Hoa Kỳ vẫn ổn định và vững chắc, nhưng, một lần nữa, nó có thể trở thành chế độ dân chủ tốt đẹp hơn, tự do hơn, có nhiều người tham gia hơn, có trách nhiệm giải trình hơn, cạnh tranh hơn và có trách nhiệm hơn. Điều đó đòi hỏi phải có một số cách tân nhằm phục hồi lại những thiết chế chính trị của Hoa Kỳ và làm sống lại tinh thần của chế độ dân chủ Mỹ, dựa trên tinh thần công dân tích cực và lành mạnh chứ không phải là thái độ hoài nghi đầy yếm thế về quyền lực.
Chương trình cải cách chế độ dân chủ Mỹ không thể thành công, nếu được đưa từ trên xuống. Muốn cách tân và cải thiện chế độ dân chủ Mỹ thì người công dân phải tự giáo dục và tham gia, đấy là những người nhận thức được rằng tham nhũng và lạm dụng chức quyền sẽ làm cho công dân xa lánh và nhân dân sẽ nhận được chính phủ với chất lượng mà họ sẵn sàng trả giá. Không được đánh giá thấp khả năng của người Mỹ trong việc huy động theo cách đó – sử dụng cả những hình thức tổ chức cũ lẫn những hình thức mới, trên cơ sở “công nghệ giải phóng”.
Nhưng những phong trào từ dưới lên thường được những nhà lãnh đạo biết cách khơi gợi những bản năng tốt đẹp của chúng ta truyền cho cảm hứng. Đứng trước những thách thức quá lớn ở các trong nước lẫn trên trường quốc tế, không khó để tưởng tượng ra rằng người Mỹ sẽ lại một lần nữa hưởng ứng lời kêu gọi của một vị tổng thống như John F. Kennedy khi ông nói trong bài diễn văn nhậm chức trong một ngày lạnh giá vào tháng 1 năm 1961: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước”. Cũng có thể tưởng tượng được rằng vị tổng thống mới đó có thể bắt đầu phục hồi được niềm tin của người dân trên thế giới vào nước Mỹ bằng cách nhắc lại và sau đó, thực hiện câu sau đây trong diễn văn nhậm chức của Kennedy: “Hỡi các công dân trên toàn thế giới, đừng hỏi Hoa Kỳ sẽ làm được điều gì cho quý vị, mà hãy tự hỏi chúng ta có thể cùng nhau làm được điều gì cho quyền tự do của con người”.
Chú thích:
1. Benjamin Reilly, “Electoral Systems for Divided Societies”, Journal of Democracy 13 (April 2002): 156-170; và Reilly, Democracy in Divides Societies: Electoral Engineering for Conflict Management (Cambridge, U.K.: Cambridge University Press, 2001).
2. Năm 2006, cử tri ở Oakland, California; Minneapolis; Takoma Park, Maryland; và Pierce County, Washington, quyết định từ năm 2008 và 2009 áp dụng AV cho một số cuộc bầu cử địa phương.
3. Thirty-Thousand.org, “How Did the Size of the House Become Constrained at 435 Reprentatives?”,http://www.thirty-thousand.org/pages/Why_435.htm. Đọc thêm the accompanying Table B, http:// http://www.thirty-thousand.org/documents/Apprtionment_USCB_table_B.pdf.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)