Lẽ Thường (Common Sense) - Chương II
Bàn về Chế độ Quân chủ và Quyền Lực Cha Truyền Con Nối
Con người sinh ra đều bình đẳng, sự bình đẳng này chỉ có thể bị tiêu diệt vì những hoàn cảnh xảy ra sau này; sự khác biệt của giàu và nghèo, phần lớn cũng là kết quả của hoàn cảnh chứ chưa cần kể đến cái điều mang tên xấu xa là [khuynh hướng] đàn áp và lòng tham [của con người]. Sự đàn áp vẫn thường là Kết quả, chứ ít khi hay chưa bao giờ là Phương tiện của kẻ giàu; và mặc dù lòng tham sẽ giữ cho người ta không bị túng bấn nghèo hèn, nó thường khiến cho người ta trở nên nhút nhát trong việc xây dựng gia tài, [vì lúc nào cũng bo bo giữ của].
Nhưng có một sự khác biệt nữa lớn lao hơn mà tôn giáo hoặc thiên nhiên cũng không giải thích nổi, đó là sự khác biệt giữa vua chúa và thần dân. Nam và nữ khác nhau vì thiên nhiên tạo ra như vậy; trời đã phân biệt thế nào là tốt xấu; nhưng vì lý do nào mà một sắc dân hiện hữu trên trái đất này lại được xưng tụng hơn những sắc dân khác, được xem như một giống dân mới, là điều mà ta cần xem xét để xem họ là phương tiện tạo nên hạnh phúc hay khốn khổ cho nhân loại.
Trong những thời đại đầu tiên của thế giới, căn cứ trên niên biểu ghi trong Kinh Thánh, thế giới này không có vua chúa; hệ quả của việc này là không có chiến tranh. Chính sự kiêu căng của những ông vua đã đẩy nhân loại vào những xáo trộn. Hà Lan khi không có vua đã được hưởng thái bình trong thế kỷ vừa qua hơn bất cứ một chế độ quân chủ nào ở Âu châu. Thời cổ đại cũng cho thấy cùng một hiện tượng; đời sống yên bình và điền dã của những tộc trưởng đầu tiên đã mang lại được một sự hạnh phúc nào đó; sự hạnh phúc này tan biến đi khi ta đi đến thời đại của hoàng triều Do Thái.
Chính quyền do vua cai trị là mô hình do những kẻ Ngoại giáo bày vẽ ra đầu tiên trên thế giới, và từ đó người Do Thái bắt chước phong tục này. Đó cũng là một phát minh thành công nhất của Satan khi tạo ra cơ sở cho sự sùng bái thần tượng. Những Kẻ Ngoại giáo thờ phụng những vị vua đã chết của họ như những ông thánh, và những tín hữu Thiên Chúa giáo bắt chước theo và cải tiến tục lệ này bằng cách tôn vinh những ông vua còn đang sống như thần thánh. [Khi những ông vua này chết đi thì] Thật là bất kính khi danh hiệu thánh đế được gán cho những con giun đang nằm giữa thân thể huy hoàng đang tan rã trong đất bụi!
Những quyền bình đẳng của thiên nhiên phủ nhận sự tôn sùng một cá nhân là cao trọng hơn những người khác, và ta cũng không dựa vào quyền lực của Kinh Thánh được để bào chữa cho sự tôn sùng cá nhân này, vì ý chí của Thượng Đế, như đã được lãnh tụ Gideon và tiên tri Samuel công bố, đã khẳng định là không chấp nhận chính quyền do vua chúa thiết lập.
Những chế độ quân chủ đã che đậy một cách khéo léo những phần chống lại chế độ quân chủ được ghi trong Kinh Thánh, nhưng những phần này đáng được những quốc gia chưa được thành lập chú tâm đến. Câu nói Hãy trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar là giáo điều chính thức của triều đình, nhưng câu nói này không chứng minh được là Kinh Thánh ủng hộ cho chính quyền quân chủ, vì người Do Thái lúc đó không có vua và đang là nước chư hầu của La Mã.
Cho đến nay ba ngàn năm đã qua đi kể từ thời Moses ghi lại việc lập quốc cho đến khi người Do Thái bị ảnh hưởng của một ảo tưởng quốc gia đòi hỏi phải có một vị vua. Cho đến lúc này, mô hình chính trị của dân Do Thái (ngoại trừ trong những trường hợp phi thường, có Thượng Đế nhúng tay vào), là mô hình cộng hòa được điều hành bởi một quan tòa và những trưởng lão trong bộ tộc. Họ không có vua, và người ta bị xem là có tội khi dùng danh hiệu Vua cho bất cứ ai, vì danh hiệu này chỉ được dùng cho Thượng Đế. Và nếu ta suy nghĩ cho kỹ về những sự tôn sùng thần tượng dành cho những ông vua, ta sẽ thấy Thượng Đế vì danh hiệu của Ngài, sẽ không chấp nhận một mô hình chính quyền nào mà lại dám xâm phạm đến uy quyền của thiên đàng một cách bất kính như vậy.
Trong Kinh Thánh, chế độ quân chủ được xếp là một trong những tội lỗi của dân Do Thái, và vì đó mà Kinh Thánh đã có lời nguyền rủa những tội lỗi này. Lịch sử của diễn tiến này đáng để cho ta xem xét.
Dân Do Thái bị dân Midianites thống trị. Gideon lãnh đạo một đoàn quân nhỏ chống lại quân Midianites và đã thành công nhờ sự can thiệp của thần thánh. Người Do Thái, hân hoan với sự thành công này và cho đó là nhờ ở tài quân sự của Gideon, và đề nghị Gideon lên làm vua. Họ nói: Xin Ngài hãy cai trị chúng tôi, cả con cái và cháu chắt của Ngài cho đến đời đời. Đó là một sự cám dỗ quá mức đối với một người, không phải chỉ có một vương quốc, mà còn là vương quốc cha truyền con nối. Nhưng Gideon là người ngoan đạo và tin kính Thượng Đế đã trả lời: Ta sẽ không làm vua cai trị các ngươi đâu, cả con cái của ta cũng vậy. Chỉ có Đức Chúa Trời mới là vua cai trị các ngươi. Thật là không còn từ ngữ nào rõ ràng hơn nữa; Gideon không những đã từ chối cái vinh dự này, mà còn phủ nhận luôn cái quyền phong vương của dân chúng; không những đã không ca tụng họ, mà trong tư thế của vị tiên tri, còn buộc tội bất kính đối với vị Chủ tể của vũ trụ là Vua của thiên đàng.
Khoảng một trăm năm chục năm sau, dân Do Thái lại phạm vào lỗi lầm này nữa. Lòng khao khát tôn thờ thần tượng như những kẻ Ngoại Đạo của họ là điều thật là khó hiểu, nhưng điều đó đã xảy ra. Nhân cớ hai người con của Samuel, khi được giao cho một số nhiệm vụ thế tục, không thi hành đúng đắn, dân Do Thái kéo nhau tới đòi hỏi Samuel: Hãy nghe đây, Ngài đã già rồi, và con của Ngài không cáng đáng được công việc của Ngài, xin hãy chọn cho chúng tôi một vị Vua để cai trị và phán xét chúng tôi, như dân những nước khác. Ta không thể không nhận thấy lý do của những hành động này là xấu, nghĩa là, họ muốn giống như những nước khác của dân Ngoại giáo, trong khi sự vinh quang thực sự nằm ở chỗ càng khác những nước đó chừng nào thì càng tốt chừng đó.
Nhưng điều khiến Samuel phật lòng là điều họ xin có được một vị Vua để xét xử cho họ; và Samuel cầu nguyện với Thượng Đế. Ngài nói với Samuel rằng: Con hãy nghe những điều dân chúng nói với con là không phải chúng từ khước con, mà là từ khước TA, là Ta không nên cai trị chúng nữa, dù Ta đã đem chúng ra khỏi Ai Cập và ban cho chúng bao nhiêu điều lành cho đến ngày nay; thế mà chúng đã từ bỏ Ta mà thờ phụng những thần thánh khác; thì chúng cũng sẽ đối xử với con như vậy. Tuy thế, hãy nghiêm chỉnh bác bỏ yêu cầu của chúng và nói cho chúng biết cách thức mà một ông vua sẽ cai trị thần dân như thế nào; không phải một ông vua cá biệt nào đó mà là vua chúa nói chung, những ông vua trên trái đất này mà người Do Thái đang hăng hái muốn bắt chước. Bất kể không gian hay thời gian nào, đặc tính của những ông vua cũng vẫn như nhau.
Và Samuel nói với dân chúng, những người đang yêu cầu có một vị vua, những điều mà Thượng Đế nói với ông: Đây là cách thức mà nhà vua sẽ cai trị các ngươi; nhà vua sẽ bắt con trai các ngươi để phục vụ trong việc đánh xe, làm nài ngựa, làm lính hầu chạy hiệu (sự mô tả này giống như những điều ta thấy hiện nay để làm tăng sự oai vệ của vua) và nhà vua sẽ cho con các ngươi làm tướng quân, làm đội trưởng, bắt chúng phải cày cấy, chế tạo vũ khí và dụng cụ cho xe ngựa của vua; con gái sẽ bị bắt làm nữ tì hầu hạ, nấu nướng và phục vụ nhà vua (đoạn này mô tả sự xa xỉ và sự đàn áp của những nhà vua), và nhà vua sẽ chiếm lấy ruộng vườn, những mảnh đất màu mỡ nhất để ban cho kẻ hầu hạ nhà vua, rồi nhà vua sẽ lấy thuế một phần mười hoa màu của các ngươi và ban cho những tướng lãnh và quân hầu (những hành vi này của nhà vua cho thấy tham nhũng, hối lộ, và thiên vị công thần là những sự xấu xa thường trực của chế độ quân chủ), rồi nhà vua sẽ lấy một phần mười tớ trai cùng tớ gái của các ngươi, những thanh niên và lừa ngựa khỏe mạnh nhất để phục vụ nhà vua, và một phần mười gia súc của các ngươi, và chính các ngươi sẽ trở thành quân hầu cho nhà vua. Lúc đó các ngươi sẽ kêu than vì đó chính là nhà vua mà các ngươi đã chọn. Và Thượng Đế sẽ chẳng thèm nghe lời van xin của các ngươi đâu.
Câu chuyện này giải thích sự tiếp diễn của chế độ quân chủ; chẳng phải vì có một vài vị minh quân mà tước vị vua được thánh hóa, hay tẩy xóa được cái tội vì có ý định lập vua lúc ban đầu; những lời tán tụng vua David chưa bao giờ ghi nhận ngài chính thức là một vị vua mà chỉ ghi nhận là người được Thượng Đế yêu mến. Tuy nhiên, dân Do Thái không chịu nghe lời Tiên tri Samuel, và nài nỉ là chúng tôi muốn có một vị vua cai trị chúng tôi. Các nước khác thế nào chúng tôi cũng muốn theo như vậy. Nhà vua sẽ lên ngôi cai trị, và nếu có xảy ra binh biến, ngài sẽ thống lĩnh ba quân. Samuel tiếp tục lý luận với họ, nhưng chẳng ăn thua gì; ông kể ra những điều bội bạc của dân chúng [đối với ân sủng của Thượng Đế], nhưng họ vẫn làm lơ. Thấy dân chúng quá đỗi điên rồ, Samuel than lên rằng, Ta sẽ kêu cầu Thượng Đế và Ngài sẽ giáng mưa bão và sấm sét xuống các ngươi (đây là một hình phạt, vì lúc đó là lúc sắp thu hoạch mùa lúa) để cho các ngươi thấy rằng sự tồi bại mà các ngươi đã làm trước mặt Thượng Đế là quá lớn. Và trong ngày ấy Thượng Đế đã giáng mưa và sấm sét xuống khiến cho dân chúng sợ hãi uy quyền của Thượng Đế và Samuel quá đỗi, và kêu nài với Samual là hãy cầu xin Thượng Đế tha mạng cho họ, vì đã mắc thêm vào trong những tội lỗi của mình một tội nữa; đó là tội dám đòi hỏi có một ông vua. Những phần này của Thánh kinh đã nói rõ ràng và xác thực, không có chỗ cho sự diễn dịch nước đôi. Sự kiện đấng Toàn Năng đã phản đối chính quyền quân chủ hoặc là một sự thật, hoặc là Kinh Thánh nói sai. Ta có quyền nghi ngờ rằng vương quyền, như giáo quyền đã che giấu dân chúng phần Kinh Thánh này, vì vương quyền trong một hình thức nào đó cũng giống như giáo quyền.
Thêm vào sự xấu xa, ác hại của chế độ quân chủ là sự nối ngôi mang tính chất gia truyền. Cái điều xấu xa thứ nhất là tôn sùng một người cao trọng hơn những người khác vì đó là một sự hạ thấp giá trị và làm cho ta trở thành nhỏ bé, còn điều thứ hai là sự nối ngôi gia truyền mà đương nhiên được coi như là một cái quyền, thì đó là cả một sự sỉ nhục và áp đặt lên hậu thế. Vì mọi người sinh ra đều bình đẳng, KHÔNG MỘT AI được lấy cớ là vì dòng dõi của mình mà đặt gia tộc mình lên trên những người khác mãi mãi được, và dù người đó có được những người sống cùng thời tôn kính, nhưng con cháu của họ cũng chưa chắc đã xứng đáng để hưởng sự tôn kính này. Một trong những bằng chứng mạnh mẽ nhất chứng minh cho sự điên rồ của sự nối ngôi gia truyền là sự phản đối của thiên nhiên và đã biến thành trò cười cho nhân loại qua những trường hợp Hổ Phụ Sinh Khuyển Tử.
Thứ hai, vì không có ai có được sự tôn kính của công chúng ngoại trừ chính công chúng trao tặng sự tôn kính này cho họ; cho nên, công chúng không thể, một cách bất công, tước cái quyền của hậu duệ mình mà trao cho người được mình tôn sùng, vì như thế có khác gì nói rằng: “Vì tôi đã chọn ngài làm thủ lãnh của chúng tôi, con cháu, cháu của ngài cũng sẽ cai trị con cháu, cháu của chúng tôi mãi mãi.” Một sự giao ước phản tự nhiên, bất công, và bất trí như thế có thể, sau những sự nối ngôi kế tiếp, khiến cho dân chúng nằm dưới ách cai trị của một tên lưu manh hay ngớ ngẩn. Phần lớn những người khôn ngoan, trong suy nghĩ riêng tư của họ, đã coi khinh cái quyền kế tục gia truyền; nhưng điều này cũng giống như những điều xấu xa, tệ hại khác, một khi đã được lập thành thói quen rồi, rất khó mà dẹp bỏ đi; rất nhiều người vì sợ hãi nên phải tuân theo, những người khác làm theo vì mê tín dị đoan, còn những phần tử có sức mạnh hơn lại đồng lòng với nhà vua để bóc lột những người khác còn lại.
Sự kiện có một sắc dân làm vua trên thế giới đã giả thiết là họ có một nguồn gốc đáng tôn kính; nhưng thay vì giả định như thế, có lẽ sẽ có lý hơn nếu ta gỡ bỏ tấm màn che tối tăm của thời cổ và truy nguyên về căn cội đầu tiên của những dòng vua, ta sẽ thấy những ông vua sáng lập ra các triều đại cũng chẳng khá hơn những tên trùm đảng cướp, mà bản tính tàn bạo hay mưu mô xảo trá đã giúp cho họ giành được vị trí chúa đảng, và nhờ vào quyền lực được gia tăng mở rộng sự cướp phá khiến cho những người dân vô phương tự vệ và an phận phải sợ hãi và cam chịu dùng cống vật và tiền bạc để mua lấy sự an toàn. Nhưng những kẻ đã tôn sùng người đầu đảng lên làm chúa đảng cũng chẳng có ý định là trao luôn quyền cai trị cha truyền con nối, vì làm như thế có khác nào tự loại mình ra khỏi vị trí lãnh đạo và trái ngược với nguyên tắc phóng túng và tự do mà giới giang hồ vẫn tự dành cho mình. Vì thế, sự nối ngôi gia truyền trong những thời đại đầu tiên của quân chủ không thể xảy ra vì do nhà vua phán truyền như vậy, mà phải là một điều gì đó ngẫu nhiên hay điều người ta tán tụng nhà vua. Nhưng vì không còn tài liệu còn lại của thời xưa và lịch sử lại bị nhồi nhét quá nhiều truyền thuyết, nên rất dễ dàng chỉ sau vài thế hệ, người ta có thể bịa ra những chuyện hoang đường, để rồi đúng thời điểm thuận tiện, cũng giống như nhà tiên tri Mohamed, đem cái thuyết gia truyền mà tọng vào trong họng bọn dân đen. Có lẽ sự e sợ là hỗn loạn và bất ổn sẽ xảy ra khi một lãnh tụ chết và phải chọn lựa một người mới thay thế (sự bầu cử chúa đảng thường không được diễn ra trong trật tự) khiến cho nhiều người lúc đầu đành thiên về cái gọi là sự nối ngôi gia truyền; và khi điều này đã xảy ra, nó cứ thế mà tiếp tục, và cái điều mà lúc đầu người ta làm vì tiện lợi lại trở thành một cái quyền về sau.
Nước Anh, từ khi bị chinh phục, tuy cũng có được một vài vị vua tốt, nhưng cũng đã phải rên xiết dưới sự thống trị của rất nhiều ông vua tồi tệ. Tuy thế, ngay cả dưới sự cai trị của Chinh phục Vương William, những ai mà còn có chút suy nghĩ cũng chẳng dám bảo rằng đó là một triều đại đáng được kính trọng. Vốn dĩ là một đứa con rơi của Công tước xứ Norman, William cùng với đám hải khấu tiến chiếm Anh quốc và tự tấn phong làm vua xứ này, bất kể người dân xứ Anh có đồng ý hay không; đó là một hành động lưu manh, ti tiện. Hành vi này chắc chắn chẳng có dính líu tới thiên mệnh chút nào. Tuy nhiên, ta cũng chẳng cần mất quá nhiều thì giờ để phô bày thêm ra sự điên rồ của cái quyền cha truyền con nối. Nếu còn có ai mà tâm thần quá yếu đuối cứ vẫn muốn tin vào “thiên mệnh,” cứ để cho họ tha hồ mà tôn thờ cả chó lẫn cọp, cứ lung tung hết cả lên. Còn riêng tôi thì chẳng bao giờ bắt chước sự hèn kém của họ hay quấy rầy sự thành tâm của họ làm gì.
Nhưng tôi vẫn muốn hỏi những người này là nhờ vào đâu mà có được những ông vua từ thuở ban đầu? Câu hỏi này chỉ có ba câu trả lời; đó là do bốc thăm, do dân bầu ra, hay do tiếm quyền. Nếu vị vua đầu tiên được chọn ra do bốc thăm, thì điều này tạo thành tiền lệ cho đời kế, nghĩa là loại trừ trường hợp quyền thừa kế. Saul được chọn ra qua bốc thăm, nhưng quyền thừa kế không truyền xuống cho con cháu, và qua sự chuyển giao quyền lực này cũng không cho thấy có hàm ý thừa kế nào cả.
Nếu vị vua đầu tiên được dân bầu ra, thì cũng tương tự như trên, tạo ra một tiền lệ cho sự kế tục, những vị vua sau đó cũng phải được dân bầu ra. Vì nếu ta nói rằng cái Quyền của tất cả những thế hệ tương lại bị tước đoạt, vì hành vi của những cử tri đầu tiên bầu ra không những một ông vua, mà còn cả dòng họ của nhà vua cho đến vô tận, thì ta không tìm thấy điểm tương tự nào với lập luận này trong Kinh Thánh cả, mà ngược lại, ta lại tìm thấy trong tội gốc của con người, đó là ý chí tự do của con người đã bị ông tổ Adam đánh mất. Nếu so sánh như vậy, và ta chỉ có thể so sánh như vậy, thì ta thấy sự giao truyền quyền lực từ cha xuống con chẳng có gì đáng gọi là vinh hiển cả. Nếu vì Adam mà tất cả phạm tội, và nếu vì những cử tri đầu tiên bầu ra một ông vua mà tất cả đời sau phải vâng lời, thì ta thấy, một mặt, vì một người mà tất cả bị quyền lực của Satan thống trị, mặt khác, vì một số người mà ta mất đi quyền tự quyết. Đối với trường hợp đầu tiên, con người bị mất đi sự vô tội, đối với trường hợp thứ hai con người mất đi quyền lực của mình. Cả hai trường hợp đều khiến cho con người mất đi khả năng khôi phục lại những đặc quyền vốn có từ đầu. Từ đó ta có thể suy ra là tội tổ tông và quyền thừa kế quyền lực là hai điều tương tự như nhau. Đó là một sự liên hệ đáng hổ thẹn! Nhưng ngay cả những nhà ngụy biện giỏi nhất cũng không thể đưa ra một sự so sánh nào chính xác hơn.
Còn về sự tiếm quyền, chẳng có ai dám đứng ra để bào chữa cho sự cáo buộc này; sự kiện Chinh phục Vương William là một kẻ tiếm quyền là một sự thực không thể chối cãi hay phủ nhận được. Sự thật hiển nhiên là sự lỗi thời của nền quân chủ nước Anh chẳng đáng cho ta để ý tới.
Nhưng điều mà ta quan tâm không phải vì sự thế tập là điều phi lý hay xấu xa. Nếu sự thế tập bảo đảm được là sẽ có một giống dân thiện lương và khôn ngoan, thì nó đã được thượng đế ấn chứng, nhưng vì sự thế tập kế thừa lại mở ra cánh cửa của sự ngu si, độc ác và bất xứng, cho nên bản chất của sự thế tập là sự áp bức. Những ai tự xem mình sinh ra để cai trị người khác, bắt người khác phải tuân lệnh của mình, thì những kẻ ấy sẽ trở nên ngạo mạn và láo xược. Vì được tuyển ra từ bách tính, không thể trách được là tâm trí của những kẻ này đã bị đầu độc bởi tâm lý tự cho mình là quan trọng, và vì ở trong một không gian quá xa cách với thế giới bên ngoài về vật chất, họ chẳng có chút cơ hội nào để biết được nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Và khi họ lên nắm quyền, thì thường trở thành những kẻ cai trị ngốc nghếch và thiếu khả năng.
Một sự ác hại nữa liên quan đến sự thế tập là khi vua cha chết đi ngai vàng có thể sẽ được truyền lại cho một tiểu hoàng đế ngồi cai trị. Trong trường hợp này, những nhiếp chính vương, núp dưới chiêu bài phụ chính, sẽ có đủ mọi cơ hội và lý do để phản bội lại niềm tin của vương thất. Tương tự như vậy, vận rủi của quốc gia cũng xảy ra khi ông vua trở nên già yếu, đi vào đoạn cuối của cuộc đời. Trong cả hai trường hợp, quần chúng trở thành con mồi cho những kẻ đê tiện lợi dụng sự rồ dại của tuổi trẻ hay tuổi già để thủ lợi.
Có một sự bào chữa được coi là chính đáng nhất vẫn thường được dùng để biện minh cho sự thế tập là giúp cho đất nước không bị hỗn loạn và nội chiến. Nếu điều này đúng, đó quả là một lập luận nặng ký đáng để cho ta quan tâm; nhưng thực ra đó là một sự dối trá vô liêm sỉ áp đặt lên nhân loại. Toàn bộ lịch sử nước Anh đã phủ nhận điều này. Từ khi vương quốc Anh được thành lập đã có ba mươi ông vua và hai tiểu hoàng đế thay nhau cai trị. Trong suốt giai đoạn đó đã có (gồm cả một cuộc Cách mạng) không dưới tám cuộc nội chiến và 19 cuộc nổi dậy. Vì thế, sự thế tập thay vì để tạo bình an, lại gây ra bất an, và làm hỏng luôn chính cái nền tảng xây dựng nên quân chủ.
Cuộc đấu tranh giành vương quyền và kế nghiệp giữa hai họ York và Lancaster đã đưa Anh quốc vào thảm cảnh máu xương trong nhiều năm. Mười hai trận chiến ác liệt, chưa kể những trận giao tranh nho nhỏ và vây hãm thành trì đã diễn ra giữa Henry và Edward. Hai lần Henry bị Edward bắt làm tù binh, rồi Edward lại bị Henry bắt làm tù binh. Số phận của chiến tranh và tâm trạng của quốc gia thật là bất định, vì những chuyện tranh cãi cá nhân là đầu mối của chiến tranh. Henry được đưa từ ngục thất lên cung điện, còn Edward thì phải chạy từ hoàng cung ra nước ngoài; và như ta đã biết sự thay đổi tâm trạng đột ngột đâu có kéo dài được, cho nên Henry lại bị truất phế khỏi ngai vàng, và Edward lại được triệu về để cai trị. Quốc hội luôn luôn theo phe kẻ mạnh.
Sự tranh chấp này bắt đầu từ triều Henry Đệ lục và chỉ chấm dứt hẳn vào thời Henry Đệ thất khi các dòng họ được kết hợp lại. Giai đoạn này kéo dài 67 năm, từ 1422 đến 1489.
Nói tóm lại, quân chủ và sự thế tập gia truyền đã khiến cho (không phải chỉ có vương quốc này hay vương quốc nọ) mà cả thế giới phải chịu cảnh máu lửa. Đó chính là một mô hình chính quyền mà Thượng Đế đã phản đối và là một mô hình được tạo nên bằng xương máu.
Nếu ta tìm hiểu xem công việc thực sự của nhà vua là gì, ta sẽ thấy tại một vài nước, những ông vua không có gì để làm cả; sau một thời gian đi rong chơi, tiêu phí cuộc đời, không đem lại điều gì tốt cho cá nhân hay đất nước, họ rút lui khỏi sân khấu chính trị, và để cho hậu duệ đi thẩn thơ như họ. Tại những nước quân chủ tuyệt đối, nhà vua chịu hoàn toàn trách nhiệm về những vấn đề dân sự và quân sự. Dân Israel khi thỉnh cầu lập vua đã kêu nài là họ cần có vua để “phân xử cho chúng tôi và lãnh đạo chúng tôi đánh trận.” Nhưng tại những nước mà nhà vua không phải là quan tòa hay tướng quân, như tại nước Anh chẳng hạn, thì kẻ làm vua chắc cũng không biết công việc của mình là gì.
Bất cứ một chính quyền [quân chủ] nào càng tiến gần đến thể chế cộng hòa, thì ông vua lại càng có ít việc làm. Đối với chính quyền hiện tại ở Anh, thật là khó tìm được một tên gọi đúng đắn. Nam tước William Meredith gọi đó là cộng hòa, nhưng tình trạng thực tế của nước Anh cho thấy gọi như vậy là không chính đáng, bởi vì ảnh hưởng của sự nhũng lạm nhà vua, nắm toàn bộ tài sản quốc gia trong tay, đã tóm gọn toàn bộ quyền lực và khiến cho Viện Bình dân chỉ còn là hữu danh vô thực (viện bình dân là cái phần cộng hòa của hiến pháp), cho nên cái chính quyền của Anh quốc cũng chỉ là một chính quyền quân chủ giống như chính quyền của Pháp hay Tây-ban-nha mà thôi. Người ta vẫn thường cãi nhau về những cái tên mà chính họ không hiểu. Người Anh tự hào về cái phần cộng hòa chứ không phải cái phần quân chủ trong hiến pháp của họ; nghĩa là tự hào về sự tự do được lựa chọn thành viên Viện Bình dân từ trong thành phần bình dân. Và như thế, ta rất dễ nhận thấy là khi đức tính cộng hòa thất bại thì sự nô lệ ắt hẳn phải theo sau. Tại sao hiến pháp của nước Anh lại bịnh hoạn như vậy? Chẳng phải vì chế độ quân chủ đã đầu độc nền cộng hòa và nhà vua đã lũng đoạn quần chúng bình dân ư?
Ở nước Anh, nhà vua chẳng có việc gì để làm ngoại trừ việc gây chiến và phong tước cho kẻ này, người nọ. Nói cách khác là làm cho đất nước nghèo đi và khiến cho nước này phải cạnh tranh với nước nọ. Làm vua thì kể ra cũng sướng thật vì được hưởng lương đến tám trăm ngàn bảng Anh một năm lại được người ta sùng bái! [Tuy nhiên,] một người trung thực đối với xã hội và trước mặt Thượng Đế thì còn đáng giá hơn là cả đám những tên vua vô lại.
(Còn nữa)
Nguồn: Học viện Công dân: Lẽ Thường (Common Sense) – Thomas Paine.